Người đọc - Phần II - Chương 01 - 02 - 03
Phần
hai
1
Sau khi
Hanna bỏ thành phố ra đi, một thời gian dài trôi qua trước khi tôi thôi để mắt
tìm cô, trước khi tôi quen dần với những buổi chiều đã mất hình bóng, trước khi
tôi ngắm sách và mở trang mà không tự hỏi xem có thích hợp để đọc cho người khác
nghe hay không. Một thời gian dài trôi qua, trước khi cơ thể tôi thôi khao khát
về cơ thể Hanna; thỉnh thoảng tôi tự nhận ra trong khi ngủ vẫn quơ tay chân tìm
cô, và nhiều lần anh tôi kể trong bữa ăn là tôi gọi “Hanna” trong khi ngủ. Tôi
cũng nhớ lại những giờ trên lớp mà tôi chỉ mơ về cô, chỉ nhớ đến cô. Cảm giác
tội lỗi từng hành hạ tôi mấy tuần đầu đã qua đi. Tôi tránh ngôi nhà cô ở, đi
đường khác, và nửa năm sau nhà tôi chuyển sang quận khác. Không phải là tôi
quên cô. Nhưng đến lúc nào đó những kỷ niệm của tôi về Hanna thôi đeo đẳng.
Hanna ở lại đằng sau, như một thành phố ở lại khi con tàu đi tiếp. Thành phố
vẫn đấy, đâu đó đằng sau ta, ta có thể quay trở lại đó để chắc chắn nó vẫn còn
đấy, nhưng để làm gì cơ chứ.
Trong ký
ức tôi, những năm học cuối và những năm đầu ở đại học là những năm hạnh phúc.
Đồng thời cũng chẳng có mấy chuyện gì đáng kể. Đó là những năm nhàn tản. Kỳ thi
tốt nghiệp trung học và môn Luật mà tôi chọn hú họa đều không khó, tình bạn,
yêu đương và chia tay đều không nặng nề, đối với tôi chẳng có gì nặng nề cả.
Cái gì cũng dễ, cái gì cũng nhẹ nhàng. Hay vì thế mà mớ kỷ niệm cũng thành ra
nhỏ bé? Hay tôi làm cho nó phải nhỏ bé? Tôi cũng tự hỏi, liệu kỷ niệm hạnh phúc
có thật hay không. Càng nghĩ sâu xa tôi lại càng nhớ ra đủ các tình tiết đáng xấu hổ và đau khổ, và tôi biết rằng mình đã từ giã kỷ niệm
với Hanna chứ không vượt qua được chúng. Sau Hanna, tôi không bao giờ hạ nhục
và để ai hạ nhục mình, không bao giờ mắc lỗi và cảm thấy tội lỗi, chẳng yêu ai
đến mức phải đau đớn khi rời bỏ - ngày đó tôi không nghĩ rành mạch như thế,
song nhất định phải cảm thấy.
Tôi tạo cho mình
một vẻ ngạo mạn hãnh tiến, tôi khoa trương như chẳng có gì khiến mình phải bận
tâm, xúc động và rối trí. Tôi không tham gia vào chuyện gì. Và tôi nhớ đến một
giáo viên, khi ông bắt thóp được tôi và có lời góp ý thì tôi đã ngang ngạnh
phẩy tay. Tôi cũng nhớ đến Sophie. Ít lâu sau khi Hanna rời khỏi thành phố,
người ta phát hiện cô bị bệnh lao. Cô phải đến trại dưỡng bệnh ba năm, khi cô
quay lại thì tôi vừa trở thành sinh viên. Sophie cô đơn và tìm đến các bạn bè
cũ, và tôi không khó khăn mấy để len vào trái tim cô. Sau khi ngủ với nhau,
Sophie nhận ra rằng tôi không thật vì cô và nói trong nước mắt: “Anh có chuyện
gì, có chuyện gì vậy?” Tôi nhớ đến ông tôi, có lần tôi đến thăm trước khi ông
mất. Ông muốn làm lễ cầu phúc cho tôi. Tôi đã nói cho ông biết là tôi không tin
và cũng chẳng ưa gì chuyện đó. Thật khó tưởng tượng là ngày ấy tôi thấy thỏa
mãn với cách cư xử như vậy. Tôi còn nhớ là khi chứng kiến một cử chỉ âu yếm nhỏ
nhặt nào là cổ như nghẹn lại, bất kể cử chỉ đó dành cho tôi hay cho ai khác.
