Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 12: Một vài câu chuyện về vượt ngục
XII. Một vài mẩu chuyện về vượt ngục
Sau cái chết của tên Ách Thực-dân, và sau vụ tuyệt-thực tranh-đấu của toàn-thể anh em phạm-nhân, từ chúa-ngục đến bọn thuộc-hạ của y tại ngục-thất Ăng-Ghi trở nên băn-khoăn lo-lắng ; biết đâu rằng Năm Đắc này đi, chẳng có Năm Đắc khác thay thế ! nên chúng cũng bỏ bớt tính hung-ác dã-man khát máu phần nào ! Trên thực-tế tựu trung phạm-nhân với bọn chúng, hai bên vẫn ngấm-ngầm giữ miếng nhau, không-khí ngục-thất được đôi phần dễ thở.
Để đề-phòng vụ hạ sát thứ hai có thể có, chúa-ngục lựa mười phạm-nhân bị tình-nghi có óc tổ-chức và chủ-mưu bạo-động đưa về Cay-En để thuộc quyền nhà chức-trách ở Thủ-đô định đoạt.
Đến Cay-En, chúa-ngục và các công-chức xô nhau xem mặt và cân nhắc từng người, chê bai ốm yếu, hệt như kiểu mặc-cả mua heo mua gà ngoài chợ. Cuối cùng chúng trao cho tên đại-diện chúa-ngục Ăng-Ghi một số tiền thù-lao, nhưng không rõ là bao nhiêu ? Mười phạm-nhân thời chúng phân phát đi làm bồi bếp cho các viên-chức Pháp, vì mười anh ai cũng biết nói tiếng Pháp.
Trong số có anh H. bạn thân của tôi được chọn làm phụ bếp cho một viên quan hai Pháp, y có vợ là một gái Trung-hoa, nhà vợ chồng y cũng ở làng Trung-Hoa.
Dân số ở Thủ-đô Cay-En gần phân nửa là người Trung-Hoa, mà 2/3 là dân Hải-Nam và Triều-châu, 1/3 là người Quảng-Đông.
Theo lời những người Trung-Hoa già cả nhất ở xứ này thuật lại thì người Trung-Hoa đến Cay-En này từ khi chưa có bóng người Pháp đến đây. Nguyên thuở ấy, có một đoàn thuyền buôn Hải-Nam bị gió bão đánh giạt vào bờ biển Cay-En, thuyền bị chìm nhưng người đều thoát được lên bờ…
Cay-En khi ấy còn là một xóm nhỏ nghèo-nàn, không quán tiệm ; nhóm người phiêu-bạt này bèn gom-góp số của cải còn lại trong mình họ, rồi giao-tiếp với thổ-dân trao đổi thực-phẩm, rồi nhà cửa được dựng lên thành những cửa hàng nho-nhỏ để đón tiếp những thổ-dân từ các miền rừng núi lại.
Thời-gian qua, họ lấy vợ người thổ-dân, sinh con đẻ cái, trở thành một nhóm người đông đảo pha trong huyết-thống của hai dân-tộc Hoa-An.
Đến khi người Pháp đặt quyền đô-hộ trên phần đất Nam Mỹ-châu này, để mở mang Cay-En thành một Thủ-đô, Pháp bắt người Trung-Hoa phải rời cách xa Cay-En hai cây số, bên mặt con đường cái từ Cay-En đến Sanh-Lô-Răng, lập thành một làng Trung-Hoa có độ năm trăm nóc nhà chia làm hai xóm bởi một con đường làng trải đá sỏi đỏ.
Nhà cất khít nhau theo lối phố trệt lụp xụp, cái cao cái thấp, xen vào một vài cái nhà lầu. Tại đây được coi là nơi nghỉ mát Á-Đông của Cay-En. Nhờ có vị-trí nên thơ, liễu rũ bên hồ, sen rừng mọc đầy đầm nước, hằng ngàn cây điệp, cây vông chen lấn nhau rắc những cánh hoa đỏ như son xuống khắp mái nhà. Mái nhà ở đây lợp bằng tôn hay gỗ Voa-ba, sẫm mầu như gỗ ở Thủ-dầu-Một.
Thủ-đô Cay-En trở nên một thị-trấn buôn bán như các thị-trấn nhỏ khác, đủ các tiệm : tiệm nước, tiệm tạp-hóa, nhà hàng, tiệm giầy dép, quần áo, v.v… Các tiệm thực-phẩm đều do người Trung-Hoa nắm hết. người Bắc-phi hay người Si-ri thời chuyên bán hàng vải và đồ thêu, còn thổ-dân thì chỉ mở vài ba quán nhỏ lặt-vặt sống đỡ qua ngày.
