Cú Vọ và Đàn Bồ Câu - Chương 04 - 05 - 06 - 07

Chương IV

Phòng khách sạn bà Joan Sutcliffe thuê không có
bao lơn, nhưng phòng bên cạnh lại có. Tại thời điểm lúc viên phi công người Anh
của hoàng thân Ali ra đến hành lang thì bà khách thuê căn phòng bên cạnh cũng
rời khỏi vị trí quan sát, tay vẫn còn cầm chiếc gương soi nhỏ. Thật ra, lúc nãy
bà ta bước ra ngoài bao lơn chỉ cốt để soi gương nhìn cho rõ sợi lông mọc oái
oăm trên cằm. Sau khi đã nhổ xong sợi lông, bà ta chìa khuôn mặt ra ngoài ánh
sáng trời để soi gương cho kỹ thêm, xem còn chiếc lông xấu xí nào nữa không.
Tình cờ bà ta nhìn thấy trong tấm gương một cảnh tượng gợi cho bà ta trí lò mò.
Chẳng là do đưa lên vào một góc độ nào đó, trên mặt tấm gương nhỏ hiện ra một
phần của tấm gương lớn trong phòng bên cạnh, và trên tấm gương này bà khách
nhìn thấy hình một người đàn ông, ông ta quay lưng về phía gương, đang lúi húi
làm những động tác hơi lạ…

Bà khách tò mò, bèn giữ nguyên vị trí như cũ,
đứng bất động tiếp tục quan sát. Bà ta rất bực mình thấy không sao đoán nổi
người đàn ông phòng bên cạnh đang làm gì.

Hẳn là người dàn ông đó có thể nhìn thấy tấm
gương nhỏ trên mặt tấm gương lớn trong phòng ông ta, nhưng vì ông ta mải mê làm
công việc của mình, nên không ngẩng đầu nhìn lên gương một lần nào.

Rồi bà khách phòng bên cạnh nhìn thấy người đàn
ông hí hoáy viết lên tờ giấy bóc ở lốc lịch. Sau đó hình người đàn ông biến mất
trên tấm gương soi, bà ta đoán ông ta ra gọi điện thoại. Bà cố dỏng tai nhưng
không nghe được ông ta nói những gì. Tuy nhiên bà ta linh cảm thấy cuộc trò
chuyện trong điện thoại có vẻ không quan trọng. Cuối cùng bà khách nghe thấy
tiếng sập cửa.

một lát cho người đàn ông đi xa hẳn, bà
khách phòng bên cạnh lén bước ra hành lang. Một nhân viên khách sạn đang dùng
chổi lau phủi thứ gì đó trên tấm thảm. Đợi cho người nhân viên làm xong, đi
khuất, bà ta không chút ngập ngừng, bước vào phòng bên cạnh. Cửa khóa, đúng như
bà ta dự đoán. Bà ta rút chiếc cặp tăm và mở lưỡi con dao díp nhỏ, bắt đầu loay
hoay. Có vẻ người phụ nữ khá thành thạo những loại công việc như thế này.

Chỉ lát sau bà ta đã mở được khóa, bước vào
phòng, thận trọng khép cửa lại. Việc đầu tiên là xem bức thư. Phong bì dán hờ
và bà ta dễ dàng bóc ra. Nội dung lá thư làm bà ta chau mày: không có gì đặc
biệt. Bà ta vừa dán phong bì như cũ thì nghe thấy có tiếng người trò chuyện
dưới sân. Tiếng trò chuyện vọng lên phòng này qua ô cửa sổ để ngỏ, bà ta nhận
ra một trong hai giọng nói là của người phụ nữ thuê căn phòng này.

Bà ta bèn bước ra gần cửa sổ để nghe cho rõ.
Quả là hai mẹ con bà Joan Sutcliffe đã về và bà mẹ đang to giọng với một người
đàn ông Anh. Bà Joan tỏ ra rất bực mình với người đàn ông, có vẻ là quan chức
của sứ quán Anh, ông ta vừa mới đề nghị hai mẹ con bà rời ngay khỏi quốc gia
Trung Đông này.

