Tôi Là Thầy Tướng Số - Quyển 3 - Chương 2
CHƯƠNG 2
NGŨ HÀNH BÁT TỰ LUẬN CÁT HUNG
ĐẠI HỘI TƯỚNG SỐ BÍ MẬT CỦA CỤC QUÂN THỐNG
Sở Cung giáo 007, Ngụy Mãn Châu, Kodama Yoshio sắc mặt thâm trầm, u ám.
“Ăn hại! Một lũ ăn hại! Quân đội Nhật Hoàng nuôi các ngươi bao nhiêu năm như vậy, đến một phái Giang Tướng cỏn con đối phó cũng không xong! Lại còn đám lưu manh bang Búa rìu nữa, hại chết bao nhiêu người của ta, vậy mà các ngươi lại không bắt nổi một tên! Nào là thả dây dài câu cá to, cá to đâu? Còn nữa, các ngươi tự vỗ ngực là độc thuật cao minh, từng thắng các đại sư độc thuật Trung Quốc, kết quả thì sao chứ? Tăng Kính Võ rải cổ trùng đực xung quanh đảo, phái Giang Tướng thì rải cổ trùng cái trong các cơ quan, trong ngoài phối hợp, các ngươi lại không hề biết chút gì!”
“Vâng!” Đặc vụ và các đại sư tướng số Nhật Bản đồng loạt cúi đầu nhận lỗi.
“Thái quân bớt giận, Thái quân bớt giận.” Một tên đứng đầu hội đạo môn Đông Bắc đã bị người Nhật mua chuộc mỉm cười nói: “Đều tại tên Tổ Gia quá nham hiểm, hơn nữa còn liều mạng, dám đưa cổ trùng vào cơ thể, sau đó lại thừa lúc quân Nhật Hoàng không đề phòng, phá vỡ làm ô nhiễm nguồn nước. Tên Tăng Kính Võ của bang Búa rìu còn liều mạng hơn, dám vào tận nơi có hàng vạn con rắn, đem cổ trùng đực rải trên mình rắn, tình cờ thủy triều dâng cao, nước lớn tràn vào, âm dương hút nhau mới gây nên đại nạn...”
“Tình cờ ư? Đến giờ phút này các ngươi vẫn cho rằng đó là tình cờ sao? Mưu mô, mưu mô, đây là có sự tính toán trước! Mặt khác, các ngươi thua không phải là ở điểm đó! Đến việc rắn không sợ hùng hoàng* mà các ngươi cũng không biết! Thật mất mặt Thiên hoàng Đại Nhật quá mà!”
Những lời này của Kodama Yoshio chứa đầy lòng hậm hực, rất nhiều kiến thức, tư liệu của Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả những thứ sai lầm. Thuyết rắn sợ hùng hoàng bắt nguồn từ Trung Quốc, vào dịp tết Đoan Ngọ mọi người uống rượu hùng hoàng để đuổi rắn trừ tà. Nhưng đây lại là một sự ngộ nhận. Điều này là do Trương Tự Triêm - kẻ hậu sinh của phái Giang Tướng phát hiện ra. Hồi nhỏ mỗi khi đến tết Đoan Ngọ, anh ta đều được cha cho uống rượu hùng hoàng, nói rằng có thể đuổi rắn. Sau này lớn lên, anh ta chuyên đến các hiệu thuốc để mua hùng hoàng, sau đó bắt mấy con rắn thả vào đống hùng hoàng, kết quả mấy con rắn lờ đờ bò quanh, cuối cùng nằm đờ ra. Trương Tự Triêm kết luận rằng: rắn hoàn toàn không sợ hùng hoàng.
Khi khánh thành “Viện giao lưu hữu nghị Dịch học Nhật - Trung”, người Nhật sợ rắn độc trên đảo bò vào nên đã cho rải hùng hoàng trong ngoài công trình. Sau trận đại nạn mới ngộ ra rằng cách đó hoàn toàn vô tác dụng.
“Được rồi!” Kodama Yoshio thở dài nói, “Chiến tranh đã bắt đầu rồi, quân Nhật Hoàng muốn chiếm Trung Quốc trong vòng ba tháng! Nhiệm vụ của các ngươi sẽ càng nặng nề, nếu lại phạm sai lầm, hãy mang đầu về đây chịu tội.”
Tháng 8, quân Nhật tấn công Thượng Hải, tháng 11 Thượng Hải thất thủ. Tháng 12, Nam Kinh bị chiếm đóng, cuộc đại thảm sát Nam Kinh vô cùng bi thảm bắt đầu...
Mỗi khi chiếm được một nơi nào đó, quân Nhật đều tổ chức các hoạt động tế lễ, đội ngũ đại sư tướng số đi theo đại quân lúc này được dịp thi thố tài năng. Họ bày lư hương mà Thiên Hoàng ban cho lên hương án, thắp hương tấu nhạc, sau đó mặc những bộ y phục Thần đạo, diễn đủ tư thế uốn éo, miệng phát ra những tiếng kêu la kỳ quái. Trong khói hương mù mịt và thứ âm thanh quái gở mà đám đại sư tướng số đang gân cổ gào thét, ý chí chinh phục toàn Trung Quốc của quân Nhật càng được đẩy lên cao.
Đội ngũ đại sư tướng số đa phần đến từ các tôn giáo Nhật Bản, đây cũng chính là một cách xâm lược Trung Quốc của người Nhật. Vào thời điểm này, cả nước Nhật có tổng cộng chừng 70 triệu nhân khẩu, trong đó khoảng 40 triệu tín đồ trung thành với tôn giáo, để phát động tín đồ tôn giáo tham chiến, họ lập đền Shokonsha* nhằm kích động tư tưởng xâm lược Trung Hoa của người Nhật.
Trước đây, đặc vụ Nhật Bản mượn Sở Cung giáo để thao túng hội đạo môn Trung Quốc, lợi dụng hoạt động mê tín để tuyên truyền cái gọi là “tình hữu nghị Trung - Nhật”, nhưng thực chất đây là một phần trong sách lược xâm lược Trung Hoa. Đáng tiếc là bàn cờ lớn này bị phái Giang Tướng được truyền thừa hơn ba trăm năm của Trung Hoa đập tan, Kodama Yoshio hận Tổ Gia đến tận xương tủy, tuyên bố muốn tự tay lột da Tổ Gia!
Vào thời điểm đó, Tổ Gia đang làm khách tại Cục Quân thống.
Tiếp đãi Tổ Gia là một vị Phó quan - Phùng Tư Viễn*. Người tiến cử là Giang Phi Yến.
Cực chẳng đã, Giang Phi Yến mới phải tiến cử Tổ Gia với Phùng Tư Viễn.
Phùng Tư Viễn khi đó vẫn chưa nghi ngờ thân phận của Giang Phi Yến, chỉ thấy người phụ nữ nghiêng nước nghiêng thành này tài hoa xuất chúng, am hiểu âm dương, tuy hay thực hiện những hoạt động mê tín như cầu mưa cầu gió, nhưng lại nhiều lần ứng nghiệm, mặt khác lại thường đem tiền bạc đi phân phát, có khi còn nhiều hơn cả số kiếm được, lại còn nguyện dâng hiến cho mình, Phùng Tư Viễn không kìm được tâm tư: “Đúng là một bậc tài nữ hiếm có trong nhân gian, đợi kết thúc cuộc chiến kháng Nhật, ta nhất định sẽ cưới nàng.”
Nhưng quân xâm lược Nhật Bản vẫn dồn ép không ngừng, quân Quốc dân Đảng liên tiếp bại trận, suốt một thời gian dài cả Trung Quốc chìm trong bầu không khí tuyệt vọng, nước mất nhà tan.
Lúc này, Đới Lạp - người đứng đầu Cục Quân thống phụ trách tình báo chiến sự ruột nóng như lửa đốt. Vốn đã mê tín, nay hắn lại càng mê tín hơn, suy đi tính lại, hắn mời tất cả các thầy tướng số nổi tiếng trong khu Quốc thống*, mở một cuộc Đại hội Tướng số bí mật.
Trong lòng mỗi thầy tướng số bị điểm danh tham dự đều có sẵn tính toán của riêng mình, họ cho rằng đây là cơ hội hiếm có để thành danh. Mức độ mê tín của Đới Lạp thì ai cũng biết, chỉ cần khéo bợ đỡ Đới Tướng quân thì mọi việc còn lại đều dễ giải quyết. Nhưng họ đã lầm, lần này điều mà Đới Lạp quan tâm không phải là vận tốt xấu của cá nhân, mà là quốc gia đại sự.
Trong hội trường được canh phòng nghiêm ngặt, Đới Lạp vừa đi vừa nói: “Các vị đại sư, nay tai họa ập xuống đất nước, thường ngày các vị đều nhận là thiên hạ đệ nhất, từng thắng Gia Cát Lượng, không chịu kém Lưu Bá Ôn, biết năm trăm năm về trước, năm trăm năm về sau, nay các vị hãy bói thử xem là mất nước hay đánh bại được Nhật Bản? Nếu có thể chiến thắng, thì là thời điểm nào?”
Các đại sư tướng số Lưỡng Hồ* đưa mắt nhìn nhau, thầm nghĩ: trò này đâu có thể tùy tiện nói xằng, không cần biết kết quả gieo quẻ thế nào, chắc chắn phải trả lời là chiến thắng! Bằng không, Đới Tướng quân lại chẳng bóp lòi ngọc hành chúng ta ra ấy chứ!
Màn đại hội này giống hệt cuộc bói toán của các nhà chiêm tinh do trùm phát xít Hitler tổ chức sau này. Ngoài đánh trận ra, Hitler còn có hai sở trường: một là hội họa, hai là chiêm tinh, trong thư viện của ông ta phần lớn đều là sách chiêm tinh. Tháng 3 năm 1938, Hitler bí mật tổ chức “Đại hội tiên tri” tại một thành phố nhỏ có tên gọi Eisenach ở Đức, triệu tập rất nhiều nhà chiêm tinh của Đức thời bây giờ để bói xem triển vọng của cuộc chiến do chính mình phát động. Cuối cùng một nhà chiêm tinh dự đoán rằng: 4 năm sau, chiến cục xoay chuyển, quân Đức bị thương vong lớn bên một dòng sông!
