Trật Tự Thế Giới - Chương 03

Chương 3

HỒI GIÁO VÀ TRUNG ĐÔNG: MỘT THẾ GIỚI HỖN LOẠN

Từ lâu, Trung Đông đã là cái nôi của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Từ bối cảnh khắc nghiệt của nó đã sản sinh ra những nhà chinh phạt và nhà tiên tri giương cao biểu ngữ về những khát vọng phổ quát. Dọc đường chân trời dường như vô định của mình, những đế chế đã được hình thành rồi sụp đổ; những kẻ cai trị độc đoán đã tuyên bố mình là hiện thân của mọi quyền lực, chỉ để rồi biến mất như thể là những ảo ảnh. Ở đây, mọi hình thức trật tự trong nước và quốc tế đã từng tồn tại, rồi bị chối bỏ, lúc này hay lúc khác.

Thế giới đã trở nên quen thuộc với những lời kêu gọi từ Trung Đông, thúc giục lật đổ trật tự khu vực và thế giới nhằm phục vụ cho một tầm nhìn phổ quát. Sự thừa thãi của những chính thể chuyên chế mang tính tiên tri là dấu hiệu xác nhận của một khu vực lơ lửng giữa giấc mộng về vinh quang trước đây của nó và sự bất lực hiện tại, khi không thể thống nhất xung quanh những nguyên tắc chung về tính chính danh trong nước hoặc quốc tế. Không nơi nào có sự thách thức đối với trật tự quốc tế phức tạp hơn khu vực này, xét theo cả hai khía cạnh của việc tổ chức trật tự khu vực và đảm bảo khả năng tương thích của trật tự đó với hòa bình và ổn định ở phần còn lại trên thế giới.

Trong thời đại chúng ta, Trung Đông dường như là định mệnh để thử nghiệm đồng thời tất cả các kinh nghiệm lịch sử của nó – đế chế, thánh chiến, sự thống trị của ngoại bang, cuộc chiến tranh bè phái của tất cả chống lại tất cả – trước khi khu vực này đạt tới (nếu như nó từng) một khái niệm ổn định về trật tự quốc tế. Cho đến khi đó, khu vực này sẽ vẫn bị luân phiên kéo về phía tham gia vào cộng đồng thế giới và đấu tranh chống lại chính cộng đồng đó.

TRẬT TỰ THẾ GIỚI HỒI GIÁO

Tổ chức đầu tiên của Trung Đông và Bắc Phi phát triển từ một chuỗi các đế quốc nối tiếp nhau. Mỗi đế quốc tự coi mình là trung tâm của đời sống văn minh; mỗi đế quốc nổi lên xung quanh việc thống nhất những đặc điểm địa lý và sau đó bành trướng sang các vùng chưa hợp nhất giữa chúng. Vào thiên niên kỷ 3 TCN, Ai Cập mở rộng ảnh hưởng của mình dọc theo Sông Nile và vào khu vực nay là Sudan. Cùng giai đoạn này, các đế chế Mesopotamia (Lưỡng Hà), Sumer, và Babylon bắt đầu củng cố sự thống trị của mình trong các dân tộc dọc theo hai con sông Tigris[81] và Euphrates[82]. Vào thế kỷ 6 TCN, Đế quốc Ba Tư nổi lên ở cao nguyên Iran và phát triển một hệ thống cai trị được miêu tả là “nỗ lực có chủ ý đầu tiên trong lịch sử nhằm thống nhất các cộng đồng châu Phi, châu Á, và châu Âu vốn không đồng nhất thành một xã hội có tổ chức quốc tế duy nhất,” với một nhà trị vì tự phong mình là Shahanshah, hay “Vua của các vị vua.”

Đến cuối thế kỷ 6, hai đế quốc thống trị phần lớn Trung Đông: Đế quốc Byzantine (hay Đông La Mã) với thủ đô ở Constantinople và tuyên xưng Ki-tô giáo (dòng Chính thống giáo Hy Lạp), và Đế quốc Ba Tư Sassanid với thủ đô ở Ctesiphon, gần Baghdad ngày nay, thực hành Bái hỏa giáo[83]. Những cuộc xung đột giữa hai đế quốc này diễn ra rải rác trong nhiều thế kỷ. Năm 602, không lâu sau khi một dịch bệnh đã tàn phá cả hai đế quốc này, một cuộc xâm lăng của Ba Tư vào các vùng lãnh thổ của Đông La Mã dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài 25 năm, khiến hai bên phải chiến đấu tới tận những sức lực cuối cùng. Sau chiến thắng cuối cùng của Đông La Mã, sự kiệt quệ đã mang đến nền hòa bình mà tài năng của nhà chính trị đã không đạt được. Nó cũng mở đường cho chiến thắng cuối cùng của Hồi giáo. Đối với miền Tây Ả-rập, ở một sa mạc đáng sợ bên ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ đế quốc nào, nhà tiên tri Muhammad và các môn đệ của ông đang tập hợp sức mạnh, được thúc đẩy bằng một tầm nhìn mới về trật tự thế giới.

Rất ít sự kiện trong lịch sử thế giới sánh được với những biến cố của sự truyền bá ban đầu của Hồi giáo. Truyền thuyết Hồi giáo kể rằng Muhammad sinh ra ở Mecca[84] vào năm 570, nhận được sự mặc khải ở tuổi 40, và sau đó khoảng 23 năm, sự mặc khải đó được viết ra và được biết đến với tên gọi là Kinh Quran. Khi các đế quốc Đông La Mã và Ba Tư còn đang đánh nhau, Muhammad và cộng đồng các tín đồ của mình đã tổ chức một mô hình nhà nước, thống nhất Bán đảo Ả-rập và nỗ lực thay thế các niềm tin tôn giáo hiện hành trong khu vực – chủ yếu là Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Bái hỏa giáo – bằng tôn giáo của viễn ảnh mà ông đã từng tiếp nhận.

Một làn sóng bành trướng chưa từng có đã biến sự trỗi dậy của Hồi giáo thành một trong những sự kiện để lại hậu quả nhiều nhất trong lịch sử. Trong thế kỷ tiếp theo sau cái chết của Muhammad vào năm 632, các đạo quân Ả-rập mang tôn giáo mới này từ tận bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi tới phần lớn Tây Ban Nha, vào miền Trung nước Pháp và tới tận viễn đông của miền Đông bắc Ấn Độ. Tiếp đến là các dải đất ở Trung Á và Nga, một số vùng của Trung Quốc, và hầu hết các vùng Đông Ấn qua nhiều thế kỷ sau đó, nơi Hồi giáo được các thương gia và những nhà chinh phạt luân phiên mang tới, tự thiết lập như là tôn giáo chiếm ưu thế đang hiện diện.

Việc một nhóm nhỏ những người đồng mưu Ả-rập có thể truyền cảm hứng cho một phong trào mà sẽ đánh bại những đế quốc lớn đã thống trị khu vực này trong nhiều thế kỷ, có lẽ là điều không thể hình dung được ở một vài thập kỷ trước đó. Làm thế nào mà một lực đẩy đế quốc và sự hăng hái nhấn chìm tất cả theo mọi hướng như vậy, có thể tập hợp lại mà không hề bị chú ý? Cho đến lúc đó, sách vở ghi chép của các xã hội lân cận vẫn chưa coi Bán đảo Ả-rập như là một thế lực đế quốc. Trong nhiều thế kỷ, người Ả-rập đã sống một cuộc sống bộ tộc, đồng quê, bán du mục trong sa mạc và những vùng ven rìa màu mỡ của Bán đảo. Cho đến thời điểm này, dù có gây ra một số thách thức ngắn ngủi đối với sự cai trị của người La Mã, nhưng họ đã không thể thành lập một quốc gia hay một đế quốc lớn nào. Ký ức lịch sử của họ được gói gọn trong truyền thống sử thi truyền miệng. Họ được nhắc đến trong ý thức của người Hy Lạp, La Mã, và Ba Tư chủ yếu như là những kẻ thỉnh thoảng đánh cướp các tuyến đường thương mại và khu dân cư. Tới mức độ họ đã được đưa vào tầm nhìn về trật tự thế giới trong những nền văn hóa này, thông qua những sắp xếp đặc biệt để mua chuộc sự trung thành của một bộ tộc, và giao cho nó việc đảm bảo an ninh dọc các biên giới đế quốc.

Trong một thế kỷ của những nỗ lực đầy ấn tượng, thế giới này đã bị đảo lộn. Bành trướng, và trong một số khía cạnh quân bình triệt để, Hồi giáo không giống như bất kỳ một xã hội nào khác trong lịch sử. Yêu cầu của đạo này về việc cầu nguyện thường xuyên hằng ngày đã biến đức tin thành một cách sống; sự nhấn mạnh của nó về bản sắc của sức mạnh tôn giáo và chính trị đã biến đổi sự bành trướng của Hồi giáo từ một sự nghiệp đế quốc thành một nghĩa vụ thiêng liêng. Mỗi dân tộc mà người Hồi giáo gặp trên đường tiến quân đều được đưa cho những lựa chọn giống nhau: cải đạo, chấp nhận tình trạng bảo hộ, hoặc bị chinh phục. Như tuyên bố của một sứ giả Hồi giáo, người Ả-rập được cử đến để thương lượng với Đế quốc Ba Tư đang bị bao vây, vào đêm trước đỉnh điểm một cuộc chiến thế kỷ 7, “Nếu các anh đi theo Hồi giáo, chúng tôi sẽ để yên cho các anh, nếu các anh đồng ý nộp thuế thân, chúng tôi sẽ bảo vệ các anh nếu các anh cần điều đó từ chúng tôi. Còn không sẽ là chiến tranh.” Kết hợp với niềm tin tôn giáo, kỹ năng quân sự, và thái độ coi khinh sự xa hoa mà họ gặp phải ở những vùng đất bị chinh phục, các kỵ binh Ả-rập đã yểm trợ cho lời đe dọa này. Các xã hội đã chọn chấp nhận tôn giáo mới này và viễn ảnh của nó khi nhìn thấy năng lực và thành tựu của sự nghiệp Hồi giáo.

Sự lan tỏa nhanh chóng của Hồi giáo xuyên suốt ba châu lục mang đến bằng chứng cho những tín đồ sùng đạo về sứ mệnh thiêng liêng của nó. Được thúc đẩy bởi sự xác tín rằng sự truyền bá của nó sẽ đoàn kết và mang lại hòa bình cho toàn thể nhân loại, Hồi giáo có lúc đã từng là một tôn giáo, một siêu quốc gia đa chủng tộc và một trật tự thế giới mới.

Các khu vực mà Hồi giáo đã chinh phục, hoặc những nơi nó thống trị và có người không theo Hồi giáo nhưng vẫn triều cống, đều được hiểu như là một thực thể chính trị duy nhất: dar al-Islam, “Nhà của Hồi giáo” hay địa hạt hòa bình. Nó sẽ được cai trị bởi vương triều Hồi giáo, một thể chế được xác định bởi sự kế thừa hợp pháp quyền lực chính trị trần thế mà Đấng Tiên tri đã ban cho. Những vùng đất bên ngoài là dar al-harb, địa hạt chiến tranh; nhiệm vụ của Hồi giáo là hợp nhất các khu vực này vào trật tự thế giới của riêng mình và do đó mang lại hòa bình toàn cầu:

Theo lý thuyết, dar al-Islam ở trong tình trạng chiến tranh với dar al-harb, vì mục tiêu cuối cùng của Hồi giáo là toàn bộ thế giới. Nếu dar al-harb bị Hồi giáo chinh phục, trật tự chung Pax Islamica sẽ thay thế mọi trật tự khác, và những cộng đồng phi Hồi giáo hoặc sẽ trở thành một phần của cộng đồng Hồi giáo hoặc sẽ quy phục chủ quyền của nó như là cộng đồng tôn giáo được dung nạp, hoặc sẽ là thực thể tự trị có các quan hệ hiệp ước với cộng đồng này.

Chiến lược để mang lại hệ thống phổ quát đó sẽ được gọi là jihad (thánh chiến), một nghĩa vụ bắt buộc đối với các tín đồ để bành trướng đức tin của họ thông qua chiến trận. “Jihad” bao hàm chiến tranh, nhưng nó không chỉ giới hạn trong một chiến lược quân sự; thuật ngữ này còn bao hàm những ý nghĩa khác về việc sử dụng toàn bộ sức mạnh của một người để cứu chuộc và truyền bá thông điệp của Hồi giáo, chẳng hạn như đấu tranh tinh thần hoặc chiến công vĩ đại tôn vinh các nguyên tắc của tôn giáo này. Tùy thuộc vào hoàn cảnh – và ở những thời đại và khu vực đa dạng, thuật ngữ tương đối này hoàn toàn khác nhau – một tín đồ có thể thực hiện trọn vẹn jihad “bằng trái tim, lưỡi, đôi bàn tay của mình; hoặc bằng thanh kiếm.”

Tất nhiên, các trường hợp đã thay đổi rất nhiều kể từ khi nhà nước Hồi giáo thời kỳ đầu bắt đầu bành trướng tín ngưỡng của mình theo mọi hướng, hay khi nhà nước này trị vì toàn bộ cộng đồng các tín đồ như một chủ thể chính trị duy nhất trong tình trạng thách thức tiềm ẩn đối với phần còn lại của thế giới. Tương tác giữa các xã hội Hồi giáo và phi Hồi giáo đã trải qua những giai đoạn thường chung sống tốt đẹp cũng như những khoảng thời gian đối kháng. Các mô hình thương mại đã gắn kết thế giới Hồi giáo và phi Hồi giáo gần nhau hơn, và các sắp xếp ngoại giao đã thường xuyên dựa trên việc các quốc gia Hồi giáo và phi Hồi giáo cộng tác với nhau hướng tới những mục tiêu quan trọng chung. Tuy nhiên, khái niệm nhị phân về trật tự thế giới này vẫn là học thuyết nhà nước chính thức và được đưa vào hiến pháp của Iran; là lời kêu gọi tập hợp của các nhóm thiểu số có vũ trang ở Lebanon, Syria, Iraq, Libya, Yemen, Afghanistan, và Pakistan; và là hệ tư tưởng của một vài nhóm khủng bố đang hoạt động trên toàn thế giới, bao gồm cả quốc gia Hồi giáo tại Iraq và miền Cận Đông (ISIL).

Các tôn giáo khác – đặc biệt là Ki-tô giáo – đã có những giai đoạn thập tự chinh riêng, đôi khi đề cao sứ mệnh toàn cầu của họ với sự hăng hái không kém, và viện đến những phương pháp tương tự trong công cuộc chinh phạt và cải đạo ép buộc. (Các đấu sĩ Tây Ban Nha đã phá hủy những nền văn minh cổ đại ở Trung và Nam Mỹ vào thế kỷ 16 trong một tinh thần tương tự về kết cuộc chinh phạt thế giới.) Điều khác biệt là tinh thần thập tự chinh đã lắng xuống trong thế giới phương Tây hoặc mang dáng dấp của những khái niệm thế tục tỏ ra ít chuyên chế (hoặc ít lâu dài) hơn so với mệnh lệnh tôn giáo. Theo thời gian, Ki-tô giáo đã trở thành một khái niệm triết học và lịch sử, chứ không phải là một nguyên tắc hành động có tính chiến lược hay trật tự quốc tế. Quá trình này được thuận lợi vì thế giới Ki-tô giáo có nguồn gốc từ sự phân biệt giữa “những gì thuộc về Caesar” và “những gì thuộc về Thiên Chúa,” cho phép một sự tiến triển ngẫu nhiên hướng về tính đa nguyên, các chính sách đối ngoại dựa vào nền tảng thế tục bên trong hệ thống quốc tế trên cơ sở chủ quyền quốc gia, như chúng ta đã thấy ở hai chương trước. Quá trình này cũng được những hoàn cảnh ngẫu nhiên thúc đẩy, trong số đó là sự thiếu hấp dẫn tương đối của một vài khái niệm thập tự chinh hiện đại được kêu gọi để thay thế sự nhiệt tình tôn giáo, như chủ nghĩa cộng sản Xô-viết ra sức tuyên truyền cách mạng thế giới, hoặc chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủng tộc.

Sự tiến hóa trong thế giới Hồi giáo phức tạp hơn thế. Các giai đoạn nhất định đã truyền cảm hứng cho những hy vọng về một sự hội tụ các phương cách tiếp cận. Mặt khác, vào những năm 1920 gần đây, một tuyến kế thừa chính trị trực tiếp từ Đấng Tiên tri Muhammad vẫn được Đế quốc Ottoman khẳng định như một thực tế hành động của thuật trị quốc ở Trung Đông. Kể từ khi Đế quốc này sụp đổ, phản ứng ở các nước Hồi giáo chủ chốt đã bị chia rẽ giữa những người trước đây tìm cách bước vào trật tự quốc tế đại kết mới dựa trên chủ quyền quốc gia như là những thành viên quan trọng – tôn trọng triệt để những niềm tin tôn giáo được cảm nhận sâu sắc nhưng tách chúng khỏi các câu hỏi của chính sách đối ngoại – với những người tự coi mình tham gia vào một trận chiến về việc thừa kế thẩm quyền phổ quát theo cách giải thích nghiêm ngặt về khái niệm trật tự thế giới trong Hồi giáo truyền thống.

