40 gương thành công - Chương 39 + 40 ( Hết )

39. Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ

Nhà viết truyện ngắn nổi
danh nhất thế giới là ai, bạn biết không? Tôi chắc bạn đã đọc truyện của nhà đó
rồi. Sách của ông ấy đã bán được trên sáu triệu cuốn; và đã được dịch ra gần
khắp thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy,
tiếng Thế Giới, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Thụy Sĩ, tiếng Nga. Bút hiệu của
ông là O. Henry, và ông sanh cách đây khoảng bảy chục năm. 

Đời ông là một tấm gương
rực rỡ cho ta soi: ông đã chiến đấu với những khó khăn phi thường và thắng được
những trở ngại ghê gớm. 

Trước hết ông bị trở
ngại vì ít học. Ông không có bằng trung học và chưa bao giờ bước chân vào một
trường đại học, vậy mà những tiểu thuyết của ông hiện nay được nghiên cứu như
những áng văn kiểu mẫu trong già nửa các trường đại học Hoa Kỳ. 

Rồi ông lại bị trở ngại
vì bệnh tật tàn phá cơ thể ông. Các bác sĩ sợ ông sẽ chết vì lao phổi, bắt ông
bỏ nhà cửa ở miền Bắc Carolina, xuống miền Texas chăn cừu trong một trại ruộng. 

Sau cùng ông mắc cái họa
vô khám. Việc xảy ra như vầy: 

Sau khi sức đã bình
phục, ông xin được một chân giữ két tại một ngân hàng ở Austin,
xứ Texas. Các
cao bồi và chủ trại nuôi cừu ở miền đó thường vô ngân hàng và có thói quen, nếu
các thầy ký trong ngân hàng bận việc quá thì tự mình lấy tiền ra, ký giấy biên
nhận, rồi đi về. 

Thình lình một hôm, một
viên thanh tra tới xét quỹ thấy thiếu tiền. O. Henry giữ két, chịu trách nhiệm,
bị bắt, đem xử, và nhốt khám năm năm, mặc dầu có lẽ ông không tham lam, lấy một
đồng nào trong két. 

Bị nhốt khám là một tai
họa lớn, nhưng về một phương diện khác, lại là một điều rất may cho ông, vì nhờ
ngồi khám mà ông bắt đầu viết những truyện ngắn và sau này được nổi danh trong
những nước dùng tiếng Anh. 

Mới rồi, tôi nói chuyện
với ông Warden Lawes, người coi khám Sing Sing. Ông bảo tôi rằng hầu hết những
tội nhân trong khám đó đều muốn chép lại đời mình: vì vậy mà nhà khám mở một
lớp dạy viết truyện ngắn cho họ. Họ không phải trả học phí. Tất nhiên là rất ít
người thành công, tuy nhiên, có nhiều văn sĩ nổi danh nhờ đã viết trong
khám. 

Chẳng hạn Walter
Raleigh, con người bảnh bao, đính kim cương vào giầy, đeo trân châu ở tai, vị
triều thần khéo nịnh, đã trải áo mình xuống bùn cho Nữ Hoàng Elisabeth giẫm
lên, cũng đã viết sách trong khám. Ông ta bị giam mười bốn năm trường vì bị một
chính khách ghen ghét. 

Phòng giam của ông ẩm
ướt, chật hẹp, tường thấm bùn hôi hám. Ông khổ cực vì lạnh, cánh tay trái của
ông bị phong thấp mà cứng đơ, bàn tay ông sưng lên, cử động rất khó. Nhưng mặc
dầu đau lòng và khốn khổ ông cũng soạn được ở trong khám một bộ lịch sử thế
giới mà hiện nay, sau ba trăm năm, các trường trung học và đại học còn
dùng. 

Trong mười hai năm, John
Bunyan bị giam vì những tư tưởng về tôn giáo. Ở trong khám ông phải đánh dây để
có tiền nuôi vợ và bốn đứa con. Nhưng trong khi tay ông đánh dây, thì óc ông
suy nghĩ về những tư tưởng lớn lao và trong phòng giam tối tăm lạnh lẽo, ẩm
thấp, ông đã viết một cuốn mà hầu hết các sinh viên Mỹ đã đọc tức cuốn Pilgrim
s Progress. Trừ Thánh kinh ra, chưa có cuốn nào được dịch ra nhiều thứ tiếng
bằng cuốn đó. 

Carvantes viết trong
khám một cuốn sách có danh nhất cổ kim, cuốn Don Quichotte. Voltaire viết trong
khám. Oscar Wilde viết trong khám. Tôi suýt muốn kết luận rằng nếu bạn muốn
viết một cuốn sách, thì nên đi đập bể kính cửa sổ của người khác để được nhốt
khám. 

