06. Vợ chú Đơn
Vợ chú Đơn
Vợ chú Đơn rất tốt bụng, nên thường đi đến gặp nhiều người,
có khi ở với họ một khoảng thời gian dài… Người đàn bà đó, ta hay gọi là “đ”.
***
Những năm hai mươi mấy tuổi, cô đơn như cái kiểu thời trang
chẳng đẹp đẽ gì mà người trẻ nào cũng khoác lên người. Người ta cô đơn ở mọi
nơi, mọi lúc.
Cô đơn tìm ta bất cứ khi nào có thể mà không cần hẹn trước,
cứ hung húc vào tim làm người ta ngẩn ra một lúc rồi mới kịp nhận biết, à, hóa
ra đó là cô đơn.
Có khi ngồi giữa đám đông bạn bè, ta lại cô đơn.
Có khi đi với người yêu, chợt lòng cũng thấy cô đơn.
Có khi đang ăn cơm cùng ba mẹ, vẫn cảm thấy cô đơn.
Có lúc, cô đơn đến mức tự cầm điện thoại gọi vào số máy của
mình để nghe tiếng báo bận. Đến cả mình còn chẳng thèm nghe điện thoại của
mình, thì còn ai chịu quan tâm?
Có đoạn đời, lại phải đi mua một tấm gương lớn, đặt sát cạnh
giường ngủ. Để rồi nửa đêm trong cơn mơ màng mộng mị, cứ ngỡ như còn một bóng
người kề bên.
Cô đơn có khi làm ta yếu đuối đến nỗi, chẳng dám để ai thấy
mình khóc cười. Có khi thấy cơn mưa thoáng chốc, mừng rỡ chạy ào ra để khóc cho
đã, vì khi ấy chẳng ai biết đâu là nước mắt, đâu là nước mưa.
Cũng có lúc, vì sợ cô đơn, muốn trốn khỏi tầm với, ta chấp
nhận mở cánh cửa lòng để người khác bước vào. Để rồi chẳng bao lâu sau đó,
người ta lại vội vàng rời khỏi, mang theo luôn nỗi cô đơn đã vừa kịp nhân bản
từ ta.
Cô đơn như vậy mà trở thành thứ dịch bệnh lây lan trầm kha
của những người còn trẻ.
Có mấy người hỏi, cô đơn là gì? Cảm giác cô đơn nó thế nào?
Cũng chẳng biết, chỉ biết rằng lúc nó đến, chẳng làm người ta đau, chỉ làm
người ta đột nhiên nhận ra xung quanh mình là bóng đêm đậm đặc dù thực chất
đang giữa trăm vạn người.
Có ngày cuối năm trên đường từ công ty về bốn bức tường trống
của thứ tạm gọi là nhà, cô đơn xồng xộc vào lòng, chẳng hiểu làm sao lại dừng
giữa đường, ngồi nhìn hàng ngàn con người đi ngang qua mình rồi tự hỏi:
Giữa bảy tỷ con người kia, ai cũng cùng đang cô đơn như ta?
Phải chăng chỉ những người cô đơn mới có thể nhìn ra nhau
giữa biển người muôn trùng sóng.
Và cô đơn để ta chờ đợi một người đánh cắp sự cô đơn từ ta…
mà chờ đợi cứ trong vô vọng. Cái mình chờ đợi chẳng biết bao giờ đến, thậm chí
có khi là mãi mãi chẳng thể đến bên cạnh. Như hai bờ sông hoài nhìn nhau mà vẫn
nghìn trùng cách xa bởi dòng sông cuộn trào lo toan.
Có khi ta mong chờ ai đó cho ta một chút tình để quên khoảng
ngày mệt mỏi đứng chờ, nhưng hoài chẳng thấy, cảm giác đó vẫn là cô đơn.
Đến lúc cầm cả khối tình trên tay, loay hoay sợ hãi để rồi
trao cho một người chính ta cũng chưa biết họ có phải là người xứng đáng. Để
rồi ngay cả khi bên cạnh một người tưởng-như-người-yêu, ta vẫn cảm thấy cô đơn.
Cô đơn khi gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt
của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, những người đang yêu mà
vẫn có thể cô đơn khi ở bên nhau. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn
càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.
Cái vòng luẩn quẩn như thít thành thòng lọng, siết dần mòn những cảm xúc còn
sót lại trong ta.
Một mình ta cô đơn để đau một, thì ngay khi cạnh người yêu,
ta cô đơn lại để đau đến mười.
Có khi giữa một đám đông con người, ta vẫn thấy cô đơn đến
cùng cực. Vì trong mỗi ta, vốn dĩ tồn tại hai bản ngã. Một bản ngã để người
khác nhìn vào, và một bản ngã chỉ để ta nhìn thấy. Nếu bản ngã chỉ chính ta
nhìn thấy không vui, thì bản ngã thể hiện ra ngoài cũng gặp nhiều rắc rối. Có
khi như một diễn viên, cứ cố vẽ lên gương mặt bao lớp trang điểm tươi cười, để
rồi khi xóa đi lớp tẩy trang, chỉ còn trơ lại khuôn mặt vô hồn, không cảm xúc.