Dưới vòm trời trên khắp lục-địa, không nơi nào vắng bóng người Trung-Hoa, có tới 12 triệu 50 vạn người. Chính-phủ Trung-Hoa gọi là « kiều bào hải ngoại ». Đáng phục và cũng đáng sợ thay !
Vợ chồng viên quan hai Pháp ngụ tại làng Trung-Hoa, nên anh H. của chúng tôi được theo về ở đấy, nhờ số vàng dành-dụm được, anh bỏ ra một phần lo-lót với viên Quan Hai mất hai lượng, nên được viên Quan Hai cho phép anh đi lại tự do mua bán thong thả trong làng Trung-Hoa này, và luôn tiện ủy thác cho anh giao-thiệp đặt mối buôn lậu cho y. Vợ y lại là người Quảng-Đông, anh H. cũng nói được ít nhiều tiếng Quảng-Đông, hơn nữa nàng cũng cảm-thông với anh là người đồng chủng, nên nàng đối với anh rất có cảm tình : « Hàng ngày ngoài giờ đi chợ mua thực-phẩm và đồ dùng cho chủ, anh còn được đi lại thong thả chơi bời trong làng mà chủ của anh không hề ngờ vực ».
Nhân cơ-hội, H. bèn quyết định tìm cách vượt ngục, vì chỉ có con đường vượt ngục, mới có tự-do hoàn toàn, mới có cơ-hội được trở về quê hương xứ sở, hai tiếng « Quê Hương » luôn luôn ám-ảnh trong đầu óc anh.
Anh H. liền bầy tỏ ý-kiến với C. một đồng-chí, một phạm-nhân, một người bồi như anh. Được C. đồng tình, trước hết hai người hoạch định hướng đi, ngả đường duy nhất là vượt biên-giới Guy-An thuộc Pháp để qua Ba-Tây hoặc Guy-An thuộc Hà-Lan ; rồi từ đó tìm đường sang Âu-Châu hay Hoa-Kỳ, nhưng ngả này nguy-hiểm lắm, mười kẻ ra đi chỉ được một người thoát.
Hai người chuẩn bị thực-phẩm, ở Cay-En món ăn chính của thổ-dân là củ sắn (khoai mì), sắn ở đây được coi như là gạo ở bên ta. Sắn và khoai mỡ sau khi lột hết vỏ, đem ngâm nước lạnh suốt 24 tiếng đồng hồ cho hết nhựa, rồi người ta đem nạo nhỏ thành bột, bỏ vào chảo rang thật khô, đem cất vào hủ hay hộp đậy nắp bao giấy thật kín. H và C. mua bột sẵn rồi gói thành từng bao nhỏ lén cất giấu vào hang đá trong rừng rất cẩn thận, tiếp đến việc mua sắm dụng cụ, thuốc men và thêm lương-thực, dòng dã mất ngót tháng trời.
Công việc khó khăn vẫn là vấn-đề tìm đường đi và phải học thêm tiếng nói của thổ-dân, vì Guy-An không phải một xứ hoàn-toàn chỉ có Tây, Tàu, lính da đen và phạm-nhân, Guy-An còn có thổ-dân, dân cổ nhất trong số dân-tộc cổ-lỗ của Nam-Mỹ. Nhiều bộ-lạc ở rải-rác trong rừng sâu, họ không có chữ, chỉ vẽ những hình gì mà họ cần diễn tả mỗi khi họ cần. Vậy nếu người ngoài không biết chút thổ-ngữ, mà gặp họ sẽ bị giết ngay để tế « thần gió ». Nếu gặp bọn mọi ăn thịt người lấy sọ làm đồ chơi cho trẻ con thời lại nguy-hiểm hơn nữa !