Khi Richard Lovelace bị
nhốt vô khám ở Anh, hai trăm rưởi năm trước, ông đã làm cho phòng giam của ông
nổi danh vì ông viết trong đó một bài thơ bất hủ. Đó là một bài thơ tình ông
gởi cho người yêu của ông. Bài ấy nhan đề là: Viết ở trong khám để tặng
Althea. 

Vách đá không làm thành
một cái khám, 

Chấn song sắt cũng không
làm thành một cái lồng. 

Tâm hồn nào trong sạch,
và vô tội. 

Gọi đó là một nhà
tu. 

Nếu trong tình yêu anh
được tự do, 

Và trong tâm hồn anh
được tự do, 

Thì chỉ có những bực
thiên thần trên cao kia, 

Mới được vui hưởng một
sự tự do như vậy. 

 

40. Trí Nhớ Tầm Thường
Cũng Có Thể Thành Thiên Tài

 

Một hôm ăn cơm trưa tại
khách sạn Vandebilt, ở Nữu Ước, tôi lấy làm lạ rằng sao cô coi phòng gởi áo, dỡ
nón của tôi cất đi mà không đưa cho tôi một cái vé. Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi cô
tại sao vậy; cô đáp là không cần, vì cô nhớ mặt tôi rồi, mà quả thực vậy. Cô
bảo đã thường cất nón và áo cho hai trăm người khách, chất đống một chỗ, và khi
khách ra về, nón, áo của ai cô trả cho người đó, không hề lầm lộn bao giờ. Tôi
hỏi người quản lý khách sạn, ông này nhận rằng đã mười lăm năm, ông ta chưa
thấy cô ấy nhớ lộn lần nào. 

Tôi ngờ rằng ông Thomas
Edison không nhớ nổi như vậy, và bạn có tặng cho ông một triệu Anh kim, ông
cũng đ ành chịu. Trí nhớ của ông kém lắm, nhất là hồi ông trẻ. Ở trường, học
đâu quên đấy, luôn luôn phải đội bảng, làm cho các thầy học đều thất vọng, cho
óc ông là rỗng không, đần độn quá không học được. Các bác sĩ cũng bảo ông sau
này tất đau óc vì hình dáng đầu ông kỳ cục quá. Sự thực, suốt đời ông, ông chỉ
đi học có ba tháng. Rồi ông về nhà, bà thân ông dạy ông; và chúng ta phải mang
ơn cụ vì nhờ cụ mà Thomas Edison đã biến đổi hẳn thế giới chúng ta đương sống
đây. 

Nhưng sau này, Thomas
Edison đã luyện một tri nhớ đáng phục về những sự kiện khoa học, thuộc hết
những sách khoa học trong thư viện mênh mông của ông. Ông tập được tài tập
trung tư tưởng một cách kỳ dị, quên hết được mọi việc trừ công việc ông đương
làm. 

Một hôm, ông đem hết tâm
trí để giải một bài toán khoa học trong khi ông lại tòa đóng thuế. Ông phải
đứng nối hàng một lúc, và khi phiên ông tới thì ông quên bẵng tên ông đi. Một
người đứng bên, thấy ông lúng túng, nhắc cho ông rằng tên ông là Thomas Edison.
Sau ông kể lại rằng, những lúc như vậy, dù gặp việc nguy cấp đi nữa ông cũng không
nhớ ngay tên ông được, phải đợi một chút mới lần lần nhớ ra. 

Ông thường làm việc suốt
đ êm trong phòng thí nghiệm. Một buổi sáng, trong khi đợi điểm tâm, ông buồn
ngủ quá, gục xuống ngủ. Một người giúp việc ông, vui tính muốn phá ông, đặt
những chén đĩa dơ của mình mới ăn xong ở trước mặt ông. Ít phút sau, ông tỉnh
dậy, giụi mắt, thấy những miếng bánh vụn bên cạnh một đĩa hết nhẵn đồ ăn và một
ly cà phê cạn, suy nghĩ một chút rồi cho rằng trước khi ngủ mình đã ăn rồi, bèn
đứng dậy, châm một điếu xì gà, hút và bắt đầu làm việc, không hay gì hết, cho
tới khi các người giúp việc cười ồ lên ông mới biết rằng mình bị gạt. 

Asa Grey, nhà thực vật
học trứ danh ở Mỹ, có thể đọc thuộc lòng tên của hai mươi lăm ngàn giống cây;
và theo sách chép thì Jules César có thể nhớ được tên của hàng ngàn quân
lính. 