Nhiều khi đó chỉ là một cảnh trong phim. Nhẫn tâm và mẫn cảm song song tồn tại
như một điều ám muội cả với chính tôi.
2
Tôi gặp lại Hanna ở
tòa án.
Đó không phải vụ án
đầu tiên về trại tập trung, cũng không phải vụ lớn nhất. Giáo sư của chúng tôi
ngày ấy là một trong số ít ỏi các giáo sư nghiên cứu về quá khứ của chủ nghĩa
dân tộc và các vụ án liên quan. Ông lấy vụ án làm đối tượng cho lớp chuyên đề,
vì ông hy vọng qua các sinh viên sẽ theo dõi và đánh giá được toàn bộ trình tự
vụ án. Tôi không còn nhớ là ông muốn thẩm định, khẳng định hay phản biện chuyện
gì. Tôi nhớ là trong lớp chuyên đề có tranh luận về việc cấm hồi tố. Chỉ cần
chiểu theo điều luật đã tồn tại trong bộ luật hình sự vào thời điểm xảy ra hành
động là đủ để tuyên án các quản tù và lính canh trại tập trung? Hay bản chất sự
việc là, vào thời điểm hành động thì điều khoản ấy được quán triệt và ứng dụng
ra sao, và như vậy thì không được áp dụng cho các bị can? Luật pháp là gì? Là
câu chữ trong sách hay là điều được xã hội thực sự công nhận và tuân thủ? Hay
luật pháp là, bất kể có ghi trong sách hay không, điều lẽ ra phải được mặc
nhiên công nhận và tuân thủ nếu mọi việc diễn ra một cách logic? Ông giáo sư,
một người đã cao tuổi, sau thời kỳ tị nạn đã hồi hương nhưng vẫn đứng ngoài lề
của khoa Luật học ở Đức. Ông tham gia tranh luận với toàn bộ tầm cỡ uyên bác
của mình, đồng thời với sự cách biệt của một người không muốn giải quyết vấn đề
bằng sự uyên bác đó nữa: “Anh chị hãy quan sát các bị can - và sẽ không thấy
một ai trong họ thực sự cho là mình hồi đó được phép giết người.”
Lớp chuyên đề bắt
đầu vào mùa đông, vụ án vào mùa xuân, kéo dài lê thê nhiều tuần. Phiên tòa xử
vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm, mỗi ngày trong đó giáo sư phân công một
nhóm sinh viên ghi biên bản từng chữ một. Thứ Sáu họp lớp để khảo cứu mọi sự
kiện trong tuần.
Khảo cứu! Khảo cứu
quá khứ! Chúng tôi, các sinh viên của lớp chuyên đề coi mình là mũi tiên phong
đi khảo cứu. Chúng tôi giật toang cửa sổ cho không khí tràn vào, cho gió ùa vào
thổi tung lớp bụi bặm mà xã hội để phủ lên những nỗi kinh hoàng của quá khứ.
Chúng tôi sẽ làm cho mọi người được hít thở và mở mắt nhìn. Cả chúng tôi cũng
không dựa trên kiến thức kinh viện của môn Luật. Án phải được tuyên, đó là điều
chắc chắc. Và đối với chúng tôi cũng chắc chắn hệt như vậy, chuyện tuyên án
quản tù này hay lính canh nọ của trại tập trung chỉ là bề nổi. Cả một thế hệ đã
từng sử dụng những quản tù và lính canh đó, hoặc không chặn tay chúng hay ít
nhất thì cũng không tẩy chay chúng khi đáng lẽ đã có thể tẩy chay chúng sau
1945, thế hệ đó giờ đây đứng trước tòa. Và trong một phiên tòa khai minh chúng
tôi buộc tội họ phải xấu hổ.
