Steve Jobs - Chương 23 - Phần 01
Chương 23
SỰ TRỞ LẠI
♦
Kẻ thua cuộc trở thành người chiến thắng
♦
Phía sau hậu trường
Hiếm khi bạn thấy một nghệ sĩ ở tuổi 30 hay 40 có thể thực sự
đóng góp một điều gì đó phi thường,” Jobs đã bày tỏ điều đó khi chuẩn bị bước
qua tuổi 30.
Điều đó đúng với Jobs ở độ tuổi 30, trong thập niên tính từ
khi ông rời khỏi Apple năm 1985. Nhưng khi bước sang tuổi 40, năm 1995, ông đã
có bước nhảy vọt. Toy story được phát hành trong năm đó, và năm sau nữa Apple
mua lại NeXT đồng thời đề nghị ông quay trở lại công ty do chính mình sáng lập.
Khi quay trở lại Apple, Jobs đã chứng minh rằng ngay cả những người qua tuổi 40
vẫn có thể là những nhà sáng chế tuyệt vời. Từng thay đổi những chiếc máy tính
cá nhân ở độ tuổi 20, giờ đây ông tiếp tục làm điều tương tự cho máy nghe nhạc,
mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp thu âm, điện thoại di động, ứng dụng,
máy tính bảng, sách, và ngành báo chí.
Jobs từng nói với Larry Ellison rằng chiến lược để quay lại
của mình là bán NeXT cho Apple, được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị, và ở đó sẵn
sàng khi CEO Gil Amelio gặp thất bại.
Ellison có thể cảm thấy bối rối khi Jobs khăng khăng việc
ông không có động lực về tiền bạc, nhưng điều đó có phần đúng. Ông không có nhu
cầu thôn tính rõ ràng như của Ellison hay mong muốn từ thiện của Gates và cũng
không có ham muốn xem mình có thể leo cao cỡ nào trên danh sách của Forbes.
Thay vào đó, cái tôi và những nhu cầu cá nhân của ông hướng tới sự thỏa mãn khi
tạo ra những thành tựu khiến người ta phải tôn thờ. Thực tế đó là một di sản
kép: xây dựng những sản phẩm sáng tạo và phát triển một công ty trường tòn. Ông
muốn được đặt trong ngôi đền với những tượng đài như Edwin Land, Bill Hewlett
và David Packard. Và cách tốt nhất để đạt được những điều đó là trở lại Apple
và giành lại vương quốc của mình.
Và khi chiếc ly quyền lực đã ở rất gần đôi môi của mình, ông
lại trở nên do dự, miễn cưỡng một cách kỳ lạ, có thể hơi bẽn lẽn.
Ông chính thức quay trở lại Apple vào tháng 1 năm 1997 với vị
trí cố vấn bán thời gian, như lời ông đã nói với Amelio. ông bắt đầu khẳng định
bản thân ở một số lĩnh vực nhân sự, đặc biệt trong việc bảo vệ các nhân viên của
ông đã chuyển từ NeXT qua. Tuy nhiên trong phần lớn các công việc khác ông lại
trầm lặng một cách khác thường. Quyết định không mời Jobs vào ban quản trị đã
làm ông thất vọng, ông cảm thấy không được tôn trọng khi bị đề nghị vận hành bộ
phận phát triển hệ điều hành của công ty. Amelio đã tạo nên một tình thế mà
Jobs vừa ở trong lều, vừa ở ngoài lều, và đó không phải một quyết định tạo nên
sự yên bình. Jobs sau này nhớ lại: Gil không muốn sự có mặt của tôi. Và tôi đã
nghĩ hắn là một gã chẳng ra gì. Tôi đã biết điều đó trước cả khi bán công ty
cho hắn ta. Tôi nghĩ mình sẽ chỉ được trưng ra ở những sự kiện như MacWorld, chủ
yếu là để phô diễn. Điều đó vẫn ổn, bởi tôi vẫn đang làm việc ở Pixar. Tôi đã
thuê một văn phòng ở khu thương mại Palo Alto để làm việc một vài ngày trong tuần,
và tôi tới Pixar một hoặc hai ngày. Đó là một cuộc sống dễ chịu. Tôi có thể sống
chậm lại, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Thực tế là Jobs đã được xuất hiện ở Macworld ngay đầu tháng
