Hải thượng phồn hoa - Chương 16

Chương 16


Anh vốn tưởng cô định hỏi chuyện căn nhà kia, nhưng kết quả nằm ngoài dự đoán, không phải vậy.

Cô và Thiệu Chấn Vinh từng nhận giúp đỡ vài đứa trẻ nghèo trong một
trường học ở ngoài đảo. Bọn trẻ rất ngoan, tháng nào cũng viết thư cho
họ. Tết vừa rồi bọn trẻ gửi thư đến, xin cô và Thiệu Chấn Vinh gửi cho
chúng một tấm ảnh và rất hy vọng được gặp cô và anh. Lúc ấy cô và Thiệu
Chấn Vinh nói trong thư hồi âm, rằng đợi khí chú Tiểu Thiệu nghỉ phép,
nhất định sẽ đến thăm chúng, mang theo máy chụp hình, chụp thật nhiều
hình rồi chờ bọn trẻ lớn lên xem lại.

“Có thể cùng tôi đi thăm bọn trẻ không, chỉ một lần thôi, sẽ không mất
nhiều thời gian của anh, anh rất giống Chấn Vinh, bọn trẻ sẽ không biết
đâu…”, cô thì thầm, “Tôi thật sự không biết phải nói thế nào với chúng…
nếu tôi nói Chấn Vinh không còn nữa… những lời tàn nhẫn như vậy, ngay cả
đến bản thân tôi còn không thể chấp nhận…”, cô cúi đầu nhưng không
khóc, khóe miệng còn kiên cường khẽ nhếch lên, tạo thành một nét cười
thê lương.

Anh nhìn cô: “Cô cũng ôm đồm nhiều việc quá đấy”.

“Chúng tôi vốn định bảo trợ chúng đến tận đại học, nhưng bây giờ… dù sao
tôi cũng quyết định sẽ giúp chúng học tiếp”, cô ngẩng lên nhìn anh,
“Chỉ phiền anh một lần này thôi, tôi đảm bảo sau này sẽ không phiền anh
nữa, đây là lần cuối cùng”.

Đôi mắt đen láy nhìn anh, nhưng không phải là ánh mắt cầu khẩn, cũng
không có vẻ đáng thương, đôi mắt mang luồng sáng trong vắt, đôi mắt chỉ
đơn thuần tìm kiếm sự giúp đỡ. Vốn dĩ anh cảm thấy cô đáng thương, nhưng
có lúc cô lại khiến anh vô cùng bất ngờ.

Anh im lặng không đáp.

Cả đi và về trong ba ngày có hơi mệt, nhưng thời gian như vậy chỉ cần cố
gắng chút cũng đủ rồi. Đỗ Hiểu Tô không mang nhiều hành lý, nhưng lại
mua khá nhiều dụng cụ học tập như giấy bút, sách tham khảo, không ngờ
cũng chất đầy túi du lịch lớn. Khi xuống máy bay lại còn phải chuyển xe
giữa trời mưa xối xả, hành trình rất cực khổ, đường xá gập ghềnh, còn
phải qua hai lần thay lốp. Đến gần biển thì trời đã tối, sau đó phải lên
thuyền mới ra được đảo. Trời đang mưa, sóng rất lớn mà thuyền lại nhỏ,
cô bị say sóng, nôn khá nhiều, nên chỉ có thể quỳ trên thuyền không dám
đứng lên. Anh đưa cho cô chai nước, vì thường xuyên ra biển câu cá nên
anh thích ứng khá nhanh. Cô quỳ trên thuyền, nắm chặt dây thừng, nôn lên
nôn xuống, vô cùng mệt mỏi nhưng cũng không hỏi bao giờ thì đến.

Sự quật cường này của cô cũng có phần giống Chấn Vinh.

