Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 20
39
Ngày 7 tháng Năm năm 1995
Ở đâu đó trên bầu trời nước Pháp
Những ngọn đèn trong khoang máy bay bỗng bật sáng.
Tôi nghe thấy tiếng đinh! của hệ thống thông báo. Nó cho biết chúng tôi bắt đầu hạ xuống Paris.
Julien nghiêng người chỉnh lại dây an toàn cho tôi, để biết chắc lưng ghế của tôi đã chốt ở tư thế dựng đứng. Rằng tôi an toàn.
- Mẹ cảm thấy ra sao khi lại hạ cánh xuống Paris lần nữa?
Tôi không biết nói gì.
+++++
Nhiều giờ sau, điện thoại bên cạnh tôi reo.
Tôi vẫn còn ngái ngủ lúc trả lời:
- Alô?
- Con chào mẹ. Mẹ ngủ được không ạ?
- Được.
- Bây giờ là ba giờ. Mẹ muốn lúc nào tới cuộc họp mặt?
- Chúng ta hãy dạo quanh Paris một vòng đã. Một giờ nữa mẹ sẽ sẵn sàng.
- Con sẽ đến đón mẹ.
Tôi xuống khỏi cái giường rộng mênh mông và vào buồng tắm lát đá hoa ở khắp mọi chỗ. Tắm nước nóng sẽ làm tôi trở lại là mình và tỉnh táo, nhưng phải đến lúc ngồi trước bàn trang điểm, chằm chằm nhìn vào gương mặt mình phóng to trong tấm gương hình bầu dục, ý nghĩ đó mới ập đến với tôi.
Tôi đang ở nhà.
Dù tôi có là công dân Mỹ, đã ở Mỹ lâu hơn nhiều so với ở Pháp, những điều có thật đó chẳng có ý nghĩa gì. Tôi đang ở quê hương.
Tôi trang điểm kỹ càng. Rồi chải mớ tóc bạc trắng như cước ra sau, búi lại sau gáy bằng đôi tay run không ngừng. Trong gương, tôi nhìn thấy một phụ nữ thanh lịch, cổ điển với nước da mềm, có những nếp nhăn li ti, đôi môi hồng nhạt, bóng mịn và nỗi lo âu trong mắt.
Tôi chỉ có thể làm được đến thế là cùng.
Rời tấm gương, tôi bước đến tủ treo quần áo và rút cái quần mùa đông màu trắng, chiếc áo cổ lọ tôi mang theo. Tôi chợt thấy có lẽ phải chọn lựa màu sắc kỹ hơn. Tôi đã không nghĩ đến điều này khi gói ghém hành lý.
Lúc Julien tới, tôi đã sẵn sàng.
Nó đưa tôi ra hành lang, phục vụ tôi cứ như tôi là người mù hoặc tàn phế, và tôi để mặc con trai đưa tôi qua tiền sảnh tao nhã của khách sạn, ra ngoài ánh nắng kỳ diệu của ngày xuân Paris.
Nhưng khi Julien nhờ người gác cửa gọi taxi, tôi khăng khăng:
- Chúng ta sẽ đi bộ đến buổi họp mặt.
Nó cau mày.
- Nhưng ở tận đảo Cité.
Tôi nhăn mặt vì cách phát âm của nó, nhưng thực ra đây là lỗi của tôi.
Tôi thấy người gác cửa mỉm cười.
- Con trai tôi thích các bản đồ, - tôi nói. - Và trước đây nó chưa từng đến Paris.
Ông ta gật đầu.
- Một quãng đường dài đấy, mẹ ơi, - Julien nói và đến cạnh tôi. - Mà mẹ thì...
- Già rồi chứ gì? - Tôi không thể nén được nụ cười. - Mẹ cũng là người Pháp mà.
- Mẹ đi giầy cao gót.
Tôi nhắc lại:
- Mẹ là người Pháp.
Julien quay sang người gác cửa, ông ta giơ bàn tay đeo găng lên và nói:
- Đời là thế đấy* , thưa cậu.
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
- Thôi được, - rốt cuộc, Julien đành nói. - Chúng ta đi bộ vậy.
