Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần III - Chương 1 - Phần 1
PHẦN III: BÁO
XÂY DỰNG
TIỂU THUYẾT THƯ
BẢY
Báo “Vịt Đực” đóng cửa, nhiều nhân vật trong nước, nhất là
bọn quan lại, bọn bợ Tây, bọn “Tây Annam” chửi đồng bào Việt Nam là “sale
Annamite”, bọn nghị viên nghị hòn, bọn lai căng mất gốc, đều thở phào vì đã nhổ
được một cái đanh trước mắt. Riêng chúng tôi không tiếc lắm, vì làm được ngần
ấy số báo, anh em đã thấy mệt mỏi quá rồi. Mệt mỏi vì viết bài, xoay tiền; mệt
mỏi vì phải lo đối phó đủ mọi mặt với Tây và bọn chó săn gà chọi; nhưng mệt mỏi
nhất là lúc nào cũng phải đề phòng, vì không có mấy khi chúng tôi không bị
người ta đe dọa. Người thì dọa bắn; người thì dọa cho ăn dơ; người thì dọa cho
vào bẫy rồi tống vào tù mọt gông; người thì dọa sẽ dùng lựu đạn nội hóa san
bằng tòa báo. Chúng tôi sẽ còn nhớ rất lâu vụ đàn em Lý Vịt ở Bạch Mai, một đêm
khoảng hai giờ, thừa lúc chúng tôi đang nghe hát ở Vạn Thái, nhảy vào sanh sự,
ném dao, quăng búa, một hai định chọc tiết chúng tôi vì chúng tôi không ngớt tố
cáo chúng mở nhiều sòng bạc ăn thua hàng ngàn, hàng vạn, mà viên đồn Pháp ở đấy
lại thông lưng với chúng.
Tại sao chúng lại dám làm dữ như vậy?
Có nhiều phần chắc chắn là tại chúng đặt tin tưởng vào viên
đồn người Pháp, nhưng chúng tôi đâu có ngán: ngay lúc ấy, một anh em nhảy qua
tường, đi gọi dây nói về sở Cẩm và Mật Thám cho người đến ngay để lập vi bằng và
mặt khác, chúng tôi tin ngay cho tên đồn người Pháp ở Bạch Mai biết rằng ngay
sáng sớm hôm sau, chúng tôi sẽ đăng báo tất cả các vụ này và khởi tố với các cơ
quan hữu quyền bọn vô danh đột nhập tại gia để giết người cướp của, và tố cáo
sự bất lực của viên đồn người Pháp trong việc duy trì trật tự, an ninh. Kết quả
trái hẳn với điều mà bọn Lý Vịt hằng mong đợi: bọn “Vịt Đực” không những không lạnh mắt, hơn thế lại phản công
chúng, như có thể làm mất chức ông thầy của chúng như chơi. Chúng bèn nhờ một
người quen với cả hai bên đứng ra dàn xếp và tổ chức một bữa tiệc linh đình để
cho bọn răng đen mã tấu hành
hung chúng tôi ở Vạn Thái có dịp cúi đầu tạ lỗi. Cố nhiên không có một người
nào trong bọn chúng tôi thèm tới, nhưng “đánh người chạy đi chớ không đánh người
chạy lại”, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp riêng Lý Vịt, và bảo cho y biết là
chúng tôi sẵn sàng tha thứ. Ấy đó, ngày nào cũng sống căng thẳng như thế, chịu
làm sao cho nổi. Sống như thế, một năm bằng mười năm. Bởi vậy, đóng cửa báo
“Vịt Đực” vào lúc đang chạy “lẫm liệt”, chúng tôi chỉ tiếc rẻ sơ sơ: anh em
trong tòa soạn, trị sự, cũng như tất cả bạn bè của báo đều thấy nhão cả người
ra, có dừng bước nghỉ xả hơi cũng là nhằm lúc. Duy buồn một điều là từ đây
không có tờ báo nữa, anh em ít có dịp tán gẫu và bàn tán xỏ xiên thiên hạ, cũng
như Khổng Minh nửa đêm dậy nhìn trời, biết khí số mình đã tận rồi mà tiếc “trời
dài đất rộng, từ đây ta không còn được ra ngoài trận địa nữa, trời hỡi trời!”.
Đây cũng là thời kì chấm dứt đời làm báo tập đoàn của tôi, anh em cùng chung
sống với nhau ở nhà báo, giải chiếu nằm sàn gác tán chuyện đầu voi đuôi chuột,
đến trưa dậy ăn cơm tập thể rồi ngủ, để chừng năm, sáu giờ thức dậy đi ăn uống,
phiện phò, rồi đi hát thâu đêm. Ít lâu sau, anh em phân tán mỗi người một ngả.
