Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần III - Chương 2
TRUYỀN BÁ, PHỔ THÔNG, ÍCH HỮU
Thấy độc giả “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” đã vững
rồi, tôi thảo một thư rất dài gửi cho ông Long (tôi viết thư mới giãi bày được
ý kiến đầy đủ, chớ nói thì tôi rất vụng) đề nghị nên ra một tờ báo trẻ em. Lúc
ấy, tờ “Cậu Ấm” của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong vừa đóng cửa, cả nước không có một
tờ báo loại đó, nếu ra được thì không những có ích mà lại còn hi vọng chạy như
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, hay hơn thế.
Ba hôm sau, ông Vũ Đình Long không trả lời
thư tôi. Nhưng đến ngày thứ bảy, ông trịnh trọng bấm chuông nhà tôi vào thăm,
mang theo một tập giấy: ông ngồi sít lại tôi, thì thầm như buôn giấy bạc giả.
Thì ra ông đã có ý kiến ấy từ lâu và bí mật cho tôi biết ông đã được phép xuất
bản một tờ báo loại đó lấy tên là “Truyền Bá” từ hai tháng trước.
Ông đã vẽ ma két rồi. Kế hoạch bán báo như thế này. Trình bày như thế
này. Chữ in như thế này. Đoạn phụ lục giúp vui bạn đọc như thế này. Ông Bằng
xem đi rồi cho tôi biết ý kiến, đồng thời cũng nên nghĩ luôn cả các mục vui ở
trang bìa 2, 3, và 4, hay là ta để thêm 4 trang trong nữa để cho bạn đọc xem cho đã?...
Suốt một tháng, tôi sang nhà báo chỉ thấy ông
Long nghĩ về tờ “Truyền Bá”, và bất cứ chuyện gì cũng quy về “Truyền Bá”. Ông
Long và tôi chia nhau ra viết quảng cáo, lời phi lộ. Báo in trước ba số để sẵn
đấy, bắt đầu bán số 1 thì in số 4 (hầu hết các báo của nhà Tân Dân in như thế,
vì vậy báo thứ bảy ra thì từ Nam Quan đến Cà Mau, nhà đại lý nào cũng có từ
chiều thứ sáu). Đúng như lòng mong mỏi, báo chạy dữ dội ngay từ số đầu. Ông vẫn
trung thành với quan điểm cố hữu: tiểu thuyết, ai cũng thích đọc tiểu thuyết;
bình luận, nghiên cứu khô khan lắm. Tờ “Truyền Bá” ra khổ nhỏ bằng bàn tay,
đăng mỗi số một truyện, trừ 8 trang cuối đăng các bài ngắn, vui, giải buồn cho
bạn đọc như “Đố Bạn”, “Truyện Tốc Hành”, “Kịch Vui”, “Ô Chữ”, “Nhịp Cầu”,
“Truyện Lạ Thế Giới”, “Kì Lạ Nhưng Có Thực”...