Hitler nghe xong đùng đùng nổi giận: “Đem giam tất cả vào trại tập trung! Ta sẽ cho bọn chúng thấy ta san phẳng thế giới như thế nào!
Kết quả, năm 1942, quân Đức thảm bại đầy kịch tính bên dòng Volga thuộc Liên Xô. Tiếp đến, năm 1943-1944, liên quân Anh - Mỹ phát động cuộc chiến tổng lực nhằm vào Đảng Quốc xã, phát xít Đức bắt đầu tụt dốc.
Dưới sự giám sát của Đới Lạp, các đại sư tướng số nơm nớp lo sợ, giở pháp bảo ra, người xoay la bàn, kẻ bấm độn ngón tay, người này bày vòng phong thủy, người khác thì lướt bàn tính, sau một hồi vật vã đều đưa ra dự đoán: Quốc quân* tất thắng! Tuế tại Mậu Dần! Nghĩa là: Quân đội Quốc dân Đảng nhất định sẽ chiến thắng quân Nhật vào năm 1938.
Đới Lạp nghe xong tức đến độ thiếu chút nữa thì té xỉu, thầm nghĩ: “Chẳng thà các ngươi nói thẳng là năm nay có thể đánh thắng cho rồi!” Liền sau đó quát tháo: “Cút, cút, tất cả cút cho ta!”
Đám thầy tướng số thất thểu nhấc mông, giữ cái mạng còi mà chuồn cho vội.
Đới Lạp thõng người trên sofa, chẳng còn thiết cái gì nữa. Bỗng có người hô to: “Báo cáo!”
“Vào đi!”
“Bẩm Tướng quân, có người tên Tổ Gia xin gặp!
Đới Lạp thoạt nghe mắt sáng lên: “Thiết Bản tiên sinh - đệ nhất cao thủ Giang Hoài, mới chỉ nghe danh mà chưa có dịp gặp mặt, hãy lập tức mời vào!” Tên đặc vụ vừa nhận lênh quay ra, Đới Lạp đã gọi giật lại: “Hãy khoan, vị cao nhân này ta phải đích thân ra mời mới được!”
“Vâng!”
Đới Lạp thay bộ quân phục bằng bộ thường phục tinh tươm, vừa định ra cửa, bỗng chuông điện thoại reo, Đới Lạp nhấc máy: “Vâng! Thưa Hiệu trưởng! Vâng, học sinh lập tức lên ngay!” Là Tưởng Giới Thạch gọi.
Tại tư dinh ở Vũ Hán, Tưởng Giới Thạch đang ngồi trong phòng, còn Đới Lạp thì đứng nghiêm đợi lệnh.
“Ta nghe nói cách đây không lâu có một vị cao tăng xem tướng cho Mao Trạch Đông, việc này cậu có biết không?” Tưởng Giới Thạch chậm rãi hỏi.
“Đúng vậy! Học sinh có nghe qua!” Đới Lạp đáp.
“Rốt cuộc có việc này hay không?” Tưởng Giới Thạch truy đến cùng.
“Việc này... có thể đều là dân tình đồn đại...” Đới Lạp rầu rĩ đáp.
“Vị cao tăng đó nói ông ta là Chân mệnh Thiên tử! Nghe nói còn ban cho bốn chữ số: 8, 3, 4, 1. Có ý gì vậy?”
“Điều... điều này... học sinh không biết.”
Đới Lạp không hề nói dối, ông ta quả thực không biết, và khi đó chẳng ai biết được điều này.
Tương truyền trong cuộc hành quân trường chinh, Mao Trạch Đông dẫn Hồng quân đi ngang qua một ngôi chùa, sau khi xem tướng mặt Mao Trạch Đông, vị cao tăng trong chùa nói ông tất giành được giang sơn, sau đó lại đọc một dãy số: 8341.
Mao Trạch Đông mỉm cười, hỏi: “Thưa cụ, dãy số này có nghĩa gì?”
Vị cao tăng chắp tay trước ngực, nói: “Đó chính là thiên cơ, thí chủ tự ngẫm đi.”
Là lãnh tụ cách mạng giai cấp vô sản của Trung Quốc, Mao Trạch Đông tất nhiên không vì việc vụn vặt này mà dừng bước đường phấn đấu của mình, ông ngước nhìn trời xanh, nói một cách thâm tình mà kiên định: “Thiên hạ của Cộng sản Đảng là chiến đấu vì nhân dân, Hồng quân không tin vào thiên cơ, chúng tôi chỉ tin vào quần chúng công nông, ai vì nhân dân phục vụ, người đó sẽ nắm được thiên cơ.” Nói rồi, dặn dò cảnh vệ đem một ít mì Thanh Khoa* biếu cao tăng: “Thưa cụ, cụ hãy giữ gìn sức khỏe, nhất định phải đợi đến ngày thiên hạ thái binh.”
Từ đó, dãy số “8341” trở thành một câu đố, sau này Mao Trạch Đông quyết định đặt số hiệu của Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương là “8341”.
Thời gian dần trôi, bể dâu thăng trầm, sự kiện lịch sử năm 1976 cuối cùng cũng xua tan đám sương mù này. Sau Đường Sơn đại địa chấn* chừng hơn một tháng, lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông cũng tạ từ thế giới. Mọi người bắt đầu lật xem trang sử một đời chinh chiến của Mao Chủ tịch, ngạc nhiên phát hiện ra rằng: từ khi bước lên nắm quyền lãnh đạo tại Hội nghị Tuân Nghĩa* năm 1935 cho đến lúc qua đời vào năm 1976, ông đã trải qua đúng 41 năm cầm quyền, thọ 83 tuổi. Và thế là dãy số bí ẩn “8341” cuối cùng đã được giải đáp.
Đương nhiên đây đều là lời dân gian truyền tụng, là sự yêu mến vô hạn đối với Chủ tịch mà diễn dịch thành truyền kỳ. Nhiều năm sau, một lãnh đạo Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương đã ra mặt làm sáng tỏ sự kiện lịch sử: dãy số 8341 chính là một số hiệu quân đội của Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương, căn bản không có chuyện gặp cao tăng gì đó trong cuộc trường chinh của Mao Chủ tịch. Những truyền kỳ khác về số hiệu 8341 đều không có căn cứ.
Tưởng Giới Thạch khi đó lại tin là thật: “Hãy tìm ngay vị Phật sống đó, cậu có hiểu ý của tôi không?”
Đới Lạp nhanh nhảu nói: “Hiệu trưởng, học sinh vẫn đang tìm ạ, chỉ có điều vẫn chưa tìm thấy, do đó chưa dám báo cáo cho Hiệu trưởng!”
Tưởng Giới Thạch gật đầu mỉm cười, ông ta rất coi trọng môn sinh có xuất thân lưu manh này, vì cậu ta luôn nghĩ thay những điều mà ông ta nghĩ, lo lắng thay những điều mà ông ta lo lắng. Vì Tưởng Giới Thạch, Đới Lạp có thể hy sinh tất cả, nhất là trong sự biến Tây An, Bọn Hà Ứng Khâm muốn giết Tưởng Giới Thạch, Đới Lạp bất chấp an nguy của bản thân, không ngần ngại theo sát Tống Mỹ Linh đến Tây An, đồng thời viết tuyệt bút trong lúc câu lưu: “Hy sinh vì nước, kiên định sở nguyện, duy chưa gặp lãnh tụ, chết không cam lòng!” Từ đó, Đới Lạp càng nhận được sự tin tưởng của Tưởng Giới Thạch. Người ngoài đều gọi Đới Lạp là “bội kiếm của Tưởng Giới Thạch”.
“Nhưng bù lại học sinh tìm được một vị đại sư khác!” Đới Lạp nói.
“Vi Thiên Lý?”
Đới Lạp lắc lắc đầu.
“Viên Thụ San?”
Đới Lạp vẫn lắc đầu, sau đó nói: “Vị này là Thiết Bản tiên sinh, mệnh danh là cao thủ tướng số đệ nhất Giang Hoài.”
Tưởng Giới Thạch thoạt nghe vậy liền nổi giận: “Ta nghe nói người này có dính líu đến Vương Á Tiều kia mà!?”
Đới Lạp sững người: “Hiệu trưởng, tì vết không che được ánh ngọc! Dù gì vẫn là tài năng có thể dùng được! Trước đó không lâu chính ông ta đã đập tan cơ quan đặc vụ Nhật Bản trên đảo Chu San.”
Tưởng Giới Thạch ngờ vực: “Tin này có đáng tin cậy không?”
“Có lẽ đáng tin cậy. Tiếng pháo vọng đến từ quần đảo Chu San nghe nói có liên quan đến...”
“Thế nào là có lẽ đáng tin cậy? Tin cậy là tin cậy! Không tin cậy là không tin cậy!” Tưởng Giới Thạch ngắt lời Đới Lạp.
“Vâng! Hiệu trưởng! Học sinh sẽ cho điều tra ngay!” Tuy miệng nói như vậy, nhưng trong lòng cũng chẳng biết làm cách nào, muốn lẻn vào được tổ chức đặc vụ của Nhật đâu có dễ.
Tưởng Giới Thạch nhìn Đới Lạp, nói: “Cậu đi gặp ông ta đi, đối với bọn thổ phỉ giang hồ có qua lại với Vương Á Tiều, phải hết sức cẩn thận!”
Đới Lạp hô to: “Vâng!” rồi quay ra.
Để tìm Tổ Gia, Đới Lạp suy nghĩ hết cách, cuối cùng Phùng Tư Viễn làm việc dưới trướng Đới Lạp bỗng nghĩ đến Giang Phi Yến, dù rằng khi đó ông ta vẫn chưa biết Giang Phi Yến và Tổ Gia cùng là môn sinh của phái Giang Tướng, nhưng ông ta nghĩ: đã là hành nghề tướng số, đều là người trong giang hồ, chắc chắn sẽ biết tiếng nhau.
Phùng Tư Viễn hỏi Giang Phi Yến: “Nàng có biết ‘Thiết Bản tiên sinh’ ở Giang Hoài không?”
Giang Phi Yến nghe xong thoáng giật mình: “Ừm... cũng có nghe qua.” Bà biết là không thể nói không, bởi như vậy thì quá giả tạo, trái lại sẽ lộ chân tướng.