Phùng Bảo Thạch, Vũ Chung, Lưu Văn Phụng, cùng Dương Tự Giáp làm tạp chí “Văn
Hóa”, được chừng hai ba số thì thôi; còn tôi, không còn cách gì khác, tôi lại
trở về nhà, sống như một con ốc cuộn tròn trong vỏ, đọc các tác phẩm của
Dostoievsky, Simenon, Vicky Baum... Các tác phẩm của Dostoievsky ảnh hưởng đến
óc tôi hết sức sâu rộng: lần đầu, lòng tôi bớt chua chát, và cảm thấy rằng chỉ
có sự thương yêu và nhiều tha thứ mới đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời. Đồng
thời, tôi nhớ lại những lời mẹ nói, lúc tôi bước chân vào làng báo, và cảm thấy
lòng se sắt khi nghĩ rằng trong thời kì qua mình đã làm bao nhiêu việc thiếu âm
đức, thất nhân tâm... Một cuộc sống mới hình thành: tôi không muốn làm báo chửi
bới nữa.
Đọc sách báo Pháp mãi chán, tôi tìm đọc thơ của Lưu Trọng
Lư, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử và trong lúc này, tôi thường sang tán láo ở nhà Lưu Trọng Lư ở chung với Nguyễn Tuân đường
Nguyễn Trãi. Mỗi khi đọc một truyện gì hay, chúng tôi lại thuật lại cho nhau
nghe: Lư lúc ấy mê André Gide, còn Nguyễn Tuân và tôi thì ưa Dostoievsky. Lúc
ấy, Lư cộng tác với mấy tờ báo văn chương, rồi cùng Lê Tràng Kiều tổ chức tờ
“Tân Thiếu Niên” của Trần Tấn Thọ (anh họa sĩ Trần Tấn Lộc), nhưng ra được vài
số thì báo bị tịch thu và đóng cửa. Cái “chất” của Lư không phải là để làm báo
hàng ngày: anh ốm yếu luôn, lại thêm lúc nào cũng lơ mơ như ở trên mặt trăng
rớt xuống, có nhiều khi anh em ngồi đông đủ nói chuyện, mà tâm hồn để tận đâu
đâu, sịch một cái, anh chạy ra vơ lấy quản bút và mảnh giấy ghi lại một câu thơ
mà anh vừa nghĩ được. Lưu Trọng Lư làm thơ như một ký giả lão thành viết báo;
báo thiếu một đoạn, thợ in đòi một bài ngắn để đắp vào, kẻo để trắng trông
không được, thì Lư làm “Hà Nội Báo”, “Tiểu thuyết thứ năm” cũng vậy. Lê Tràng
Kiều phàn nàn thiếu bài, Lư nằm phủ phục xuống cái chiếu trải trên gạch viết
luôn một bài thơ. Thú thực, lúc đó, tôi không bao giờ đọc thơ của Lư, vì yên
trí là thơ nhăng nhít; mãi về sau này, đến lúc Nhật hạ Tây, có nhiều thời giờ
nhàn rỗi, tôi mới bắt đầu thưởng thức thơ của Lưu Trọng Lư và do đó cũng yêu anh
hơn, chớ thực ra lúc đầu thì tôi gần như không chịu được nhà thi sĩ đó, chậm
chạp, lười biếng, trốn chui trốn lủi như con cù lần.
Tiếp xúc lâu hơn, tôi mới thấy Lưu Trọng Lư là một người có
học, ham đọc và mâu thuẫn nhất là làm thơ như thế, anh lại thích đọc các sách
chánh trị, và tìm hiểu các hiến pháp, các tổ chức, các đảng phái của Pháp lúc
bấy giờ; vì thế sau này anh theo kháng chiến không về, tôi không lấy làm lạ, mà
chỉ lạ sao trong anh em, có tin người này chết, người kia chết mà không lúc nào
tôi nghe thấy tin anh chết trong khi anh mang bao thứ bịnh và bao nhiêu trác
táng trong thớ thịt và huyết quản.
Lúc cùng ở với Lư, Nguyễn Tuân chưa nổi tiếng. Tôi biết
Tuân từ lúc anh còn làm thông tín viên ở Thanh Hóa cho tờ “Trung Bắc Tân Văn”.
Đến khi tôi làm “Vịt Đực”, anh cũng thường lại chơi nhà báo, thỉnh thoảng lại
quăng cho một hai bài, nhưng vì anh viết dài, nên nhà báo không đăng được.
