Steve Jobs - Chương 26 - Phần 01
Chương 26
MÁY TÍNH iMAC
♦
Trở lại Tương lai
Chiến thắng vẻ vang đầu tiên về thiết kế xuất phát từ mối hợp
tác Jobs-lve chính là iMac, chiếc máy tính để bàn nhắm vào thị trường khách
hàng gia đình, được giới thiệu vào tháng Năm năm 1998. Jobs đưa ra những chỉ dẫn
kĩ thuật rõ ràng. Đó phải là một sản phẩm bao-gòm-tất-cả, với bàn phím và màn
hình và cả máy tính sẵn sàng để sử dụng ngay khi ra khỏi hộp. Nó phải có thiết
kế khác biệt tạo nên được tuyên ngôn sản phẩm. Và nó phải được bán với giá
1.200 đô-la hoặc ngang ngang như vậy. (Vào thời điểm đó Apple chưa có một mẫu
máy tính nào bán dưới giá 2.000 đô-la.) “ông ấy bảo chúng tôi quay trở lại với
nguyên mẫu của chiếc Macintosh nguyên bản hồi năm 1984, một thiết bị tiêu dùng
bao-gồm-tất-cả,” Schiller nhớ lại. “Điều đó có nghĩa là cả thiết kế và kĩ thuật
phải đồng bộ với nhau.”
Kế hoạch ban đầu là xây dựng một “máy tính mạng lưới,” một
khái niệm có được sự bảo vệ của Larry Ellison của hãng Oracle, đó là một thiết
bị đầu cuối đắt tiền với ổ cứng chủ yếu được sử dụng để kết nối Internet và các
mạng lưới khác. Nhưng giám đốc tài chính của Apple, Fred Andersen lại dẫn đầu
cuộc tấn công nhằm tranh đấu để sản phẩm tiện ích hơn bằng cách bổ sung một ổ
đĩa cứng, nhờ vậy iMac có thể trở thành một máy tính để bàn đầy đủ chức năng
cho gia đình.
Jobs cuối cùng đã đồng ý.
Jon Rubinstein, người đảm trách phần ổ cứng, đã ứng dụng bộ
vi xử lí và những phần tinh túy của chiếc PowerMac G3, chiếc máy tính chuyên
nghiệp dòng cao cấp của Apple, phục vụ cho mẫu máy mới đề xuất lên. Nó sẽ có một
ổ đĩa cứng và khay dành cho đĩa compact. Nhưng trong một động thái tương đối
táo bạo, Jobs và Rubinstein quyết định sẽ không gắn kèm cả ổ đĩa mềm vốn thông
dụng. Jobs trích dẫn câu cách ngôn của siêu sao khúc côn cầu Wayne Gretzky,
“Hãy trượt đến chỗ trái banh văng tới, chứ không phải chỗ nó đã từng xuất hiện.”
Jobs có phần đi quá thời cuộc, nhưng cuối cùng đa phần máy tính đều đã loại bỏ ổ
đĩa mềm.
Ive và phó phòng thứ nhất của mình, Danny Coster, bắt đầu
phác thảo những thiết kế mang tính vị lai. Jobs cục cằn gạt đi cả tá kiểu mẫu bọt
biển mà họ ban đầu đưa ra, nhưng Ive biết cách làm thế nào để nhẹ nhàng dẫn dắt
Jobs. Ive tán thành rằng chưa mẫu nào trong số đó thực sự đúng đắn, nhưng anh
chỉ ra rằng một mẫu có hứa hẹn. Nó lượn cong, vẻ nghịch ngợm và không có dáng dấp
gì kiểu như một phiến cứng không thể dịch chuyển, cắm rễ trên bàn. “Nó mang lại
cảm giác là nó vừa mới xuất hiện trên bàn của anh, hay là nó đang sắp sửa nhảy
vọt lên và đi đâu đó,” Ive nói với Jobs.