Mãi lâu sau thuyền mới đến nơi, có lẽ đây là lần đầu tiên cô ngồi thuyền
qua biển, chân chạm đất rồi mà vẫn còn loạng choạng không vững, tựa như
mặt đất cũng đang rung động như trên biển. Trên cầu có một ngọn đèn
chiếu sáng những hạt mưa đang rơi, quay đầu lại nhin mặt biển cách đó
không xa mang một màu đen ánh.

Bọn trẻ cầm theo đèn biển, dưới sự chỉ dẫn của thầy giáo đứng ở cầu đón họ.

Thầy giáo họ Tôn, tuổi còn trẻ, thật ra cũng chỉ là một cậu trai trẻ
chừng mười tám, mười chín tuổi nên gặp họ cũng có phần ngượng ngùng, chỉ
tranh xách hành lý.

Có một đứa trẻ kêu lên: “Chú Tiểu Thiệu!”. Đỗ Hiểu Tô giật mình, quay
đầu lại nhìn thấy anh cười đáp lại, còn đưa tay xoa đầu đứa nhóc, Đỗ
Hiểu Tô thở phào nhẹ nhõm. Bọn trẻ bắt đầu cười nói như một tổ chim nhỏ
vô cùng náo nhiệt. Mấy cô bé gọi Đỗ Hiểu Tô: “Chị Hiểu Tô!”. Một cô bé
lớn hơn nhón chân, định giúp Đỗ Hiểu Tô che dù, thấy cô bé như thế, Lôi
Vũ Tranh đeo ba lô lên lưng, đưa tay ra nhận lấy cái dù: “Để anh”.

Trên đường đi Đỗ Hiểu Tô rất trầm lặng, sau khi Thiệu Chấn Vinh gặp nạn
cô vẫn luôn như vậy, chỉ khi nói chuyện với bọn trẻ, cô mới có vẻ hoạt
bát hơn một chút: “Bốn phía đều là biển, chúng tôi chắc chắn sẽ không đi
lạc đâu, trời mưa thế này còn ra đón chúng tôi làm gì?”.

Thầy Tôn vẫn rất ngại ngần nói: “Hôm qua nhận được điện thoại nói hai
người sẽ đến, học sinh cứ bàn tán cả ngày trời, rồi đứa nào cũng nhất
định đòi đi đón, tôi không khuyên được. Vả lại hai người từ xa đến đây,
chúng tôi cũng nên đi”. Chiếc dù rất nhỏ mà mưa bắt đầu nặng hạt, có một
cô bé nói chân thành: “Chị Hiểu Tô, chị xem chú Tiểu Thiệu ướt hết
rồi”, thì ra dù trong tay anh nghiêng hết sang phía cô. Đỗ Hiểu Tô ngẩn
người, còn anh vẫn để mặc một bên vai ướt đẫm, cô không biết phải làm
sao mới được, cuối cùng do dự một lát, đưa tay giữ lấy cánh tay đang cầm
ô của anh.

Mấy đứa trẻ cười khúc khích, có vẻ rất vui khi nhìn thấy hai người thân thiết như vậy.

Trường học được xây ở lưng chừng núi, đường lên núi ngoằn ngoèo uốn lượn
khó đi, hầu như đi được bước nào trượt bước đó. Khó khăn lắm mới đến
được ký túc xá học sinh, mọi người gần như đều ướt hết. Cái gọi là ký
túc xá học sinh thật ra chỉ là một căn phòng khá lớn. Giữa phòng là một
tấm gỗ, trên đầu tấm gỗ có ngọn đèn vàng mờ mờ. Thầy Tôn ngại ngần nói:

“Chúng tôi có máy phát điện…”, lời chưa dứt, đèn đã vụt tắt.

Bọn trẻ bật cười, thầy Tôn đứng trong bóng tối đang ảo não, nhưng vẫn mắng yêu: “Còn cười”.

Mấy đứa trẻ lại cười ầm lên, thầy Tôn nói: “Năm ngoái mua một cái máy
phát điện cũ, chẳng may bị hỏng, trên đảo lại không có người sửa…”.