Một, và nó chứng minh một lần nữa nhận xét của ông về Amelio. Gần 4.000 ghế được
giành giật trong khán phòng ở San Francisco Marriott để nghe bài phát biểu của
Amelio. ông ta được giới thiệu bởi nghệ sĩ Jeff Goldblum. “Tôi đóng vai một
chuyên gia về học thuyết hỗn loạn trong Công viên kỷ Jura,” Jeff nói. “Tôi thấy
điều đó giúp mình đủ tư cách phát biểu ở một sự kiện của Apple.” Sau đó ông nhường
lời cho Amelio, tiến lên sân khấu với một chiếc áo khoác thể thao bóng bẩy và một
chiếc áo sơ mi kẻ sọc, cài khuya sát cổ, “nhìn giống như một anh hề ở Vegas,”
Jim Carlton, phóng viên tờ Wall Street Journal ghi chú, hay theo mô tả của tay
viết về công nghệ Michael Malone, “nhìn giống y như ông chú mới ly dị của bạn
trong ngày hẹn hò đầu tiên của mình.” Một vấn đề lớn hơn nữa là Amelio sau một
kỳ nghỉ đã vướng vào một cuộc ẩu đả tòi tệ với người viết bài diễn thuyết của
mình, và từ chối nhắc lại điều đó. Khi Jobs tới hậu trường, ông cực kỳ thất vọng
với sự hỗn loạn đang diễn ra, và ông thực sự tức giận khi thấy Amelio đứng trên
bục vụng về trình bày một bài diễn thuyết rời rạc và lê thê. Ông ta không quen
thuộc với những ý chính hiện trên máy bắn chữ và nhanh chóng cố gắng đẩy nhanh
bài diễn thuyết. Ông ta cũng thường xuyên mất mạch tư duy. Sau khoảng hơn một
giờ, người nghe trở nên chán nản. Có một vài thời điểm ngắt quãng như khi ông
ta giới thiệu ca sỹ Peter Gabriel lên trình diễn về chương trình âm nhạc mới.
ông ta cũng quên giới thiệu Muhammad Ali ở hàng ghế đầu tiên; nhà vô địch vốn tới
để lên sân khấu quảng bá cho trang web về căn bệnh Parkinson, tuy nhiên Amelio
đã không bao giờ mời ông lên hay giải thích vì sao ông lại có mặt ở đây.
CEO: Amelio
Amelio giằng dai hơn 2 giờ đồng hồ trước khi mời lên sân khấu
người được tất cả chờ đợi để chúc mừng. “Jobs, thừa tự tin, phong cách, với sức
hút tuyệt đối, hoàn toàn đối lập với một Amelio vụng về khi ông bước trên sân
khấu,” Carton viết. “Sự trở lại của Elvis cũng không thể tạo nên một cảm xúc lớn
hơn thế.” Đám đông nhảy lên trên đôi chân của họ và tung hô ông hơn một phút liền.
Một thập kỉ tiêu điều đã qua. Cuối cùng Jobs vẫy tay ra hiệu cho đám đông yên lặng
và đối đầu trực diện với thách thức. “Chúng ta phải lấy lại hào quang đã mất,”
ông nói. “Máy Mac đã không cải tiến nhiều trong 10 năm qua và bị Windows đuổi kịp.
Vì vậy chúng ta cần phát triển một hệ điều hành tốt hơn nữa.”
Những lời đầy sức sống của Jobs đã có thể là sự đền bù cuối
cùng cho màn trình diễn tệ hại của Amelio. Thật không may, Amelio đã quay trở lại
sân khấu và tiếp tục chuyến du ngoạn của mình thêm một giờ nữa. Cuối cùng sau
hơn 3 giờ kể từ lúc bắt đầu, Amelio kết thúc sự kiện bằng việc gọi Jobs lên sân
khấu cùng sự xuất hiện bất ngờ của Steve Wozniak. Một lần nữa mọi việc lại trở
nên hỗn loạn. Tuy nhiên Jobs tỏ ra khó chịu một cách rõ ràng, ông từ chối tham
gia diễn hình ảnh bộ ba hạnh phúc, tay giơ cao lên trời. Thay vào đó ông chậm
rãi rời khỏi sân khấu, “ông ta nhẫn tâm phá hỏng giây phút mà tôi đã lên kế hoạch
từ trước,” Amelio phàn nàn sau đó. “Cảm xúc cá nhân của ông ta còn quan trọng
hơn hình ảnh của Apple trước báo giới.” Mới chỉ có 7 ngày đầu năm mới cho
Apple, nhưng đã khã rõ rằng nó sẽ không bình yên được tới giữa năm.