Tôi khoác tay con trai và trong khoảnh khắc đặc biệt thú vị ấy, khi chúng tôi bước ra vỉa hè rộn ràng, tay trong tay, tôi cảm thấy mình như một thiếu nữ. Xe cộ ào ào chạy qua chúng tôi, bóp còi inh ỏi, nhiều cậu bé trượt ván trên hè, luồn lách giữa các du khách và dân bản địa trong buổi chiều rực nắng này. Không khí đầy mùi hoa dẻ, mùi bánh mì nướng, mùi quế, mùi dầu diesel, khí thải ô tô và đá bị nung nóng, những thứ mùi sẽ mãi mãi nhắc tôi nhớ tới Paris.
Bên tay phải, tôi trông thấy một trong những hiệu bánh ưa thích của mẹ tôi, và bất chợt, tôi như thấy mẹ đang đưa cho tôi cái bánh macaron.
- Mẹ ơi?
Tôi mỉm cười với con:
- Đi nào, - tôi nói một cách độc đoán và dẫn nó vào một cửa hiệu nhỏ. Đã có một hàng dài và tôi xếp vào cuối hàng.
- Con tưởng mẹ không thích bánh quy.
Tôi lờ nó và chăm chú nhìn vào tủ kính đầy, những bánh macaron màu sắc đẹp đẽ và bánh sừng bò phủ sô cô la.
Lúc đến lượt, tôi mua hai bánh macaron - một cái có dừa, cái kia có quả mâm xôi. Tôi đưa cho Julien cái bánh macaron dừa.
Chúng tôi lại ra ngoài, tản bộ, và khi con tôi cắn một miếng bánh, nó dừng lại chết sững.
- Chà, - một phút sau nó mới nói. - Chà chà.
Tôi mỉm cười. Ai cũng nhớ mùi vị đầu tiên ở Paris. Đây sẽ là cảm giác của nó.
Sau khi nó liếm các ngón tay và ném chiếc túi đi, nó lại khoác tay tôi.
Đến một quán rượu nhỏ, xinh xắn nhìn xuống sông Seine, tôi bảo:
- Chúng ta uống cốc vang đã.
Lúc này đã quá năm giờ. Giờ uống rượu khai vị của thượng lưu.
Mẹ con tôi ngồi ở bên ngoài, dưới tán một cây dẻ đang nở hoa. Bên kia phố, dọc theo bờ sông, những người bán sách báo cũ trong các ki ốt màu xanh lá cây, đang bán đủ thứ từ những bức tranh sơn dầu, các tạp chí Vogue cũ đến những móc đeo chìa khóa có hình tháp Eiffel.
Chúng tôi ăn chung một túi khoai tây rán và nhấm nháp rượu vang. Một cốc thành hai, và buổi chiều đã nhường chỗ cho hoàng hôn.
Tôi đã quên ở Paris thời gian trôi qua nhẹ nhàng biết bao. Thành phố này luôn sống động, nhưng cũng có một sự tĩnh lặng, thanh bình mời mọc bạn. Ở Paris, với một cốc vang trong tay, bạn có thể chỉ đơn giản là sống.
Dọc sông Seine, những ngọn đèn đường đã bật sáng, cửa sổ trong các căn hộ biến thành màu vàng óng.
- Bảy giờ rồi, - Julien nói và tôi nhận ra nó xem giờ suốt, chờ đợi. Nó là người đặc Mỹ. Không ngồi nhàn rỗi, quên bản thân, thằng bé của tôi không dành cho việc này. Song nó cũng muốn để tôi thoải mái.
Tôi gật đầu và ngắm nó trả tiền. Lúc chúng tôi đứng lên, một cặp ăn vận sang trọng, cả hai đều hút thuốc lá, ngồi vào chỗ chúng tôi.
Julien và tôi tay khoác tay đi bộ tới Pont Neuf, cây cầu cổ nhất vắt qua sông Seine. Xa xa là đảo Cité, hòn đảo có thời là trái tim của Paris. Nhà thờ Đức Bà, với những bức tường vút cao màu phấn, trông giống một con chim săn mồi đang hạ cánh, với đôi cánh lộng lẫy dang rộng. Sông Seine nắm bắt và phản chiếu những đốm đèn suốt dọc đôi bờ, những vòng hào quang óng vàng biến dạng theo những gợn sóng.
- Kỳ diệu, - Julien nói, và đó hoàn toàn là sự thật.
Chúng tôi đi chậm rãi, băng qua cây cầu duyên dáng xây dựng từ hơn bốn trăm năm trước. Ở bờ bên kia, chúng tôi thấy một người bán hàng rong đang đóng cửa hàng di động của mình.
