Người đọc - Phần II - Chương 10 - 11 - 12

10

Tôi không nhớ gì về
các buổi học của lớp chuyên đề vào thứ Sáu. Ngay cả khi tưởng tượng ra phiên
tòa tôi cũng không nhớ ra là chúng tôi thảo luận khoa học về cái gì. Chúng tôi
nói về đề tài gì nhỉ? Muốn biết gì? Giáo sư đã dạy gì?

Nhưng các Chủ nhật
thì tôi nhớ. Từ những ngày ở tòa án tôi mang theo về sự thèm khát mới mẻ về sắc
màu và mùi vị của thiên nhiên. Vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy tôi đã học đuổi
những gì bị lỡ do vắng mặt ở trường, đủ để theo kịp trong giờ làm bài tập và
hoàn tất được chương trình của học kỳ. Chủ nhật là lúc tôi lên đường.

Núi Heiligenberg,
nhà thờ Thánh Michael, tháp Bismarck, đường Philosophenweg, bờ sông - tôi ít
thay đổi đường đi từ Chủ nhật này đến Chủ nhật sau. Tôi tìm ra đủ sự phong phú
trên đường, vì từ tuần này qua tuần sau đã thấy cây lá màu mỡ hơn, bình nguyên
sông Rhein khi thì trong hơi nước nóng rực, khi thì trải dài dưới trời mây
dông. Tôi ngửi hương dâu và hoa trong rừng khi mặt trời thiêu đốt, mùi đất và
lá mục của năm ngoái khi có mưa. Nói chung, tôi ít cần và ít tìm sự phong phú.
Mỗi chuyến đi lại xa hơn chuyến đi trước một chút, kỳ nghỉ này ở nơi mà kỳ
trước tôi đã phát hiện và thích nó - một thời gian dài tôi cho là mình nên táo
bạo hơn và ép mình đến tận Ceylon, Ai Cập và Brazil, trước khi chuyển sang làm
quen kỹ hơn những địa phương mà tôi đã quen. Ở đó tôi nhìn thấy nhiều hơn.

Tôi đã tìm thấy một
địa điểm trong rừng, nơi bí mật của Hanna chợt bừng lên trước mắt tôi. Địa điểm
ấy không có gì đặc biệt, hồi xưa cũng không có gì đặc biệt, chẳng có một thân
cây hay mỏm đá với dáng độc đáo hoặc tầm nhìn khác lạ về hướng thành phố và
xuống bình nguyên, chẳng có tí gì khơi gợi liên tưởng bất ngờ. Trong khi suy tư
về Hanna, luôn quẩn quanh hết tuần này đến tuần sau trên những con đường cũ,
một ý nghĩ đã tách ra, đi theo con đường riêng của nó và rốt cuộc dẫn đến kết
quả. Khi ý nghĩ đó đã chín là nó đã chín. Chuyện có thể xảy ra mọi nơi hay ít
nhất thì cũng ở mọi nơi mà môi trường quen thuộc và khung cảnh cho phép nhận
diện và đón lấy sự bất ngờ. Sự bất ngờ ấy không ập lên ta từ bên ngoài, mà phát
triển từ bên trong. Chuyện xảy ra trên một con đường dốc lên núi, cắt ngang
đường ô tô, qua một cái giếng, ban đầu còn luồn dưới những cây cổ thụ, cao và
rậm lá, sau đó đi qua đám cây lưa thưa.

Hanna không biết
đọc và viết.

Vì thế cô nhờ người
khác đọc truyện cho mình. Vì thế cô để tôi đọc và viết trong chuyến đi xe đạp,
và hôm thứ Hai ở khách sạn cô phát sốt lên khi bắt được mảnh giấy của tôi,
mường tượng ra cảnh tôi mong đợi là cô hiểu nội dung mảnh giấy đủ để sợ bị bẽ
mặt. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở công ty tàu điện; khi làm soát
vé thì điểm yếu của cô có thể còn giấu được, trong lớp đào tạo lái tàu ắt sẽ lộ
ra. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở Siemens và trở thành quản tù. Vì
thế mà cô thừa nhận đã viết bản báo cáo để khỏi phải đối mặt với giám định
viên. Phải chăng đó là lý do để cô nói văng mạng trong phiên tòa? Vì cô không
đọc được cuốn sách của cô gái cũng như bản cáo trạng, không mong đợi gì vào cơ
may bào chữa và không được chuẩn bị trước khi ra tòa? Phải chăng đó là lý do mà
cô chuyển những cô gái đọc truyện đi Auschwitz để bịt mồm họ, nếu họ chẳng may
nhận ra dấu hiệu gì? Và vì thế mà cô chọn ra những cô gái ốm yếu?

