Thư Viện Nửa Đêm - Chương 28

Một giờ sau, Nora đang đứng trên một nền đá chìm trong tuyết trắng. Nơi này giống đá nổi hơn là đảo. Một nơi quá đỗi nhỏ bé, hơn nữa lại không có người ở nên chẳng được đặt tên, dù rằng từ đây phóng tầm mắt nhìn ra vùng nước băng giá có thể thấy một hòn đảo khác lớn hơn với tên gọi khá đáng sợ: đảo Gấu. Cô đứng cạnh một con thuyền. Không phải chiếc thuyền Lance to lớn mà tại đó cô đã dùng bữa sáng - giờ nó đang neo đậu an toàn ngoài biển - mà là thuyền máy cỡ nhỏ được kéo lên bờ gần như chỉ bằng sức của một người đàn ông to như hộ pháp tên là Rune, và dẫu có cái tên đặc chất Scandinavia, anh ta lại nói giọng Anh Mỹ uể oải của dân vùng duyên hải miền Tây.

Dưới chân cô có một chiếc ba lô phản quang màu vàng. Còn trên mặt đất là khẩu súng trường Winchester mà lúc ở trong cabin cô thấy dựa sát tường. Nó là súng của cô. Ở cuộc đời này cô lại sở hữu vũ khí đấy. Cạnh khẩu súng là một cái xoong bên trong có một chiếc muôi. Trên tay cô đang cầm khẩu súng khác, có sức sát thương kém hơn: súng hiệu dùng để bắn pháo sáng.

Giờ cô đã biết “trinh sát” nghĩa là phải làm gì rồi. Trong lúc chín nhà khoa học tiến hành khảo sát khí hậu trên hòn đảo nhỏ xíu, cô sẽ để mắt canh chừng sự xuất hiện của gấu Bắc Cực. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra. Và nếu cô phát hiện thấy con nào, điều đầu tiên cần làm là bắn pháo sáng. Việc này có hai mục đích: vừa hù dọa để con gấu sợ mà bỏ đi, vừa cảnh báo các đồng nghiệp.

Nhưng làm thế không chắc an toàn tuyệt đối. Con người là nguồn đạm ngon lành, còn lũ gấu nào có biết sợ, nhất là những năm gần đây, việc mất đi môi trường sống và nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm đã khiến lũ gấu rơi vào tình trạng nguy cấp hơn bao giờ hết, buộc chúng phải mạo hiểm hơn.

“Ngay sau khi bắn pháo sáng, hãy dùng muôi gõ vào xoong,” người lớn tuổi nhất trong nhóm nói. Đó là một người đàn ông râu ria nhẵn nhụi, khuôn mặt góc cạnh tên Peter, ông ta dẫn đầu đoàn khảo sát và giọng lúc nào cũng vang như sấm. “Lấy hết sức bình sinh mà gõ rồi kêu to vào. Lũ gấu có thính giác nhạy lắm. Chúng giống như mèo vậy. Mười lần thì chín lần chúng sẽ bỏ đi khi nghe thấy tiếng ồn.”

“Thế một lần còn lại thì sao?”

Ông ta hất hàm về phía khẩu súng trường. “Cô giết nó. Trước khi nó giết cô.”

Nora không phải người duy nhất có súng. Ở đây ai cũng được trang bị một khẩu. Họ là những nhà khoa học có vũ trang. Dù sao thì Peter cũng phá lên cười, còn Ingrid thì vỗ lưng cô.

“Tôi thực lòng hy vọng,” chị ta nói với tiếng cười khàn, “cô không bị tụi nó ăn thịt. Tôi sẽ nhớ cô lắm. Chỉ cần cô không đang trong kỳ ‘đèn đỏ’ thì sẽ ổn cả thôi.”

“Chúa ơi. Gì cơ?”

“Chúng có thể ngửi thấy mùi máu từ cách xa cả dặm.”

Một người khác - mặc quần áo kín mít từ đầu đến chân nên kể cả cô có biết đi nữa thì cũng chẳng thể phân biệt được ai với ai - gửi đến cô câu “chúc may mắn” bằng giọng nghèn nghẹt xa xăm.

“Năm tiếng nữa bọn tôi về…” Peter nói với cô. Ông ta lại cười, Nora hy vọng ông ta chỉ nói đùa vậy thôi. “Cứ đi loanh quanh cho ấm.”

Nói xong, cả đoàn kéo nhau đi xa dần trên nền đá gồ ghề rồi mất hút trong màn sương.

