Lỗi lầm ở những vì sao - Chương 10 - Phần 2

Một nhân viên sân ga bước đến và đổi cho tôi chiếc bình ôxy của hãng hàng không cung cấp. Tôi hơi ngại ngùng việc chị ấy quỳ xuống trước mặt tôi trong khi mọi người cứ nhìn, thế nên tôi mới nhắn tin cho Augustus trong khi chị ấy làm chuyện đó.

Cậu ấy không trả lời. Mẹ có vẻ không quan tâm, nhưng tôi thì tưởng tượng ra đủ các thể loại chuyện có thể làm bung bét chuyến bay tới Amsterdam (bị bắt giữ, bị thương, hay suy sụp tinh thần) và thấy ngực mình nhói lên mỗi phút trôi qua, chẳng phải vì ung thư.

Đúng lúc cô nhân viên sau quầy soát vé thông báo những hành khách cần lên máy bay trước chuẩn bị trong ít phút và từng người trong sân ga đều đổ dồn ánh mắt về phía tôi, tôi mới thấy Ausgustus khập khễnh chạy đến với một bịch McDonald’s trong tay, ba lô đeo lủng lẳng sau vai.

“Cậu đã ở đâu thế?” tôi hỏi.

“Xếp hàng siêu lâu, xin lỗi nhé,” cậu ấy nói, chìa tay ra đỡ tôi đứng dậy. Tôi nắm lấy nó, và chúng tôi cùng bước bên nhau tới phía cổng để lên máy bay.

Tôi có thể cảm nhận mọi người đang nhìn chúng tôi, băn khoăn không biết chúng tôi mắc bệnh gì, và liệu nó có đe dọa đến mạng sống không, rồi mẹ tôi chắc hẳn rất can trường ra sao, vân vân và vân vân. Đôi khi đó là chuyện tồi tệ nhất của việc mắc bệnh ung thư: Những dấu hiệu của bệnh tật trên cơ thể tách biệt bạn với tất cả những người khác. Chúng tôi hoàn toàn khác biệt so với những người khác, và chưa bao giờ rõ ràng hơn thế khi cả ba chúng tôi bước lên chiếc máy bay trống rỗng, các tiếp viên gật đầu thông cảm và lịch sự chỉ cho chúng tôi hàng ghế của mình ở tít phía sau. Tôi ngồi giữa một hàng ghế ba người với Augustus trên ghế cạnh cửa sổ còn Mẹ ở cạnh lối đi. Tôi thấy mình bị Mẹ lấn qua một chút nên dĩ nhiên tôi ngồi dịch lại gần Augustus. Chúng tôi ngồi ngay sau cánh máy bay. Augustus mở túi ra và bóc chiếc bánh burger của mình.

“Chuyện về những quả trứng, dù thế,” cậu ấy nói, “chẳng phải việc dành riêng cho bữa sáng đã mang đến cho món trứng bác một đặc ân nào đấy, đúng không? Cậu có thể cho thịt xông khói hay phô mai Chedder[72] vào mọi nơi mọi lúc, từ bánh Taco[73] đến sandwich cho bữa sáng hay cả phô mai nướng, nhưng món trứng bác thì – chúng rất quan trọng.”

[72] Một loại phô mai nổi tiếng và phổ biến nhất ở Anh, bắt nguồn từ làng Chedder ở Somerset, vùng Tây Nam nước Anh.

[73] Một loại bánh truyền thống của Mexico, vỏ bánh tráng làm từ bột ngô hoặc bột mỳ, cuốn hoặc gói bên ngoài nhân gồm thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hải sản, rau quả, phô mai…

“Luyên thuyên,” tôi nói. Mọi người bắt đầu lên máy bay. Tôi không muốn nhìn họ nên quay ra chỗ khác, mà quay ra chỗ khác tức là quay sang Augustus.