Lôi Vũ Tranh bật máy lửa lên, tìm được đèn pin trong ba lô, thầy Tôn
cũng tìm được nến, nói: “Tôi xuống bếp đun nước, bọn trẻ cũng chưa tắm,
ướt thế này dễ cảm lạnh”.

Lôi Vũ Tranh hỏi: “Máy phát điện ở đâu? Tôi đi xem thử”. Đỗ Hiểu Tô hình
như cảm thấy lạ nên đưa mắt nhìn anh, anh không nói gì nữa.

Thầy Tôn dẫn anh đến chỗ máy phát điện. Lôi Vũ Tranh cởi áo khoác, rồi
xắn tay áo, kiểm tra kỹ lưỡng: “Hỏng cũng không nặng lắm”.

Vì thầy Tôn phải đi đun nước, nên Đỗ Hiểu Tô cầm đèn pin soi giúp Lôi Vũ
Tranh sửa máy phát. Nhiều năm rồi anh không đụng đến máy phát điện, lần
trước chỉ là ở trong phhòng thí nghiệm của trường. Cũng may anh vẫn
chưa quên nguyên lý cơ bản, dây điện cũng không phức tạp lắm. Vì góc độ
chiếu sáng của đèn pin có hạn, đứng xa một chút sợ rằng không đủ sáng,
vậy nên Đỗ Hiểu Tô cúi xuống cạnh anh, hai người gần như chạm đầu vào
nhau, phải như vậy anh mới nhìn rõ các linh kiện bên trong. Khoảng cách
gần, hơi thở của cô nhẹ nhàng thoảng bên tai, khiến vành tai anh tự
nhiên nóng bừng lên. Hơi thở còn có hương thơm nhàn nhạt, không phải là
nước hoa. Anh nghi ngờ đây là ảo giác, bởi mùi dầu đốt rất nồng, lẽ ra
không còn ngửi thấy gì khác mới đúng.

Vật lộn nửa giờ đồng hồ, tay dính đầy dầu, máy phát điện cuối cùng cũng
làm việc trở lại, đèn trong phòng bật sáng, bọn trẻ reo lên sung sướng.

Vào trong nhà, bọn trẻ tranh nhau nói: “Chú Tiểu Thiệu giỏi thật!”.

“Chú Tiểu Thiệu là bác sĩ!”

“Biết chữa bệnh còn biết sửa máy phát điện!”

“Lớn lên cháu cũng muốn giống chú Tiểu Thiệu!”

Cô cũng quay lại mỉm cười, ánh đèn vàng vọt chiếu lên khuôn mặt, hai má hơi ửng hồng: “Tôi đi lấy nước cho anh rửa tay”.

Không đợi anh nói gì thêm, cô đã đi ra bếp rồi.

Thầy Tôn đun một nồi nước lớn, cô múc một gáo, pha thành nước ấm cho anh
rửa tay, sau đó giúp thầy Tôn gọi bọn trẻ đi tắm. Mấy đứa trẻ đều là
con cái ngư dân quanh vùng, tập trung trên đảo này học, vì khoảng cách
giữa các đảo khá lớn nên có nhiều học sinh một tháng cũng chỉ được về
nhà có một lần. Từ việc học hành đến sinh hoạt ăn uống đều do thầy Tôn
lo liệu. Cũng may mắn bọn trẻ rất ngoan, tự mình lấy chậu, chia nước,
xếp hàng đi tắm.

Thầy Tôn nhường phòng cho họ, còn mình ngủ chung với học sinh, nụ cười
vẫn ngại ngần như thế: “Dầu tăng giá rồi, máy phát điện chỉ dùng một lúc
thôi, đi nghỉ sớm đi”.

Lôi Vũ Tranh thấy hơi khó xử, cũng may thầy Tôn cũng thấy ngại, đặt hai
bình nước nóng xuống đất, gãi gãi đầu rồi nhanh chóng rời đi.