Có thêm một cơ quan, anh em “Tiểu Thuyết Thứ
Bảy” chạy sang viết thêm cho “Truyền Bá”. Đồng thời, các độc giả bốn phương
cũng gửi nhiều truyện về nhà báo, nhất là các mục vặt ở tám trang cuối, nên
chẳng mấy lúc chúng tôi lại thấy rằng có thêm tờ “Truyền Bá” cũng chẳng giải
quyết được việc gì cho anh em. Ông Vũ Đình Long làm đơn xin thêm một tờ báo
nữa, tờ “Ích Hữu”, làm một cơ quan sưu tầm, bình luận để làm chỗ phát biểu ý
kiến của anh em, nhân tiện cũng là để nói lên quan điểm văn nghệ, văn hóa, xã
hội của nhóm Tân Dân (và ít lâu sau này, phe Tự Lực Văn Đoàn vẫn giễu ông Long
là lái sách, chỉ lo vét tiền chớ không có quan tâm gì đến văn nghệ cũng như văn
hóa). Trong khi chờ phép tờ “Ích Hữu”, ông Long đưa ra thêm một sáng kiến: thay
vì tờ “Phổ Thông” ra mỗi tháng một số đăng trọn một truyện dài (loại bìa xanh),
ông cho ra thêm một loại nữa (loại bìa vàng). Thực ra, truyện của hai loại này
không cách biệt nhau nhiều lắm, nhưng ra thêm loại vàng, chúng tôi có ý kết hợp
thêm nhiều nhà văn, nhà báo, mà cũng là để cho báo chạy nhiều hơn nữa, vì loại
này bán rẻ hơn. Về phương diện thương mại, sáng kiến ấy đem lại một kết quả tốt
đẹp: “Phổ Thông Bán Nguyệt San” cả loại xanh, loại vàng đều chạy hơn. Hai loại
này, đánh số 1, 2, 3... riêng biệt, có một cái lợi khác là ai đã mua báo cũng
đều muốn cho đủ bộ để bầy tủ sách gia đình, không thiếu một số nào. Vì thế, ai
đọc quảng cáo của nhà Tân Dân đều thấy ông Long rất chú ý đề rõ giá báo và nhấn
mạnh độc giả nên mua cho đủ số thứ tự, đừng để thiếu, e mất giá trị của tủ sách
gia đình.
Về phương diện văn nghệ, nhờ hai loại này,
anh em trong nước có dịp thi thố tài nghệ rộng rãi hơn, đồng thời cũng kiếm
được nhiều tiền nhuận bút hơn khi trước. Nổi tiếng nhất trong bọn này là Nguyễn
Công Hoan, Lê Văn Trương, Thanh Châu, còn cuốn nọ kéo cuốn kia hầu hết đều sàn
sàn bằng nhau, thành thử có những nhà văn không nổi tiếng mấy mà cũng được
nhiều người đọc như những nhà văn nổi tiếng rồi, là nhờ các tập báo in ra đều
chước số thứ tự 1, 2, 3, 4...
Trong tám năm trời, vì phụ trách đọc, sửa,
chọn lựa bài vở và trông nom phần kĩ thuật của cả ba tờ “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”,
“Truyền Bá”, “Phổ Thông Bán Nguyệt San” (Phần khảo cứu, sưu tầm và thơ do ông
Trúc Khê Ngô Văn Triện phụ trách) của nhà Tân Dân, tôi mặc nhiên được cái may
là giao thiệp với đủ mặt anh em văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.
Bây giờ các anh em đã tản mác, mỗi người mỗi
ngả: người thì chết bịnh, người thì chết bom đạn ở ngoài mặt trận, người còn
sống ở miền nam, người thì chiến đấu ở chốn đèo heo hút gió, lại cũng có người
sống ở nước ngoài, đôi khi được biết tin tức là nhờ có bạn quen cho biết... Có
lẽ đây chưa phải là lúc kiểm điểm lại những người còn người mất, nhưng ngay lúc
này, tôi có thể nói rằng số anh em văn nghệ sĩ góp công vào việc xây dựng ba tờ
báo đó thật đông và thật kì lạ, y như một cánh vườn có trăm hoa, không hoa nào
giống hoa nào, mà cả trăm hoa đều đua nở. Ngoài những vị đã được biết từ trước
như Nguyễn Đỗ Mục (dịch Tam Quốc Chí, Liêu Trai), Dương Phượng Dực (dịch Les
Mystères de Paris), Nghiêm Xuân Lãm, Ngô Văn Triện (tôi được biết từ khi ông
làm “Thực Nghiệp”, thỉnh thoảng lại đến bán sách cho nhà tôi xuất bản) và những
bạn quen sau này như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Mỹ (tức Anh Mỹ), Lê Văn
Trương, Thanh Châu, Nguyễn Trẩm Giự, Ngọc Giao, Thâm Tâm, Hiên Chy, Trần Huyền
Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Từ Thạch, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân,
Vũ Lang, Lan Khai, Nguyễn Dân Giám, Vũ Ngọc Phan... trong lúc làm ba tờ báo nói
trên, tôi còn có cái may là tìm được nhiều bạn mới, trong số có nhiều anh hiện
giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhàn, Lý Văn
Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân, Lê Công Thành, Lâm Mỹ Hoàng
Ba, Nguyễn Duy Diễn, Văn Thu, nữ sĩ Ngân Giang, Trần Thanh Địch...
