Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 04

4

Năm nay, hạn hán kéo dài… Đã sang tháng bảy mà tịnh không một giọt
mưa. Cữ Ngâu đầu, long tong được vài giọt mưa nhỏ, không đủ ướt sân, những cơn
gió tây nam khô khốc lại dồng dồng kéo về, lượt qua các ruộng lúa, làm cho
những đám ruộng, cấy khoảng chừng một tháng, không còn mầu xanh tươi tắn nữa.
Lá lúa quắt queo, tái lại. Nhiều thửa ruộng cấy sau, mạ vàng ửng, rơm đầu… Cánh
đồng có chỗ vàng như bị lửa châm, có chỗ sạm tái như bị nước sôi giội vào.

Nỗi lo sợ mất mùa hiện trên những nét mặt người giàu, người nghèo
khắp ở các làng quê. Những triều ruộng cao đứt nứt toác, có thể nghiêng bàn
chân, đút gọn xuống các lỗ nẻ. Chân ruộng thấp, xưa nay vẫn lo úng lụt, nước
cũng rút cạn hết, bùn váng lại, những gợn nẻ răm nứt rạn ở bốn xung quanh bờ.

Đêm đêm những người đổ ra từ trong làng lo làm cọn lo tát nước từ
dưới sông lên để cứu lúa. Tiếng gầu nước hắt lên từ dòng sông xa tít, chuyển
vần gần mấy chục bậc gầu giai, gầu sòng mới tải nước lên được những thửa ruộng
cạn kiệt ở gần sông…

Nắng vẫn ong ong, oi bức đến lạ kỳ. Đêm đến, trăng vàng vọt, úa
héo, phủ lê một vùng bao la, những dấu hiệu dự báo những điều chẳng tốt lành
gì!

Lê Sát lo lắm. Kinh thành đang năm bè, bảy mối. Quan to thì lo
tích lũy của cải, đổ thóc ra bán, vơ vét từ chiếc lọ cổ đến chiếc giường thờ
lim của đám tiện dân ở nhà quê… Gỗ, gạch rẻ như bèo. Nhiều nhà sắp làm nhà cũng
gọi người bán đổ, bán tháo lấy ít thóc, ngô ăn sống người… Hàng ngày trên bờ
đê, đám người không người thuê mướn, ra đứng dày đặc.. Đám nha lại của nhà
quyền quí, chỉ việc lên đê, có thể mướn hàng ngàn người đi kéo gỗ, về làm những
dinh thự lớn cho các quan lớn trong triều.

Hàng ngày, ngồi nghe các mật tấu từ các nơi đưa đến, Lê Sát luôn
luôn hết đứng lại ngồi. Có lúc ông dằn mình nín nhịn, có lúc ông quát tháo, có
lúc ông ngồi lì ở trong trướng, không cho ai vào bẩm báo gì nữa… Hôm nay, nhiều
chuyện rắc rối lại xảy ra… Trước tiên là chuyện đám dân thợ làm chùa Báo Thiên
bỏ trốn và đình lại công việc không chịu làm nữa… Chùa Báo Thiên ở huyện Thọ
Xương, cách hoàng thành không xa. Dạo này ở kinh đô có nhiều đạo sĩ, cư sĩ,
tăng ni về hành đạo. Cũng có nhiều người thức giả, cho mình là đạo sư gốc của
các thiền sư nổi danh của phái Vô Ngôn Thông hoặc phái Thảo đường, muốn gặp các
đại quan nhân để bàn quốc sự… Nhưng khi bàn thật sự thì họ lại đem ba câu, sáu
điều của các bậc bách gia chư tử, thời trước mà khuyên tể tướng phải biết tu,
tề, trị, bình phải biết nghiêm phép nước… Họ lựa lời khuyên các quan tướng, lo
làm phúc, dựng chùa, tô tượng, đúc chuông, làm những điều công đức. Các văn
thần võ tướng đều nghe theo cả… Đại tư đồ Lê Sát không hiểu sao, mà chùa chiền
mọc lên như nấm… Phía bên kia sông Hồng, gần mấy làng Cổ Pháp, tín đồ Phật tử
đi lại nhộn nhịp suốt ngày đến nỗi triều đình e ngại có sự bạo loạn.

