Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 09 phần 2

Và khi tôi dại dột thú nhận
với hắn là tôi đã đọc Beckett, bộ mặt đẹp nhẵn thín của hắn, gắn vào đó là một
cái mồm rộng một cách kì dị, sáng lên vẻ khoan dung. (Bất cứ điều gì Fredebeul
nói ra, tôi đều có cảm tưởng là đã đọc ở đâu đó). Kinkel nhìn hắn với sự thán
phục; còn Sommerwild lần lượt nhìn chúng tôi, mắt muốn nói: xem đấy, chúng tôi,
những người Cơ Đốc giáo, là những người rất thông thạo thời sự!... Tất cả những
việc trên diễn ra trước giờ đọc kinh. Khi đó, bà Kinkel bất thình lình tuyên
bố: “Odilo, tôi cho là bây giờ chúng ta có thể đọc kinh. Chắc chắn là Heribert
hôm nay không đến”. Mọi người nhìn vào Marie rồi quay đi vội vàng, nhưng tôi
không nhận ra lí do của sự im lặng nặng nề bủa xuống chúng tôi. (Mãi đến lúc
trở về phòng chúng tôi ở khách sạn Hanovre tôi bỗng hiểu ra rằng Heribert là
tên tục của Zỹpfner). Tuy nhiên hắn cũng đã đến, nhưng rất muộn; lúc buổi cầu
kinh từ lâu đã kết thúc, và người ta đương tìm chủ đề cho buổi tối hôm đó. Khi
hắn bước vào, tôi thấy thú vị cách Marie đi đến nhìn hắn và nhún vai - một cử
chỉ muốn nói là vô ích - trước khi hắn quay lại chào những người khác trong
bọn. Sau đó hắn mỉm cười ngồi xuống cạnh tôi. Lúc đó Sommerwild bắt đầu kể lại
câu chuyện về một nhà văn Cơ Đốc giáo nọ sau khi sống đã lâu với một người phụ
nữ góa chồng, cuối cùng đã cưới chị ta để nghe một chức sắc cao cấp của nhà thờ
nói: “Sao, Besewitz thân mến, anh chị không thể cứ ăn ở với nhau mà không cần
cưới xin được ư? “ Và cả bọn cười phá lên, tiếng cười của bà Kinkel gần như là
tục tĩu. Riêng Zupfner cùng với Marie không cười. Tôi biết ơn hắn về điều đó.
Kể câu chuyện kia chắc Sommerwild chỉ có ý định bày tỏ ra với tôi về cách nhìn
rộng rãi và sự khoan dung của nhà thờ Cơ Đốc giáo, về ý thức và về tinh thần
mới mẻ của nó. Cho dù tôi có ăn ở với Marie mà không có cưới xin, họ cũng có
thể không nghĩ ngợi gì. Tôi liền kể cho họ nghe câu chuyện về một người có vợ
tên là Frehlingen ở không xa lắm nơi bố mẹ tôi. Anh ta cũng sống chung trong
ngôi nhà nhỏ trong cảnh thợ thuyền của anh ta với một người đàn bà góa, còn
nuôi cả ba đứa con riêng của chị ta. Một hôm ông cha xứ đến tìm buộc anh ta, với
sự đe dọa rút phép thông công, phải “chấm dứt ngay cách ăn ở vô đạo đức đến như
vậy”, và Frehlingen, một con người rất ngoan đạo, đã tuân lệnh và đuổi người
đẹp góa bụa với ba đứa con của chị đi. Tôi còn kể tiếp là sau đó người đàn bà
ấy phải sống lang thang và bán mình để có thể đảm bảo nuôi các con của mình,
còn Frehlingen thì bắt đầu uống rượu bởi vì anh ta thực sự yêu người đàn bà ấy.
Hình như cứ mỗi khi tôi nói thì một sự im lặng nặng nề bao giờ cũng kết thúc
câu chuyện của tôi. Sommerwild lập tức can thiệp, hắn ta cười và tuyên bố: “Này,
ông Schnier, hẳn ông không có ý định so sánh hai trường hợp đó với nhau đấy
chứ?” “Nhưng tại sao lại không?” Tôi nói. “Ông cũng không nghĩ rằng, nếu ông ít
nhiều biết về Besewitz”, hắn giận dữ hét lên, “đấy là một nhà văn Cơ Đốc giáo
tinh tế nhất trên đời chứ?”. Đến lượt tôi cũng tức giận đập lại: “Và ông, ông
có biết Frehlingen là một con người tế nhị và một người lao động tín đồ Cơ Đốc
giáo như thế nào không?” Hắn nhìn tôi và giơ hai tay lên trong một cử chỉ tuyệt
vọng. Một sự tạm ngừng, khi đó người ta nghe thấy tiếng ho của Monika Silvs,
nhưng ai cũng biết là khi đã có Fredebeul trong số khách mời đến, thì không
nghi ngờ được là sự im lặng lại có thể kéo dài. Quả nhiên hắn mau lẹ nhảy vào
cuộc, đưa câu chuyện trở về với chủ đề của buổi tối, nói về sự tương đối của
khái niệm nghèo: hắn thuyết dông dài không kém hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, cho
đến khi tạo được cơ hội cho Kinkel thuật lại giai thoại về một kẻ đã nếm mùi
khổ cực giữa năm trăm và ba nghìn mác kiếm được trong một tháng, trong khi
Zupfner hỏi xin tôi một điếu thuốc lá để có thể che giấu sự hổ thẹn của hắn sau
làn khói thuốc.