Nam Cao, cùng với tôi, nuôi cái ý thích là
viết truyện không có chuyện. Tôi tiếc một điều là lúc ký hiệp định Genève, từ
bắc di chuyển vào nam, tôi đã để lạc mất hàng ngàn bức thư trao đổi với các văn
nghệ sĩ, nói lên sở trường, sở đoản và hoài vọng của từng người thành thực cởi
mở cõi lòng với tôi. Tôi chỉ nhớ rằng qua những bức phúc thư, đối với mỗi
người, tôi đều đề nghị hướng về một con đường chuyên biệt: như với Nam Cao, tôi
đề nghị nên chuyên viết về những bạn trí thức nghèo, Tô Hoài về loài vật,
Nguyễn Tất Thứ về các phong tục và đồng dao miền Trung, Lý Văn Sâm về những
chuyện đường rừng Trung Nam, Phan Du về bọn quan lại đế kinh xuống dốc và các
lề lối ăn chơi ở sông Hương, núi Ngự, Nguyễn Văn Nhàn, về đời giáo học ở tỉnh
nhỏ, Nguyễn Duy Diễn về đời sống của người bịnh hoạn quanh năm, Kim Lân về các
cách ăn chơi lọc lõi của các vị con quan thất thế, như đá gà, chọi trâu, chơi
chó, chơi chữ, chơi cây, đấu kiệu... Tóm lại, tôi có ý muốn đề nghị với các anh
em chú ý hướng về một đường đi riêng biệt, để cho mỗi anh em có một “dấu” độc
đáo, dễ làm cho người viết văn nổi tiếng, cũng như ở Pháp, nói đến văn kì ảo,
bí mật thì phải kể Simenon, dâm thư viết thực mê ly có Pierre Louys, mà nói về
bọn anh chị có Francis Carco chẳng hạn...
Hầu hết các anh em thỉnh thoảng lại về trụ sở
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” để hội với nhau, mỗi khi có việc quan trọng như ra số
Tết, hay ra số đặc biệt; nhưng vì bịnh tim nên ông Long ít khi thù tiếp được.
Đại diện có Nguyễn Khánh Đàm (em Nguyễn Tuân), Trầm Kim Dần, phụ trách trị sự
những tờ báo của nhà Tân Dân và coi về nhà in, cùng tôi, đưa các bạn ấy đi ăn,
đi hát hay đi hút. Vì ít trực tiếp giao thiệp với ông Long, nhiều anh em không
hiểu ông và tưởng ông là một lái sách. Thực ra, ông là một người cần mẫn, có
tài, có học và có nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo. Tôi học được ông rất nhiều
trong tám, chín năm hợp tác.
“Truyền Bá” đóng cửa lúc Nhựt Bổn đánh Pháp
cùng với “Phổ Thông Bán Nguyệt San”. Nhà in Tân Dân dọn về Mục Xá (Hà Đông) tức
là quê ông Vũ Đình Long. Cọc cạch chỉ còn lại “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” ra khổ
45x30, nghiêng về chánh trị, rồi lại ra khổ 7.5x11 chuyên về nghiên cứu văn
học, nhưng trong suốt thời gian Nhật thuộc, “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” không còn
cách nào sống lại được những buổi huy hoàng khi trước nữa.