“Tớ chỉ đang nói là: Có thể món trứng bác bị phân biệt đối xử, nhưng chúng cũng rất đặc biệt. Chúng có địa điểm và thời gian riêng, như nhà thờ vậy.”

“Cậu nói sai bét rồi,” tôi nói. “Cậu bắt đầu tin vào cái thứ cảm xúc đan chéo chữ thập trên những chiếc gối của bố mẹ cậu. Cậu đang cãi lý rằng những thứ hiếm có và mong manh luôn đẹp đơn giản vì chúng quý hiếm và mong manh. Nhưng đấy là nói dối, và cậu biết thế.”

“Cậu thật khó chiều,” Augustus nói.

“Dễ chiều thì gọi gì là chiều nữa,” tôi đáp. “Cậu từng là một bông hoa hiếm hoi và mong manh. Cậu nhớ chứ.”

Cậu ấy không nói gì trong một lúc lâu. “Cậu biết cách để tớ phải im lặng, Hazel Grace.”

“Đấy là quyền lợi và trách nhiệm của tớ,” tôi trả lời.

Trước khi tôi thôi nhìn vào mắt cậu ấy, cậu ấy nói, “Nghe này, tớ xin lỗi vì đã tránh chỗ cổng chờ. Cửa hàng McDonald’s không đông đến thế; tớ chỉ… tớ chỉ không muốn ngồi đấy với tất cả những người khác cứ nhìn chúng ta gì đấy.”

“Chủ yếu là nhìn tớ,” tôi nói. Ngươi ta có thể nhìn Augustus mà chẳng biết rằng cậu ấy bị làm sao, còn tôi thì mang căn bệnh theo mình ra theo bên ngoài, đó cũng là một phần lý do lúc đầu tôi cứ ru rú trong nhà. “Augustus Waters, nổi tiếng quyến rũ, xấu hổ khi ngồi cạnh một cô gái với cái bình ôxy.”

“Không phải xấu hổ,” cậu ấy giải thích. “Đôi khi họ khiến tớ khó chịu. Mà tớ thì không muốn phải bực bội ngày hôm nay.” Một phút sau, cậu thò tay vào trong túi mở hộp thuốc lá ra.

Chỉ khoảng chín giây sau, một nữ tiếp viên tóc vàng vội bước tới chỗ chúng tôi và nói, “Thưa anh, anh không được phép hút thuốc trên máy bay này. Hay bất cứ máy bay nào khác.”

“Em không hút thuốc,” cậu ấy nói, điếu thuốc bập bỗng trong miệng.

“Nhưng...”

“Đó là một phép ẩn dụ,” tôi giải thích. “Cậu ấy đặt cái thứ chết người đó trong miệng nhưng không cho nó sức mạnh để giết hại mình.”

Chị tiếp viên nghệt mặt ra một lúc. “Vậy thì, phép ẩn dụ đó bị cấm trên chuyến bay ngày hôm nay,” chị ấy nói. Gus gật đầu và nhét điếu thuốc trở lại trong bao.

Máy bay cuối cùng cũng bắt đầu lăn bánh trên đường băng và tiếng phi công thông báo cất lên, Các tiếp viên chú ý, máy bay chuẩn bị cất cánh, rồi sau đó hai chiếc động cơ phản lực khổng lồ gầm rú và chúng tôi bắt đầu tăng tốc. “Cảm giác ở trong xe cậu lái là thế này đây,” tôi nói, cậu ấy mỉm cười nhưng vẫn nghiến chặt quai hàm nên tôi hỏi, “Ổn chứ?”

Máy bay vẫn đang tăng tốc, đột nhiên Gus nắm chặt lấy tay vịn, hai mắt mở to, tôi đặt tay tôi lên trên tay cậu ấy và hỏi lại, “Cậu ổn không đấy?” Cậu ấy vẫn không nói gì, chỉ nhìn tôi vẫn với đôi mắt mở to. “Cậu sợ đi máy bay à?”