“Vậy có thể tìm được ông ta không?” Phùng Tư Viễn truy hỏi.
Giang Phi Yến suy nghĩ một lát, nói: “Khi Gia sư còn tại thế, tôi từng gặp người này, ông ta là truyền nhân của Thiết Bốc Tử, còn Gia sư là truyền nhân của Thanh Nhất Phái trên núi Mao Sơn, cùng một đạo môn, từng có qua lại. Nhưng người này hành tung bất định, trong giang hồ có rất nhiều người muốn được thỉnh giáo, ông ta cũng thường xuyên đi đây đó, để tôi thử xem sao!”
“Cảm ơn Giang tiểu thư.” Phùng Tư Viễn nói một cách dí dỏm.
“Nghiêm chỉnh đi!” Giang Phi Yến lườm ông ta một cái.
Rất nhanh chóng Giang Phi Yến đem việc này báo cho Tổ Gia, hỏi ông có đồng ý gặp không.
Với bọn đặc vụ Quân thống, Tổ Gia xưa nay hận đến tận xương tủy, nhất là từ sau khi Vương A Tiều bị bọn chúng ám sát, nên mỗi khi nghe đến từ “Quân thống” là ông lại thấy nóng mặt.
“Xem tướng số cho đặc vụ Quân thống ư? Tên Đới Lạp đó vừa hại chết Cửu gia đấy!” Tổ Gia gằn giọng.
“Nhưng Tổ Gia khuây lên cơn sóng gió quá lớn, Đới Lạp đã để mắt đến ông rồi.” Giang Phi Yến lo sợ.
“Yến tỷ, Nam phái từ xưa có dây dưa với triều đình, đó là quy luật sinh tồn; Đông phái từ xưa đến nay luôn ở trong dân dã, nếu ta đi gặp Đới Lạp, e rằng ngày sau sẽ liên lụy đến cả phái Giang Tướng, đến lúc đó chỉ sợ chúng ta đối phó không nổi. Bà xem Lưu sư gia của Tây phái, thiếu chút nữa bị Lưu Tương bắn chết, qua lại với Quốc dân Đảng, chúng ta vẫn còn non lắm! Hiện nay, Quốc dân Đảng vẫn chưa biết sau lưng chúng ta có phái Giang Tướng, cũng không biết chúng ta là những tên lừa đảo, càng không biết Tần Bách Xuyên, Tiền Diệu Lâm, bà, tôi, bốn nhà đại tướng số tuy phân chia ở đông tây nam bắc lại là người một nhà, nếu tin này lộ ra, cả phái Giang Tướng cách sự diệt vong chẳng bao xa đâu!”
Giang Phi Yến nhìn Tổ Gia, đột nhiên hỏi: “Tổ Gia, chúng ta là kẻ lừa đảo ư?”
Tổ Gia ngây người.
Giang Phi Yến nói tiếp: “Chúng ta không phải là kẻ lừa đảo! Tổ Gia tinh thông bát tự, lục hào, phong thủy, Phi Yến cũng kế thừa thuật hô phong hoán vũ của Ngũ Nương, chúng ta lăn lộn bao nhiêu năm như vậy, đã tôi luyện được bản lĩnh thực sự, công phu của chúng ta mạnh hơn nhiều so với đám thầy tướng số đầu đường xó chợ! Chỉ có điều chúng ta có sứ mệnh cướp của người giàu chia cho người nghèo, thay trời hành đạo, khiến chúng ta ngoài việc sử dụng bản lĩnh thực sự ra, còn phải dựa vào lừa đảo mà sống, chúng ta phải kiếm thật nhiều tiền mới có thể giúp đỡ càng nhiều người nghèo, đây là sứ mệnh của chúng ta. Kẻ khác mượn tướng số để lừa tiền, chúng ta lại khoác lên chiếc áo lừa đảo mà hành thiện, rốt cuộc ai mới là kẻ lừa đảo đây?”
Câu nói của Giang Phi Yến khiến Tổ Gia bừng tỉnh, bao nhiêu năm nay gian nan vất vả, lập bẫy lừa đảo, thật thật giả giả, thập tử nhất sinh, dường như quên mất rằng bản thân là người tốt.
Tổ Gia ngây người ra hồi lâu, nói: “Nhưng người của Quân thống tìm ta, chẳng hỏi ngoài hai việc, một là vận tốt xấu của cá nhân, hai là xem công cuộc kháng Nhật. Việc như vậy há có thể tùy tiện bói toán ư? Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới đó. Trung Hoa chẳng thiếu nhân tài, nhưng không phải là chúng ta.”
“Tổ Gia phải đi! Ban đầu tôi do dự có nên để Tổ Gia gặp họ không, nay tôi nghĩ kỹ rồi, Tổ Gia phải gặp bọn họ. Gặp bọn họ rồi, phái Giang Tướng sẽ được an toàn!” Giang Phi Yến chớp mắt nói.
Tổ Gia lại ngây người ra: “Sao bà lại nói như vậy?”
Giang Phi Yến bước lại gần, thì thầm vào tai Tổ Gia mấy câu.
Tổ Gia nghe xong bật cười ha hả: “Yến tỷ quả không hổ là Đại sư bá Nam phái, hiểu rõ huyền cơ trong quan trường, bội phục, bội phục!”
Giang Phi Yến đỏ mặt: “Khiến Tổ Gia chê cười rồi.”
ĐẶT TÊN THEO NGŨ HÀNH
Trong phòng khách, Phùng Tư Viễn đích thân rót đầy tách trà cho Tổ Gia, rồi sau đó lễ phép nói: “Tiên sinh đợi một lát, Đới Tướng quân đến ngay bây giờ.”
“Phùng Phó quan chớ khách sáo. Được dốc sức vì Đới Tướng quân, bỉ nhân thấy vô cùng vinh hạnh.”
Chừng nửa canh giờ sau, Đới Lạp đến.
Tổ Gia đứng dậy nghênh đón, đây là lần đầu tiên ông gặp Đới Lạp bằng xương bằng thịt! Gặp kẻ thù không đội trời chung, Tổ Gia cố gắng che giấu lửa giận đang ngùn ngụt trong lòng, nhưng hình ảnh Vương Á Tiều vẫn cứ chập chờn trước mắt.
“Ngưỡng mộ đại danh tiên sinh đã lâu, nay mới gặp mặt, quả là tiên phong đạo cốt!” Đới Lạp bắt tay Tổ Gia nói.
“Đới Tướng quân thần vũ anh minh, uy danh bốn biển, được gặp Tướng quân, bỉ nhân vô cùng vinh hạnh!” Tổ Gia phụ họa.
“Mời ngồi!” Đới Lạp nói với cung cách khách sáo.
Sau khi hai người ngồi xuống, Đới Lạp bỗng cất tiếng hỏi trước: “Nghe nói tiên sinh thường qua lại với Vương Á Tiều?”
Tổ Gia đã lường trước tình huống này, Giang Phi Yến cũng dặn đi dặn lại rằng ông cố đừng để thất lễ. Tổ Gia bình tĩnh đáp: “Chẳng dám nhận là có qua lại, chỉ là Diêm vương cho đòi, tiểu quỷ không dám không đến, Vương A Tiều hay Đới Tướng quân cũng vậy, đều là tấm thân máu thịt, là người tất sợ cái chết, đó là đạo lý hiển nhiên, do đó thánh nhân sáng tạo ra Chu dịch, nhằm dạy cách đón cát tránh hung. Vương Á Tiều khi còn sống cũng từng mời bỉ nhân đến xem cát hung...”
Câu trả lời này vừa khéo léo tránh được cái bẫy của Đới Lạp, vừa nghe có vẻ rất chân thực.
Đới Lạp mỉm cười, nói: “Lời của tiên sinh rất đúng. Đây giống như chức phận của thầy thuốc là trị bệnh cứu người, bất luận là người tốt hay xấu, trong mắt thầy thuốc chỉ là bệnh nhân, đã là bệnh nhân thì phải điều trị. Người xưa nói: ‘Người học Y, chữa bệnh; người học Dịch, trị mệnh.’ Dịch học, Y học vốn cùng một nhà, Đông y và Thuật số đều tuân theo nguyên lý âm dương, đều tuân theo sự chế hóa xung khắc của ngũ hành. Do đó người xưa mới nói: ‘Không làm tướng giỏi, thì làm thầy thuốc’, không thể xuất tướng nhập sĩ trị quốc an bang vì triều đình, thì quay về làm thầy thuốc hoặc thầy tướng số, chuyên tâm phục vụ bách tính. Phẩm chất Dịch học của tiên sinh quả là cao thượng!”
Tổ Gia trong bụng thầm nhận xét: Đới Lạp đúng là Đới Lạp, bất luận tài ăn nói hay học vấn, đều trội hơi một bậc so với bọn đặc vụ thông thường.
Tổ Gia cũng mỉm cười: “Đới Tướng quân am hiểu Dịch lý, quán thông cổ kim, bội phục, bội phục.”
Đới Lạp nhấp một ngụm trà, nói: “Lần này mời tiên sinh đến đây, là có việc quốc sự muốn hỏi.”
Tổ Gia nói: “Có hỏi tất có đáp, bỉ nhân sẽ dốc hết sức.”
Đới Lạp gật đầu: “Quân Nhật xâm lược nước ta, Trung Hoa gặp nguy, kể từ khi Tôn Trung Sơn lập quốc, đây là lần đầu tiên Trung Hoa ta gặp kiếp nạn lớn như vậy, Nam Kinh thất thủ, phút chốc mấy trăm ngàn người chết, ủy viên trưởng rất đau lòng. Tiên sinh hãy đứng từ góc độ đại nghĩa dân tộc, xem xem trong cuộc chiến Trung - Nhật này, liệu ta có thể giành thắng lợi không? Nếu thắng thì thắng vào thời điểm nào?”
Tổ Gia gật đầu, nói: “Tấm lòng thành ái quốc của Đới Tướng quân thật khiến người ta kính trọng. Xem vận nước cần phải dụng đến phép kỳ môn, đặc biệt là chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia kia, càng phải dụng thuật kỳ môn vũ trụ. Bỉ nhân học sơ tài thiển, đối với phép này không được tinh thông cho lắm, chỉ có thể dựa vào phép thiên tượng, mạn phép múa rìu qua mắt thợ vây.”