Julien dừng lại, nhặt một quả cầu tuyết kiểu cổ. Nó nghiêng quả cầu, tuyết rơi mù mịt và xoay tròn trong lòng quả cầu thủy tinh, che mờ cả tháp Eiffel mạ vàng tinh tế.
Những bông tuyết nhỏ xíu, mặc dù tôi biết toàn là đồ giả, khiến tôi nhớ tới những mùa đông khủng khiếp ấy, khi giầy của chúng tôi thủng lỗ chỗ, chúng tôi phải quấn báo cũ và mọi mẩu vải tìm thấy quanh người.
- Mẹ? Mẹ đang run kìa.
- Chúng ta muộn mất, - tôi nói. Julien để quả cầu tuyết xuống và chúng tôi lại lên đường, len qua đám đông đang đợi vào nhà thờ Đức Bà.
Khách sạn ở một phố nhỏ đằng sau nhà thờ. Cạnh đó là Hôtel- Dieu, bệnh viện cổ nhất Paris.
- Mẹ sợ, - tôi nói, và sửng sốt vì lời thú nhận. Trong nhiều năm tôi không thể nhớ mình thừa nhận một điều như vậy, dù thường là thật. Bốn tháng trước, khi người ta bảo bệnh ung thư của tôi tái phát, nỗi sợ khiến tôi khóc ròng trong buồng tắm, cho đến khi nước tắm nguội ngắt.
- Chúng ta không phải vào trong, - Julien nói.
- Có chứ, chúng ta phải vào, - tôi đáp.
Tôi đặt chân này trước chân kia, cứ thế cho đến khi ở trong hành lang, có một tấm biển chỉ dẫn tới phòng khiêu vũ ở tầng bốn.
Lúc ra khỏi thang máy, tôi có thể nghe thấy một người đàn ông đang nói qua một micro vừa khuếch đại vừa lọc tiếng. Một cái bàn ở ngoài hành lang, trải rộng các thẻ ghi tên. Nó khiến tôi nhớ tới một chương trình truyền hình cũ: Tập trung. Hầu hết các thẻ đã được lấy đi, nhưng thẻ của tôi vẫn còn.
Tôi nhận ra một tấm thẻ nữa, ở ngay bên dưới thẻ của tôi. Nhìn thấy nó, tim tôi hơi thắt lại. Tôi vươn tay cầm thẻ của mình và nhặt lên. Tôi bóc phía sau và dính thẻ lên bộ ngực hóp của mình, nhưng trong lúc ấy, tôi nhìn mãi vào cái tên khác. Tôi cầm cái thẻ thứ hai và nhìn chằm chặp.
- Thưa bà! - Người phụ nữ ngồi sau bàn lên tiếng. Bà ta đứng lên, trông bối rối. - Chúng tôi đang đợi bà. Có một chỗ...
- Tôi ổn. Tôi sẽ đứng ở cuối phòng.
- Không đâu. - Bà ta cầm tay tôi. Tôi muốn cưỡng lại, nhưng lúc này chẳng còn ý chí. Bà ta dẫn tôi qua một đám đông ngồi trên các ghế gấp, từ đầu này tới đầu kia phòng khiêu vũ, tới một cái bục, có ba bà già ngồi. Một thanh niên mặc áo thể thao nhàu nát và quần ka ki - rõ ràng là người Mỹ - đang đứng trên bục. Lúc tôi bước vào, anh ta ngừng nói.
Căn phòng lặng ngắt. Tôi cảm thấy mọi người đang nhìn mình.
Tôi rụt rè đi qua những bà già trên bục và ngồi vào cái ghế trống cạnh diễn giả.
Người thanh niên ở micro nhìn thấy tôi và giới thiệu:
- Tối nay có một vị khách rất đặc biệt đến với chúng ta.
Tôi thấy Julien ở cuối phòng, đứng dựa vào tường, tay khoanh lại. Nó cau mày. Chắc nó băn khoăn vì sao người ta lại xếp tôi lên bục.
- Bà có muốn nói điều gì không?
Tôi nghĩ người trên bục đã hỏi tôi câu này đến hai lần tôi mới ghi nhận.
Căn phòng im lặng đến mức tôi nghe thấy tiếng ghế cót két, tiếng các bàn chân gõ trên thảm, những người phụ nữ phe phẩy quạt. Tôi muốn nói “không, không, không phải tôi”, nhưng sao tôi có thể nhút nhát đến thế được?