Suốt một tiếng đồng hồ, không có gì xảy ra cả. Nora đi lòng vòng tại chỗ. Cô nhảy lò cò chân trái rồi chân phải. Sương đã mỏng đi một chút, cô dõi mắt nhìn cảnh quan xung quanh. Cô tự hỏi sao mình còn chưa về thư viện. Nói cho cùng, tình cảnh này thực sự hơi lởm. Hẳn phải có những cuộc đời khác mà ở đó lúc này cô đang ngồi bên một bể bơi dưới ánh nắng chan hòa. Hoặc là đang chơi nhạc, ngâm mình trong bồn tắm nước ấm thơm phức mùi oải hương, trải qua cuộc ân ái nóng bỏng sau lần hẹn thứ ba, đọc sách trên bãi biển ở Mexico, thưởng thức bữa ăn tại nhà hàng gắn sao Michelin, thong thả dạo bước trên các con phố ở Paris, lạc lối ở Roma, bình lặng ngắm nhìn một ngôi đền gần Kyoto, hoặc tận hưởng cảm giác giống như được bao bọc trong chiếc kén ấm áp của một mối quan hệ hạnh phúc.

Trong hầu hết những cuộc đời khác, chí ít cô sẽ được thoải mái về mặt thể chất. Vậy nhưng ở đây cô cảm nhận được điều gì đó mới mẻ. Hoặc là một điều xưa cũ đã bị chôn vùi từ rất lâu. Khung cảnh băng giá này nhắc cô nhớ rằng cô, đầu tiên và trên hết, là một con người sống trên một hành tinh. Cô chợt nhận ra: gần như mọi việc cô làm trong đời, gần như mọi thứ cô đã mua, đã cố gắng có được và đã tiêu thụ chỉ khiến cô ngày càng xa rời nhận thức rằng mình và toàn thể nhân loại thực sự chỉ là một trong chín triệu giống loài mà thôi.

“Nếu bạn tự tin đi theo tiếng gọi của giấc mơ,” Thoreau đã viết như thế trong cuốn Một mình sống trong rừng, “và cố gắng sống cuộc đời vẫn hằng mơ tưởng, bạn sẽ gặp thành công bất ngờ ngay trong những giờ phút tầm thường.” Ông cũng nói rằng thành công đó phần nào đến từ việc sống trong cô độc. “Tôi chưa thấy người bạn đồng hành nào dễ chịu hơn sự cô độc.”

Vào khoảnh khắc ấy, Nora cũng có cảm nhận y hệt. Dù tính tới thời điểm này mới bị bỏ lại có một tiếng đồng hồ, cô chưa từng trải qua cảm giác cô độc nhường này, giữa thiên nhiên hoang dã đến như vậy.

Trong những đêm còn đang trăn trở với ý định tự sát, Nora đã cho rằng cô độc chính là mấu chốt vấn đề. Nhưng chẳng qua lúc đó chưa phải cô độc thực sự thôi. Một tâm hồn cô đơn giữa lòng thành phố đông đúc nhộn nhịp luôn khao khát sự gắn kết, vì nó nghĩ rằng sự gắn kết giữa người với người là mục đích tối cao của cuộc sống. Nhưng giữa thiên nhiên trong lành (hay “thuốc bổ từ sự hoang sơ” theo cách gọi của Thoreau), sự cô độc lại mang một diện mạo khác hẳn. Tự thân nó đã trở thành một sự gắn kết. Sự gắn kết giữa cô với thế giới. Giữa cô với chính mình.

Cô nhớ lại cuộc trò chuyện với Ash. Con người cao lớn, hơi ngượng ngùng, dễ thương, lúc nào cũng tìm mua sách nhạc mới cho đàn ghi ta.

Cuộc trò chuyện không diễn ra tại cửa hàng mà tại bệnh viện nơi mẹ cô đang điều trị. Không lâu sau khi phát hiện mình bị ung thư buồng trứng, mẹ cô cần phải được phẫu thuật. Nora đưa mẹ đến gặp tất cả các chuyên gia ở Bệnh viện đa khoa Bedford và trong những tuần lễ ngắn ngủi ấy, cô đã nắm tay mẹ còn nhiều hơn cả quãng đời trước đây cộng lại.

Trong lúc bác sĩ phẫu thuật cho mẹ, Nora ngồi chờ tại căng tin bệnh viện. Khi ấy Ash - trong bộ đồ phẫu thuật và nhận ra cô là người tán chuyện với anh nhiều lần ở Lý Thuyết Dây - thấy cô có vẻ lo lắng nên ghé qua chào.

Ash là bác sĩ ngoại tổng quát của bệnh viện, vậy nên cô đã hỏi han rất nhiều điều về công việc của anh (hôm đó anh có ca phẫu thuật cắt ruột thừa và ống mật). Cô còn hỏi về thời gian bình phục hậu phẫu và quá trình phẫu thuật thường kéo dài bao lâu, anh đã động viên cô rất nhiều. Hai người nói chuyện thật lâu về đủ thứ trên trời dưới biển, dường như anh cảm nhận được đó là điều cô đang cần. Anh còn bảo không nên tra cứu quá nhiều các triệu chứng trên Google. Điều đó lại mở ra đề tài về mạng xã hội, anh tin rằng con người ta càng gắn kết với nhau trên mạng bao nhiêu thì xã hội càng trở nên cô đơn bấy nhiêu.