Thổ-dân ở Guy-An đã kể cho chúng tôi nghe chuyện mọi ăn thịt mọi ở đây như sau này :
Mỗi khi có một ông chúa ở bộ-lạc mọi ăn thịt người sang chơi thăm một ông chúa cùng ở bộ-lạc mọi ăn thịt người khác, tức thì ông chúa mọi này đánh cho mấy tiếng cồng báo hiệu gọi tất cả dân mọi trong bộ-lạc mình cai-trị đến một công-trường đã định. Giữa công-trường đốt một đống lửa to. Dân mọi đứng sắp hàng một xung quanh. Ông chúa mọi, vị khách quý được mời ra kén chọn lấy một tên dân mọi mà vị chúa ấy thích, tức thì tên mọi khốn-nạn được lôi ra trói chặt chân tay vào một cây cột đã được chôn trước gần đống lửa, tên mọi khốn-nạn ấy run sợ đến cực điểm, trái lại, thân-quyến tên mọi khốn-nạn ấy và toàn thể dân mọi trong bộ-lạc lại vỗ tay reo mừng long trời dậy đất, vang động cả một khu rừng. Tên mọi khốn-nạn ấy trước hết được sẻo những miếng thịt mà ông quý-khách thích nhất đem nướng trên đống lửa hồng, để hai ông chúa xơi, còn dư thời đến phần dân mọi lần lượt vào sẻo nướng ăn một cách rất ngon lành. Ăn cho bằng hết, trơ lại bộ xương vất đó. Trước đống lửa hồng, mùi thịt người nướng khét ghê rợn bọn mọi ấy ôm nhau nhẩy múa cuồng loạn.
Biết bao sự lo-sợ khủng-khiếp ! nhưng ý định đã quyết, hành-lý thu xếp đã xong, thừa một đêm tối trời vào cuối mùa thu 1940, H và C. rời khỏi nhà viên Quan Hai Pháp để bắt đầu dấn thân vào rừng thẳm.
Ra đi, H. và C. lại phải đổi hướng, bao sự tính-toán trước bị đảo lộn hết, vì không hiểu một biến-cố gì đã xẩy ra, quân lính được lệnh tuần-tiễu mọi mặt một cách nghiêm mật : « H. và C. buộc lòng phải đi về hướng Tây Nam, vượt sông Si-na-ma-ri, sông Ma-na tiến đến ngã ba sông I-ta-ni và Ma-ro-ni. Tới đó vượt qua sông I-ta-ni là sang địa-phận Guy-An thuộc Hà-Lan, con đường ấy dài độ ba trăm cây số ».
Khốn nỗi ! Đi rừng mà lại không có « kim chỉ nam » thì khó lòng mà tránh khỏi lạc được, nhưng làm sao được ở cái xứ man-mọi này, có tiền mà cũng không thể tìm ra. Chỉ tin vào kinh-nghiệm của C. là người mà anh em chúng tôi đã tặng cho cái danh-hiệu là « chúa I-ni-ni ».
Suốt thời-gian mười ngày đầu không có gì lạ ! Ngày đi đêm nghỉ, tránh những con đường mòn mỗi lần phải băng qua con đường mòn là mỗi lần hồi-hộp, phải nghe-ngóng dò-dẫm kỹ càng trước khi băng qua, cả những lối đi rất nhỏ hẹp cũng vậy, đôi khi phải nằm sấp ép mình để lắng tai nghe ngóng rất thận-trọng, e sợ nhất là bọn Cập-rằng ngục-thất chăng lưới đuổi theo.
Sáng ngày thứ 11, H và C. bị lạc trong giữa khu rừng già, không biết là hiện đang ở đâu ? Trước mặt, một rừng toàn giống cây gai góc và cây leo chằng-chịt như một bức trường-thành chắn mất cả lối đi ; nhưng hai chàng nhận thấy mình không lạc hướng, thì cứ nhìn những cây thuộc hướng đông-bắc thì khô nứt, mà những cây thuộc hướng tây-nam thời xanh rêu, vì hướng mặt trời lặn tất nhiên ánh nắng ít hơn, nên cây cối ẩm ướt phải mọc rêu ; nhưng muốn tiến tất phải vòng qua cánh rừng gai ước lượng dài tới 50 cây số.
Hai chàng bàn tính với nhau hồi lâu rồi đồng-ý tiến theo men rừng gai góc đi lên hướng bắc. Nhưng lại rủi làm sao ! đi mới được độ mươi cây số thì thình-lình C. phát lên cơn sốt nóng đến cực độ. Chúng tôi bắt buộc phải hoãn cuộc hành trình, vì bệnh C. càng ngày càng nặng, thuốc uống không chuyển. H. đành phải tìm một cây rất cao lớn trong rừng, chặt cành kiếm lá tạm làm chòi trú ẩn ít ngày trên cành cây đợi cho C. bình-phục.
Lương thực còn, nhưng khốn nỗi khắp trong vùng không tìm đâu ra suối, nước uống không có, cổ họng như khô cháy, thất vọng và thất vọng ! H lang thang suốt ngày, thời may thay ! anh đã tìm thấy nước uống ở trong một thứ cây cỏ rừng, mà ở trong ngành lại có chứa đựng rất nhiều nước, uống vào mát mẻ vô cùng. Yên được vấn-đề nước uống, lại lo đến vấn đề thiếu lương-thực vì hai anh không trù-liệu đến những ngày ốm đau lại phải nghỉ lại đến mười ngày, H. và C đành tính đến biện-pháp phải rút bớt lại khẩu-phần.