Ta lạc lõng giữa muôn vàn người là do vậy. Ta cô đơn giữa bảy tỷ người cũng vì
như vậy. Như bước vào một cửa hàng đầy đủ đồ đạc, nhưng không có thứ mình cần
cũng phải vội bước ra với cảm giác trống trải, khó chịu.
Người ta cô đơn, đôi khi vì xung quanh không ai có thể hiểu
ta. Cứ như con nước trôi qua bao bến bờ, có lúc gặp thuyền, có lúc gặp hoa
trôi, nhưng cũng chỉ lướt qua một lần trong đời, hiếm hoi lắm mới có cơ hội
tương phùng. Kiếp cô đơn ấy vậy mà vẫn hoài cô đơn.
Có khi chính bản thân ta lại bị kẻ khác hờ hững, dù ta nồng
nhiệt đến mức nào chăng nữa. Đau cũng sẽ đau, buồn cũng sẽ buồn, nhưng trên
hết, cô đơn vẫn sẽ là cảm giác kinh khủng nhất ta phải đối mặt. Ta cô đơn vì ta
vô hình trong mắt họ.
Cũng có khi hai kẻ cô đơn lại tìm đến nhau lúc cùng đường bí
bách. Những tưởng cô đơn vì vậy mà biến mất, nào ngờ, chỉ nhân đôi, đọa đày cả hai
người trong đó… cô đơn đến cùng cực.
Có lẽ, chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy
cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn.
Có lần yêu, người bảo: “Bản chất của gió là tự do, bản chất
của anh là cô đơn.”
Ta hỏi: “Vì sao đã cô đơn lại chọn yêu?”
Người im lặng.
Ta biết bản chất của gió là tự do, bởi đã đôi lần ta đưa tay
nắm gió. Mở rộng bàn tay để thấy rằng gió mát, nhưng đến khi muốn giữ gió lại
cho riêng mình bằng cách nắm chặt tay, gió đã đi mất, chỉ còn cảm giác hâm hấp,
hầm hập khó chịu trong tay.
Ta biết bản chất của người là cô đơn, bởi đã có lần ta cô đơn
cùng người. Trong căn phòng vàng vọt ánh đèn, người và ta im lặng, chỉ có khỏi
thuốc, chỉ có tiếng nhạc rả rích âm âm.
“You and I, moving in the dark…
Body close… but souls apart.”
(Đôi ta cùng nghe bóng đêm qua…
Thân xác kề cạnh nhưng linh hồn tách biệt)
Và người cũng đã đi mất, chỉ còn cảm giác âm ỉ trong tim.
Và người có biết? Bản chất của ta là yêu người… dù người có
đi đến một chân trời mới, ta vẫn sẽ một mình gặm nhấm nỗi cô đơn giữa chốn
thành thị náo nhiệt này, chờ đợi người như một thói quen. Thói quen cô đơn khó
từ bỏ.
Và gió vẫn cứ tự do.
Và người vẫn cô đơn.
Và ta vẫn hoài chờ.
Có lẽ vì vậy, mà chẳng ai thích “vợ chú Đơn”… Người ta thấy
cô đơn đến thì lại lo âu, buồn bã, chẳng ai biết rằng, cô đơn lâu ngày lại cho
ta những điều rất kỳ lạ.
Cô đơn lâu ngày, ta không còn muốn yêu thương nhăng nhít, sợ
luôn những mối tình đến vội đi chóng vánh, thay vào đó quý trọng tình cảm bạn
bè hơn.
Cô đơn lâu ngày, ta không còn thích những nơi ồn ào, náo
nhiệt, đơn giản chỉ muốn ngồi trong căn phòng đón nắng bên ly trà và cuốn sách
yêu thích.
Cô đơn lâu ngày, ta nhận ra gia đình là nơi quan trọng nhất,
ta trưởng thành và yêu thương cha mẹ nhiều hơn.
Cô đơn lâu ngày, ta thích mua giày và đi du lịch, nhận ra
rằng ở mỗi miền đất xa lạ, ta học được ngàn bài học hay ho.
Cô đơn lâu ngày, ta giỏi hơn khi vững vàng đối diện, buồn một
mình nhưng luôn tìm cách để mọi người thấy ta vui.
Và có người, hiểu rằng cô đơn cũng tốt. Tốt hơn nhiều so với việc
có ai đó bước đến, khuấy đảo cuộc sống ta… lấy đi tất cả rồi lại lặng lẽ rời xa
mãi mãi.
Có khi qua trăm năm cô đơn nhìn lại… chỉ đáng là một hạt bụi
thời gian.
Ngày thơ trẻ ta sống mòn hoài phí… chịu cúi đầu làm nô lệ của
cô đơn.