Trong Đế chế thứ
ba, lớp cha mẹ chúng tôi đóng nhiều vai trò khác nhau. Một số ông bố tham gia
chiến tranh, dăm ba người trong họ làm sĩ quan và một là sĩ quan của lính SS vũ
trang, vài người thăng quan tiến chức trong bộ máy tư pháp hay hành chính.
Chúng tôi cũng có bố mẹ làm giáo viên, bác sĩ, một người có bác là viên chức
cấp cao bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ. Tôi tin rằng, giả sử chúng tôi hỏi họ và nếu
họ trả lời, họ sẽ có nhiều chuyện để nói. Bố tôi không muốn kể về mình. Nhưng
tôi biết là ông bị mất vị trí giảng viên đại học môn Triết sau khi thông báo sẽ
giảng một bài về Spinoza. Ông kiếm sống cho mình và gia đình suốt thời chiến
tranh bằng nghề biên tập viên cho một nhà xuất bản sách và bản đồ lữ hành. Vậy
cớ gì mà tôi buộc tội ông phải xấu hổ. Nhưng tôi vẫn làm. Tất cả chúng tôi buộc
tội cha mẹ mình phải xấu hổ, kể cả chỉ vì họ sau 1945 còn dung túng cho các thủ
phạm ở cạnh mình.
Chúng tôi, các sinh
viên lớp chuyên đề đã tạo ra một bản sắc riêng mạnh mẽ. Đó là lớp Trại tập
trung - mới đầu các sinh viên khác đặt tên chúng tôi như thế, sau đó chúng tôi
cũng làm theo. Công việc của chúng tôi không làm người khác quan tâm, có khi
còn làm nhiều người phật lòng, thậm chí ghê sợ. Giờ thì tôi nghĩ rằng quả thật
sự năng nổ muốn tiếp nhận và đưa những nỗi kinh hoàng ấy cho mọi người biết
cũng ghê sợ. Những sự kiện mà chúng tôi nghe và đọc được càng kinh khủng bao
nhiêu thì chúng tôi càng tin tưởng hơn bấy nhiêu vào nhiệm vụ soi sáng và buộc
tội của mình. Cả khi có những sự kiện làm chúng tôi sững sờ - chúng tôi vẫn đắc
thắng giương chúng lên cao: Mọi người hãy nhìn đây!
Hoàn toàn vì tò mò
mà tôi ghi tên vào lớp chuyên đề. Thôi thì cũng có gì mới mẻ chứ không chỉ luật
kinh doanh, luật hình sự, không chỉ luật thông lệ hay luật cổ đại. Tôi cũng
mang theo điệu bộ ngang tàng và hãnh tiến quen thuộc của mình đến lớp. Nhưng
qua hết mùa đông thì tôi càng ngày càng ít né tránh nổi những sự kiện mà chúng
tôi đọc và nghe thấy, cũng như sự năng nổ đã lôi kéo tất cả các sinh viên của
lớp chuyên đề. Thoạt đầu tôi tự dối mình là chỉ muốn chia sẻ lòng hăng hái ấy
về khía cạnh khoa học hay cả chính trị và luân lý. Nhưng tôi còn muốn hơn nữa,
tôi muốn chia sẻ cả lòng hăng hái chung. Có thể những sinh viên khác vẫn cho
tôi là xa rời và kiêu căng. Chính tôi thì trong mấy tháng mùa đông lại có cảm
giác tốt đẹp được là một phần trong quần thể, được thanh thản với mình, với
công việc của mình và với những người tôi làm chung công việc đó.
3
Phiên tòa diễn ra ở
thành phố khác, nếu đi ô tô mất gần một tiếng. Bình thường thì tôi cũng chẳng
có việc gì ở đó cả. Một sinh viên khác đi xe, cậu ta lớn lên ở đó và thạo thung
thổ.
Hôm đó là thứ Năm.
Phiên tòa đã khai mạc hôm thứ Hai. Ba ngày đầu xét đơn của các luật sư xin thay
người hành tố tụng. Chúng tôi là nhóm thứ tư, đến dự buổi thẩm vấn nhân thân
của các bị cáo, đó mới chính là buổi xử án đầu tiên.