Tôi từ từ đứng lên và đi tới bục. Trong lúc tập trung ý nghĩ, tôi liếc sang bên phải nhìn những bà già ngồi trên đài và trông thấy tên của họ. Almadora, Eliance và Anouk.
Những ngón tay tôi nắm chặt rìa gỗ của cái bục.
- Em gái tôi, Isabelle, là một phụ nữ vô cùng nồng nhiệt, - lúc đầu, tôi nói khẽ. - Mọi việc nó làm đều hết mình và không gì ngăn cản được. Hồi còn bé, chúng tôi không ngừng lo lắng cho nó. Nó luôn bỏ trốn từ trường nội trú sang tu viện rồi trường tư thục dành cho nữ sinh, nhảy qua cửa sổ và lên tàu. Tôi nghĩ nó là người hấp tấp, vô trách nhiệm và gần như quá xinh đẹp nên ai cũng phải ngắm nhìn. Trong thời chiến, nó đã dùng lợi thế ấy để chống lại tôi. Nó kể với tôi là phải trốn đi Paris vì có một mối tình, và tôi tin nó.
- Tôi đã tin em gái mình. Trong suốt nhiều năm sau đó, sự việc ấy vẫn làm tôi đau đớn. Lẽ ra tôi phải biết rằng em gái tôi không theo một người đàn ông nào hết, mà đi theo đức tin của nó, và nó đang làm một công việc quan trọng. - Tôi nhắm mắt một lát và nhớ lại: Isabelle đang đứng với Gaëton, cánh tay nó vòng quanh người cậu ta, mắt nó nhìn tôi, long lanh lệ. Tràn đầy tình yêu. Rồi sau đó, Isabelle nhắm mắt lại, nói gì đó mà không người nào trong chúng tôi nghe ra, nó trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người đàn ông yêu thương nó.
Lúc đó, tôi thấy chuyện ấy thật bi thảm, còn bây giờ tôi nhận ra vẻ đẹp trong đó.
Tôi nhớ từng sắc thái của khoảnh khắc đó ở sân sau nhà mình, những cành thông đỏ xòe rộng trên đầu chúng tôi, hương hoa nhài thoang thoảng trong không khí.
Tôi nhìn xuống tấm thẻ thứ hai trong tay mình.
Sophie Mauriac.
Con gái bé bỏng, xinh đẹp của tôi đã lớn lên thành một phụ nữ nghiêm nghị, ân cần, nó đã ở gần tôi suốt cả đời, lúc nào cũng lo lắng, rối rít quanh tôi như một gà mái mẹ. Sợ hãi. Con tôi lúc nào cũng thấy sợ cuộc đời sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, và tôi không thích thế. Nhưng nó biết cách yêu thương, Sophie của tôi, và khi nó bị ung thư, nó không hề sợ hãi. Lúc cuối đời, tôi nắm bàn tay nó, nó nhắm mắt lại và nói: "Dì ơi... cháu đến với dì đây”.
Giờ đây, họ - em gái và con gái tôi - đang đợi tôi, vì sẽ chẳng còn bao lâu nữa.
Tôi rứt cái nhìn chăm chú khỏi cái thẻ và lại nhìn khán giả. Họ không để ý là mắt tôi nhòa lệ.
- Isabelle và cha tôi, Julien Rossignol, cùng các bạn của họ đã điều hành con đường trốn thoát mang tên Sơn ca. Họ đã cùng nhau cứu sống một trăm mười bảy phi công.
Tôi nuốt khó khăn.
- Trong thời gian chiến tranh, Isabelle và tôi không nói chuyện nhiều. Nó tránh tôi để bảo vệ cho tôi khỏi liên lụy với công việc nguy hiểm mà nó đang làm. Vì thế tôi không biết gì về mọi việc Isabelle đã làm, cho đến khi nó từ Ravensbrück trở về.
Tôi lau mắt. Lúc này không còn tiếng ghế cót két, không còn tiếng gõ chân. Khán giả im lặng tuyệt đối, nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi thấy Julien ở cuối phòng, khuôn mặt điển trai của nó suy nghĩ rất lung và bối rối. Tất cả chuyện này đều mới mẻ với nó. Lần đầu tiên trong đời, nó hiểu rằng giữa hai mẹ con là hố sâu ngăn cách, chứ không phải là một cây cầu. Lúc này tôi không chỉ là mẹ nó, mà là một phần mở rộng của con người nó. Tôi là một phụ nữ trọn vẹn và nó hoàn toàn không hiểu chất liệu gì đã tạo nên con người tôi.