Sang ngày sau, bệnh C. đã thuyên-giảm nhiều, hai anh lại bắt đầu lên đường, và cách 15 ngày sau H. và C. đã tiến đến con sông I-ta-ni, biên giới Guy-An Pháp – Guy-An Hà-Lan.
Con sông I-ta-ni hẹp có thể bơi qua được nhưng C còn bệnh chưa khỏi hẳn, nên anh không lội, mà ở lại lâu biên-giới còn ở trên địa-phận thuộc Pháp, thời e bọn lính tuần Pháp chẳng để yên, nên hai anh đành thuê thuyền quá giang.
Đặt chân lên trên thuộc địa Hà-Lan, hai chàng tưởng mình đã thoát nạn, giấc mộng quê-hương trở lại ám-ảnh trong đầu óc hai chàng. Nhưng ai oán thay ! Cảnh-sát Hà-Lan đã đến thộp cổ hai chàng, vì luật-lệ bắt phải có đủ giấy tờ hợp-lệ và còn phải có người bảo-đảm. Giấy tờ không, ai người bảo-đảm, hơn nữa lại có công-văn của Chính-quyền ở Guy-An thuộc Pháp gửi đến tróc-nã. Cảnh-sát xét đúng hình-dáng hai chàng vượt ngục, chính-phủ Hà-Lan liền tống cổ H. và C. xuống ca nô của Pháp phái đến, đưa về ngục-thất Thuộc-địa số 1 Cay-En.
Tại ngục-thất thuộc địa số 1 Cay-En, chúa ngục ban cho H. và C. mỗi người một cái gông bằng gỗ đeo trên cổ, và thêm một món quà nữa là cái xiềng sắt nặng hàng 10 cân nối liền vào chân hai chàng để nhất cử nhất động phải có nhau, lại còn phải nhốt vào sà-lim kín mít.
Bẩy ngày sau, H. và C. được đưa ra trước Tòa-Án Cay-En, xử chồng thêm một cái án « Khổ-sai chung thân » nữa, mặc dầu có Luật-sư biện-hộ.
Đúng lý thì sau khi Tòa-án đã xử rồi, phạm-nhân được đi làm ngoài như thường lệ, trái lại, chúa ngục lại muốn hành hạ xác thịt hai chàng cho thật đau-khổ. Vẫn gông trên cổ và xiềng chân, chúa ngục bắt H. và C. xay trấu (cối xay lúa như cối xay lúa ta do lái buôn Trung-hoa cung cấp) tối ngày, trừ bữa ăn trưa.
Qua sang ngày thứ tư, chúa ngục lại đổi sang một hình thức phạt khác, bắt H. và C, phải đi làm công-tác « đổi thùng » ở ngục-thất, ở các nhà công-chức của chính-phủ ở Cay-En. Tuy không mệt-mỏi như công-tác xay trấu, nhưng mùi thực-dân thời thực là khổ cho hai lỗ mũi quá. Thực-dân đã gián tiếp thúc đẩy hai chàng đổi thùng mưu toan đến một cuộc vượt ngục nữa.
Qua ít ngày, chúa ngục bỗng nẩy ra ý-kiến tu bổ lại ngục-thất Cay-En cho thêm thập phần chắc-chắn, bởi vậy. H. và C. được nghỉ việc đổi thùng, tham-gia vào công-tác phá núi lấy đá, mò kiếm san-hô dưới bể để làm vữa.
Trong số gần hai vạn phạm-nhân, chúa ngục chia một nửa đi phá núi lấy đá xanh, còn một nửa được chở lên trên một trăm chiếc sà-lan ra bể cậy san-hô về nung thành vôi trộn với đá tán nhỏ thay si-măng sửa lại ngục, H. và C. hai chàng ở trong đoàn phạm-nhân vượt biển ấy.
Vùng san-hô nằm cách bờ bể Đại-tây-dương (mé Nam Mỹ) lối hai ngàn thước về hướng bắc Cay-En, cách Cay-En hơn một trăm cây số, song song với Thị-trấn Sin-na-ma-ri, nằm chặn giữa đường Cay-En đi Sanh-Lô-Răng.