Hơn 90 năm qua, đại diện cho những người ủng hộ mỗi quan điểm này là một số nhân vật nổi tiếng của thời đại, trong đó có cả một vài chính khách nhìn xa trông rộng nhất và những kẻ độc tài tôn giáo đáng sợ nhất của thế kỷ. Các cuộc đối đầu giữa họ không chấm dứt; dưới một số chính quyền Trung Đông, các tín đồ tin vào các trật tự phổ quát dựa trên chủ quyền quốc gia và dựa trên đức tin cùng tồn tại, cho dù đôi khi gượng gạo. Đối với nhiều tín đồ của nó, đặc biệt trong giai đoạn Hồi giáo trỗi dậy – hệ tư tưởng hiện đại tìm cách áp đặt thánh kinh của Hồi giáo như là quan tòa trung tâm trong đời sống cá nhân, chính trị và quốc tế – thế giới Hồi giáo vẫn ở trong tình trạng đối đầu không thể tránh được với thế giới bên ngoài.

Trong hệ thống Hồi giáo thời kỳ đầu, các hiệp ước không xâm lấn với các xã hội phi Hồi giáo là chấp nhận được. Theo hệ thống luật pháp truyền thống, những hiệp ước này là những thỏa thuận thực tế có thời hạn nhất định, cho phép phía Hồi giáo tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa trong khi tập hợp sức mạnh và sự gắn kết. Dựa trên một tiền lệ do nhà nước Hồi giáo buổi đầu lập ra khi bước vào thời kỳ ngừng giao chiến với kẻ thù mà cuối cùng bị nó chinh phạt, những hiệp ước này bị giới hạn về thời gian cụ thể, lên đến 10 năm, và có thể được gia hạn khi cần thiết.Trên tinh thần đó, trong những thế kỷ đầu tiên của lịch sử Hồi giáo, “các phán quyết pháp lý Hồi giáo quy định một hiệp ước không thể vô hạn định, vì nó sẽ ngay lập tức vô hiệu khi các tín đồ Hồi giáo trở nên có khả năng chiến đấu với kẻ thù.”

Điều mà những hiệp ước này không hàm ý là một hệ thống vĩnh viễn, trong đó quốc gia Hồi giáo sẽ tương tác trên cơ sở bình đẳng với các quốc gia có chủ quyền không theo Hồi giáo: “Các cộng đồng dar al-harb được coi như đang trong một “trạng thái tự nhiên” vì họ thiếu năng lực pháp lý để tham gia vào mối quan hệ với Hồi giáo trên cơ sở bình đẳng và có đi có lại do không phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý.” Vì theo quan điểm này, các nguyên tắc trong nước của một quốc gia Hồi giáo được ban hành là thiêng liêng, còn các chủ thể chính trị phi Hồi giáo là không chính danh; họ không bao giờ có thể được các quốc gia Hồi giáo chấp nhận như những đối tác thật sự bình đẳng. Một trật tự thế giới hòa bình phụ thuộc vào khả năng hình thành và mở rộng một chủ thể Hồi giáo đơn nhất, chứ không dựa trên một trạng thái cân bằng của các bộ phận cạnh tranh lẫn nhau.

Theo phiên bản lý tưởng của thế giới quan này, sự truyền bá hòa bình và công lý ở Hồi giáo là một quá trình một chiều và không thể đảo ngược. Việc mất các vùng đất vốn đã được nhập vào dar al-Islam không bao giờ có thể được chấp nhận như là mãi mãi, vì điều này sẽ thực sự phủ nhận di sản về đức tin phổ quát. Quả thực, lịch sử từng ghi nhận là không có một sự nghiệp chính trị nào khác lại lan truyền với những kết quả không lay chuyển được như vậy. Theo thời gian, một phần các vùng lãnh thổ đạt được trong giai đoạn bành trướng của Hồi giáo trên thực tế thoát khỏi sự kiểm soát chính trị của Hồi giáo, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Sicily, miền Nam Italy, các nước vùng Balkans (giờ đây gồm nhiều mảnh đất Hồi giáo chắp vá và chủ yếu là các vùng đất Chính Thống giáo), Hy Lạp, Armenia, Georgia, Israel, Ấn Độ, miền Nam nước Nga, và các vùng miền Tây Trung Quốc. Tuy nhiên, đa số đáng kể các vùng lãnh thổ bị hợp nhất trong làn sóng bành trướng đầu tiên của Hồi giáo, ngày nay vẫn thuộc Hồi giáo.

Không một xã hội đơn lẻ nào từng có được sức mạnh, không một lãnh đạo nào từng có được sự kiên cường, và không một đức tin nào từng có được động năng như vậy, để có thể bền bỉ áp đặt mệnh lệnh của nó trên khắp thế giới. Sự phổ quát đã tỏ ra lảng tránh đối với bất kỳ kẻ chinh phạt nào, kể cả Hồi giáo. Khi Đế quốc Hồi giáo thời kỳ đầu bành trướng, nó cuối cùng bị chia nhỏ thành nhiều trung tâm quyền lực khác nhau. Một cuộc khủng hoảng về người kế vị sau cái chết của Muhammad đã dẫn đến một sự chia rẽ giữa các hệ phái Sunni và Shia của Hồi giáo, một sự chia rẽ minh định trong thế giới Hồi giáo đương thời. Trong bất kỳ sự nghiệp chính trị mới nào cũng luôn đầy câu hỏi về quyền kế vị; nơi nhà lãnh đạo sáng lập cũng được coi là “Ấn ký của các Đấng Tiên tri,” sứ giả sau cùng của Thượng đế, khiến cuộc tranh cãi có lúc trở nên mang tính chính trị và thần học. Sau sự qua đời của Muhammad vào năm 632, một hội đồng trưởng lão bộ tộc đã chọn cha vợ Abu Bakr của ông là người kế vị, hay caliph, là nhân vật có khả năng tốt nhất để duy trì sự thống nhất và hài hòa trong cộng đồng Hồi giáo còn non trẻ. Một số ít cho rằng vấn đề này không nên được đưa vào một cuộc bỏ phiếu mà ở đó con người có thể sai lầm, và quyền năng đó nên được tự động trao cho quan hệ máu mủ gần nhất của Đấng Tiên tri, người anh họ Ali của ông – một trong những người đầu tiên cải đạo theo Hồi giáo và là chiến binh anh hùng mà Muhammad đã đích thân lựa chọn.

Các phe phái này cuối cùng tự lập thành hai hệ phái chính của Hồi giáo. Với những người ủng hộ Abu Bakr và những người kế vị trực tiếp của ông, mối quan hệ của Muhammad với Thượng đế là duy nhất và cuối cùng; nhiệm vụ chủ yếu của vương triều Hồi giáo này là bảo tồn những gì Muhammad đã mặc khải và lập nên. Họ trở thành những người theo hệ phái Sunni, viết tắt của “những người theo truyền thống và sự đồng thuận.” Với Đảng của Ali – Shiite-Ali (hay Shia) – việc quản lý xã hội Hồi giáo mới này cũng là một nhiệm vụ tâm linh liên quan đến một yếu tố bí truyền. Theo quan điểm của họ, người Hồi giáo có thể được đưa vào mối quan hệ đúng đắn với sự mặc khải của Muhammad chỉ khi họ được hướng dẫn trực tiếp bởi những cá nhân có năng khiếu tâm linh và là hậu duệ của Đấng Tiên tri và Ali, “người được ủy thác” những ý nghĩa ẩn giấu bên trong của tôn giáo này. Khi Ali, cuối cùng lên nắm quyền như là vị caliph thứ tư, bị những kẻ nổi loạn thách thức và bị một đám đông giết hại, những người theo hệ phái Sunni coi nhiệm vụ trung tâm là lập lại trật tự trong Hồi giáo và hậu thuẫn phe phái có thể tái lập sự ổn định. Những người Shia công khai chỉ trích những nhà cầm quyền mới này như là những kẻ tiếm quyền không chính danh, và tôn vinh những người tử vì đạo đã thiệt mạng khi chống đối. Những quan điểm chung này sẽ thịnh hành trong nhiều thế kỷ.

Các đối thủ tranh giành địa chính trị làm phức tạp thêm sự khác biệt về giáo lý. Theo thời gian, các khu vực tách biệt Ả-rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, và Mông Cổ nảy sinh, mỗi khu vực về mặt lý thuyết tôn trọng cùng một trật tự Hồi giáo toàn cầu, nhưng ngày càng hành xử như là những chế độ quân chủ đối địch với những lợi ích riêng biệt và cách lý giải khác nhau về đức tin của họ. Trong một số trường hợp, bao gồm phần lớn thời kỳ Đế quốc Mông Cổ[85] ở Ấn Độ, những lý giải này bao gồm một phương cách tiếp cận tương đối đại kết, thậm chí nhấn mạnh sự khoan dung và hợp nhất với các tôn giáo khác, và ưu tiên chính sách đối ngoại thực dụng dựa trên những mệnh lệnh giáo phái. Khi được các lực lượng theo hệ phái Sunni khẩn cầu tiến hành thánh chiến chống lại Iran theo hệ phái Shia, Đế quốc Mông Cổ Ấn Độ do dự, nêu lý do tình giao hảo truyền thống và việc thiếu vắng một lý do tuyên chiến.

Cuối cùng, dự án thế giới của Hồi giáo đã bị mất đà khi làn sóng bành trướng đầu tiên của Hồi giáo bị đảo ngược ở châu Âu. Các trận đánh tại Poitiers và Tours ở Pháp vào năm 732 đã kết thúc chuỗi những cuộc tiến quân chưa từng bị đánh bại của các lực lượng Hồi giáo Ả-rập và Bắc Phi. Trong bốn thế kỷ, phòng thủ của Đế quốc Đông La Mã ở vùng Tiểu Á và Đông Âu đã duy trì một lằn ranh mà phía sau đó phương Tây bắt đầu phát triển những ý tưởng hậu La Mã của riêng nó về trật tự thế giới. Những khái niệm phương Tây bắt đầu được phóng chiếu vào các vùng lãnh thổ dưới sự cai trị của Hồi giáo, khi các chiến binh của Đế quốc Đông La Mã tạm thời hành quân trở lại Trung Đông. Các cuộc Thập tự chinh – những cuộc đánh chiếm do các hội hiệp sĩ Ki-tô giáo dẫn dắt tiến vào Đất Thánh lịch sử mà Hồi giáo đã hợp nhất trong thế kỷ 7 – giành lại Jerusalem vào năm 1099 và thiết lập ở đó một vương quốc trụ vững trong gần hai thế kỷ. Các reconquista[86] (tái chinh phạt) Ki-tô giáo của Tây Ban Nha đã kết thúc với sự sụp đổ của Granada, thành trì Hồi giáo cuối cùng trên Bán đảo này, vào năm 1492, đẩy biên giới phía tây của Hồi giáo trở lại Bắc Phi.

Vào thế kỷ 13, ước mơ về một trật tự toàn cầu xuất hiện trở lại. Một đế quốc Hồi giáo mới do những người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, tín đồ của nhà chinh phạt Osman, mở mang quốc gia Anatolia một thời bé nhỏ của họ thành một cường quốc đáng sợ có khả năng thách thức, và sau cùng thay thế những tàn tích cuối cùng của Đế quốc Đông La Mã. Họ bắt đầu xây dựng một đế quốc kế vị các vương triều Hồi giáo vĩ đại của những thế kỷ trước. Tự tạo phong cách như những nhà lãnh đạo của một thế giới Hồi giáo thống nhất, họ bành trướng theo mọi hướng bằng các cuộc xung đột nhân danh thánh chiến, đầu tiên vào khu vực Balkans. Năm 1453, họ đã chinh phục Constantinople (Istanbul), kinh đô của Đế quốc Đông La Mã, hai bên bờ Eo biển Bosphorus[87]; sau đó di chuyển về phía nam và phía tây vào Bán đảo Ả-rập, Lưỡng Hà, Bắc Phi, Đông Âu, và Caucasus, trở thành cường quốc chi phối vùng duyên hải ở phía đông Địa Trung Hải. Cũng như Đế quốc Hồi giáo thời kỳ đầu, người Ottoman coi sứ mệnh chính trị của họ là phổ quát, duy trì “trật tự của thế giới”; các vị sultan tuyên bố mình là “Cái bóng của Thượng đế trên Trái đất” và là “nhà cai trị toàn cầu, người bảo vệ thế giới.”

Như các tiền thân của nó từ một nửa thiên niên kỷ trước, Đế quốc Ottoman tiếp xúc với các quốc gia Tây Âu khi nó bành trướng về phía tây. Sự khác biệt giữa những gì sau này được thể chế hóa như là hệ thống châu Âu đa cực, với khái niệm của người Ottoman về một đế chế phổ quát duy nhất, đã dẫn đến đặc điểm phức tạp trong những mối tương tác của họ. Người Ottoman từ chối chấp nhận các quốc gia châu Âu là chính danh hay ngang hàng. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề của giáo lý Hồi giáo, nó còn phản ánh một sự phán xét về thực tế những mối quan hệ cường quốc, vì Đế quốc Ottoman có lãnh thổ lớn hơn tất cả các quốc gia Tây Âu kết hợp lại, và trong nhiều thập kỷ có lực lượng quân sự mạnh hơn bất kỳ liên minh nào có thể có được.

Trong bối cảnh này, các tài liệu chính thức của Ottoman đặt các vị vua châu Âu ở một thứ hạng ngoại giao thấp hơn Sultan, người trị vì của Đế quốc Ottoman; tương đương với tể tướng, hay thủ tướng của ông ta. Tương tự, người Ottoman cho phép các sứ thần châu Âu cư trú ở Constantinople trong vị thế của kẻ đi xin. Các thỏa thuận được đàm phán với các sứ thần này được dự thảo không phải như những hiệp ước song phương, mà là những ban phát đặc quyền đơn phương và có thể bị tùy ý hủy bỏ bởi một Sultan cao quý.

Khi người Ottoman đã đạt đến giới hạn năng lực quân sự của họ, cả hai bên đôi khi thấy mình bị lôi kéo vào những liên kết vì lợi thế chiến thuật. Những lợi ích chiến lược và thương mại đôi khi lảng tránh giáo lý tôn giáo.

Năm 1526, cho rằng mình bị bao vây bởi lực lượng Habsburg ở Tây Ban Nha về phía nam và Đế quốc La Mã Thần thánh do nhà Habsburg lãnh đạo về phía đông, Pháp đã đề xuất một liên minh quân sự với Sultan Suleiman Lộng lẫy của Đế quốc Ottoman. Đây là khái niệm chiến lược tương tự đã khiến nước Pháp Thiên Chúa giáo 100 năm sau liên kết với người Tin Lành trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm. Xem sức mạnh nhà Habsburg như là trở ngại chính cho tham vọng Ottoman ở Đông Âu, Suleiman thiện ý phản hồi lại, dù ông coi Vua Francis I của Pháp như là một đối tác cấp dưới không thể nhầm lẫn. Ông không đồng ý với một liên minh mà trong đó ngụ ý một sự bình đẳng về phẩm trật; thay vào đó, ông ban phát sự hỗ trợ của mình như một hành động đơn phương từ trên xuống:

Ta – Sultan của các Sultan, vua của các vua, người ban phát vương miện cho các quốc vương trên mặt đất, cái bóng của Thượng đế trên Trái Đất, Sultan và chúa tể tối cao của Biển Trắng và Biển Đen, của Rumelia và Anatolia, của Karamania... Gửi tới ngươi là Francis, vua của đất Pháp.

Ngươi đã gửi đến Porte của ta, nơi ẩn náu của các vị vua, một lá thư... trong đó yêu cầu viện trợ và quân cứu viện để giải cứu ngươi... Hãy can đảm, và đừng lo sợ. Những người tiền nhiệm vinh quang và tổ tiên lừng lẫy của chúng ta (Cầu cho Thượng đế chiếu sáng trên mộ của họ!) chưa bao giờ ngừng gây chiến để đẩy lui và chinh phục những vùng đất của kẻ thù. Chúng ta đã theo bước chân họ, và lúc nào cũng chinh phục được những tỉnh và thành trì khó tiếp cận, phòng thủ vững chắc. Ngày lẫn đêm, ngựa của chúng ta luôn được đóng yên, kiếm sẵn sàng trong vỏ.

Một hợp tác quân sự cùng hành động đã xuất hiện, bao gồm các hoạt động hải quân chung Ottoman-Pháp chống lại Tây Ban Nha và Bán đảo Italy. Theo những luật chơi tương tự, triều đình Habsburg bỏ qua người Ottoman để mời gọi một liên minh với Triều đại Safavid[88] theo hệ phái Shia ở Ba Tư. Ít nhất trong một thời gian, hoàn cảnh địa chính trị đã bắt buộc phải gạt ý thức hệ sang một bên.