Anh khóa cửa, mở ba lô lấy túi ngủ và mền ra: “Cô ngủ trên giường đi”.

Cô nhìn chiếc giường đơn, thầy Tôn đã thu dọn sẵn, chăn gối rất sạch sẽ,
cô nói: “Tôi ngủ dưới đất”. Tuy đây là trên núi nhưng vẫn là ngoài đảo,
hơn nữa trời đang mưa, mặt đất rất ẩm ướt.

Anh nói: “Không sao khi còn leo núi tôi vẫn thường ngủ lều”, anh đưa cho
cô túi ngủ còn lại, “Cô cần không? Tối sẽ rất lạnh đấy”.

Rửa mặt rửa tay xong, anh liền chui vào túi ngủ. Tiếng mưa ào ào, căn
phòng chẳng khác nào một con thuyền, còn nghe được cả tiếng sóng biển
phía xa xa, lúc này trong phòng chỉ có một ngọn đèn nhỏ. Dù sao cũng lặn
lội cả ngày trời, nên cơn mệt mỏi nhanh chóng ập đến. Cô quay người,
trong chốc lát đã nghe thấy hơi thở đều đặn.

Không lâu sau, tim đèn trong đèn lập lòe nhỏ dần rồi tắt.

Có lẽ chút dầu thắp ít ỏi đã hết.

Không biết vì sao anh không ngủ được, có lẽ vì tiếng mưa gió và sóng
biển bên ngoài, cũng có thể vì lạ nhà, cũng có thể vì chẳng có lý do gì,
anh chỉ muốn hút một điếu thuốc.

Trong phòng tối đen như mực, bên ngoài trời cũng tối tăm, giữa trời đất
chỉ còn sót lại tiếng gió mưa. Tiếng thở của cô nhẹ nhàng, nhưng giữa
những âm thanh hỗn độn đó vẫn có thể nghe thấy giống như một con mèo,
hay con vật nhỏ nào đó, đang hít thở thật nhẹ, ngủ rất say. Đêm yên
tĩnh, dù bên ngoài mưa gió dữ dội thế nào, không khí trong phòng lại
ngưng đọng như hổ phách.

Cuối cùng anh ngồi dậy, tìm trong ba lô bao thuốc lá, tiếng bật lửa khẽ
kêu, ngọn lửa bùng lên. Khi châm điếu thuốc cũng đồng thời phá tan không
gian trầm lặng này. Ánh lửa lay động tạo ra chút ánh sáng nhạt nhòa
nhưng cơ hồ lại soi rõ cô đang say ngủ, mái tóc đen xõa trên gối, vương
lên gương mặt nghiêng nghiêng như vầng trăng giữa biển khơi, trắng đến
khó tin.

Anh tắt bật lửa, lặng lẽ ngồi hút thuốc. Trong bóng tối không thể nhìn
thấy điếu thuốc, nhưng khói thuốc ngập vào phổi lại mang theo vị đắng
nhẹ dịu. Bên ngoài là tiếng mưa rơi rào rào, đảo giữa biển trở thành một
con thuyền nhỏ, dập dềnh giữa sóng lớn.

Ngày thứ hai mưa dai dẳng, đã thế còn mưa to hơn hôm trước. Đỗ Hiểu Tô
dậy khá sớm, phát hiện Lôi Vũ Tranh đã dậy từ lâu. Cô đến nhà bếp, thấy
thầy Tôn đã nhóm lửa, thế là cô hào hứng chạy vào giúp nấu bữa sáng.
Radio đang phát bản tin dự báo thời tiết, bão đang di chuyển về phía
nam, cũng may tâm bão cách đảo rất xa nên ở đây chỉ chịu ít ảnh hưởng
của gió.