“Tiên sinh quá khiêm tốn rồi, xin mời.”
“Tôi xem trong Cửu tinh*, Chủ tinh mờ tối, sao Phá Quân hung ác, dữ tợn, đó đều chủ về việc xấu. Nhưng hai sao Văn Khúc và Vũ Khúc củng chiếu*, đây là tượng tốt. Quân Nhật xâm chiếm Trung Hoa, sao Cự Môn mở, sao Tham Lang khởi, hai năm đấu tất sẽ chiếm thế thượng phong, nhưng một khi qua hai năm đầu này, quân Nhật tất sẽ đến hồi hạ phong. Nhật Bản là quốc đảo nhỏ bé, đánh thẳng một mạch vào nội địa Trung Hoa ta tất sẽ sa lầy vào chiến cuộc, lâu ngày sẽ bị quân ta giằng co mệt nhọc, đến lúc đó quân ta phản công, tất sẽ đuổi được loài lang sói ra khỏi đất nước! Duy có một điểm...”
“Điểm gì?” Đới Lạp sốt sắng hỏi.
“Trung Hoa kháng chiến, vạn người phải đồng tâm, nếu Quốc quân chỉ nghĩ đến tiễu Cộng, tức là làm trái đạo trời, tất sẽ chuốc lấy thất bại. Hai tướng Trương, Dương trong Sự biến Tây An* chính là điểm báo.”
“Lời của tiên sinh rất đúng!” Đới Lạp gật gù, “chỉ là một nước, há có thể hai vua? Phỉ Cộng quá ngạo mạn...”
Tổ Gia mỉm cười: “Có được lòng dân là giành được thiên hạ, Đới Tướng quân không thể không biết điều này.”
“Vậy thì... cuộc chiến này phải mất bao nhiêu năm mới giành thắng lợi?” Đới Lạp hỏi dồn.
“Ngắn thì năm năm, dài thì mười năm.”
“Lâu vậy sao?” Đới Lạp sửng sốt nói, liền sau đó lại nghĩ, “Nhưng... cũng đành vậy.”
Đến đây, Đới Lạp đã bị Tổ Gia dẫn dắt hoàn toàn. Người mời thầy tướng số đến xem cho mình thường như vậy, những thứ mà bản thân rõ ràng đã phán đoán ra thì lại thiếu tự tin, nhất định phải nghe chính miệng thầy tướng số nói ra mới cảm thấy yên tâm, xét từ góc độ này, thầy tướng số cũng giống như bác sĩ tâm lý.
Kỳ thực, việc dự đoán kết quả kháng Nhật trên toàn quốc lúc bấy giờ không nằm ngoài hai trường hợp: một là Nhật Bản chiến thắng, Trung Hoa mất nước; trường hợp còn lại là Trung Hoa tất thắng, nhưng thời gian thì không xác định, có thuyết tốc thắng, có thuyết kéo dài. Tóm lại số người nghiêng về thuyết giành thắng lợi chiếm đa số, một nước lớn thế mạnh há có thể thua quân giặc lùn nhỏ bé sao!
Lời dự đoán này cũng bao trùm lên cả hệ thống đặc vụ Quân thống. Phùng Tư Viễn có lúc phong nguyệt gió trăng cùng Giang Phi Yến xong, cũng rôm rả bàn luận việc này. Giang Phi Yến tỉ mỉ ghi nhớ, rồi đem kể hết lại cho Tổ Gia nghe. Tổ Gia mới có thể phán trên trời dưới đất, làm cho Đới Lạp trong lòng rất khâm phục, còn về lời dự đoán: “Ngắn thì năm năm, dài thì mười năm” là Tổ Gia tự dự đoán, vì ông cũng không biết rốt cuộc phải chiến đấu bao lâu, nhưng là người Trung Quốc, ông tin chắc rằng: Trung Quốc sẽ không bại vong.
Đới Lạp hỏi xong việc công thì bắt đầu hỏi đến việc riêng, trước khi hỏi đưa mắt ra hiệu cho Phùng Tư Viễn. Phùng Tư Viễn biết ý lui ra.
“Từ lâu nghe danh tiên sinh tinh thông thiết bản thần số, chỉ cần xem bát tự, tốt xấu thoạt nhìn là biết ngay, đây là bát tự của tại hạ...” Đới Lạp đưa bát tự của mình ra.
Rốt cuộc Tổ Gia cũng đợi được thời cơ này.
Sau khi suy ngẫm một lát, Tổ Gia nói: “Nếu luận theo pháp thông thường, thì bát tự của Đới Tướng quân thiếu Thủy, trong mệnh, Thủy là đệ nhất Dụng thần!* Do đó, gặp được Thủy là tốt, bất luận là bố cục phong thủy hay là đặt tên, đều phải có Thủy.”
Đới Lạp nghe xong gật đầu lia lịa, bản thân hắn cũng hiểu bát tự, biết rằng bát tự của mình thiếu Thủy, do đó một hơi nêu ra mấy chục cái tên có mang Thủy đặt cho mình.
“Nhưng...” Tổ Gia chợt chuyển đề tài.
“Nhưng gì cơ?” Đới Lạp vội hỏi.
“Nhưng đây chỉ là luận điệu hoang đường!”
“Luận điệu hoang đường?” Đới Lạp ngạc nhiên đến độ suýt đứng bật dậy.
“Thông thường bát tự được chia thành tám chữ, nhưng có một số bố cục đặc biệt, không thể luận theo thuyết ngũ hành cân bằng. Vì vậy nếu ngũ hành trong bát tự đều vượng, khi mà vượng đến độ không thể khống chế được thì phải tiết bớt thế vượng của nó, bằng không cứ lấy ngũ hành tương phản mà khống chế, trái lại sẽ kích thích thế phản ngược, đây gọi là ít khó địch nổi nhiều, mãnh hổ địch quần nan, người xưa cũng luận thuật rất nhiều về điều này. Bát tự của Đới Tướng quân là Hỏa vượng, nếu luận theo thông thường, nên bổ sung Thủy, dùng Thủy để chế phục Hỏa, duy trì ngũ hành cân bằng, nhưng xét một cách tỉ mỉ, trong bát tự của Tướng quân, thiên can Bính Hỏa là Nhật chủ*, lại gặp địa chi Tỵ Hỏa, Đinh Hỏa trên Niên can, Thời can* và Tỷ kiếp* trợ giúp lẫn nhau, Nguyệt can* Ất Mộc lại sinh Hỏa, Mộc Hỏa thông minh, lửa lớn phừng phừng, thế vượng không gì cản nổi! Do đó, tuyệt đối không thể dùng Thủy!”
Vậy dùng cái gì?” Đới Lạp sợ toát mồ hôi hột.
“Dùng Thổ!” Tổ Gia nói như đinh đóng cột.
“Tiên sinh nói rõ xem.” Đới Lạp biết mình đã thất lễ, liền lập tức bình tĩnh trở lại.
“Hỏa sinh Thổ, Thổ có thể tiết hao vượng khí của Hỏa, lại không giống như Thủy kích thích thế phản ngược của Hỏa.” Tổ Gia nói.
Đới Lạp gật gật đầu: “Đúng, có lý.”
Lý luận này của Tổ Gia bắt nguồn từ quy luật ngũ hành sinh khắc chế hóa, sau này ông cũng thường giảng giải lý luận này cho anh em Đường khẩu nghe.
Ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là quy ước trừu tượng của người xưa về mọi sự vật trên thế giới. Trong Thượng thư, thiên Hồng Phạm có chép: “Ngũ hành: một là nước, hai là lửa, ba là gỗ, bốn là kim loại, năm là đất (nói về tính chất). Nước thấm xuống dưới, lửa bốc lên trên, gỗ có cong có thẳng, đồ kim khí tùy tay người thợ mà đổi hình, đất để trồng cấy.”
Ngũ hành là nền tảng của mọi thuật tướng số, người xưa cho rằng thiên địa vạn vật đều có ngũ hành, mọi sự cát hung họa phúc đều do sự vận động và tương tác của ngũ hành mà thành, nắm được nguyên lý ngũ hành rồi, sự thần bí của thuật dự trắc cũng sẽ dễ dàng lý giải.
Khi mới học, có lúc đám tay chân hỏi: trời tròn đất vuông, hồng trần vạn vật, trên thế giới này ngoài kim loại, gỗ, nước, lửa và đất ra, còn có biết bao nhiêu sự vật, ví dụ thủ lợn, áo dài, áo khoác, máy quay đĩa, chó, mèo, đại tiện..., chỉ dùng ngũ hành sao có thể bao hàm được tất cả đây?
Tổ Gia mỉm cười nói: “Nếu coi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ chỉ là như kim loại, gỗ, nước, lửa và đất, thì đã đánh giá thấp trí tuệ của các bậc tiên hiền xưa. Phàm là khái niệm, đều có nội hàm và ngoại diên của nó; Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là sự biểu đạt trừu tượng của ngũ hành, khái quát vạn vật, trong cuộc sống của chúng ta, những vật ta thấy ở khắp mọi nơi đều có thể quy vào ngũ hành.”
Kim: phàm vật chất có tính chất cứng, có khí xơ xác tiêu điều đều gọi là Kim, không chỉ bao gồm vàng, còn là tất cả kim loại và nguyên tố chất cứng như bạc, đồng, sắt, nhôm, thép, đá quý, trân châu, mã não, ngọc phỉ thúy... Đồng bạc, tiền đồng, dao mổ lợn, súng lục, đại bác, xương cốt, vòng ngọc... những sự vật trông thấy hằng ngày này, ngũ hành đều thuộc Kim.
Mộc: những vật chất có cong có thẳng, hướng lên trên, có tính cổ xưa, nhân ái, đều thuộc Mộc như: cây cối, hoa cỏ, đồ vật làm từ gỗ, lược gỗ, lông tóc, thuốc lá...
Thủy: sự vật có tính di động, có khí linh hoạt đều thuộc Thủy như: biển, sông ngòi, hồ nước, nước uống, các loại hoa quả, tôm cá...
Hỏa: những vật chất nhiệt nóng hoặc khí ấm áp đều thuộc Hỏa như: lửa, lò luyện thép, lò gạch, mặt trời, bóng đèn điện, diêm, pháo nổ...