ĐẾ QUỐC OTTOMAN: CON BỆNH CỦA CHÂU ÂU

Những cuộc tấn công của Đế quốc Ottoman vào trật tự Âu châu lại tiếp tục, đáng kể nhất trong đó là cuộc tấn công thành Vienna vào năm 1683. Cuộc bao vây thành Vienna năm đó dù bị đội quân châu Âu do Hoàng tử Eugène xứ Savoy lãnh đạo phá vỡ, nhưng đã đánh dấu đỉnh cao công cuộc bành trướng của Đế quốc Ottoman.

Vào cuối thế kỷ 18 và trong suốt thế kỷ 19, với động lượng ngày càng tăng, các quốc gia châu Âu bắt đầu đảo ngược quá trình này. Đế quốc Ottoman đã dần trở nên xơ cứng khi các phe phái tôn giáo chính thống trong triều đình chống lại hiện đại hóa. Nga gây sức ép chống lại đế quốc này từ phương bắc, hành quân về hướng Biển Đen và tiến vào Caucasus. Nga và Áo tiến vào khu vực Balkans từ phía đông và phía tây, trong khi Pháp và Anh tranh giành ảnh hưởng ở Ai Cập – viên ngọc quý của Đế quốc Ottoman – mà trong thế kỷ 19 đã giành được ở mức độ nhất định quyền tự chủ quốc gia.

Bị chấn động bởi những rối loạn nội bộ, Đế quốc Ottoman bị các cường quốc Tây phương coi là “Con bệnh của châu Âu.” Số phận những vùng đất rộng lớn mà đế quốc này nắm giữ ở khu vực Balkans và Trung Đông, trong đó là các cộng đồng Ki-tô giáo quan trọng có những liên kết lịch sử với phương Tây, đã trở thành “Câu hỏi phương Đông,” và trong hầu hết thế kỷ 19, các cường quốc châu Âu lớn đã cố gắng phân chia các thuộc địa của Đế quốc Ottoman mà không làm xáo trộn sự cân bằng quyền lực của châu Âu. Về phần mình, người Ottoman có sự xoay xở của kẻ yếu khi cố gắng thao túng các lực lượng đối địch nhau để đạt được sự tối đa trong tự do hành động.

Theo cách này, vào cuối thế kỷ 19, Đế quốc Ottoman bước vào cân bằng quyền lực ở châu Âu như là một thành viên tạm thời của trật tự quốc tế theo Hòa ước Westphalia, nhưng với tư cách một cường quốc đang thoái trào không hoàn toàn nắm quyền kiểm soát số phận của mình – một “sức nặng” được tính đến trong việc thiết lập trạng thái cân bằng của châu Âu, nhưng lại không phải là một đối tác đầy đủ trong việc thiết kế ra nó. Anh sử dụng Đế quốc Ottoman để chặn đà tiến quân của Nga về phía các eo biển; Áo liên minh khi thì với Nga, lúc lại với Ottoman để giải quyết các vấn đề Balkans.

Thế chiến I đã chấm dứt sự thao túng thận trọng này. Liên minh với Đức, người Ottoman bước vào cuộc chiến với những lý lẽ được rút ra từ cả hai hệ thống quốc tế – Hòa ước Westphalia và Hồi giáo. Vị Sultan cáo buộc Nga vi phạm vị thế “trung lập vũ trang” của đế quốc này khi tiến hành một “cuộc tấn công phi lý, trái với luật pháp quốc tế,” và cam kết sẽ “tái vũ trang để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của chúng tôi” (một lý do tuyên chiến kiểu Hòa ước Westphalia điển hình). Đồng thời, chức sắc tôn giáo Ottoman cao nhất này tuyên bố “thánh chiến,” cáo buộc Nga, Pháp, và Anh về “những cuộc tấn công chống lại vương triều Hồi giáo vì mục đích tiêu diệt Hồi giáo,” và công bố một sứ mệnh tôn giáo cho “những người theo Đấng Tiên tri Muhammad ở tất cả các nước” (bao gồm cả những nơi dưới sự quản lý của Anh, Pháp, hay Nga) phải “đẩy nhanh sinh mạng và của cải của mình tới Djat [jihad]” nếu không sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ của Thượng đế.”

Thánh chiến đôi khi hướng những sức mạnh vốn có tới những nỗ lực lớn hơn; tuy nhiên, bất kỳ lúc nào nó cũng có thể bị tiêu diệt nếu coi thường những thực tế chiến lược hay chính trị. Động lực của thời đại là bản sắc dân tộc và lợi ích quốc gia, chứ không phải thánh chiến toàn cầu. Người Hồi giáo ở Anh phớt lờ lời kêu gọi thánh chiến; các nhà lãnh đạo Hồi giáo chủ chốt ở Ấn Độ thuộc Anh thay vì thánh chiến thì tập trung vào các hoạt động của phong trào đòi độc lập, thường đại kết trong bản chất và trong quan hệ đối tác với đồng bào theo Hindu giáo. Ở Bán đảo Ả-rập, những khát vọng quốc gia – vốn bài Ottoman – được đánh thức. Những hy vọng của người Đức về sự ủng hộ của toàn thế giới Hồi giáo trong chiến tranh tỏ ra là một điều hão huyền. Năm 1918, sau khi chiến tranh kết thúc, những lãnh thổ trước đây của Đế quốc Ottoman bị lôi kéo vào hệ thống quốc tế theo Hòa ước Westphalia bằng một loạt các cơ chế áp đặt.

HỆ THỐNG THEO HÒA ƯỚC WESTPHALIA VÀ THẾ GIỚI HỒI GIÁO

Được ký với tàn tích của Đế quốc Ottoman sau Thế chiến I, Hòa ước Sèvres[89] năm 1920 một lần nữa coi Trung Đông là vùng đất chắp vá của các quốc gia, một khái niệm mà trước đây chưa hề xuất hiện trong từ vựng chính trị của khu vực này. Một số quốc gia, như Ai Cập và Iran phi Ả-rập, đã có những kinh nghiệm lịch sử trước đó như là đế quốc và thực thể văn hóa. Những quốc gia khác được phát minh như là “ủy trị” của Anh hoặc Pháp, một cách nói nhằm che đậy chủ nghĩa thực dân hay một nỗ lực gia trưởng, ngụ ý những nước này còn non trẻ nên cần sự giám hộ. Hiệp định Sykes-Picot năm 1916 (được đặt theo tên các nhà đàm phán của Anh và Pháp) đã chia Trung Đông thành những vùng ảnh hưởng trên thực tế. Hệ thống ủy trị, như được Hội Quốc Liên thông qua, đã làm cho sự phân chia này có hiệu lực: Syria và Lebanon được giao cho Pháp; Lưỡng Hà, sau này là Iraq, được đặt dưới sự ảnh hưởng của Anh; Palestine và Transjordan trở thành “Palestine ủy trị” của Anh, trải dài từ bờ biển Địa Trung Hải tới Iraq. Mỗi thực thể này chứa đựng nhiều nhóm sắc tộc và dân tộc khác nhau, một số trong đó từng có lịch sử xung đột với nhau. Điều này cho phép các cường quốc ủy trị trị vì một phần bằng cách thao túng những căng thẳng, trong tiến trình sắp đặt nền tảng cho các cuộc chiến tranh và nội chiến sau này.

Với sự lưu tâm tới Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đang đâm chồi (phong trào dân tộc chủ nghĩa Do Thái nhằm thiết lập một quốc gia trong Vùng đất Israel, một phong trào đã có từ trước chiến tranh nhưng trở nên lớn mạnh khi chiến tranh nổ ra), Tuyên bố Balfour năm 1917 của chính quyền Anh – một bức thư từ Bộ trưởng Ngoại giao của Anh tới Huân tước Rothschild – thông báo rằng nước này ủng hộ “việc thành lập ở Palestine một quốc gia quê hương của người Do Thái” trong khi đưa ra sự đảm bảo rằng “ai cũng hiểu rõ là không gì sẽ được thực hiện mà có thể phương hại đến các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng phi Do Thái đang tồn tại.” Anh còn làm phức tạp thêm sự mơ hồ của tuyên bố này khi dường như hứa hẹn cùng lãnh thổ đó cho Sharif[90] của Mecca.

Những sự tái sắp xếp chính thức về quyền lực này thúc đẩy những biến động lớn. Năm 1924, các nhà lãnh đạo thế tục-dân tộc của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ mới được tuyên bố thành lập đã bãi bỏ thể chế chủ yếu của sự hợp nhất toàn Hồi giáo (caliphate) và tuyên bố một nhà nước thế tục. Kể từ đó, thế giới Hồi giáo bị mắc kẹt giữa trật tự quốc tế theo Hòa ước Westphalia của phe chiến thắng và khái niệm giờ đây không thể hiện thực hóa được của dar al-Islam. Với kinh nghiệm ít ỏi, các xã hội Trung Đông bắt đầu định nghĩa lại bản thân như những quốc gia hiện đại, trong phạm vi biên giới mà phần lớn không có nguồn gốc lịch sử.

Sự xuất hiện của nhà nước thế tục phong cách châu Âu này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Ả-rập. Phản ứng đầu tiên của người Ả-rập là điều chỉnh những khái niệm về chủ quyền và vị thế quốc gia độc lập theo mục đích của riêng mình. Những tầng lớp tinh hoa về thương mại và chính trị đã được hình thành từ lâu bắt đầu hoạt động trong khuôn khổ trật tự theo Hòa ước Westphalia và một nền kinh tế toàn cầu; những gì họ yêu cầu là quyền của dân tộc họ được tham gia như những thành viên bình đẳng. Tuyên bố chung của họ là sự độc lập đích thực đối với các tổ chức chính trị đã được thiết lập từ trước, ngay cả những tổ chức mới được xây dựng, chứ không phải một sự lật đổ của trật tự theo Hòa ước Westphalia. Một xu hướng thế tục hóa đã đạt được động lượng trong việc theo đuổi các mục tiêu này, nhưng nó đã không lên đến đỉnh điểm thành một trật tự đa nguyên như ở châu Âu.

Hai xu hướng đối lập xuất hiện. Phong trào “Liên minh các quốc gia Ả-rập” chấp nhận tiền đề của một hệ thống dựa trên nền tảng chủ quyền quốc gia. Nhưng quốc gia mà họ theo đuổi là một quốc gia Ả-rập thống nhất, một chủ thể dân tộc, ngôn ngữ, và văn hóa duy nhất. Ngược lại, phong trào “Hồi giáo mang tính chính trị” nhấn mạnh việc dựa trên tôn giáo chung như là phương tiện tốt nhất cho một bản sắc Ả-rập hiện đại. Những người theo Hồi giáo – trong đó tổ chức Huynh đệ Hồi giáo[91] giờ đây là biểu hiện quen thuộc nhất – thường được sàng lọc từ các thành viên có học vấn cao của tầng lớp trung lưu mới. Nhiều người coi Hồi giáo như là một cách để tham gia vào thời kỳ hậu chiến mà không cần phải từ bỏ các giá trị của họ, để được hiện đại mà không cần phải trở thành phương Tây.

Cho tới Thế chiến II, các cường quốc châu Âu vẫn đủ mạnh để duy trì trật tự khu vực mà họ đã thiết kế cho Trung Đông sau những hậu quả của Thế chiến I. Sau đó, khả năng của các cường quốc châu Âu trong việc kiểm soát quần chúng ngày càng bất ổn đã không còn. Mỹ nổi lên như ảnh hưởng chính từ bên ngoài. Trong những năm 1950 và 1960, các chính phủ phần nào phong kiến và quân chủ ở Ai Cập, Iraq, Syria, Yemen, và Libya bị các nhà lãnh đạo quân sự của họ, những người muốn thiết lập chính quyền thế tục, lật đổ.

Những nhà cai trị mới, thường được lựa chọn từ các bộ phận quần chúng từ trước đến nay bị loại khỏi quá trình chính trị, tiến hành thu hút quần chúng ủng hộ bằng những lời kêu gọi dân tộc chủ nghĩa. Văn hóa chính trị theo chủ nghĩa dân túy, mặc dù không hề dân chủ, bắt đầu ăn sâu bám rễ trong khu vực: Gamal Abdel Nasser, nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân túy đầy lôi cuốn của Ai Cập giai đoạn 1954-1970, và người kế nhiệm ông là Anwar al-Sadat, từ lai lịch tỉnh lẻ đã vươn lên nắm quyền. Ở Iraq, Saddam Hussein, với nguồn gốc khiêm tốn tương tự, thi hành một phiên bản quản lý quân sự thế tục còn cực đoan hơn: cai trị bằng sự hăm dọa và hành động tàn bạo từ đầu những năm 1970 (ban đầu là người thiên về bạo lực chính trị trên thực tế, sau đó là Tổng thống bắt đầu từ năm 1979) đến năm 2003, ông ta đã tìm cách gieo rắc sự kinh hoàng tột độ trong khu vực với sự hiếu chiến của mình. Cả Hussein và đồng minh ý thức hệ của ông ta, Hafez al-Assad ranh mãnh và tàn nhẫn của Syria, thừa nhận chủ nghĩa dân tộc toàn Ả-rập để từ đó thừa nhận giáo phái thiểu số của mình có quyền cai trị đông đảo quần chúng (trớ trêu thay, thường ở hướng đối lập – với người theo hệ phái Sunni cai trị người theo hệ phái Shia chiếm đa số ở Iraq, và người thuộc chi Alawite gần như theo hệ phái Shia cai trị người theo hệ phái Sunni chiếm đa số ở Syria). Một cảm giác về vận mệnh quốc gia chung đã hình thành như là sự thay thế cho tầm nhìn Hồi giáo.

Nhưng di sản Hồi giáo nhanh chóng tự tái khẳng định. Các nhóm Hồi giáo kết hợp giữa sự phê phán việc có quá nhiều những nhà lãnh đạo thế tục và lại còn bị thất bại, với những lý lẽ dựa trên kinh thánh về sự cần thiết có một sự cai trị được sự soi dẫn thiên thượng, ủng hộ việc thành lập một nền chính trị thần quyền toàn Hồi giáo thay thế các quốc gia hiện tại. Họ phỉ báng cả phương Tây cũng như Liên Xô; nhiều kẻ yểm trợ cho quan điểm của mình bằng những hành động khủng bố đầy tính cơ hội. Những nhà cai trị quân sự phản ứng gay gắt, đàn áp phong trào chính trị Hồi giáo, buộc tội phá hoại sự đoàn kết dân tộc và tiến trình hiện đại hóa.

Theo lý lẽ ngày nay, thời đại này là không lý tưởng hóa. Các chính phủ quân đội, quân chủ, và độc tài khác ở Trung Đông coi bất đồng chính kiến như sự nổi loạn, để lại ít không gian cho sự phát triển của xã hội dân sự hay văn hóa đa nguyên, một khiếm khuyết sẽ ám ảnh khu vực này khi bước vào thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc chuyên chế, một quá trình điều chỉnh tạm thời với trật tự quốc tế hiện đại đang hình thành. Một số nhà cai trị tham vọng hơn như Nasser và Saddam Hussein đã cố gắng mở rộng lãnh thổ của họ, hoặc bằng vũ lực hoặc thông qua những lời kêu gọi mị dân về một Ả-rập thống nhất. Liên minh ngắn ngủi giữa Ai Cập và Syria trong ba năm 1958-1961 phản ánh một nỗ lực như vậy. Nhưng những nỗ lực này đã thất bại, vì các quốc gia Ả-rập đang trở nên bảo vệ quá mức di sản tổ tiên của mình nên không thể nhận chìm nó vào một dự án hợp nhất chính trị rộng lớn hơn. Vì vậy, cơ sở chung cuối cùng của chính sách đối với các nhà cai trị quân sự là quốc gia và chủ nghĩa dân tộc, mà phần lớn tiếp giáp với các biên giới đã được thiết lập.

Trong bối cảnh này, họ tìm cách khai thác sự đối địch của các cường quốc Chiến tranh Lạnh để tăng cường ảnh hưởng của mình. Từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, Liên Xô là phương tiện để họ gây áp lực với Mỹ. Nước này trở thành nhà cung cấp vũ khí và ủng hộ ngoại giao chính cho các quốc gia Ả-rập dân tộc chủ nghĩa, đến lượt mình các quốc gia này thường ủng hộ các mục tiêu quốc tế của Liên Xô. Các nhà độc tài quân sự tự nhận là có lòng trung thành chung chung với “chủ nghĩa xã hội Ả-rập” và ngưỡng mộ mô hình kinh tế của Liên Xô, nhưng trong hầu hết trường hợp, nền kinh tế vẫn duy trì truyền thống gia trưởng và tập trung vào các ngành công nghiệp đơn lẻ do những nhà kỹ trị điều hành. Như các chế độ quan niệm, động lực quan trọng hơn là lợi ích quốc gia, chứ không phải ý thức hệ chính trị hay tôn giáo.

Về tổng thể, các mối quan hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa thế giới Hồi giáo và phi Hồi giáo đi theo phương cách tiếp cận cơ bản của Hòa ước Westphalia dựa trên sự cân bằng quyền lực. Ai Cập, Syria, Algeria, và Iraq nói chung ủng hộ các chính sách của Liên Xô và theo sự hướng đạo của Liên Xô. Jordan, Ả-rập Saudi, Iran, và Morocco thân thiện với Mỹ và dựa vào sự yểm trợ của Mỹ đối với an ninh của họ. Ngoại trừ Ả-rập Saudi, tất cả các quốc gia này do các nhà nước thế tục quản lý, dù một số dựa trên những hình thức quân chủ truyền thống nhuốm màu tôn giáo để có được tính chính danh chính trị, về bề ngoài theo nguyên tắc quản lý nhà nước dựa trên lợi ích quốc gia. Sự phân biệt căn bản là ở chỗ các nước nhận thấy lợi ích của họ đạt được bằng cách liên kết với một siêu cường nhất định.