Sở dĩ như vậy, một phần lớn là vì đa số anh
em văn nghệ trong nhóm Tân Dân xếp bút nghiên theo kháng chiến. Thực ra không
phải đến lúc đó anh em mới theo kháng chiến; ngay từ hồi Nhựt tới, Pétain lên
cầm quyền ở Pháp thì nhiều anh em trong nhóm đã bí mật hoạt động rồi, nhưng vẫn
viết bài thường trực. Phải chờ đến lúc Pháp tiến vào Thủ đô, dân ta tiêu thổ
kháng chiến, lúc ấy anh em mới ra bưng thật sự. Trong khi đó, hầu hết dân chúng
Hà Nội và các tỉnh cũng như các thành phố lớn cũng đi theo kháng chiến, không
ai buồn đọc báo, thành ra làng báo có vẻ hoang vắng, xác xơ, buồn nản. Ngoài
những người ra đi, các nhà văn nhà báo còn ở lại khoanh tay nhìn thời cuộc,
thay vì viết văn viết báo, hoặc cạo trọc đầu nằm đọc truyện kiếm hiệp Tàu ở
tỉnh nhỏ như Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.
Ông Vũ Đình Long, tuy không nói ra lời, nhưng
cũng ở trong tâm cảnh ấy. Thêm nữa, từ lúc này bịnh tim làm cho ông nhọc mệt
hơn bao giờ, nên ông chỉ làm báo cầm chừng, và thừa lúc ở Mục Xá, ông nghỉ ngơi
nhiều hơn làm việc, và mỗi khi tôi về thăm, ông sung sướng vô cùng, trịnh trọng
làm một cử chỉ hiếm có: mở rượu sâm banh ra, để cùng nói chuyện về tình hình
đất nước, mà cũng là để tiễn đưa một thời gian làm báo vàng son.
Thôi, từ đây không còn những ngày dài tháng
rộng tương đối được viết lách và xuất bản tự do: Nhật đến, chế độ kiểm duyệt
được lập ra ngay dưới quyền điều khiển của một người Cao Ly theo Nhật. Nhà báo
bị hiến binh nửa đêm đến bắt có hàng trăm, hàng ngàn. Dân chúng sống trong sự
hãi hùng rùng rợn. Cùng lúc đó, Việt Minh nổi lên hoạt động ngay trong lòng
địch, đánh thức dậy lòng uất hận đối với cả “Pháp thực dân” và “Nhật phát xít”.
Kết luận: văn chương lùi xuống hàng thứ yếu, người nào cũng thấy bừng lên trong
lòng ngọn lửa thiêng chống xâm lăng và muốn xông ra tiền tuyến. Cố nhiên, ở vào
một giai đoạn như thế, làm báo văn nghệ không thể nào sống được. Người ta chỉ
muốn tìm đọc những tờ báo nói lên uất hận và nguyện vọng của người dân, những
tờ báo gào thét lên những tội lỗi tầy đình của thực dân và phát xít, nhưng ai
dám nói? Chỉ nói bóng nói gió một chút thôi cũng đủ làm cho những kẻ thống trị
bắt giữ, cho đi tù đày hay đánh đập cho đến chết và đóng cửa báo liền. Báo bí
mật của kháng chiến được hinh hương như sấm truyền. Những người không có gan
đọc báo lậu, đành trùm chăn, tìm những tờ báo khảo cứu, sưu tầm để đọc tiêu sầu
và cũng muốn nhân lúc quốc gia đa sự, học hỏi thêm để mở mang trí óc. Tờ “Tri
Tân” của ông Nguyễn Tường Phượng, có nhiều nhà văn lớp cũ hợp tác như Nguyễn
Văn Tố, Nguyễn Triệu, Nguyễn Quang Oánh nhờ đó cứ sống dai dẳng mãi. Tờ “Thanh
Nghị” của nhóm Đặng Thai Mai, Đinh Gia Trinh cũng được nhiều người lưu ý, nhưng
trội hơn hết trong thời gian này là tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” của Nguyễn Doãn
Vượng.
