Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 19 - 20
19 – NỖI LÒNG KHƯƠNG CÔNG
PHỤ
Khương
Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hoá). Ông sinh và mất năm nào
không rõ, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) và làm quan cho nhà
Đường, tức là người của cuối thế kỉ thứ VIII đầu thế kỉ thứ IX. Em của Khương
Công Phụ là Khương Công Phục, cũng đỗ Tiến sĩ, làm quan cho nhà Đường, được
phong tới chức Lang Trung bộ lễ. Như vậy, họ Khương là dòng họ đại khoa bảng
rất hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc.
Tuy
cũng là đỗ Tiến sĩ như mọi người, nhưng sử cũ cho biết, vì bài chế sách của ông
viết rất xuất sắc, cho nên, ông được vua Đường là Đường Đức Tông đặc cách, cho
làm tới chức Hữu thập di Hàn lâm Học sĩ, kiêm Kinh triệu Hộ Tào tham quân.
Sinh
thời, Khương Công Phụ là người cương trực và trí lực rất mạnh mẽ. SáchĐại
Việt sử kí toàn thư(ngoại kỉ, quyển 5, tờ 5a-b) chép về ông như sau:
“(Khương
Công Phụ) từng xin vua Đường giết Chu Thử nhưng vua Đường không nghe. Chẳng bao
lâu sau đó thì kinh sư của nhà Đường có biến loạn, vua nhà Đường theo cửa
Thượng Uyển để lánh ra ngoài, (Khương) Công Phụ giữ ngựa lại, can rằng:
-
Chu Thử từng làm tướng ở đất kinh sư, rất được lòng binh sĩ. Vừa rồi, vì Chu
Thao làm phản nên (Chu Thử) mới bị Nhà vua thu hết binh quyền. Thường ngày, hắn
vẫn lấy đó làm điều uất ức. Vậy, nay xin bắt hắn đi theo, chớ để cho bọn hung
ác đón mất.
Vua
Đường đang lúc vội vã, không kịp nghe. Dọc đường đi, Nhà vua lại muốn dừng ở
Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. (Khương) Công Phụ can rằng:
-
(Trương) Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy nhưng là quan văn, vả lại, quân mã do
ông ta quản lĩnh vốn là tay chân cũ của Chu Thử ở kinh sư. Nếu Chu Thử làm loạn
ở kinh sư thì kế này chẳng vẹn toàn được.
Vua
nhà Đường vì thế mà chạy sang Phụng Thiên. Bấy giờ, có người báo tin (Chu) Thử
làm phản, xin Vua hãy phòng bị. Vua nhà Đường nghe lời của Lư Kỷ, xuống chiếu
cho quân các đạo hãy đóng cách xa thành khoảng một xá (mỗi xá ba mươi dặm, tức
là tương đương với khoảng mười lăm km), có ý đợi (Chu) Thử tới đón. Khương Công
Phụ nói:
-
Bậc vương giả không nghiêm giữ võ bị thì làm sao có thể khiến cho người ta
trọng oai linh của mình? Nay, cấm binh đã quá ít mà lại xuống chiếu cho quân mã
đóng cách xa ở ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm.
Vua
nhà Đường khen là phải, bèn cho triệu hết quân sĩ phía ngoài vào thành. Sau,
quân của (Chu) Thử quả nhiên kéo đến, y như lời dự đoán của Khương Công Phụ.
Vua nhà Đường bèn thăng cho Khương Công Phụ chức Gián nghị Đại phu, Đồng trung
thư môn hạ Bình chương sự.
Về
sau, Khương Công Phụ vì can Vua tổ chức an táng cho Đường An Công Chúa quá hậu,
dẫu đã được đồng liêu là Lục Chí tâu xin gỡ tội cho, vẫn bị vua Đường tức giận
biếm chức”.
Lời bàn:Thời
ấy, học và đỗ đạt đến mức ấy, làm quan được thăng đến chức ấy... Khương Công
Phụ không phải là trường hợp duy nhất nhưng quả đúng là trường hợp rất hiếm
hoi. Sử trân trọng chép về ông là chí phải.
Lần
thứ nhất ông can ngăn, bảo là vua nhà Đường đang lúc vội vã nên không kịp nghe
cũng được, mà bảo là Nhà vua chưa thấy hết số phận bi thảm của mình nên vẫn coi
thường những người đại loại như ông cũng được.
