Xuân khứ, Nhất chi mai - chương 01

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Chương 1

Mùa xuân này, hoa đào vẫn nở bình thường. Trong làn mưa bụi, sắc hoa càng thêm rực rỡ, đỏ rực rỡ. Gió thổi qua cửa sổ từng cơn lạnh buốt. Bất giác tôi nhớ tới mùa xuân năm nào, trên núi Phản Xì Pẳng, Trần Tâm sư phụ múa kiếm giữa rừng đào. Đường kiếm đẹp một cách tàn nhẫn. Hoa đào cuốn theo kiếm phong như một cơn lốc nhỏ, tả tơi. Tiếng kiếm chém gió rít lên man rợ, như tiếng cười sằng sặc, dịu lại như nỉ non, oán trách, có lúc sôi lên, gầm rống như dã thú cùng đường. Cả rừng đào quay cuồng trong cơn say mê mang.

Lúc ấy mưa xuân cũng lất phất như thế này, hoa đào còn tản mát trong không gian. Trần sư phụ ngồi nghỉ trong đình, uống trà ướp hoa đào tôi pha. Mà tôi, lúc ấy còn trẻ dại và thơ ngây, vươn tay hứng cánh hoa, chỉ thấy cảnh ấy thật đẹp, đâu biết nỗi đau của hoa khi lìa cành.

Năm tôi 3 tuổi, Trần Tâm sư phụ đến Thăng Long, được phụ hoàng rất kính trọng. Sư phụ là người văn võ toàn tài, lại giỏi y thuật, làm đồ đệ của người  chí ít cũng võ nghệ tinh thâm, nếu có thêm tư chất nữa thì thành kì tài cũng không phảỉ là chuyện viển vông. Lúc bấy giờ, lục ca ChiêuVăn mới 15 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, tương truyền là người trời, phụ hoàng rất ưng ý, muốn thay lục ca bái Trần sư phụ làm thầy. Trần sư phụ không nói không rằng, ở lại Thăng Long ba ngày, sang ngày thứ tư bỏ đi, cắp theo đứa bé ba tuổi là tôi khiến ai nấy ngỡ ngàng. Tôi cũng không biết tại sao người lại chọn tôi, kí ức năm ba tuổi của tôi rất mờ nhạt, chỉ nhớ hình như có một cái rèm cửa bằng chân châu trắng muốt, hạt tròn to, khi gió lùa tạo âm thanh dễ nghe. Và một bóng người, có lẽ là thân mẫu, tóc dài, mắt đen huyền, hương trầu phảng phất cay nồng.

17 tuổi, sư phụ đưa tôi về kinh thành. Thăng Long xơ xác, đìu hiu. Người qua lại cúi gằm mặt vội vàng, quần áo bám bụi lem luốc. Bên kia sông Nhị Hà,  doanh trại địch trắng như nấm mọc sau mưa, khói đen bốc lên lạnh lẽo. Tiếng tù và vang một cách thê lương. Quân lính đã rút khỏi thành từ hôm trước. Cổng thành bị đốt cháy nham nhở, gạch vụn cùng vôi vữa rơi vãi rải rác trên đường, cánh cửa cũng chỉ còn một nửa, ám khói đen sì, xộc xệch nằm yên. Tôi vào thành từ cửa Nam, ở trong thành buổi sáng, chiều muộn ra bằng cửa Bắc. Lúc tới bờ sông Nhị Hà, trời đã tối đen như mực, giơ tay lên cũng không nhìn thấy ngón. Bây giờ tầm giữa tháng giêng, đã qua rằm nhưng ngày bao nhiêu thì tôi không rõ. Tôi ít khi nhớ được ngày tháng, mà xét cho cùng đó chỉ là cách để đánh số hôm qua, hôm nay hay ngày mai. Bên bờ sông, một chiếc thuyền đang đợi sẵn. Trên thuyền, ngoài người lái đò còn có một chàng trai trẻ. Tôi biết nhờ giọng nói và đôi mắt rất sáng, ánh lên trong đêm như những ngôi sao xa. Anh ta xưng là Yết Kiêu, là người hoàng huynh phái đi đón tôi cùng sư phụ.

