Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần I - Chương 5

TẠ TỪ TRUNG BẮC VÀO NAM

Thấm thoát một năm hai tháng trôi qua. Núp dưới bóng các cụ via, vỡ lòng học lấy nghề báo hàng ngày, tôi học được nhiều cái hay, nhưng đồng thời tôi cũng đã bắt chước Dương Mầu Ngọc (tức Ngọc Thỏ) một cái dở không chê được: hút thuốc phiện thật hỗn, hút không phân biệt ngày đêm, hút không mở được mắt. Ngồi kiểm điểm lại thành tích hút thuốc phiện lúc bấy giờ, thời khóa biểu hút của tôi như sau: sáng làm việc tới mười giờ, vội vàng về hút; chiều không đi làm; đến sáu giờ lên tiệm “Triệu ghi đông xe cuốc” ở Hàng Vải Thâm hút độ một, hai giờ khuya thì về. Bây giờ tôi không nhớ lý do gì đã khiến Dương Mầu Ngọc làm reo tiệm Triệu để sang hút tiệm Phờ Răng Xoa, nhưng hồi ấy tôi bỏ tiệm Triệu, thuê một căn gác đường Hàng Cót thiết lập bàn đèn, mướn người tiêm hút tại gia. Thời kì này, tôi hút quên chết: buổi sáng, làm việc xong về hút. Hút xong, ăn qua loa một tí xôi hay mẩu bánh mì, tôi lại hút luôn một mạch đến năm giờ, tạt đến nhà báo một chốc, rồi từ bảy giờ lại hút đến hai, ba giờ sáng. Rồi tơ lơ mơ ngủ. Chính giữa lúc đang chập chà chập chờn trong giấc vu sơn, thì nhà báo cho người đến “hót” các nhân viên đến tòa soạn làm việc. Dương Mầu Ngọc và tôi nổi tiếng lười, sáng nào cứ vào khoảng năm giờ rưỡi, sáu giờ là có chú Rô ở nhà in đến đánh thức dậy bắt đi làm. Cố nhiên hút cả đêm, vừa chợp mắt một tí mà bị gọi dậy, người thuần tính đến đâu cũng phải càu nhàu cáu kỉnh. Nhiều sáng, tôi không muốn đi làm, nhưng Rô không cần, cứ lôi đại tôi ra xe, đưa về nhà báo. Tôi uất hận một cách vô lý và nhiều lần quyết định xin nghỉ việc, không thể sống mất tự do như vậy. Cùng lúc đó, tôi nhớ rằng trong đầu óc tôi bàng bạc một cái gì không rõ rệt, tựa như là hối tiếc, mà cũng tựa như là cảnh giác.

Có những đêm hút xong, không ngủ được, tôi lơ mơ nằm nghĩ đến chuyện xa xưa, cũ mới, những chuyện mà có khi tôi bỏ qua không lưu ý tới bao giờ. Trong số đó, tôi nhớ đến một buổi chiều âm u ở báo quán “Annam Nouveau”, ông Nguyễn Văn Vĩnh không hiểu vì sợ trời mưa ngồi nán lại hay vì lý do gì khác, đã trút tâm sự với mấy người ngồi đó, trong đó có Dương Phượng Dực, Hy Tống... Bây giờ tôi không nhớ rõ câu chuyện của ông Vĩnh bắt đầu như thế nào, nhưng có những đoạn tôi nghe thoáng qua lúc đó không hiểu vì sao lại làm cho tôi chợt nhớ lại rất rõ ràng, tỉ mỉ.

Nói một lúc lâu nóng người, ông Nguyễn Văn Vĩnh đập cái nón “cô lô nhần” xuống bàn và tiếp: “Ờ, báo là đệ tứ quyền, thật thế; nhưng là đệ tứ quyền ở các nước Âu châu, chớ ở nước ta thì nói như thế làm gì, cho mắc cỡ. Ta còn phải học nhiều, tranh đấu gian khổ nhiều trong nhiều năm nữa thì báo chí mới hi vọng có một địa vị cao như vậy. Trước hết, theo tôi, ta phải cải thiện và phổ biến quốc ngữ để làm một cái xe truyền bá tư tưởng; thứ hai, người viết báo phải quan niệm mình làm nghề không phải là để chơi hay để kiếm tiền, nhưng phải quan niệm mình là những người thừa kế của cách mạng tư sản, mở đầu là cách mạng tư sản Pháp, say sưa với tự do, trung thành với lý tưởng, chống áp bức, chuộng tiến bộ mà quyền lợi tinh thần của con người đã ủy thác nơi báo chí”. Không hiểu Hy Tống nói gì (vì khẽ quá tôi nghe không rõ), ông Vĩnh cười ầm ầm, đập tay vào đùi mà nói: “Báo chí của mình hiện nay chỉ có thể coi là ở vào giai đoạn bán khai. Thực ra, muốn cho người ta nghe, muốn cho người ta lưu ý, muốn là một đệ tứ quyền, báo phải luôn luôn có tính năng đấu tranh và xây dựng: khuyến khích điều tốt là xây dựng; ngược lại, hoặc công khai, hoặc dùng mánh lới để phanh phui cái xấu, nói rõ sự thật phũ phàng, cũng không ngoài mục đích xây dựng - xây dựng cho sự vươn lên của xã hội, sự tồn vong của giống nòi.