Bọn trẻ đánh răng rửa mặt dưới mái hiên, bữa sáng là cháo và cá chiên
bột, dù Đỗ Hiểu Tô chiên cá bị cháy nhưng bọn trẻ vẫn ăn rất vui vẻ,
thầy Tôn ăn món cá chiên bột bị khét cũng cười ha ha. Đỗ Hiểu Tô ngại
ngùng, gỡ bỏ phần cháy bên ngoài ra: “Chỉ ăn cá thôi, chiên cháy rồi ăn
vào không tốt cho sức khỏe”.

Ăn xong bữa sáng, cô lấy dụng cụ học tập và sách tham khảo ra, bọn trẻ nhìn thấy thì reo hò mừng vui như được nghỉ Tết.

Mưa càng lúc càng to, gió mỗi lúc một mạnh, thầy Tôn sợ bão sẽ di chuyển
đến gần, liền lấy búa, đinh và gỗ bất chấp mưa gió ra ngoài để gia cố
lại cửa sổ ký túc xá trường. Lôi Vũ Tranh vốn đang giúp thầy Tôn nhưng
nhìn thấy Đỗ Hiểu Tô cúi người ôm tấm gỗ thì bước qua đẩy cô ra: “Đây
không phải là việc của phụ nữ”.

Anh ôm lấy gỗ ra ngoài, cùng thầy Tôn ở ngoài vừa hứng mưa vừa đóng đinh, mất nửa ngày trời mới làm xong.

Cả hai người đều phải dầm mưa, quần áo ướt dính sát vào người, gió vừa
thổi qua liền cảm thấy lạnh thấu xương. Đỗ Hiểu Tô không biết nhóm bếp,
nên việc đó vẫn là do thầy Tôn làm. Cô vụng về lúng túng mãi mới nấu
được một nồi canh gừng, thầy Tôn không nói gì, còn Lôi Vũ Tranh chau mày
uống hết. Cô rất hiếm khi xuống bếp, nên nhìn anh vẻ áy náy nói: “Canh
gừng cay không?”.

Canh gừng đương nhiên phải cay, có điều còn kinh khủng hơn cả món cá cháy buổi sáng.

Nấu cơm trưa cô lại càng vụng về, anh thật sự chịu không được liền nói: “Đưa tạp dề đây, cô ra ngoài đi”.

Cô lặng người, cảm giác như vừa nhớ đến điều gì đó, nhưng cô không nói năng gì, lặng lẽ cởi tạp dề đưa cho anh.

Thầy Tôn đang nhóm bếp, còn Đỗ Hiểu Tô đứng bên cạnh giúp mấy việc vặt,
đưa đĩa đưa bát. Kết quả Lôi Vũ Tanh nấu được bốn món, cả bốn món đều là
cá, bọn trẻ ăn hết sạch cơm, còn nói chú Tiểu Thiệu nấu cơm ngon quá,
chỉ có cá cũng làm được ngon vậy.

Đỗ Hiểu Tô cũng vui vẻ chêm lời: “Chú Tiểu Thiệu tài giỏi nhất, nấu cơm rất ngon, ngon hơn chị nấu nhiều”.

Một cô bé cười: “Chị Hiểu Tô không biết nấu cơm à?”.

Đỗ Hiểu Tô quỳ xuống, tươi cười nói với cô bé: “Chị Hiểu Tô còn rất
nhiều việc không biết làm, cho nên các em phải học cho tốt, đợi các em
học đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì sẽ biết nhiều thứ hơn chị Hiểu Tô,
tài giỏi hơn chị Hiểu Tô, đến lúc đó đến lượt các em dạy chị”.

Thầy Tôn nhân đó nói: “Đúng rồi, phải vào học thôi, các em vào phòng học đi”.

