1988 Tôi muốn trò chuyện với thế giới - Chương 11

Ngải Phi Phi là một cô gái trầm tính, bố cô ấy kinh doanh
trên biển, buôn bán rất có lộc, hoàn cảnh gia đình có thể nói là khá nhất trong
tứ đại mỹ nhân lớp tôi, thế nhưng cô ấy lại có một cậu em trai cùng cha khác mẹ
nữa, bố mẹ cô ấy mặc dù không ly hôn, nhưng ông ta lại ngoại tình với cô thư
ký, vấn đề là cô thư ký kia vẫn không phải là mẹ của em trai Phi Phi, bây giờ
năm người gia đình họ chung sống cùng nhau trong một căn biệt thự ngoại ô. Ngải
Phi Phi cũng không thích nói nhiều, nhưng cô ấy rất thích văn thơ. Cô ấy tham
gia cuộc thi kể chuyện Chú ếch xanh do công ty văn phòng phẩm Chú ếch xanh tài
trợ, tổ chức tại từng địa bàn trong toàn thành phố, hôm ấy Ngải Phi Phi kể
chuyện Hoàng tử ếch, bởi vì câu chuyện vô cùng phù hợp với hình ảnh của nhà tài
trợ, nên cô ấy bất ngờ đạt giải nhất. Đây là học sinh đầu tiên của trường tôi
đạt giải nhất trong cuộc thi Chú ếch xanh, vậy nên tên tuổi của cô ây nhanh
chóng nổi như cồn trong trường. Ngải Phi Phi còn thường xuyên gửi bài cho các
báo, bài viết của cô ấy được đăng trên tập san Khăn quàng đỏ. Có một lần, cô ấy
đã nói trong buổi thuyết trình sinh hoạt lớp, rằng: Chúng ta đã không còn là
những đứa trẻ, đã sắp trở thành học sinh trung học, suy nghĩ của mỗi người đã
trở nên chín chắn, cảm xúc cũng trở nên phong phú hơn, tôi sẽ cố gắng viết càng
ngày càng tốt, phản ánh chân thực tâm tư nguyện vọng của các bạn học sinh tiểu
học. Thầy cô nói rằng tôi có thể thử nghiệm gửi bài cho những tờ báo tầm cao
hơn, tập san Khăn quàng đỏ đã không còn là mục đích của tôi nữa rồi, tôi sẽ đạt
được những thành tích cao hơn cho các bạn thấy.

Ngải Phi Phi nhẹ nhàng khiêm tốn, rất nhanh sau đó, tác
phẩm của cô ấy được đăng trên báo Khăn quàng đỏ, nói về những trải nghiệm khi
được chứng kiến viên đá trong tủ lạnh đã tan chảy như thế nào khi đặt dưới ánh
nắng mặt trời.

Ngải Phi Phi là tài nữ và mỹ nữ của ngôi trường này, hầu
hết đám nam sinh nhìn cô ấy đều cảm thấy rất hổ thẹn, nhất là vì mấy cô gái dậy
thì quá sớm, cô nào cũng đều cao hơn chúng tôi. Thậm chí tôi còn cảm thấy, chỉ
có những anh học sinh cấp ba phong trần lãng tử cưỡi con Sandy bóng loáng mới
có quyền được hưởng thụ họ.

Nhưng tôi nhất định phải đợi mùa hè đến, tôi nhất định
phải biết trong số mấy cô gái ấy, ai là hình bóng mà tôi yêu thương. Tôi mở đĩa
Đàn ông không khóc của Tiểu Hổ Đội và dần chìm vào giấc ngủ, đĩa này tôi đã
nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Khác với đám bạn luôn thích những bài hát tiết
tấu nhanh, rõ ràng tôi có chiều sâu hơn, tôi thích nghe những bài hát nhạc nhẹ.
Tôi nghĩ có lẽ chúng nó chưa biết yêu, cho nên chỉ thích nghe những bài có tiết
tấu nhanh, còn khi đã yêu một người rồi, thì bạn sẽ thích những bài hát nhẹ
nhàng, chậm rãi, bởi vì bạn hiểu rõ rằng họ đang hát những gì, có phù hợp với
tâm trạng của mình hay không.