TRUNG BẮC CHỦ NHẬT
GIỮA HAI NƯỚC TỀ VÀ SỞ
Nói thực ra thì tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” không
đợi đến lúc này mới nổi bật trên làng báo Việt Nam, nhưng đã giữ được một địa
vị cao từ lâu lắm, ngay từ hồi mới xuất bản, hồi Pháp còn thanh bình bảo hộ đất
nước ta.
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Luận làm tờ “Trung
Bắc”. Nhờ uy tín từ hồi ông Nguyễn Văn Vĩnh còn để lại, báo “Trung Bắc” vẫn
được người Pháp nể vì cho nên dù không chạy bằng các báo hằng ngày khác như
“Đông Pháp” chẳng hạn, nhưng mỗi khi nêu một ý kiến ra thì vẫn được các nhà cầm
quyền Pháp đặc biệt lưu ý.
Tôi không hiểu làm sao Ngô Văn Phú và Hoàng
Hữu Huy, chủ nhiệm và chủ bút “Đông Pháp”, nhiều lần muốn ra một tờ “Đông Pháp
hàng tuần” mà lại không thi hành ý định. Ông Nguyễn Văn Luận xin ra tờ “Trung
Bắc Chủ Nhật” thì được phép ngay trong hai tuần. Lúc đó, tôi không còn hợp tác
với tờ “Trung Bắc” nữa: còn lại Dương Phượng Dực, Dương Mầu Ngọc, Mai Đăng Đệ,
Hồ Khắc Tráng, Nguyễn Văn Bân... Nếu tòa soạn này làm “Trung Bắc Chủ Nhật”,
chắc chắn báo sẽ thành cơm nguội, nên dù được phép, ông Luận vẫn lừng khừng
không biết quyết định ra sao. Cho đến một ngày kia, Nguyễn Doãn Vượng chạy sang
nhà tôi, báo cho biết là anh đứng chủ trương tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” do ông
Luận trao toàn quyền cho anh đứng làm. Vượng và tôi là bạn, nhưng thực ra thì
như anh em một nhà. Chính anh đã đưa tôi vào báo “Trung Bắc” hàng ngày, làm
phóng viên, và “Rạng Đông” làm thư ký tòa soạn. Anh em vẫn giao du thân mật với
nhau, riêng có thời kì làm “Vịt Đực” là tôi ít khi gặp Vượng, vì anh không mấy
tán thành đường lối của báo này, mặc dầu đi đâu người ta cũng nói đến tờ báo
đó. Vượng đặt nặng vấn đề xây dựng hơn là phá hoại. Vì thế, lúc gặp tôi nói về
tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” và rủ tôi hợp tác, anh nói rõ ngay ra là anh nghiêng về
mặt xây dựng và muốn rằng tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” sẽ có một “dấu” đặc biệt, độc
đáo cả về nội dung lẫn hình thức, không giống các tuần báo đã từng xuất bản ở
Việt Nam.
Đầy một thứ nhựa mới. Nguyễn Doãn Vượng mất
ăn mất ngủ để nghĩ cách trình bày tờ báo. Bây giờ, bìa báo như thế trông quen
mắt nên người ta coi là thường, chớ vào lúc đó, quả là một sáng kiến táo bạo:
bìa “Trung Bắc Chủ Nhật” số 1 trông như bìa một số báo Life hay Match. Mỗi kì,
cách trình bày lại đổi đi; còn bên trong thì các tít bài hoặc vẽ, hoặc
xếp typo; thẳng, ngang, dầy,
mỏng, chỉ đơn thuần có chữ hay kèm hình ảnh, tất cả đều theo tinh thần từ bài
báo tiết ra.