Tầu dắt sà-lan khởi hành hồi 3 giờ khuya, 7 giờ sáng tới nơi. Phạm-nhân bắt đầu nhẩy ùa xuống bể, mỗi người mang theo một cây sà-beng để bẩy san-hô lên, những chiếc ca-nô trên tầu được hạ xuống nước, mỗi chiếc chở một tiểu-đội lính chạy bao quanh để làm nhiệm-vụ canh gác.
Sóng bể cuộn-cuộn, nước bể lạnh thấu xương, nên nhiều phạm-nhân không chịu thấu, phải nhoi đầu lên, liền bị hèo mây của lính trên ca-nô đập xuống túi-bụi. Một vài kẻ xấu số không biết bơi lội bị sóng bể vô tình cuốn đi mất tích.
San-hô sắc như dao, cậy được một khối san-hô là hai cánh tay bị sứt-mẻ, máu chảy đầm-đìa, vô phúc anh nào bị làm ở chỗ san-hô mọc cạn, nước ngập chưa khỏi đầu, thì không được trèo lên sà-lan nghỉ đôi chút, cứ phải đứng suốt buổi trên những ngọn san-hô nhọn hoắt đau buốt tới tim gan.
Bị uất-ức và tuyệt-vọng, một số phạm-nhân da đen đã buông xuôi hai tay phó cho sóng bể cuốn đi, thoát địa ngục trần-gian, kiếp sống nô-lệ, trút linh hồn trên biển cả bao la !
1) PHÁ NÚI TÌM KIM-CƯƠNG
Qua năm 1942, khi nghe tin ở Ba-Tây tìm được kim-cương trong các núi lửa đã tàn, bọn thống-trị ở Guy-An nôn-nao cả lên, ôm ảo-vọng sẽ thành triệu-phú. Họ liền phát họa một chương-trình tìm kim-cương và sẽ tiến hành ngay khi mùa mưa chấm dứt.
Địa-điểm tìm kim-cương là dẫy núi Tu-Muc Hu-Mac dài trên hai trăm cây số, cao tám trăm thước, nằm vắt mình trong rừng già về tận I-ni-ni. Đầu ở sông I-ta-ni, con sông làm biên-giới ngăn đôi thuộc-địa Pháp – Hà, cuối tận sông O-ya-pok, biên-giới ngăn đôi Pháp – Ba-Tây.
Trước hết thực-dân huy-động một đoàn phạm-nhân khỏe mạnh bắt xung-phong đến trấn giữ giẫy núi, phòng có kẻ đến nẫng tay trên ; đồng thời phá cây bạt cỏ dựng lên hàng trăm cái trại giam một cách gấp rút ; xung quanh trại chăng dây thép gai hẳn-hòi. Ngoài công-tác trên, phạm-nhân còn phải phá rừng làm thành rẫy để trồng rau, đậu, v.v… theo kế hoạch tự-túc trường-kỳ. Hàng ngày tầu bể tới lui rộn-rịp vận-tải lương thực và khí-cụ phá núi rừng để tìm kim-cương.
Thời-gian qua, mùa mưa dứt, trước ngày đi phá núi Tu-Muc Hu-Mac, chúa ngục cho phạm nhân nghỉ-ngơi ít ngày ăn uống no đủ, để đủ sức khỏe mà làm việc, phạm-nhân nào bị bệnh nhẹ được săn-sóc thuốc men và đến ngày khởi hành được khám sức-khỏe lại một lần nữa, ai bị yếu quá được ở lại.
Công việc dự-bị xong xuôi, chúng bắt đầu tải các phạm-nhân gồm đủ màu da bằng sà-lan do tầu lớn kéo vào sông Ma-rê-ni đến I-ta-ni rồi đổ bộ lên rừng, tiến đến các trại đã được dựng cất vừa xong dưới chân núi Tumuc Humac. Phạm nhân da đen, da trắng, da vàng cùng ở lẫn lộn để coi chừng với nhau, xung quanh trại có lính Lê-dương canh gác rất nghiêm mật.
Sau khi được nghỉ-ngơi mười ngày dưỡng sức, phạm-nhân bắt đầu làm việc, tiếng chim quốc hòa với tiếng búa tạ phá núi vang chuyển một góc trời, hết ngày này qua ngày khác, thấm thoát đã bẩy tháng trời qua, mùa mưa to đã kéo đến, mà kim-cương vẫn không tìm thấy một hạt nào ! Phạm-nhân thời có đến hàng ngàn người bị ngã nước sốt-rét, hàng trăm người chết vì tai-nạn bị cây ngã trúng, đá đè vì giống muỗi to như ong đốt. Nên cực chẳng đã, chúa ngục phải cho phạm nhân nghỉ việc trở về Cay-En.