Trong giai đoạn 1973-1974, sự liên kết này đã thay đổi. Tin rằng Liên Xô chỉ có thể cung cấp vũ khí chứ không phải một tiến bộ ngoại giao để tiến tới việc giành lại Bán đảo Sinai khỏi sự chiếm đóng của Israel (Israel đã chiếm Bán đảo này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày[92] năm 1967), Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat đã đổi phe. Từ đó trở đi, Ai Cập hoạt động như là một đồng minh của Mỹ trên thực tế; an ninh của nước này dựa vào vũ khí của Mỹ, chứ không phải của Liên Xô. Syria và Algeria chuyển đến vị trí giữ khoảng cách xa như nhau giữa hai phe trong Chiến tranh Lạnh. Vai trò của Liên Xô trong khu vực đã suy giảm nghiêm trọng.

Một vấn đề ý thức hệ thống nhất quan điểm của cả thế giới Ả-rập là sự xuất hiện của Israel như một nước có chủ quyền và là mảnh đất quê hương của những người Do Thái được quốc tế công nhận. Sự phản đối của thế giới Ả-rập đối với viễn cảnh đó đã dẫn đến bốn cuộc chiến tranh trong các năm 1948, 1956, 1967, và 1973. Trong mỗi cuộc chiến này, vũ khí của Israel đều thắng thế.

Trên thực tế, sự chuyển đổi dựa trên lợi-ích-quốc-gia của Sadat sang quỹ đạo chống Liên Xô đã mở ra một thời kỳ ngoại giao căng thẳng dẫn đến hai thỏa thuận không can thiệp giữa Ai Cập và Israel và một thỏa thuận hòa bình với Israel vào năm 1979. Ai Cập bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả-rập. Sadat bị phỉ báng và cuối cùng bị ám sát. Tuy nhiên, những hành động dũng cảm của ông được nhiều người noi theo khi sẵn sàng tìm sự điều chỉnh tương tự với nhà nước Do Thái. Năm 1974, Syria và Israel ký kết một thỏa thuận không can thiệp để xác định và bảo vệ các tiền tuyến quân sự giữa hai nước. Sự sắp đặt này đã được duy trì trong bốn thập kỷ, đi qua các cuộc chiến tranh và khủng bố, và thậm chí cả trong sự hỗn loạn của cuộc nội chiến Syria. Jordan và Israel thi hành sự kiềm chế lẫn nhau, cuối cùng lên đến đỉnh điểm là một thỏa thuận hòa bình. Trên bình diện quốc tế, các chế độ độc tài chuyên chế của Syria và Iraq vẫn tiếp tục ngả về phía Liên Xô, nhưng trong từng trường hợp vẫn để ngỏ cho việc ủng hộ các chính sách khác. Đến cuối những năm 1970, các cuộc khủng hoảng Trung Đông bắt đầu có vẻ ngày càng giống các cuộc khủng hoảng Balkans vào thế kỷ 19, các quốc gia hạng hai thao túng sự đối địch giữa các cường quốc thống trị nhân danh các mục tiêu quốc gia riêng của họ.

Tuy nhiên, liên kết ngoại giao với Mỹ cuối cùng không thể giải quyết được vấn đề nan giải mà các chế độ độc tài quân sự dân tộc chủ nghĩa phải đối mặt. Liên kết với Liên Xô đã không thúc đẩy các mục tiêu chính trị, liên kết với Mỹ đã không xoa dịu những thách thức xã hội. Những chế độ độc tài này đã giành được sự độc lập đáng kể từ sự cai trị thực dân và có khả năng thao túng giữa các trung tâm quyền lực chính của Chiến tranh Lạnh. Nhưng tiến bộ kinh tế của họ đã quá chậm chạp, và sự tiếp cận đối với các lợi ích của nó rất không đồng đều để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, trong nhiều trường hợp vấn đề còn trầm trọng hơn khi mà sự thịnh vượng từ nguồn tài nguyên năng lượng làm cho ngân sách quốc gia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu lửa, và một văn hóa kinh tế không thuận lợi đối với đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa. Hơn tất cả, kết thúc đột ngột của Chiến tranh Lạnh làm suy yếu vị thế mặc cả của những quốc gia này và khiến họ trở nên không cần thiết về mặt chính trị. Họ đã không học được cách để huy động quần chúng, và trong trường hợp nếu không có một kẻ thù ngoại bang hay khủng hoảng quốc tế thì phải ngày càng coi mục tiêu của nhà nước không phải là chính nó mà là nghĩa vụ cải thiện đời sống của quần chúng.

Kết quả là, những tầng lớp tinh hoa thấy mình có nghĩa vụ đấu tranh với những bất mãn trong nước như làn sóng thủy triều trào dâng đang thách thức tính chính danh của họ. Những nhóm cực đoan hứa hẹn thay thế hệ thống hiện tại ở Trung Đông bằng một trật tự Trung Đông dựa trên tôn giáo phản ánh hai cách tiếp cận phổ quát khác biệt về trật tự thế giới: phiên bản dòng Sunni theo cách của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo có phạm vi hoạt động rộng lớn trong khu vực được thành lập năm 1928, Hamas[93] – phong trào cấp tiến đã nắm quyền ở Gaza năm 2007, và phong trào khủng bố toàn cầu al-Qaeda; phiên bản dòng Shia qua cuộc cách mạng Khomeini và nhánh của nó, tổ chức Hezbollah[94] “nhà nước trong nhà nước” của người Lebanon. Tuy xung đột bạo lực với nhau, các tổ chức này lại thống nhất trong cam kết về việc phá bỏ trật tự khu vực hiện tại và xây dựng lại nó như một hệ thống được sự soi dẫn thiên thượng.

HỒI GIÁO: THỦY TRIỀU CÁCH MẠNG – HAI LÝ GIẢI TRIẾT HỌC[95]

Mùa xuân năm 1947, Hassan al-Banna – một thợ đồng hồ, thầy giáo, và nhà hoạt động tôn giáo tự học, đọc sâu biết rộng người Ai Cập – gửi một bài phê bình các thể chế Ai Cập tới Vua Farouk của Ai Cập dưới tiêu đề “Hướng tới Ánh sáng.” Bài viết đề xuất về một sự thay thế của Hồi giáo đối với quốc gia thế tục này. Bằng những ngôn từ lịch sự có học và mang tính bao quát, al-Banna vạch ra những nguyên tắc và nguyện vọng của Xã hội Ai Cập của Huynh đệ Hồi giáo (thường được biết đến như là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo), tổ chức được ông thành lập vào năm 1928 để chống lại những gì ông cho là tác động suy đồi của ảnh hưởng ngoại bang và cách sống thế tục.

Từ những ngày đầu thành lập như một tập hợp không chính thức của những người Hồi giáo mộ đạo bị đánh đuổi bởi sự thống trị của Anh ở Khu vực Kênh đào Suez của Ai Cập, tổ chức Huynh đệ của al-Banna đã phát triển thành một mạng lưới hoạt động xã hội và chính trị toàn quốc, với hàng chục ngàn thành viên và chi nhánh ở mọi thành phố của Ai Cập, cùng một mạng lưới tuyên truyền mạnh nhằm truyền bá những bình luận của ông về các sự kiện hiện tại. Tổ chức này đã giành được sự tôn trọng trong khu vực khi nó hỗ trợ cuộc nổi dậy chống Anh nhưng thất bại giai đoạn 1937-1939, cuộc Cách mạng Ả-rập chống Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ở Palestine ủy trị của Anh. Tổ chức này cũng đã bị chính quyền Ai Cập đặt vào tầm kiểm soát.

Bị cấm tham gia trực tiếp vào chính trị Ai Cập nhưng vẫn là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất ở Ai Cập, al-Banna giờ đây tìm cách chứng minh tầm nhìn của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bằng một tuyên bố công khai gửi đến quốc vương Ai Cập. Than thở rằng Ai Cập và khu vực đã trở thành con mồi trước sự thống trị của ngoại bang và sự mục nát đạo đức từ bên trong, ông tuyên bố thời điểm cho một sự đổi mới đã đến.

Al-Banna khẳng định, phương Tây “từng sáng chói, rực rỡ nhờ ưu thế của lý tưởng khoa học trong một thời gian dài… giờ đang suy đồi và suy tàn. Nền móng của nó đang đổ nát, các thể chế và nguyên tắc hướng dẫn của nó đang đổ vỡ.” Các cường quốc phương Tây đã mất quyền kiểm soát trật tự thế giới riêng của họ: “Các đại hội của họ thất bại, các hiệp ước của họ bị phá vỡ, và các giao ước của họ bị xé thành từng mảnh.” Hội Quốc Liên, dự định để giữ hòa bình, là “một ảo tưởng.” Mặc dù không sử dụng những thuật ngữ này, nhưng al-Banna lập luận rằng trật tự thế giới theo Hòa ước Westphalia đã mất cả tính chính danh lẫn quyền lực của nó. Và ông tuyên bố rõ ràng rằng cơ hội để tạo ra một trật tự thế giới mới dựa trên nền tảng Hồi giáo đã đến. “Cách thức của Hồi giáo đã được thử nghiệm từ trước,” ông lập luận, và “lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của nó.” Nếu một xã hội tự cống hiến cho một tiến trình “trọn vẹn và toàn diện” nhằm khôi phục các nguyên tắc ban đầu của Hồi giáo và xây dựng trật tự xã hội mà Kinh Quran miêu tả là “quốc gia Hồi giáo trong tổng thể” – nghĩa là tất cả người Hồi giáo trên toàn cầu – “sẽ ủng hộ chúng ta”; “sự thống nhất Ả-rập” và cuối cùng là “sự thống nhất toàn Hồi giáo” sẽ đến.

Một trật tự thế giới Hồi giáo được khôi phục liên quan đến hệ thống quốc tế hiện đại sẽ được xây dựng quanh các quốc gia như thế nào? Al-Banna lập luận, một người Hồi giáo đích thực có lòng trung thành hướng tới nhiều lĩnh vực đan xen nhau, mà trên đỉnh của chúng là một hệ thống Hồi giáo thống nhất có tầm ảnh hưởng cuối cùng sẽ bao trùm toàn bộ thế giới. Quê hương của ông đầu tiên là một “đất nước cụ thể,” “sau đó mở rộng đến các nước Hồi giáo khác, vì tất cả đều là một tổ quốc và nơi ở cho những người Hồi giáo”; sau đó tiến tới một “Đế quốc Hồi giáo” dựa trên mô hình do các bậc tiền bối mộ đạo dựng lên, vì “người Hồi giáo sẽ được hỏi trước mặt Thượng đế” những gì anh ta đã làm “để khôi phục lại đế quốc này.” Vòng tròn cuối cùng là toàn cầu: “Sau đó, tổ quốc của người Hồi giáo mở mang tới khi bao trùm toàn bộ thế giới. Anh không nghe thấy những lời của Thượng đế (Chân phước và Toàn năng!) sao: ‘Chiến đấu cho đến khi không còn sự đàn áp và sự tôn thờ được dâng đến Thượng đế’?”

Nơi nào có thể, nơi đó cuộc chiến này sẽ được thực hiện từng bước và trong hòa bình. Đối với những người phi Hồi giáo, miễn là họ không phản đối phong trào này và có sự tôn trọng thích đáng dành cho nó, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thời gian đầu khuyên nên “bảo vệ,” “ôn hòa và công bằng sâu xa.” Những người nước ngoài được đối xử với sự “an lạc và cảm thông, miễn là họ cư xử với sự thẳng thắn và chân thành.” Do đó, chỉ là “sự tưởng tượng thuần túy” khi cho rằng việc thực hiện “các thể chế Hồi giáo trong cuộc sống hiện đại của chúng ta sẽ tạo ra sự bất hòa giữa chúng ta và các quốc gia phương Tây.”

Sự ôn hòa được al-Banna khuyên bảo là chiến thuật và nỗ lực đến mức nào để tìm kiếm sự chấp nhận trong một thế giới vẫn còn bị phương Tây chi phối? Lời kêu gọi thánh chiến được trù tính đến mức nào để thu hút sự ủng hộ ở những khu Hồi giáo truyền thống? Bị ám sát vào năm 1949, al-Banna không có đủ thời gian để giải thích chi tiết cách dung hòa tham vọng cách mạng trong kế hoạch biến đổi thế giới của ông với các nguyên tắc mà ông theo đuổi về sự khoan dung và tình bằng hữu giữa các nền văn minh.

Sự mơ hồ nhiều ý nghĩa còn phảng phất trong những lời của al-Banna, nhưng ghi chép của nhiều nhà tư tưởng Hồi giáo và các phong trào kể từ đó đã lý giải chúng theo hướng ủng hộ một sự từ chối cơ bản về chủ nghĩa đa nguyên và trật tự quốc tế thế tục. Lý giải của học giả tôn giáo và nhà tư tưởng của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Sayyid Qutb có lẽ là phiên bản có ảnh hưởng nhất và được tìm đọc nhiều nhất về quan điểm này. Năm 1964, trong khi bị giam giữ về tội tham gia vào một âm mưu ám sát Tổng thống Ai Cập Nasser, Qutb đã viết Milestones (Những cột mốc lịch sử), một lời tuyên chiến chống lại trật tự thế giới hiện tại và đã trở thành văn bản nền tảng của chủ nghĩa Hồi giáo hiện đại.

Theo quan điểm của Qutb, Hồi giáo là một hệ thống phổ quát mang đến hình thức tự do đích thực duy nhất: tự do khỏi sự cai trị của những người khác, tự do khỏi các học thuyết do con người tạo ra hay “những liên tưởng nông cạn dựa trên chủng tộc và màu da, ngôn ngữ và quốc gia, lợi ích khu vực và lợi ích quốc gia” (nghĩa là, tất cả các hình thức hiện đại khác về quản trị, lòng trung thành, và một số khối cấu trúc của trật tự theo Hòa ước Westphalia.) Theo quan điểm của Qutb, sứ mệnh hiện đại của Hồi giáo là nhằm lật đổ tất cả hình thức này và thay thế chúng bằng những gì mà ông cho rốt cuộc là sự thực thi từng chữ của Kinh Quran trên toàn cầu.

Đỉnh điểm của quá trình này sẽ là “thành quả của tự do của con người trên Trái Đất – của tất cả nhân loại trên khắp Trái Đất.” Điều này sẽ hoàn tất quá trình được bắt đầu bằng những làn sóng bành trướng Hồi giáo đầu tiên ở thế kỷ 7 và 8, “mà sau đó sẽ được tiến hành trên khắp Trái đất cho toàn thể nhân loại, vì đối tượng của tôn giáo này là tất cả nhân loại và phạm vi hoạt động của nó là toàn bộ Trái đất.” Giống như tất cả các kế hoạch không tưởng khác, kế hoạch này sẽ đòi hỏi những biện pháp cực đoan để thực hiện. Những biện pháp này được Qutb quy cho một người tiên phong thuần khiết về ý thức hệ, người sẽ từ chối các chính phủ và xã hội phổ biến trong khu vực – tất cả đều bị Qutb gắn nhãn “phi Hồi giáo và không hợp pháp” – và nắm thế chủ động trong việc mang lại một trật tự mới.

Qutb, với kiến thức rộng và xúc cảm mãnh liệt, đã tuyên chiến với trạng thái chung khi đó – sự hiện đại thế tục xấc xược và tình trạng chia rẽ trong Hồi giáo, như được thông qua bởi sự dàn xếp lãnh thổ ở Trung Đông hậu Thế chiến I – điều mà nhiều người Hồi giáo vốn than vãn ở những nơi riêng tư. Trong khi hầu hết những người đương thời với ông chùn lại trước những phương pháp bạo lực mà ông chủ trương, một nhóm nòng cốt những tín đồ tận tâm – như đội tiên phong mà ông đã hình dung – bắt đầu hình thành.