- Isabelle từ trại tập trung về nhà không phải là người phụ nữ sống sót qua trận ném bom ở Tours hoặc vượt qua dãy Pyrénées. Isabelle trở về nhà, suy sụp và đau ốm. Nó thiếu tự tin về nhiều thứ, ngoài việc nó đã làm. - Tôi nhìn những người ngồi trước mặt. - Một ngày trước khi Isabelle qua đời, nó ngồi trong bóng cây cạnh tôi, nắm tay tôi và nói: “V. à, thế này là đủ cho em rồi”. Tôi hỏi: “Cái gì đủ?”. Nó đáp: “Cuộc đời em. Nó đủ rồi”.
Như thế đấy. Tôi biết em gái tôi đã cứu một số người trong căn phòng này, nhưng tôi hiểu rằng các bạn cũng cứu nó. Isabelle Rossignol khi chết vừa là một nữ anh hùng vừa là một phụ nữ đang yêu. Nó không thể có lựa chọn khác. Và mọi thứ nó muốn là được nhớ tới. Vì thế, tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã cho em tôi ý nghĩa của cuộc sống, vì đã làm nó bộc lộ phẩm chất tốt đẹp nhất trong con người mình và vì đã nhớ đến nó trong suốt nhiều năm sau này.
Tôi rời khỏi bục và bước trở lại chỗ mình.
Khán giả đứng phắt lên, vỗ tay ào ạt. Tôi trông thấy những người già hơn đang khóc và khiến tôi chợt hiểu ra rằng: đó là gia đình của những phi công được Isabelle cứu thoát. Mỗi người đàn ông được cứu trở về đã tạo nên một gia đình, còn nhiều người nữa chịu ơn cứu mạng của cô gái can đảm, của cha cô và bạn bè của họ.
Sau đó, tôi bị cuốn vào vòng xoáy những lời cảm ơn, những hồi ức và những bức ảnh. Mọi người trong phòng đều muốn đích thân cảm ơn tôi và kể với tôi rằng Isabelle cùng cha tôi có ý nghĩa với họ ra sao. Đến một thời điểm nào đó, Julien ngồi cạnh tôi và trở thành vệ sĩ của tôi về mọi mặt. Tôi nghe thấy nó nói: “Có vẻ như mẹ con mình có nhiều điều để nói” và tôi gật đầu, rồi bước đi, bám vào cánh tay nó. Tôi đã cố gắng hết sức để làm người đại diện cho em gái mình, tập hợp những lời cảm ơn mà nó xứng đáng được nhận.
Chúng tôi sắp qua đám đông - lúc này đang thưa dần, nhiều người đang đến quầy uống rượu vang - thì nghe thấy tiếng ai nói:
- Chào chị Vianne, - giọng nói rất quen.
Dẫu bao năm đã trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay cái nhìn của cậu. Gaëton. Cậu ta thấp hơn tôi nhớ, đôi vai đã hơi khom, khuôn mặt rám nắng có nhiều nếp nhăn sâu vì thời tiết và thời gian. Tóc Gaëton dài gần chấm vai, trắng như hoa dành dành, nhưng tôi sẽ vẫn nhận ra cậu ta dù ở bất kỳ chỗ nào.
- Vianne, - cậu nói. - Em muốn chị gặp con gái em. - Cậu với ra sau, kéo tay một thiếu nữ xinh đẹp theo kiểu cổ điển mặc bộ váy bó màu đen hợp thời trang, khăn quàng cổ màu hồng rực rỡ. Cô gái tiến đến chỗ tôi, mỉm cười như thể chúng tôi là bạn bè:
- Cháu là Isabelle, - cô gái nói.
Tôi khó nhọc ngả vào tay Julien. Tôi tự hỏi liệu Gaëton có biết rằng sự tưởng nhớ nho nhỏ này sẽ rất ý nghĩa với Isabelle không.
Lẽ tất nhiên cậu ấy biết.
Cậu ngả đến gần và hôn lên hai má tôi, thì thầm: “Em yêu cô ấy suốt đời” lúc cậu lùi lại.
Chúng tôi trò chuyện thêm nhiều phút nữa, thực ra chẳng về cái gì, rồi Gaëton rời đi.