Đến lần trình bày tiếp theo, Ive đã trau chuốt kiểu mẫu vui
nhộn đó. Lần này thì Jobs, với thế giới quan nhị nguyên của mình, lại điên cuồng
bày tỏ rằng ông ta thích nó. Ông cầm lấy nguyên mẫu thiết kế bọt biển đó và bắt
đầu vác nó kè kè đi khắp trụ sở công ty, tự tin trưng nó ra cho các lãnh đạo
cao cấp và thành viên ban giám đốc. Trong quảng cáo của mẫu sản phẩm này, Apple
hân hoan ca tụng niềm vinh quang của khả năng tư duy khác biệt, thế nhưng tính
đến thời điểm bấy giờ, chưa có thứ gì được đề xuất lên thể hiện nhiều sự khác
biệt so với những mẫu máy tính trước đó. Cuối cùng thì Jobs cũng đã nắm trong
tay thứ gì đó mới mẻ.
Chiếc vỏ máy bằng nhựa mà Ive và Coster đề xuất có màu xanh
lục lam, về sau được đặt tên là xanh dương bondi, dựa theo tên của màu nước tại
một bãi biển Australia, và nó trong mờ, nhờ vậy bạn có thể nhìn thấu cả bên
trong cỗ máy. “Chúng tôi gắng sức chuyển tải cảm giác về một chiếc máy tính có
thể biến đổi theo nhu cầu của bạn, như là một con tắc kè hoa vậy,” Ive nói. “Đó
là lí do tại sao chúng tôi thích sắc trong mờ. Bạn có thể chọn các màu nhưng nó
có vẻ rất bất tĩnh tại. Và nó mang lại ấn tượng thật táo tợn.”
IMac 1998
Thông qua ẩn dụ và cả trên thực tế, sắc trong mờ kết nối nền
tảng kĩ thuật bên trong chiếc máy tính với thiết kế bên ngoài. Jobs luôn luôn
nhấn mạnh rằng các dãy chip trên các bảng mạch trông phải ngay hàng thẳng lối,
mặc dù chẳng bao giờ người ta nhìn thấy chúng. Giờ thì chúng đã lò lộ trước mắt.
Lớp vỏ máy sẽ trưng ra được nỗ lực chăm chút được dồn vào việc tạo nên tất cả
các phần cấu thành chiếc máy tính và ráp chúng lại với nhau. Mầu thiết kế nghịch
ngợm sẽ chuyển tải sự giản đơn, và chính trong lúc đó, lại hé lộ chiều sâu mà sự
giản đơn đích thực mang tới.
Nhưng kể cả sự giản đơn của bản thân chiếc vỏ nhựa cũng đòi
hỏi tính phức tạp ghê gớm.
Ive và nhóm của mình đã làm việc với các đối tác sản xuất ở
Hàn Quốc của Apple để hoàn thiện quy trình chế tạo vỏ máy, và họ thậm chí còn tới
thăm một nhà máy sản xuất kẹo dẻo để tìm hiểu xem làm thế nào khiến cho các màu
trong mờ trở nên thật là lôi cuốn. Chi phí cho mỗi chiếc vỏ lên tới hơn 60 USD,
gấp ba lần giá một vỏ máy tính thông thường. Các công ty khác chắc hẳn sẽ yêu cầu
phải có các buổi trình chiếu và các nghiên cứu để chứng minh xem liệu rằng chiếc
vỏ máy trong mờ có gia tăng lượng tiêu thụ đủ để cân bằng chi phí phụ trội hay
không. Jobs không đòi hỏi thứ phân tích như thế.
Ở đỉnh của mẫu thiết kế này chính là chiếc quai nhấc ẩn phía
trong iMac. Nó nghịch ngợm và mang tính kí hiệu nhiều hơn là thuần chức năng.
Đây là một chiếc máy tính để bàn; không có mấy người thực sự sẽ vác nó đi chỗ nọ
chỗ kia. Nhưng như lời Ive lí giải sau này thì: Hồi đó, người ta không mấy thoải
mái với công nghệ. Nếu bạn e sợ thứ gì đó, thì bạn sẽ không đời nào chạm vào
nó. Tôi có thể thấy mẹ tôi sợ chạm vào máy tính. Nên tôi nghĩ là, nếu có cái
quai nhấc này trên máy, nó sẽ khiến cho mối quan hệ hai bên trở thành khả dĩ.
Nó dễ tiếp cận.
Nó hối thúc trực giác hơn. Nó cho phép bạn được chạm vào nó.
Nó mang lại cảm giác rằng nó chiều theo ý bạn.