“Hiện nay có bao nhiêu áp lực kìm hãm không cho dân ta tiến bộ; vì thế muốn xây dựng, phải đấu tranh, vì bao giờ cũng vậy, người Pháp (hay chính phủ Nam triều cũng thế) cũng phải lo cho quyền lợi của họ, mà dân thì có quyền lợi của dân; hai quyền lợi ấy trái nghịch nhau, làm sao mà đi được với nhau? Do đó, báo chí là tiếng nói của dân, binh vực quyền lợi cho dân, không thể không nói lên những sai lầm của chính phủ, những sơ hở của chế độ, và đưa ra những khía cạnh bất lợi của chính phủ đối với dân. Nói rút lại, người làm báo không thể để cho ngòi bút của mình tủi hổ. Cố nhiên, muốn được như thế, báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, mà người làm báo, cũng như các nhà cách mạng, chính trị, thường không tránh được bị vu cáo, bị tù đày hay bị thiếu thốn về vật chất...”

Phải, có những đêm không ngủ, tôi cứ nằm ôn lại những mảnh chuyện như thế. Bảo rằng tôi tự nhắc với mình như thế để suy luận thì không đúng, mà bảo rằng nhớ lại những mảnh chuyện đó để rồi quên đi cũng không đúng. Thực ra, đầu óc tôi mông lung như mây khói; tôi không biết rõ là cái gì đã xảy ra; nhưng quả là tôi đã cảm thấy chán nản vô cùng, vì đây là những phút đầu tiên trong đời tôi, qua một câu chuyện của một bực đàn anh, tự dưng thấy rõ là làm báo không phải là chửi bậy, không phải là viết một vài bài lấy le, nhưng làm báo là làm một cái gì lớn lao, nói lên được phẩm chất văn minh, hoặc ưu biệt, hoặc thoái hóa của một chế độ và hơn thế nữa, mổ xẻ tình tiết, tâm tư của con người, đi sâu vào từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc và giả tạo của một chế độ để chống lại chế độ ấy, nếu cần, hầu cho xã hội vươn lên và cho giống nòi tồn tại và tiến bộ.

Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình yếu quá trước một nhiệm vụ quá lớn lao. Tôi mất định hướng, không biết phải hành động ra sao, hành nghề ra sao, nhất là sau mấy năm trời giúp việc cho những tờ báo không có mục đích gì cao cả, chỉ nhắm vào những tin tức lặt vặt và những bài bình luận suông, nếu không là những bài tán dương chế độ bảo hộ và chính phủ Nam triều thối nát, không hề dám hé miệng ra viết một câu chống áp bức hay đề cao một tư tưởng gì khả dĩ vẽ lên được tinh thần hiên ngang của giống nòi, dân tộc. Không bao giờ tôi thấy chán đời như những lúc ấy. Tôi muốn làm một cái gì khác thế, tôi muốn tranh đấu thực, nhưng biết trông vào ai đưa đường chỉ lối bây giờ? Mà cứ nằm dài hút sách, bê tha như thế này thì có hi vọng gì thoát khỏi được sự chi phối của xã hội và chính trị của Pháp?

Hai năm trôi qua, hai năm bịnh hoạn, sầu đau, khổ não, không biết nói với ai, không biết than thở với ai, không biết cùng ai đi tìm một phương châm tranh đấu. Y định xin thôi Trung Bắc Tân Văn manh nha từ đó và, để bắt đầu, tôi cai thuốc phiện, trở lại đời sống bình thường: ít lâu sau, tôi xin với cụ Luận cho tôi nghỉ việc thường trực ở nhà báo và hứa sẽ giúp báo bằng cách gửi bài về, vì tôi đã quyết định qua Trung vào Nam để học hỏi thêm.