- Vô lý! - Bà Joan nhắc lại. - Phố xá vẫn bình
thường, có gì đâu? Lại một lần nữa chưa chi các ông đã hoảng hốt.

Giọng người đàn ông có vẻ đã quá mệt mỏi:

- Thưa bà, chúng tôi cũng rất mong không có
chuyện gì, nhưng trách nhiệm của chúng tôi buộc chúng tôi phải báo vệ tính mạng
cho bà và cháu…

Bà Joan Sutcliffe giận dữ ngắt lời người đàn
ông:

- Hành lý của chúng tôi cồng kềnh lắm, với lại
chỉ Thứ tư này chúng tôi sẽ đáp tàu biển rời khỏi đây. Bác sĩ nói rằng ngồi tàu
biển sẽ rất tốt cho sức khỏe của con Jennifer. Cho nên tôi không đáp máy bay
của các ông đâu.

Người đàn ông trình bày rằng máy bay sẽ chỉ chở
họ đến Aden, sau đó họ có thể lên tàu biển như bình thường.

- Thế còn đống hành lý của chúng tôi?

- Việc ấy tôi xin chịu trách nhiệm.

Không còn lý do để từ chối, bà Joan Sutcliffe
đành nhượng bộ:

- Nếu vậy thì tôi đành làm theo yêu cầu của các
ông vậy. - Bà thở dài nói. - Bây giờ tôi về phòng sửa soạn hành lý chứ?

- Xin bà chuẩn bị thật nhanh cho.

Trong phòng Joan Sutcliffe, bà khách phòng bên
cạnh đọc nhanh nhãn dán ngoài chiếc vali rồi vội vã chạy ra ngoài. Đúng lúc đó,
bà Joan bước ra khỏi thang máy, nhưng bà ta phải dừng lại vì cô nhân viên tiếp
tân của khách sạn đã cuống quít chạy bốn bậc một lên thang gác, thở hổn hển
đuổi theo bà:

- Xin quý bà tha lỗi. Tôi quên không báo bà
biết là ông phi công em của bà lúc nãy đến đây tìm bà. Ông có vào phòng ngồi
chờ một lát nhưng không thấy bà về nên lại ra và đi rồi.

- Tiếc quá! - Bà Joan nói với con gái. - Mẹ đoán
cậu Bob cũng hoảng hốt như cái ông ban nãy… Ôi, cận ấy hấp tấp đi ra mà quên
khóa cửa phòng, một sơ suất nguy hiểm.

Vào đến phòng, nhìn thấy chiếc phong bì đặt
trên bàn, bà Joan Sutcliffe kêu lên:

- Ôi, có thư của ai kìa.

Đọc xong thư, bà Joan leo lên vui vẻ:

- Vậy ra cậu Bob vẫn bình tĩnh! Xem chừng cậu
ấy không hay biết gì về tình hình đang nguy hiểm. Nhưng thôi, mẹ con mình phải
đóng gói đồ đạc nhanh lên kẻo người ta kêu. Chà, "đảo chính"! Đúng là
trò dớ dẩn.

- Chưa bao giờ con được nhìn thấy một cuộc đảo
chính đấy. - Jennifer nói giọng đăm chiêu. Năm nay em đã mười lăm tuổi.

- Còn lâu con mới được nhìn thấy.

- Ôi tiếc quá nhỉ! - Cô bé thất vọng nói.

Chương V

Sáu tuẫn lễ sau, tại nước Anh, một người đàn
ông trẻ tuổi kín đáo gõ vào cánh cửa phòng trong một ngôi nhà tại khu phố
Bloomsbury ở thủ đô London. Đây là một căn phòng nhỏ. Một người đàn ông to béo,
tuổi trung niên, đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế tựa. Tấm áo vét của ông ta
nhàu nát và dính đầy tàn thuốc.

