Lỗi lầm ở những vì sao - Chương 10 - Phần 1

CHƯƠNG MƯỜI

Chúng tôi chỉ
có thể mang theo một cái va li. Tôi không mang nổi một, còn Mẹ khăng khăng bà
không thể mang được hai, thế nên chúng tôi phải sắp đồ cho vừa cái va li đen,
món quà cưới bố mẹ tôi nhận được một triệu năm trước đây, chiếc va li tưởng sẽ
được dành cả đời mình chu du qua những miền đất hứa mà rốt cục lại chỉ quanh
quẩn ở Dayton, nơi có chi nhánh của Tập đoàn Bất động sản Morris mà Bố thường
xuyên tới làm việc.

Ngay từ đầu tôi đã chạnh chọe với mẹ rằng mình cần hơn nửa
cái va li một chút xíu, bởi lẽ nếu không có tôi và bệnh ung thư, chúng tôi cũng
chẳng thể đến Amsterdam. Mẹ thì phản đối là do bà to gấp đôi tôi nên cần nhiều
vải vóc hơn để giữ vẻ nhã nhặn của mình, do đó bà đáng được hưởng hai phần ba
nó.

Cuối cùng thì chẳng ai thắng ai. Thế đấy.

Chuyến bay đến trưa mới khởi hành nhưng mẹ đã dựng tôi dậy từ
năm rưỡi sáng, bật đèn sáng trưng và hét toáng “AMSTERDAM!” Bà cứ chạy lòng
vòng khắp cả buổi để chắc rằng chúng tôi đã mang bộ phích cắm chuẩn quốc tế và
năm lần bảy lượt kiểm tra lại xem đã đủ số bình ôxy để đến được đó chưa và
chúng đã được nạp đầy chưa, vân vân, trong khi tôi có mỗi việc lăn ra khỏi
giường và chui vào Bộ Cánh Du Lịch đến Amsterdam của mình (quần jeans, áo tank
top hồng và một chiếc cardigan màu đen để đề phòng trong máy bay quá lạnh.)

Đồ đạc được chất lên ô tô lúc sáu rưỡi, sau đó Mẹ cứ khăng
khăng rằng chúng tôi phải cùng ăn sáng với Bố, dẫu cho tôi có một nguyên tắc
phản đối chuyện ăn uống trước khi bình minh lên bởi lẽ tôi đâu là một
gã nông dân Nga thế kỷ mười chín phải cố ních đầy bụng mình để đủ sức
làm việc cả ngày trên cánh đồng. Nhưng dù sao tôi cũng cố nhét vào bụng một
chút trứng trong khi Bố Mẹ thưởng thức phiên bản tại gia của món Bánh trứng
McMuffins[68] mà họ
rất thích.

[68] Một sản phẩm của McDonald's.

“Sao đồ ăn sáng lại là đồ ăn sáng?” tôi
hỏi. “Như là, tại sao mình không ăn cà ri vào bữa sáng?”

“Hazel, ăn đi con.”

“Nhưng tại sao?” tôi hỏi. “Con hỏi thật đấy: Sao món trứng bác lại dành
riêng cho bữa sáng? Mình có thể kẹp thịt muối vào bánh sandwich mà chẳng ai
phát rồ lên. Thế mà nhỡ có tí trứng thì, bùm, biến thành bánh sandwich dành
cho bữa sáng.”

Bố tôi trả lời với cái miệng nhồm nhoàm.
“Khi nào con về, nhà mình sẽ có bữa sáng cho bữa tối. Được không?”

“Con không muốn có ‘bữa sáng cho bữa
tối’,” tôi trả lời, bỏ dao và dĩa xuống chiếc đĩa gần như vẫn còn đầy thức ăn.
“Con muốn có món trứng bác cho bữa tối mà chẳng cần lời giải thích lố bịch rằng
cứ bữa nào có món trứng bác thì đấy là bữa
sáng
ngay cả khi nó diễn ra vào thời gian dành cho bữa tối nào hết.”

“Con sẽ phải tự mình chiến đấu trong thế
giới này, Hazel,” mẹ tôi nói. “Nhưng nếu đây vấn đề con muốn tranh đấu, chúng
ta sẽ luôn ở phía sau con.”

“Lấp ló đằng sau,” bố nói thêm vào, rồi
Mẹ cười ngặt nghẽo.

Dù sao tôi cũng biết chuyện này thật ngớ
ngẩn, nhưng tôi vẫn thấy thương hại cho
món trứng bác.

Sau khi ăn xong, bố rửa bát đũa rồi đưa
hai mẹ con ra xe. Tất nhiên ông lại bắt đầu sụt sùi, rồi hôn lên má tôi với
khuôn mặt lởm chởm râu ria ướt đẫm. Ông tì mũi vào gò má tôi và thì thầm, “Bố
yêu con. Bố rất tự hào về con.” (Vì cái
, tôi tự hỏi.)

“Cảm ơn Bố.”

“Vài ngày nữa chúng ta sẽ lại gặp nhau,
được chứ con yêu? Bố yêu con rất nhiều.”