Thổ: phàm là những vật chất có tính thu liễm, đôn hậu, giản dị, chất phác đều thuộc Thổ như: núi, đất đai, tường thành, sa mạc, phòng ốc, đường sá, cát, đồ gốm, bùn...
Tổ Gia dạy chúng tôi quy luật ngũ hành tương sinh là: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.
Thế nào là Thủy sinh Mộc? Thực vật muốn sinh trưởng được thì không thể thiếu nước; người nông dân trồng hoa màu, hoa màu muốn tốt tươi thì phải tưới tắm; các bà các cô thích trồng hoa cây cảnh đều biết tầm quan trọng của việc tưới nước đúng giờ... Đây là những sự việc quá đỗi bình thường, nhưng đều hàm chứa nguyên lý Thủy sinh Mộc.
Vì sao Mộc lại sinh Hỏa? Gỗ có thể đốt cháy, người xưa đều dùng củi để sưởi ấm, nấu ăn, mặt khác người thượng cổ cũng lấy lửa bằng cách dùng hai thanh gỗ cọ sát vào nhau; thời cổ đại, dường như gỗ là vật liêu duy nhất sinh ra lửa. Nguyên lý Mộc sinh Hỏa không cần nói cũng hiểu.
Vì sao Hỏa sinh Thổ? Cây cỏ đốt cháy hết thì sinh ra tro than, cuối cùng dần dần tan ra thành bùn đất. Người vùng núi đốt rừng làm rẫy chính là vận dụng nguyên lý này.
Vì sao Thổ sinh Kim? Đó là bởi khoáng sản kim loại, ngọc, phỉ thúy đều được khai thác từ lòng đất.
Bốn nguyên lý trên đây, đám tay chân đều dễ dàng hiểu được, duy có nguyên lý Kim sinh Thủy, Tổ Gia lại không giảng, ông nói vui rằng: ai có thể lý giải được vì sao Kim sinh Thủy, ta sẵn sàng nhường vị trí của ta cho người đó.
Thế là đám tay chân bàn tán rôm rả, có người nói vật chất có tính kim vốn là tính hàn, nên có khí chất lạnh, do đó Kim sinh Thủy; cũng có người nói đem kim loại nung chảy có thể được dòng gang thép nóng chảy; người thì nói trong bát quái, quẻ Càn đại diện cho trời, ngũ hành thuộc Kim, nước mưa từ trên trời rơi xuống, do đó Kim sinh Thủy.
Tổ Gia lắc đầu, bảo rằng tất cả đều sai.
Về ngũ hành tương khắc, Tổ Gia giảng giải cho chúng tôi càng sinh động hơn, ông có thể đem những hiện tượng bình thường nhất để giảng giải cho chúng tôi hiểu những đạo lý vô cùng cao thâm. Nguyên tắc căn bản của ngũ hành tương khắc là: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
Vì sao Kim khắc Mộc? Một cái cây nhỏ tốt tươi, một chiếc rìu bổ xuống, rồi thêm vài nhát nữa liền đứt đoạn đổ gục xuống. Rìu được làm từ kim loại, đây chính là Kim khắc Mộc.
Vì sao Mộc khắc Thổ? Một mảnh đất vuông vức, một cọc gỗ được đóng xuống, lập tức đất nứt toác ra. Người xưa đóng cọc gỗ buộc gia súc, dựng lều bạt đều vận dụng nguyên lý Mộc khắc Thổ, hạt giống thực vật nảy mầm, đội đất mà lên, cũng nói lên nguyên lý này.
Vì sao Thổ khắc Thủy? Tục ngữ có câu: “Giặc đến tướng chặn, nước dâng đất ngăn” chính là nói đến nguyên lý này. Đất có tính hút nước rất mạnh, nếu xảy ra lũ lụt, cách tốt nhất là dùng đất để be bờ dẫn dòng và đắp đê chặn lũ.
Vì sao Thủy khắc Hỏa? Điều này càng dễ lý giải: khi xảy ra hỏa hoạn, thông thường đều dùng nước để dập lửa.
Vì sao Hỏa khắc Kim? Đặc tính của kim loại là cứng, nhưng dù cứng thế nào chăng nữa, chỉ cần nung với nhiệt độ thích hợp là đều có thể nóng chảy, đó là thuộc tính khiến nó trở nên như vậy.
Nay Tổ Gia đem lý luận này áp dụng với Đới Lạp. Tổ Gia có tính toán của riêng mình, ông muốn mượn cơ hội này để báo thù cho Vương A Tiều. Người tinh thông âm dương ngũ hành đều biết xem tướng số giống như khám bệnh vậy, nếu chẩn đoán sai, người ta cần bổ sung Thủy, anh lại đem bổ sung Hỏa, đó khác nào kê sai vị thuốc, sẽ khiến bệnh tình nặng hơn, phản ánh trên vận mệnh chính là gặp vận rủi lớn! Tổ Gia cố ý nói bát tự thiếu Thủy của Đới Lạp không thể dùng Thủy để bổ khuyết, trái lại phải dùng Thổ, đây là ông muốn làm mất đi sự cân bằng trong bát tự của hắn, nhằm đẩy hắn vào chỗ chết.
Đối với người ngoại đạo, cách làm này thật giống như một trò đùa, nhưng Tổ Gia lại tốn không ít tâm sức vào nó, dày công lập bẫy, khổ luyện kỹ năng biện luận. Nhưng suy nghĩ một cách tỉ mỉ, thầy tướng số ngoài cách này ra, còn có cách nào khác nữa đây? Đó chính là nỗi bi ai của thầy tướng số, và cũng là sự thâm hiểm của ông.
Tổ Gia nói xong, âm thầm quan sát Đới Lạp. Đới Lạp chớp mắt không nói.
Tổ Gia lại nhồi thêm một câu: “Đây chỉ là kiến giải riêng của bỉ nhân, Đới Tướng quân hãy cân nhắc tham khảo, không nhất thiết tin cả.”
Đới Lạp chung quy vẫn là Đới Lạp, cái tính hồ nghi của hắn lúc này lại phát huy tác dụng, đột nhiên hỏi: “Tiên sinh xem mệnh đào hoa của ta thế nào?”
Người xưa xem bát tự thường đề cập đến thuật ngữ “mệnh Đào hoa”, “Đào hoa sát”, “kiếp Đào hoa”, người đến xem bói cũng thường hỏi thầy rằng: “Thầy xem giúp tôi phải chăng có mệnh Đào hoa?” Từ “đào hoa” này được gán cho quá nhiều màu sắc thần bí. Kỳ thực, “Đào hoa” chỉ là một Thần sát trong bát tự. Người xưa luận về tướng mệnh, ban đầu lấy ngũ hành sinh khắc của can chi trong bát tự làm nền tảng, sau này trải qua quá trình diễn biến của lịch sử, không ít thuật sĩ phong kiến thêm thắt những điều đầy màu sắc mê tín, “Đào hoa” chính là một trong số đó.
Trong hệ thống Thần sát bát tự, Đào hoa còn gọi là “Hàm trì”, là nơi tắm rửa của các tiên nữ trên trời. Người xưa còn nói: Nhật xuất phù tang, nhập, vu hàm trì. Nếu trong bát tự có Thần sát này, gọi là mệnh có Đào hoa. Vậy tác dụng của Đào hoa là gì? Người xưa cho rằng, Đào hoa có hai tầng ý nghĩa, nếu bát tự tổ hợp tốt, chủ về xinh đẹp, thông minh, đa tình, có mối quan hệ tốt với người khác giới, hôn nhân mỹ mãn; còn nếu bát tự tổ hợp không tốt, chủ về tính cách phong lưu, dễ thay đổi tình cảm, dâm đãng, trắc trở trong hôn nhân; nếu phạm Đào hoa sát, còn có thể chết vì tình. Do đó, mệnh có Đào hoa rốt cuộc là tốt hay xấu, còn phải xem tổ hợp bát tự cụ thể.
Cách phán đoán mệnh Đào hoa rất đơn giản, người xưa có câu khẩu quyết rằng:
Thân Tý Thìn Đào hoa tại Dậu,
Dần Ngọ Tuất Đào hoa tại Mão,
Tỵ Dậu Sửu Đào hoa tại Ngọ,
Hợi Mão Mùi Đào hoa tại Tý.
Luận theo Niên trụ*, phàm là người tuổi khỉ (Thân), tuổi chuột (Tý), tuổi rồng (Thìn), trong địa chi của bát tự xuất hiện chữ “Dậu”; người tuổi ngựa (Ngọ), chó (Tuất), hổ (Dần), trong địa chi bát tự xuất hiện chữ “Mão” gọi là mệnh mang Đào hoa. Hai câu còn lại tương tự.
Ví dụ: người tuổi khỉ, sinh vào tháng Dậu (tháng 8 âm lịch), chính là gặp Đào hoa, hay sinh vào giờ Dậu buổi chiều (khoảng 5-7 giờ chiều), cũng là mệnh gặp Đào hoa.
Nhiều đại sư Dịch học trong lịch sử đã lên tiếng phê phán gay gắt những lời bói toán mang đầy màu sắc mê tín này, họ cho rằng những thứ cặn bã này phải quăng vào sọt rác từ lâu rồi. Nhưng đến nay, nhiều thuật sĩ vẫn dùng nó để xem tướng số.
Nay Đới Lạp hỏi Tổ Gia về mệnh Đào hoa, với mưu trí lão luyện, Tổ Gia đương nhiên không xuất chiêu theo cách thông thường.
Tổ Gia bấm quẻ, gật gù liên tục, sau đó mỉm cười, cao giọng nói: “Đới Tướng quân anh tuấn uy phong, người phụ nữ của ngài tất xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nếu không phải con nhà danh môn thì cũng là minh tinh màn bạc.”
Đới Lạp nghe rồi thốt lên: “Thật lợi hại!” Hắn thầm yêu Hồ Điệp - minh tinh của Bến Thượng Hải đã lâu, hạ quyết tâm không có được nàng thề không từ bỏ, đây là bí mật hắn cất giấu tận đáy lòng. Hắn đâu biết rằng, việc hắn phái đặc vụ ngầm đi điều tra Hồ Điệp từ lâu đã bị Phùng Tư Viễn đem ra làm truyện cười khi ôm ấp Giang Phi Yến. Rốt cuộc mấy năm sau, tại Trùng Khánh, hắn cũng ẵm được đệ nhất mỹ nhân Dân Quốc - Hồ Điệp khi đang lâm nạn, “minh chứng” cho câu nói trên của Tổ Gia.