Trường đại học lớn thứ
nhì ở thế giới là một trường của tín đồ Hồi giáo tại Caire, kinh đô Ai Cập.
Muốn được vô học, thí sinh phải đọc thuộc lòng trọn kinh Coran. Kinh đó dài
bằng kinh Tân Ước và đọc ba ngày mới hết. Vậy mà có trên hai chục ngàn sinh
viên thuộc lòng nó được. 

Byron khoe rằng có thể
nhớ hết thảy những bài thơ của ông. Nhưng Walter Scott lại nhớ dở lắm: một bài
thơ chính ông làm mà ông cứ tưởng là của Byron, thành thử khen nó nhiệt
liệt. 

Francis Bacon thuộc lòng
một trong những cuốn nổi danh nhất của ông; còn Joseph Fefferson, luôn trong
mười hai năm, gần như đ êm nào cũng diễn kịch Rip Van Winkle mà cũng vẫn quên
hoài. 

Sử gia Macaulay có lẽ
nhớ giỏi nhất, từ xưa đến nay không ai bằng. Ông chỉ nhìn một lần một trang
giấy nào là óc ông như chụp hình trang giấy đó rồi. Ông chỉ đọc một lần một
chương sách là thuộc. Cho nên ông viết sử mà không cần thu thập sách để tra
cứu, vì bao nhiêu sách để ở cả trong óc ông. Tương truyền có lần muốn thắng
cuộc, ông học một đ êm mà thuộc tập Paradise Lost. 

Calvin Coolidge mỗi đ êm
thường đọc ít trang Paradise Lost trước khi đi ngủ. Nhưng nếu bạn mất ngủ thì
nên đọc nó: công hiệu hơn thuốc ngủ đấy. 

Nhiều người có một trí
nhớ lạ lùng. George Bidder là một người Anh phong lưu, mất trên sáu chục năm
trước. Khi mới mười tuổi, chỉ mất hai phút, ông ta đã tính nhẩm được tiền lời
của 4444 Anh kim, đặt lãi 4 phân rưỡi mỗi năm, trong 4444 ngày. 

Cách đây không bao lâu,
một người kỳ dị, chết ở Coldwaten, xứ Michigan. Người ta gọi ông là "Đường
rầy Jack". Ký tính của ông lạ lùng; trong hai chục năm, ông lại khắp các
trường đại học khoe tài với các sinh viên. Ông thường lại một khách sạn mà các
sinh viên hay lui tới ăn uống, bảo: Tôi là"Đường rầy Jack"đây. Cho
các anh hỏi tôi bất kỳ điều gì về Sử Ký, tôi sẽ đáp đúng cho mà coi. Họ bèn hỏi
ông những câu bí hiểm như: "Bà Socrate cưới ông Socrate hồi bao nhiêu
tuổi?". Và ông ta trả lời tức thì: "Ông Socrate bốn chục tuổi mà chưa
lập gia đình; rồi mặc dầu ông hiền triết làm vậy, mà cưới một cô dưới mình mười
chín cái xuân xanh". Hoặc họ hỏi người ta dùng lưỡi lê đầu tiên ở trận
nào, ông đáp ngay là trong trận Killiecrakie ở Scotland, ngày 27 tháng 7 năm
1689. Tất nhiên các cậu sinh viên phải tặng ông ta một bữa cơm và góp tiền để
mua cho ông ta một bộ áo. 

"Đường rầy
Jack"mất năm bảy mươi chín tuổi trong một ngôi nhà cũ, bỏ hoang. Ông để di
chúc lại, tặng xác ông cho đại học đường Michigan để ban y khoa xem xét bộ óc
ông mà tìm nguyên do tại đâu ký tính ông lạ lùng như vậy. Tôi đã viết thư hỏi
Giáo Sư W. B. Pillsbury, khoa trưởng ban Tâm Lý ở trường đại học đó, ông đáp
rằng:"Đường trầy Jack" đã tốn công luyện ký tính và chuyên học sử mà
dược vậy. Ông lại nói rằng khoa học đã xét nhiều người có ký tính lạ lùng thì
thấy một số cực kỳ thông minh, còn một số khác gần như ngu đần. 

Như vậy nghĩa là nếu bạn
có một ký tính phi thường thì một là bạn gần bậc thiên tài, hai là bạn gần bọn
điên. Xin bạn tự xét lấy xem mình ở hạng nào. 

Còn nếu như ký tính của
bạn tệ như của tôi, thì xin bạn cũng dừng buồn, vì Léonard de Vinci, một danh
nhân bậc nhất cổ kim, mà muốn nhớ điều gì, luôn luôn phải ghi vào sổ tay, và hễ
ghi xong là đánh mất, kiếm lại không ra, như bạn và tôi vậy. 

HẾT

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3