Về nội dung, “Trung Bắc Chủ Nhật” cũng hoàn
toàn mới: thay vì cứ mua bài xếp đống, rồi mỗi kì lấy ra một hai bài tương đối
có tính cách thời sự để lên đầu rồi kèm những bài “vô hại” đăng năm nào cũng
được, mùa nào cũng được, như trăm ngàn tờ báo khác lúc bấy giờ, Nguyễn Doãn
Vượng chủ trương mỗi kì báo đề cập đến một vấn đề nhứt định, đại khái một kì
nói về chiến tranh, một kì nhắm về cô đầu, một kì nhắm về hội họa mà những vấn
đề mang ra viết đó phải thiết thực, sát với thực tế, gắn liền với thời sự, mà nếu
đi trước thời cuộc càng hay.
Tôi tức Nguyễn Doãn Vượng vì anh ta khó tính,
làm việc gì cũng muốn cho toàn chân, toàn mỹ - mà theo tôi thì chân, thiện, mỹ
hoàn toàn, có bao giờ lại thể hiện được ở đời này? Mỗi khi suy nghĩ tìm vấn đề
gì khai thác, có khi anh thức sáng đêm như con ma, đi lại trong buồng sách để
tìm tài liệu và ghi chép những điều bật ra trong trí óc; như thế cũng chẳng làm
sao, nhưng ác hại là sáng hôm sau, anh sang nhà tôi kêu dậy thực sớm, để phô
bày ý kiến rồi đi thúc giục các anh em viết bài, triệt để khai thác từng vấn
đề. Có vấn đề viết một kì báo thì tạm đủ, nhưng cũng có những vấn đề ra đến
bốn, năm số báo liền mới sử dụng hết tài liệu, hay trình bày ý kiến. Vượng làm
tất cả các công việc ấy, còn tôi thì sắp xếp, làm tít, đặt thứ tự và sửa chữa
các bài để cho tất cả đều nhất trí, phối hợp cho có hệ thống và làm tít để cho
độc giả ham mà đọc. Làm xong các công việc ấy rồi, tôi chuyển lại trả Vượng;
nếu có thêm ý kiến hay tài liệu hoặc có sự việc gì mới xảy ra liên quan đến các
bài sắp đưa xếp chữ, anh lại sửa nữa, tìm thêm tranh ảnh để gài vào bài và
nhiều khi anh vùng đứng dậy chạy đi mất hút để tìm một anh nào khác nữa viết
thêm cho một bài liên quan đến vấn đề, mà anh biết rằng người bạn ấy có thừa
khả năng và hiểu biết về vấn đề muốn nói.
Làm báo như vậy, không thể viết gì thì viết,
nhưng phải viết những bài theo những mục đề và tinh thần do tòa soạn thảo luận
và quyết định. Cũng vì thế, sự đoàn kết của tòa soạn với ban giám đốc hết sức
chặt chẽ, mà những người viết phải tham khảo tài liệu, và viết thực nhanh. Bởi
vì có nhiều khi, thí dụ báo bắt đầu in ngày thứ năm, mà thứ hai mới biết cần
viết về vấn đề gì, người viết phải làm thế nào nội trong hai ngày thứ ba, thứ
tư, đi tìm tài liệu hay đi phóng sự, phỏng vấn để về viết cho kịp bài đưa chiều
thứ tư hay sáng thứ năm là cùng. Vào lúc đó là lúc hầu hết người ta viết báo
theo kiểu “dưỡng lão”, làm một tờ như tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” thật là vất vả,
nhưng nhờ cách quảng cáo, phát hành, cổ động rùm beng, báo chạy ồ ạt ngay từ số
đầu, nên anh em cũng không thấy mệt mỏi lắm, trái lại phấn khởi và hăng hái hơn
lên. Dần dần, số anh em bỉnh bút tăng lên gấp đôi, gấp ba, thay vì chỉ có
Vượng, Hồ Khắc Tráng, Sở Bảo Doãn Kế Thiện và tôi lúc đầu. Tòa soạn tăng cường
có thêm Đào Trinh Nhất, Văn Hạc Lê Văn Hòe hợp tác thường trực, còn viết bài
không nhất định thì có Nguyễn Huyền Tĩnh, Ngô Tất Tố, Hồ Khắc Quảng, Huyền Hà
Nguyễn Lan Hòa, Hồ Dzếnh, Tùng Hiệp, Nguyễn Tuân... và sau này có cụ Nguyễn
Quang Oánh dịch cho tập “An Tử Xuân Thu” và cụ Bùi Kỷ mỗi kì cho một bài
“Phương Pháp Học Chữ Nho”.