Marie và tôi đi chuyến tàu
cuối cùng để trở về Cologne. Chúng tôi cùng thấy khổ sở như nhau. Marie đã rất
tha thiết với lời mời tham dự buổi họp mặt ấy và chúng tôi đã phải vét hết tiền
trong ngăn kéo để chi cho chuyến đi. Về vật chất chúng tôi không được thoải
mái, chúng tôi đã ăn uống ít hơn thường lệ. Chúng tôi có cảm tưởng là quãng
đường dài kinh khủng và đúng là về đến Tây thành phố Cologne, chúng tôi không
còn một đồng xu dính túi, phải đi bộ về nhà.

Ở chỗ Kinkel, người ta nhấc
máy ngay.

- Alfred Kinkel đây, một
giọng trẻ con khá kiêu kì.

- Schnier đây, có thể nói
chuyện với bố em được không?

- Schnier, nhà thần học, hay
Schnier diễn viên hề?

- Diễn viên hề.

- A, nó kêu lên, tôi không
cho là ông quan niệm vấn đề một cách nghiêm trọng chứ?

- Nghiêm trọng? Cái gì không
phải quan niệm là nghiêm trọng? - Tôi hỏi giọng mệt mỏi.

- Sao, ông chưa đọc báo à?

- Báo nào?

- Tiếng nói của Bonn.

- Một sự chỉ trích tàn tệ?

- Này nhé, giống như một
giấy báo tử thì đúng hơn! Ông có muốn tôi đi lấy đọc ông nghe?

- Không, cám ơn.

Cậu bé này trong giọng nói
đúng là có ngữ điệu của kẻ thích thú những trò tai ác.

- Nhưng mà ông cũng nên
biết, nó nói, như vậy để mở mắt ra. Mẹ kiếp! Những tham vọng kiểu sư phạm rẻ
tiền!

- Và ai là tác giả của bài
báo ấy? - Tôi hỏi.

- Một Kostert nào đó, hình
như là thông tín viên của họ ở Ruhr thì phải. Bài báo rất xuất sắc,
nhưng khá ác!

- Biết làm thế nào... ông ta
cũng là một người ngoan đạo mà.

- Thế còn ông?

- Không phải! Nhưng tôi có
thể nói chuyện với bố em được không?

- Ông ấy không muốn ai quấy
rầy, nhưng vì ông, tôi sẵn sàng.