Qua Trung, tôi đã tìm gặp và phỏng vấn cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng (lúc ấy là chủ báo Tiếng dân) đi sát với ông Nguyễn Văn Bá và tiếp xúc với nhiều nhà văn tên tuổi. Nhưng cuộc đời vẫn không đem lại hứng khởi cho người thanh niên cô trích. Tôi vào Nam ở, với hi vọng gặp nhiều bạn bè từng trải đưa tôi xuống tàu qua Pháp, rồi từ đó đi qua các nước Âu châu khác. Để làm gì? Tôi chưa có ý tưởng gì rõ rệt, nhưng miễn là cứ đi, đi làm bất cứ việc gì, miễn không phải là nghề báo.

Thực vậy, tôi đã suy nghĩ một cách nghiêm trọng về nghề này, và tôi thành thực muốn thôi nghề thực, nhưng không hiểu làm sao cứ nghỉ được ít lâu, cáo chết ba năm lại quay đầu về núi. Có người bảo nghề báo có ma cũng như thuốc phiện, ai có lòng yêu thương nó thì nó “đeo” cho đến khi nào mình hai tay buông xuôi mới chịu tha; có người bảo nó là cái nghiệp, cũng như cô Kiều mang lấy cái nghiệp vào thân, cho nên “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, mới đứng đầu đứng số. Riêng tôi nghĩ khác hẳn: làm báo, vấn vương với nghề báo, không thoát được ra, chung quy tại tôi “đốn”, không biết xoay sở làm ăn ra sao. Những người tháo vát, bạ cái gì cũng làm được, vứt bụi tre không chết, chẳng làm nghề sửa điện, thì đi chữa khóa, không làm bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, thì đi đánh máy, bán dầu cù là trên xe lửa hay cùng lắm dắt một con khỉ đi mãi võ Sơn Đông bán thuốc cao. Họ tài lắm, không có cách gì chết được. Riêng phần tôi, tôi không thể bỏ nghề báo, chẳng qua là vì tôi quỷnh, không biết nghề gì khác.

Thành ra quanh đi quẩn lại cứ làm báo hoài, cũng như người cô đầu lấy khách, khách về Tàu, lấy nhà giàu, nhà giàu hết của, mà lại quen ăn trắng mặc trơn, ăn sẵn nằm ngửa, nên lại quay trở về với sênh phách ê a. Rút lại ở Sài Gòn được bốn tháng không có tiền, tôi lại phải quay về làm báo lại! Tôi làm một tờ báo có hàng vạn người đọc mà không ai biết tiếng: đó là tờ báo “Chiếu Bóng” của rạp Majestic.

Nói là hàng vạn người đọc không ngoa, vì báo ra bốn trang nhỏ, in tóm tắt truyện phim chiếu hôm đó, kèm hai trang quảng cáo, hơn một trang còn lại thì in hình và lượm lặt những pô tanh về Marlène Dietrich, Rudolph Valentino, Mae West, Shirley Temple, Greta Garbo v.v... Đó cũng là một cách làm báo để giải trí và kiếm tiền, mặc dầu không thú vị; nhưng tôi còn nhớ mãi, nhớ hơn cả những lúc làm báo sôi động nhất. Tại sao? Chính tôi cũng không hiểu. Nhưng phải thành thật nói rằng, chính nhờ có một chỗ để sống hàng ngày, tôi mới ở lại Sài Gòn được tới ba năm, và chính nhờ vì thế tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều nhà báo có hạng lúc bấy giờ, để đấu láo, rút kinh nghiệm sống và học hỏi thêm về nghề báo.