Tôi bỗng thấy mệt. Mệt lả. Tôi rứt khỏi cái nắm giữ đầy sở hữu của con trai và đi qua đám đông, ra ban công yên tĩnh. Tại đó, tôi bước hẳn vào màn đêm. Notre Dame rực sáng cạnh tôi, những gợn sóng màu đen của dòng sông Seine lấp lánh ngả màu. Tôi có thể nghe thấy nước sông vỗ vào đá và những con thuyền kẽo kẹt.
Julien đến cạnh tôi:
- Thế đấy, - nó nói. - Em gái của mẹ - dì con - đã ở trong trại tập trung tại Đức vì giúp đỡ tạo ra con đường trốn thoát cho các phi công bị bắn rơi, có nghĩa là dì đã đi bộ vượt qua những quả núi của dãy Pyrénées?
Hành động đó anh hùng hệt như những lời của thằng bé.
- Tại sao con chưa bao giờ được nghe về mọi chuyện này, và không chỉ từ mẹ? Chị Sophie chưa bao giờ hé răng. Quái quỷ, thậm chí con còn không biết rằng những người chạy trốn đã vượt qua nhiều quả núi hoặc có một trại tập trung chỉ dành cho những phụ nữ chống lại bọn Đức Quốc xã.
- Đàn ông kể chuyện, - tôi đáp. Đây là câu trả lời đúng nhất, giản dị nhất cho nó. - Phụ nữ thì sống cùng với nó. Với bọn mẹ, nó là một bóng ma chiến tranh. Khi cuộc chiến kết thúc, bọn mẹ không có diễu hành, không huân chương, huy chương hoặc được nhắc tới trong các cuốn sách lịch sử. Bọn mẹ đã làm những việc phải làm trong thời chiến, và khi chiến tranh chấm dứt, bọn mẹ nhặt nhạnh những mảnh vỡ và bắt đầu lại cuộc sống của mình. Chị con rất cần quên, cũng như mẹ vậy. Có lẽ mẹ đã phạm một sai lầm nữa là để chị con quên. Có lẽ chúng ta nên nói về những chuyện này.
- Vậy là dì Isabelle đã đi cứu các phi công, còn bố con là tù binh và mẹ ở lại một mình với chị Sophie. - Tôi biết nó đang nhìn tôi khác đi, băn khoăn tự hỏi còn bao nhiêu điều nó chưa biết.
- Vậy mẹ đã làm gì trong chiến tranh?
- Mẹ đã sống sót, - tôi nói giản dị. Lời thú nhận này khiến việc tôi mất đứa con gái gần như không thể chịu đựng nổi, vì sự thật là chúng tôi đã sống sót. Cùng nhau. Đối đầu với mọi khó khăn.
- Việc đó không hề dễ dàng.
- Nó không hề dễ dàng. - Lời thú nhận buột ra khiến tôi sửng sốt. Bỗng nhiên, chúng tôi nhìn nhau, mẹ và con trai. Nó đang nhìn tôi, cái nhìn của một bác sĩ giải phẫu xem liệu có bỏ sót thứ gì không - chứ không nhìn những nếp nhăn mới của tôi, hoặc tim tôi đập hơi quá nhanh hoặc mạch đập ở chỗ hõm nơi cổ tôi.
Nó chạm vào má tôi, mỉm cười dịu dàng. Con trai của tôi.
- Mẹ nghĩ quá khứ có thể thay đổi cách con cảm nhận về mẹ sao? Thật không, mẹ?
- Bà Mauriac?
Tôi mừng vì sự ngắt quãng này. Đây là một câu hỏi mà tôi không muốn trả lời.
Quay lại, tôi thấy một thanh niên điển trai đang đợi nói chuyện với tôi. Cậu ta là người Mỹ, nhưng rõ ràng là không hẳn thế. Có lẽ là người New York, với mái tóc hoa râm cắt rất sát và đôi kính hợp mốt. Cậu ta mặc blazer màu đen vừa vặn, sơ mi trắng đắt tiền, quần jeans bạc màu. Tôi bước tới, hai chúng tôi chìa tay ra gần như cùng một lúc, mắt chúng tôi gặp nhau và tôi hụt một bước. Chỉ thế thôi, một bước hụt, một trong nhiều thứ ở tuổi tôi, nhưng Julien đã ở đó đỡ lấy tôi.
- Mẹ à?
Tôi trừng trừng nhìn cậu thanh niên trước mặt. Ở cậu ta, tôi nhìn thấy đứa con trai mà tôi yêu thương sâu sắc và người phụ nữ là bạn thân nhất của tôi.
- Ariel de Champlain, - tôi nói, tên thằng bé chỉ như một tiếng thì thào, một lời cầu nguyện.