Vì thế sao? Tôi
hiểu được rằng cô xấu hổ do không biết đọc biết viết nên thà xua đuổi tôi còn
hơn bị bẽ mặt. Xấu hổ là lý do cho lối hành xử trốn tránh, chống đỡ, giấu giếm,
ngụy tạo và cả xúc phạm nữa, tôi biết cả. Nhưng Hanna xấu hổ không biết đọc
biết viết, và đó là lý do cho hành vi của cô trước tòa và trong trại giam? Sự
bẽ mặt của một tội phạm sinh ra từ nỗi sợ bẽ mặt do mù chữ? Phạm tội vì sợ bẽ
mặt do mù chữ?

Hồi đó và từ đó đến
nay đã bao lần tôi tự đặt cho mình những câu hỏi lặp lại. Nếu động cơ của Hanna
bắt nguồn từ nỗi sợ bẽ mặt là người mù chữ, tại sao không chọn sự bẽ mặt nho
nhỏ do mù chữ thay vì sự bẽ mặt khủng khiếp là tội phạm? Hay cô tưởng là mọi sự
sẽ trôi chảy mà không phải chịu bẽ mặt? Hay đơn giản là cô ngu dốt? Liệu cô có
hoang tưởng và độc ác đến mức trở thành tội phạm chỉ để trốn tránh nỗi bẽ bàng?

Tôi đã gạt bỏ suy
nghĩ đó, từ hồi ấy và luôn luôn từ hồi ấy đến nay. Không, tôi tự nhủ, Hanna
không chọn con đường phạm tội. Cô không chọn việc nâng cấp ở Siemens và chẳng
may sa chân vào công việc quản tù. Và cô không chuyển những cô gái gầy yếu đi
Auschwitz vì trước đó họ đã đọc truyện cho cô nghe, mà chọn họ cho đọc truyện
để những tháng cuối cùng trong đời họ được được thanh thản, trước khi đằng nào
cũng bị đưa đến Auschwitz. Và trước tòa Hanna không cân nhắc giữa sự bẽ bàng do
mù chữ và sự bẽ bàng của tội phạm. Đó không phải là tính toán và chiến thuật.
Cô chấp nhận bị quy trách nhiệm, không chỉ muốn phải nhận thêm vào do nỗi bẽ
bàng. Cô không theo đuổi ý muốn riêng mà đấu tranh cho sự thật và công lý của
riêng cô. Sự thật là, công lý ấy - chỉ vì cô luôn luôn phải ngụy tạo chút ít,
vì cô không bao giờ được hoàn toàn cởi mở, không bao giờ được là chính mình -
là một chân lý thê thảm, một công lý thê thảm, nhưng là của riêng cô, và cuộc
đấu tranh giành lấy chân lý và công lý ấy là cuộc đấu tranh của riêng cô.

Chắc chắn là cô đã
hoàn toàn kiệt sức. Cô không chỉ đấu tranh trước tòa, cô đã và vẫn luôn đấu
tranh, không để chứng minh năng lực của mình, mà để che giấu những bất lực của
mình. Một cuộc đời mà những lúc vùng dậy là những cuộc rút lui hiên ngang,
những chiến thắng là những thất bại che đậy.

Giữa sự giằng xé
của Hanna khi rời bỏ thành phố quê hương tôi và những tưởng tượng suy diễn của
tôi ngày ấy là một nghịch lý làm tôi xúc động khó tả. Tôi đã từng tin chắc là
mình đã hắt hủi Hanna qua hành động phản bội và chối bỏ cô, song thực tế là cô
chỉ muốn tránh sự bẽ bàng ở công ty tàu điện. Tuy vậy, dù tôi không hắt hủi cô
thì cũng chẳng vì thế mà tôi không phản bội cô. Tôi vẫn có tội. Còn nếu tôi
không có tội - vì phản bội lại một kẻ tội phạm không quy thành tội - thì tôi
vẫn có tội vì đã từng yêu một kẻ tội phạm.