Lúc đó, chưa có chợ Bến Thành. Ở trước cửa chợ Bến Thành bây giờ, chỗ đầu đường Lê Thánh Tôn, quãng rẽ ra Thủ Khoa Huân (đường Aviateur Garros cũ) có một quán rượu, cứ chiều đến là các tay nhà báo kì cựu đến nhậu nhẹt tơi bời; trong số, có các ông Lê Trung Cang, Nguyễn Văn Bá, đôi khi Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kì cũng đến uống tí tỉnh và bàn chuyện con cà con kê. Sau khi đi boóng các vị đó một thời gian, tôi thấy có sự khác biệt giữa báo Nam và Bắc. Tôi học lối lấy tin, viết báo, nhất là việc tiểu thuyết hóa tin tức và anh hùng hóa các tay anh chị... Tôi xin thề rất độc là không có ý muốn “sỏ” những người nào ghiền hút, tôi chỉ nói riêng về tôi. Sau khi cai thuốc phiện, tôi nhận thấy một sự thực mà ai cũng biết: cai thuốc phiện được thì mạnh lên nhiều lắm, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước kia lúc hút, thấy bất cứ công việc gì tôi cũng ngán không buồn làm, và mặc dầu tôi mới có hơn hai mươi tuổi, tôi thấy sợ chiến đấu, sợ lôi thôi, sợ sanh chuyện, dù biết rằng những điều mắt trông thấy, tai nghe thấy là chướng tai gai mắt. Tôi đóng cái cửa sổ đời lại để cho không có một tiếng động nào lọt đến tôi. Phàm ai nói chuyện chơi bời hay phản đối cái này, chống đối cái kia, nhất nhất tôi cho là vô ích, chỉ nghe thôi cũng đã mệt rồi. Không phải nói ra để đề cao việc cai thuốc phiện, từ khi tôi cai thuốc, thân xác tôi khác hẳn đi, và cố nhiên thân xác không đau ốm nữa, thì tinh thần phải mạnh hơn lên. Trở về Bắc sau ba năm lê gót khắp miền nam và lang thang ở miền trung, tôi ra bắc, mang một tâm hồn, trạng thái, khác hẳn lúc làm cho báo “Rạng Đông”, “Trung Bắc Tân Văn” hay “Annam Tạp Chí”. Bây giờ nghĩ lại thì chính lúc ấy tôi không cảm thấy sự lột xác của tôi, nhưng ngồi nhớ lại từng tờ báo tôi làm sau khi ở Sài Gòn về, tôi thấy mình hăng một cách khác thường. Trước hết là tờ “Công Dân”.

BẮT ĐẦU ĐÁ PHÁP

Tôi ra Bắc không ở nhà, cả ngày đi la cà đấu hót hết chỗ này đến chỗ khác.
Nhà tôi nguyên là một nhà bán giấy. Một hôm, nhân tôi đi chơi, tạt về nhà, mẹ
tôi nhờ đi ra phố Hàng Da, gặp ông Tiết Như Ngọc để đòi tiền giấy báo ông mua
chưa trả. Đến 11 Hàng Da, tôi gặp Phùng Bảo Thạch và Vũ Liên. Cả ba ông mời tôi
ở lại uống rượu. Bọn này nói cho tôi biết là ở đây anh em làm tờ “Công Dân” với
nhau, ăn cơm tập thể, có lời thì chia nhau, chớ không có ai làm chủ ai. Đến lúc
ăn cơm, tôi thấy cửa mở, tiếng giày đi ầm ầm. Trông ra sân thì thấy Vũ Trọng
Phụng, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Như Hoàn. Bọn bạn cũ gặp nhau vui quá. Tôi
không hỏi tiền giấy nữa. Chuyện trò đi lại một hồi lâu, tôi được biết ông Tiết
Như Ngọc được tờ “Công Dân” là do ông Tissot giúp đỡ và có lẽ lúc sơ khởi cũng
giúp đỡ ít nhiều về tài chánh, nhưng của
thiên trả địa
hết cả rồi. Thạch, Phụng, Vũ Liên, mỗi anh “đế” vào một
câu khôn khéo; lập tức tôi quyết định về lo liệu một số tiền để chung với ông
Tiết Như Ngọc làm tờ “Công Dân”.

Đó là một tuần báo xuất bản trên 12 trang, khổ 30x45, không
có bìa, bán không lấy gì làm chạy lắm, nhưng phải nói rằng trong số các tuần
báo và nhựt báo tôi cộng tác cho đến lúc bấy giờ, “Công Dân” là tờ báo “ra hồn
báo”.

Anh em tòa soạn gồm bảy, tám người, ai cũng hăng say tìm
cái lạ, cái hay, thành thử ra số nào cũng có cái mới. Nhờ anh em đã lớn tuổi,
lại thương yêu nhau và nặng một tinh thần đồng đội, chúng tôi góp ý kiến thay
đổi mục luôn, kì này có bài tòa án thì kì sau có phóng sự, phỏng vấn, kì này có
truyện ngắn thì kì sau có “đơ dem ác tích”, “Bức hình”, hay phê bình văn học.
Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố, Phùng Bảo Thạch, là những bạn phụ trách các bài
đứng đắn, còn Vũ Liên, Nguyễn Như Hoàn, Vũ Trọng Phụng và tôi có nhiệm vụ viết
“pô tanh”, tiểu thuyết, ký sự, phóng sự, chuyện vui tòa án.