Thật không may, sản xuất một chiếc quai nhấc đục lõm vào sẽ
tốn kha khá tiền, ở hãng Apple cũ, thì tôi sẽ thua cuộc tranh luận ngay. Điều
thực sự tuyệt vời của Steve là ở chỗ anh ấy trông thấy nó và bảo, “Quá đỉnh!”
Tôi không hề giải thích tất cả suy nghĩ của mình, nhưng bằng trực giác của
mình, anh ấy đã nắm bắt được. Steve biết rằng nó là một phần của sự thân thiện
và vẻ nghịch ngợm của iMac.
Jobs buộc phải gạt đi những chống đối xuất phát từ các kĩ sư
sản xuất, được trợ sức bởi Rubinstein, người có xu hướng khơi lên những suy xét
về chi phí thực tế khi phải đối mặt với những khát khao thẩm mỹ cùng ngẫu hứng
thiết kế đủ loại của Ive. “Khi tôi giới thiệu nó trước các kĩ sư,” Jobs nói, “họ
đưa ra tới ba mươi tám lí do cho việc không thể nào thực hiện được. Và tôi bảo
luôn, „Không, không, chúng ta sẽ làm cái này." Họ nói, „ô, sao lại thế?"
Tôi bảo, „Vì tôi mới là CEO, và tôi nghĩ là có thể làm được." Và rồi họ có
vẻ miễn cưỡng đi thực hiện nó.” Jobs yêu cầu Lee Clow và Ken Segall và các
thành viên khác từ nhóm quảng cáo tập đoàn TBWA đáp chuyến bay đến để xem xét
những gì đang được phát triển, ông dẫn họ vào xưởng thiết kế được canh gác và một
cách khoa trương kịch tính, hé lộ mẫu thiết kế hình giọt lệ trong mờ của Ive,
món đồ có dáng dấp như thứ gì đó trong Gia đình Jetson, một loạt phim hoạt hình
trên TV với bối cảnh tương lai. Trong thoáng chốc, tất cả đều sững sờ. “Chúng
tôi cực kì choáng, nhưng chúng tôi không thể thành thật được,” Segall nhớ lại.
“Thực tình tôi nghĩ là, „Chúa ơi, liệu họ có biết mình đang làm gì không vậy?"
Nó cực đoan quá mức.” Jobs đề nghị họ đưa ra những cái tên. Segall quay lại với
năm phương án, một trong số đó là “iMac.” Thoạt tiên Jobs không hề thích cái
nào trong số đó, nên Segall đưa ra một danh sách khác vào một tuần sau đó, nhưng
ông nói rằng hãng quảng cáo vẫn thích cái tên “iMac” hơn. Jobs đáp rằng, “Tuần
này thì tôi chẳng ghét gì nó, nhưng tôi vẫn không thích nó.” Jobs cố gắng cho
thử in lưới cái tên này trên mấy chiếc iMac nguyên mẫu, cái tên dần cuốn hút
ông hơn. Và thế là mẫu máy tính mới đã có tên là iMac.
Lúc hạn chót cho việc hoàn thành mẫu iMac tới gần, tính khí
nóng nảy vốn đã thành huyền thoại của Jobs tái phát dồn dập, đặc biệt là trong
lúc ông phải đối mặt với những vấn đề sản xuất.
Trong một cuộc họp đánh giá sản phẩm, ông biết được rằng quy
trình sản xuất đang chậm trễ. “ông ấy trưng ra ngay một trong những biểu hiện
giận dữ khủng khiếp, và nỗi tức giận ấy tuyệt đối thành thực,” Ive nhớ lại. ông
đi quanh bàn, tấn công túi bụi tất cả mọi người, bắt đầu là Rubinstein. “Các
người biết là chúng ta đang cố cứu cả công ty cơ mà,” ông ta thét lên, “và các
người đang làm hỏng bét mọi sự!”
Giống như nhóm chế tạo Macintosh nguyên bản, đội iMac cũng
đã lảo đảo khốn khổ để hoàn thiện cho kịp với buổi công bố chính thức. Nhưng thế
vẫn còn chưa đủ, trước khi Jobs bùng nổ một cơn cuối cùng. Đến lúc tập dượt cho
buổi trình chiếu ra mắt, Rubinstein bày tạm hai chiếc máy tính nguyên mẫu. Trước
đó Jobs chưa từng trông thấy sản phẩm chung cuộc, và khi ông nhìn vào mẫu máy
tính trên sân khấu, ông trông thấy một nút bấm ở phía trước, bên dưới mẫu trưng
bày.