Jobs ngay lập tức đẩy những người ông tin tưởng vào những vị
trí cấp cao ở Apple. “Tôi cần đảm bảo chắc chắn rằng những người thực sự giỏi đến
từ NeXT không bị đâm sau lưng bởi những kẻ kém hơn đang giữ những vị trí cốt cẤn
ở Apple,” Jobs hồi tưởng. Ellen Hancock, người muốn chọn hệ điều hành Solaris của
Sun thay vì NeXT, đứng đầu danh sách này, đặc biệt khi bà tiếp tục muốn sử dụng
phần lõi của Solaris trong hệ điều hành mới của Apple. Trong phần trả lời câu hỏi
của một phóng viên về vai trò của Jobs trong việc ra quyết định này, bà trả lời
cộc lốc, “Không gì cả.” Tuy nhiên bà ta đã sai. Việc đầu tiên Jobs làm là đảm bảo
2 người bạn của ông ở NeXT nắm lấy vị trí của bà này. Để điều hành mảng phần mềm,
ông sử dụng người bạn Avie Tevanian của mình. Để nắm mảng phần cứng, ông đã gọi
cho Jon Rubinstein, người đã nắm vị trí tương tự ở bộ phận phần cứng của NeXT.
Rubinstein đang đi nghỉ ở một hòn đảo nhỏ tại Skye khi Jobs gọi. “Apple cần
giúp đỡ,” ông nói. “Anh có muốn lên tàu không?” Rubinstein đã đồng ý. ông trở về
đúng thời điểm để tham dự MacWorld và nhìn thấy quả bom Amelio trên sân khấu. Mọi
việc tệ hơn ông tưởng, ông và Tevanian thường trao đổi ánh mắt trong các cuộc họp
giống như họ đang phải ở trong một nhà thương điên kinh khủng, với những người
đưa ra các phát biểu một cách ngây thơ trong khi Amelio ngồi ở cuối bàn với
khuôn mặt ngơ ngác.
Jobs không thường tới văn phòng, tuy nhiên ông thường xuyên
nói chuyện qua điện thoại với Amelio. Khi đã thành công trong việc đưa
Tevanian, Rubinstein và những người ông tin tưởng khác vào các vị trí cao cấp
nhất, ông chuyển sang tập trung vào danh mục các sản phẩm đang rất lộn xộn. Một
trong những sản phẩm bị ông hạ thấp là Newton, thiết bị cầm tay cá nhân được quảng
bá với khả năng nhận diện chữ viết tay. Nó không thực sự tệ như những lời nói
đùa hay như trong tranh biếm họa của Doonesbury, nhưng Jobs ghét nó. ông khinh
thường ý tưởng cần một chiếc bút để viết lên màn hình. “Chúa cho chúng ta 10
cây bút,” ông nói trong khi vẫy những ngón tay của mình. “Đừng phát minh ra một
cái mới.” Thêm nữa, Jobs xem Newton là một sáng tạo lớn của John Sculley, dự án
con cưng của ông ta. Chỉ riêng điều đó đã hủy diệt nó trong mắt của Jobs.
“Ông bắt buộc phải ngừng Newton,” một ngày Jobs nói với
Amelio qua điện thoại.
Đó là một đề nghị từ trên trời rơi xuống, và Amelio đã đáp
trả. “Ý ông là gì, hủy nó đi ư?” ông ta nói. “Steve, ông có biết nó sẽ tốn kém
thế nào không hả?”
“Dừng nó lại, viết một thông báo, và giải thoát mình khỏi
nó,” Jobs nói. “Không quan trọng là nó tốn bao nhiêu. Mọi người sẽ chúc mừng
ông nếu ông thoát khỏi nó.”
“Tôi đã xem xét Newton và nó sẽ là một cái máy hái ra tiền,”
Amelio phân trần. “Tôi không ủng hộ việc ngừng nó lại.” Mặc dù vậy, vào tháng 5
ông ta thông báo đóng cửa bộ phận Newton.
Bắt đầu giai đoạn kết thúc kéo dài hàng năm trời của nó.