Đối với một thế giới thế tục rộng lớn toàn cầu hóa, sự tự đánh giá đã biến đổi những xung đột ý thức hệ của “Lịch sử,” quan điểm của Qutb và những người đi theo ông từ lâu đã tỏ ra rất khắc nghiệt đến mức không đáng để có sự chú ý nghiêm túc. Không hình dung được, nhiều tầng lớp tinh hoa phương Tây thấy nhiệt huyết của những nhà cách mạng này là không thể lý giải, và cho rằng những tuyên bố cực đoan của họ hẳn là ẩn dụ hoặc được thúc đẩy chỉ đơn thuần như là mánh khóe thương lượng. Tuy nhiên đối với những người theo trào lưu Hồi giáo chính thống, những quan điểm này đại diện cho những chân lý quan trọng hơn các quy tắc và chuẩn mực của trật tự quốc tế theo Hòa ước Westphalia hay bất kỳ trật tự quốc tế nào khác. Chúng là tiếng nói chung của những nhóm cực đoan và thánh chiến ở Trung Đông và xa hơn thế trong nhiều thập kỷ, được lặp lại bởi al-Qaeda, Hamas, Hezbollah, Taliban, chế độ giáo sĩ ở Iran, Hizb ut-Tahrir (Đảng Giải phóng, hoạt động ở phương Tây và công khai ủng hộ sự tái lập vương triều Hồi giáo trong một thế giới do Hồi giáo thống trị), Boko Haram[96] ở Nigeria, nhóm phiến quân cực đoan Jabhat al-Nusrah[97] ở Syria, và Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông – ISIL, mới nhú lên trong một tấn công quân sự lớn vào giữa năm 2014. Chúng cũng là học thuyết quân sự của những nhóm cực đoan người Ai Cập đã ám sát Anwar al-Sadat năm 1981, tuyên bố “bổn phận” thánh chiến “bị xao lãng” và làm ô danh tổng thống của họ vì đã bỏ đạo khi hòa giải với Israel. Họ cáo buộc ông có hai tà thuyết: thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của nhà nước Do Thái, và (theo quan điểm của họ) từ đó đồng ý nhượng lại đất được coi là theo lịch sử thuộc về Hồi giáo cho dân tộc phi Hồi giáo.

Lối suy nghĩ này đại diện cho một sự đảo ngược gần như hoàn toàn của trật tự thế giới theo Hòa ước Westphalia. Trong phiên bản Hồi giáo thuần túy nhất, quốc gia không thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quốc tế vì các quốc gia là thế tục, do đó không chính danh; trong điều kiện thuận lợi nhất chỉ có thể đạt được một kiểu trạng thái tạm thời trên con đường đi tới một thực thể tôn giáo ở quy mô lớn hơn. Không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác không thể là một nguyên tắc chủ đạo, vì lòng trung thành với quốc gia đại diện cho sự chệch hướng khỏi đức tin đích thực và vì nhóm thánh chiến có nhiệm vụ biến đổi dar al-harb, thế giới của những kẻ vô thần. Sự thuần khiết, chứ không phải sự ổn định, là nguyên tắc định hướng của quan niệm này về trật tự thế giới.

MÙA XUÂN Ả-RẬP VÀ BIẾN ĐỘNG SYRIA

Trong một khoảnh khắc thoáng qua, Mùa xuân Ả-rập bắt đầu vào cuối năm 2010 làm dấy lên hy vọng rằng các lực lượng đấu tranh trong khu vực giữa chế độ chuyên chế và thánh chiến đã trở nên không thích hợp bởi một làn sóng cải cách mới. Biến động ở Tunisia và Ai Cập được các lãnh đạo chính trị phương Tây và các phương tiện truyền thông hồ hởi chào đón như một cuộc cách mạng do thanh niên dẫn đầu trong khu vực nhân danh các nguyên tắc dân chủ tự do. Mỹ chính thức tán thành các yêu cầu của những người biểu tình, ủng hộ các yêu cầu này như là những lời kêu gọi không thể phủ nhận cho “tự do,” “các cuộc bầu cử tự do và công bằng,” “chính phủ đại diện” và “nền dân chủ đích thực,” mà không được phép thất bại. Tuy nhiên, con đường dẫn đến nền dân chủ vốn dĩ ngoằn ngoèo, quanh co, và nhiều đau khổ đã trở nên rõ ràng hiển nhiên sau sự sụp đổ của các chế độ độc tài.

Nhiều người phương Tây lý giải cuộc nổi dậy tại Quảng trường Tahrir ở Ai Cập như một minh chứng cho lập luận rằng một giải pháp thay thế cho chế độ độc tài đáng ra nên được thúc đẩy từ sớm hơn. Tuy nhiên, vấn đề thực sự là Mỹ từ lâu khó tìm ra các yếu tố mà từ đó các thể chế đa nguyên có thể được thiết kế hoặc các nhà lãnh đạo cam kết thực thi chúng. (Đây là lý do vì sao một số người dù đã vạch lằn ranh giữa sự cai trị dân sự và quân sự, nhưng vẫn ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo phi dân chủ.)

Được chính quyền của cả hai đảng theo đuổi, khát vọng dân chủ của Mỹ đối với khu vực đã dẫn đến những biểu hiện hùng hồn của chủ nghĩa lý tưởng của đất nước này. Nhưng những quan niệm về sự cần thiết đảm bảo an ninh và thúc đẩy dân chủ thường xung đột với nhau. Những người cam kết dân chủ hóa thấy khó khăn trong việc tìm ra các nhà lãnh đạo thừa nhận tầm quan trọng của dân chủ hơn là một phương tiện để đạt được sự thống trị của mình. Đồng thời, những người chủ trương sự cần thiết an ninh chiến lược đã không thể cho thấy các chế độ đã được thiết lập từ trước sẽ phát triển như thế nào trong một đường lối dân chủ hay thậm chí một sự cải cách tiệm tiến. Cách tiếp cận dân chủ hóa không thể khắc phục khoảng trống hiện ra lờ mờ trong việc theo đuổi những mục tiêu của nó; cách tiếp cận chiến lược đã bị cản trở bởi sự cứng nhắc của các thể chế hiện tại.

Mùa xuân Ả-rập bắt đầu như là cuộc nổi dậy của một thế hệ mới đòi dân chủ tự do. Nó đã sớm bị gạt ra bên lề, bị bẻ gãy hoặc bị nghiền nát. Sự hồ hởi biến thành tê liệt. Gắn với quân đội và tôn giáo ở vùng nông thôn, các lực lượng chính trị hiện tại tỏ ra mạnh hơn và được tổ chức tốt hơn so với nhóm trung lưu biểu tình đòi nguyên tắc dân chủ tại Quảng trường Tahrir. Trên thực tế, Mùa xuân Ả-rập đã trưng bày hơn là khắc phục những mâu thuẫn nội bộ của thế giới Ả-rập-Hồi giáo và các chính sách được xây dựng để giải quyết chúng.

Khẩu hiệu thường được lặp đi lặp lại của Mùa xuân Ả-rập – “Người dân muốn chế độ sụp đổ” – bỏ ngỏ câu hỏi về việc người dân được xác định thế nào và cái gì sẽ thay thế các chính quyền bị hất cẳng. Những lời kêu gọi ban đầu của những người biểu tình Mùa xuân Ả-rập về một đời sống chính trị và kinh tế mở đã bị áp đảo bởi một trận giao tranh bạo lực giữa chủ nghĩa chuyên chế được quân đội hậu thuẫn và ý thức hệ Hồi giáo.

Ở Ai Cập, những người biểu tình ban đầu vui mừng bày tỏ những giá trị của chủ nghĩa đại đồng và dân chủ tại Quảng trường Tahrir, sau này hóa ra không phải là những người kế thừa cuộc cách mạng. Phương tiện truyền thông xã hội điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc biểu tình có khả năng lật đổ chế độ, nhưng khả năng cho phép mọi người tập trung tại quảng trường khác với việc xây dựng các thể chế mới của nhà nước. Trong khoảng trống quyền lực sau thành công ban đầu của các cuộc biểu tình, các phe phái từ giai đoạn trước cuộc nổi dậy thường ở vị trí định hình kết quả. Cám dỗ thúc đẩy sự đoàn kết bằng việc kết hợp chủ nghĩa dân tộc và trào lưu chính thống lấn át những khẩu hiệu ban đầu của cuộc nổi dậy.

Mohammed Morsi, một nhà lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo được một liên minh các nhóm thậm chí còn cực đoan hơn ủng hộ, năm 2012 được bầu là tổng thống, cương vị mà tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã cam kết không theo đuổi trong những ngày nóng bỏng của các cuộc biểu tình tại Quảng trường Tahir. Khi nắm quyền lực, chính phủ Hồi giáo này tập trung thể chế hóa thẩm quyền của mình bằng việc làm ngơ khi những người ủng hộ họ tổ chức một chiến dịch đe dọa và quấy rối phụ nữ, người nhóm thiểu số, và người bất đồng chính kiến. Cuối cùng, quân đội quyết định lật đổ chính phủ này và tuyên bố một khởi đầu mới cho tiến trình chính trị, được hoan nghênh ngay cả trong nhóm dân chủ thế tục giờ đây bị gạt ra bên lề.

Kinh nghiệm này đặt ra vấn đề chính sách đối ngoại nhân đạo. Nó tự phân biệt với chính sách ngoại giao truyền thống bằng cách chỉ trích các khái niệm lợi ích quốc gia hay cân bằng-quyền lực là thiếu một khía cạnh đạo đức. Nó tự biện minh không phải bằng cách vượt qua mối đe dọa chiến lược, mà bằng việc loại bỏ những điều kiện bị coi là một sự vi phạm các nguyên tắc công lý phổ quát. Các giá trị và mục tiêu của phong cách chính sách đối ngoại này phản ánh một khía cạnh quan trọng trong truyền thống Mỹ. Tuy nhiên, nếu được thực thi như là khái niệm vận hành trung tâm về chiến lược của Mỹ, chúng cũng đặt ra những tình thế tiến thoái lưỡng nan riêng: Liệu Mỹ có tự coi mình có nghĩa vụ yểm trợ mọi cuộc nổi dậy quần chúng chống lại bất kỳ chính phủ phi dân chủ nào, kể cả những cuộc nổi dậy từ trước đến nay được coi là quan trọng trong việc duy trì hệ thống quốc tế? Liệu mọi cuộc biểu tình đều mang tính dân chủ theo định nghĩa? Liệu Ả-rập Saudi chỉ là đồng minh cho đến khi các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra trên lãnh thổ của nước này? Trong số những đóng góp chính của Mỹ vào Mùa xuân Ả-rập, có sự lên án, phản đối, hoặc hành động để loại bỏ những chính phủ mà nước này cho là độc tài chuyên chế, kể cả chính phủ Ai Cập mà từ trước đến nay là một đồng minh có giá trị. Tuy nhiên, đối với một số chính phủ hữu hảo truyền thống như Ả-rập Saudi, thông điệp chính được hiểu như là mối đe dọa bị Mỹ bỏ rơi, chứ không phải là những lợi ích của công cuộc cải cách tự do.

Truyền thống phương Tây yêu cầu ủng hộ các thể chế dân chủ và bầu cử tự do. Không một vị tổng thống Mỹ nào bỏ qua khía cạnh ăn sâu bám rễ này về tinh thần đạo đức của người Mỹ mà lại có thể hy vọng ở sự ủng hộ lâu dài của người dân Mỹ. Nhưng nếu áp dụng nhân danh những đảng coi dân chủ như một cuộc bỏ phiếu toàn dân về việc thực thi sự thống trị tôn giáo mà sau đó coi là không thể hủy bỏ, thì sự ủng hộ các cuộc bầu cử kết cục có thể dẫn đến chỉ một lần thực hành bầu cử dân chủ như vậy. Khi một chế độ quân sự đã được tái lập ở Cairo, một lần nữa nó đặt ra cho Mỹ cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ giữa các lợi ích an ninh và tầm quan trọng của việc thúc đẩy chính quyền nhân đạo và chính danh. Và nó cũng xuất hiện câu hỏi về tính thời điểm: Đến mức độ nào thì những lợi ích an ninh được mạo hiểm cho kết quả của một sự thay đổi thế trận trên lý thuyết? Cả hai yếu tố này đều quan trọng. Hờ hững với một tương lai dân chủ – cho rằng chúng ta biết cách định hình hướng đi của nó – kéo theo những rủi ro dài hạn. Xao lãng hiện tại khi bỏ qua yếu tố an ninh có nguy cơ gây ra thảm họa trước mắt. Sự khác nhau giữa những người theo chủ nghĩa truyền thống và các nhà hoạt động xoay quanh sự khác biệt đó. Chính khách phải cân bằng sự khác biệt này mỗi khi vấn đề phát sinh. Các sự kiện có thể xảy ra mà hậu quả rất khủng khiếp (chẳng hạn như diệt chủng) đến mức họ nghiêng cán cân về sự can thiệp vượt ra ngoài những cân nhắc về chiến lược. Tuy nhiên, như một nguyên tắc chung, tiến trình bền vững nhất sẽ liên quan đến một sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng thường được đưa ra trong các cuộc tranh luận của Mỹ như là hai mặt đối lập không thể tương thích.

Cuộc cách mạng ở Syria ban đầu có vẻ như là sự tái lập của cuộc cách mạng Ai Cập tại Quảng trường Tahrir. Nhưng trong khi biến động Ai Cập đoàn kết các lực lượng cơ bản, thì ở Syria những căng thẳng lâu đời nổ ra đã khơi dậy cuộc xung đột hàng ngàn năm giữa người Shia và người Sunni. Do sự phức tạp về nhân khẩu học ở Syria, cuộc nội chiến đã lôi kéo thêm các nhóm dân tộc hay tôn giáo mà không nhóm nào trong số này, căn cứ trên kinh nghiệm lịch sử, sẵn sàng giao phó số phận của mình cho quyết định của những nhóm khác. Các cường quốc bên ngoài nhảy vào cuộc xung đột; tội ác tràn lan khi những người sống sót ẩn mình trong các ốc đảo dân tộc và sắc tộc.

Trong các cuộc tranh luận công khai ở Mỹ, cuộc nổi dậy chống lại Bashar al-Assad được coi là tương đồng với việc loại bỏ Mubarak, và được miêu tả như một cuộc đấu tranh cho dân chủ. Đỉnh cao của nó được hy vọng là việc loại bỏ chính phủ Assad và thay thế bằng một chính phủ liên minh toàn diện, dân chủ. Tháng Tám năm 2011, Tổng thống Obama nêu rõ quan điểm này khi ông công khai kêu gọi Assad “bước sang một bên” để người dân Syria có thể xác nhận những quyền phổ quát của họ:

Tương lai của Syria phải do người dân nước này xác định, nhưng Tổng thống Bashar al-Assad đang cản đường họ. Những lời kêu gọi của ông ta về đối thoại và cải cách là sáo rỗng khi ông ta bỏ tù, tra tấn, và giết hại chính người dân của mình. Chúng tôi đã luôn nói rằng Tổng thống Assad phải lãnh đạo một quá trình chuyển đổi dân chủ hoặc ra khỏi quá trình đó. Ông ta đã không lãnh đạo. Vì lợi ích của người dân Syria, đã đến lúc Tổng thống Assad phải bước sang một bên.

Tuyên bố này dự kiến huy động sự chống đối trong nước đối với Assad và dẫn đến sự ủng hộ quốc tế cho việc loại bỏ ông ta.

Đây là lý do vì sao Mỹ thúc ép một “giải pháp chính trị” thông qua Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định việc loại bỏ Assad khỏi quyền lực và thành lập một chính phủ liên minh. Điều kinh ngạc xảy ra khi các thành viên có quyền phủ quyết khác của Hội đồng Bảo an từ chối phê chuẩn bước đi này hoặc các biện pháp quân sự, và khi phe đối lập có vũ trang cuối cùng đã xuất hiện trong lòng Syria lại có rất ít yếu tố có thể được coi là dân chủ với quan điểm ít ôn hòa hơn nhiều.

Đến lúc này, cuộc xung đột đã vượt ra ngoài vấn đề của Assad. Đối với các nhân vật chính, những vấn đề này khác rất nhiều với trọng tâm các cuộc tranh luận của người Mỹ. Các bên liên quan chính ở Syria và khu vực coi cuộc chiến không phải về vấn đề dân chủ mà là về sự thắng thế. Họ chỉ quan tâm tới dân chủ khi nó dựng lên nhóm riêng của họ, không một nhóm nào ủng hộ một hệ thống mà không đảm bảo phe của họ kiểm soát hệ thống chính trị. Một cuộc chiến tranh được tiến hành chỉ để ép buộc thực thi các chuẩn mực nhân quyền và không quan tâm đến kết quả địa chiến lược hay địa tôn giáo là không thể hiểu được đối với đa số các đấu thủ. Họ coi sự bất đồng không phải giữa một nhà độc tài và các lực lượng dân chủ, mà là giữa các phe phái đối địch nhau ở Syria và những kẻ yểm trợ trong khu vực của họ. Theo quan điểm này, cuộc chiến tranh sẽ quyết định những phe phái chính nào ở Syria sẽ thành công trong việc thống trị các phe phái khác và kiểm soát những gì còn lại của nhà nước Syria. Các cường quốc trong khu vực đổ vũ khí, tiền bạc, và yểm trợ hậu cần vào Syria thay mặt cho các ứng viên phe phái mà họ ưa thích: Ả-rập Saudi và những nước Vùng Vịnh cho các nhóm theo hệ phái Sunni; Iran yểm trợ Assad qua Hezbollah. Khi cuộc chiến dẫn đến bế tắc, nó chuyển sang những nhóm ngày càng cực đoan và sách lược hơn, đánh nhau trong một cuộc chiến tàn bạo, tất cả các bên đều bỏ quên vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, cuộc chiến đã bắt đầu vẽ lại cấu trúc chính trị của Syria và có lẽ của cả khu vực. Người Kurd ở Syria thành lập một đơn vị tự trị dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, theo thời gian có thể hợp nhất với đơn vị tự trị người Kurd ở Iraq. Các cộng đồng người Druze và Ki-tô giáo, lo sợ sự lặp lại hành vi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập đối với nhóm thiểu số của mình, đã do dự đối với việc thay đổi chế độ ở Syria hoặc đã ly khai thành những cộng đồng tự trị. Nhóm thánh chiến ISIL bắt đầu xây dựng một vương triều Hồi giáo trong lãnh thổ chiếm được từ Syria và miền Tây Iraq, nơi Damascus và Baghdad tỏ ra không thể tiếp tục áp đặt mệnh lệnh của họ.