Những bài này hợp với một tờ báo - như “Ngòi Bút” của nhà xuất bản Hàn Thuyên
của tập đoàn Nguyễn Xuân Tái, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh - cho nên mới tung
ra vài bài như bài nói về “văn minh đồ hộp” nhạo Mỹ thì anh nổi bật. Thực ra,
trước đó, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trên văn đàn, với cuốn “Thiếu Quê Hương”,
“Vang Bóng Một Thời”, nhưng thật trội, phải kể từ lúc anh viết truyện ngắn loại
“Thèm Ốm” cho Trung Bắc Chủ Nhật" (được Nguyễn Doãn Vượng “mi” thật “trì”,
và Mạnh Quỳnh vẽ theo đúng ý muốn của anh). Đến cuốn “Chùa Đàn”, “Tóc Chị Hoài,
”Chiếc Lư Đồng Mắt Cua" thì tên anh thật vững, nhưng nói riêng về cá nhân
Tuân, bao giờ cũng như bây giờ, tôi vẫn nói công khai giữa thanh thiên bạch
nhật là tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương
nổi”. Chắc tôi cũng có nhiều điểm để cho anh không ngửi được, nhưng anh em cứ là anh em, lâu lâu không gặp
nhau thì nhớ, mà gặp nhau thì hôm trước hôm sau có chuyện “tẩy” lẫn nhau... gia
rít.
Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh.
Đi tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè
đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì
rét mà ở ngoài còn tối om như mực, tôi không đi, nhưng không được. Tôi đành
phải chiều anh bạn “lọ”. Để đi đâu? Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang
đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất
Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên,
tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.
Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không
thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội
khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết, để phe phẩy; nói thì rấm rẳn,
đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa;
đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò,
ăn chậm như rùa - mà chỉ ăn có hai chân thôi - còn cả con chim thì lấy tay
ngoắt phổ ky lại (chớ không gọi) bảo đem “cất giùm” vào bếp. Cái nếp sống hàng
ngày của Tuân đúng y như văn của anh viết trong các bài báo và tác phẩm của
anh: khó chịu lạ lùng, làm cho người mới quen bực muốn chết; nhưng các bạn đã
biết thì mặc cho anh muốn giở trò trống gì ra, tùy ý. Thanh Châu, Thượng Sỹ,
Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật cho anh là một “quái thai” và đả kích
kịch liệt, nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế,
không thay đổi và kì cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về
sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách, bắt chước như Tuân.
Quên làm sao được hôm Thanh Châu Ngô Hoan cưới vợ, mời anh
em văn nghệ đến ăn uống đông đủ ở nhà. Riêng Nguyễn Tuân không tới; anh em tức
quá đợi nửa tiếng đồng hồ, rồi quyết định ăn uống không chờ nữa. Chừng một
tiếng đồng hồ sau, Nguyễn Tuân mặc quần áo Tây cẩn thận, đến gõ cửa khe khẽ,
khều ngón tay kêu Thanh Châu ra ngoài, bảo cho mượn năm đồng rồi đi. Tất cả anh
em ngồi đó nổi đóa muốn “xuống phố” (lúc ấy gọi là xuống phố chớ không gọi là
xuống đường), chất vấn Tuân, nhưng chỉ một lát sau thì anh trở lại, với cái đầu
bù tổ quạ, nhón hai ngón tay cầm một cành la-dơn thực đẹp như trẻ con đi rước
đèn tháng tám, mừng Thanh Châu. Thì ra anh mượn tiền để đi mua bông hoa đó! Lúc
ấy, một cành la-dơn giá cao lắm độ hai hào, nhưng sau này có người biết anh đã
mua tới bảy hào, và biếu bà bán hoa thêm một đồng, còn lại bao nhiêu thì xe đi,
xe về hết nhẵn, không còn xu nhỏ!