Mắt hơi hé mở, ông ta hỏi người trẻ tuổi mới
đến:

- Thế nào?

Về cặp mắt của Đại tá Pikeaway, người ta đồn
chúng không bao giờ mở hẳn, cũng không bao giờ nhắm hẳn. Một số người khác thì
quả quyết rằng ông ta thật ra không phải tên là Pikeaway, và cũng chưa hề là
Đại tá. Nhưng lời đồn đại thì tin sao được?

- Thưa Đại tá, ông Edmonson ở Bộ Ngoại giao đã
đến. - Người trẻ tuổi nói rất khẽ.

Pikeaway không hề tỏ thái độ gì. Dường như ông
ta vẫn còn ngủ.

- Cậu ta là bí thư thứ ba Sứ quán ta tại Ramat
phải không nhỉ?

- Thưa, vâng. Đúng thế.

- Tôi nghĩ tôi cần tiếp cậu ta. - Đại tá hờ
hững nói.

Đại tá Pikeaway ngồi lại cho ngay ngắn, rồi
phủi qua loa tàn thuốc dính trên áo vét.

Khách bước vào. Edmonson cao lớn, tóc vàng,
trong bộ âu phục hết sức lịch sự, đúng là một quan chức ngoại giao. Thái độ ông
ta thận trọng, dè dặt, cũng lại đúng là do nghề nghiệp tạo nên.

- Đại tá Pikeaway, nếu tôi không lầm? - Khách
nói. - Tôi được người ta cho biết là hai chúng ta nên gặp nhau trao đổi.

- Vậy ư? Mời ông ngồi.

Cặp mắt viên Đại tá dường như muốn nhắm vào,
nhưng ông ta cố cưỡng lại.

- Ông có mặt tại Ramat trong những ngày diễn ra
cuộc đảo chính đấy chứ?

- Vâng. Những hôm đó thật chẳng vui vẻ gì.

- Tôi cũng đoán như vậy. Bob Rawlinson là bạn
của ông phải không?

- Đúng thế.

- Anh ta đã chết?

- Vâng, thưa Đại tá. Nhưng tôi không biết có
nên…

- Ông giấu giếm vô ích. Chúng tôi đã biết hết.
Vậy là Bob Rawlinson lên máy bay với Hoàng thân Ali Yusuf ngay từ hôm đầu tiên
và sau đó không ai biết tin tức gì về số phận của họ. Cũng có thể họ đã hạ cánh
an toàn xuống một nơi nào đó trong vùng núi. Nhưng người ta lại tìm thấy xác
chiếc máy bay trên dãy núi Avolez, và thấy cả xác hai người ấy nữa. Tin này đến
ngày mai mới được công bố trên đài phát thanh. Tin ấy chính xác chứ?

Edmonson gật đầu. Đại tá Pikeaway nói tiếp:

- Họ bay trên độ cao, rất có thể là gặp gió to.
Nhưng cũng có thể do có kẻ phá hoại. Thí dụ chúng gài săn một quả bom nổ chậm.
Cuộc điều tra tiến hành đã khá lâu, và đến giờ vẫn chưa kết thúc.

- Tất cả những chuyện đó thật đáng tiếc. Hoàng
thân Ali Yusuf lẽ ra rất có thể là một quốc trưởng tuyệt vời, vì ông ta đã được
thấm nhuần tư tưởng dân chủ.

- Có khi chính vì thế mà ông ta bị đám kia
chống lại. Nhưng chúng ta chẳng nên mất thời giờ vào việc luyến tiếc một ông
vua. Tôi được người ta giao cho tiến hành điều tra - một cuộc điều tra nào đó
và những người quan tâm sẽ cung cấp tiền bạc, phương tiện. Nghe nói Chính phủ
Hoàng gia nước Anh chúng ta rất ủng hộ họ. Ông hiểu ý tôi chứ?

Edmonson điềm tĩnh đáp:

- Người ta đã có nói bóng gió cho tôi biết về
chuyện đó.