Khi ấy tôi thích nhất là bài hát Nỗi muộn phiền của anh,
vì từ sâu trong tiềm thức tôi cảm thấy mối tình này bi đát quá, hồi ấy tôi cao
chưa đến một mét tư, còn mấy cô ấy ai cũng cao hơn một mét rưỡi. Đó chính là
nỗi muộn phiền của tôi. Thời gian đó trong đám bạn bè mà tôi quen biết có người
sắp bị mất chức, có người bị đuổi việc, trong cái mớ bòng bong nỗi muộn phiền
ấy, tin vui duy nhất đó chính là một người anh khác của tôi được ân xá trước
thời hạn, đáng tiếc là tôi chả có tí tình cảm nào với ông anh này, anh ấy bị
bắt vào thời điểm tôi còn nhỏ hơn bây giờ một chút. Sau lần đập tan băng nhóm
tội phạm năm 1983, các phần tử phạm tội và mưu đồ phạm tội đều im bặt như ve
sầu mùa đông, nhưng qua một vài năm, thành phố tôi đang sống xảy ra vài vụ hung
sát, đi đến đâu cũng đều nghe phong thanh về vụ con gái của thị trưởng bị mấy
tay thanh niên xã hội đen cưỡng hiếp, vì thế cả thành phố đã mở cuộc truy quét
cục bộ các băng nhóm tội phạm, đẩy mạnh công kích tất cả những tội phạm hình
sự, cố gắng duy trì đảm bảo đồng bộ với các họat động giữ gìn môi trường sống.
Anh ấy là con trai bác hàng xóm của hàng xóm nhà tôi, anh ấy tên là Tiêu Hoa.
Cũng là đối tượng được bọn tôi hay bàn tán nhiều nhất. Hàng xóm của hàng xóm là
một tay đồ tể, sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Một đêm năm 1987, anh Tiêu Hoa
bỗng dưng có nhã hứng đi dạo phố, kết quả là bị đội cảnh sát nhân dân giữ lại
tra hỏi, đồng thời tìm thấy trên người anh có một chiếc tuốc nơ vít.

Khi đó mọi người đều quả quyết rằng anh ấy đã ăn trộm mấy
cái xe đạp hoặc là có động cơ phạm tội, mà trên thực tế, trong thị trấn đang có
mấy vụ mất xe đạp, thậm chí còn mất một con mô tô Jialing vô cùng quý hiếm. Thế
là anh Tiêu Hoa bị kết tội 10 năm tù. Không có ai biết hay chứng kiến việc anh
ấy có thực lấy trộm xe đạp và xe máy hay không, thế nhưng anh ấy cũng không
chứng minh được tại sao nửa đêm lại mang theo tuốc nơ vít ra đường, cho nên y
án bị kết tội. Người nhà của anh Tiêu Hoa trái lại vô cùng cảm ơn các đồng chí
dân cảnh đã xử án rất rộng lòng khoan dung, vì vốn nghĩ nếu tính cả chiếc mô tô
Jialing vào cho anh ấy, thì tội danh trộm cắp sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng,
chiếu theo quy định của đơn vị phòng chống tội phạm toàn quốc, thì tử hình là
cái chắc.

Chẳng người nào biết rốt cuộc anh ấy có ăn trộm xe đạp
hay không, nhưng tất cả mọi người đều sử dụng phương án giết nhầm còn hơn bỏ
sót, đúng cái năm mà anh Tiêu Hoa bị bắt, không còn chiếc xe đạp nào bị mất
thêm nữa, chứng minh xe đạp và chiếc mô tô quý giá kia đúng là do anh Tiêu Hoa
trộm mất. Anh Đinh Đinh nói với tôi: Nếu anh Tiêu Hoa quay về, chúng tôi nhất
định phải đối xử tốt với anh ấy, vì không có bằng chứng nào chứng minh anh ấy
trộm đồ, mà nếu có trộm thật đi chăng nữa, thì anh ấy cũng đã cải tà quy chính.
Anh Tiêu Hoa là một người tốt.

Tôi bị những lý lẽ của anh Đinh Đinh khuất phục hoàn
toàn. Cố gắng kìm nén những tình cảm riêng tư của mình, tôi đi chào đón anh
Tiêu Hoa trở về.

Nhưng tôi càng phải chào đón hơn, chính là sự quay trở
lại của mùa hè.

Tôi muốn chào đón những ngôi sao lấp lánh đầy trời.

Tôi muốn chào đón đàn tôm kéo đàn tuôn ra sông.

Tôi muốn chào đón cỏ dại đầy gai đâm xuyên da thịt mình.

Tôi muốn ngẩng đầu chào đón ánh mặt trời rọi xuống những
tia nắng gay gắt.

Tôi muốn chào đón ngày giỗ của anh Đinh Đinh, nghe nói
khi ấy, linh hồn anh ấy sẽ trở về. Tôi mong anh phù hộ để có thể câu được những
con tôm hùm to nhất vào mùa hè này, để được nở mày nở mặt với đám bạn. Tôi mong
anh ở bên cạnh mình lâu một chút rồi nói cho tôi xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện
gì, và tôi sẽ không còn thắc mắc nữa.