“Cũng chính vì thế mà thời nay con người đâm ra ghét nhau,” anh nhận xét. “Họ có quá nhiều bè chứ không phải bạn. Đã bao giờ nghe nói đến con số Dunbar chưa?”

Thế rồi anh kể cô nghe về một người tên là Roger Dunbar tại Đại học Oxford đã khám phá ra rằng mỗi người chỉ có thể quen thân với cùng lắm là một trăm năm mươi người, và đó cũng chính là số thành viên trung bình của các cộng đồng săn bắt hái lượm.

“Cả Sách Điền Thổ[10E] cũng cho thấy điều đó,” Ash nói với cô dưới ánh đèn sáng trắng trong căng tin bệnh viện. “Sách viết rằng vào thời ấy, trung bình mỗi cộng đồng tại Anh có khoảng một trăm năm mươi người sinh sống. Chỉ trừ ở Kent. Tại đó là một trăm người. Anh quê ở Kent đây. Thói chống xã hội đã ăn vào máu bọn anh luôn rồi.”

“Em đã từng tới Kent,” Nora phản pháo. “Em cũng nhận thấy thế. Nhưng em thích giả thuyết đó. Chỉ cần lướt Instagram một tiếng thôi là em có thể gặp được từng ấy người.”

“Chính xác! Không lành mạnh! Bộ não con người làm sao chịu đựng nổi. Đó là lý do thời nay chúng ta cần sự kết nối trực tiếp hơn bao giờ hết. Và… đó là lý do anh chẳng bao giờ đặt mua qua mạng tuyển tập nhạc Simon & Garfunkel cho ghi ta qua mạng!”

Cô mỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm ấy, thế rồi lại bị kéo về với cảnh quan thực tại ở Bắc Cực khi nghe thấy một tiếng “bõm” khá to.

Cách cô vài mét, giữa nền đá nổi cô đang đứng và đảo Gấu có một khối đá nhỏ khác, hoặc có thể là một bãi đá, nhô lên mặt nước. Có thứ gì đó đang trồi lên khỏi bọt sóng. Một thứ nặng nề, thân mình to lớn vỗ lép nhép vào đá. Toàn thân Nora run rẩy, cô đã sẵn sàng bắn pháo sáng, nhưng thứ kia không phải gấu Bắc Cực. Là một con moóc. Sinh vật khổng lồ béo núc với lớp da nâu nhăn nheo đang lết đi trên băng, rồi đột ngột dừng lại nhìn cô chằm chằm. Trông nó thật già nua, ngay cả với một con moóc. Loài này không biết xấu hổ và có thể chú mục vào thứ gì đó trong khoảng thời gian dài vô tận. Nora cảm thấy sợ hãi. Cô chỉ biết đúng hai điều về moóc: chúng có thể trở nên dữ tợn khi cần và không bao giờ đi đâu lâu một mình.

Có thể còn nhiều con nữa sắp kéo nhau lên bờ.

Cô tự hỏi có nên bắn pháo sáng hay không.

Con moóc cứ ở yên đó, hệt như hồn ma của chính nó dưới làn ánh sáng mờ mịt, rồi dần dần biến mất sau màn sương. Nhiều phút trôi qua. Dẫu đã mặc đến bảy lớp quần áo mà Nora vẫn cảm thấy hai mí như cứng lại và có thể đóng băng nếu cô nhắm mắt quá lâu. Chốc chốc cô lại nghe tiếng các đồng nghiệp lao xao vọng đến, có lúc họ quay về đủ gần để cô có thể nhác thấy vài người. Những cái bóng thấp thoáng trong sương, lom khom trên mặt đất, đọc mẫu băng đá bằng các thiết bị mà cô mù tịt. Sau đó họ lại đi mất. Cô lấy một thanh bánh protein trong ba lô ra ăn. Cái bánh vừa lạnh vừa cứng như kẹo cà phê. Cô kiểm tra điện thoại nhưng không có sóng.

Bốn bề lặng ngắt như tờ.

Sự tĩnh lặng ấy khiến cô nhận ra những nơi khác trên thế giới mới huyên náo làm sao. Ở đây, âm thanh có ý nghĩa riêng. Khi nghe thấy tiếng động nào đó, ta phải hết sức chú ý.

Đang nhai bánh thì một tiếng “bõm” nữa vọng đến, lần này xuất phát từ hướng khác. Sương mù cộng với ánh sáng yếu khiến cô khó mà quan sát được gì. Nhưng không phải moóc. Điều đó trở nên rõ ràng khi cô nhận thấy bóng hình đang tiến về phía mình thật to lớn. To hơn một con moóc, và cao lớn hơn nhiều so với con người.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3