Đại tá Plkeaway không nhúc nhích:

- Chắc ông biết là một vật rất có giá trị đã bị
mất, người ta không tìm thấy trên thi thể các nạn nhân cũng như trong đống xác
máy bay. Rất có thể nông dân địa phương đã lục lọi và lấy đi tất cả những gì có
thể lấy được, và họ cũng kín tiếng không kém gì các nhà ngoại giao các ông. Bây
giờ ông hãy nói cho tôi, ông còn biết được những thông tin gì nữa?

- Không có gì đặc biệt. - Edmonson tự ái đáp.

- Ông có nghe nói về một cái gói nhỏ mà người
ta đang ra sức tìm chứ?… Nếu không phải thế thì tại sao người ta lại khuyên ông
đến gặp tôi?

- Người ta bảo tôi rằng ông muốn gặp tôi hỏi
một số điều.

Cặp mắt Đại tá Pikeaway lúc này mới hé mở to
thêm đôi chút.

- Nếu tôi đưa ra một số câu hỏi, ông sẽ trả lời
nghiêm tức chứ?

- Hẳn là như thế.

- Thôi được. Vậy trước khi lên máy bay rời khỏi
Rumat, Bob Rawlinton có nói lộ chuyện gì ra với ông không?

- Về chuyện gì, thưa Đại tá?

Lần này, viên Đại tá nhìn thẳng vào mắt
Edmonson:

- Thôi được, ông kín đáo là phải. Nhưng trong
trường hợp này, kín đáo là không hợp thời. Nếu quả ông không biết ý tôi muốn
nói đến cái gì thì câu chuyện giữa hai chúng ta nên dừng lại ở đây. Tôi e sau
này ông sẽ hối tiếc là đã không cởi mở với tôi đấy.

Xem chừng câu nói làm Edmonson bối rối. Ông ta
quyết định nói.

- Điều tôi biết thật ra khá mơ hồ. Bob với tôi
có thống nhất một kiểu mật mã riêng mỗi khi chúng tôi thông báo cho nhau bằng
điện thoại. Lâu lâu anh ta lại cho tôi biết một số thông tin anh ta thu lượm
được trong cung điện hoàng gia ở Ramat. Đổi lại, tôi cũng thông báo cho anh ta
những điều tôi biết.

- Ông cứ nói tiếp.

Buổi sáng hôm cách mạng nổ ra, Bob gọi điện cho
tôi, hẹn hai chúng tôi gặp nhau tại một chỗ quy định. Nhưng hai chúng tôi chưa
kịp gặp nhau thì cuộc bạo động đã bùng nổ và cảnh sát chặn khắp các ngả đường.
Tôi không gặp được Bob, và ngay buổi trưa hôm đó, anh ta trốn đi bằng máy bay
cùng với hoàng thân Ali.

- Ông có đoán được Bob Rawlinson gọi điện thoại
từ máy nào không?

- Rất tiếc rằng không.

- Đúng là đáng tiếc thật. Ông quen bà Joan
Sutcliffe chứ?

- Chị của Bob? Tôi có gặp bà ta đi cùng với đứa
con gái nhỏ, nhưng tôi chưa nói chuyện với bà ta lần nào.

- Hai chị em có thân thiết với nhau lắm không?

Edmonson nghĩ một chút rồi đáp:

- Tôi không dám quả quyết. Bà ta hơn tuổi cậu
em rất nhiều, và Bob lại không ưa ông anh rể. Bob thường gọi ông ta là
"lão huênh hoang".

- Bob không lầm đâu. Anh rể ông ta là một nhà
kinh doanh tầm cỡ, và loại người đó vô cùng tẻ nhạt. Vậy là ông có cảm giác Bob
Rawlinson đã giao phó cho bà chị anh ta một điều bí mật?

- Tôi không dám chắc, nhưng tôi ngờ là như vậy.

- Thôi được, hai mẹ con bà Joan Sutcliffe, sau
một chuyến ngao du trên biển Địa Trung Hải, ngày mai sẽ cập bến Tilbury, trên
con tàu Eastern Queen.

