Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 40 - Phần 1
40 - LÝ CÔNG UẨN LÊN NGÔI
Sách
Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 32 a-b và tờ 33 a-b) chép rằng:
“Có
một lần, Lê Ngọa Triều (tức Lê Long Đĩnh) ăn khế nhưng (khi bổ ra lại thấy) ở
trong có hạt mận thì tin ở lời sấm truyền (xem giai thoại số 39), bèn ngầm sai
bộ hạ tìm người họ Lý để giết đi, ấy thế mà Lý Công Uẩn ở ngay bên cạnh vẫn
không biết.(Mận- cây mận, quả mận - âm Hán Việt làlý,cho
nên Lê Ngọa Triều suy chữlýlà mận ra chữ lýlà
họ Lý). Đến khi (Lê) Ngọa Triều băng, con nối ngôi thì còn quá bé, cho nên,
(Lý) Công Uẩn cùng với quan giữ chức Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Ðê, mỗi
người được đem năm trăm quân Tùy Long (quân hầu riêng cho Thiên tử) vào làm
quân túc vệ. Bấy giờ, quan Chi hậu là Ðào Cam Mộc dò biết Lý Công Uẩn có ý muốn
được truyền ngôi, bèn nhân lúc vắng người, nói khích với Lý Công Uẩn rằng:
-
Bấy nay, chúa thượng ngu tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, khiến trời
ghét nên không cho hưởng thọ mà con nối thì thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn
đầy khó khăn, trăm sự đều phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác
tìm chân chúa. Vậy tại sao quan Thân Vệ (chỉ Lý Công Uẩn) lại không nhân cơ hội
này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ của vua Thang, vua
Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê... trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng
người (nắm lấy ngôi báu có phải là hơn việc) khư khư giữ chút tiết hạnh bề tôi
nhỏ nhoi hay không?
(Lý)
Công Uẩn lấy làm vừa ý với câu nói của Ðào Cam Mộc, nhưng lại còn sợ Ðào Cam
Mộc có mưu khác, bèn giả vờ mắng lại rằng:
-
Sao ông dám ăn nói như thế? Tôi phải bắt ông đem nạp cho bá quan mới được.
(Ðào)
Cam Mộc thong thả nói với Lý Công Uẩn rằng:
-
Tôi thấy việc trời và việc người như thế cho nên mới dám nói ra. Nay ông muốn
tố cáo tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi đâu sợ chết!
(Lý)
Công Uẩn nói:
-
Tôi đâu nỡ tố cáo ông, chẳng qua chỉ vì sợ lời nói của ông mà tiết lộ ra thì
chúng ta đều phải chết nên mới răn như thế đó thôi.
Hôm
sau, (Ðào) Cam Mộc lại bảo (Lý) Công Uẩn rằng:
-
Người trong nước cho rằng họ Lý sẽ làm nên nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi,
tai họa không thể che giấu được nữa. Nay, chuyện chuyển họa thành phúc phải làm
ngay trong một sớm một chiều mà thôi. Đây chính là lúc mà trời thì ban cho,
người thì theo về, ông còn ngần ngại gì nữa?
(Lý)
Công Uẩn nói:
-
Tôi hiểu ý ông cũng không khác gì ý của nhà sư Vạn Hạnh. Đã vậy thì nên tính kế
như thế nào?
(Ðào)
Cam Mộc nói:
-
Thân Vệ là người khoan thứ, nhân từ, người người đều theo. Hiện nay, trăm họ
đều đã mỏi mệt vì kiệt quệ, dân khó mà sống nổi, Thân Vệ nên nhân đó, lấy ân
đức mà vỗ về, ắt người người đều vui theo, chẳng khác gì nước chảy xuống chỗ
trũng, không ai có thể cản lại được.
(Ðào)
Cam Mộc biết rõ việc đã cần kíp lắm rồi, để nữa sợ sinh biến, liền trình bày
với các bậc quan lại trong triều, ai ai cũng đều đồng lòng cả. Ngay ngày hôm
ấy, họ họp lại, bàn rằng:
-
Hiện nay, dân chúng muốn triệu người đều có lòng khác, trên dưới cách biệt, ai
cũng ghét tiên đế hà khắc, bạo ngược nên không muốn theo về với vua nối nghiệp
(còn nhỏ tuổi) mà muốn suy tôn quan Thân Vệ, bọn ta không nhân cơ hội này mà
tôn lập Thân Vệ làm Thiên tử, lỡ để xẩy ra việc gì, liệu chúng ta có giữ nổi
đầu mình nữa hay không?
Thế
rồi họ cùng nhau dìu (Lý) Công Uẩn lên chính điện, tôn làm Thiên tử. Trăm quan
đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài cùng tung hôvạn tuế!Tiếng
hô vang dậy cả cung đình.
(Lý
Công Uẩn) lên ngôi, đại xá thiên hạ, lấy năm sau làm năm Thuận Thiên thứ nhất.
Nhà vua sai đốt giềng lưới, bãi ngục tụng (ý muốn nói ban ân đức đến cả con
người lẫn loài vật), đồng thời xuống chiếu rằng: từ nay, hễ ai có việc gì cần
tranh kiện thì cho phép được đến triều đình tâu bày, nhà vua sẽ thân hành xét
xử. Các quan dâng tôn hiệu cho Vua là Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh
Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh
Quang Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu
Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”.
Lời bàn:Trước
đó, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán rồi lên ngôi vương, Đinh Bộ Lĩnh quét sạch
loạn mười hai sứ quân rồi lên ngôi đế, sự nghiệp tuy mỗi người một vẻ, nhưng
cái chung vẫn là ở chỗ, từ công đức lớn, các bậc hào kiệt ấy đã hiên ngang bước
lên ngôi chí tôn.
Đến
đây, Lý Công Uẩn nhờ đại đức tỏa sáng mà được bá quan văn võ tôn phò. Có gì may
mắn hơn, khi mà Hoàng Đế là bậc nhân từ khoan thứ và cẩn trọng hơn người?
Từ
đây, triều Lý bắt đầu, nền thái bình thực sự cũng bắt đầu và Đại Việt dần dần
trở thành một cường quốc ở Đông Nam châu Á. Có ai hay những trang hào hùng sau
đó của lịch sử lại được mở đầu bằng sự kiện ngỡ như rất bình dị này?
Có
người lên thuyền khiến cho thuyền bị nghiêng đổ, nhưng cũng có người lên thuyền
khiến cho thuyền có thể lướt tới băng băng. Lý Công Uẩn chính là một trong
những người bước lên và đã có công khiến cho con thuyền Đại Việt băng băng lướt
tới. Kính thay!