Ông Đào Trinh Nhất cũng như các cụ Bùi Kỷ,
Nguyễn Quang Oánh dăm thì mười họa mới đến nhà báo nói đôi ba câu chuyện. Tòa
soạn, làm thường trực có Hồ Khắc Tráng, Lê Văn Hòe, Huyền Hà, Tùng Hiệp và tôi.
Hồ Khắc Tráng, bút hiệu là Hồng Lam, lúc nào cũng hớt hơ hớt hoảng như sắp chạy
đi làm áp phe (thực ra anh
đi hút), đúng là một người làm báo: anh rất thính tai, thâu lượm được nhiều tin
tức mà viết lại nhanh, viết đủ mọi mặt, viết bất kể ở đâu và bất kể lúc nào cho
nhiều tờ báo cùng một lúc, nhưng lúc nào cũng thiếu tiền, bạ ai cũng vay, nhưng
được một cái là vay có trả. Cùng với Ngọc Thỏ, lúc nào anh cũng bỏm bẻm nhai
trầu, môi đỏ toe toét, tay cầm một tập giấy và, rất trơ, bất cứ ai cũng gạ làm
quen cho kì được, miễn là lấy được tin tức thì thôi, chửi hay khen anh không
bao giờ kì quản. Tùng Hiệp cũng là một trang thính tai như Hồ Khắc Tráng, nhưng
chỉ trong phạm vi những chuyện gia đình của người ta. Không hiểu nhờ hệ thống ăng ten nào, anh rất thông
thạo, nhưng biết để đấy, hoặc tiết lộ “từng giọt” cho anh em nghe chơi, chớ
không viết lên trên báo, vì anh rất “nguyên tắc” trong ý niệm về đời tư và đời
công của người ta: ông là thượng thư, bộ trưởng mà làm hại dân, hại nước thì
tôi đả, nhưng ông ăn chơi cờ bạc, ngủ bậy, ngủ bạ thì tôi không biết và tôi
không muốn biết. Có lẽ Tùng Hiệp Nguyễn Xuân Hiệp phải phân định rõ ràng như
thế, là vì chính anh không muốn ai trộn lộn đời tư vào với đời công của chính
anh. Hiệp là con trai một của một nhà có miếng ăn ở Hàng Bồ, sống một đời tương
đối đầy đủ từ tấm bé. Cuộc đời anh bình thản, vô lo lự, làm báo lấy tiền để
tiêu thêm; tuy có yêu nghề thực, nhưng yêu rượu, yêu cái đẹp của phụ nữ và yêu
sự cười cợt, sự vui nhộn còn hơn thế.
Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy một người nào
biết nhiều truyện quấy, truyện tiếu lâm Ta, Tàu, Tây, Ấn... như Tùng Hiệp. Bất
cứ ai nói về vấn đề gì nghiêm chỉnh đến đâu, anh cũng đề vào được một truyện “mặn”, một truyện “mạc xây de”,
một truyện “đểu” văn hoa nghĩa lý để cho ta cười cợt và bất cứ người nào, dù
quan trọng đến chừng nào, cũng hóa ra tầm thường, mất thiêng.