“Con cũng yêu Bố,” tôi mỉm cười. “Chỉ ba
ngày thôi.”

Tôi vẫn vẫy tay chào ông khi chúng tôi
bắt đầu rời khỏi nhà. Ông cũng vẫy tay chào lại, và khóc. Tôi chợt hiểu có lẽ
ông đã nghĩ ông có thể sẽ không bao giờ gặp lại tôi được nữa, có thể ông luôn
nghĩ thế trong mỗi buổi sáng của tất cả những ngày trong tuần ông phải đi làm,
mà điều đó có lẽ thật tệ hại.

Mẹ và tôi lái xe tới nhà Augustus, khi
chúng tôi đến nơi bà muốn tôi ngồi lại trong xe nghỉ ngơi, nhưng dù sao tôi vẫn
theo bà vào trong. Khi chúng tôi lại gần ngôi nhà, tôi có thể nghe thấy tiếng
ai đó khóc bên trong. Lúc đầu tôi không nghĩ đó là Gus, bởi lẽ nó nghe chẳng
giống cái giọng trầm trầm của cậu ấy chút nào, nhưng rồi tôi nghe thấy một
giọng chắc chắn là phiên bản méo xệch của cậu ấy cất lên, “VÌ ĐÂY LÀ CUỘC SỐNG
CỦA CON, MẸ À. NÓ THUỘC VỀ CON.” Đột nhiên mẹ vòng tay ôm lấy vai tôi rồi xoay
ngược tôi về phía chiếc xe, bước rất vội, tôi thì ngơ ngác, “Mẹ, sao thế?”

Và bà nói, “Chúng ta không được nghe
trộm, Hazel.”

Chúng tôi quay trở lại xe rồi tôi nhắn
tin cho Augustus bảo chúng tôi đang đợi cậu ấy chuẩn bị sẵn sàng bên ngoài.

Chúng tôi ngó vào căn nhà một lúc. Điều
kỳ cục ở những ngôi nhà là hầu hết chúng luôn có vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra
bên trong, dù phần lớn cuộc sống của chúng ta diễn ra trong đó. Tôi băn khoăn
không biết phần nào nó có phải một điểm thú vị của kiến trúc không.

“Xem nào,” một lúc sau Mẹ nói, “mẹ nghĩ
mình đến hơi sớm.”

“Cứ như kiểu con chẳng phải dậy lúc năm
rưỡi ấy,” tôi đáp. Mẹ với xuống hộp điều khiển giữa hai chúng tôi, nhấc cốc cà
phê của bà ra rồi nhấp một ngụm. Điện thoại tôi rung. Tin nhắn của Augustus.

CHẲNG biết nên mặc gì. Cậu thích áo
phông hay sơ mi hơn?

Tôi nhắn lại:

Sơ mi.

Ba mươi giây sau cửa trước mở ra,
Augustus tươi cười xuất hiện với một chiếc túi kéo đằng sau. Cậu ấy mặc một
chiếc áo màu xanh da trời nhạt sơ vin bên trong quần jeans. Một điếu Camel
Light đung đưa trên môi. Mẹ tôi bước ra chào. Cậu ấy lập tức bỏ điếu thuốc ra
và nói với cái giọng tự tin tôi quen lắm rồi. “Cháu luôn vui khi được gặp bác,
thưa bác.”

Tôi quan sát họ qua gương chiếu hậu
trong xe cho đến khi mẹ mở cốp xe. Một lúc sau, Augustus mở cánh cửa đằng sau
tôi ra và bắt đầu cái công việc rắc rối là chui vào hàng ghế sau của một chiếc
ô tô bằng một chân.

“Cậu muốn ngồi ghế trước không?” tôi
hỏi.

“Chắc chắn không,” cậu ấy nói. “Và xin
chào, Hazel Grace.”

“Chào,” tôi nói. “Okay?” tôi hỏi.

“Okay,” cậu ấy đáp.

“Okay,” tôi đáp lại.

Mẹ tôi vào trong và đóng cửa xe lại. “Điểm dừng tiếp theo,
Amsterdam,” bà thông báo.

Mà thực ra là không đúng lắm. Điểm dừng tiếp theo là bãi đậu
xe của sân bay, sau đó một chiếc xe bus đón chúng tôi đến sân ga, rồi một chiếc
xe điện không mui đưa chúng tôi đến lối kiểm tra an ninh. Một chú nhân viên TSA[69] đang đứng ở
đầu dãy xếp hàng thông báo rằng các túi hành lý của chúng tôi tốt hơn là không
nên chứa chất nổ hay vũ khí hay bất cứ loại chất lỏng nào có dung tích lớn hơn
ba ounce[70], rồi tôi
nói với Augustus, “Nhận xét: Xếp hàng là một hình thức áp bức,” rồi cậu ấy đáp
lại, “Thật thế.”

[69] Transportation Security Administration. Cục An ninh Vận tải, một cơ quan
của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (United States Department of Homeland Security.)

[70] Khoảng 88.72 mililít.