Chính tôi đến bây giờ vẫn không biết có phải Nguyễn Tuân có
chất khùng ở trong đầu óc không, nhưng trước phong trào đang lên ở Mỹ hiện nay,
tôi dám quả quyết anh là một thứ tổ sư hippy, quấy không chê được. Điển hình
nhất là vụ sau đây:
Một đêm kia, chúng tôi đi hát ở Khâm Thiên, bắt được Tuân ở
giữa đường, rủ cùng đi đập trống. Tôi nhớ ngoài các anh em quen biết ra, có ông
Ba Mai Lĩnh. Ông Ba, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân và tôi, mỗi người ngồi xếp
bằng tròn, dưới đất, ở một góc nhà cô đầu, tu mỗi người một chai Văn Điển (mà
cấm không cho đưa cay một thứ gì, dù là củ lạc). Đã đành tu như thế xong thì Lý
Bạch, Lưu Linh cũng gẫy. Ấy thế mà Nguyễn Tuân, sau đó lại còn đi lờ khờ hết
nhà này sang nhà khác uống nữa, và đến khoảng ba giờ sáng thì cả phố Khâm Thiên
nhao lên như có loạn: ở trên nóc nhà, trên một cái gờ bằng gạch nối liền một
dẫy với nhau, Tuân đi lại như một anh hát xiếc, giơ hai tay ra lấy thăng bằng,
nhún nhảy trên một chân, thỉnh thoảng lại quay ngoắt người trở lại. Bao nhiêu
hồn vía của cô đầu và quan viên đều lên mây. Thật là kì lạ mà Tuân xuống được,
nhưng chuyện đến đây chưa hết.
Thấy Tuân say quá, anh em bắt cô đầu phải chăn cho anh đi ngủ. Cuộc vui tạm
đình. Đến sáng, mọi người đang ngon giấc ở trong chăn, cả nhà lại loạn lên như
thể bị mất trộm. Hỏi ra thì lại mất Nguyễn Tuân: không hiểu anh ta biến đâu
rồi. Mỗi người chia nhau một ngả để tìm. Thôi thì chẳng còn thiếu nơi nào không
lục soát: dưới gầm giường, trong tủ áo, trong hồ nước, trên bàn thờ ông vải của
bà chủ cô đầu. Vẫn chẳng thấy “Tuân mũi to” đâu hết. Vũ Trọng Phụng đoán: “Hay
là nó về nhà rồi?” Anh em định cử một người về nhà để tìm, thì có tiếng gõ cửa
rất gấp. Mở ra, lù lù một người cảnh sát. Nghe ông này cho biết thì té ra
khoảng năm giờ sáng hôm đó, vào lúc gà cõng con đi đái, Nguyễn Tuân đi xe đến
Cẩm Hàng Đậu bấm chuông xin vào thăm chánh cẩm Arnaud (ở trên lầu sở Cẩm) để
nói một vài câu chuyện cần. Cẩm Arnaud, bình thường gắt như mắm tôm, lúc ấy
đương ngủ ngon với vợ, mà trời lại rét, bỗng nhiên bị người ta đến phá, uất
không thể nào chịu được, chửi nhân viên trực đêm cứ oang lên và mời ông khách
bất nhã vào ngồi phòng khách cho đến sáng mới tiếp. Do đó, viên Cẩm mới biết
Tuân hát ở nhà nào và cho người đến báo để anh em đến bưng Tuân về. Trở lại câu chuyện đọc sách với Lưu Trọng Lư và
Nguyễn Tuân. Thực ra, Tuân viết ít và chỉ viết khi nào thích chí thôi; túng thì
đến “gõ” anh em chớ nhất định không chịu viết, như công chức, để cuối tháng lấy
tiền. Phần tôi, trước khi làm các báo Công Dân, Tương Lai, Rạng Đông, tôi đã
viết truyện dài, truyện ngắn, nhưng không chuyên chú lắm. Bây giờ, ngày rộng
tháng dài, muốn tìm học cách viết truyện của người Âu Mỹ mới, tôi mua
Gringoire, Candide, Lu, Vu, để đọc và chú ý đặc biệt về tiểu thuyết. Lúc đó,
trong toàn quốc, chỉ có một tờ báo chuyên về tiểu thuyết: đó là “Tiểu Thuyết
Thứ bảy” của ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân. Đến bây giờ, tôi vẫn
còn cảm phục ông Vũ Đình Long, vì ông đã tỏ ra hiểu biết ngay từ buổi đầu hội
kiến. Trên căn gác nhỏ trang trí theo kiểu Tầu, tôi đi thẳng vào vấn đề với ông
Long: từ trước đến nay, truyện ngắn của ta đòi người viết phải có một cốt
truyện hoặc ly kì ít, hoặc ly kì nhiều, thí dụ các truyện ngắn nói về những mối
tình éo le làm cho người đọc hồi hộp và than khóc.