“Tí nữa tớ sẽ nói,” cậu ấy trả lời. Mũi máy bay bắt đầu nhấc lên và chúng tôi đã ở trên không trung. Gus nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, quan sát mặt đất đang thu nhỏ dần bên dưới, rồi tôi thấy tay cậu ấy thả lỏng ra bên dưới tay tôi. Cậu ấy liếc qua tôi rồi lại nhìn ra cửa sổ. “Chúng ta đang bay,” cậu tuyên bố.

“Cậu chưa đi máy bay bao giờ à?”

Cậu ấy lắc đầu. “NHÌN KÌA!” cậu ấy gần như hét lên, chỉ tay ra cửa sổ.

“Ừ,” tôi nói. “Ừ, tớ thấy rồi. Trông như kiểu chúng ta đang ở trên máy bay ấy nhỉ.”

“CHƯA TỪNG CÓ GÌ TRÔNG GIỐNG NHƯ THẾ NÀY TRONG SUỐT LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI,” cậu ấy nói. Sự phấn khích của cậu ấy thật dễ thương. Tôi không thể cưỡng lại mình nghiêng cười qua hôn lên má cậu ấy.

“Báo cho cô biết tôi đang ở đây đấy nhé,” Mẹ nói. “Ngồi cạnh cô đây. Mẹ của cô. Người đã nắm tay cô khi cô chập chững bước những bước đầu tiên của cuộc đời.”

“Bạn bè thôi ạ,” tôi nhắc lại lần trước, rồi quay sang hôn má bà.

“Chả giống bạn bè tí nào,” Gus lẩm bẩm chỉ đủ cho tôi nghe thấy. Khi chàng Gus ngây thơ đầy ngạc nhiên và phấn khích xuất hiện từ cậu Augustus Cử Chỉ Cao Đẹp Mang Khuynh Hướng Ẩn Dụ, tôi thực sự là không thể cưỡng lại được.

Đó là một chuyến bay ngắn đến Detroit, có một chiếc xe điện nhỏ chờ sẵn khi chúng tôi xuống máy bay rồi đưa chúng tôi đến cổng chờ đi Amsterdam. Chiếc máy bay đó có màn hình TV sau mỗi ghế ngồi, rồi khi đã bay trên những đám mây, Augustus và tôi canh giờ để cùng bắt đầu xem một bộ phim hài kịch lãng mạn trên màn hình riêng của hai đứa. Nhưng ngay cả khi chúng tôi có ấn nút phát cùng một lúc hoàn hảo thế nào đi nữa, bộ phim của cậu ấy cũng đều bắt đầu trước một vài giây, vậy nên mỗi lúc có cảnh hài hước thì cậu ấy đều cười xong rồi tôi mới nghe được câu chuyện cười đấy là gì.

***

Mẹ nảy ra một kế hoạch vĩ đại là chúng tôi nên ngủ trong mấy tiếng đồng hồ còn lại của chuyến bay, như thế khi hạ cánh lúc tám giờ sáng, chúng tôi đã sẵn sàng khám phá mọi hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Vì vậy sau khi bộ phim kết thúc, Mẹ và Augustus và tôi mỗi người đều uống vài viên thuốc ngủ. Mẹ gục ngay tại trận trong khi Augustus và tôi vẫn thức nhìn ra cửa sổ một lúc. Trời hôm đó rất trong và dù không thể ngắm mặt trời đang lặn, chúng tôi vẫn thấy được ánh sáng phản chiếu trên bầu trời.

“Chúa ơi, đẹp quá,” tôi thì thầm với chính mình.

“‘Ánh bình minh vẫn chói lòa trong đôi mắt đang mất đi của cô ấy,’” cậu ấy nói, một câu trong Nỗi đau tột cùng.

“Nhưng đây không phải mặt trời đang mọc,” tôi nói.