Đúng là lần đầu tiên sự
thích thú làm các trò tai ác đã được việc cho tôi.

- Cám ơn, tôi nói.

Tôi nghe thấy nó đặt ống
nghe lên mặt bàn và đi qua phòng, rồi tôi nghe thấy ở hậu phòng có những tiếng
nói đồng thanh rít lên: có thể nói là cả một tổ rắn đương tranh giành nhau, hai
rắn đực và một rắn cái. Bao giờ tôi cũng thấy khổ sở phải chứng kiến bằng mắt
hoặc bằng tai những sự kiện không phải để dành cho mắt và cho tai tôi. Còn về
khả năng gần như siêu tự nhiên ngửi thấy mùi qua telephon không hề đem lại cho
tôi sự thích thú gì, trái lại đối với tôi đó là một gánh nặng. ở nhà Kinkel có
mùi canh thang béo ngậy, như ở đây người ta nấu chín cả một con bò. Những tiếng
rít ở hậu phòng vang lên có triệu chứng không lành: người ta có thể nói là cậu
con giai sắp sửa cắt cổ ông bố, hoặc bà mẹ cắt cổ cậu con giai. Tôi nghĩ đến
Lacoon, và việc phải nghe những tiếng rít và những tiếng rống lên (tôi nghe
thấy cả tiếng vật lộn ẩu đả, những ô! những a! chêm vào đó là những tiếng thét
như “đồ súc vật” hoặc “đồ đểu giả”) trên sân khấu ngôi nhà mà người ta coi là “đỉnh
cao của trí tuệ Cơ Đốc giáo Đức” không làm tôi vui lên chút nào. Tôi cũng nghĩ
đến cả tên đểu cáng Kostert, ở Bochum. Hẳn là hắn đã rất vất vả từ tối hôm
qua để có thể điện được về Bonn bài báo của hắn. Việc đó không hề
ngăn cản hắn, không muộn hơn sáng hôm nay, đến gãi gãi vào cửa phòng tôi như
một con cún tầm thường và làm ra vẻ như là những người anh em tín đồ Cơ Đốc.

Mỗi lúc càng thấy rõ là
Kinkel hoàn toàn đương tìm mọi cách để không đi ra chỗ đặt telephon. Dần dần
tôi có thể nhận ra những tiếng động và chuyển động phát ra từ cuối phòng - vợ
hắn còn phản đối kịch liệt hơn, còn cậu con trai họ thì từ chối việc quay trở
lại máy để trả lời tôi là cậu ta đã nhầm và nói lại là chắc chắn bố cậu ta
không có nhà. Rồi bất thình lình, có sự im lặng hoàn toàn, một sự im lặng chết
chóc, có thể nói là chết xuất huyết. Vài giây nữa tiếp theo, tôi nghe thấy
tiếng chân lê bước tới và ngay sau đó ống nghe được nhấc lên khỏi mặt bàn. Tôi
đã nghĩ là người ta sẽ lại đặt nó ngay vào máy. Tôi nhớ lại rất rõ chỗ đặt
telephon ở nhà Kinkel, dưới ba bức tranh Đức Mẹ phong cách barốc, đúng ở dưới
bức mà hắn cho là kém giá trị nhất. Tóm lại, đối với tôi giá lúc ấy nghe thấy
tiếng gác máy thì hơn. Tôi thấy thương hại cho Kinkel: thật là một sự thử thách
đối với hắn khi phải nói chuyện với tôi lúc này, còn về tôi, tôi không hi vọng thu
được gì trong cuộc nói chuyện, tiền bạc cũng như một lời khuyên tử tế. Nếu hắn
nói với tôi giọng nghẹn ngào, có lẽ tôi sẽ động lòng trắc ẩn, nhưng tiếng nói
của hắn lại oang oang và vui vẻ hơn bao giờ hết. Một hôm, có ai đó đã ví tiếng
nói của hắn với toàn bộ một bè kèn.