Đại tá Pikeaway im lặng chăm chú nhìn khách.
Rồi, như thể đã quyết định một điều gì, ông ta chìa tay cho Edmonson:

- Ông đến đây là rất tốt.

- Tôi rất tiếc đã không giúp ích cho Đại tá
được nhiều hơn.

Rồi khách đi ra. Liền sau đó, người đàn ông trẻ
tuổi lúc trước dẫn Edmonson đến, quay vào. Viên Đại tá nói:

- Ta đã định cử anh ta đến Tilbury để chặn
không cho bà Joan Sutcliffe kia biết tin em trai bà ta đã chết. Nhưng rồi ta đã
nghĩ lại. Thằng cha này công tử bột quá. Ta sẽ cử đứa khác. Thằng cha hôm nọ
tên là gì ấy nhỉ?

- Thưa, Đại tá định nói đến Derek ấy ạ?

- Phải rồi, Derek. Cậu đã hiểu ta tính sẽ làm
thế nào chưa?

- Thưa Đại tá, tôi mới lờ mờ hiểu.

- Chưa đủ đâu. Cậu phải hiểu thấu đáo mới được.
Nhưng thôi, hãy gọi thằng cha Derek đến đây, ta cần giao một nhiệm vụ cho nó.

Chương VI

Viên Đại tá Pikeaway dường như lại định ngủ
tiếp thì Derek bước vào.

- Cậu có thích vào làm trong một trường nữ học
không? - Đại tá Pikeaway hỏi, không hề có vẻ đùa giỡn.

- Trường nữ học? Tức là trường con gái ấy ạ? -
Derek sửng sốt. - Chẳng lẽ trường nữ học lại được dùng làm nơi chế tạo bom?

- Hoàn toàn không phải thế. Meadowbank là một
trường nữ học nội trú thực sự nghiêm chỉnh, đúng với nghĩa của nó, và còn là
một trường nữ học đang có uy tín rất lớn.

- Meadowbank? Thưa Đại tá, tôi chưa hiểu.

- Thế này nhé: công nương Shalla, em họ của
Hoàng thân Ali Yusuf và là người thừa kế hợp pháp ngai vàng Marat, sắp vào học
ở trường nữ học rất nổi tiếng kia. Trước đây, công nương học trong một trường
nội trú ở Thụy Sĩ.

- Vậy Đại tá giao cho tôi việc bắt cóc cô bé
hoàng tộc ấy chăng?

- Hoàn toàn không phải. Tình hình là thế này.
Rất có thể sắp tới sẽ có những kẻ quan tâm đến cô ta. Ta muốn giao cho cậu
nhiệm vụ bí mật giám sát cô học sinh công nương kia. Cậu sẽ phải báo ta biết
tất cả những nguy cơ nào có thể sẽ xảy ra với cô ta, thí dụ có kẻ nào đó là bạn
bè của cô ta đến bắt liên lạc chẳng hạn, bạn bè hoặc họ hàng… thật hoặc giả.
Tóm lại, hễ cậu thấy có bất cứ kẻ nào khả nghi xuất hiện ở đó…

- Nhưng tôi làm cách nào để giám sát tại chỗ cô
công nương kia được? Tôi có phải thầy giáo đâu mà lọt vào đấy được?

- Mà cậu có là thầy giáo thì cũng không thể lọt
vào, bởi muốn xin vào dạy học trong trường đó, điều kiện tiên quyết là phải
thuộc giống cái. Cho nên ta nghĩ, cậu chỉ có thể vào đó làm với tư cách thợ làm
vườn.

- Liệu có được không?

- Được. Nhưng cậu có làm được thứ công việc ấy
không? Ta không lầm đấy chứ?

- Tôi làm được. Hồi còn ít tuổi, tôi đã từng
viết một số bài đăng trong tạp chí Người làm vườn.