“Nó đang mọc ở một nơi nào đó,” cậu trả lời, rồi một lúc sau nói tiếp, “Nhận xét: Sẽ thật tuyệt nếu được ngồi một lúc trong chiếc máy bay nào đó siêu nhanh để đuổi theo ánh bình minh trên khắp thế giới.”

“Ta cũng sống lâu hơn nữa,” cậu ấy nhìn tôi thắc mắc. “Cậu biết đấy, thuyết tương đối gì đó.” Trông cậu ấy vẫn bối rối. “Chúng ta già đi chậm hơn khi di chuyển nhanh hơn so với việc đứng yên một chỗ. Thế nên ngay lúc này thời gian trôi chậm hơn đối với chúng ta so với những người đang ở dưới mặt đất.”

“Những cô nữ sinh,” cậu ta nói. “Họ quả là thông minh.”

Tôi trợn tròn mắt. Cậu ấy thục đầu gối (thật) của cậu ấy vào đầu gối tôi, tôi cũng thúc lại. “Cậu buồn ngủ chưa?” tôi hỏi cậu ấy.

“Chả thấy gì,” cậu ấy trả lời.

“Ừ,” tôi nói. “Tớ cũng vậy.” Chất gây mê và thuốc ngủ đều không mấy tác dụng với tôi như với những người bình thường.

“Có muốn xem phim nữa không?” cậu ấy hỏi. “Có một phim Portman đóng từ kỷ nguyên Hazel của chị ấy.”

“Tớ muốn xem phim nào mà cậu chưa xem.”

Cuối cùng chúng tôi xem 300, một bộ phim chiến tranh kể về ba trăm chiến binh người Sparta chiến đấu bảo vệ quê hương Sparta[74] khỏi cuộc xâm lăng của cả tỉ người Ba Tư. Phim của Augustus lại bắt đầu chiếu trước tôi lần nữa, rồi sau vài phút nghe cậu ấy hò hét, “Chết đi!” rồi “Thảm thương quá!” mỗi khi có ai đó bị giết hại dã man, tôi nghiêng người qua tay dựa và gối đầu vào vai cậu ấy để có thể nhìn vào màn hình của cậu ấy và chúng tôi có thể thực sự xem phim cùng nhau.

[74] Một thành bang Hy Lạp nổi tiếng trên bán đảo Peloponnesus, một trong hai cường quốc hùng mạnh nhất trên lục địa Hy Lạp, cùng với Nhà nước dân chủ Athena, tồn tại từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ II TCN.

300 quy tụ một dàn diễn viên gồm các chàng trai trẻ trung to cao vạm vỡ mình trần lực lưỡng nên cũng không khó để theo dõi, nhưng mà có một đống khiên giáo hầu như chẳng tác dụng gì mấy. Thi thể người Ba Tư và Sparta chồng chất lên nhau, và tôi không thể tưởng tượng tại sao người Ba Tư lại tàn ác trong khi người Sparta lại can trường đến vậy. “Tính đương thời,” trích trong NĐTC, “phản ánh rõ rệt trong những cuộc chiến mà chẳng ai mất đi thứ gì dù có giá trị ra sao, ngoại trừ cái có thể nói là mạng sống của chính họ.” Và điều đó đúng với cuộc chiến của những anh hùng này.

Đến gần cuối bộ phim, mọi người gần như đều chết cả, rồi có một cảnh điên rồ khi những người Sparta bắt đầu chất những thi thể thành một bức tường xác chết. Những người chết tạo nên một rào chắn khổng lồ giữa người Ba Tư với con đường dẫn vào thành Sparta. Tôi thấy chuyện đổ máu này thật vô nghĩa nên ngoảnh mặt đi một lúc rồi hỏi Augustus, “Cậu nghĩ có bao nhiêu người đã chết?”

Cậu ấy huơ tay ra hiệu cho tôi im lặng. “Shh. Shh. Tới lúc gay cấn rồi.”