Điều quan trọng nhất là, tôi phải chờ đợi tất cả các bạn
gái đều mặc váy, và tôi có thể tìm được rốt cuộc là ai, trong khoảnh khắc rơi
xuống từ trên cột cờ, đã làm trái tim tôi tan chảy.

Một đứa học sinh lớp năm là tôi luôn luôn giữ vững niềm
tin của mình rằng đó là tình yêu, bởi vì nó làm cho tôi mất ngủ cả đêm. Tôi bắt
đầu thích nghe mục tâm sự tình cảm trên đài. Hồi đó ti vi phát rất nhiều kênh
kì lạ, tôi có thể xem mọi chương trình từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng điều
quái lạ là, họ đều nói tiếng trung, những điều họ nói trong chương trình không
giống với những gì tôi được học trên lớp. Tôi cảm thấy cực kì thú vị, mang ra
khoe ông nội, ông tôi vừa nghe, hoảng hốt tắt ngay, lại còn cảnh giác nhìn ngó
xung quanh. Ông mở miệng định nói gì đó với tôi, rồi cảm giác không yên tâm, mở
cửa thò đầu ra ngoài quan sát, lại còn mở tủ ra kiểm tra bên trong, quỳ xuống
nền nhà soi vào gầm giường, sau đó mới nghiêm khắc nói với tôi: Đây là con đang
nghe đài địch.

Tôi hỏi: Đài địch là gì?

Ông nội giải thích: Nghĩa là đài phát thanh của bọn địch.

Tôi ngạc nhiên: Chẳng phải bọn địch đều bị xử bắn sạch
rồi sao?

Ông nói: Bọn chúng còn chưa bị bắn hết. Ngày mai ông phải
đem thông tin báo cáo cho tổ chức, nếu có ai hỏi, con phải nói là không cẩn
thận chỉnh đến kênh này, ngay lập tức báo cho ông, rõ chưa?

Tôi đáp: Rõ rồi ạ.

Lần đầu tiên tôi vì dính dáng đến chính trị mà phải trả
một giá đắt như thế, chiếc đài bé nhỏ của tôi đã bị ông nội giao nộp cho chính
quyền. Khi trở về ông tôi bảo: Lũ giặc đáng ghét, bọn chúng mới đổi kênh, khi
tổ chức kiểm tra lại chẳng còn tìm được gì nữa. Trẻ con tuyệt đối không được
nghe mấy thứ đó, giờ đang là thời đại của nền chuyên chính giai cấp vô sản, còn
những thứ kia đều là rác rưởi của chủ nghĩa tư bản.

Tôi hỏi ông: Đài cát sét của con đâu?

Ông bảo: Ông mang đi nộp, bị giữ lại rồi.

Tôi nói: Còn băng của con đâu.

Ông hỏi: Băng gì vậy?

Tôi đáp: Đàn ông không khóc.

Ông nói: Nó ở trong đài cát sét, nên đương nhiên cũng bị
niêm phong rồi.

Ngay tức thì tôi liền bật khóc nức nở.

Ông nội thấy tôi khóc lóc thảm thiết quá, mới bảo: Thế
này đi, mai ông đi xin cuộn băng ấy về cho con, còn cái đài ông nghĩ chắc phải
để đó một thời gian, cái băng ấy tên gì ấy nhỉ.

Tôi vừa thút thít vừa nói: Đàn ông không khóc.

Ông hỏi tôi: Ai hát vậy?

Tôi đáp: Tiểu Hổ Đội, Tiểu Hổ Đội.

Ông ngạc nhiên hỏi tôi: Tiểu Hổ Đội á, bộ đội ở đâu ra
vậy?

Tôi bảo: Không phải bộ đội, mà là một ban nhạc, bao gồm
Phích Lịch Hổ (Ngô Kỳ Long), Quái Quái Hổ (Tô Hữu Bằng), Tiểu Soái Hổ (Trần Chí
Bằng).

Ông nội giờ mới hiểu ra, nói: À, ra là một ban nhạc.

Nước mũi đã sắp rơi xuống đất, tôi bảo ông: Là một ban
nhạc, là một ban nhạc.

Ông bảo tôi: Ừ, để mai ông đi lấy về, ban nhạc đó ở đâu?

Tôi khóc càng lớn, run rẩy nói: Là của Đài Loan.

Sắc mặt của ông bỗng chốc trở nên nặng nề, bảo: Tuy cải
cách mở cửa rồi, nhưng Đông Tây của Đài Loan vẫn cần phải cẩn thận.

