Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 15 - 16
15 - CHUYỆN NGUYỄN BẨM VÀ TRẦN ĐỨC
HUY BỊ HÀNH QUYẾT
Năm Nhâm Ngọ (1402) là năm
có hai vụ hành quyết rất thảm khốc. Vụ thứ nhất là vụ Nguyễn Bẩm. Sách Đại
Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 42 a - b) chép rằng:
“Sĩ nhân là Nguyễn Bẩm, dâng
thư nói rằng, tiền Hồ (tức Hồ Quý Ly - ND) nên nhường ngôi (Thượng hoàng) để
lui về Kim Âu (tức là núi Đại Lại ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND), hậu Hồ (chỉ Hồ
Hán Thương - ND) thì nên tôn là Thượng hoàng, Thái tử Nhuế nên lên ngôi quan
gia (tức lên ngôi vua - ND). Quý Ly giận lắm, cho là (Nguyễn) Bẩm chỉ trích nhà
vua, sự tình nghiêm trọng, sai đem chém.”
Vụ thứ hai là vụ Trần Đức
Huy. Cũng sách trên (tờ 43 - a) chép như sau: "Hán Thương sai giết người
phương thuật là Trần Đức Huy. Đức Huy hồi trẻ miệng rộng đút vừa nắm tay, tay
dài quá gối, có người (thấy vậy) bảo rằng (Đức Huy) ngày sau tất quý hiển. Đến
khi lớn lên (Đức Huy) học nghề phương thuật, thường ban đêm đánh mõ làm phép kì
binh, như có muôn nghìn người đang reo hò đánh nhau. (Đức Huy) lại đi khắp các
xã, lấy trộm tên những người đi tuần rồi kê biên vào sổ quân (của Đức Huy).
Việc bị phát giác, (triều đình) thu được một quyển sách phương thuật, một con
dấu giả, một thanh gươm nhỏ, một chiếc mõ đồng. (Đức Huy) bị xử tội lăng trì,
sổ quân thì ném xuống nước hoặc đốt đi, không hỏi đến.”
Lời bàn: Trước, An phủ sứ Nguyễn
Cảnh Chân có dâng thư tâu bày về phép trị dân ở biên ải nhưng bị Hồ Quý Ly chê
là “thằng ngọng,” ấy có lẽ cũng vì Hồ Quý Ly còn chút nể mặt quan lớn của triều
đình nên chỉ phê lời phê trịch thượng chứ chưa đem ra hành hình. Nguyễn Bẩm chỉ
là sĩ nhân mà dám thắp đèn soi đường cho mặt trời mọc, Hồ Quý Ly nể gì mà chẳng
phanh thây? Ôi, miệt mài sôi kinh nấu sử mãi để được coi là kẻ sĩ đã khó, mà
sau làm sao để đem được sở học của kẻ sĩ dâng hiến trọn vẹn cho đời lại còn khó
hơn.
Còn như Trần Đức Huy mà bị
xử lăng trì thì quá lắm. Phép thuật của ông không cứu nổi mạng ông, làm sao mà
dám bảo cứu được xã tắc đang hồi nghiêng ngửa. Trần Đức Huy chết, âm phủ thêm
một hồn ma oan khuất, dương gian thêm một tội ác sát nhân của họ Hồ, còn dân
tình khốn khổ trước sau vẫn hoàn toàn khốn khổ. Thương thay!
16 - VỤ THẢM SÁT THÂN THUỘC CỦA NHỮNG
HOẠN QUAN
Sách Đại Việt sử kí
toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 45 - a) chép:
“Mùa đông, tháng 10, Hán
Thương giết thân thuộc của bọn Nguyễn Toán là Nội quan ở Bắc (tức nhà Minh, Trung
Quốc - ND). Trước đây, Minh Thái Tổ từng đòi người bị thiến, tăng nhân và đàn
bà làm xoa bóp, ta đều chiều ý đưa cho, được vài năm, tha các tăng nhân và tú
nữ về nước, chỉ giữ bọn bị thiến, sung làm nội quan. Đến khi (Minh) Thái Tông
lên ngôi, có ý muốn xâm lược phương Nam (chỉ nước ta - ND) bèn sai bọn Nguyễn
Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín đi sứ sang nước ta, nhân đó, đi thăm hỏi
thân thuộc và bí mật dặn rằng, sau, nếu có quân phương Bắc tới thì cứ dựng cờ
vàng, ghi là thân thuộc của viên nội quan tên họ là... tất sẽ không bị giết
hại. Việc ấy bị phát giác, (triều đình cho) bắt hết thân thuộc của những tên ấy
đem giết đi.”
Lời bàn: Nhà Hồ ở trong thì lo
dân nổi dậy. Ở ngoài thì lo giặc ngoại xâm tràn vào, quả là chưa một ngày được
yên vui hưởng lạc. Bởi lòng dạ bất an mà phản ửng thiếu cân nhắc, sự ấy, cổ kim
đông tây chẳng thiếu gì. Song, không trị được kẻ phản quốc là bọn người đã bị
thiến mà giết hết thân thuộc của họ, cách ấy nào có khác gì xây thêm bức tường
ngăn cách giữa nhà nước với nhà dân. Quân xâm lược nhà Minh cũng chỉ mong được
như vậy mà thôi.
Ở đời nhân vô thập toàn, cứ
hễ được cái này thì mất cái nọ. Song, bọn người bị thiến ở đây nào phải chỉ mất
có một chút thịt da, chúng đã mất tất cả, chỉ còn lại trần trụi một tấm thân
vong bản đáng khinh. Vậy, xin có thơ tặng rằng:
Nào vẻ
vang gì chức nội
quan.
Bị thiến mà
sao vẫn to gan,
Phản quốc,
tấm thân đời khinh rẻ,
Vong bản,
họ hàng bị giết oan.
Da thịt đã
đành cắt bỏ bớt,
Đạo nghĩa
lẽ đâu cũng thiến tràn.
Trên
mồ, hậu thế nheo mắt hỏi,
Nào vẻ vang
gì chức nội quan.