Khi người Ba Tư tấn công, họ phải trèo lên bức tường xác chết trong khi quân Sparta đã chiếm được vị trí cao hơn trên đỉnh ngọn núi xác chết, xác người cứ chồng chất lên nhau, bước tường của những người đã hi sinh càng cao thêm và khó trèo lên hơn, tất cả đều vung kiếm/bắn tên loạn xạ, máu chảy thành sông đổ xuống từ Ngọn Núi Xác Chết này, v.v.

Tôi ngồi thẳng lên một lúc để tránh cảnh máu me và ngắm nhìn Augustus theo dõi bộ phim. Cậu ấy không thể kìm nổi điệu cười ngốc nghếch của mình. Tôi nhìn ngọn núi cứ cao dần lên bởi xác của những người Ba Tư và Sparta trong màn hình của mình qua đôi mắt díp lại. Khi cuối cùng quân Ba Tư đã thắng thế người Sparta, tôi quay sang nhìn Augustus lần nữa. Dẫu cho những người lương thiện vừa phải nhận lấy thất bại, trông Augustus vẫn hết sức hân hoan. Tôi lại dựa người vào cậu ấy, nhắm mắt lại cho đến tận khi trận chiến đã kết thúc.

Đến đoạn giới thiệu diễn viên và đoàn làm phim, cậu ấy tháo tai nghe ra và nói, “Xin lỗi, tớ bị cuốn vào sự cao thượng của cuộc hiến sinh. Cậu vừa nói gì nhỉ?”

“Cậu nghĩ có bao nhiêu người đã chết?”

“Bao nhiêu nhân vật hư cấu đã chết trong bộ phim hư cấu này hả? Chưa đủ đâu,” cậu ấy đùa.

“Không, ý tớ là, như kiểu, đã từng. Kiểu như cậu nghĩ có bao nhiêu người đã từng chết?”

“Tình cờ tớ lại biết câu trả lời cho câu hỏi đấy,” cậu ấy nói, “Có bảy tỉ người đang sống, và khoảng chín mươi tám tỉ người đã chết.”

“Ồ,” tôi thốt lên. Tôi cứ nghĩ rằng có thể vì tốc độ tăng dân số quá nhanh nên số người đang sống phải nhiều hơn tất cả số người đã chết cộng lại.

“Cứ một người đang sống thì có khoảng mười bốn người đã chết,” cậu ấy nói. Đoạn giới thiệu vẫn đang chạy trên màn hình. Sẽ mất rất lâu để xác định danh tính của những người đã chết, tôi nghĩ. Đầu tôi vẫn dựa trên vai cậu ấy. “Tớ đã nghiên cứu cái này mấy năm trước,” Augustus tiếp tục. “Tớ đã băn khoăn liệu tất cả mọi người có thể được nhớ tới không. Kiểu như nếu chúng ta sắp xếp lại, ấn định cụ thể số người đã chết cho từng người đang sống, liệu có đủ số người còn sống để có thể nhớ hết được những người đã chết không?”

“Thế có đủ không?”

“Chắc chắn đủ, ai cũng có thể nhớ tên được mười bốn người. Nhưng chúng ta là những kẻ khóc mướn vô tổ chức, thế nên rốt cuộc nhiều người chỉ nhớ đến Shakespeare mà chẳng ai nhớ đến người ông đã viết về trong bài Sonnet Năm mươi lăm.”

“Ừ,” tôi nói.

Sau một phút im lặng, cậu ấy hỏi, “Cậu có muốn đọc gì không?” Tôi bảo có. Thế là tôi đọc một bài trường thi có tên Tiếng Tru của Allen Ginsberg[75] mà lớp tôi đang học, còn Gus đọc lại cuốn Nỗi đau tột cùng.

[75] Allen Ginsberg (1926–1997), nhà thơ người Mỹ. Tiếng Tru (Howl) là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông.