Các phe chủ yếu nghĩ đến chính mình trong một trận chiến sống còn hay một cuộc xung đột báo trước ngày tận thế dưới cái nhìn của một số lực lượng thánh chiến. Khi Mỹ từ chối làm nghiêng cán cân, các phe cho rằng nước này có thể có một động cơ kín đáo nhưng đã khéo léo che giấu – có lẽ là một thỏa thuận nền tảng với Iran – hoặc không điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh bắt buộc của sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Bất đồng này lên đến đỉnh điểm vào năm 2013, khi Ả-rập Saudi từ chối chiếc ghế luân phiên ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và giải thích rằng do các trọng tài truyền thống của trật tự đã không hành động, nên nước này sẽ theo đuổi phương pháp riêng của mình.

Khi Mỹ kêu gọi thế giới tôn vinh những khát vọng dân chủ và thực thi lệnh cấm quốc tế đối với vũ khí hóa học, các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc phản đối bằng việc viện dẫn nguyên tắc không can thiệp của Hòa ước Westphalia. Các cường quốc này đã nhìn các cuộc nổi dậy ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Mali, Bahrain, và Syria chủ yếu thông qua lăng kính ổn định khu vực của riêng họ và thái độ của cộng đồng Hồi giáo bất ổn của mình. Nhận thấy những tay súng theo hệ phái Sunni giỏi nhất và tận tâm nhất là những nhóm công khai tuyên bố thánh chiến liên minh với al-Qaeda (hoặc, trong trường hợp ISIL, bị phủ nhận quan hệ vì những sách lược mà ngay cả al-Qaeda cũng coi là quá cực đoan), hai nước này đã cảnh giác trước một chiến thắng hoàn toàn của đối thủ của Assad. Trung Quốc cho rằng nước này không có quyền lợi đặc biệt gì trong kết cục ở Syria, ngoại trừ việc nó phải được quyết định bởi “người dân Syria” chứ không phải lực lượng nước ngoài. Nga, một đồng minh chính thức của Syria, quan tâm đến sự duy trì của chính phủ Assad, và trong chừng mực nào đó là sự tồn tại của Syria như một nhà nước thống nhất. Không có sự đồng thuận quốc tế và phe đối lập ở Syria rạn nứt, một cuộc nổi dậy ban đầu nhân danh các giá trị dân chủ đã biến thành một trong những thảm họa nhân đạo lớn đầu thế kỷ 21 và trở thành một trật tự khu vực sụp đổ.

Một hệ thống đảm bảo an ninh khu vực hoặc quốc tế được vận hành có thể ngăn chặn hoặc ít nhất giới hạn thảm họa này. Nhưng những nhận thức về lợi ích quốc gia tỏ ra quá khác nhau và chi phí của việc lập lại ổn định rất lớn. Sự can thiệp quy mô lớn từ bên ngoài trong giai đoạn đầu có thể làm các lực lượng đấu tranh lắng xuống, nhưng sẽ đòi hỏi một thời gian dài cũng như sự hiện diện quân sự đáng kể cần được duy trì. Sau Iraq và Afghanistan, điều này là bất khả thi đối với Mỹ, ít nhất là không phải “đơn thương độc mã.” Một sự đồng thuận chính trị ở Iraq có thể chấm dứt cuộc xung đột ở biên giới Syria, nhưng những xung động bè phái của chính phủ Baghdad và các nhánh trong khu vực của nó đã cản đường. Một lựa chọn khác, cộng đồng quốc tế có thể áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria và lực lượng phiến quân thánh chiến. Tuy nhiên điều đó là bất khả thi vì những mục tiêu không tương thích của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Nếu trật tự không thể đạt được bằng sự đồng thuận hoặc áp đặt bằng vũ lực, nó sẽ được “gò rèn” bởi cái giá của sự thảm khốc và vô nhân đạo, từ kinh nghiệm hỗn loạn.

VẤN ĐỀ PALESTINE VÀ TRẬT TỰ QUỐC TẾ

Giữa tất cả những biến động ở Trung Đông, một tiến trình hòa bình đã diễn ra – đôi khi thất thường, đôi khi mạnh mẽ – để đưa đến một kết cục cho cuộc xung đột Ả-rập-Israel mà trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến một bế tắc dễ bùng nổ. Bốn cuộc chiến tranh quy ước và nhiều cuộc chạm trán quân sự phi quy ước đã diễn ra, mọi nhóm Hồi giáo và thánh chiến đều viện dẫn cuộc xung đột như là lời kêu gọi để vũ trang. Sự tồn tại và sức mạnh quân sự của Israel từ lâu được coi như một sự sỉ nhục trong khắp thế giới Ả-rập. Đối với một số người, cam kết về giáo lý không bao giờ từ bỏ lãnh thổ đã biến việc chung sống với Israel từ một sự chấp nhận thực tế thành một sự từ chối đức tin.

Hiếm có chủ đề nào gây ra nhiều cảm xúc hơn là làm thế nào để dung hòa sự tìm kiếm an ninh và bản sắc của Israel, khát vọng hướng tới tự trị của người Palestine và cuộc truy tìm của các chính phủ Ả-rập về một chính sách phù hợp với nhận thức về hoàn cảnh lịch sử và tôn giáo bắt buộc của họ. Các bên liên quan đã đi trên một chặng đường đau khổ – từ việc chối bỏ và chiến tranh đến sự lưỡng lự chấp nhận chung sống, chủ yếu trên cơ sở đình chiến – cho tới một tương lai bất định. Hiếm có vấn đề quốc tế nào lại chiếm được mối quan tâm mãnh liệt như thế ở Mỹ hoặc khiến các tổng thống Mỹ phải chú ý nhiều đến vậy.

Chủ đề này liên quan đến một loạt vấn đề, mỗi vấn đề lại bao gồm một khối lượng lớn tài liệu. Các bên liên quan đã trau chuốt chúng trong hàng thập kỷ đàm phán thất thường. Những trang tài liệu này chỉ giải quyết một khía cạnh trong các chủ đề trên: các nhà đàm phán thể hiện những khái niệm trật tự hòa bình xung khắc nhau.

Hai thế hệ người Ả-rập đã được giáo dục với niềm tin rằng Nhà nước Israel là một kẻ tiếm quyền di sản Hồi giáo không chính danh. Năm 1947, các nước Ả-rập từ chối kế hoạch của Liên Hợp Quốc về việc phân chia Palestine – ủy trị của Anh, thành hai quốc gia Ả-rập và Do Thái riêng biệt; họ tin rằng mình ở vị thế có thể chiến thắng hoàn toàn bằng quân sự và tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ. Sự thất bại của nỗ lực dập tắt Nhà nước Israel vừa tuyên bố độc lập đã không dẫn tới một giải pháp chính trị và mở ra các mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, như đã xảy ra đối với hầu hết các cuộc xung đột hậu thuộc địa khác ở châu Á và châu Phi. Thay vào đó, nó mở ra một giai đoạn kéo dài về việc không thừa nhận chính trị và thỏa thuận đình chiến bất đắc dĩ dựa trên nền tảng các nhóm cực đoan đang tìm cách buộc Israel phải khuất phục bằng những chiến dịch khủng bố.

Các nhà lãnh đạo vĩ đại đã cố gắng vượt qua khía cạnh nhận thức về cuộc xung đột bằng cách đàm phán hòa bình dựa trên các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia – đó là giữa các dân tộc được tổ chức như các quốc gia có chủ quyền, mỗi quốc gia được dẫn dắt bởi một đánh giá thực tế về lợi ích và khả năng của quốc gia, chứ không phải bởi những nguyên tắc về hoàn cảnh tôn giáo bắt buộc. Anwar al-Sadat của Ai Cập đã dám nhìn xa hơn cuộc đối đầu này và hòa giải với Israel trên cơ sở lợi ích quốc gia của Ai Cập vào năm 1979; nhưng ông đã phải trả giá cho tài lãnh đạo đất nước bằng chính sinh mạng của mình: bị một kẻ Hồi giáo cực đoan trong quân đội Ai Cập ám sát hai năm sau đó. Số phận tương tự xảy ra với Yitzhak Rabin, Thủ tướng Israel đầu tiên ký một thỏa thuận với Tổ chức Giải phóng Palestine, bị một sinh viên Israel cực đoan ám sát 14 năm sau cái chết của Sadat.

Ở Lebanon, Syria và các vùng lãnh thổ Palestine – đặc biệt là ở Gaza – sức mạnh quân đội và chính trị đáng kể hiện trong tay những kẻ Hồi giáo cực đoan – Hezbollah và Hamas – tuyên bố thánh chiến như một nhiệm vụ tôn giáo để chấm dứt điều thường bị lên án là “sự chiếm đóng của những kẻ phục quốc Do Thái.” Chính thể của các giáo chủ ở Iran thường xuyên thách thức sự tồn tại của Israel, tổng thống trước đây của nước này là Mahmoud Ahmadinejad kêu gọi xóa sổ nhà nước Israel.

Có ít nhất ba quan điểm có thể được nhận biết trong thái độ của người Ả-rập: một nhóm nhỏ tận tâm nhưng không lớn tiếng chấp nhận chung sống chân thành với Israel và chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện quan điểm này; một nhóm lớn hơn nhiều tìm cách tiêu diệt Israel bằng sự đối đầu thường trực; và những người sẵn sàng đàm phán với Israel nhưng biện minh rằng các cuộc đàm phán (ít nhất là trong nước) phần nào như là một phương tiện để vượt qua nhà nước Do Thái trong các giai đoạn.

Có dân số nhỏ (so với các nước láng giềng) và lãnh thổ nhỏ với chiều rộng chỉ 14,9 km tại điểm hẹp nhất và 96,6 km tại điểm rộng nhất, Israel đã do dự khi nhân nhượng lãnh thổ, đặc biệt ở các khu vực liền kề trung tâm dân cư lớn, lấy cớ rằng văn bản đàm phán về việc này có thể bị hủy bỏ. Do đó lập trường đàm phán của nước này có xu hướng tuyệt đối tuân thủ pháp luật, xây dựng các định nghĩa về việc bảo đảm an ninh và chính trị, kết hợp với sự uyển chuyển về mặt lý thuyết, và đôi khi chi tiết tới mức khó chịu, có xu hướng làm gia tăng những cảm xúc về một tiến trình hòa bình được thiết kế để khắc phục.

Trong thế giới Ả-rập, vấn đề Palestine dù không mất tính quan trọng nhưng đã phần nào mất đi tính cấp thiết. Những người tham gia chủ chốt của tiến trình hòa bình đã chuyển hướng hoạt động và sự suy xét sang việc đối phó với sự xuất hiện của một Iran có thể có khả năng hạt nhân và các nhóm ủy nhiệm của nước này trong khu vực. Điều này ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình theo hai cách: trong vai trò ngoại giao mà các nước chủ chốt như Ai Cập và Ả-rập Saudi có thể có trong việc định hình tiến trình hòa bình; và quan trọng hơn, trong khả năng của họ để hành động như những nước bảo lãnh của một bản thỏa thuận là kết quả mà tiến trình này đạt được. Các nhà lãnh đạo Palestine tự họ không thể duy trì kết quả của tiến trình hòa bình này, trừ khi nó được phê chuẩn không chỉ ở sự bỏ qua những khác biệt mà còn ở sự hỗ trợ tích cực của các chính phủ trong khu vực cho một bản thỏa thuận. Khi cuốn sách này được viết, các quốc gia Ả-rập chính vẫn bị giằng xé bởi nội chiến hoặc bận rộn với cuộc xung đột Sunni-Shia và một Iran ngày càng mạnh. Tuy nhiên, không sớm thì muộn người ta sẽ phải đối mặt với vấn đề Palestine như là một yếu tố thiết yếu của trật tự khu vực và cuối cùng là trật tự thế giới.

Một số nhà lãnh đạo Ả-rập đã đề xuất thực hiện một nền hòa bình Ả-rập-Israel nhằm dung hòa mối lo ngại an ninh của Israel với những cảm xúc của người Ả-rập, bằng cách thừa nhận Nhà nước Israel như hiện thời nhưng không chính thức cho phép sự tồn tại chính danh của nước này ở Trung Đông Hồi giáo. Yêu cầu căn bản của Israel là phải đảm bảo rằng hòa bình sẽ liên quan đến một hình thức thừa nhận mang tính đạo đức và hợp pháp, được chuyển thành hành động cụ thể. Do đó, vượt xa hơn các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia, Israel đòi hỏi phải được chứng nhận như là một nhà nước Do Thái, một thuộc tính khiến hầu hết người Hồi giáo thấy khó để chấp nhận theo ý nghĩa chính thức, vì nó ngụ ý một sự chứng thực tôn giáo cũng như lãnh thổ.

Một số quốc gia Ả-rập đã tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu nước này trở về biên giới năm 1967 – ranh giới ngừng bắn trong một cuộc chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỷ trước. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ là các hành động cụ thể mà quan hệ ngoại giao hàm ý. Liệu sự thừa nhận ngoại giao đối với Israel có đem lại việc chấm dứt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trong các chiến dịch của chính phủ và nền giáo dục ở các quốc gia Ả-rập vốn coi Israel như là một kẻ xâm phạm quyền lợi không chính danh, theo chủ nghĩa đế quốc trong khu vực? Những gì mà chính phủ Ả-rập, từng kiệt sức vì áp lực bùng cháy trong Mùa xuân Ả-rập, sẽ sẵn sàng và có thể công khai xác nhận và đảm bảo một nền hòa bình, chấp nhận sự tồn tại của Israel bằng một loạt xác thực những cam kết sẵn sàng hành động? Chính điều đó, chứ không phải nhãn hiệu gắn cho Nhà nước Israel, sẽ quyết định triển vọng hòa bình.

Cuộc xung đột giữa hai khái niệm về trật tự thế giới được gắn với vấn đề Israel-Palestine. Israel theo định nghĩa là một nhà nước phù hợp với Hòa ước Westphalia, được thành lập năm 1947; Mỹ, đồng minh chính của nước này, là người chèo lái và bảo vệ chủ chốt của trật tự quốc tế theo Hòa ước Westphalia. Nhưng các nước và phe phái chủ yếu ở Trung Đông nhìn trật tự quốc tế, ở mức độ nào đó, thông qua một ý thức Hồi giáo. Israel và các nước láng giềng của mình có những khác biệt không thể tách rời vị trí địa lý và lịch sử: tiếp cận nguồn nước, tài nguyên, thỏa thuận cụ thể đối với đảm bảo an ninh, người tị nạn. Ở các khu vực khác, những thách thức tương tự thường được giải quyết qua con đường ngoại giao. Theo ý nghĩa đó, vấn đề này biến thành khả năng cùng tồn tại hai khái niệm về trật tự thế giới, thông qua hai nhà nước – Israel và Palestine – trong không gian tương đối hẹp giữa Sông Jordan và Biển Địa Trung Hải. Vì mỗi dặm vuông được cả hai bên đầu tư đều hết sức quan trọng, đến lượt nó, thành công có lẽ đòi hỏi sự thử nghiệm bằng việc thiết kế những thỏa thuận tạm thời mà ít nhất sẽ làm gia tăng khả năng chung sống trong thực tế ở phần Bờ Tây và mang tính chất của quốc gia có chủ quyền, điều đó vẫn đang đợi chờ một thỏa thuận cuối cùng.

Khi các cuộc đàm phán này được theo đuổi, tiến trình chính trị và triết học ở Trung Đông đã đưa đến một nghiên cứu đầy mâu thuẫn trong thế giới phương Tây. Mỹ đã có những liên kết chặt chẽ với các bên liên quan theo tất cả các lựa chọn có thể có ở Trung Đông: một liên minh với Israel, một liên kết với Ai Cập, một quan hệ đối tác với Ả-rập Saudi. Một trật tự khu vực phát triển khi các bên liên quan chủ yếu có những phương cách tiếp cận phù hợp về các vấn đề ảnh hưởng đến họ. Mức độ gắn kết đã tỏ ra khó nắm bắt ở Trung Đông. Các bên liên quan chủ yếu khác nhau ở ba vấn đề lớn: sự tiến triển trong nước, tương lai chính trị của người Ả-rập ở Palestine, và tương lai của chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Một số bên liên quan trên thực tế đồng ý về mục tiêu nhưng lại không ở vị thế để có thể thừa nhận nó. Ví dụ, Ả-rập Saudi và Israel cùng chung mục tiêu đối với Iran: ngăn chặn sự xuất hiện năng lực hạt nhân quân sự của Iran và khống chế năng lực đó nếu điều này trở nên không tránh khỏi. Nhưng nhận thức của họ về tính chính danh – và sự nhạy cảm của người Ả-rập Saudi về một sự đồng thuận của nước này – đã hạn chế việc ban hành một quan điểm như vậy hoặc thậm chí một lời tuyên bố rất rõ ràng về nó. Đây là lý do vì sao phần lớn khu vực vẫn bị giằng xé giữa nỗi sợ hãi về thánh chiến và nỗi sợ hãi phải đối phó với một vài nguyên nhân của nó.