Ở nam đạo quan tổng trấn cũng cho dựng thêm chùa, xây thêm tháp ở
các vùng Nam Trực… Đông Quan… Riêng việc quyên đồng đúc chuông ở khắp nơi cũng
làm cho số vũ khí cũ thu thập được của bọn quân Minh ở các kho tàng ngày một
tiêu tán. Nhiều nhà lập đền thờ Phật trong nhà. Một hôm có một sư tăng xưng là
Trí Ngộ vào yết kiến. Nhà sư nói:

- A di đà Phật, kẻ chay hôm nay mới được vào hoàng thành lộng lẫy
quá!

Lê Sát nghiêm mặt hỏi:

- Đại sư nói vậy là sao?

- Đó cũng là lời khen cũng là lời chê!

- Khen gì vậy?

- Khen là đất nước thái bình rồi, giặc dữ chạy xa, kinh thành đô
hội, vua giỏi thì dân mới có của. Dân có của làm ăn, buôn bán tấp nập, thuế
nhiều, lộc sẵn, phủ đường, dinh thự, kinh thành lộng lẫy quá là đúng!

- Thế còn chê?

- Chê là ở chỗ cái đẹp không phải chỗ nào cũng có. Bần đạo nhìn
nhà nào cũng thích làm kiểu lầu son, gác tía như người Trung Hoa, mà chẳng có
cốt cách của người Việt. Thứ nhã nhạc dân dã thời Lý Trần đã dần thay bằng dàn
nhạc tấu réo rắt kiểu ngoại bang, nhà cửa thì kiểu dáng xa lạ, mất vẻ giản dị,
mộc mạc, vững chãi của Đại Việt. Vả lại, đền chùa là nơi thắng tích để lại muôn
đời. Lầu gác kinh thành cũng thế. Quan đại tư đồ mặc cho ai làm gì thì làm, của
cải làm ra nhiều mà chẳng có công trình nào đáng kể. Mà, ngài có làm tể tướng
mãi được không?

Lê Sát nghe ra, mời lên chiếu trên ngồi cùng với mình, rồi bảo:

- Bây giờ đại sư khuyên ta nên làm gì?

- Báo Thiên là nơi u tĩnh, ở ngay phía nam thành đô, phố phường ở
phía sau giàu có tấp nập. Huyện Thọ Xương là một huyện lớn, dân chúng lại mộ
phật. Rằm mồng một, khách thập phương đến đây nghìn nghịt mà chùa lại quá nhỏ.
Quan đại tư đồ có nên làm một ngôi chùa đẹp ở đó không?

Lê Sát băn khoăn hỏi:

- Vua nhỏ mới lên, nhiều việc cần tiền bạc, dựng chùa có lợi gì?

- Lợi đấy! Lợi lắm đấy! Này, quan đại tư đồ hãy chịu nghe nhà sư…
Biết làm việc thiện thì bớt được nỗi khổ ở đời. Một đời võ tướng xung sát trăm
trận, hồn oan tử sĩ còn oán than ở khắp nơi… Dựng chùa để các thầy chùa thỉnh
kinh độ trì cho, há chẳng bớt được oán trước sao. Đó là cái lợi thứ nhất… Quan
tể tướng dù lo cho dân no ấm đến mấy, hết thời họ cũng quên thôi… Chi bằng dựng
một ngôi chùa thật đẹp, thật lớn, thật nguy nga tráng lệ… Ai đến thăm cũng tấm
tắc khen, công trình lưu danh hậu thế, thì người bỏ công tiếng tăm cũng truyền
tụng mãi về sau, đó là cái lợi thứ hai… Đô thành mười năm trong loạn lạc, chùa
chiền bị phá cả… Nay khắp hoàng thành quan lớn, quan bé mọc lên như nấm, mà
chùa chiền không xây dựng cho dân chúng đến lễ bái, thì dân sẽ từ đó mà ca
thán. Làm được ngôi chùa lớn cho cả kinh thành đến chiêm ngưỡng, làm nơi lễ hội
xuân thu nhị kỳ để nêu bật sự văn hiến, đó chẳng là cái lợi lớn thứ ba hay sao?

Lê Sát nghe ra, bảo Trí Ngộ:

- Nghe sư thầy nói thật có lý lắm. Phiền xây to quá ngân khố nhà
nước cũng không chi xuể? Vậy bây giờ nên là như thế nào?

