07. Sao Ngươi Chẳng Nhớ Lời Hàn Dũ

SAO NGƯƠI CHẲNG NHỚ LỜI HÀN DŨ ?

Kể các danh nhân ở nước ta, người đáng để vào hàng nghèo khổ nhất trong lúc thiếu thời là ông Lương-Hữu-Khánh Binh-bộ thượng thư đời nhà Lê trung-hưng.

Ông người làng Hội-trào, tỉnh Thanh-Hóa, con cụ bảng nhỡn Lương-Đắc-Bằng. Khi cụ Đắc-Bằng tạ thế, Hữu-Khánh còn nằm trong bụng mẹ. Bởi cha mất sớm, nên ông bị cảnh nghèo khổ ngay lúc oa oa chào đời.

Nhà nghèo, Hữu-Khánh lại ăn nhiều, ấy mới thật là khổ. Vì thế thân mẫu ông thường phải nhịn đói để nuôi con.

Ông học rất thông minh, năm lên mười tuổi đã làm thơ rất hay.

Một hôm ông qua bến Tam-Kỳ, cùng một chuyến đò với ba nhà sư đi làm đám về đem theo vô số oản chuối. Hữu-Khánh lại xin lộc nhà Phật, nhà sư lấy cho mấy phẩm oản và ba trái chuối. Ông từ chối không nhận, nói : Học trò nghèo nhịn đói mấy hôm, mà bố thí như vậy thì chẳng bõ dính mép.

Thấy xưng là học trò, nhà sư bảo Hữu-Khánh làm một bài thơ tức cảnh « một học trò và 3 nhà sư đi cùng một chuyến đò ». Hễ chưa đến bến đã xong thì có bao nhiêu thưởng hết.

Hữu-Khánh vâng lời, thuyền chưa đến bến đã xong một bài thơ như sau :

Một hòm kinh sử níp kim cương.

Ngươi tớ cùng sang một chuyến dương.

Đám hội đàn chay ngươi đủng đỉnh,

Sân Trình của Khổng tớ nghênh ngang.

Sao ngươi chẳng nhớ lời Hàn-Dũ ?

Đây tớ còn căm chuyện Thủy-Hoàng.

Một chốc lên bờ đà tiễn biệt,

Người thì nên Phật tớ nên sang.

Bài thơ này Hữu-Khánh tả sát với đầu đề tức cảnh, tự đề cao mình là môn đệ trung thành của đạo Khổng nên nghĩ còn giận Tần-Thủy-Hoàng đốt sách chôn học trò, và đả kích nhà sư sao không nhớ lời Hàn-Dũ danh nho xưa cho đạo Phật là tà thuyết dị đoan.

Tuy thế các nhà sư vẫn không tự ái và cho đó là khí phách anh hùng của kẻ sĩ xưa nay. Các nhà sư cho là hay và phục nhất là hai câu luận :

Sao ngươi chẳng nhớ lời Hàn-Dũ ?

Đây tớ còn căm chuyện Thủy-Hoàng.

Có tất cả gần 100 oản chuối của nhà sư thưởng, Hữu-Khánh ngồi ăn một lúc hết. Mọi người trong thuyền ai nấy đều kinh dị. Hữu-Khánh ăn xong, các nhà sư lại thưởng thêm ít quan tiền.

Khi tới bến, nhà sư muốn nhận Hữu-Khánh về nuôi cho ăn học. Nhưng ông từ chối.

Đọc chuyện, các trí giả ai cũng phải khen ba nhà sư thiệt đáng là những vị tu hành, chớ không như những kẻ tầm thường hễ động đến mình là đùng đùng tự ái nổi lên. Và khen Hữu-Khánh chẳng những thơ hay, xuất khẩu thành chương thôi, mà đặc biệt còn ở chỗ có khí phách hơn người, không vì miếng ăn mà đầu hàng tư tưởng, hạ thấp phẩm giá con người văn chương xuống.

Kẻ viết bài này, nghĩ thật chẳng bù cho những cây bút mới ngửi hơi đồng đã tối đen hẳn cả lòng và mắt lại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3