Những hậu quả của cuộc xung đột tôn giáo và chính trị được miêu tả trong chương này được thể hiện như là các vấn đề có vẻ khác biệt. Trên thực tế, chúng đại diện cho cuộc tìm kiếm căn bản cho một định nghĩa mới về tính chính danh chính trị và quốc tế.

Ả-RẬP SAUDI

Với một số trớ trêu của lịch sử, trong các đồng minh quan trọng nhất của nền dân chủ phương Tây trải qua mọi biến cố thăng trầm này là một đất nước mà những thông lệ nội bộ của nước này gần như hoàn toàn trái ngược với những thông lệ của họ – Vương quốc Ả-rập Saudi. Từ lâu, Ả-rập Saudi đã là một đối tác, đôi khi lặng lẽ nhưng kiên định nơi hậu trường, trong hầu hết các nỗ lực an ninh khu vực chủ yếu kể từ Thế chiến II, khi nó liên kết với quân Đồng minh. Đó là một sự liên kết thể hiện các đặc điểm đặc biệt của hệ thống quốc gia có chủ quyền theo Hòa ước Westphalia, cho phép các xã hội khác biệt như vậy có thể hợp tác dựa trên những mục đích chung thông qua các cơ chế chính thức, thường vì lợi ích chung quan trọng của họ. Ngược lại, những căng thẳng của mối liên kết này đã đụng chạm đến một số thách thức chính trong việc tìm kiếm trật tự thế giới đương đại.

Vương quốc Ả-rập Saudi là một vương quốc Ả-rập-Hồi giáo truyền thống: chế độ quân chủ bộ tộc kết hợp với chế độ thần quyền Hồi giáo. Hai gia tộc hàng đầu đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau kể từ thế kỷ 18 hình thành nòng cốt quản lý đất nước. Hệ thống tôn ti cấp bậc chính trị do một vị vua của gia tộc Al Saud lãnh đạo, người đứng đầu một mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ bộ tộc dựa trên những mối liên kết xa xưa của bổn phận và lòng trung thành lẫn nhau, kiểm soát các vấn đề đối nội và đối ngoại của vương quốc. Hệ thống tôn ti cấp bậc tôn giáo do Grand Mufti và Hội đồng Học giả Cấp cao lãnh đạo, với các thành viên phần lớn từ gia đình Aal al-Shaykh. Nhà vua cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa hai nhánh quyền lực này bằng cách thực hiện vai trò “Người giám hộ của hai Thánh đường Hồi giáo” (Mecca và Medina[98]), gợi nhớ tới Đế quốc La Mã Thần thánh như là “Fidei defensor” (Người bảo vệ Đức tin).

Lòng nhiệt huyết và sự thuần khiết của biểu hiện tôn giáo được gắn với kinh nghiệm lịch sử của Saudi. Ba lần trong nhiều thế kỷ (vào những năm 1740, những năm 1820, và những năm đầu thế kỷ 20) nhà nước Saudi đã được thành lập hoặc tái thống nhất bởi chính hai gia tộc hàng đầu này, cùng với khẳng định cam kết của họ về việc trị vì cái nôi với những đền thờ linh thiêng nhất của Hồi giáo, bằng cách duy trì sự diễn giải hà khắc nhất các nguyên tắc của tôn giáo này. Trong mỗi trường hợp, quân đội Saudi tỏa ra để thống nhất các sa mạc và đồi núi của bán đảo này trong những làn sóng chinh phạt, đặc biệt giống với sự xiển dương thần thánh và thánh chiến ban đầu vốn đã hình thành nên nhà nước Hồi giáo đầu tiên và trên chính lãnh thổ đó. Thuyết tuyệt đối tôn giáo, sự táo bạo về mặt quân sự, và nghệ thuật quản lý nhà nước hiện đại sắc sảo đã hình thành nên vương quốc này ở chính trung tâm của thế giới Hồi giáo và có tính quyết định đối với số phận của nó.

Những gì mà ngày nay là nước Ả-rập Saudi đã nổi lên từ ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến I, khi Ibn Saud thống nhất các lãnh địa phong kiến khác nhau rải rác trên Bán đảo Ả-rập và cố kết chúng với nhau bằng lòng trung thành gia trưởng và lòng sùng kính tôn giáo. Kể từ đó, hoàng gia phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn. Họ trị vì các bộ tộc sống đời du mục truyền thống và trung thành mãnh liệt với hoàng gia, cũng như những khu đô thị tập trung tiến gần tới – và trong một số trường hợp vượt qua – các thủ phủ phương Tây, mặc dù ở những vị trí như là ảo ảnh trên các cao nguyên cằn cỗi. Một tầng lớp trung lưu mới nổi tồn tại trong bối cảnh một cảm giác nửa phong kiến lâu đời về nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau. Trong giới hạn của một nền văn hóa chính trị cực kỳ bảo thủ, các hoàng thân cầm quyền đã kết hợp một chế độ quân chủ với một hệ thống đồng thuận, theo đó các họ hàng xa của hoàng gia mở rộng có một vài tiếng nói trong các quyết định, và những công dân bình thường dần được ban cho sự tham gia có mức độ vào đời sống chính quyền.

Hàng triệu người lao động nước ngoài – Palestine, Syria, Lebanon, Ai Cập, Pakistan, và Yemen – kết hợp thành bức tranh ghép được gắn với nhau bằng sợi dây Hồi giáo và sự tôn trọng quyền lực truyền thống.

Mỗi năm, hàng triệu người hành hương Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Ả-rập Saudi cùng lúc để thực hiện hajj – cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca nhằm thực hiện các nghi lễ do Đấng Tiên tri Muhammad thiêng hóa khi còn sống. Điều này là bắt buộc đối với những tín đồ khỏe mạnh, ai cũng phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, nó trao cho Ả-rập Saudi một ý nghĩa tôn giáo độc đáo cũng như một thách thức hậu cần hằng năm mà không một quốc gia nào khác đảm nhận được. Cùng với đó, việc phát hiện trữ lượng dầu lớn đã biến Ả-rập Saudi trở nên giàu có gần như có một không hai trong khu vực, tạo nên một thách thức tiềm ẩn đối với an ninh của một quốc gia có dân cư thưa thớt, không có biên giới đất liền và một thiểu số Shia biệt lập về chính trị sống ở một trong những khu vực sản xuất dầu mỏ chính của nước này.

Những nhà trị vì Saudi sống với nhận thức rằng sự thèm muốn tham lam của các nước láng giềng có thể chuyển thành nỗ lực chinh phạt, hoặc trong thời đại cách mạng nước này sẽ là nhà tài trợ tiềm năng cho kích động chính trị hay giáo phái. Ý thức về số phận của các quốc gia lân cận, họ không tránh khỏi mâu thuẫn giữa việc hiện đại hóa kinh tế và xã hội, hiểu rằng nếu không cải cách có thể làm những cư dân trẻ xa lánh họ, với việc nếu cải cách được thực hiện quá nhanh có thể phát khởi động lượng riêng của nó và cuối cùng gây nguy hiểm cho sự gắn kết của một quốc gia từ trước tới nay chỉ biết đến chế độ quân chủ bảo thủ. Triều đại này đã cố gắng dẫn dắt chính xác quá trình thay đổi xã hội và kinh tế – trong khuôn mẫu xã hội của nó – nhằm kiểm soát tốc độ và nội dung quá trình thay đổi đó. Chiến thuật này đã cho phép Al Saud tạo ra sự thay đổi vừa phải để ngăn chặn sự tích tụ những căng thẳng xã hội có nguy cơ bùng nổ trong khi tránh được những tác động gây mất ổn định của sự thay đổi quá nhanh.

Trong suốt sự tồn tại của nhà nước Saudi hiện đại, chính sách đối ngoại của Saudi được đặc trưng bởi một sự cẩn trọng đã nâng tính chất quanh co thành một hình thức nghệ thuật đặc biệt. Vì nếu vương quốc này theo đuổi một chính sách quá tả, tự trở thành tiêu điểm của tất cả các tranh chấp, nó sẽ là đối tượng của những lời cầu xin, những mối đe dọa, và những lời xu nịnh của các nước hùng mạnh hơn nhiều mà tác động tích lũy có thể gây nguy hiểm tới sự độc lập hoặc sự gắn kết. Thay vào đó, các chính quyền của vương quốc này đạt được an ninh và quyền lực nhờ sự xa cách; kể cả khi ở giữa những cuộc khủng hoảng, đôi khi diễn ra những thay đổi tiến trình táo bạo gây chấn động toàn cầu, họ hầu như luôn công khai rút lui và đứng tách biệt. Ả-rập Saudi đã che giấu sự dễ bị tổn thương của mình bằng sự mơ hồ, che giấu sự không chắc chắn về động cơ của nước ngoài bằng sự xa cách, trơ lì trước những lời hùng biện và những mối đe dọa.

Vương quốc này cố xoay xở để giữ cho mình không ở hàng đầu của xung đột ngay cả khi nguồn tài nguyên của mình duy trì xung đột này, như trong trường hợp cấm vận dầu lửa năm 1973, cũng như cuộc thánh chiến chống quân đội Xô-viết ở Afghanistan thời kỳ 1979-1989. Nó thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông, nhưng lại dành các cuộc đàm phán thực sự cho những nước khác. Theo cách đó, vương quốc này đã chèo lái giữa các cực cố định của tình bằng hữu đối với Mỹ, lòng trung thành của người Ả-rập, sự diễn giải khắt khe về Hồi giáo và ý thức về mối nguy hiểm bên trong và bên ngoài. Trong thời đại thánh chiến, những biến động cách mạng, rồi cảm nhận về sự sẵn sàng rút lui của Mỹ khỏi khu vực, một số sự gián tiếp đã được gạt sang một bên để ưu tiên cho cách tiếp cận trực tiếp hơn, đã làm cho sự thù địch và sợ hãi của nước này đối với nước Iran dòng Shiite trở nên rõ ràng.

Không quốc gia nào ở Trung Đông bị giằng xé bởi những biến động Hồi giáo và sự xuất hiện của cách mạng Iran hơn Ả-rập Saudi, bị chia rẽ giữa lòng trung thành chính thức với các khái niệm của Hòa ước Westphalia củng cố an ninh của nước này và được quốc tế công nhận là một nhà nước có chủ quyền chính danh, chủ nghĩa thuần túy tôn giáo thấm nhuần lịch sử của nó và những lời kêu gọi của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan làm suy yếu sự gắn kết trong nước (và thực sự đe dọa sự sống còn của vương quốc này trong vụ những phần tử Salafis cuồng tín bao vây Thánh đường Hồi giáo linh thiêng ở Mecca năm 1979).

Năm 1989, Osama bin Laden – một trong những người con bất mãn của vương quốc này – trở về từ cuộc thánh chiến chống Liên Xô ở Afghanistan và tuyên bố một trận chiến mới. Lần theo các tài liệu của Qutb, hắn và những kẻ đi theo thành lập một tổ chức tiên phong, al-Qaeda (căn cứ), để từ đó phát động một cuộc thánh chiến ở khắp mọi nơi. Các mục tiêu “gần” là chính phủ Saudi và những đối tác của nước này trong khu vực; kẻ thù “xa” của tổ chức này là Mỹ, nước mà al-Qaeda lên án vì đã yểm trợ những chính phủ không dựa trên điều luật sharia ở Trung Đông, và vì đã làm vẩn đục Hồi giáo khi triển khai quân đội tới Ả-rập Saudi trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991. Theo phân tích của bin Laden, cuộc đấu tranh giữa đức tin đích thực và thế giới vô đạo đã tồn tại và đang diễn ra. Thế giới bất công đã tới điểm mà các phương pháp hòa bình trở nên vô dụng; chiến thuật đòi hỏi sẽ là ám sát và khủng bố, gieo rắc nỗi sợ hãi cho cả hai loại kẻ thù gần và xa của al-Qaeda và làm hao mòn ý chí chống lại của họ.

Chiến dịch đầy tham vọng của al-Qaeda bắt đầu bằng những cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông và châu Phi. Cuộc tấn công năm 1993 vào Trung tâm Thương mại Thế giới thể hiện những tham vọng toàn cầu của tổ chức này. Ngày 11 tháng Chín năm 2001, cuộc tấn công lên tới đỉnh điểm khi đánh vào New York – trung tâm của hệ thống tài chính thế giới và Washington – trung tâm chính trị của quyền lực nước Mỹ. Là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử, cuộc tấn công ngày 11/9 đã khiến 2.977 người thiệt mạng trong vòng vài phút, hầu hết là dân thường; hàng ngàn người khác bị thương hoặc bị biến chứng sức khỏe nghiêm trọng trong các vụ tấn công này. Trước cuộc tấn công, Osama bin Laden đã tuyên bố các mục tiêu của al-Qaeda: Phương Tây và ảnh hưởng của nó phải bị trục xuất khỏi Trung Đông. Các chính phủ có quan hệ đối tác với Mỹ phải bị lật đổ và cấu trúc chính trị của họ – bị chế nhạo như là những “tiểu quốc giấy” không chính danh được thành lập vì lợi ích của các cường quốc phương Tây – phải bị thủ tiêu. Một vương triều Hồi giáo mới sẽ thay thế, khôi phục Hồi giáo trở về vinh quang quá khứ từ thế kỷ 7 của nó. Một cuộc chiến cho các trật tự thế giới đã được tuyên bố.

Chiến trường của cuộc xung đột này trải dài qua trung tâm Ả-rập Saudi, mà cuối cùng – sau khi al-Qaeda phát động một nỗ lực bất thành nhằm lật đổ triều đại Al Saud trong năm 2003 – trở thành một trong những đối thủ lớn nhất của tổ chức này. Nỗ lực tìm kiếm sự đảm bảo an ninh trong các trật tự theo Hòa ước Westphalia và trật tự Hồi giáo có hiệu quả trong một thời gian. Tuy nhiên, sai lầm chiến lược lớn của triều đình Saudi là cho rằng, từ khoảng những năm 1960 cho đến năm 2003, nó có thể yểm trợ và thậm chí thao túng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài mà không đe dọa vị thế của mình ở trong nước. Sự bùng nổ của một cuộc nổi dậy nghiêm trọng và kéo dài của al-Qaeda ở vương quốc này vào năm 2003 cho thấy lỗ hổng chết người trong chiến lược này, chiến lược mà triều đình đã vứt bỏ để ưu tiên một chiến dịch khác, chống nổi dậy hiệu quả hơn do một hoàng tử của thế hệ sau – Hoàng tử Muhammad bin Nayif, nay là Bộ trưởng Nội vụ Saudi – lãnh đạo. Mặc dù vậy, triều đình vẫn có nguy cơ bị lật đổ. Với sự gia tăng của làn sóng thánh chiến ở Iraq và Syria, sự nhạy bén được biểu hiện trong chiến dịch này có thể lại được kiểm chứng.

Ả-rập Saudi đã áp dụng một tiến trình phức tạp như những thách thức mà nước này đang phải đối mặt. Gia đình hoàng gia đã đánh giá sự đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia của Saudi nằm ở những mối quan hệ mang tính xây dựng với phương Tây và sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, là cái nôi của Hồi giáo và là nước bảo vệ các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, Ả-rập Saudi không đủ khả năng đi chệch khỏi Hồi giáo chính thống. Nước này đã cố dung nạp thuyết phổ độ Hồi giáo được hồi sinh triệt để bằng sự kết hợp mong manh giữa vị thế quốc gia độc lập hiện đại và những quan hệ quốc tế theo Hòa ước Westphalia dựa trên việc thực hành giáo lý Wahhabi[99] Hồi giáo, có lẽ là phiên bản cơ bản nhất của đức tin này, và hỗ trợ nó về mặt tài chính trên trường quốc tế. Kết quả đôi khi có mâu thuẫn nội tại. Về mặt ngoại giao, Ả-rập Saudi liên minh rộng rãi với Mỹ, trong khi về mặt tâm linh lại truyền bá một hình thái Hồi giáo mâu thuẫn với tính chất hiện đại và hàm ý một cuộc đụng độ với thế giới phi Hồi giáo. Bằng việc tài trợ các madrassa (trường học tôn giáo) thuyết giảng giáo lý Wahhabi khổ hạnh trên khắp thế giới, người Saudi đã không chỉ thực hiện nghĩa vụ Hồi giáo của họ, mà còn thực hiện một biện pháp phòng thủ bằng cách để cho những người ủng hộ giáo lý này hoạt động như là nhà truyền giáo ở nước ngoài hơn là bên trong vương quốc. Kế hoạch này đã có những hậu quả ngoài ý muốn khi dung dưỡng một lòng nhiệt thành thánh chiến mà cuối cùng lại đe dọa chính quốc gia Ả-rập và các đồng minh của nó.