Trí Ngộ nói:

- To chưa phải là đẹp. Đẹp chưa hẳn phải là sừng sững ngang trời.
Một tượng Thích Ca mâu ni ở Tam Bảo, bao nhiêu chùa chiền thi nhau tạc, có pho
nào giống pho nào đâu. Tất cả tượng Thích Ca đều đẹp mà rất nhỏ. Đẹp ở trong
lòng. Nghĩ tốt tạo ra cái đẹp.

Lê Sát vui lắm liền giao việc làm chùa Báo Thiên cho Trí Ngộ… Chùa
làm ròng rã hai năm, từ lúc vua Thái Tổ đi dánh giặc ở Mường Lễ cho đến lúc
Thái Tôn lên ngôi. Bây giờ vào thời kỳ đói kém hạn hán, tiền của hút vào đấy
cũng nhiều lắm! Đã có nhiều buổi chầu, nhiều người vào tâu vua xin tạm hoãn
việc dựng chùa lại. Vua hỏi Lê Sát, Sát cố biện bạch để gấp rút làm cho xong…

Nhưng, Trí Ngộ đâu có thể cai quản nổi đám hào, lý, nha lại trong
huyện. Bọn chúng như sâu, ve, giòi bọ có miếng ăn là nhung nhúc bò đến. Chúng
biết nhà giàu trong huyện sẵn lòng cung tiến tiền bạc, gạch gỗ: quan đại tư đồ
muốn cho chùa nguy nga nên chúng giao kết với nhau lăn xả vào kiếm lợi. Có một
người thợ sơn là Cao Sư Đăng, cũng là một nghệ sĩ có tài ở kinh sư… Chúng mướn
vào, bắt vẽ thử làm thử, và lập tức lưu lại trong chùa. Cao Sư Đăng rất thích
vẽ và dựng các cảnh nội thất. Ông đã đi hết thảy các chùa chiền, xem xét cách
bài trí, để tạo dựng ra thế giới thiền, phật ở chùa Báo Thiên, có những nét
riêng biệt. Chẳng hạn, ông rất quan tâm đến loại tượng La Hán, Tuyết Sơn, các
vị Hộ Pháp… Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khiến ông mất công nghĩ ngợi nhất. Ở chùa
Báo Thiên, ông là người lo tô tượng, bài trí đẹp, theo thiết kế sẵn có. Ông đắm
mình vào công việc, hào hứng lên, ông làm việc quên cả trưa nắng chang chang
hoặc đêm mùa buốt thót…

Ông ghê tởm và xa xánh đám nha lại. Ông chỉ cần có tiền để thi thố
những công trình nghệ thuật. Vậy mà, bọn thầu khoán dã tâm cắt xén hết cả những
thứ cần thiết. Chúng mua sơn giả gỗ rẻ tiền để làm tượng, làm nhà. Chúng mướn
những người nghèo chết đói dở vì mất mùa, bắt mỗi ngày làm việc cật lực cho
chúng. Lê Sát không hề hay biết. Một bữa, sốt ruột vì xây dựng công trình, Lê
Sát đến đến tận chùa Báo Thiên xem xét công việc. Mọi ngày quan tư đồ vẫn thích
tiền hô hậu ủng, hôm nay ngài lại vi hành, mặc áo thương nhân giàu có, cầm quạt
lộng đến chùa. Đám cai quản công trình sắp đặt công việc xong, đi uống rượu tìm
gái ở các lầu xanh cả… Chỉ còn lại bọn đốc công khét tiếng gian ác đốc thúc đám
thợ nghèo và bọn làm mướn công rẻ hối hả đang làm nốt các công việc ở Tam Quan.
Bọn đốc công tìm sư thầy Trí Ngộ thì người lại vân du ở phía chùa Cổ Pháp Đại
quan nhân muốn hỏi công việc tổng quát làm chùa, chúng không sao nói được.
Chúng liền dẫn ông đến Cao Sư Đăng… Cao Sư Đăng đang nghĩ đến việc tạc pho
tượng Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay… Quan Thế Âm là Phật chuyên tâm đến
người đời, không như các vị phật ưa tìm đại đạo… Quan Thế Âm thích trà trộn vào
dân chúng, khất thực, để thấy cảnh trầm luân ở mọi nơi. Ở đó, người mới cùng
đám chúng sinh nghĩ cách khuyến tạo cho điều thiện thắng điều ác, lo đem lại sự
yên tĩnh của đạo trời, của lòng người…

Cao Sư Đăng nghĩ làm sao thể hiện được pho tượng này, đẹp cả về
hình thể lẫn hình tượng. Ông đang vẽ một khuôn mặt người phụ nữ nhập thiền dưới
ánh hào quang của đại đạo. Nhưng trong ánh hào quang ấy không phải đem lại từ
đạo đạo, mà chính là nghìn mắt nghìn tay của Đức Quan Âm hết sức gần gũi chúng
sinh… Cao Sư Đăng đang say mê với họa phẩm, lo sẽ đúc thành tượng. Lê Sát đến
bên cạnh lúc nào không biết!