Đến lúc này, Đới Lạp trở nên do dự, hắn do dự là nên chăng tiến cử Tổ Gia với Tưởng Giới Thạch. Hắn đứng trước hai mối băn khoăn: thứ nhất, ông thầy này bói chuẩn như vậy, ngộ nhỡ bói ra cái dã tâm của hắn, khiến lão gia* nghi ngờ, há chẳng phải rước phiền phức vào người ư? Mà trong Quân thống bang phái nhiều như rươi, biết bao kẻ muốn lật đổ mình! Lúc này mà để lộ ra, e rằng khó giữ được cái mạng. Thứ hai, lôi kéo người này ở bên cạnh mình há chẳng phải tốt hơn đem cúng cho lão gia, gặp lúc nguy cấp, bói một quẻ, vừa có thể bảo vệ bản thân, gặp hung hóa cát, lại có thể nhờ vào sự chỉ điểm của ông ta mà bày mưu hiến kế thể hiện trước mặt lão gia, chiếm được lòng tin, há chẳng phải nhất cử lưỡng tiện ư?
Lúc đó, Đới Lạp với vây cánh chưa thực sự lớn mạnh ráng sức suy nghĩ.
Mọi việc đều nằm trong dự liệu của Tổ Gia và Giang Phi Yến, đây chính là nguyên nhân vì sao Giang Phi Yến khăng khăng bảo Tổ Gia đi gặp Đới Lạp. Giang Phi Yến quá hiểu quy luật trong quan trường. Mấy trăm năm nay, Việt Hải Đường gây dựng nhiều mối quan hệ vô cùng sâu rộng trong triều đình, từ Đại Thanh đến Dân Quốc, Hoàng đế, thái giám nghĩ thế nào; Tổng thống, Tướng quân nghĩ ra sao, các nữ A Bảo đều nắm rất rõ.
Cuối cùng, Đới Lạp đứng dậy bỏ đi.
Tổ Gia thở phào một tiếng: hôm nay có thể giữ được danh hiệu “Đệ nhất tướng số Giang Hoài”, không gây nghi ngờ cho Đới Lạp, phái Giang Tướng tạm thời an toàn; lại tránh không dính dáng vào mâu thuẫn quân thần giữa Tưởng Giới Thạch và Đới Lạp. Còn Đới Lạp quay về báo cáo với Tưởng Giới Thạch thế nào chẳng cần nói cũng rõ, tóm lại Tưởng Giới Thạch sẽ không gặp Tổ Gia.
VẠCH TRẦN “PHI THIÊN”, THIÊU SỐNG “THIÊN NHÂN”
Cùng lúc đó, trong nội địa Trung Nguyên, quân Nhật vẫn điên cuồng tiến công. Nội bộ Quốc quân, các phe cánh mải đấu đá lẫn nhau, sức chiến đấu yếu ớt. Tháng 6 năm 1938, Nhật chiếm được Từ Châu, Lan Phong, tiếp theo quân Nhật dồn toàn bộ binh lực ở Hoa Bắc, Hoa Đông tấn công Khai Phong. Một khi Khai Phong thất thủ, tuyến đường sắt Bình Hán mất theo, quân Nhật có thể đánh thẳng một mạch vào sào huyệt Quốc dân Đảng - Vũ Hán. Sau khi để mất Nam Kinh, Quốc dân Đảng vội vàng rời đô về Trùng Khánh, nhưng khi đó cơ quan đầu não của chính phủ Quốc Dân và Bộ Chỉ huy quân sự đều ở Vũ Hán, trên thực tế Vũ Hán thời điểm đó là trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế của cả nước.
Vì vậy, Tưởng Giới Thạch bị bức vào đường cùng đã đưa ra quyết định gây chấn động cả nước: phá hủy đê Hoàng Hà! Chặn bước tiến quân Nhật.
Ngày 9 tháng 6, hàng trăm quả đạn pháo phá vỡ đê Hoàng Hà ở cửa Hoa Viên, ngay lập tức nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn đổ ra, bỗng chốc nhấn chìm 44 huyện, hại chết 89 vạn người!
Sau khi biết tin này, Tổ Gia căm phẫn đến nỗi toàn thân run rẩy: “Lũ xâm lược! Ta phải ăn tươi uống máu các ngươi!”
Sở dĩ Tổ Gia không mắng Tưởng Giới Thạch mà mắng lũ xâm lược là vì khi đó chính phủ Quốc dân Đảng che giấu chân tướng sự việc, nói chính người Nhật phá đê Hoàng Hà. Sau này mãi đến năm 1978, tức 3 năm sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, sách giáo khoa của Đài Loan mới dám thừa nhận sự thật lịch sử này.
Tính mạng của 89 vạn người dân để đổi lấy 3 tháng hòa hoãn, ngay sau đó quân Nhật tận dụng ưu thế binh lực tấn công Vũ Hán. Cuộc chiến bảo vệ Vũ Hán bi hùng nổ ra! Binh lực tham chiến của cả hai bên lên đến 140 vạn, Quốc quân thương vong đến 40 vạn, Nhật 14 vạn; Nhật chiến thắng một cách vất vả, Quốc quân dùng sự thương vong cực lớn, đẩy quân Nhật vào giai đoạn chiến lược giằng co.
Sau khi Nhật chiếm Vũ Hán, Đường khẩu của Tổ Gia đang co cụm ở ngoại ô Vũ Hán cũng tính đến phương án rút lui. Còn đi đâu, ông vẫn chưa biết. Lúc này Quảng Châu đã rơi vào tay giặc, Giang Phi Yến dẫn các chị em vội chạy về Quảng Tây. Thế là Tứ đại Đường khẩu, chỉ có Tây phái Long Tu Nha ngồi yên ổn ở Trùng Khánh, ba Đường khẩu còn lại đều bị tổn thất nghiêm trọng.
Tần Bách Xuyên lúc này ngông nghênh tự đắc, nhiều lần cử người đưa tin cho Tổ Gia và Giang Phi Yến rằng: sẵn sàng đưa tay giúp đỡ, anh em Nam phái và Tây phái đều có thể đến Xuyên Tây. Tổ Gia và Giang Phi Yến đều hiểu rõ, đây kỳ thực là giả mèo khóc chuột, vào địa bàn của ông ta thì phải nghe theo sự chỉ đạo của ông ta, ông ta muốn thừa cơ thâu tóm cả phái Giang Tướng.
“Đi hay không, Tổ Gia?” Tam Bá đầu hỏi.
Tổ Gia trầm tư, tất nhiên là phải đi, vấn đề là đi đâu.
“Không đi được!” Tứ Bá đầu hơn một năm nay trầm lặng ít nói bỗng lên tiếng, “sống làm kẻ tuấn kiệt, chết làm ma anh hùng. Nhật giết chết anh trai tôi, hại chết vợ tôi, tôi phải trả thù!”
Tổ Gia nhìn Tứ Bá đầu hình dung tiểu tụy, trong lòng cảm xúc hỗn độn, không biết phải nói gì cho phải. Cuối cùng, Tổ Gia thở dài một tiếng: “Được rồi, ta bẫy một phen, giết quân xâm lược trước khi đi!”
“Tổ Gia nghĩ kỹ chưa đấy!” Các Bá đầu đều cuống cả lên.
Tổ Gia im lặng, mọi người đưa mắt nhìn nhau, không ai lên tiếng.
Tổ Gia biết, đi kèm với sự xâm lược về mặt quân sự, quân Nhật tất có sử dụng chiến thuật tâm lý, đến bất kỳ nơi nào, chúng đều dùng các hình thức mê tín để trong thì cổ vũ tân binh, an ủi vong linh, lừa gạt binh sĩ rằng: chỉ cần dốc sức cho Thiên Hoàng, sau khi chết, linh hồn sẽ được vào đền Yasukuni*, mãi mãi được an lạc; đồng thời tích cực biểu diễn những màn mang màu sắc ma mị, mê hoặc, vừa có thể khiến dân Trung Quốc cảm thấy quân Nhật là thiên binh thiên tướng, sức mạnh không thể nào chống lại được, chỉ có cách ngoan ngoãn nghe lời, thuận theo ý trời. Giờ Nhật đã chiếm được Vũ Hán, màn biểu diễn của bọn đặc vụ và pháp sư cũng sắp bắt đầu rồi, phái Giang Tướng có thể nhân dịp này mà lập bẫy.
Quả đúng như dự đoán, chẳng mấy chốc quân Nhật đã dán cáo thị, tuyên truyền tà thuyết “Thiên nhân Thiên Hoàng”, đại khái là nói quân đội Thiên Hoàng là người trời hạ phàm, thiên binh thiên tướng, một chọi với mười, không đội quân nào có thể chống lại được. Đồng thời tuyên bố quân đội Thiên Hoàng sẽ chọn ngày tổ chức nghi thức “đón trời” ở “dốc Đạo Quán”, lúc đó “Thiên nhân sẽ phát ra ánh hào quang từ trên trời bay xuống”, mời thần dân Đại Đông Á* đến thưởng lãm.
“Thiên nhân” cũng gọi là “Phi thiên”, trong giáo lý Phật giáo có rất nhiều Thiên giới, chúng sinh trên những Thiên giới này gọi là “Thiên nhân”. Đám pháp sư muốn tạo nên cảnh tượng Thiên Hoàng là “Thiên nhân” hạ phàm, dùng thủ đoạn mê tín nhằm khiến dân chúng thần phục.
Tổ Gia phân tích, muốn chế tạo “Thiên nhân”, tất phải đưa người lên cao, bay lượn trong không trung, điều này không thể thực hiện được vào ban ngày, bởi cáp treo dễ bị phát hiện. Chỉ có buổi tối, tập trung mọi người lại, tìm một bãi trống xa xa trong cánh rừng, kéo một sợi cáp giữa hai cây to, chọn vài tên pháp sư tròng lên người mấy vòng thép, rồi móc lên sợi cáp, trượt từ đầu này sang đầu bên kia, giống như “Phi thiên” trên bích họa của Phật giáo.
