Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 17 - 18
17 - VINH VÀ NHỤC CỦA HỒ TÙNG
Hồ Tùng tức Trần Tùng, vì
trước đó, ông từng một lòng một dạ lo giúp rập Hồ Quý Ly, lại từng lập được
nhiều công lao trong các cuộc giao tranh với Chiêm Thành nên ông được mang quốc
tính, đổi làm họ Hồ. Ở thời ông, như thế cũng có thể gọi là vinh. Bạn đồng liêu
với ông, chưa dễ mấy ai có được.
Tiếc thay, vinh chẳng lớn
bằng nhục. Người ban quốc tính cho ông là Hồ Quý Ly mà người ra lệnh giải chức
rồi bắt giết ông cũng là Hồ Quý Ly. Đành Quý Ly vốn tính tàn bạo, nhưng xem ra
trong việc cụ thể này, Quý Ly cũng có cái lí cần được ghi nhận của Quý Ly.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 46 - b) chép
rằng:
"Quý Ly giết viên tướng
quân cũ là Hồ Tùng. Trước đó, Tùng đã bị giải chức, bèn xin bán các đồ khí giới
của nhà mình (nhưng Hồ Quý Ly) không cho, vì có ý muốn dùng lại. Sau, Tùng lén
thông dâm với vợ của cố Hành khiển Lương Nguyên Bưu (một trong số hơn 370 người
bị Hồ Quý Ly giết hại vào năm Kỉ Mão, 1399 - ND) là con gái của Trần Quý. Quý
Ly tức giận nói: "Bọn tài giỏi đều từ cửa nhà Tùng mà ra.”
Tùng cùng với người Chiêm đã
đầu hàng là Chế - sơn - nô âm mưu làm phản, ngầm liên kết với người Chiêm Thành
để trao đổi tin tức cho nhau. Việc bị lộ, Tùng và con gái Quý đều bị xử tử.”
Lời bàn: Xin bán đồ khí giới
của nhà mình, chừng như Hồ Tùng muốn tỏ sự giận hờn của kẻ võ biền bị thất thế
nhiều hơn là sự khảng khái của đấng trượng phu gặp lúc thất sủng.
Thông dâm với vợ của cố Hành
khiển Lương Nguyên Bưu, Hồ Tùng đã tự cho thấy ông chẳng còn muốn giữ gìn nhân
cách làm gì nữa. Quý Ly tức giận, ấy cũng là sự thường, song, câu nói lúc tức
giận này của Hồ Quý Ly sao mà chẳng ăn nhập gì với lỗi lầm của Hồ Tùng cả.
Chừng như Hồ Quý Ly nói lời ganh tị với tài trí của tướng quân Hồ Tùng chứ
không phải nói lời phiền trách sự sa đọa của Hồ Tùng.
Với Hồ Tùng, mọi điều đều có
thể được bỏ qua, duy âm mưu phản quốc thì không sao tha thứ được. Hồ Tùng bị
giết cũng là đáng đời. Chỗ này mà trách Hồ Quý Ly tàn bạo, kể cũng bất công với
Hồ Quý Ly.
18 - CHẾT CHÙM VÌ NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH
Có bao nhiêu người thì có
bấy nhiêu cái chết khác nhau. Từng nghe nói chết đói, chết bệnh, chết già, chết
trận... nhưng quả là gần như chưa từng nghe nói chết vì ngồi lê đôi mách. Vậy
mà chuyện ấy đã xảy ra.
Vào đầu năm Ất Dậu (1405),
đời vua Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại năm thứ ba, có một vụ án xử tội những
kẻ ngồi lê đôi mách, hành hình trước sau đến mấy mạng liền. Đầu đuôi vụ án này
được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyền 8, tờ 47 a - b)
ghi lại như sau:
"Mùa xuân, thăng 2, (Hồ)
Quý Ly giết kẻ sĩ là Nguyễn Ông Kiều và Lê Địch. Trước đó, Quý Ly có làm bài
thơ răn dạy Hán Thương và Nguyên Trừng, đại khái nói:
Thiên dã
phú, địa dã tái,
Huynh đệ
nhị nhân, như hà bất tương ái?