Sát lên tiếng hỏi:

- Họa sư làm gì vậy.

Đăng ngẩng mặt lên:

- Chào đại quan nhân.

Rồi tưởng Sát là một khách thập phương đến vãng cảnh, Đăng lại cắm
cúi vẽ, Sát có vẻ khó chịu, nhưng cố nén. Thấy Đăng vẽ Phật không giống như các
chùa liền hỏi:

- Sao người vẽ Phật nhiều tay thế.

Đăng hỏi:

- Ông đã đọc nhiều kinh Phật chưa?

Sát nào đọc được một quyển kinh bao giờ, nhưng sĩ diện nói:

- Ta cũng đọc được vài ba pho…

- Ông thích pho nào: Pháp Hoa, Lãng Nghiêm, Mật giáo hay Kim
cương…

- Ồ, ta có phải Sư đâu mà đọc lắm thế? Này, nhưng ông định vẽ bùa
hay sao vậy?

- Sao lại bùa, tôi vẽ Phật đấy chứ!

- Phật gì mà trong tay lại có mắt.

- Đấy là tôi muốn thể hiện sức thần thông của Quan Thế Âm…

- Thần thông là thế nào?

- Là người có mắt nhìn khắp ba nghìn thế giới. Bàn tay phổ độ cứu
nhân độ thế của Người cũng ở khắp ba nghìn thế giới. Người nhiều mắt nhiều tay
là thế.

Sát cáu, nói hơi xẵng:

- Ngươi nói láo. Ta nghe người khác vật là có tay, có mắt… Mỗi
người chỉ hai mắt và hai tay, ở đây sao tay lại tua tủa đâm lên như nứa dại
ngoài rừng vậy.

Sư Đăng cười:

- Tay trong vòng hào quang, tay tạo ra vầng lá bồ đề, không phải
người đất Phật không nhìn thấy được. Tôi làm họa sư, nghĩ ra được sự thần thông
qua nghìn tay nghìn mắt là cả một đời lăn lóc với chùa chiền mới tìm thấy.
Người thường không thể nào vẽ được, tạc được tượng này đâu. Mong đại quan đi
xem cảnh chùa để tôi vẽ.

Sát cáu lắm rồi! Nhưng vẫn cố nén, bảo:

- Ở đây có bao nhiêu người thợ vẽ giỏi như ông?

- Thợ vẽ thì hàng trăm, nhưng họa sư thì chỉ có một…

- Ông họa sư chăng?

Đăng cười:

- Thầy tôi còn giỏi hơn tôi nhiều.

Sát vẫn thấy Đăng tô điểm, thấy những cánh tay đẹp như người vũ nữ
và những con mắt, liền tức tối nói:

- Phật ở chốn quên đời, sao tay lại giống như tay kỹ nữ vậy.

- Tay đẹp của trần gian là tay Phật. Mắt đẹp của bốn phương là mắt
Phật…

- Ta nghe mắt ở trên mặt, tại sao mắt lại ở trong tay.

- Trong mắt có tay, trong tay có mắt. Mắt ở trên mặt là mắt người.
Tay ở trên thân là tay người. Mắt ở khắp nơi là mắt Thần, Phật. Tay đẹp cứu độ
chúng sinh là tay Thần Phật… Tay ấy, mắt ấy mới tỏa hào quang thật sự… Còn như
tay như mắt ông thì có khi chỉ làm điều dữ.

Sát quát:

- Hay ngươi định truyền bá thuật phù thủy ở chốn này…

Cao Sư Đăng không thèm nói cầm bút tiếp tục vẽ và đọc to lên bài
thơ:

Thiện tự tâm nảy sinh
Ác tự tâm thác loạn
Thiện ác tự lòng ta
Quấy đảo hoài chẳng chán…
Vứt ác xó nào nhỉ?
Giữ điều lành chốn nao?
Hai mặt trong ta đó,
Rối mù gỡ làm sao?
Người ơi hãy suy ngẫm
Tự hỏi lòng thật lâu!