Nhưng có một vấn đề, đó là màn “Phi thiên” trong bóng tối đứng từ xa thì nhìn không rõ, lại gần sẽ thấy chỗ sơ hở, khó tránh khỏi bị nghi ngờ. Đội pháp sư Nhật chắc chắn sẽ nghĩ đến cách: bôi lên người đám pháp sư “Thiên nhân” một lớp phát quang, như vậy khi kéo tấm màn xuống, đám “Thiên nhân” liền xuất hiện, trong bóng tối toàn thân phát sáng, chầm chậm lay động giống như tiên giáng trần.
Dựa vào trực giác nghề nghiệp, Tổ Gia và Tứ Bá đầu phân tích rằng: màn biểu diễn này chắc chắn phải sử dụng đạo cụ, nhất là lũ cướp nước tuyên truyền “Thiên nhân” sẽ phát ra hào quang mà bay xuống, điều này càng củng cố phán đoán của Tứ Bá đầu rằng: nhất định bọn chúng phải sử dụng phốt-pho vàng.
Phốt-pho vàng là chất dễ cháy, muốn dùng nó để bẫy thì việc điều chế là vô cùng quan trọng, vượt quá tỷ lệ sẽ tự bốc cháy, không đủ tỷ lệ sẽ không phát quang được. Để chế tạo được bùa phát sáng, Tứ Bá đầu phải thử nghiệm hàng trăm lần mới thành công.
Nhưng rốt cuộc người Nhật có dùng phốt-pho vàng hay không, Tổ Gia và Tứ Bá đầu đều không dám chắc, họ buộc phải đánh cuộc.
Điểm tự cháy của phốt-pho vàng vào khoảng 40 độ C, vượt quá 40 độ C sẽ có nguy cơ cháy nổ. Sau khi trộn một loại thuốc đặc biệt vào khiến phốt-pho trong không khí từ từ giải phóng khí phốt-phin (Phosphine, PH3), dưới nhiệt độ thường sẽ phát ra ánh sáng, chỉ cần không đạt tới điểm tự cháy thì sẽ không sao.
Việc Tổ Gia và Tứ Bá đầu cần làm là: khi “Thiên nhân” bay ra, tìm cách quăng mồi lửa lên khiến phốt-pho vàng bôi trên người bắt lửa, thui bọn chúng thành gà quay. Nhưng nếu trực tiếp ném lên thì e rằng chưa kịp ném đã bị bắn chết rồi, Tổ Gia và Tứ Bá đầu nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng nghĩ ra một tuyệt chiêu.
Rằng, chỉ cần trên người bọn Nhật có một vị trí đạt đến điểm cháy thì cả người chúng sẽ nhanh chóng bốc cháy, do đó chỉ cần một đốm lửa bắn vào người thì không lo không phá được cục này. Tứ Bá đầu đem “ống sấm chớp” do mình chế tạo, thực ra chính là pháo hoa tự chế: dùng một ống trúc đục thủng lõi, đầu dưới trát đất sét, tiếp theo thuốc súng được chia thành ba tầng là đốt, đẩy, nổ, cuối cùng là ngòi nổ; cầm ống trúc trên tay rồi châm ngòi, đợi sau khi cháy đến viên thuốc nổ, viên thuốc nổ sẽ được đẩy ra, bay lên cao, sau đó nổ trên không trung, tạo thành pháo hoa.
Ống sấm chớp này của Tứ Bá đầu có thể đẩy viên thuốc nổ bay xa năm sáu chục bước, cáp treo bọn pháp sư cách mặt đất chừng ba trượng (khoảng 10m), cao hơn nữa rất khó thực hiện, như vậy đứng từ dưới đất phải dùng ống sấm chớp bắn một góc xiên đến bọn Nhật, Tứ Bá đầu tính toán: vị trí đặt xa nhất không được quá 49 bước. Tổ Gia và Tứ Bá đầu quyết định nhân lúc bọn Nhật không chú ý, đặt ống sấm chớp ở vị trí cách điểm “Thiên nhân” bay lên khoảng 49 bước. Khi bọn Nhật dựng giá đỡ, sân khấu rộng chừng năm sáu trượng được quây bạt kín lại, ngoài phạm phi quây bạt có hẳn khoảng trống rộng rãi có thể lợi dụng được.
Vấn đề nan giải là làm cách nào để chôn được ống sấm chớp, cuối cùng Tổ Gia quyết định dùng kế “Vờ sửa sạn đạo, ám độ Trần Thương*”.
Tối đến, mấy chục A Bảo giả làm người dân, đem theo vài chục trứng gà và hai bao gạo còn lại của Đường khẩu đến nơi bọn Nhật làm việc, sau một tiếng gọi to, cả đội quỳ xuống từ xa, hai tay dâng đồ ăn lên.
Mấy tên lính canh thấy vậy, vội vàng vác súng chĩa vào mọi người, nhưng rồi hiểu ra ngay, hóa ra là mấy kẻ đến biếu đồ ăn, chúng liến thoắng mấy câu, cười hỉ hả rồi nhận đồ.
Lúc này sau lớp lều bạt, nhóm Nhị Bá đầu đang lúi húi bò trên mặt đất, khẩn trương chôn ống sấm chớp.
Đám A Bảo phía trước cố kéo dài thời gian, một tên tự tay đập một quả trứng luộc, vừa bóc vỏ vừa tươi cười nói với giọng Giao Đông đặc sệt: “Bóc rồi thì ngài ăn, ăn rồi nát lỗ đít nhé!...” vừa nói vừa đưa ngón tay cái lên.
Tên Nhật đó ngửa mặt lên trời: “Yoshi!”
Chừng mấy phút thì bọn Nhị Bá đầu chôn xong, tiếp theo kéo dây ngòi nổ khoảng mấy chục mét, giấu bên dưới một đống củi, cắt cử một tên tay chân ngày đêm trông nom. Đợi hôm sau, khi bắt đầu nghi thức đón “Thiên nhân” thì nhanh chóng đốt ngòi nổ, rồi thừa lúc hỗn loạn mà trốn đi.
Sau khi sắp đặt xong xuôi mọi việc, Tổ Gia nói với Tứ Bá đầu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”
Tứ Bá đầu hiểu ngụ ý trong lời của Tổ Gia, việc này ẩn chứa rất nhiều sự mạo hiểm, ví dụ bị bọn Nhật phát hiện, hoặc trời mưa làm cho ngòi nổ bị ướt, cho dù Tứ Bá đầu đã bọc cẩn thận, nếu ban ngày trời mưa to, ngập nước thì cũng kể như công toi. Dù mọi việc thuận lợi, nhưng thời gian “Thiên nhân” đu trên dây cáp là không xác định được, nếu châm ngòi sớm e rằng bắn không tới, nếu châm lửa muộn cũng sẽ bắn không trúng. Việc cần làm đã làm cả rồi, còn lại chỉ biết trông chờ vào ống trời.
Tối hôm sau, bọn Nhật tập hợp già trẻ trai gái quanh vùng, cách nơi biểu diễn màn “Phi thiên” mây chục bước, đám pháp sư trước tiên ra làm phép, cố làm ra vẻ thần bí một hồi, sau đó lẩm bẩm vài câu với một tên Hán gian, rồi tên đó dịch lại: “Thiên nhân sắp đến rồi, xin mời Thiên nhân! Mọi người hãy im lặng, chớ nên rối loạn!”
Sau đó, một tên pháp sư niệm thần chú, rồi kéo tấm màn che xuống, mọi người thấy thấp thoáng sau tấm màn là một sân khấu lớn, cao hơn ba thước, được cất giữa rừng cây. Lúc này tên Hán gian phiên dịch bảo mọi người quỳ xuống, nếu không quỳ liền chĩa súng dọa, thế là mọi người buộc phải quỳ. Không lâu sau, từ trong bóng tối có mấy người phát sáng thấp thoáng xuất hiện giữa hai cây đại thụ, rồi chầm chậm bay từ đầu bên này sang đầu bên kia, đám đông ồ lên một tiếng đầy kinh ngạc, những người không hiểu rõ chân tướng sợ đến nỗi ngây người ra, mấy đứa trẻ thấy vậy liền kêu ré lên.
Lúc này ở dưới sân khấu, Tứ Bá đầu nóng lòng nóng ruột, thầm giục: mau châm ngòi đi! Lát nữa bọn Nhật trượt tới đầu bên kia thì hết cơ hội rồi!
Một lát sau, chung quanh yên tĩnh, Tứ Bá đầu cuống lên, có chuyện gì vậy? Có sai sót gì sao?
Lúc này mấy tên “Thiên nhân” đã trượt đến đầu bên kia và chuẩn bị hạ xuống.
Đột nhiên, từ xa vọng lại tiếng quát tháo của mấy tên lính Nhật, dường như xảy ra chuyện gì đó, bọn Nhật chưa kịp định thần đã thấy mấy chục quả pháo hoa từ đâu bay đến, vẽ lên màn đêm những đường vòng cung rồi phát nổ quanh đám “Thiên nhân”, đốm lửa bắn tung tóe, toàn thân bọn “Thiên nhân” chợt bùng cháy. Bọn chúng không ngờ lại xảy ra tình huống này, cả lũ bị thiêu sống tại trận, kêu la oai oái.
Đám đông phút chốc náo loạn, lính Nhật bắt đầu bắn chỉ thiên, định bao vây hiện trường. Có mấy người dân cố bỏ chạy liền bị bọn chúng bắn chết.
Tứ Bá đầu dẫn mấy tên tay chân định tìm cách đột phá trùng vây, bỗng cảm thấy đất dưới chân chao đảo, dường như có thứ gì đó đang rầm rập lao đến. Nhìn quanh bốn phía, bỗng thấy một đàn trâu từ trong rừng phi ra, sau đuôi buộc pháo nổ đùng đùng, đàn trâu điên loạn xông thẳng vào đàn làm phép. Đám đông náo loạn, bọn Nhật vỡ trận, Tứ Bá đầu thừa dịp dẫn đám tay chân thoát khỏi trùng vây.