Tevanian và Rubinstein thường tới nhà của Jobs để cập nhật
thông tin cho ông. Và ngay lập tức Sillicon Valley biết tới việc Jobs đang lặng
lẽ giành lấy quyền lực từ Amelio. Nó không giống như cuộc chơi quyền lực của
Machiavellian mà đơn giản Jobs chỉ là Jobs. Ham muốn kiểm soát đã thấm sâu vào
bản chất của ông. Louise Kehoe, phóng viên tờ Financial Times là người đầu tiên
dự đoán điều này khi cô đặt câu hỏi cho Jobs và Amelio ở thông báo tháng 12, với
câu chuyện. “Ngài Jobs đã trở thành thế lực ở phía sau ngai vàng,” cô viết
trong một bản tin cuối tháng 2. “ông ấy được cho rằng đang ra những quyết định
khiến một số bộ phận của Apple bị loại bỏ. Ngài Jobs đã thuyết phục một số cựu
đồng nghiệp ở Apple quay trở lại công ty, là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ông đang
lên kế hoạch để nắm quyền. Theo một trong những người thân cận với Jobs, ông ấy
cho rằng Amelio và những người được ông ta bổ nhiệm đã không thành công trong
việc khôi phục Apple, và ông dự định sẽ thay thế họ để đảm bảo cho sự sống còn
cho công ty „của ông ấy.
Trong tháng đó, Amelio phải đối diện với cuộc họp cổ đông
thường niên và giải thích vì sao kết quả quý IV năm 1996 thấp hơn 30% doanh số
so với cùng kỳ năm trước. Các cổ đông cực kỳ giận dữ. Amelio thiếu khả năng và
đã điều hành cuộc họp một cách yếu đuối. “Bài phát biểu đó là một trong những
bài tốt nhất tôi từng làm,” ông ta viết sau đó. Tuy nhiên Ed Woolard, cựu CEO
của DuPont và giờ là chủ tịch của Apple (Markkula bị đẩy xuống
làm phó chủ tịch), đã vô cùng hãi hùng. “Đây là một thảm họa,” vợ ông ấy thì thầm
vào giữa buổi họp. Woolard đồng tình với điều này. “Gil ăn mặc rất tuyệt, nhưng
vẻ ngoài và giọng của ông ta quá yếu đuối,” ông nhớ lại. “ông ta không trả lời
được các câu hỏi, không biết là mình đang nói về cái gì, và cũng không cho thấy
chút tự tin nào.”
Woolard nhấc điện thoại và gọi cho Jobs, người ông chưa từng
gặp. Cái cớ ban đầu là mời Jobs tới Delaware để gặp các nhà điều hành của
DuPont. Jobs đã từ chối, nhưng như Woolard hồi tưởng “yêu cầu đó chỉ là mẹo để
nói chuyện với cậu ấy về Gil.” ông lái cuộc nói chuyện qua hướng này và hỏi thẳng
Jobs việc ông nghĩ thế nào về Amelio. Woolard nhớ rằng Jobs đã khá thận trọng,
nói rằng Amelio không ở vị trí phù hợp. Jobs thì hồi tưởng rõ hơn: Tôi đã nghĩ
rằng, hoặc tôi nói thẳng với ông ta sự thật rằng Gil chỉ là một gã không ra gì,
hoặc nói tránh điều đó. ông ta ở trong ban quản trị của Apple, tôi có trách nhiệm
phải nói thật điều mình nghĩ; nhưng mặt khác, nếu tôi nói, ông ta sẽ nói với
Gil, và trong trường hợp này Gil sẽ không bao giờ nghe lời tôi nữa, và ông ta sẽ
xử tất cả những người tôi mang tới Apple. Tất cả những sự cân nhắc diễn ra
trong đầu tôi chừng ba mươi giây. Cuối cùng tôi đã quyết định rằng mình nợ người
này sự thật. Tôi thật sự quan tâm tới Apple. Vì thế tôi cho ông ta biết điều
đó. Tôi đã nói người đàn ông này là CEO tệ nhất mà tôi từng biết, và tôi nghĩ nếu
cần có một chứng chỉ để làm CEO thì ông ta sẽ không bao giờ có nó. Khi tôi ngắt
máy, tôi đã nghĩ, mình vừa làm một điều thật ngu ngốc.