Thay vì bị kiểm tra bằng tay, tôi chọn
việc bước qua máy dò kim loại mà không có giá đỡ hay bình ôxy hay thậm chí cả
nút nhựa trong mũi bên cạnh. Việc đi bộ qua máy chụp X-quang đánh dấu lần đầu
tiên tôi có thể cất bước trong nhiều tháng liền mà không cần đến bình ôxy, cảm
giác thật tuyệt vời khi được đi lại mà không có gì bám víu, cứ thế dấn bước[71], và sự im lặng của chiếc máy đã thừa nhận tôi, dẫu
chỉ trong tích tắc, là một sinh vật phi kim loại.

[71] Nguyên văn: stepping across the Rubicon. "Crossing the
Rubicon" (một đi không trở lại, phóng lao phải theo lao) là một thành ngữ
xuất phát từ việc Julius Caesar dẫn quân qua sông Rubicon để bắt đầu cuộc nội
chiến của ông năm 49 TCN. Khi qua con sông này ông đã nói “Alea iacta est” (Số
phận đã được an bài.) Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã, Augustus, là con
nuôi của Julius Caesar.

Tôi cảm nhận được cảm giác được làm chủ
cơ thể mà tôi chẳng thể miêu tả nó rõ ràng, giống như khi còn bé tôi có một cái
cặp rất nặng mà tôi thường xuyên phải đeo nó với vô vàn cuốn sách bên trong đi
khắp nơi, mang theo nó lâu đến mức khi cởi ra tôi có cảm giác mình đang trôi
bồng bềnh vậy.

Khoảng mười giây sau, hai lá phổi của
tôi có cảm giác như chúng bắt đầu co rúm lại như cánh hoa tàn lúc hoàng hôn.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế màu xám ngay cạnh máy dò và cố gắng bắt nhịp thở, húng
hắng ho, cảm thấy thật khổ sở cho đến khi ống dẫn khí được đặt vào đúng chỗ của
nó.

Ngay cả thế nó vẫn rất đau. Nỗi đau luôn
thường trực ở đó, cuồn cuộn trong lòng tôi, đòi hỏi được cảm nhận. Lúc nào tôi
cũng thấy như thể mình vừa tỉnh dậy từcơn đau khi có ai đó ở thế giới bên
ngoài kia cần tôi nói gì hay chú ý đến. Mẹ đang nhìn tôi, lo lắng. Bà vừa
nói gì đó. Bà vừa nói gì nhỉ? Rồi tôi nhớ ra. Bà vừa hỏi có chuyện gì không ổn.

“Không sao ạ,” tôi nói.

“Amsterdam!” bà cất giọng.

Tôi mỉm cười. “Amsterdam,” tôi đáp lại.
Bà đưa tay xuống kéo tôi dậy.

Chúng tôi đến cổng chờ một tiếng trước
lịch máy bay cất cánh. “Bác Lancaster, bác quả là một người đúng giờ đáng
ngưỡng mộ,” Augustus nói trong khi ngồi xuống bên tôi trong cổng chờ gần như
vắng tanh.

“Chà, đó là lợi thế của việc bác không
mấy bận cho lắm,” bà nói.

“Mẹ lúc nào cũng bận túi bụi,” tôi bảo
bà thế, dẫu cho tôi nhận ra rằng công việc của Mẹ chủ yếu là về tôi. Cả công
việc làm vợ của bố tôi nữa – ông gần như mù tịt về ngân hàng tín dụng và thuê
thợ sửa ống nước và nấu ăn và làm mọi thứ ngoại trừ chuyện làm việc cho Tập
đoàn Bất động sản Morris – nhưng chủ yếu vẫn là về tôi. Động lực sống lớn nhất
của Mẹ và động lực sống lớn nhất của tôi cứ đan xen rối rắm lẫn nhau.

Những hàng ghế quanh cổng chờ bắt đầu
được lấp dần, Augustus nói, “Tớ sẽ đi mua một cái hamburger trước khi chúng ta
cất cánh. Tớ mua cho cậu gì nhé?”

“Không,” tôi đáp, “nhưng tớ thực sự đánh
giá cao sự chối bỏ của cậu về những quy tắc xã hội với bữa sáng.”

Cậu ấy nghiêng đầu nhìn tôi, bối rối.
“Hazel vừa bắt đầu nghiên cứu vấn đề sự đối xử phân biệt với món trứng bác,” Mẹ
nói.

“Thật đáng xấu hổ khi chúng ta cứ sống
và mù quáng chấp nhận rằng món trứng bác là hoàn toàn gắn liền với những buổi
sáng.”

“Tớ muốn thảo luận chuyện này nhiều
hơn,” Augustus nói. “Nhưng giờ tớ đang chết đói. Tớ sẽ quay lại ngay.”

Hai mươi phút sau vẫn chưa thấy Augustus
quay lại, tôi hỏi Mẹ xem bà có nghĩ nhỡ có chuyện gì không ổn không, và bà chỉ
hé mắt khỏi tờ tạp chí nhảm nhí đủ lâu để nói, “Chắc thằng bé vào nhà vệ sinh
gì đấy thôi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3