Tôi bảo: Ông ơi, vậy ông có lấy về cho con không?

Ông nội thở dài bảo: Đợi tổ chức quyết định.

Mùa xuân năm ấy, tôi không còn cuộn băng và cái đài bầu
bạn nữa. Tôi ngồi bên cửa sổ ghi lại từng lời từng lời của mỗi bài hát trong
chiếc băng đó. Tôi còn đặc biệt dành riêng ra một trang để chép bài Nỗi muộn
phiền trong anh.

Bao trùm lên đôi mắt em là nỗi buồn, anh biết không thể
tiếp tục tự lừa dối bản thân mình, lá thu cuối cùng rồi cũng sẽ rơi, câu chuyện
của đôi ta sẽ đi đâu về đâu. Nhẹ nhàng bước ra khỏi giấc mộng của em, chẳng còn
dám cất lời ca đó nữa, tình yêu được gói gọn lại trong giọt nước mắt cuối cùng,
giống như đứa trẻ phải bỏ chạy vì quá đau lòng.

Anh đâu phải người như em mong muốn, hôm nay nói yêu ngày
mai em sẽ thấy hối hận. Những đêm cuồng nhiệt biết tìm nơi đâu, chuyện tình như
thế chỉ có một lần. Nếu em có thể yêu anh như vậy, anh nguyện vì yêu mà đau,
nếu em có thể yêu anh theo cách đó, anh nguyện vì yêu mà muộn phiền.

Tôi thích nhất câu hát “Những đêm cuồng nhiệt biết tìm
nơi đâu, chuyện tình như thế chỉ có một lần”. Khi ấy tôi cho rằng, cả đời này
tôi sẽ yêu một người như thế, cho nên làm ơn mau chóng cho tôi biết, người ấy
rốt cuộc là ai, Lý Tiểu Huệ, Lưu Nhân Nhân, Lục Mỹ Hàm hay Ngải Phi Phi. Dù là
ai tôi cũng đều đón nhận, còn nếu họ một mét rưỡi mà dám yêu một thằng mét tư
như tôi, thì tôi nguyện vì yêu mà đau khổ.

Nhà tôi ở lúc còn nhỏ nằm ngay bên đường quốc lộ, khi đó
tôi cưỡi xe đạp, mơ màng dưới ánh đèn đường loang loáng, trong cuộc lãng du đến
tương lai, xe sang và gái đẹp, phi đến những miền xa. Ai ngờ đâu bây giờ là một
con xe nát cùng với một bà bầu, đứa bé còn chẳng phải là con tôi, đến mẹ nó còn
chẳng biết ai là bố đứa bé. Na Na sau một hồi nhảy nhót và liến thoắng giờ tựa
lưng vào cửa ngủ ngon lành, tay vẫn cầm thạch hoa quả. Nhưng nếu tôi cứ mang
theo cái của nợ này thì không thể kịp đến đón bạn được. Nó chỉ còn duy nhất một
thằng tôi là bạn, tôi nghĩ thầm, khi nó từ trong đó bước ra, nếu không thấy
tôi, thì sẽ cảm thấy cô độc nhường nào. Lúc này những vì sao đã mờ nhạt dần sau
những tảng mây xám đen. Đêm đã khuya lắm rồi. Một ngày dài lê thê, tôi và Na Na
đã đi được hơn trăm ki lô mét, tôi khẽ lay cô ấy tỉnh lại và bảo: Na Na, chúng
ta tìm nơi nào đó nghỉ lại.

Na Na đang trong cơn mơ màng, nheo mắt nhìn tôi một hồi,
hỏi: Đây là đâu?

Tôi trả lời: Đang trên đường quốc lộ.

Na Na lại hỏi: Chúng ta đang đi đâu đây? Anh muốn đến
đâu?

Tôi đáp: Chúng ta tìm nơi nào đó nghỉ lại trước đã.

Na Na gật đầu, nói: Vâng, anh cứ đi tiếp đi, đến nơi thì
gọi cho em nhé.