Thực ra Tứ Bá đầu đâu cần phải đích thân đến hiện trường, nhưng anh mang nặng mối nợ nước thù nhà, mà lần lập bẫy này chẳng khác nào một trận quyết chiến, tay anh ta luôn nắm chặt viên đá lửa, trong lòng duy chỉ có ống sấm sét và tự nhủ nếu bên đó xảy sự cố không thể châm lửa được, anh ta sẽ tự mình châm ngòi, quyết liều chết một phen. Tổ Gia đã nhận ra điều này, khi họp Đường hội, ống trưng cầu ý kiến của mọi người, tất cả đều im lặng, trong lòng ông dâng lên một nỗi chán nản khôn nguôi. Chỉ cần có một vị bá đầu đứng lên nói rằng làm như vậy không được thì lòng ông đã không buồn chán đến thế, lúc nào cũng í ới anh anh em em, vào thời khắc quan trọng lại đánh rơi mất cái nghĩa anh em của mình. Tổ Gia biết, gặp buổi loạn trong giặc ngoài, “đạo” của A Bảo e rằng không còn giữ nổi nữa.
Tổ Gia cũng không muốn để Tứ Bá đầu phải chết, do đó ông để lại đường rút, việc đàn trâu từ ngoài tràn vào là do ông sắp đặt, nhưng ông cũng phải đánh cược rằng: bẫy lần này sẽ thành công tốt đẹp, Tứ Bá đầu không phải ra tay, giữ được mạng sống mà trở về.
Tứ Bá đầu thoát chết, Tổ Gia đứng đợi sẵn ở giao lộ, thấy đám Tứ Bá đầu chạy đến liền ra lệnh: “Rút lui!”
Mấy chục người tản ra các hướng. Còn việc chạy được hay không chẳng ai dám chắc. Nỗi hổ thẹn của Tổ Gia đối với Tứ Bá đầu khiến ông không thể không ủng hộ anh ta vụ này, nhưng điều đó lại càng đào sâu mối mâu thuẫn giữa ông và các bá đầu khác, bởi đáng lẽ đã có thể rút đi một cách thuận lợi, nay lại phải chạy trốn dưới sự truy kích của quân Nhật, lần này Tổ Gia đã thực sự đem tính mạng của anh em ra đánh cược.
Tiếng báo động của quân Nhật vang lên: “Bọn chúng vẫn còn dư đảng! Lục soát toàn thành!”
Đồng phái sở trường về trát phi, vượt tường leo cây là chuyện thường ngày, tay chân vô cùng nhanh nhẹn, nay lại chạy thoát lấy thân nên ai cũng chạy như bay. Nhất là Đại Bá đầu, cứ hùng hục như trâu mộng, vừa khỏe vừa nhanh, vừa chạy vừa cởi áo, rồi cứ để vai trần mà chạy ngược gió; cơ ngực, lông ngực nảy lên theo nhịp chạy.
Mọi người chạy như băng chừng hai canh giờ, tiếng súng nổ lác đác ngày một xa, cuối cùng đến một thung lũng thì chẳng ai còn sức mà chạy nữa, nằm vật trên những tảng đá mà thở. Lúc này trời đã tờ mờ sáng. Tổ Gia điểm lại quân số, thiếu mất mấy người, không biết là do sức yếu không theo kịp hay là tự chuồn đi rồi.
Mọi người vừa khát vừa đói, Nhị Bá đầu hổn hển nói: “Tổ Gia, kiếm gì ăn trước đã, nếu không chẳng chạy nổi đâu.”
Tổ Gia nhìn anh ta không nói gì, mọi người cũng im lặng, ai cũng hiểu rằng ở nơi núi non hoang dã này thì biết kiếm đồ ăn ở đâu đây.
Lúc này Tam Bá đầu lại thấy vui, vừa cười vừa lắc đầu.
Mọi người không hiểu nguyên do, còn nghĩ rằng anh ta đói quá nên đầu óc lẩn thẩn.
Chỉ thấy Tam Bá đầu xoa xoa tay, sau đó thò tay vào bụng móc ra hai quả quýt, giơ qua giơ lại trước mặt mọi người, rồi đưa cho Tổ Gia: “Tổ Gia, hai quả quýt này con để dành ba hôm rồi, chính là đề phòng những lúc như thế này.”
Các anh em đói khát đến mềm nhũn cả người, thấy hai quả quýt thì nuốt nước miếng ừng ực, Tổ Gia cũng phải thầm khen sự thông minh của Tam Bá đầu.
Nhị Bá đầu ngạc nhiên nói: “Được đấy, lão Tam, đúng là chỉ có ngươi như vậy.”
Tổ Gia cầm hai quả quýt, chầm chậm bóc vỏ, hai quả tổng cộng được 16 múi, Tổ Gia nói: “Vừa đúng hai người một múi.”
Đại Bá đầu hai mắt sáng rực, gân cổ nuốt nước miếng: “Tổ Gia, con không chịu được nữa rồi, cho con chỗ vỏ đó trước đi!”
Tổ Gia mỉm cười, chia quýt cho mọi người.
Còn lại một múi, ông gọi Tứ Bá đầu lại: “Tự Triêm, con ăn trước đi.”
Tứ Bá đầu ngượng nghịu nói: “Thầy ăn trước đi ạ.”
Tổ Gia trừng mắt, Tứ Bá đầu thấy vậy đành nhận lấy múi quýt, cắn một nửa, nửa còn lại đưa cho Tổ Gia.
Tổ Gia bỏ nửa múi quýt vào miệng, vừa nhai vừa nói: “Tình cảm là thứ giống như quả quýt này, mới cho vào miệng thì thấy ngọt, dư vị thì chua, cuối cùng là chát. Nam nhi đại trượng phu, phải biết lúc nào cần giữ, lúc nào cần bỏ, lời của ta con có hiểu không?”
Tứ Bá đầu phút chốc nước mắt lã chã rơi, khẽ nói: “Thưa thầy, con hiểu, con hiểu ạ.”
Đột nhiên, có tiếng quát tháo vọng đến: “Tất cả đứng im, giơ hai tay lên!”
Mọi người dựng hết cả tóc gáy!
Một đội lính tráng xuất hiện. Tổ Gia nhìn quân phục thì biết ngay đó là quân cách mạng Quốc dân, tim ông như muốn rụng xuống.
“Các ngươi làm gì vậy?” Một người có vẻ như là sĩ quan bước tới hỏi.
“Thưa trưởng quan, chúng tôi là người dân Vũ Hán chạy thoát được khỏi thành khi bọn Nhật đánh đến!”
Người này quan sát bọn Tổ Gia và bá đầu một lượt, trước khi chạy khỏi Vũ Hán, các anh em đều đã thay đổi y phục, giờ trông không khác gì người dân bình thường. Nhìn hết một lượt, người này quay lại nói với binh sĩ: “Đều là đồng hương cả! Mau bỏ súng xuống!” Đám quân sĩ đều thu súng lại.
“Nơi đây thường có thổ phỉ xuất hiện, mọi người đi đâu, chúng tôi có thể đưa mọi người ra khỏi núi.” Anh ta nói với giọng thân mật.
Tổ Gia ngây người: “Trưởng quan, chúng tôi...”
“Chớ gọi là trưởng quan, đội chúng tôi không thích cách gọi đó, chúng tôi là Tân Tứ quân!”*
“Tân Tứ quân?”
“Đúng, là Quân số 4 Lục quân tân biên thuộc Quân cách mạng Quốc dân, chúng tôi là quân đội do Cộng sản Đảng lãnh đạo, là quân đội nhân dân!” Anh ta cười nói.
“Vậy tôi phải xưng hô với ngài thế nào?” Tổ Gia ngờ vực hỏi.
“Gọi là đồng chí!”
“Đồng... chí?”
“Đúng, đồng chí, cùng một chí hướng, cùng một mục tiêu, chung ý chung lòng, giải cứu toàn Trung Quốc!” giọng anh ta đầy tự hào.
“Ưm... đồng chí, ngài đi đâu vậy?” Tổ Gia hỏi.
“Liên tục chiến đấu ở bắc Giang Tô, xây dựng nhiều căn cứ địa kháng Nhật hơn nữa, đánh đuổi bọn xâm lược!” Anh ta nói với ý chí chiến đấu sôi sục, “Phải rồi, đồng hương, ông làm nghề gì?”
Câu hỏi này khiến mấy bá đầu mắt đảo láo liên.
Tổ Gia vội nói: “Buôn bán đồ cổ, nhưng bọn Nhật đến cướp hết tất cả. Ây dà...”
“Các anh em đừng sợ, quân xâm lược sớm muộn gì cũng bị chúng tôi đuổi ra khỏi Trung Quốc! Mọi người đi đâu, tôi cử mấy người đưa đi...”
“Không cần đâu, không cần đâu, cảm ơn trưởng quan, à không... đồng chí.” Tổ Gia vội khom lưng đáp lễ.
Lúc này Đại Bá đầu bỗng nhiên tiến lên, gãi đầu gãi tai nói: “Đồng... đồng chí...”
Tổ Gia giật mình đánh thót, thầm nghĩ tên tiểu tử này định làm gì vậy?
Đại Bá đầu nói: “Đồng chí... không cần phải đưa đi đâu ạ... có thể... có thể cho chúng tôi ít đồ ăn không?... Chúng tôi nhịn đói từ hôm qua đến giờ...”
Anh ta mỉm cười nói: “Cậu đồng hương à, mới nhịn có hai bữa mà bộ dạng đã thành thế này rồi sao, trước đây khi đánh du kích ở tỉnh Cương Sơn, chúng tôi thường ba ngày ba đêm không ăn uống gì đấy, ha ha!” Đoạn quay lại bảo một người lính: “Mau! Xem xem còn gì ăn không, chia cho họ với!”
“Dạ!” Người lính đó tuân lệnh.
Lát sau, người lính đó đem lại một ít cơm nắm, chia cho mọi người. Các anh em ăn ngấu nghiến.
“Đồng hương à, qua ngọn núi này là căn cứ địa của chúng ta, đi đường cẩn thận, chúng tôi phải đi đây.”
Tổ Gia nắm chặt tay anh ta, thân tình nói: “Đồng chí, bảo trọng!”
Tân Tứ quân phân chia đội hình rồi lập tức lên đường. Nhìn bóng họ xa dần, Tổ Gia chợt bùi ngùi: Trung Quốc vẫn còn những đội quân tốt như vậy, Tăng Kính Võ không hề chọn sai...