Dù sao, báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” cũng là tờ báo hiện giờ
chạy nhất nước, có một số độc giả vững chắc rồi. Ông thử nghĩ xem có nên đưa ra
một loại truyện mới để cho lãnh vực tiểu thuyết của ta phồn thịnh hơn? Ông Vũ
Đình Long bằng lòng thí nghiệm. Những truyện ngắn đầu tiên của tôi trên báo
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” (khổ nhỏ, ngoài vẽ một bức tượng bán thân) như “Chàng Kim
người Bắc, cô Kiều người Kinh”, hay “Một người rơi xuống hố”... đều thuộc về
loại truyện ngắn kiểu mới vừa nói trên. Cuộc đời, theo tôi nghĩ, thường bình
dị, xuôi đuột, không có khúc mắc như các tiểu thuyết gia thường tả. Bịa đặt,
phóng đại hay phiền phức hóa cuộc đời không phải là hiện thực. Thí dụ một cô
gái yêu một chàng trai, nhất định phải lấy nhau cho bằng được. Nhưng hoàn cảnh
không cho lấy nhau: nhà tiểu thuyết cho họ đâm đầu xuống sông, bỏ nhà đi tu,
hay là bắn súng vào đầu trên một nấm mả ở ngoài đồng. Rất có thể như thế lắm.
Nhưng trong khi đó ta cũng thường thấy những cặp trai gái như thế dắt nhau ra
bờ sông đứng than khóc và đòi cùng trầm mình một lúc, song le đến lúc chót thì
họ chẳng nhảy xuống sông, mà cũng chẳng đi tu, nhưng chia tay từ giã, ai về nhà
người ấy ngủ ngon. Một trường hợp khác: có anh say rượu, đi đêm về nhà, rơi
xuống một cái hố. Anh ta la lối om sòm, kêu mọi người đến cứu. Có ông sư, có
thày tu, có nhà chính khách, có ông bác học đi qua, ai cũng hứa sẽ tìm cách để
lôi người ở dưới hố lên. Nhưng rút cục, ai cũng đi mất tăm, mất tích. Đêm vắng,
anh rơi xuống hố còn lại một mình với mình. Anh ta suy nghĩ lung và cuối cùng bật
ra một sáng kiến: cái hố không lấy gì làm sâu, anh cho hai tay lên miệng hố leo
lên mặt đất, thủng thẳng đi về nhà.
Một truyện ngắn hồi đó đăng lên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” được
nhuận bút năm đồng. Năm đồng tiêu được nhiều việc hơn 5.000 đồng bây giờ, nhưng
điều đó là thứ yếu. Điểm chính yếu, đáng lưu ý, là mình đã đưa ra được một loại
truyện mới - có thể độc giả không ưa mấy - nhưng dù sao thì rồi đây cũng có một
số thức giả không coi thường tờ báo. Đó là điều mong ước của tôi. Và cũng vì
mong ước và tin tưởng như thế nên tôi cứ tiếp tục viết loại truyện đó... cho
đến khi tình giao hữu giữa ông Vũ Đình Long và tôi đậm đà hơn. Qua những câu
chuyện, lần lần tôi được biết ông Vũ Đình Long tự tay làm hết các công việc của
báo: từ việc đọc các bài của độc giả - trừ mấy bạn cộng tác thường xuyên như
Nguyễn Trẩm Giự, Lan Khai, Vũ Lang, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Tuân, Nguyễn
Công Hoan - đến cách xếp đặt trang báo, trình bày tranh vẽ, chọn lựa tiểu
thuyết Tàu, Tây để dịch. Có lẽ cũng qua những câu chuyện đó, ông Long hiểu tôi
hơn và biết tôi cũng hơi rành về ấn loát, về “mi” và có đôi chút kinh nghiệm về
nhà báo, ông ngỏ ý sẽ lấy mỗi tuần của tôi một truyện ngắn, thay vì nửa tháng
một truyện. Và tôi cứ giúp việc “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” như thế chừng nửa năm,
cho đến một ngày kia, ông mời tôi, buổi tối, sang nói chuyện. Câu chuyện lần
này tương đối trịnh trọng hơn các lần trước: ông Ngọc Giao giúp việc thường
trực “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” trong phạm vi sửa văn, sửa lỗi xếp chữ ở mô rát, có ý định muốn đi Sài Gòn
làm ăn. Ông Bằng có vui lòng đến giúp việc hẳn “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” không?
Không thích điệu,
tôi nhận lời ngay, nhưng xin một điều kiện là tôi giúp “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”
trong mọi việc mà ông ủy thác, nhưng không thể theo giờ công chức. Tôi đến lúc
nào, tùy tôi; miễn tôi thu xếp với nhà in cho mọi công việc không trục trặc.
Hai bên thỏa thuận. Ông Long không phải bận tâm về nhà in, về vấn đề họa sĩ, về
bài vở nữa. Ông rất thành thực: báo đứng, báo chạy hay báo xuống, ông đều nhất
nhất nói cho tôi biết.