Bọn trẻ vào học, nhà bếp trong chốc lát yên tĩnh hẳn, Đỗ Hiểu Tô dọn dẹp
bát đũa rồi ngâm trong bồn nước. Nước trong chum hết rồi, thầy Tôn thấy
vậy liền mang chậu ra ngoài hứng. Mưa rất to, chỉ nghe thấy tiếng gió
thổi ào ào và tiếng mưa rì rào, cây cỏ sau núi bị gió thổi đổ rạp về một
bên. Bên cạnh bếp có một chiếc thùng gỗ, bên trên đậy một cái chậu
nhựa, trong thùng là tôm. Tôm vừa được gửi đến hôm qua, thầy Tôn định
nấu bữa tối cho mọi người, cô mở ra xem thử, ai ngờ tôm đã để đây một
ngày mà vẫn còn sống, nhảy lung tung, có một con tôm đã cong người nhảy
bật đi, nhảy thẳng đến góc tường, cô đuổi theo rồi đột nhiên có một bóng
đen nhảy ra, vụt qua chân cô, Đỗ Hiểu Tô giật bắn người, sau đó nhìn kỹ
thì ra là một con mèo, nhảy đến chụp lấy con tôm. Không ngờ tôm có mũi
nhọn, có lẽ mèo con chụp phải liền kêu lên một tiếng “meo” rồi nhảy trở
ra, nghiêng cái đầu nhỏ xíu chăm chú nhìn con tôm. Một lúc sau, mèo con
cẩn thận tiến lại gần, vươn móng vuốt ra thử chọc con tôm, tôm cố sức
nhảy bật lên, mũi nhọn đâm đúng vào mũi mèo con, dọa nó kêu lên, chạy
đến nép vào chân Đỗ Hiểu Tô, run lên bần bật.

Đỗ Hiểu Tô ôm mèo con lên, đó là một con mèo lông đen trắng xen kẽ,
ngoan ngoãn cuộn tròn trong tay cô, giống quả cầu lông, kêu “meo meo”.
Cô chọc mèo con: “Meo meo, mày tên gì? Mày gầy thế này, hay là gọi mày
Xương Sườn đi”. Mèo con có đôi mắt to tròn lóng lánh nước, tựa như biết
nói. [ bạn đang đọc truyện tại alobooks.vn ]

Mèo con đưa lưỡi hồng hồng liếm ngón tay cô, cô lập tức bật cười: “Chấn Vinh anh xem, đáng yêu quá!”.

Anh không nói gì, có lẽ cô thật sự xem anh là Thiệu Chấn Vinh, trên hòn đảo này.

Có lẽ là vì quá yêu nên cô mới chìm đắm như vậy, tự gạt mình gạt người.

Bên ngoài trời mưa như trút nước, tiếng mưa dội vào tai, có cả tiếng bọn
trẻ đang đọc bài, đọc theo giọng không chuẩn lắm của thầy Tôn: “Suối
trên núi Vũ Di chảy vòng quanh núi chuyển hướng chín lần, vì vậy gọi là
suối Cửu Khúc. Nước suối rất trong, có thể nhìn thấy cát đá dưới lòng
suối…”, âm thanh hòa lẫn trong mưa, nghe mơ hồ mà xa xôi. Đỗ Hiểu Tô
nhìn mây mù bị gió thổi cuộn thành từng vòng, giống một dải lụa trắng,
cuộn đến đâu ướt đến đó. Cô không khỏi lo lắng: “Ngày mai không về được
thì làm sao?”.

Mưa to thế này, chỉ sợ không có thuyền.

Cô đột nhiên cười với anh: “Nếu không về được, chúng ta ở lại thêm vài ngày vậy”.

Trước đây cô lúc nào cũng nước mắt ngân ngấn, thật ra cô cười rất đẹp,
giống như đứa trẻ có khuôn mặt xinh đẹp mà ngây thơ tựa như ánh sao rơi
xuống rồi lặng lẽ đọng lại trong tim. Bên ngoài chỉ có tiếng mưa gió hòa
lẫn vào nhau ồn ào, gần như biến hòn đảo thành một thế giới khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3