Mùa xuân năm đó Larry Ellison thấy Amelio ở một buổi tiệc và
giới thiệu ông ta với phóng viên công nghệ Gina Smith, người muốn biết về tình
hình hiện tại của Apple. “Cô biết không, Gina, Apple giống như một con tàu,”
Amelio trả lời. “Con tàu này chở đầy châu báu, nhưng có một lỗ hổng trên thân
tàu. Và nhiệm vụ của tôi là giúp tất cả mọi người cùng hướng tới một mục tiêu.”
Smith trông khá bối rối và hỏi, “Phải, nhưng còn lỗ hổng trên tàu thì sao?” Từ
sau đó, Ellison và Jobs đùa về câu chuyện của chiếc tàu. “Khi Larry kể lại câu
chuyện này cho tôi, chúng tôi đang ở trong cửa hàng sushi, tôi thực sự đã ngã
khỏi ghế vì cười,” Jobs nhớ lại. “Anh ta giống như một thằng hề, và lại rất
nghiêm túc với bản thân. Anh ta muốn mọi người gọi mình là tiến sĩ Amelio. Đó
luôn luôn là một tín hiệu cảnh báo.”
Brent Schlender, phóng viên công nghệ đáng tin cậy của Fortune,
biết Jobs và hiểu cách suy nghĩ của ông, vào tháng 3 anh ta đã viết một bài báo
chi tiết về sự hỗn loạn này. “Apple, hình mẫu của Silicon Valley về cách quản
lý khác thường và những giấc mơ kỹ thuật số còn đang chập chững, đã quay trở lại
thời kỳ khủng hoảng, xáo trộn một cách đáng buồn và chậm rãi với sự tụt giảm
doanh số, một chiến lược công nghệ sai lầm và một thương hiệu đang phai nhạt,”
anh viết.
“Với con mắt Machiavellian, có vẻ như Jobs, bất chấp sự mời
gọi của Hollywood - trước đây từng quản lý Pixar, nhà sản xuất của Toy story và
một số phim hoạt hình khác - có thể sẽ tiếp quản Apple.”
Một lần nữa Ellison đưa ra công chúng ý tưởng thôn tính đối
thủ và đưa “bạn thân” Jobs của mình lên làm CEO. “Steve là người duy nhất có thể
giải cứu Apple,” ông nói với các phóng viên. “Tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ ngay
khi anh ấy nói.” Nhưng giống như lần thứ 3 cậu bé chăn cừu nói có sói, lần mong
muốn thôn tính cuối cùng của Ellison không được chú ý nhiều, vì thế cuối tháng
đó, ông nói với Dan Gillmore của tờ San Jose Mercury News rằng mình đang lập một
nhóm các nhà đầu tư huy động 1 tỉ USD để mua phần lớn cổ phiếu của Apple. (Giá
trị thị trường của công ty ở thời điểm đó khoảng 2,3 tỉ USD). Ngày câu chuyện
này được đưa ra, cổ phiếu của Apple tăng 11% với số lượng giao dịch lớn. Để
tăng thêm tính phù phiếm, Ellison lập địa chỉ email savapple@us.oracle.com, kêu
gọi công chúng bình chọn xem ông ta có nên đi tiếp với chiến dịch này không.
Jobs khá thích thú với vai trò tự chỉ định của Ellison. “Thỉnh
thoảng Larry khơi chuyện này ra,” ông nói với các phóng viên. “Tôi đã cố giải
thích vai trò của mình ở Apple là một chuyên gia tư vấn.” Tuy nhiên Amelio thì
giận điếng người, ông ta gọi cho Ellison để yêu cầu dừng chuyện này lại, nhưng
Ellison chẳng buồn nhấc máy. Vì thế Amelio gọi cho Jobs, người có những phát biểu
lập lờ nhưng cũng khá xác thực. “Tôi thực sự không hiểu điều gì đang diễn ra,”
Jobs nói với Amelio. “Tôi nghĩ tất cả những điều này thật điên rồ.” Sau đó Jobs
khẳng định một lần nữa, nhưng không phải tất cả sự thật: “Anh và tôi có một mối
quan hệ tốt.” Jobs đã có thể kết thúc cuộc xét hỏi này bằng cách nói ra việc từ
chối ý tưởng của Ellison, nhưng với sự phiền phức của Amelio, ông đã không làm
thế. ông tiếp tục xa lánh, phục vụ cho ý thích và bản chất tự nhiên của mình.
Sau đó, báo giới quay sang chống lại Amelio. Business Week
chạy một trang bìa với tiêu đề “Apple có phải một miếng bánh?”;