Con thuyền rời bến nhẹ nhàng, người lái đò này hẳn rất có tài, thuyền đi nhanh mà lướt êm, tôi không có cảm giác chòng chành một tẹo nào. Sương đêm đọng trên áo tôi lạnh buốt, tôi còn thấy cả đọng trên mi mắt, dù đã đội chiếc nón có màn che. Mỗi lần chớp mắt, nước sương chảy dài trên gò má. Đến khi tôi bắt đầu nghĩ nên ngủ một lúc, thì nghe tiếng người lái đò thì thào. Giọng nói nhỏ nhưng sắc , rành rọt như tiếng nước chảy trong đêm. Ông ta nói với Yết Kiêu : “ có tiếng khua nước, chừng hai thuyền, một cái phía trước cách khoảng 3 con sào, cái bên mạn trái, cách 5 con sào”. Yết Kiêu gật đầu, cởi áo tơi lẩn vào dòng như con rái cá. Tôi nhìn anh ta xuống nước mà lạnh hết sống lưng, cố căng tai lên nghe, chỉ nghe được tiếng nước vỗ ì oạt. Trời lạnh, côn trùng hai bên bờ ngủ hết, im lặng đến đáng sợ. Người lái đò vẫn chèo về phía trước. Trần Tâm sư phụ nhắm mắt dưỡng thần, nhưng tôi thấy tay người nắm chặt chuôi kiếm. Lúc lâu sau, như cả canh giờ, chiếc thuyền khẽ chao nghiêng, rồi Yết Kiêu bám thành thuyền trèo lên, vuốt tóc rũ hết nước, nói giọng hơi khan : “ 2 cái của bọn Thát, chúng đi tuần. Ngủ hết rồi. Bọn chúng cũng đóng được mấy cái, không nhiều lắm. Có lẽ chờ thủy quân của Ô Mã Nhi lên chăng?” Người lái đò khẽ ừm một cái, không nói gì nữa, tiếp tục chèo đi. Tôi nghe có tiếng lục cục, như tiếng kim loại va vào lòng thuyền, có mùi hương mê thoang thoảng xong nhanh chóng loãng đi, tự hỏi, hai chiếc thuyền kia liệu có phải ngủ dưới đáy sông ko?

Thuyền từ nhánh chính rẽ sang nhánh phụ, Yết Kiêu khẽ bảo tôi :

- Công chúa nghỉ đi một lát, bây giờ an toàn rồi.

Tôi gật đầu, lại nghĩ anh ta không nhìn thấy, nên nói :

-         Được. Chúng ta đến đâu rồi?

Yết Kiêu trả lời :

-         Đã tới sông đáy, chừng tờ mờ sáng thì tới Trường Yên.

Anh ta nói chuyện không thưa bẩm, với người trong hoàng gia là tội bất kính, nhưng với tôi thì rất thoải mái, vì vậy, tôi nói tiếp :

-         Anh bơi thật giỏi!

Tiếng cười của Yết Kiêu trầm và ấm.

-         Thần lớn lên từ vùng sông nước, chỉ có chút tài mọn.

Tôi vội vã nói :

-         Không phải tài mọn, tôi thấy anh rất giỏi mà. Tôi…

Đúng lúc ấy, sư phụ hừm một tiếng sắc lẻm. Hiển nhiên một thục nữ sẽ không nói chuyện nhiều với người đàn ông lạ. Tôi im lặng cúi đầu, Yết Kiêu cũng quay mặt đi.

Đột nhiên nửa năm trước, sư phụ chợt nhớ ra mình có một đồ đệ là nữ. Người nắm tay tôi, nhíu mày “sao nhiều vết chai thế này ?”  “sao tóc lại ngắn thế này ?”  “ sao lại không giống con gái thế này ?” !!=.=

Sư phụ à, đệ tử biết nhìn trước nhìn sau nhìn trên nhìn dưới con chẳng có chỗ nào giống con gái,nhưng có nhất thiết phải nói ra sự thật phũ phàng đó không?

Hôm sau, sư phụ xuống núi, đi chẵn một tuần liền. khi trở lại, mang theo một thím cùng một đống đồ đạc lỉnh kỉnh. Bao nhiêu sợi tóc trên đầu tôi dựng đứng hết cả lên, chẳng lẽ tôi sắp có thêm một sư nương?

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3