ông nhấn vào nó và khay CD mở ra. “Cái của nợ gì đây?!?”
Steve hỏi với vẻ không mấy lịch sự.
“Không ai trong số chúng tôi nói năng gì,” Schiller nhớ lại,
“vì rõ ràng ông ấy biết cái khay CD như thế nào rồi.” Thế là Jobs tiếp tục mắng
nhiếc. Đáng lẽ chiếc máy tính phải có một rãnh CD gọn ghẽ, ông nhấn mạnh, nhắc
đến những rãnh đĩa thanh lịch đã có thể tìm thấy ở những dòng ô tô nâng cấp.
“Steve, đây chính xác là ổ đĩa mà tôi đã cho anh xem khi chúng ta bàn bạc về
các thành phần mà,” Rubinstein phân bua. “Không, không đời nào có cái khay, chỉ
là khe thôi,” Jobs vẫn khăng khăng. Rubinstein không chịu lùi bước. Cơn cuồng nộ
của Jobs không hề lắng dịu. “Tôi suýt bật khóc, vì đã quá muộn để có thể thay đổi
chi tiết đó,” về sau Jobs hồi tưởng.
Họ tạm hoãn buổi tập duyệt, và trong một khoảng thời gian, mọi
chuyện có vẻ như là Jobs có thể sẽ hủy bỏ toàn bộ kế hoạch giới thiệu sản phẩm.
“Ruby nhìn tôi như thể muốn nói rằng, Tôi có khùng không vậy?” Schiller nhắc lại.
“Đây là lần giới thiệu sản phẩm đầu tiên tôi làm cùng Steve và cũng là lần đầu
tiên tôi chứng kiến cái tư duy „Nếu chưa đúng thì đừng hòng ra mắt sản phẩm."
của Steve.” Cuối cùng, tất cả đồng ý sẽ thay thế khay đĩa bằng một khe đĩa cho
phiên bản iMac kế tiếp. “Tôi sẽ chỉ tiếp tục kế hoạch giới thiệu sản phẩm nếu
anh hứa là chúng ta sẽ thực hiện kiểu khe đĩa càng nhanh càng tốt,” Jobs nói
như chực khóc đến nơi.
Vẫn còn một vấn đề nữa với đoạn băng hình Steve Jobs dự tính
sẽ trình chiếu.
Trong đó, Jony Ive được ghi hình đang mô tả tư duy thiết kế
của mình và hỏi rằng, “Liệu nhà Jetson đã có trong tay kiểu máy tính thế nào nhỉ?
Nó giống như là, tương lai từ ngày hôm qua vậy.” Đúng và khoảnh khắc ấy, sẽ có
một đoạn trích dài hai giây từ bộ phim hoạt hình, thể hiện cảnh Jane Jetson
nhìn vào một màn hình video, tiếp đến là một đoạn kéo dài hai giây nữa cảnh nhà
Jetson đang cười khúc khích bên cây thông Giáng sinh. Trong một buổi tập dượt,
một trợ lí sản xuất nói với Jobs rằng họ sẽ phải cắt bỏ các đoạn trích phim vì
Hãng phim Hanna- Barbera vẫn chưa cho phép sử dụng chúng. “Cứ để nguyên đấy,”
Jobs quát ngay anh ta. Viên trợ lí giải thích rằng có các điều khoản luật chống
lại việc này. “Tôi cóc quan tâm,” Jobs nói. “Chúng ta vẫn sẽ sử dụng.” Đoạn phim
vẫn được giữ như cũ.
Lee Clow đã chuẩn bị một loạt các mẫu quảng cáo đầy màu sắc
trên tạp chí và khi ông gửi cho Jobs các trang in thử, ông phải nhận hồi đáp là
một cuộc điện thoại điên cuồng tức giận. Màu xanh dương trong mẫu quảng cáo,
Jobs khẳng định, khác với màu xanh của chiếc iMac. “Các người chẳng hề biết các
người đang làm gì!” Jobs thét lên. “Tôi sẽ bảo người khác nhận phần quảng cáo,
vì mấy thứ này thật khốn kiếp.” Clow cự lại ngay. So sánh hai mẫu mà xem, ông
nói.