Ô hô! Ai
tai hề ca khảng khái.
(Trời thì
che, đất thì chở,
Anh em hai
người, sao
chẳng thương nhau?
Ôi, thương
sao (chừ) lời ca khảng khái.)
Vợ (Nguyễn) Ông Kiều thường
vào ra trong cung, bèn đem thơ ấy nói với Ông Kiều, Ông Kiều lại đem thơ ấy mà
truyền tụng ở cầu Hoa Cái. (Có người) học sinh trong phủ của (Hồ Nguyên) Trừng
là Nguyễn Cẩm và Nguyên Nhữ Minh đem chuyện ấy báo hết với (Hồ Nguyên) Trừng.
Trừng tâu lại với Quý Ly. Quý Ly mật sai quan Trung đô doãn là Đỗ Tử Triệt bắt
Kiều. (Đỗ) Tử Triệt làm cỗ mời Ông Kiều rồi bắt (Ông Kiều) giam vào ngục. Ông
Kiều thất thế, bèn cung xưng luôn cả bọn Lê Địch và Đỗ Loát. (Đỗ) Loát chạy
trốn thoát được. Ông Kiều và Lê Địch đều bị giết, bọn Hà Nhật Tuyên bị tội đày
viễn châu. Bọn Nguyên Nhữ Minh vì nghe đọc bài thơ ấy mà bị tội đồ, đày ra châu
Cửu Chân. Vài tháng sau, (Đỗ) Tử Triệt bỗng mắc bạo bệnh, đòi lấy bút viết rằng
“Ta kiện nhau với mày,” lát sau thì chết. Sau, (Hà) Nhật Tuyên cũng bị giết
chết vì tội lập phe cánh bè đảng.”
Lời bàn: Có vợ thường ra vào
trong cung cấm, Nguyễn Ông Kiều chẳng lấy đó làm mối lo, lại thích thú với
những điều lạ tai do vợ cóp nhặt hoặc nghe lỏm được. Ca dao có câu:
Thứ nhất vợ
dại trong nhà
Thứ nhì
trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Có người nói rằng, không ưa
tỉ tê chuyện này chuyện nọ thì chưa chắc đã là đàn bà. Câu ấy đúng sai ra sao,
đây không dám bàn, chỉ biết là Nguyễn Ông Kiều có lẽ còn lắm điều hơn người vợ
lắm điều của ông ta một bậc.
Thầy nào, đệ tử ấy. Nguyễn
Cẩm và Nguyễn Nhữ Minh mật báo những điều họ nghe được ở Nguyễn Ông Kiều cho Hồ
Nguyên Trừng, trong chỗ ưa lắm điều và thiếu cân nhắc, họ đã mang tội phản bội
và hại thầy, rốt cuộc, chẳng được công trạng gì mà còn bị xử tội đồ, oan thì
cũng có phần oan mà đáng thì kể cũng có phần đáng.
Hồ Quý Ly giết và phạt tội
một loạt người vì không muốn thiên hạ nghe chuyện cung đình hay vì chẳng muốn
ai biết những câu có vần ngô nghê và nhạt nhẽo của Hồ Quý Ly? Cho dẫu lí do nào
thì cũng đều là không được. Nhưng thôi, điều đáng nói ở đây không phải là sự
tàn bạo của Hồ Quý Ly mà là những gì rút ra được từ chuyện Nguyễn Ông Kiều. Mới
hay là ở đời cái gì cũng có giá của nó, tỉ như chuyện ngồi lê đôi mách nội sự
triều đình, cũng phải mất mấy mạng người, đày ải mấy mạng người, thiên hạ may
ra mới có được một bài học. Ghê thay!