Chúng tôi đi dọc
phố Bergstrasse dưới hàng cây ăn quả đang đâm hoa. Mọi người đang vui vẻ và
hưng phấn; rốt cuộc đã đến lúc đem thử thách những gì mà chúng tôi đã chuẩn bị.
Chúng tôi thấy mình không chỉ là khán giả, thính giả và người ghi biên bản.
Quan sát, lắng nghe và ghi chép là đóng góp của chúng tôi vào công tác khảo
cứu.
Tòa án là một ngôi
nhà xây cuối thế kỷ, nhưng không có vẻ hoành tráng và u ám như các tòa án thời
bấy giờ. Phiên tòa đại hình ở trong một phòng lớn, phía trái là dãy cửa sổ lớn
lắp kính mờ không nhìn ra ngoài được nhưng để nhiều ánh sáng lọt vào. Các công
tố viên ngồi như những bóng đen trước cửa sổ vào những ngày xuân và hè sáng
sủa. Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán trong áo choàng đen và sáu bồi thẩm ngồi
ở trước bức tường đầu phòng, bên phải là ghế băng cho các bị cáo và luật sư. Do
nhiều bàn ghế nên được mở rộng ra đến giữa phòng, trước khu hàng ghế khán giả.
Một số bị cáo và luật sư ngồi quay lưng lại phía cử tọa. Hanna ngồi quay lưng
lại phía chúng tôi. Khi tòa gọi, cô đứng dậy tiến lên phía trước thì tôi mới
nhận ra cô. Tất nhiên là tôi nhận ngay ra tên cô: Hanna Schmitz. Sau đó tôi
cũng nhận ra hình dáng cô, tóc buộc thành búi trông lạ lẫm, nhận ra gáy cô, bản
lưng rộng và cánh tay mập mạp. Cô đứng thẳng và nghiêm, để xuôi tay thoải mái.
Cô mặc áo dài xám ngắn tay. Tôi nhận ra cô, nhưng tôi không có cảm xúc gì.
Không hề có cảm xúc gì.
Vâng, tôi muốn
đứng. Vâng, tôi sinh ngày 21 tháng Mười 1922 ở Hermannstadt và năm nay 43 tuổi.
Vâng, ở Berlin tôi làm việc cho Siemens và mùa thu 1943 gia nhập quân SS.
“Bà tình nguyện gia
nhập SS?”
“Vâng.”
“Tại sao?”
Hanna không trả
lời.
“Có phải bà gia
nhập SS, mặc dù ở Siemens bà được mời làm tổ trưởng sản xuất?”
Luật sư của Hanna
bật dậy. “Tại sao lại dùng chữ mặc dù? Tại sao lại gán cho một
người phụ nữ là nên thích làm tổ trưởng sản xuất hơn là gia nhập SS? Không có
lý do gì biện hộ cho việc đem quyết định của thân chủ tôi ra chất vấn như vậy.”
Anh ta ngồi xuống.
Anh ta là luật sư trẻ duy nhất, những người kia lớn tuổi, một số là phần tử
Nazi(15) cũ như sẽ chóng lộ ra sau này. Luật sư của Hanna tránh dùng
giọng điệu và luận cứ của họ. Nhưng sự năng nổ hấp tấp của anh ta có hại cho
Hanna không khác gì những lời lẽ sặc mùi quốc xã của các đồng nghiệp làm hại
thân chủ của họ. Anh đã thành công khi làm thẩm phán lúng túng và thôi bám tiếp
vào câu hỏi tại sao Hanna gia nhập SS, nhưng ấn tượng rằng Hanna làm việc đó có
suy nghĩ và không bị ép vẫn vương lại. Tuy một thành viên của hội đồng xét xử
hỏi Hanna biết gì về công việc trong SS, và Hanna trả lời rằng SS tìm người làm
công tác canh gác ở Siemens và cả ở các xí nghiệp khác, cô đã xin làm việc đó
và được nhận vào làm, nhưng ấn tượng xấu hoàn toàn không được cải thiện chút
nào.
(15) Nazi: hay
Nationalsozialist, người theo chủ nghĩa Quốc xã - một tư tưởng hệ toàn trị thịnh
hành ở nước Đức vào những năm 20 và 30, dẫn đến thành lập nước Đức Quốc xã 1933
dưới trướng Hitler.