Thật là đáng buồn cười ! Nghe thấy người ta tìm được kim-cương, mình cũng vội-vàng đi tìm kim-cương, không cần đến cả kỹ-sư mỏ nữa !
2) MUA BÁN NÔ-LỆ
Sau chuyến đi tìm kim-cương, được trở về ngục Cay-En hai anh bạn chí thân của tôi H. và C. lại bí-mật mưu toan một cuộc vượt ngục thứ hai, nhưng lần hai anh bạn tôi tính toán cẩn-thận, dự-bị chu-đáo, nhất là về phương-diện giấy tờ thì lại hợp lệ, do một thương-khách Trung-Hoa, một Mạnh-thường-quân đã chuẩn bị sẵn-sàng cho hai anh trốn sang Ba-Tây (Brésil) theo như ý muốn.
Một sớm kia thừa cơ-hội được đi làm ngoài, H. và C. liền trốn thoát đến làng Trung-Hoa để cáo-biệt vị Mạnh-thường-Quân, nhận giấy tờ và vật-dụng, thì may-mắn sao ! Ông bạn Trung-Hoa cho biết :
Có một người bạn đồng-hương của ông làm đầu-bếp dưới một thương-thuyền Hà-lan hiện cập bến Cay-En. Thể lời yêu-cầu của ông, nên người đầu bếp đã nhận lời có thể giấu được cả hai người dưới tầu, mà chỉ sáng hôm sau là tầu sẽ nhổ neo rời bến Cay-En đi Tinh-Châu (Singapour).
Là người Việt-Nam mà được ghé bến Tinh-Châu, thời trên con đường tiến về quê hương rất là thuận-tiện, tránh được sự phải vượt rừng núi qua Ba-Tây vừa vất-vả và nguy-hiểm ; H. và C. mừng rỡ vô cùng.
Ông bạn Trung-Hoa lại còn cho biết : ông vừa thân tặng người bạn đầu bếp ấy một con « Cù-lần » lông trắng. Người ở rừng gọi giống này là « lão cù », vì giống này thường sống tới trăm tuổi, lông nó dùng trị cầm máu và thổ-huyết rất công-hiệu.
Rủi thay ! Đến phút cuối cùng, cục-diện lại xoay sang một thế khác, vì người đầu-bếp lại chỉ nhận chở được một người, còn một người phải đợi lại chuyến sau, tầu này cập bến Cay-En mỗi tháng một lần. H. và C hai anh nhường nhau, rốt cuộc, C. cương-quyết nhường H đi trước, vì cảm thương bạn sức-lực quá yếu-đuối bạc-nhược hơn mình.
Cảm-động đến rơi lệ, nghẹn-ngào buổi chia tay, H và C. cùng ông bạn già Trung-Hoa nâng chén tống biệt, H. thổn-thức không nói nên lời, gạt lệ theo người đầu-bếp lẻn trốn xuống tầu.
Dưới tầu, anh đầu-bếp Trung-Hoa đã giấu H. trong đống bao-bố cạnh bếp, nơi làm việc của ông làm cho H. nhiều phen bị nghẹt thở, thêm phần sóng gió có tiếng là dữ-dội ở Đại-tây-dương, anh H. của tôi bị vật lên vật xuống, nôn-ọc mửa tháo đến tận mật-xanh mật-vàng. Sợ bị tiết-lộ, anh bạn đầu bếp phải trao cho H. một mảnh vải xanh dặn phải quấn bụng cho thật chặt và lại trao thêm cho một trái chanh tươi để hút nước từ từ, mười phút sau, quả nhiên H. thấy dễ chịu không bị nôn-mửa như trước nữa !
Bị ẩn mình trong bao bố lâu, phần bị nghẹt thở, phần bị sóng vỗ, nên H. trở nên mệt lả. Đã yên đâu ! tầu thỉnh-thoảng lại bị báo-động, kinh-khủng hết hồn, vì đương trong thời đại-chiến thứ hai, tầu ngầm Đức hoạt-động trên khắp Đại-dương.
Trên đường về Tinh-Châu, tầu phải ghé đảo Mác-ti-ních (Martinique) để chở mật-mía rồi mới xuyên kênh Pa-na-ma (Panama) ra Thái-bình-dương.
Ngày thứ tư tầu tới Mác-ti-ních, cập bến ở đấy một ngày để ăn hàng. Buổi chiều hôm ấy anh đầu-bếp kéo H. từ trong bao bố ra, rồi bảo cho H. biết rằng : « Tầu này sắp bị nhà đương-cuộc trên đảo xuống khám xét, vì ở Cay-En có trên mười phạm-nhân mới trốn nên đã đánh điện-tín đi nhờ khám các tầu mới rời bến Cay-En ».
