Xử án trong tu viện

Cũng như tất cả các truyện trinh thám cũ của Trung Hoa, ở đây nhân vật trung tâm của truyện là một vị phán quan.
Từ bước khởi đầu của đế chế Trung Quốc cho đến ngày thành lập nền Cộng Hoà vào năm 1912, vị công chức này vừa đóng vai quan toà, bồi thẩm, chưởng lý và cả thám tử.
Lãnh thổ thuộc quyền tài phán dân sự lẫn quân sự đặt dưới quyền hành của vị công chức đó, được coi như là đơn vị hành chánh nhỏ nhất trong guồng máy cai trị của nhà vua. Thường thường đó là một đô thị có thành quách bao bọc ăn rộng ra vào khoảng một trăm cây số vùng đồng quê lân cận.
Tất cả quyền hành của vị phán quan trải rộng trên lãnh thổ nhỏ bé đó.
Vị công chức đó vừa làm công việc xử án, vừa thu thuế, kê khai bộ đời, bộ tử, lập giá thú, trông coi cả việc trị an trong lãnh thổ.
Vì phải trông coi và chịu trách nhiệm mọi việc trong lãnh thổ của mình nên vị công chức đó được dân chúng liệt vào hàng “phụ mẫu chi dân”.
Trong việc điều hành guồng máy nhà nước, vị công chức này chịu trách nhiệm mở những cuộc điều tra tư pháp và luôn luôn dưới danh nghĩa của một vị phán quan.
Trong chuyện, vị phán quan này tên là Dịch Nhân Tiết, sinh vào năm 630, mất năm 700 ở thời đại của chúng ta.
Theo tác giả, phán quan Dịch Nhân Tiết là người có thật ở ngoài đời. Lúc ông còn giữ chức phán quan ở tỉnh ông đã điều tra được những vụ giết người hết sức bí ẩn, do đó tên tuổi của ông được khắp nước Trung Hoa biết đến. Ít lâu sau, ông được bổ về triều giữ một bộ quan trọng và đã giúp được nhiều việc cho triều đình thời ấy.
Các tác giả những tiểu thuyết trinh thám cũ của Trung Hoa thường thường là các nhà trí thức thuộc môn đồ của Đức Khổng. Lẽ dĩ nhiên, giọng văn cũng như phần lý luận thiên vị nhiều về đạo Khổng hơn là các tôn giáo khác.