11

Việc Hanna thú nhận
đã viết bản báo cáo làm cho tình thế của các bị cáo khác trở nên đơn giản. Cô
không hành động đơn phương, mà đã hối thúc, cưỡng ép và đe dọa những người
khác. Cô giành lấy vị trí chỉ huy. Cô làm chủ tiếng nói và ngòi bút. Cô quyết
định.

Những người dân
trong làng làm nhân chứng không thể khẳng định hay phủ định điều đó. Họ nhìn
thấy nhiều phụ nữ mặc đồng phục canh giữ ngôi nhà thờ cháy nên không dám mở
cửa. Sáng sớm hôm sau họ gặp lại những người đàn bà ấy khi họ khởi hành và nhận
ra họ là những bị cáo hôm nay. Nhưng bị cáo nào sáng sớm hôm ấy chỉ huy, và có
bị cáo nào chỉ huy hay không, họ không thể nói được.

“Nhưng các bị cáo
không loại trừ khả năng là bị cáo kia,” luật sư của một bị cáo khác chỉ tay vào
Hanna, “đã ra quyết định?”

Họ không loại trừ
khả năng đó được, mà làm sao có thể loại trừ được cơ chứ. Nhìn các bị cáo kia,
rõ ràng già hơn, mệt mỏi hơn, hèn nhát hơn và cay cú hơn thì họ cũng chẳng muốn
loại trừ. So với các bị cáo kia thì Hanna là cầm đầu. Ngoài ra, nếu có một kẻ
cầm đầu thì nhẹ tội cho dân làng; đứng trước một đơn vị có chỉ huy chặt chẽ mà
không ra tay cứu giúp thì thuận lợi hơn là không ra tay trước một nhóm đàn bà
hỗn loạn.

Hanna tiếp tục đấu
tranh. Cô thừa nhận điều nào đúng, phản bác những gì sai. Cô phản bác với sự
mãnh liệt ngày càng tuyệt vọng. Cô không lớn tiếng. Nhưng sự mãnh liệt trong
câu nói cũng gây phản cảm cho tòa án.

Rốt cuộc thì cô đầu
hàng. Cô chỉ nói khi người ta đặt câu hỏi. Cô trả lời cộc lốc, sơ sài, nhiều
khi vu vơ. Như thể tỏ ra là mình đã bỏ cuộc, bây giờ trong khi phát biểu cô vẫn
ngồi lì trên ghế. Ông chánh án khi mới vào phiên tòa đã nhiều lần nói là cô
không phải đứng dậy mà cứ ngồi nói, giờ đây nhìn bằng con mắt phật ý. Thỉnh
thoảng vào lúc cuối giờ tôi có ấn tượng là tòa án đã ngán ngẩm, chỉ muốn làm
cho xong việc, không còn tập trung nữa mà phiêu diêu nơi khác, trở lại hiện tại
sau nhiều tuần trong quá khứ.

Tôi cũng ngán ngẩm.
Nhưng tôi không thể làm cho xong việc. Phiên tòa đối với tôi chưa kết thúc mà
mới bắt đầu. Tôi đã là khán giả, nay đột nhiên trở thành liên đới, liên can và
liên trách nhiệm. Tôi không lựa chọn vai trò ấy, nhưng tôi nhận vai trò ấu dù
muốn hay không, bất kể tôi làm gì hay hoàn toàn thụ động.

Phải làm gì đây -
chỉ có một trọng tâm thôi, tôi có thể đến nói với thẩm phán rằng Hanna mù chữ.
Rằng cô không phải chủ thể chính và tội phạm chính như những bị cáo kia nặn ra.
Rằng lối cư xử của cô trước tòa không phải do cứng đầu, ngoan cố hay bướng
bỉnh, mà bắt nguồn từ việc không biết trước cáo trạng và bản thảo, cũng có thể
không có khả năng gì về chiến lược và chiến thuật. Rằng cô rất bị hạn chế trong
bào chữa. Rằng cô có tội, nhưng không nặng đến mức như ấn tượng bên ngoài.