- A lô, Schnier! - Hắn nói
giọng to vang, sung sướng biết bao được nghe cậu!

- A lô, thưa tiến sĩ, tôi
đương ở vào một thế bí.

Cái từ duy nhất có ác ý mà
tôi có thể nói ra là “tiến sĩ” vì, như cha tôi, Kinkel gần đây là một tiến sĩ
h.c.

- Schnier, quan hệ giữa
chúng ta như thế nào mà anh cho rằng phải gọi tôi là tiến sĩ?

- Nhưng, tôi hoàn toàn không
nắm được gì về các mối quan hệ giữa chúng ta!

Hắn bật ra một tiếng cười
đặc biệt giòn: vang như tiếng kèn, dày vẻ đạo đức, thân tình, “một sự vui vẻ
hoàn toàn barôc”.

- Thiện cảm của tôi đối với
anh vẫn nguyên như xưa.

Tôi khó lòng tin được hắn.
Đối với hắn, tôi đã xuống dốc đến mức không còn đáng phải hạ thấp tôi hơn nữa.

- Anh đương trải qua một cơn
khủng hoảng, hắn nói, không hơn. Anh còn trẻ, hãy trấn tĩnh lại đi và anh sẽ
thắng.

- Trấn tĩnh lại?... Có vẻ
giống như là ở I.R.9 của Anna.

- Anh nói về vấn đề gì? - Tôi
dịu dàng hỏi.

- Thế anh muốn tôi nói về
vấn đề gì nữa? Về nghệ thuật của anh, và sự nghiệp của anh, tất nhiên là thế.

- Nhưng hoàn toàn không phải
là vấn đề ấy, - tôi nói. - Anh biết rằng tôi có nguyên tắc không bao giờ nói về
nghệ thuật và càng ít nói về sự nghiệp. Đây là về... tôi muốn... tôi tìm Marie.

Hắn thốt ra một tiếng khó có
thể xác định là tiếng gì, nửa nhưlàu nhàu, nửa như ợ hơi. Tôi còn lờ mờ nghe
thấy vài tiếng rít ở cuối phòng, rồi Kinkel đặt ống nghe xuống bàn và lại nhắc
ống nghe lên. Tiếng nói của hắn thấp xuống, mất âm thanh. Hắn nhét vào miệng
hắn một điếu xì gà.

- Schnier, - hắn nói, - quá
khứ là quá khứ, hãy quên đi. Hãy nghĩ đến hiện tại, có nghĩa là nghĩ đến nghệ
thuật của anh.

- Quên quá khứ đi ư? Hãy thử
tưởng tượng một chút, là nếu vợ anh bỗng nhiên bỏ rơi anh để đi theo một người
khác.

Hắn im lặng, đối với tôi như
vậy có nghĩa là: cô ấy cứ việc! Rồi hắn vừa nhai xì gà vừa tuyên bố:

- Cô ấy không phải là vợ anh
và hơn nữa anh không có bảy đứa con!

- Cô ấy không phải là vợ
tôi, anh nói sao?

- À, cái thứ lăng mạ vô
chính phủ ấy! Hắn kêu lên. Nào, hãy tỏ ra là một người đàn ông!

- Mẹ kiếp! Chính vì tôi
thuộc về giống đực cho nên câu chuyện mới làm tôi khốn khổ đến như vậy! Còn về
bảy đứa con, chúng còn có thể đến... Marie mới có hai mươi lăm tuổi.

- Về người đàn ông, tôi muốn
nói về một người sẵn sàng đương đầu với hoàn cảnh.

- Điều ấy có vẻ rất Cơ Đốc.

- Này! Có phải anh định lên
lớp tôi về đạo Cơ Đốc không đấy.

- Đúng vậy. Nếu tôi không
nhầm thì, theo nhà thờ Cơ Đốc, đôi vợ chồng phải tự ban lễ cưới lẫn cho nhau,
đúng không?

- Đúng!