Sau này, Ngô Tất Tố nổi tiếng về mục “Phim hàng ngày”,
chính vì đã bắt đầu viết những bài sâu sắc, đau đớn, chua chát, ngộ nghĩnh
trong mục “Nói hay Đừng” của báo “Công Dân”, còn Nguyễn Triệu Luật, tác giả
“Hòm Đựng Người”, “Bà Chúa Chè”, cũng nổi tiếng trên báo này vì những bài phê
bình văn học mà được lưu ý nhất là loạt bài đả Phan Trần Chúc.

Sau một thời kì gieo neo, báo “Công Dân” tương đối là tờ
báo chạy, một phần vì cách làm báo, thêm được các cây bút có tiếng tăm và kinh
nghiệm, một phần vì lập trường cũng rõ rệt hơn so với các báo khác lúc bấy giờ:
đả kích quan trường, chống đối chính phủ bảo hộ. Tuy nhiên, báo có tiếng là
chạy mà tiền thì ty trị sự không thu được bao nhiêu. Là vì quan trường hồi ấy căm
thù tờ “Công Dân”, tìm các cách để dìm cho chết. Vì thế có nhiều nơi, các ông
huyện, ông phủ ra lịnh cho đại lý cất báo “Công Dân” đi, không cho bán, chỉ vì
lý do báo ấy đã động chạm đến các ông. Thêm vào đó, sở Mật thám liên bang lại
ghét nó, binh quan trường, nên không tuần nào không làm khó dễ, hết gọi ông chủ
nhiệm ra nói chuyện lại mời quản lý, chủ bút trưng ra bằng chứng ông huyện này
ăn cắp, ông phủ kia làm chó săn và giết dân.

Lúc ấy, chế độ thực dân Pháp đang hồi toàn thịnh; một viên
cò mật thám hách như một tiểu vương. Tôi còn nhớ có một ông tri huyện họ Phạm
làm tiền dân không được, nhốt người ta vào nhà lao đánh cho đến chết. Thư tố
cáo gửi về nhà báo dồn dập, chính gia đình nạn nhân lại ký giấy nhận chồng, cha
họ bị đánh đến chết và cam đoan chịu trách nhiệm nếu khai sai sự thật. Nhà báo,
với mọi sự dè dặt, chụp hình bức thư của gia đình nạn nhân lên và đặt vấn đề
với các nhà hữu trách một cách nhẹ nhàng, vậy mà số báo đăng tải tin ấy vừa ra,
viên chánh mật thám làm như trời sập, cho một lũ a dăng đến nhà báo, mời cả chủ nhiệm lẫn chủ bút đến để
“trả lời về một việc mà chi tiết sẽ được gợi ra sau”. Vô lý nhất là vừa đề cập
đến vụ cố sát của viên tri huyện họ Phạm, viên cò mật thám đập bàn đập ghế và
tỏ ra tức bực, như chính y bị nhà báo đả. Hơn thế, y lại còn bắt phải đình chỉ
ngay loạt bài này và viết mấy câu xin lỗi viên tri huyện. Chúng tôi ra về, uất
ức không để đâu cho hết, nhưng vì xét mình không có hậu thuẫn, lại không có một
thế lực khác ủng hộ, nên chúng tôi quyết định không ra báo nữa. Cố nhiên là
không đời nào chúng tôi lại chịu hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người.

Báo “Công Dân” ra đến số 13, đóng cửa vừa kịp lúc. Vì như
trên đã nói, báo này nguyên của ông Tissot đứng ra xin phép và đỡ đầu cho ông
Tiết Như Ngọc, tưởng đâu báo này xuất bản không nhiều thì ít cũng bắt chước “Tứ
Dân Văn Uyển”, thỉnh thoảng viết một bài ca tụng chính phủ bảo hộ; đàng này, đã
không làm như thế lại còn đả kích quan trường, con đẻ của chế độ bảo hộ, nên
ông Tissot cũng không được hài lòng mấy. Do đó, giữa ông Tiết Như Ngọc và tòa
soạn thường vẫn có những cuộc xích mích làm cho ông Ngọc bực mình, có khi bỏ
đại về Hưng Yên, mặc cho anh em nhịn đói (vì ông Ngọc phụ trách việc ăn uống
tập đoàn của anh em trị sự và tòa soạn). Nhiều người cho việc đóng cửa báo là
một cái may.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3