Có thể tôi không thuyết
phục được thẩm phán, nhưng có thể tôi xin ông ta nghĩ lại và xem xét. Kết quả
sẽ cho thấy là tôi có lý, và Hanna sẽ bị trừng phạt, nhưng với mức phạt nhẹ
hơn. Cô sẽ bị đi tù, nhưng chóng được thả hơn, chóng được tự do hơn - đó không
đáng là mục tiêu mà cô vẫn tranh đấu hay sao?

Phải, cô đấu tranh
vì thế, nhưng không muốn trả giá cho thành công ấy bằng sự bẽ bàng do mù chữ.
Cô sẽ không đồng ý tôi đánh đổi sự bộc bạch của cô lấy mấy năm tù. Tự cô có
điều kiện, nhưng lại không chịu đổi chác, nghĩa là cô không muốn. Cô chấp nhận
mấy năm tù thay vì sự bộc bạch.

Nhưng nó có đáng
giá ấy không? Sự bộc bạch điêu trá đã trói chặt cô, làm tê liệt và ngăn cô phát
triển? Với năng lượng mà cô vẫn dùng để giữ vững sự dối trá suốt đời ấy, lẽ ra
cô đã học đọc học viết xong từ lâu.

Hồi đó tôi thử
tranh luận vấn về này với các bạn. Cậu hãy tưởng tượng ra ai đó lao vào một lỗi
bất hạnh, có chủ ý, và mình có thể cứu họ - cậu có cứu không? Cậu hãy tưởng
tượng ra một cuộc phẫu thuật và một bệnh nhân, người này dùng loại ma túy có
phản ứng với thuốc mê nhưng xấu hổ do dùng ma túy nên không nói cho bác sĩ gây
mê biết - cậu có nói cho bác sĩ gây mê biết không? Hãy tưởng tượng ra một phiên
tòa và một bị cáo sẽ bị kết án nếu không thú nhận rằng mình thuận tay trái và
do vậy không thể là thủ phạm - hành vi gây ra bởi tay phải - khi bị cáo xấu hổ
vì mình thuận tay trái, cậu có nói cho thẩm phán biết không? Hãy tưởng tượng ra
bị cáo là đồng tính luyến ái và đã đồng tính thì không thể gây hành vi phạm
tội, nhưng xấu hổ vì đồng tính. Ở đây không nói đến chuyện có đáng xấu hổ vì
thuận tay trái hay đồng tính - hãy cứ đơn giản tưởng tượng là bị cáo xấu hổ.

12

Tôi quyết định nói
chuyện với bố. Không phải vì chúng tôi gần gũi đến mức ấy. Bố tôi là người
hướng nội, ông không bộc lộ tình cảm với chúng tôi là các con ông, mà cũng
chẳng biết đón nhận tình cảm do chúng tôi mang lại. Một quãng thời gian dài tôi
vẫn phỏng đoán đằng sau tính cách kín đáo ấy là một kho báu tiềm ẩn. Nhưng về
sau tôi tự hỏi, liệu ở đó có gì thật không. Có thể lúc bé và mới lớn lên, bố
tôi giàu tình cảm nhưng không thể hiện ra, qua nhiều năm tháng những tình cảm
ấy đã khô kiệt và tàn lụi đi.

Song chính vì
khoảng cách giữa hai chúng tôi mà tôi muốn trò chuyện với ông. Tôi muốn nói
chuyện với một triết gia đã từng chấp bút về Kant và Hegel mà tôi biết rằng đó
là những người nghiên cứu về vấn đề đạo lý. Ông cũng có khả năng bàn về vấn đề
của tôi ở mức trừu tượng, chứ không như các bạn tôi cứ vướng víu vào những ví
dụ hạn chế mà tôi đưa ra.