- Vậy thì mặc dầu có lễ cưới
dân sự và lễ cưới ở nhà thờ, nếu họ không tự ban lễ cưới lẫn nhau, thì có phải
đám cưới được coi như là vô giá trị hay không?

- Hừm, - hắn lẩm bẩm.

- Này, thưa tiến sĩ, có gì
làm phiền ông nếu ông bỏ điếu xì gà ở miệng ông ra không? Cái kiểu ông nhai
nhai ấy làm tôi khó chịu, tôi cũng không hiểu vì sao. Người ta có thể tưởng là
chúng ta đương tranh luận về giá thị trường chứng khoán.

- Anh hãy nghe đây (hắn đã
bỏ điếu xì gà ở miệng ra), nghĩ như thế nào về điều anh muốn, đấy là việc của
anh, nhưng anh nên biết rằng cô Derkum về vấn đề này có ý kiến rõ ràng khác với
ý kiến của anh và cô ấy hành động theo lương tâm của cô ấy. Tất cả những gì tôi
có thể nói được, là cô ấy hành động lành mạnh đấy.

- Nếu như vậy, tại sao không
ai trong các anh muốn cho tôi biết là cô ấy đương ở đâu? Các anh chỉ là một bọn
Cơ Đốc giáo đáng nguyền rủa, tất cả vào hùa với nhau đem giấu Marie của tôi.

- Đừng có lố bịch, Schnier,
chúng ta không còn ở thời kì Trung cổ.

- Thật đáng tiếc, vì nếu
chúng ta còn sống ở thời kì Trung cổ thì cô ấy đã có thể ăn ở với tôi không cần
phải cưới xin mà lòng không bị hối hận giày vò... Rút cuộc, cô ấy rồi sẽ trở về
với tôi một ngày nào đó.

- Ở địa vị của anh, Schnier,
tôi sẽ không chắc chắn đến như vậy. Anh đúng là không có tư chất siêu hình học,
thật đáng tiếc.

- Đối với Marie chưa bao giờ
có vấn đề để cô ấy phải lo lắng cho linh hồn của tôi lâu đến thế, nhưng vì các
anh xen vào, chính các anh, để thuyết phục cô ấy phải chăm lo trước hết cho
chính linh hồn của cô ấy, đến nỗi bây giờ lại chính là tôi, không có tư chất
siêu hình học, phải lo lắng cho linh hồn của Marie. Nếu cô ấy đã lấy Zupfner
đấy là cô ấy đã mắc tội lỗi thật sự lần đầu tiên. Bởi vì có cái gì đó trong
siêu hình học của các anh tôi cũng hiểu được: là khi ăn ở với Zupfner, cô ấy đã
mắc tội ngoại tình và rơi vào chuyện thông dâm. Còn đức Tổng Giám mục
Sommerwild của anh, trong chuyện này ông ấy đóng vai trò ma cô.

Với một sự cố gắng hiển
nhiên, Kinkel vẫn còn cười được, nhưng tiếng cười không giòn lắm.

- Dù sao cũng phải thừa nhận
thật là buồn cười khi người ta nghĩ về Heribert gần như là đức thế tục của Cơ
Đốc giáo Đức và Sommerwild là đức thần quyền của anh ta.

- Và anh là lương tri của
hắn! - Tôi điên tiết nói thêm, và anh hoàn toàn biết là tôi có lí.

Trên kia, trên dải núi
Vénusberg, hắn hổn hển một lúc dưới một trong ba bức tranh Đức Mẹ barốc kém giá
trị nhất.

- Tuổi thanh niên của anh có
cái gì đó làm người ta chưng hửng và đáng để phải ganh tị.

- Thôi, thôi, ông tiến sĩ,
không nên để mình phải chưng hửng và ganh tị với tôi. Nếu Marie không quay về
với tôi, tôi sẽ khử đức Tổng Giám mục tử tế của các anh. Tôi sẽ lột da ông ta,
vì tôi chẳng còn gì để có thể mất nữa.