Chiến lược áp dụng sự mơ hồ có nguyên tắc của vương quốc này còn có hiệu quả chừng nào các quốc gia theo hệ phái Sunni còn bị các chế độ quân sự cai quản. Nhưng một khi al-Qaeda xuất hiện trên chính trường, nước Iran của các giáo chủ thiết lập sự lãnh đạo của nó đối với phe cách mạng phiến quân trên toàn khu vực, và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đe dọa nắm quyền ở Ai Cập và những nơi khác, Ả-rập Saudi phải đương đầu với hai hình thức nội chiến ở Trung Đông mà những nỗ lực cải đạo của chính nước này (dù không chủ tâm) góp phần thổi bùng lên: một là cuộc nội chiến giữa các chế độ Hồi giáo là thành viên của hệ thống quốc gia có chủ quyền theo Hòa ước Westphalia với những người Hồi giáo coi vị thế quốc gia độc lập và các thể chế hiện hành của trật tự quốc tế là một sự ghê tởm đối với Kinh Quran; và hai là cuộc nội chiến giữa người Shia và Sunni trong khu vực, với Iran và Ả-rập Saudi được coi là lãnh đạo của hai bên đối địch.

Cuộc tranh đấu này sẽ diễn ra trong bối cảnh của hai cuộc tranh đấu khác, mà mỗi cuộc đặt ra thử thách riêng đối với trật tự khu vực: các hành động quân sự của Mỹ lật đổ những chế độ độc tài ghê tởm ở Iraq và Libya, cùng với những áp lực chính trị của Mỹ để dẫn tới “sự biến đổi của Đại Trung Đông”; và sự trỗi dậy của cuộc đối đầu Sunni-Shia, trầm trọng nhất trong Chiến tranh Iraq và cuộc xung đột ở Syria. Trong mỗi cuộc tranh đấu này, khó có thể rút ra các lợi ích tương đồng giữa Ả-rập Saudi và Mỹ.

Về vấn đề lãnh đạo khu vực, cân bằng quyền lực và tranh cãi về học thuyết, Ả-rập Saudi coi mình bị Iran theo hệ phái Shia đe dọa về cả khía cạnh tôn giáo lẫn hoàng gia. Ả-rập Saudi chứng kiến một quần đảo với quyền lực và ảnh hưởng của hệ phái Shia gia tăng dưới sự lãnh đạo của Tehran trải dài từ biên giới của Iran với Afghanistan xuyên qua Iraq, Syria, Lebanon, và đến Địa Trung Hải, để đối đầu với một trật tự theo hệ phái Sunni do người Saudi lãnh đạo bao gồm Ai Cập, Jordan, các nước Vùng Vịnh, và Bán đảo Ả-rập, tất cả đều trong mối quan hệ đối tác thận trọng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái độ của Mỹ đối với Iran và Ả-rập Saudi do đó không thể chỉ đơn thuần là một tính toán cân bằng quyền lực hay vấn đề dân chủ hóa, mà cần phải được định hình trong bối cảnh của những gì mà trên hết là một cuộc đấu tranh tôn giáo đã kéo dài 1000 năm giữa hai hệ phái Hồi giáo. Mỹ và các đồng minh phải thận trọng điều chỉnh hành vi của mình. Vì áp lực bùng phát trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến mạng lưới tế nhị các mối quan hệ trụ cột của vương quốc này ở ngay trung tâm và ở cả những thánh địa Hồi giáo linh thiêng nhất mà nó cai quản. Chỉ một biến động ở Ả-rập Saudi cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đối với nền kinh tế thế giới, tương lai của thế giới Hồi giáo và nền hòa bình thế giới. Theo kinh nghiệm của các cuộc cách mạng ở những nơi khác trong thế giới Ả-rập, Mỹ không thể giả định rằng một phe đối lập dân chủ đang chờ ở cánh gà để cai quản Ả-rập Saudi bằng những nguyên tắc thích hợp hơn với sự nhạy cảm của phương Tây. Mỹ cần phải đúc kết một sự hiểu biết chung về một quốc gia như là phần thưởng quan trọng cuối cùng được cả hai phiên bản thánh chiến theo hệ phái Sunni và hệ phái Shia nhắm tới, mà những nỗ lực của họ dù có xa xôi quanh co đến thế nào cũng sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy một tiến trình mang tính xây dựng trong khu vực.

Đối với Ả-rập Saudi, cuộc xung đột với Iran có tính sống còn. Nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ quân chủ, tính chính danh của nhà nước và tương lai thực sự của Hồi giáo. Ở phạm vi mà Iran tiếp tục nổi lên như một cường quốc có khả năng chi phối, Ả-rập Saudi ít nhất sẽ tìm cách tăng cường vị thế quyền lực của mình để duy trì sự cân bằng. Căn cứ vào các vấn đề căn bản liên quan, những sự bảo đảm bằng lời sẽ là không đủ. Tùy thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran, Ả-rập Saudi có thể tìm kiếm cách tiếp cận tới khả năng hạt nhân của mình dưới một số hình thức, hoặc bằng cách mua lại các đầu đạn từ một cường quốc hạt nhân hiện tại, tốt nhất là theo Hồi giáo (như Pakistan), hoặc bằng cách tài trợ sự phát triển hạt nhân ở nước khác như một chính sách dự phòng. Trong phạm vi mà Ả-rập Saudi dự đoán Mỹ sẽ rút khỏi khu vực, nước này cũng có thể tìm kiếm một trật tự khu vực liên quan đến một cường quốc bên ngoài khác, có thể là Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc thậm chí là Nga. Do đó, những căng thẳng, bất ổn, và bạo lực đang tàn phá Trung Đông trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21 nên được hiểu như là những tầng lớp xung đột dân sự và tôn giáo được tiến hành trong một cuộc tranh đấu, để quyết định liệu khu vực này có liên quan và liên quan như thế nào đến bất kỳ khái niệm rộng hơn nào về trật tự thế giới. Phần lớn điều này phụ thuộc vào khả năng, kỹ năng, và ý chí của Mỹ trong việc góp phần định hình một kết quả đáp ứng những lợi ích của Mỹ, Ả-rập Saudi, và các nước đồng minh được coi là phù hợp với an ninh và nguyên tắc của họ.

SỰ SUY TÀN CỦA QUỐC GIA?

Syria và Iraq – từng là kẻ soi đường cho chủ nghĩa dân tộc đối với nhiều nước Ả-rập – có thể đánh mất khả năng của mình để tái lập như là những quốc gia thống nhất theo Hòa ước Westphalia. Khi các phe phái xung khắc của họ tìm kiếm sự yểm trợ từ những nhóm liên kết trên toàn khu vực và xa hơn nữa, cuộc xung đột giữa hai quốc gia này gây nguy hiểm đối với sự gắn kết của tất cả các quốc gia láng giềng. Nếu nhiều quốc gia giáp nhau ở trung tâm của thế giới Ả-rập không thể thiết lập sự quản trị chính danh và kiểm soát nhất quán trên các vùng lãnh thổ của mình, sự dàn xếp lãnh thổ ở Trung Đông hậu Thế chiến I sẽ đi đến giai đoạn cuối cùng.

Cuộc xung đột ở Syria, Iraq, và các khu vực lân cận đã trở thành biểu tượng của một xu hướng mới đáng ngại: sự tan rã của quốc gia có chủ quyền thành các tổ chức bộ tộc và giáo phái, một số trong đó cắt ngang những biên giới hiện tại trong các cuộc xung đột bạo lực lẫn nhau hoặc bị các phe phái bên ngoài thao túng, không tuân theo các quy tắc chung nào ngoài luật của kẻ mạnh – điều mà Hobbes có lẽ đã gọi là trạng thái tự nhiên.

Sau các cuộc cách mạng hoặc thay đổi chế độ, nếu không thiết lập được một chính quyền mới được đa số người dân (tới số lượng mang tính quyết định) chấp nhận là chính danh, nhiều phe phái khác nhau sẽ tiếp tục tham gia vào những cuộc xung đột công khai với các đối thủ (theo cảm nhận) để giành quyền lực; các phần khác nhau của đất nước có thể bị cuốn vào tình trạng vô chính phủ hay nổi loạn thường xuyên, hoặc sáp nhập với các bộ phận của quốc gia đang tan rã khác. Chính quyền trung ương hiện tại có thể tỏ ra không muốn hoặc không thể tái lập quyền lực trên những khu vực biên giới hoặc các tổ chức phi nhà nước như Hezbollah, al-Qaeda, ISIL, và Taliban. Điều này đã xảy ra ở Iraq, Libya, và đến mức độ nguy hiểm là ở Pakistan.

Một số quốc gia được thành lập như hiện nay có lẽ không thể được quản lý trọn vẹn, nếu không bằng các phương pháp quản lý hoặc sự gắn kết xã hội mà người Mỹ coi là không chính danh. Trong một số trường hợp, những hạn chế này có thể được khắc phục thông qua những tiến triển hướng tới một hệ thống nội bộ tự do hơn. Tuy nhiên, khi các phe phái trong một quốc gia tuân thủ các khái niệm khác nhau về trật tự thế giới hoặc tự coi mình đang trong một cuộc đấu tranh sinh tồn, những yêu cầu của Mỹ về việc đình chiến để thành lập một chính phủ liên minh dân chủ có xu hướng hoặc làm tê liệt chính phủ đương nhiệm (như với Iran của Shah) hoặc bị phớt lờ (như với chính phủ Ai Cập do Tướng Sisi lãnh đạo – giờ đây đã chú ý đến những bài học lật đổ các chính phủ tiền nhiệm bằng cách thay đổi chính sách nhằm thoát khỏi một liên minh lịch sử với Mỹ để ưu tiên cho sự tự do hơn trong hành động). Trong những điều kiện như vậy, Mỹ buộc phải đưa ra quyết định trên cơ sở những gì đạt được sự kết hợp tốt nhất về an ninh và đạo đức, trong khi thừa nhận rằng cả hai yếu tố này đều sẽ bất toàn.

Ở Iraq, việc giải thể chế độ độc tài tàn bạo do hệ phái Sunni thống trị của Saddam Hussein đã gây nên những áp lực, nhưng ít vì mục tiêu dân chủ mà vì mục tiêu đòi trả thù, khiến các phe phái tìm kiếm sự trả thù này thông qua việc hợp nhất những hình thức tôn giáo khác nhau thành những tổ chức độc lập mà kết quả là giao chiến với nhau. Ở Libya, một đất nước rộng lớn với dân số tương đối thưa thớt, bị xé nát bởi những chia rẽ bè phái và các nhóm bộ tộc hận thù – không có lịch sử chung, ngoại trừ từng dưới sự cai trị của thực dân Italy – sự lật đổ nhà độc tài sát nhân Qaddafi đã có tác động trên thực tế về chuyện loại bỏ bất kỳ hình thức quản lý quốc gia nào. Các bộ tộc và khu vực đã tự vũ trang để đảm bảo tự trị hay sự thống trị thông qua những lực lượng dân quân tự trị. Một chính phủ lâm thời ở Tripoli đã được quốc tế thừa nhận nhưng không thể thi hành thẩm quyền thực tế bên ngoài các biên giới thành phố. Các nhóm cực đoan hình thành nhan nhản, được vũ trang từ kho vũ khí của Qaddafi, đang đẩy phong trào thánh chiến sang các quốc gia láng giềng đặc biệt là ở châu Phi.

Khi các quốc gia không được quản lý toàn vẹn, bản thân trật tự quốc tế hoặc khu vực bắt đầu tan rã. Những khoảng trống thể hiện tình trạng vô luật pháp dần thống trị các phần trên bản đồ. Sự sụp đổ của một quốc gia có chủ quyền có thể biến lãnh thổ của mình thành căn cứ cho chủ nghĩa khủng bố, cung cấp vũ khí hoặc kích động phe phái chống lại các nước láng giềng. Những khu vực không có sự quản lý hay thánh chiến giờ đây trải dài trên khắp thế giới Hồi giáo, ảnh hưởng đến Libya, Ai Cập, Yemen, Gaza, Lebanon, Syria, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria, Mali, Sudan, và Somalia. Nếu kể thêm đến những nỗi thống khổ ở Trung Phi – nơi một cuộc nội chiến ở Congo kéo dài nhiều thế hệ đã lôi vào tất cả các nước láng giềng, và các cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đe dọa sự di căn tương tự – một phần đáng kể lãnh thổ và dân cư của thế giới đang trên bờ vực của việc rơi hoàn toàn ra khỏi hệ thống quốc tế các quốc gia có chủ quyền.

Khi khoảng trống này hiện ra lờ mờ, Trung Đông đang rơi vào một cuộc đối đầu tương tự như (nhưng rộng lớn hơn) các cuộc chiến tranh tôn giáo trước Hòa ước Westphalia ở châu Âu. Các cuộc xung đột trong nước và quốc tế củng cố lẫn nhau. Các tranh chấp về chính trị, sắc tộc, bộ tộc, lãnh thổ, ý thức hệ, và lợi-ích-quốc-gia truyền thống đang hợp nhất. Tôn giáo được sử dụng như là “vũ khí” phục vụ cho các mục tiêu địa chính trị, người dân thường bị đánh dấu để tiêu diệt dựa trên những liên kết phe phái của họ. Khi các quốc gia có thể duy trì chính quyền của mình, họ coi thẩm quyền của mình không có giới hạn, được biện minh bởi hoàn cảnh bắt buộc phải tồn tại; khi các quốc gia tan rã, nơi đây trở thành chiến trường cho những cuộc giao chiến giữa các cường quốc xung quanh, nơi mà chính quyền thường được lập nên từ việc hoàn toàn không đếm xỉa gì đến hạnh phúc và phẩm giá con người.

Cuộc xung đột đang diễn ra hiện nay có cả khía cạnh tôn giáo và địa chính trị. Một khối theo hệ phái Sunni gồm Ả-rập Saudi, các quốc gia Vùng Vịnh, trong chừng mực nào đó gồm cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, đối đầu với một khối do Iran theo hệ phái Shia lãnh đạo, yểm trợ cho một phần lãnh thổ Syria của Bashar al-Assad, miền Trung và Nam Iraq của Nuri al-Maliki, các lực lượng phiến quân Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza. Khối Sunni yểm trợ cho các cuộc nổi dậy chống Assad ở Syria và chống Maliki ở Iraq; Iran nhắm mục tiêu thống trị khu vực bằng cách sử dụng các nhóm phi nhà nước gắn với Tehran về ý thức hệ để làm suy yếu tính chính danh trong nước của các đối thủ nước này trong khu vực.

Các bên tham gia trong những cuộc giao chiến này tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ Nga và Mỹ, đến lượt mình các cường quốc này lại định hình những mối quan hệ giữa họ. Mục tiêu của Nga chủ yếu là chiến lược ở mức tối thiểu, nhằm ngăn chặn các nhóm thánh chiến Syria và Iraq không tràn sang các vùng lãnh thổ Hồi giáo của mình, và trên quy mô toàn cầu lớn hơn nhằm tăng cường vị thế của mình so với Mỹ (qua đó đảo ngược kết quả của cuộc chiến tranh năm 1973 đã được miêu tả trước đó trong chương này). Tình thế nan giải của Mỹ là nước này lên án Assad trên cơ sở đạo đức – điều này đúng – nhưng các đối thủ lớn nhất của ông ta lại là al-Qaeda và những nhóm cực đoan hơn mà về mặt chiến lược Mỹ cần phải chống. Cả Nga lẫn Mỹ chưa từng có thể quyết định xem liệu có hợp tác hay thao túng lẫn nhau hay không, dù các sự kiện ở Ukraine có thể giải quyết mâu thuẫn này theo chiều hướng thái độ trong Chiến tranh Lạnh. Iraq bị nhiều phe phái khác nhau tranh chấp – lần này là Iran, phương Tây, và một loạt các phe phái muốn báo thù dòng Sunni – như đã từng như thế nhiều lần trong lịch sử, với cùng một kịch bản nhưng được đóng bởi các diễn viên khác nhau.

Sau những kinh nghiệm cay đắng của Mỹ và trong những điều kiện rất bất lợi cho tính đa nguyên, thật hấp dẫn để những biến động này tự tiến triển và tập trung vào việc đối phó với những quốc gia kế nhiệm sau này. Nhưng một vài quốc gia kế nhiệm tiềm tàng đã tuyên bố coi Mỹ và trật tự thế giới theo Hòa ước Westphalia như kẻ thù chính.

Trong thời đại của chủ nghĩa khủng bố tự sát và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự trôi dạt về phía những cuộc đối đầu giáo phái trên toàn khu vực phải bị coi là mối đe dọa đối với sự ổn định trên thế giới, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả các cường quốc có trách nhiệm, thể hiện ở một số định nghĩa chấp nhận được, ít nhất là về trật tự khu vực. Nếu trật tự không thể được thiết lập, nhiều khu vực rộng lớn có nguy cơ để ngỏ cho tình trạng vô chính phủ và các hình thức chủ nghĩa cực đoan lan sang các khu vực khác. Từ khuôn mẫu ảm đạm này, thế giới đang chờ đợi Mỹ và các quốc gia khác, với vị thế có cái nhìn toàn cầu, đúc kết một trật tự khu vực mới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3