Khi các con muốn
nói chuyện với bố, ông hẹn giờ như hẹn tiếp chuyện sinh viên vậy. Ông làm việc
ở nhà, chỉ đến trường đại học khi giảng bài hay hướng dẫn thảo luận. Các đồng
nghiệp và sinh viên muốn nói chuyện với ông thì đến nhà. Tôi nhớ là sinh viên
xếp hàng trong hành lang, đứng dựa lưng vào tường chờ đến lượt. Vài người đọc
sách, những người khác ngắm tranh thành phố treo ở hành lang, người khác nữa
nhìn vào hư vô, tất cả im lặng, chỉ lúng túng chào khi bọn trẻ chúng tôi vừa
chào vừa đi qua hành lang. Chúng tôi thì không đợi ở hành lang khi bố hẹn giờ,
nhưng cũng phải gõ cửa phòng làm việc đúng giờ đã hẹn trước và được gọi vào.

Tôi biết hai phòng
làm việc của bố. Phòng thứ nhất là nơi Hanna vừa đi qua vừa lấy ngón tay đếm
gáy sách, có cửa sổ nhìn ra phố và dãy nhà. Cửa sổ phòng thứ hai quay ra sông
Rhein. Ngôi nhà nằm ở sườn núi phía trên thành phố, chúng tôi chuyển đến đây
đầu những năm sáu mươi và bố mẹ tôi còn ở lại đó khi các con đã lớn. Các cửa sổ
ở cả hai phòng không mở rộng không gian ra thế giới, mà biến thế giới thành bức
tranh treo lên tường. Phòng làm việc của bố tôi là một cái vỏ bọc mà trong đó
sách vở, giấy má, tư tưởng, khói thuốc lá và xì gà tạo ra một bầu khí quyển
khác với thế giới bên ngoài. Đối với tôi vừa quen lại vừa lạ.

Bố bảo tôi hãy
trình bày vấn đề của mình, ở dạng trừu tượng và ở dạng thí dụ. “Chuyện liên
quan đến phiên tòa, đúng không?” Nhưng ông lắc đầu để cho tôi hiểu là ông không
đợi câu trả lời, không gặng hỏi tôi, không muốn biết bất cứ điều gì mà tôi
không tự muốn thổ lộ. Rồi ông ngồi nghiêng đầu, hai tay bám chặt vào thành ghế
và suy nghĩ. Ông không nhìn tôi. Tôi ngắm bố, ngắm mái tóc bạc, gò má luôn luôn
cạo rối, nếp nhăn sau giữa hai mắt và từ cánh mũi xuống khóe miệng. Tôi chờ.

Rồi ông nhập đề từ
xa. Ông giảng cho tôi về cá nhân, tự do và phẩm giá, về con người là chủ thể,
và không được phép biến con người thành khách thể. “Con có nhớ hồi bé con đã
nổi cáu ra sao, khi mẹ biết rõ hơn con là cái gì tốt cho con? Được phép làm
việc đó với trẻ con đến mức độ nào, thật sự đã là một vấn đề. Một vấn đề triết
học, nhưng triết học không quan tâm đến trẻ con, mà đẩy chúng sang cho sư phạm
là lĩnh vực không hay lắm cho chúng. Triết học đã bỏ quên trẻ con,” ông mỉm
cười với tôi, “vĩnh viễn bỏ quên chúng, chứ không thỉnh thoảng như bố đối với
các con đâu.”

“Nhưng...”

“Nhưng đối với
người lớn thì bố tuyệt đối không thấy lời biện hộ nào cho việc đánh giá một
điều tốt đối với người khác cao hơn là người đó tự đánh giá điều gì tốt cho
mình.”

“Kể cả khi người ấy
về sau thấy thỏa mãn?”

Ông lắc đầu. “Chúng
ta không bàn đến thỏa mãn, mà bàn đến phẩm giá và tự do. Lúc nhỏ con đã biết sự
khác biệt ra sao. Con không bằng lòng đâu, khi mẹ lúc nào cũng đúng.”

Dạo này tôi ưa nhớ
lại cuộc nói chuyện với bố. Tôi đã quên nó cho đến sau khi ông qua đời, lúc tôi
lục lọi trong đáy sâu hồi ức để tìm ra những lần gặp gỡ, kỷ niệm và trải nghiệm
đẹp đẽ với ông. Khi đã tìm thấy, tôi ngạc nhiên và sung sướng chiêm ngưỡng. Hồi
đó, thoạt tiên tôi bối rối trước sự trộn lẫn trừu tượng và cụ thể. Sau đó tôi
suy diễn lời ông nói, rằng tôi không nhất thiết phải nói chuyện, hoàn toàn
không được phép nói chuyện với ông thẩm phán, và thấy thanh thản trong người.