Ari ôm choàng lấy tôi, ghì thật chặt và bao hồi ức ùa về. Cuối cùng, khi nó lùi lại, cả hai chúng tôi đang khóc.
- Con không bao giờ quên mẹ và chị Sophie, - nó nói. - Người ta bảo con quên và con đã thử nhưng không thể. Con đã đi tìm cả hai trong nhiều năm trời.
Tôi lại cảm thấy tim mình thắt lại.
- Sophie đã mất khoảng mười lăm năm trước.
Ari ngoảnh đi. Nó nói, khẽ khàng:
- Con đã ngủ cùng con thú nhồi bông của chị ấy trong nhiều năm.
- Bébé, - tôi nói và nhớ ra.
Ari thọc tay vào túi và rút ra tấm ảnh của tôi với Rachel.
- Mẹ con đã đưa ảnh này cho con, khi con tốt nghiệp đại học. Tôi nhìn chằm chặp xuống bức ảnh qua hàng nước mắt.
- Mẹ và Sophie đã cứu mạng con, - Ari nói một cách tha thiết. Tôi nghe thấy Julien hít vào và biết điều đó có ý nghĩa gì. Giờ
đây, nó có thêm nhiều câu hỏi nữa.
- Ari là con trai bạn thân nhất của mẹ, - tôi nói. - Khi Rachel bị trục xuất tới Auschwitz, mẹ đã giấu Ari trong nhà ta, mặc dù có một tên Đức Quốc xã đang trú đóng. Đây là một việc... kinh khủng.
- Mẹ cậu là người khiêm tốn, - Ari nói. - Bà đã cứu mười chín trẻ em Do Thái trong thời chiến.
Tôi trông thấy sự hoài nghi trong mắt con trai, khiến tôi bật cười. Con cái thường nhìn nhận chúng ta phiến diện như thế đấy.
- Mẹ là một Rossignol, - tôi nói đơn giản. - Một Sơn ca theo cách của riêng mẹ.
- Một người sống sót, - Ari nói thêm.
- Bố con có biết không? - Julien hỏi.
- Bố con... - Tôi ngập ngừng, hít vào một hơi. Bố con. Nó đây, bí mật tôi đã chôn vùi trọn vẹn.
Tôi đã trải qua cả cuộc đời trốn chạy khỏi nó, cố quên đi, nhưng giờ đây tôi thấy tất cả đều uổng phí biết bao.
Antoine đã là cha của Julien về mọi mặt, một người cha đúng nghĩa. Huyết thống không quyết định được cương vị làm cha. Mà là tình yêu thương.
Tôi chạm tay vào má Julien và ngước nhìn nó đăm đăm:
- Con đã đưa mẹ trở lại cuộc sống, Julien ạ. Khi mẹ bế con, sau mọi chuyện xấu xa đó, mẹ mới có thể thở lại được. Mẹ có thể lại yêu bố con lần nữa.
Trước đây, tôi chưa bao giờ nhận ra sự thật ấy. Julien đã đưa tôi trở lại. Sự ra đời của nó là một phép màu giữa bao điều tuyệt vọng. Nó đã khiến tôi, Antoine và Sophie lại thành một gia đình. Tôi đặt tên con theo tên cha tôi, người cha mà tôi biết yêu quá muộn màng, sau khi ông đã qua đời. Sophie trở thành một người chị hết mình, đúng như nó mong muốn.
Rốt cuộc thì, tôi sẽ kể cho con trai nghe chuyện đời tôi. Sẽ đau đớn khi nhớ lại, nhưng cũng có cả niềm vui.
- Mẹ sẽ kể cho con mọi chuyện chứ?
- Hầu hết mọi chuyện, - tôi cười và đáp lại. - Một phụ nữ Pháp phải có những bí mật. - Và tôi sẽ... tôi sẽ giữ lại một bí mật.
Tôi mỉm cười với chúng, hai đứa con trai lẽ ra làm tôi gục ngã, nhưng dù thế nào đi nữa đều đã cứu tôi, mỗi đứa một kiểu. Nhờ có chúng, giờ đây tôi biết điều gì là quan trọng, và không phải là những thứ tôi đã mất. Đó là những hồi ức của tôi. Những vết thương đã lành. Tình yêu đang kéo dài.
Chúng tôi vẫn còn lại.