Một lúc sau cậu ấy nói, “Có gì hay không?”

“Bài thơ ấy hả?” tôi hỏi.

“Ừ.”

“Ừ, nó rất tuyệt. Những gã trong bài thơ này còn dùng thuốc nhiều hơn cả tớ. NĐTC thì sao?”

“Vẫn rất hoàn hảo,” cậu ấy đáp. “Đọc cho tớ nghe đi.”

“Đây thực sự không phải một bài thơ thích hợp để đọc thành tiếng với một bà mẹ đang ngủ ngay bên cạnh. Có đầy những chuyện bệnh hoạn rồi ma túy các thứ trong đó,” tôi nói.

“Cậu vừa kể tên hai trong những trò tiêu khiển của tớ,” cậu ấy nói. “Được rồi, thế đọc cho tớ nghe cái gì khác đi.”

“Ừm,” tôi nói. “Tớ chẳng gì khác cả?”

“Chán nhỉ. Tớ đang có hứng nghe thơ thẩn. Cậu có nhớ bài nào không?”

“‘Hãy cứ lên đường, anh và tôi,’” tôi rụt rè đọc, “Khi bầu trời phủ khắp ánh hoàng hôn / Như người bệnh miên man trên bàn mổ.”

“Chậm thôi,” cậu ấy nói.

Tôi thấy hơi e rè, cảm giác như lần đầu tôi kể cho cậu ấy nghe về cuốn Nỗi đau tột cùng. “Ừm. Được rồi. Ừ. ‘Hãy lên đường, qua từng con phố vắng / Nơi ẩn cư lặng lẽ / Của những đêm không ngủ trong quán trọ rẻ tiền / Những quán ăn đầy mùn cưa vỏ sò: / Những con đường chạy dài như cuộc cãi vã buồn tẻ / Cùng ý định gian trá / Dẫn anh đến câu hỏi quá sức đôi co / Ôi, xin đừng hỏi, “Cái gì thế?” / Cứ lên đường cứ vạch chuyến đi.’”[76]

[76] Bài thơ này có tên The love song of J. Alfred Prufrock của tác giả T. S. Eliot (1888–1965), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Hoa Kỳ đoạt giải Nobel văn học năm 1948. The Love Song of J. Alfred Prufrock được coi là một kiệt tác của phong trào thơ hiện đại.

“Anh yêu em mất rồi,” cậu ấy lặng lẽ nói.

“Augustus,” tôi thốt lên.

“Thật đấy,” cậu ấy nói. Cậu ấy vẫn đang nhìn tôi và tôi có thể thấy khóe mắt cậu nheo lại. “Anh yêu em, và chẳng việc gì anh phải tự mình chối bỏ niềm vui giản đơn được nói ra những điều là sự thật. Anh đã yêu em, dù anh biết rằng tình yêu đó chỉ như một tiếng thét vào giữa khoảng không, biết rằng sự lãng quên là không thể tránh khỏi, biết rằng số phận bi thương của hai ta đều đã được an bài, biết rằng rồi một ngày tất cả nỗ lực của con người sẽ trở về với cát bụi, anh cũng biết cuối cùng mặt trời sẽ nuốt chửng hành tinh duy nhất hai ta từng có được, và sau tất cả anh sẽ vẫn yêu em.”

“Augustus,” tôi gọi tên cậu ấy lần nữa, chẳng biết phải nói gì. Cảm giác như mọi thứ đang dâng lên trong lòng tôi, như thể tôi bị nhấn chìm trong niềm vui sướng tê tái và ngượng nghịu này, nhưng tôi không thể đáp lại. Tôi không thể nói gì được. Tôi cứ nhìn cậu ấy và để cậu ấy ngắm nhìn tôi cho đến khi cậu ấy gục đầu xuống, bờ môi mím chặt rồi quay đi, tựa đầu bên cửa sổ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3