Nghe xong H. chết điếng người, nhưng anh bạn đầu-bếp lại lộ vẻ vui mừng vỗ vai bảo H. anh đã nghỉ được cách giấu được H. có thể thoát lưới, miễn là khi tầu cập bến Tinh-Châu H. phải có tiền trả công cho anh ta là được.
Đã đến nguồn-cơn nông-nổi nước này, bắt buộc H. phải ưng-thuận. Anh bạn đầu bếp quý-báu của chúng tôi liền dẫn anh H. vào buồng ngủ của anh ta, mở nắp chiếc rương to trống rỗng, rồi đẩy H. vào nằm tròn trong đó, may sao ! cái rương của anh bếp lại có một vài kẹt hở, nên H. không đến nỗi bị nghẹt hơi, nhưng dần dần bóng tối bao phủ, cửa bị đóng kín, không-khí lọt vào ít nên anh bị nghẹt hơi. Nghe phía ngoài thấy im-lặng, anh khẽ đẩy nắp rương mong hút chút ít không-khí, nhưng ác-hại thay ! rương đã bị khóa rồi, H. đành nằm im, người anh mỗi lúc mệt lả dần, gần như bất tỉnh.
H. thiếp đi, lát sau anh giật mình thấy cảm-giác như chiếc rương vừa bị có người nhắc bổng lên và bị khiêng đi ; mà thật, sự thật đã sẩy đến ! người ta đã khiêng anh vất lên một chiếc bọc phủ kín mít và chở anh đi.
Hơn một tiếng đồng-hồ sau, nghe thấy tiếng động-cơ ngừng, nắp rương được mở ra, người ta lôi H ra, kéo anh từ trên chiếc xe ca-mi-ông xuống mặc dầu anh đã bị nhốt trong rương ngót 10 tiếng đồng-hồ đến bất tỉnh, bị xe chạy lồng-lộn nằm vất-vả trong rương, thể xác và tinh-thần anh hầu như gần tan rã ! Nhưng cuộc đời đau-khổ trước cảnh thực-tại đã hiện ra. H. đã đương đứng giữa hàng trăm tên mọi da đen quây kín, một tên da trắng người Pháp đến nắm đầu lôi anh sềnh-sệch đến trước bàn giấy tên Thư-ký da đen bắt H. cung khai tên tuổi, nghề nghiệp, v.v… ?
Chỉ tay vào người H. tên Pháp bảo : « Đắt quá, con khỉ ốm này mà tên Tầu kia nó bán cho tao đến 150 quan ; nếu vài tháng sau mà tên này chết, thời tao lỗ vốn bỏ mẹ ! »
Anh H. tôi đứng ngẩn người ra đến đỗi tên Thư-ký phải tặng cho anh hai cái bạt-tai, tâm-trí anh mới trở về hiện tại cung khai lý-lịch.
Thì ra H. đã bị ông bạn đầu-bếp « Con trời » kia bán cho một sở trồng mía ở Mác-ti-ních với giá 150 quan, mà lúc lừa anh chui vào rương là lúc mà bọn buôn nô-lệ đã trả thành giá.
Khai lý-lịch xong, tên Thư-ký truyền : « Mày là tên tù vượt ngục, nay chủ đây mua về để làm cu-ly vác mía và làm vườn, nếu mày làm biếng sẽ bị chủ trả lại về ngục-thất Cay-En và mày sẽ bị bắn nát sọ ».
Y lại tiếp : « Bây giờ mày về trại đằng kia, ăn ở chung với cu-ly, cặp-rằng bảo sao làm vậy, siêng-năng thời vài năm nữa sẽ được ăn lương, nhưng miễn mày đừng có chết trước từ đây tới ba năm sau ».
Về trại, ăn bốc, uống nước suối theo như dân nô-lệ mua từ các nơi về đây. Ngày hai buổi ra rừng hốt lá mía, vác mía đã chặt rồi, hoặc lau những thùng cây chứa đường chưa lọc ; ngày chủ-nhật thời phải cắt phiên nhau đến sơn quét dọn nhà cho chủ sở mía và các thày, chú trong sở.
Rượu và rượu ! dân da đen từ già chí trẻ ở rừng mía này đều uống rượu mía làm thú tiêu-khiển độc nhất mỗi buổi tối. Chúng uống rượu suốt đêm rồi nhảy troi troi với nhau theo nhịp trống kèn, ồn-ào như một đạo quân hồi xưa khi sắp ra trận.