Sát cáu lắm nhưng không làm gì nổi, đến hỏi một gã đốc công. Gã
này vốn cũng không ưa gì Cao Sư Đăng:

- Gã thợ vẽ ở đây là thế nào với sư Trí Ngộ.

- Là thợ đặc biệt.

- Nó có thuộc người cai quản không?

- Ông ấy cứ vẽ vẽ vời vời thế, nhưng bắt chúng tôi làm theo khe
khắt lắm! Lúc nào cũng nghệ thuật, nghệ thuật, khó chịu lắm. Đục hỏng một họa tiết
ông cằn nhằn. Thứ gỗ không ưng ý, ông ta bắt bỏ… Ông ta khinh người lắm.

- Ông ta là họa sư chăng?

- Đúng thế!

- Họa sư gì mà vẽ vời như bọn phù thủy.

- Ồ, ông này nghĩ lạ lắm. Ông ấy thích vẽ La Hán. Có ông thì gậy
có rắn cuốn, có ông thì hươu nằm phía trước, ngoảnh mặt lại nhìn. Mặt hươu
thoáng giống mặt người. Hỏi thì ông ta bảo: các ông Phật ấy đắc đạo từ kiếp
rắn, kiếp hươu mà thành…

Sát lẩm nhẩm nói:

- Không khéo hắn đích thị là phù thủy rồi.

Và trong lòng càng ghét.

Lê Sát ra đến cổng ngoài thì gặp Trí Ngộ Thiền sư trở về. Sư vội
mời Sát vào nhà trai, gọi người dâng trà. Lê Sát nén lòng hỏi:

- Đại sư tu bổ chùa Báo Thiên đến đâu rồi?

- A di đà Phật! Bần tăng nhờ công quả của chúng sinh, nhờ lượng bể
của triều đình nên công việc mười cũng xong đến tám chín. Chỉ mong quan đại tư
đồ để mắt đến chưa kịp việc khánh thành, lễ hội thôi…

- Trời đang giáng hoạ. Hạn hán kéo dài, dân chúng các nơi bồ cạn,
bịch rỗng, tu bổ những công trình lớn như chùa Báo Thiên đây dễ là cái mối cho
kẻ xấu gièm báng… Vả lại, ta thấy bọn thợ mộc, thợ nề, thợ sơn của nhà sư đông
đúc mà công việc không chạy. Hình như người làm thì ít, người kiếm miếng ăn
trong lúc đói kém thì nhiều, đại sư cần phải xem xét lại công việc.

- A di đà phật!

Nói đoạn, Lê Sát đứng dậy ra về, vẻ mặt tức bực… Sát gọi người đốc
công theo. Về nhà, Sát điệu vào trong nhà riêng gạn hỏi:

- Cao Sư Đăng có phải là kẻ định chiêu tập thợ thuyền ở chùa Báo
Thiên để làm loạn không?

Người đốc công nghĩ một lát, trả lời:

- Nói là ông ấy tập họp thì không đúng. Sư Trí Ngộ giao cho các vị
chủ trì làm việc với các đốc công chúng tôi… Các vị chủ trì tốt bụng lắm, nhưng
vì thế, cũng bị đám người đến xin việc lợi dụng… Nói chung là có thuê mướn dong
công, có bớt xén chút ít, nhưng tùy người, tùy bụng… Nhưng chúng tôi đây, làm
công cho nhà chùa, cũng nghĩ đến công đức nhiều hơn lợi lộc… Chỉ có ông họa sư
cậy tài hay nói quá lời thôi.

Sát gợi hỏi:

- Nói quá lời là thế nào?

- Cao Sư Đăng tự cho mình là bậc thức giả… nên khinh những người
khác lắm!

- Hắn khinh ai, nói bậy bạ thế nào?

- Dạ, tôi không dám nói!

- Ngươi cứ nói đi! Ta sẽ thưởng.

- Nhận thưởng mà để người khác bị tội, tôi không muốn.