Hắn im lặng và lại nhét điếu
xì gà vào miệng.

- Tôi biết, - tôi nói, - lương
tâm của anh đương bị giày vò dữ dội. Nếu tôi nói đến việc thủ tiêu Zupfner,
việc ấy sẽ rất tiện cho anh: hắn không thích anh và hắn quá thiên hữu đối với
anh, trong khi Sommerwild lại là một chỗ dựa chắc chắn của anh ở Rome, ở
đấy người ta chê trách anh - cũng rất đúng thôi, theo thiển nghĩ của tôi

- Về những tư tưởng cấp
tiến.

- Thôi những chuyện phi lí như
vậy đi, Schnier. Có chuyện gì không ổn?

- Những tay Cơ Đốc giáo làm
tôi bực mình, - tôi nói, - vì họ không nghiêm túc.

- Còn những người theo đạo
Tin Lành? - Hắn vừa cười vừa hỏi.

- Họ làm tôi phát ốm với
việc phô trương các vấn đề muôn thuở về lương tâm.

- Và những kẻ vô thần?

- Họ làm tôi khó chịu vì lúc
nào cũng chỉ cầu Trời.

- Vậy, anh đúng là ai?

Tôi là một diễn viên hài, và
bây giờ còn hài hơn so với tiếng tăm của hắn. Nhưng có một con người Cơ Đốc
giáo mà tôi cần đến một cách ghê gớm: Marie, và đấy chính là con người các anh
đã bắt cóc mất của tôi.

- Vô lí, Schnier! Hãy dứt
khoát bỏ đi cái ý nghĩ về việc bắt cóc ấy đi. Quái dị, chúng ta đương sống ở
thế kỉ hai mươi!

- Đúng vậy! Ở thế kỉ mười ba
tôi đã có thể tha hồ tán gái, và ngay các vị hồng y giáo chủ cũng không buồn
bận tâm đến việc Marie và tôi có cưới nhau hay không. Trái lại, ngày nay tất cả
những người Cơ Đốc giáo lại khua chuông gõ mõ về lương tâm khốn khổ của cô ấy,
đẩy cô ấy vào một cuộc sống đồi trụy và ngoại tình, chỉ vì một mẩu giấy nhỏ nực
cười kia. Cuối cùng, ở thế kỉ mười ba, thưa ông tiến sĩ, với những bức tranh
Đức Mẹ ông đáng bị rút phép thông công đấy. Chắc ông biết rõ là những đồ vật ấy
bị lấy cắp ở các nhà thờ xứ Bavière hoặc ở vùng Tirol [58]
không cần phải nói ông cũng biết là hiện nay việc lấy cắp đồ vật của nhà thờ
vẫn còn bị coi là một tội lớn.

[58] Bavière
thuộc Đức. Tirol thuộc vùng núi Anpơ.

- Schnier, tôi thấy anh là
đã tự cho mình quyền được có những nhận xét về các vấn đề riêng tư. Tôi không
ngờ anh lại như thế đấy.

- Đã nhiều năm anh can thiệp
vào những công việc hết sức riêng tư của tôi và khi ngẫu nhiên, tôi có một nhận
xét rất phụ, nho nhỏ đặt anh trước một thực tế có thể gây ra cho anh những sự
phiền toái, thì anh lại nổi giận. Khi nào tôi có lại được tài sản, tôi sẽ thuê
một tay thám tử tư chỉ để khám phá ra nguồn gốc các bức tranh Đức Mẹ của anh.

Hắn không còn cười nữa. Tôi
nghe thấy hắn ho và nhận thấy là hắn chưa hiểu rằng đấy là tôi nói một cách
nghiêm túc.

- Gác máy đi, Kinkel, gác
máy trước khi tôi bắt đầu nói với anh về mức sống tối thiểu. Chúc anh và cả
lương tâm của anh một buổi tối tốt lành.

Nhưng hình như hắn vẫn chưa
hiểu, tôi lại là người gác máy trước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3