Có khi chúng ăn cắp cả cồn 90 độ trong bệnh-viện hoặc ăn trộm rượu trong các xe ca-mi-ông (xe ở đây đều chạy máy bằng rượu) đem pha thêm nước suối để uống. Uống rượu, ăn cắp rượu là một sự thường của chúng. Chúng nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng, nhưng tựu trung, ai cũng phải biết ít nhiều tiếng Pháp để nhận mệnh-lệnh của các thày, chú sở mía.
Chung sống với bọn mọi đen, anh H. của chúng tôi không uống rượu, nhưng bị chúng cứ đè ra đổ rượu vào, dần dà anh H. cũng trở thành người biết uống rượu. Mỗi khi đêm tàn canh lụn, nằm vắt tay dựa bọn mọi da đen, mộng tàn rượu tỉnh, anh lại chạnh nhớ đến ông bạn Mạnh-thường-Quân Trung-Hoa và các bạn đồng-hội đồng-thuyền của anh, C. đã thoát cảnh ngục-thất chưa ? Và nhất là ông bạn quý « đầu bếp » kia đã lợi-dụng lòng tốt của người đồng-hương ở Cay-En, y đã đem bán bao nhiêu người để làm nô-lệ rồi ? Anh phát rùng mình ! H. tưởng mình đã sống lùi lại hàng mấy thế-kỷ, thời phong kiến, nô-lệ bị xiềng xích, làm tôi mọi cho các Tù-trưởng và Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Sống trong đời tù ở Guy-An tuy rất cực-khổ, nhưng anh H. của chúng tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn, vì còn có các anh em là người cùng một huyết-thống, cùng một tiếng nói quây-quần xung quanh an-ủi anh, nâng-niu nhau khi anh bị hắt-hủi, bị tật bệnh, thương-yêu và chia-xẻ ngọt bùi, cay-đắng với anh ; bây giờ anh phải sống trơ-trọi quá ! Cả một khu rừng mông-mênh bát-ngát này mà chỉ có một mình anh là người Việt-Nam đương phải sống chung đụng với bọn mọi đen vô-tri vô-giác này.
Sống giữa thế-giới man-rợ ròng rã suốt một thời-gian đăng-đẳng 18 tháng trời, một buổi chiều kia, viên chủ sở mía cho gọi anh H. đến bàn giấy bảo anh rằng :
- Anh là thằng dân ốm-yếu oắt con, không được việc gì hữu-ích, ông không muốn dùng nữa ! Rồi ông ta nói :
- Bây giờ mày muốn đi đâu ?
Lẽ dĩ-nhiên là anh H. xin ông cho anh được trở về quê-hương xứ sở, nhưng ông đã mỉm cười một cách chế ngạo. thế rồi, tuần lễ sau anh H. được mãn nguyện trở về quê hương xứ-sở của anh : Ngục-thất Guy-An. Và lý đương nhiên, lão chủ sở mía ở đảo Mác-ti-ních được hoàn lại một số tiền mà hắn đã phải bỏ ra khi trước để mua tên nô-lệ là anh H.
Bước chân xuống tầu chở về Guy-An, H. yên chí là sẽ bị đánh đập tàn-nhẫn và lại còn phải đưa ra Tòa-án xử ít nhất cũng được chồng thêm một cái án khổ-sai chung-thân nữa ! Nhưng trái lại, khi tầu cập bến Sanh-Lô-Răng, anh được đưa vào giam ở ngục ấy và chúa ngục Sanh-Lô-Răng xin cho anh được ở lại, vì ngục Sanh-Lô-Răng đương cần một số phạm nhân biết ra khơi lưới cá, mà phạm-nhân người Việt vốn có tiếng thiện nghệ trồng trọt và lưới cá, và lại còn siêng-năng hơn mọi phạm-nhân các thuộc địa khác.
Ác hại thay ! anh H. của chúng tôi lại không khéo về nghề lưới cá ngoài biển khơi một tý nào cả. Viên chúa ngục Sanh-Lô-Răng đã thất-vọng về anh, nhưng đã trót lỡ, nên y đành phải cho H. làm một công-tác đặc-biệt mổ những con cá to đã lưới được để lấy gan dùng vào kỹ-nghệ ép dầu. Nhưng việc mổ cá lấy gan là cả một nghệ-thuật vì phải mổ thế nào cho buồng gan được nguyên vẹn ? Nhờ tài khéo-léo nên anh H. của chúng tôi đã thành công trong việc mổ cá ; không những anh mổ đã khéo lại còn nhanh nhẹn dị thường.