- Tức là Cao Sư Đăng nói càn dở lắm rồi! Ta nói cho ngươi biết, ta
là quan đại tư đồ đây. Nếu ta bảo ngươi không nói, không những không được trọng
thưởng mà ta có cách khác bắt ngươi nói!

- …

Sát nghiêm trang bảo:

- Vừa rồi ta đến thị sát chùa Báo Thiên, tiếp xúc với đám dân nói
đến làm phụ hồ, phụ nề, phụ mộc, thấy rắc rối lắm. Ta đã nhắc nhở đại sư Trí
Ngộ, những cái bọn cùng đinh ấy, được no nê thì phè phỡn hát chèo, hát đúm, đói
bụng inh ỏi kêu ca, trị chúng không khó… chúng nó chỉ là than… kẻ có học như
Cao Sư Đăng, lòng dạ phù thủy, đó mới chính là cái mối dễ bốc thành lửa… Trên
đường về, ta có hỏi thêm vài kẻ biết công việc ở chùa Báo Thiên, nghe nói Cao
Sư Đăng nói nhiều câu bạo nghịch lắm. Ngươi biết mà không nói nghĩa là mắc tội
a dua đó! Ta không tha đâu! Ngươi không nói ta bỏ ngục ngay tức thì đó!

- Dạ… dạ… tôi xin nói! Xin quan tể tướng đừng hạ ngục!

- Cao Sư Đăng nói gì?

- Dạ. Ông ta nói: “Thiên tử không có đức, nghe bọn hoạn quan, ham
chơi nghịch ngợm, bỏ bễ việc triều chính. Bọn đại thần thì lộng lành, vơ vét,
ăn của đút tuyển các tay chân vô lại thân tín để bòn rút dân, thiện tâm ở bọn
ấy làm gì có! Chúng cho làm chùa to thế này, chẳng qua là che mắt thiên hạ
thôi!

Lê Sát uất lắm, gặng hỏi:

- Cao Sư Đăng dám nói thế hả! Một mình ngươi nghe thấy, hay nhiều
người khác nữa.

- Sư Đăng ngạo nghễ, sợ gì ai đâu. Hắn nói với nhiều người, cứ gì
với tôi…

Lê Sát cho cận thần lên chùa, hỏi luôn dăm bảy người nữa, rồi bắt
luôn Cao Sư Đăng giao cho pháp quan hỏi tội. Cao Sư Đăng không hề từ chối, cho
rằng, đó chỉ là việc hiển hiện ra trước mắt, nhiều người biết không dám nói
thôi. Lê Sát nhân muốn trị Cao Sư Đăng để bịt miệng thiên hạ, làm răn bọn sĩ
phu ở kinh đô, ngồi nhàn hay lắm chuyện, nên đã có chủ ý.

Vừa lúc đó thì lính điệu về phủ đường một giám sinh, giam trong
cũi… Lê Sát nhìn ra hỏi:

- Thằng nào vậy?

- Dạ tên giám sinh Nguyễn Đức Minh!

- Nó can tội gì mà điệu về đây.

Người dẫn kẻ có tội chỉ lẳng lặng đưa cho đại tư đồ một tờ giấy
dán ở chỗ công cộng vừa bị bóc đem về. Lê Sát giở ra xem, lời lẽ như sau:

“Trần Nguyên Hãn, tội gì mà phải nhảy xuống sông tự tử… Hay là chỉ
có tội giẹp giặc Minh, đánh thành Xương Giang, công đầu trong việc thu giang
sơn về một mối.

Phạm Văn Xảo có tội gì mà phải chết? Hay là có tội mưu lược hơn
đời, giúp Thái Tổ những việc lớn nơi màn trướng!” Lê Nhân Chú tội gì mà bị ngầm
sai uống thuốc độc chết. Người được Thái Tổ coi như thủ túc, lúc nào cũng ở bên
mình. Có thể được nhận di chiếu, làm đến Bình chương quân quốc trọng sự mà vẫn
chẳng có quyền hành… Ông Chú thưởng người tài, trọng kẻ sĩ, khuyên Vua mời
Nguyễn Trãi trở lại triều đình… Ai giết ông Chú vậy, nếu chẳng phải là Lê Sát
và Lê Vấn ư?...”

Lê Sát xem xong mặt đỏ bừng bừng, chỉ mặt nói:

- Có phải mày viết những lời láo hỗn này không?