Hanna khẳng định
nhát gừng lời quan tòa, rằng cô được điều động tới Auschwitz(16) cho
đến xuân 1944, và cho đến mùa đông 1944/1945 ở một trại nhỏ gần Krakov, cô cùng
các tù nhân đi về phía Tây và cũng đến nơi được, gần cuối chiến tranh cô ở
Kassel rồi vài lần chuyển nhà đây đó. Tám năm liền cô sống ở thành phố quê tôi,
là quãng thời gian dài nhất mà cô trụ lại một nơi.
(16) Auschwitz: tên
Đức của thành phố Oswiecim gần Krakov (Ba Lan), nơi có quần thể trại tập trung
lớn nhất của phát xít Đức xây trong vùng tạm chiến (Auschwitz I-III).
“Chuyển nhà nhiều lần phải chăng là lý do nghi
vấn có nguy cơ trốn?” Luật sư không giấu giếm giọng mỉa mai: “Thân chủ của tôi
mỗi lần chuyển nơi ở đều đăng ký tại cảnh sát. Chẳng có lý do gì để nghi trốn,
chẳng có gì để gây khó khăn điều tra. Thẩm phán giữ lệnh bắt giam chẳng lẽ
không thể chịu được cảnh để thân chủ của tôi được tại ngoại, vì cáo trạng trầm
trọng và tác động lớn đến xã hội? Đó là, kính thưa tòa, một lý do bắt người của
bọn Nazi, lý do ấy bọn Nazi đưa ra và lại được xóa bỏ sau thời Nazi. Lý do ấy
nay không còn nữa.” Luật sư phát biểu với giọng nhẹ nhàng cay nghiệt mà người
ta vẫn dùng để tiết lộ một sự thật kỳ thú.
Tôi giật mình. Tôi
nhận ra cảm giác của mình rằng Hanna bị tù là dĩ nhiên và xứng đáng. Không vì
lời cáo trạng, không vì mức độ trầm trọng hay độ nghi vấn cao - lúc đó tôi chưa
hề biết gì. Mà vì ở trong tù thì cô sẽ ra khỏi thế giới của tôi, ra khỏi cuộc
đời tôi. Tôi muốn cô ở thật xa tôi, xa ngoài tầm với, để cô chỉ còn là một kỷ
niệm nữa mà thôi, như cô mấy năm cuối đã từng như vậy đối với tôi. Nếu như luật
sư thành công, tôi sẽ phải chuẩn bị tinh thần gặp cô, và tôi sẽ phải xác định
rõ, liệu có muốn và nên gặp cô ra sao. Và tôi không thấy lý do gì khiến anh ta
không thành công. Nếu Hanna cho đến nay chưa tìm cách trốn thì tại sao bây giờ
lại thử trốn được? Cô có thể cản trở điều tra ở đâu? Các nguyên nhân khác để
giữ trong tù hồi đó chưa có.
Lại một lần nữa
quan tòa tỏ vẻ lúng túng, và tôi bắt đầu ngộ ra đó là mẹo của ông. Cứ mỗi khi
nhận thấy một lời phát biểu mang tính cản trở hay khiêu khích, ông lại hạ kính
xuống, bối rối ngó kỹ mặt người phát biểu với cặp mắt cận thị, nhăn trán và một
là phớt lờ câu phát biểu ấy, hai là ông bắt đầu vào câu “À, ông nói thế nghĩa
là” hay “Ông định nói là” rồi lặp lại lời phát biểu bằng một giọng điệu không
để ai phải nghi ngờ rằng ông chẳng muốn để tâm đến nó, cũng như đừng có hoài
công vô ích thúc ép ông.
“À, ông nói như vậy
nghĩa là thẩm phán ban lệnh bắt giam đã đánh giá sai việc bị cáo không trả lời
thư, không tuân thủ trát mời, không trình diện tại cảnh sát, tại sở công tố và
tại thẩm phán? Ông định đệ đơn xin bãi lệnh bắt giam chứ gì?”
Luật sư đệ đơn, và
tòa án bác đơn.