- Ta biết. Nhưng lần này công việc của cậu
không phải là viết những bài lý thuyết suông. Mà cậu sẽ phải thật sự cầm lấy
cái cuốc, phải trồng cây, xén cành, cuốc đất hẳn hoi. Cậu làm được không?

- Những công việc ấy tôi đã từng làm trong khu
vườn của mẹ tôi hồi tôi còn nhỏ.

- Tốt lắm. Bởi trường Meadowbank đang cần thuê
một người phụ việc cho ông già làm vườn ở đó. Ta sẽ xoay cho cậu lấy đủ chứng
chỉ về nghề làm vườn để người ta nhận cậu vào làm. Nhưng ta dặn, nếu như các cô
học sinh trong trường chú ý đến cậu, phần vì tò mò, phần vì cậu đẹp trai, thì
cậu phải có cách ngăn chặn, rõ chưa? Cấm không được dính vào những chuyện dớ
dẩn ấy. Ta rất không muốn họ tống cổ cậu ra.

Derek cố nở một nụ cười gượng gạo. Đại tá
Pikeaway đã nói tiếp:

- Cậu định lấy tên là gì nào?

- Edden, được không ạ? Đấy cũng là tên một khu
vườn khu vườn trên Thiên Đàng…

- Chà ra cậu cũng biết hài hước đấy. Thôi được,
vậy từ nay tên cậu là Adam Goodman, thích hợp chứ? Bây giờ cậu về chuẩn bị
ngay. Ta đang cần gặp lão Robinson. Hẳn giờ này lão đã đến rồi và đang chờ ta.

Ronnie ngạc nhiên:

- Robinson ạ? Ông ta cũng tham gia vụ này
ạ?

- Ta bảo cậu đi kia mà? Đừng bắt ta phải nhắc
đến lần thứ hai.

Tiếng chuông cửa kêu một cách kín đáo.

- Lão đến đấy. Lão Robinson này bao giờ cũng
đúng giờ.

- Thưa Đại tá, tên thật của ông ta là gì ạ? Tôi
muốn được biết.

- Robinson! Đó là tất cả những gì ta biết về
lão, và ta tin rằng không kẻ nào biết thêm điều gì về lão ngoài cái tên đó.

Chương VII

Người đàn ông vừa bước vào gian phòng nhỏ này
hoàn toàn không thích hợp với cái tên Robinson. Giá tên ông ta là Demetrios,
Isaacstein hay Perenna thì có lý hơn, bởi trông ông ta giống người Hy Lạp,
người Do Thái, người Tây Ban Nha hoặc người ở xứ sở nào đó chứ tuyệt nhiên
không có lấy một nét gì giống người Anh, mặc dù ông ta nói tiếng Anh không hề
vướng chút âm sắc nước ngoài nào.

Vóc người Robinson to béo, da mặt thiên về phía
chủng tộc da vàng, mắt to và đen, đượm chút u buồn, vầng trán cao và cái miệng
rất to với hàm răng trắng bóng. Ông ta ăn mặc chải chuốt, hai bàn tay thon mịn,
được chăm chút tỷ mẩn như tay con gái.

Cách ông ta ăn nói với viên Đại tá khiến người
ta có cảm tưởng như hai vị Vua chúa đàm đạo. Sau vài câu thù tiếp xã giao, Đại
tá mời khách một điếu xì gà rồi đi vào vấn đề cụ thể hơn.

- Tối rất lấy làm hân hạnh được ông vui lòng hỗ
trợ.

"Ngài" Robinson chậm rãi hít một hơi
xì gà rồi mới đáp:

- Có gì đâu, ông bạn thân mến. Tôi quen biết
rộng và người ta luôn thổ lộ nhiều điều rất riêng tư với tôi. Tại sao họ tin
tôi đến thế, chính tôi cũng không biết.

Đại tá Pikeaway bỏ qua câu nói khiêm tốn đó.