Chúng tôi đang tiến gần một thành phố, tôi vốn tưởng rằng
ánh đèn phía xa kia hắt ra từ một xí nghiệp hóa chất, nhưng những cửa hàng và
xe xuất hiện nhiều dần hai bên dường như báo cho tôi biết, vào đến thành phố
rồi. Mặt đường từ hai làn mở rộng ra thành bốn làn xe, những bức tường hai bên
đường chăng đầy biểu ngữ. Nơi này đang được bình chọn là thành phố văn minh của
cả nước. Thành phố nằm đối diện với con đường quốc lộ nhưng không hề được đặt ở
vị trí cửa ngõ, nó nằm về phía bên phải, trong vài cây số tiếp theo, các ngõ
phố bên phải đều thông ra trục đường trung tâm, phía bên trái là những nhà máy
mới mọc lên. Sau khi xe chạy qua vài con hẻm, chúng tôi dừng lại ở một bãi đất
trống rất lớn, tôi bất chợt nhìn thấy một kiến trúc được thiết kế theo phong
cách hoàng cung, tôi không kiềm chế được thốt lên một tiếng: Chao ôi. Đến gần
hơn một chút, hóa ra là Tòa án, ánh đèn chiếu lên làm quốc huy trở nên huy
hoàng, rạng rỡ. Phía bên cạnh Tòa án còn có một bóng râm khổng lồ, tôi nhìn từ
xa nên không phát hiện ra ở đó có một tòa kiến trúc khác nữa, đến khi lại gần
mới nhận thấy đó là toàn nhà lớn hơn Tòa án gấp mười lần, chỉ le lói một quả
bóng đèn nhỏ gắn ngoài cửa. Tòa nhà này chắn mất cả ánh trăng, khiến một góc
của Tòa án bị che khuất. Tất nhiên rồi, đó là tòa nhà của chính quyền nhân dân.
Tôi lái xe men theo đường quốc lộ hồi lâu, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy
tòa nhà của chính phủ ban đêm không sáng đèn, khiến tôi càng thêm tò mò về
thành phố này. Đèn chiếu bao quanh tòa nhà giống như những khẩu đại bác ngắm
thẳng vào nó, tôi rất muốn biết khi tất cả các ngọn đèn đều bừng sáng, cảnh
tượng nơi đây sẽ trở nên hoành tráng thế nào. Lái xe men theo tòa nhà đến một
ngã ba đường, tôi đã thấy một khách sạn sang trọng tên là Minh Châu. Tôi dừng
xe trước cổng khách sạn, chuẩn bị gọi Na Na dậy, cậu nhân viên phục vụ ngay lập
tức ra hiệu cho tôi không được dừng xe ở đó. Tôi nói: Tôi biết, tôi chỉ vào bàn
lễ tân hỏi một chút.

Nhân viên phục vụ nói: Vậy thì anh cứ đỗ xe xong đã.

Tôi hỏi: Vậy tôi đỗ xe ở đâu?

Cậu phục vụ đáp: Dưới tầng hầm.

Tôi hỏi tiếp: Đỗ xe trên này không được sao?

Cậu phục vụ trả lời: Đỗ xe dưới tầng hầm an toàn hơn.

Tôi lái xe xa hơn một chút, dịch lên khu vực đỗ xe phía
trên đó, gọi Na Na dậy, nói: Đến rồi.

Na Na ngủ rất say, khi tỉnh dậy bảo tôi trong người hơi
khó chịu, mở cửa xe thò đầu ra ngoài nôn lấy nôn để.

Tôi vỗ nhẹ vài cái lấy lệ, đưa mắt nhìn xung quanh.

Na Na nôn xong quay lại nước mắt lưng tròng, áy náy bảo
tôi: Em xin lỗi, xin lỗi, có làm bẩn xe anh không?

Tôi bảo: Không sao.

Na Na nhìn qua cửa kính xe thấy khách sạn Minh Châu, kinh
ngạc thốt lên: Oa.

Tôi hỏi: Sao vậy?

Na Na đáp: Chúng ta ở đây sao?

Tôi trả lời: Ở chỗ tử tế một chút. Em không được khỏe
lắm, nghỉ ngơi cho thoải mái, chúng ta lại tiếp tục lên đường.

Na Na mỉm cười, điệu bộ rất sành sỏi nói: Không ngờ anh
là ông chủ lớn cơ đấy.

Tôi bảo: Đâu có đâu có, chiết khấu hết rồi thì cũng không
đắt lắm, có điều tiền đặt cọc chắc cũng khá đắt, thế này đi, anh đưa em ba
nghìn tệ, em vào trong đó đặt phòng, giường to hoặc giường đôi đều được, đặt
xong nếu thừa thì trả lại anh, nếu thiếu thì em bảo anh, anh sẽ đưa thêm.

Na Na nói: Không cần nhiều thế đâu, từng này đủ rồi.

Tôi bảo: Em cứ cầm lấy, lỡ đâu lại cần.

Na Na ngồi trong xe nghĩ ngợi một lúc, nói: Ừ, thế em đi
đặt phòng, anh đợi ở đây.

Tôi nói: Anh ở đây đợi em, nhân tiện dọn qua cái xe một
chút.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3