☺ ☺ ☺
LỜI CẢM ƠN
Cuốn sách này là một công trình của tình yêu, và giống như một phụ nữ trong cơn đau đẻ, tôi thường cảm thấy bị áp đảo kiểu như "xin hãy cho tôi thuốc giảm đau tôi không thể chịu được nữa". Kỳ diệu thay, mọi sự rồi cùng đến hồi kết.
Cuốn sách đã được cả "làng" - theo đúng nghĩa đen - những người có nhân cách tuyệt vời, tận tâm và không mệt mỏi, làm cho một cuốn sách riêng lẻ bộc lộ mọi tiềm năng và tìm được độc giả cho mình. Suốt hai mươi năm trong sự nghiệp, tác phẩm của tôi luôn được một số cá nhân phi thường bảo vệ. Tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn - vì càng để lâu càng quá chậm - với một số ít người đã làm thay đổi cả văn phong lẫn sự nghiệp của tôi. Susan Peterson Kenedy, Leona Nevler, Linda Grey, Elisa Wares, Rob Cohen, Chip Gibson, Andrew Martin, Jane Berkley, Meg Ruley, Gian Centrello, Linda Marrow và Kim Hovey. Cảm ơn tất cả các bạn đã tin tưởng tôi trước cả khi tôi thực sự tin vào chính mình. Xin đặc biệt cảm ơn Ann Patty, người đã thay đổi chiều hướng sự nghiệp của tôi và đã giúp tôi tìm ra cách diễn đạt riêng của mình.
Cảm ơn các bạn ở nhà xuất bản St. Martins và Macmillan. Sụ ủng hộ và nhiệt tình của các bạn đã tác động sâu sắc đến văn phong và sự nghiệp của tôi. Cảm ơn Sally Richardson vì nhiệt tình không mệt mỏi và tình bạn dài lâu của bạn. Cảm ơn Jennifer Enderlin, biên tập viên tuyệt vời của tôi, cảm ơn bạn đã thúc đẩy và đòi hỏi tôi phải cố gắng hết sức mình. Bạn vững như bàn thạch vậy. Cảm ơn Alison Nazarus, Anne Marie Tallberg, Lisa Senz, Dori Weintraub, John Murphy, Tracey Guest, Martin Quinn, Jeff Capshew, Lisa Tomasello, Elizabeth Catalano, Kathryn Parise, Astra Berzinskas và Michael Storrings đặc biệt tài năng.
Người ta thường nói rằng viết văn là một nghề cô đơn, và đó là sự thật, nhưng nó cũng có thể là một bữa tiệc rạng rỡ, đầy những vị khách thú vị, nổi bật, nói thứ tiếng lóng chỉ ít người hiểu. Tôi có một số ít người rất đặc biệt là chỗ dựa cho tôi khi cần thiết, không ngại rót tequila khi có lý do xác đáng và giúp tôi ăn mừng thắng lợi nhỏ bé nhất. Trước hết và trên hết, xin cảm ơn Andrea Cirillo, quản lý của tôi trong một thời gian dài. Thật lòng mà nói, tôi không thể hoàn thành tác phẩm này nếu thiếu bạn, và quan trọng hơn là tôi không hề muốn thế. Cảm ơn Megan Chance, độc giả đầu tiên và cuối cùng của tôi, ngòi bút phán quyết sau cùng, xin cảm ơn bạn từ đáy lòng. Tôi sẽ không làm được nếu không có sự hợp tác của chúng ta. Cảm ơn Jill Marie Landis, bạn đã dạy tôi một bài học vô giá về lối viết trong năm nay, làm cho Sơn ca vẫn hót được như thế này.
Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn với tác giả Tatiana de Rosnay, sự hào phóng của bạn là món quà bất ngờ trong khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này. Bạn đã dành thời gian trong lịch trình làm việc bận rộn để giúp tôi làm cho tác phẩm Sơn ca vẫn hót chính xác hết mức có thể. Tôi biết ơn bạn, mãi mãi và sâu sắc. Lẽ tất nhiên, mọi nhầm lẫn (và sự tự do sáng tạo) đều là trách nhiệm của riêng tôi.
Cuối cùng, song chắc chắn không phải là ít nhất, xin cảm ơn gia đình tôi: Benjamin, Tucker, Kaylee, Sara, Laurence, Debbie, Kent, Julie, Mackenzie, Laura, Lucas, Logan, Frank, Toni, Jacqui, Dana, Doug, Katie và Leslie. Tất cả đều là những người kể chuyện. Tôi yêu tất cả mọi người.