- Tôi đoán ông biết việc người ta đã tìm thấy
xác chiếc máy bay của Hoàng thân Ali Yusuf…

- Thứ tư vừa rồi. Người lái chiếc máy bay đó là
phi công trẻ tuổi Bob Rawlinson. Nhưng máy bay bị nạn không phải do lỗi ở phi
công mà do thợ máy ở sân bay phá hoại từ trước lúc nó cất cánh. Thủ phạm vụ phá
hoại đó là nhân vật hiện đang giữ một chức vụ trọng yếu trong bộ máy chính
quyền mới ở Ramat.

- Thì ra có âm mưu phá hoại! Bây giờ tôi mới
biết. Quả là một câu chuyện đáng buồn.

- Đúng thế. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta gặp
nhau để nuối tiếc quá khứ! Tôi nghĩ rằng hai chúng ta gặp nhau hôm nay là vì
một điều chúng ta cùng quan tâm, có thể lý do quan tâm khác nhau giữa hai chúng
ta, nhưng đó chính là những thứ mà vị hoàng thân xấu số kia để lại trên cõi
đời.

- Cụ thể là…?

Ông Robinson nhún vai.

- Một tài khoản khá lớn ở ngân hàng Thụy Sĩ,
một khoản tín dụng nhỏ lưu tại Anh, những bất động sản của ông trong nước -
riêng những thứ này tất nhiên đã bị những chủ nhân mới chia nhau và không phải
khi chia không xảy ra lắm mâu thuẫn, hiềm khích, và cuối cùng… là một thứ rất
nhỏ, hoàn toàn là tài sản cá nhân của riêng hoàng thân Ali Yusuf.

- Ông nói là "nhỏ"?

- Đấy là tôi nói về khối lượng. "Nhỏ"
đây có nghĩa có thể dễ dàng mang theo trong người.

- Nhưng nghe đâu người ta không tìm thấy thứ gì
đặc biệt trong áo quần của vị Hoàng thân…

- Dễ hiểu thôi. Vị Hoàng thân đã trao vật đó
cho Bob Rawlinson.

- Ông biết chắc là như thế? - Giọng đại tá có
phần sôi nổi hơn đôi chút.

- Thật ra không có gì có thể biết chắc chắn
được. - Robinson đáp như thể nhận lỗi. - Bao giờ trong mỗi cung điện vua chúa
cũng có những lời bàn tán đủ loại, và không phải tất cả những lời đồn đại là
chuyện có thật. Nhưng trong trường hợp này, quá nhiều người nói và lại nói
giống nhau.

- Tạm cho là như thế. Nhưng người ta đã không
tìm thấy gì trong xác viên phi công.

- Cho nên chúng ta phải kết luận rằng "vật
kia" đã được một người khác, chứ không phải Bob Rawlinson, đưa ra khỏi
lãnh thổ Ramat. Hoặc nó được đưa ra nước ngoài bằng một mưu mẹo nào đó.

- Ông có ước đoán nào không?

- Sau khi nhận túi đá quý - bây giờ ta gọi nó
bằng đúng tên của nó - viên phi công Bob Rawlinson đã ghé vào một tiệm giải
khát nhỏ, nhưng tại đây anh ta không hề gặp gỡ ai, không trò chuyện với ai. Các
khách ăn khác đều không ai chú ý đến anh ta. Sau đấy Bob đến khách sạn Ritz. Bà
chị anh ta đi vắng, anh ta đã lên phòng, ở lại trong đó khoảng hai mươi phút.
Rời khỏi khách sạn Ritz, Bob Rawlinson đến một nhà băng, đổi một tấm ngân phiếu
lấy tiền mặt. Anh ta vừa ra khỏi nhà băng thì cuộc bạo động nổ ra, nhưng Bob
Rawlinson vẫn đến được sân bay cùng với người phụ lái là Achmed.

- Sau đó?