Bố tôi đọc ra ý
nghĩ ấy. “Con thích kiểu triết học đó à?”

“Không hẳn, trong
tình thế mà con vừa kể lại thì con không biết là có phải hành động không, và thật
ra con không bằng lòng với ý nghĩ người ta phải hành động. Giờ thì người ta
hoàn toàn không được phép hành động. Con thấy thế là...” Tôi không biết nên nói
gì. Thanh thản? Yên tâm? Dễ chịu? Nghe không có vẻ đạo đức và trách nhiệm. Con
thấy thế là tốt - nghe có vẻ đạo đức và trách nhiệm, nhưng tôi không thể nói
rằng tôi thấy đó là tốt, là hơn cả thanh thản.

“Dễ chịu?” Bố tôi
gợi ý.

Tôi gật đầu và nhún
vai.

“Không có giải pháp
dễ chịu cho vấn đề của con. Tất nhiên là người ta phải hành động, khi tình thế
mà con vừa kể là tình thế đẩy đến cho ta một trách nhiệm hay buộc ta đảm nhận
trách nhiệm đó. Khi ta biết điều gì tốt cho người khác mà người ấy vẫn không
biết, ta phải tìm cách khiến họ mở mắt ra. Ta phải dành cho họ quyết định cuối
cùng, nhưng phải nói chuyện với họ, nói thẳng với họ chứ không nói sau lưng họ
với người khác.”

Nói chuyện với
Hanna? Tôi phải nói gì với cô? Rằng tôi đã nhận ra sự dối trá của đời cô? Rằng
cô đang sắp hy sinh cả cuộc đời mình cho sự dối trá ngu xuẩn ấy? Rằng sự dối
trá ấy không đáng để hi sinh? Rằng lẽ ra cô nên đấu tranh để không phải ngồi tù
lâu hơn mức cần thiết, rồi sau đó còn nhiều việc trong đời cần làm nữa? Nhưng
việc gì cơ chứ? Dù ít hay nhiều - cô còn việc gì trong đời? Liệu tôi có được
phép loại bỏ sự dối trá khỏi đời cô mà lại không mở cho cô một viễn cảnh sống?
Viễn cảnh dài hạn thì tôi không biết, tôi cũng chẳng biết đứng trước mặt cô ra
sao để nói cho cô biết rằng, đúng thôi, đối với những gì mà cô đã làm thì viễn
cảnh ngắn hạn và trung hạn sẽ là nhà giam. Tôi không biết nên đứng trước mặt cô
ra sao để nói với cô bất cứ điều gì.

Tôi hỏi bố: “Còn
nếu không nói được với họ thì sao?”

Ông nhìn tôi nghi
hoặc, và tôi tự biết là câu hỏi đi chệch sự việc. Chẳng có gì để nói về đạo lý
nữa. Tôi chỉ còn phải hạ quyết định nữa mà thôi.

“Bố đã không giúp
con được.” Bố tôi đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. “Không, con không phải đi,
bố chỉ đau lưng thôi.” Ông lom khom ép hai tay vào vùng thận. “Bố không thể nói
rằng đáng tiếc không giúp con được, nghĩa là với tư cách một triết gia đã được
con hỏi. Đối với người bố, không giúp được con mình thì buồn quá.”

Tôi chờ, nhưng bố
không nói tiếp. Tôi cho rằng ông đã đơn giản hóa sự việc; tôi biết khi nào ông
lẽ ra có thể chăm sóc con cái nhiều hơn, lẽ ra có thể giúp được các con nhiều
hơn. Rồi tôi nghĩ rằng có thể chính ông cũng biết điều đó và cảm thấy đau lòng.
Nhưng dù sao chăng nữa, tôi không thể nói ra câu gì với bố. Tôi thấy khó xử, và
linh cảm rằng ông cũng thấy khó xử.

“Vậy thì...”

“Con có thể đến đây
lúc nào cũng được.” Bố nhìn tôi. Tôi không tin ông. Và gật đầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3