Vì thế, mặc dầu làm phóng viên và bỉnh bút
viết điều tra và truyện ngắn, Tùng Hiệp ở báo nào cũng phụ trách mục thả vịt,
mục vui nhộn, giọng văn không ác nhưng làm cho nhiều người tức không chịu được,
vì thế mới xảy ra vụ Clau-de Bourrin trong Hội Kịch Bắc Kì đem binh tôm tướng
cá đến trước cửa báo “Trung Bắc Chủ Nhật” đòi xin tí huyết của anh, nhưng, nhờ Vượng, vừa tung vừa hứng, vừa
khuyên can, vừa đe dọa dùng võ lực, nếu cần, nên công việc êm thấm và tướng cá
binh tôm rút ra về, không trống không kèn. Tuy nhiên, Hiệp vẫn không vì thế mà
chùn tay viết. Sau này, vào lúc Pháp trở lại Hà Nội, người mình tản cư kháng
chiến ra ngoài, Hiệp không có báo để viết nữa, tiếp tục trêu tức người ta bằng
báo miệng ở trong thành, vì thế mấy ông Tây lai uất không chịu được, đã bắn
Hiệp chết giữa lúc đời anh đang “xanh lên không biết bao nhiêu hi vọng”. Văn
Hạc Lê Văn Hòe trái ngược hẳn với Hiệp. Tùng Hiệp quấy bao nhiêu, trẻ bao
nhiêu, vui đời bao nhiêu thì Văn Hạc Lê Văn Hòe lại nghiêm bấy nhiêu, trịnh
trọng bấy nhiêu và già bấy nhiêu. Người đọc báo xem văn Lê Văn Hòe, tác giả
những cuốn như “Tầm Nguyên Tự Điển”, sổ hàng tràng chữ nho ra trong các bài
báo, tưởng đâu Lê Văn Hòe không là một ông lụ khụ thì cũng râu ria đạo mạo, có
cháu nội cháu ngoại rồi. Lầm. Văn Hạc Lê Văn Hòe cũng sít soát cùng tuổi với
chúng tôi khi đó, nhưng cũng như Đào Trinh Nhất, anh có một tư thế hơn nhiều
anh em khác, là vì anh là người... Tây pha Nho, thêm cái đức tính viết khỏe, viết
nhanh mà lại sống ngăn nắp, giữ được nhiều tài liệu, nên bất cứ vấn đề gì nêu
ra trong “Trung Bắc Chủ Nhật” và “Báo Mới”, anh thường với tay ra là có.
Câu chuyện sau đây là một chuyện thực về Lê
Văn Hòe: anh ta nói nhiều không chê được, nói thiên hô bát sát, nói không để
cho ai nói xen vào được một câu. Thậm chí có lần, không nhớ đề cập đến vấn đề
gì, anh nói nhiều đến nỗi phát ho hen lên. Một người, thừa dịp anh ho, lắp bắp
sắp nói xen vào thì... không, các bạn không thể tưởng tượng được Lê Văn Hòe xử
sự ra sao! Anh giơ cả hai tay lên xua xua, ra hiệu bảo ông kia đừng nói, để cho
anh... ho nốt rồi nói tiếp, và kết cục là đến lúc đứng lên ra về, ông bạn không
nói được một câu nào hết. Vì thế, tôi băn khoăn không hiểu Lê Văn Hòe cứ nói
như thế thì còn thời giờ đâu mà viết, viết “Trung Bắc Chủ Nhật”, viết “Báo
Mới”, viết sách, lại viết xã thuyết cho “Việt Báo” cùng với một số bạn hữu khác
để cho Phạm Lê Bổng ký tên “Lê Hoàng Long” và nhận là của mình viết ra. Nhiều
lần, tôi định hỏi Lê Văn Hòe nói suốt ngày như thế, còn thì giờ đâu mà viết,
thì Tùng Hiệp, thổ công Hà Nội, cho tôi hay là phúc cho Văn Hạc Lê Văn Hòe, anh
ta lại nể vợ - nể, chớ không phải sợ - về đến nhà là không ho he một
tiếng, im cứ thin thít như là thịt
nấu đông.