Nguyễn Đức Minh nói:

- Tôi đến Quốc Tử Giám đã thấy tờ giấy dán ở cánh cổng tự bao giờ,
bóc ra xem thấy lời lẽ quá đáng nên xé vứt xuống hồ. Thực lòng là muốn giữ uy
vọng cho các đại thần, chứ không phải tôi viết!

- Mày không nhận hả! Quân đâu… Đem cực hình ra đây.

Nguyễn Đức Minh bị tra khảo ngay trước mặt Cao Sư Đăng. Thân thể
ròng ròng máu. Khi đến, phong độ đĩnh đạc, tự tin. Giờ như cành lá nhúng nước
sôi, tã tượi, không gượng dậy được…

Lê Sát lấy xong khẩu cung của Cao Sư Đăng và Nguyễn Đức Minh rồi
chỉ vào mặt hai người mắng lớn:

- Bọn nho sĩ lộng ngôn quá lắm rồi! Chúng mày là một lũ dài lưng
tốn vải, lại hay gièm báng… Phải chém chúng mày làm răn cho kẻ khác.

Hôm sau, vui coi chầu, Lê Sát đem tội trạng của Nguyễn Đức Minh và
Cao Sư Đăng lên tâu vua… Vua giao cho đình thần nghị tội. Quan Thẩm hình, vốn
là người tin cậy của Lê Sát đều tâu vua nên chém!

Bùi Cầm Hổ xuất ban tâu rằng:

- Tội trạng Đức Minh nếu đúng như lời khai, thì hắn không phải là
người viết thư nói xấu đại thần. Chém sao được chỉ đáng lưu viễn Châu thôi!

Vua hỏi:

- Quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi thấy thế nào?

- Một mảnh giấy nói đến cái chết của Thượng hầu Lê Nhân Chú, kẻ
viết là ai chưa biết. Nay giết kẻ phát kiện, theo lời thú thì y chỉ cần vứt
xuống ao… Chẳng lẽ thế mà giết một người ư… Quan ngự sử Bùi Cầm Hổ tâu đầy đi
đất xa là phải, tâu Thánh Thượng.

Vua lại hỏi:

- Thế còn tội của thằng thợ vẽ!

Lê Sát nói:

- Thằng này không chém không xong! Nó khuấy động cả đám dân thợ ở
chùa Báo Thiên, gieo lòng oán thán triều đình vào hàng ngàn người, không chém
không được.

Bùi Cầm Hổ lại bước ra, lạy rồi tâu:

- Cao Sư Đăng là họa sư ở chùa Báo Thiên, kinh thành đều biết
tiếng, nếu chém e lỡ dở mất công trình. Nếu miễn tội chết, coi là tù khổ sai,
bắt làm lao dịch thêm để ăn năn hối lỗi!

Lê Sát thấy vua có vẻ nghe theo, liền nói:

- Tâu Thánh thượng, việc sàm báng của Cao Sư Đăng không thể tha
được. Kẻ ngạo mạn mà tha chỉ là dong tội, khiến hắn ngạo mạn thêm. Tài kinh
bang tế thế thì đáng được cân nhắc, chỉ vẽ cột chùa, tô tượng giỏi, thiếu gì
người ở hoàng thành này. Một thằng thợ vẽ, nói láo đến thế mà không chém để răn
người khác, thì khác gì cho thiên hạ náo loạn, ai muốn làm gì cũng được, không
kỷ cương phép nước gì!

Vua đưa mắt nhìn khắp lượt các đại thần, không ai dám nói gì cả,
liền cho tả hữu lôi Cao Sư Đăng đem chém và đóng gông đầy Nguyễn Đức Minh ra
miền Hoá Châu…

Các quan im như thóc… Lê Sát có vẻ hể hả lắm. Khi bãi chầu, các
đại thần cùng lui ra, vua về hoàng cung. Lúc đó, trời có một quầng mưa đám mây,
mưa rào rào xuống, các quan vội chạy vào trú ở Điện Tập Hiền. Lê Sát thấy mưa
hể hả nói:

- Thấy chưa, nếu tha Cao Sư Đăng thì làm gì có trận mưa này!

Câu nói vơ vào của Sát khiến tư khấu Lê Ngân rất khó chịu, liền
nói:

- Ông tưởng giết kẻ xàm bậy thì mưa nhiều à? Nếu thế thì xương
trắng phơi đầy đống đấy!

Sát giận tím mặt…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3