Lần
thứ hai ông can ngăn, bảo là Nhà vua nghe theo ông vì thấy ý kiến của ông đúng
cũng được, mà bảo là lúc ấy, Nhà vua mất cả hồn vía, chỉ đâu chạy đó cũng được.
Đến
lần thứ ba, Nhà vua giật mình thấy rằng, kẻ một lòng trung thành đi theo Nhà
vua là ông, mà lời khuyên của ông, ít ra cũng có hai lần đúng, cho nên Nhà vua
đã vui vẻ nghe theo. Lời khen của Nhà vua còn thiếu một cái gì đó thuộc về
chiều sâu của trí tuệ phân tích.
Xưa
nay vẫn thế, có khi được khen mà lòng ta tê tái buồn, có khi bị chê mà lòng ta
sung sướng, bởi vì điều quan trọng không phải là khen chê, mà là ai khen, ai
chê và lời khen chê ấy như thế nào. Lần thứ ba, vua nhà Đường khen Khương Công
Phụ, bởi vì lúc đó không thể không khen, sau, chỉ một việc cỏn con mà vua Đường
vẫn cứ biếm chức của Khương Công Phụ, bởi vì vua Đường là… vua. Quan thì không
phải lúc nào cũng là quan, song, vua thì bao giờ cũng là vua, quên điều đó cũng
có nghĩa là chẳng nhớ gì cả. Điều này chỉ có trong sách đời, chẳng có trong
sách vở cử nghiệp, có đọc đến thiên kinh vạn quyển của sách cử nghiệp cũng
chẳng thấy đâu.
20 - SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ
Đền
Bạch Mã nằm ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (nay thuộc Hà Nội). Đền này được
lập ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX. SáchĐạiNamnhất thống
chí (quyển 13) khi giới thiệu về đền miếu của Hà Nội, đã dẫn sáchViệt
điện u linh tậpcủa Lý Tế Xuyên, viết rằng:
“Vào
đời Đường Hàm Thông, (quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền) đã cho
đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy
trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay
cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. (Cao) Biền kinh sợ, định lấy bùa
để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng:
-
Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà
phải trấn yểm?
(Cao)
Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè,
ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa
(trấn yểm) đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay
chỗ ấy và phong cho thần là thần là Long Đỗ.
Đến
đời Lý Thái Tổ (húy là Lý Công Uẩn, vua đầu tiên của nhà Lý, làm vua từ năm
1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi (Đại La) là Thăng Long. Nhà
vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu
đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt, (người) cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền
đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành tại đó, và cuối
cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì
thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua
đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Lời
bàn:Thời Bắc thuộc, Cao Biền được coi là một trong những nhân vật
rất có máu mặt: quan cai trị có tài cũng là Cao Biền mà đạo sĩ có nhiều phép
thuật lạ cũng là Cao Biền. Triều đình nhà Đường trên bước đường sụp đổ, muốn
tạo dựng cho Cao Biền một lý lịch khác thường để có thể vực dậy một chính quyền
đô hộ cũng đang có nguy cơ tan rã. Cho nên trong sử, Cao Biền bỗng có thêm
nhiều thứ mà thực sự Cao Biền chưa hề có bao giờ.
Tuy
nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhân dân ta cũng có cách đấu tranh thông
minh theo kiểu riêng của nhân dân ta, lúc bấy giờ. Việc Bạch Mã thần coi thường
mọi phép thuật của Cao Biền, lại còn làm cho mọi thứ trù yểm của Cao Biền phút
chốc biến thành cát bụi, có khác nào một lời nhắc nhở âm thầm mà mạnh mẽ rằng:
hãy vững tin, chúng ta nhất định thắng vì thần linh sông núi luôn ở bên cạnh
chúng ta!
Trông
lại ngày xưa, suy ngẫm việc thờ thần của cổ nhân mới rõ, đền miếu và hương
khói, tượng thờ và bài vị... tất cả chỉ là hình thức, một hình thức huyền ảo mà
dễ nhận, cốt để chuyển tải đến muôn đời sự tôn vinh những giá trị tốt đẹp của
thế tục đó thôi.