Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 06: Ngục Thất Thuộc Địa
VI. Ngục-thất thuộc-địa (Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne)
Sau khi được lên bong tàu hít thở khí trời tại Hạ-Uy-Di, toàn thể chúng tôi đều mong-muốn và cầu-nguyện con tầu sớm cập bến xứ Guy-An, dầu sao trên mặt đất cũng còn được dễ chịu hơn dưới ngục tối hầm tầu « Martinière ».
Lòng mong-muốn ấy đã thành sự thật, hồi 4 giờ chiều ngày 30-6-1931 tầu « Martinière » đã cập bến Cay-En (Cayenne). Nhưng phải đợi đến tám giờ sáng ngày 1-7-1931 sà-lúp mới kéo sà-lan đến đón chúng tôi đổ bộ.
Bước lên bờ, hân hạnh đầu tiên là được đạo binh Thuộc-địa rất đông-đảo, súng ống chỉnh-tề ra tiếp đón, dồn từng tốp lên ba chiếc xe ca-mi-ông ọp-ẹp tiến về « Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne », chúng tôi kêu là « Khám-Đường Thuộc-địa Cay-En số 1 ».
Ngoài Khám-Đường Thuộc-địa số 1, Guy-An còn có một khám-đường lớn nữa, là « Pénitentiaires Coloniaux de Saint Laurent ».
« Khám-Đường Thuộc-địa số 1 » là nơi 533 người chúng tôi tập trung, nằm dựa theo mé biển, cách Thủ-đô Cay-En vào khoảng hai cây số ngàn, khám-đường xây cất theo hình chữ Môn, khoảng giữa để một sân rộng lớn, làm nơi cho phạm-nhân ra phơi nắng mỗi buổi sáng, khám xây bằng đá xanh, mái lợp tôn. Ngoài khám-đường, còn có nhà ở, văn-phòng của Chúa-ngục, nhà viên-chức, nhà bồi bếp và bót lính canh. Xung quanh khám-đường bao bọc bức thành xây đá xanh, bề cao 2 thước rưỡi rất kiên-cố, không khác gì lối kiến-trúc Ngục-thất Hỏa-Lò Hà-Nội.
Tất cả những phạm-nhân ở các Thuộc-địa Pháp bị Tòa Án Pháp xử vào trọng tội đều phải lưu đầy đến Guy-An, bị giam cầm ở hai Ngục-thất kể trên ; riêng ở Pháp-quốc thời những phạm-nhân bị Tòa kết án từ 7 năm trở lên đều phải phát-vãng lưu đầy đến đây cả.
Người Việt-Nam bị lưu đầy đến xứ Guy-An này lần đầu tiên vào năm 1922. Trong số phạm-nhân bị lưu đầy ấy có mười chính-trị-phạm thuộc phong-trào cách-mạng do Lương-Ngọc-Quyến và Đội-Cấn khởi-nghĩa ở Thái-Nguyên ngày 31-9-1917. Lớp người ấy đến nay chỉ còn sống sót lại một người đã được tha ra ở ngoài lấy vợ người bản xứ, chuyên nghề canh-nông làm kế sinh-nhai ở Cay-En.
Tại Khám-đường Thuộc-địa, chúng tôi được Bác-sĩ khám sức khỏe, thử nước tiểu và phân, chích thuốc phòng ngừa bệnh sởi, bệnh dịch…
Vấn-đề ăn uống hàng ngày mỗi người được :
- 700 gam gạo
- 200 gam thịt hay cá tươi hoặc cá mặn
- 500 gam rau tươi hay rau khô
- 15 gam muối
- 20 gam mỡ hay dầu
- 5 gam nước mắm hay mắm đặc
- 5 gam trà
Chiếu điều-lệ thời như vậy, nhưng thực ra không bao giờ được ăn uống no đủ, vì bè lũ Giám-thị và tay sai của chúng xén bớt ăn chặn mất nhiều ; thì ra chế-độ ngục-thất Thực-dân ở đâu cũng vậy cả.
Còn mặc, mỗi năm mỗi người được phát :
- 2 bộ quần áo vải gai xanh
- 2 đôi giầy lính (Brodequin)
- 1 cái màn
- 1 cái mền nỉ rộng
- 2 đôi sà-cạp (bandes molltières)
- 2 mũ bằng rơm
- 2 chiếc chiếu
- 2 áo bơ-lui bằng nỉ.
Đó là y-phục phạm-nhân thuộc vào hạng « Transporté Asiatique de l’Inini » khác với y phục về hạng « Transporté du Pénitentiaires Coloniaux » mặc pi-ja-ma sọc đỏ.
Còn hình-phạt thời Ngục-thất Thực-dân nào cũng vậy, cũng đánh đập tàn-nhẫn, cũng phạt cùm ở sà-lim, ở cát-sô, phạm trọng tội như giết người, vượt ngục… thời bị ra xử trước Tòa Án bản xứ.
Còn cách đối xử, chúng tôi nhận thấy với anh em thường-phạm, Thực-dân không quan tâm mấy, riêng đối với chúng tôi, Thực-dân coi là bọn phiến-loạn nguy-hiểm, nên chúng hết sức đề-phòng và đối-xử tàn-nhẫn.
Trong những ngày tạm trú ở Khám-đường Thuộc-địa, chúng tôi không phải làm việc. Thời-kỳ này chúng cho là phạm-nhân còn ở trong vòng làm quen với khí-hậu Guy-An.