- Theo như anh ta đã thỏa thuận trước với Hoàng
thân, chắc thế. Hoàng thân Ali Yusuf rời cung điện hoàng gia bằng ôtô, bảo rằng
đi kiểm tra công trường xây dựng một con đường, thật ra là để gặp Bob, bảo anh
này chở ông đi thị sát bằng máy bay. Đúng là máy bay có cất cánh thật, nhưng
sau đó mất tích.

- Qua toàn bộ sự việc trên, ông kết luận ra
sao?

- Chắc cũng như ông thôi. Bob Rawlinson ghé vào
phòng bà chị để làm gì, khi đã biết phải muộn bà ta mới về đến khách sạn? Bob
có để lại một bức thư, nhưng thư quá ngắn ngủi, chỉ cần vài ba phút cũng đủ để
viết xong. Vậy hai chục phút kia anh ta dùng làm gì?

- Ông cho rằng Bob đã giấu số kim cương và đá
quý kia trong đống hành lý của bà chị?

- Qua những sự kiện trên thì hầu như chắc chắn
là như thế, ông có tán thành không? Ngay hôm đó, hai mẹ con bà Joan Sutcliffe
đã sơ tán cùng với những công dân Anh khác. Họ đáp máy bay đến Aden, rồi xuống
tàu biển. Ngày mai con tàu này sẽ về đến Anh, cập bến ở Tilbury.

- Tôi biết và chúng tôi sẽ bảo vệ bà ta.

- Ông làm thế là rất đúng, bởi mang trong người
một tài sản lớn như thế, bà ta rất dễ gặp nguy hiểm.

Ông Robinson nháy mắt rồi nói tiếp:

- Tôi rất ghét kiểu bạo lực.

- Ông thật sự cho rằng…?

- Nhiều nhóm đang quan tâm đến chuyện này, với
động cơ xấu.

- Tôi cũng nghe là như thế.

- Và tất nhiên chúng giành giật nhau bằng đủ
mọi thủ đoạn, mưu mẹo. Thế là vấn đề sẽ rối tinh lên.

- Rất có thể là như thế. Vậy ông… ông có mối
quan tâm cá nhân nào đến vụ này không, thưa ông Robinson?

Tuy câu hỏi được đưa ra bằng giọng dè dặt,
nhưng cũng vẫn làm khách hơi tự ái.

- Dù sao tôi cũng đại diện cho một tập đoàn. -
Robinson nói. - Phần lớn số đá quý kia là do tập đoàn chúng tôi nhượng lại cho
vị Hoàng thân đã quá cố theo một mức giá phải chăng. Đó chính là một trong
những lý do khiến tôi quan tâm đến số phận của những viên đá quý đó. Hay ông
còn đòi tôi đưa ra ý kiến của vị hoàng thân đã khuất kia? Tôi rất không muốn
nói thêm gì nữa. Vấn đề này quá nhạy cảm. À, mà nhân tiện xin hỏi, ông có biết
những người thuê các phòng bên cạnh phòng của bà Joan Sutcliffe ở khách sạn
Ritz lúc đó là ai không?

Đại tá Pikeaway làm bộ như cố nhớ lại trước khi
đáp:

- Để tôi nhớ lại xem… À phải rồi, phòng bên
trái là Angelica de Toredo, một vũ nữ Tây Ban Nha, làm việc tại một quán rượu ở
Ramat. Rất có thể cô ta không hoàn toàn mang dòng máu Tây Ban Nha, nhưng thật
sự là một vũ nữ có tài, được khách hàng rất mến mộ. Còn phòng bên phải thì là
mấy cô giáo.

Ông Robinson cười toác miệng:

- Ông vẫn y hệt như ngày xưa! Tôi đến để cung
cấp thông tin cho ông thì ai ngờ ông đã biết đầy đủ cả rồi

- Đâu có!

- Hai chúng ta, nói riêng với nhau, chúng ta đã
nắm được nhiều thông tin đấy.

Họ đưa mắt nhìn nhau.

- Thưa ông Robinson, tôi có cảm giác là hai
chúng ta đã biết khá nhiều điều, ít nhất cũng cho đến lúc này…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3