Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 15

29

Tuần lễ tiếp theo là một trong những niềm hạnh phúc gần như không thể chịu nổi của Isabelle. Những cuộc trò chuyện dài bên ánh nến, tay cầm tay, da sát da, những đêm thao thức, khát khao đến đau đớn, làm tình rồi lại thiếp ngủ.

Hôm nay, một ngày như bao nhiêu ngày khác, Isabelle thức giấc vẫn còn mệt và hơi đau. Vết thương trên vai nàng bắt đầu lành, đủ để ngứa và nhức nhối. Nàng cảm thấy Gaëton ở cạnh mình, cơ thể anh ấm áp và rắn chắc. Nàng biết anh đã thức, có lẽ vì hơi thở của anh, hoặc cách bàn chân anh lơ đãng cọ vào chân nàng, hoặc vì sự im lặng. Nàng biết chính xác. Trong những ngày qua, nàng trở thành học trò của anh. Nàng nhận thấy những việc anh đã làm không có gì là quá nhỏ mọn hoặc tầm thường. Nàng liên tục nhắc mình nhớ lấy việc này đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Trong đời, nàng đã đọc vô số cuốn tiểu thuyết lãng mạn và mơ ước một tình yêu vĩnh cửu, mặc dù vậy, nàng chưa bao giờ biết rằng một tấm đệm đôi cũ kỹ, giản dị có thể thành cả một thế giới, một ốc đảo. Nàng nghiêng người và với tay qua Gaëton để bật đèn. Trong ánh đèn lờ mờ, nàng nằm sát bên anh, một cánh tay vắt qua ngực anh. Một cái sẹo bé xíu màu bạc cắt qua đường chân tóc lộn xộn của anh. Nàng vươn tay chạm vào nó, đầu ngón tay lần theo nó.

- Anh trai anh ném một hòn đá vào anh. Anh quá chậm, không kịp chúi đầu xuống, - Gaëton kể. - Georges, - anh nói trìu mến, giọng nam cao của anh nhắc Isabelle rằng anh trai Gaëton đang là tù binh.

Gaëton có cả cuộc đời mà nàng hầu như không biết gì. Một người mẹ là thợ may, cha là người nuôi lợn... anh sống trong rừng ở đâu đó, trong một ngôi nhà không có nước máy và chỉ có một căn phòng độc nhất cho tất cả mọi người. Anh trả lời các câu hỏi của nàng về mọi thứ đó, nhưng hầu như không tự nguyện nói gì. Anh bảo anh thích nghe chuyện của nàng, về những cuộc phiêu lưu khiến nàng bị đuổi khỏi nhiều trường như thế nào. Nó hay hơn những câu chuyện của người nghèo khổ chỉ cố xoay xở để sống, anh nói.

Nhưng qua lời lẽ của họ, những câu chuyện trao qua đổi lại, nàng cảm thấy thời gian của họ đang cạn dần. Họ không thể ở đây lâu. Họ đã lưu lại quá lâu. Nàng đã đủ khỏe để di chuyển. Có lẽ không vượt qua được dãy Pyrénées, nhưng chắc chắn nàng không cần nằm trên giường nữa.

Nàng rời bỏ anh sao nổi? Có thể họ sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa.

Đó là điểm mấu chốt khiến nàng sợ hãi.

- Anh đã nhận được tín hiệu của nó, em biết không, - Gaëton nói.

Nàng không hiểu ý anh, nhưng nghe thấy sự trống rỗng trong giọng anh và biết đây không phải điềm lành. Nỗi buồn đã đến cùng với việc ở trên giường anh - tương xứng với niềm vui - đang mở rộng.

- Tín hiệu gì? - Nàng hỏi, nhưng nàng không muốn nghe.

- Mỗi lần chúng ta hôn nhau, là một lời từ biệt.

Nàng nhắm mắt lại.

- Ở ngoài kia đang là cuộc chiến, Iz. Anh cần trở lại đấy.

Nàng biết và tán thành, tuy ngực nàng thắt lại.

- Em biết, - nàng chỉ nói được thế, sợ rằng càng tìm hiểu sâu hơn càng làm nàng đau đớn, không thể chịu đựng nổi.

- Có một nhóm đang tập hợp ở Urrugne, - nàng nói. - Em sẽ tới đó khi đêm buông vào thứ Tư, nếu chúng ta may mắn.

- Chúng ta không may mắn, - anh nói. - Lúc này, em phải biết điều đó.

- Anh nhầm rồi, Gaëton. Hiện giờ anh đã gặp em, anh sẽ không bao giờ có thể quên em. Đó mới là việc có ý nghĩa. - Nàng ngả người đợi một nụ hôn.

Anh nói gì đó, dịu dàng, khe khẽ, áp vào môi nàng, có lẽ là “như thế không đủ”. Nàng không quan tâm. Nàng không muốn nghe.

+++++

Tháng Mười một, dân chúng ở Carriveau bắt đầu bận rộn tìm cách sống sót qua một mùa đông nữa. Giờ đây họ hiểu rằng họ đã không hiểu mùa đông: cuộc sống vẫn còn có thể tệ hơn. Chiến tranh đang gây hậu quả khôn lường trên toàn thế giới: ở châu Phi, Liên Xô, Nhật Bản, trên một hòn đảo ở đâu đó tên là Guadalcanal. Với lính Đức đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, thực phẩm, khí đốt, điện và mọi thứ nhu yếu phẩm ngày càng trở nên khan hiếm.

Sáng ngày thứ Sáu này đặc biệt rét và ảm đạm. Không phải là một ngày tốt để liều ra ngoài, nhưng Vianne quyết định hôm nay phải là ngày đó. Mất một lúc chị mới đủ can đảm ra khỏi nhà cùng Daniel. Nhưng chị biết đây là việc phải làm. Chị đã cắt tóc thằng bé ngắn gần như trọc, chị mặc cho nó quần áo rộng thùng thình để trông nó bé hơn. Mọi thứ để cải trang cho nó.

Chị ép mình giữ tư thế đàng hoàng lúc đi xuyên qua thành phố, mỗi bên là một đứa con - Sophie và Daniel.

Daniel.

Ở hiệu bánh, chị xếp cuối hàng. Chị nín thở, đợi xem có ai hỏi về thằng bé cạnh mình, nhưng những người phụ nữ xếp hàng đều quá mệt mỏi, đói khát và sợ sệt đến mức không ngước lên được nữa. Cuối cùng, đến lượt Vianne đến trước quầy, Yvette ngước nhìn. Hai năm trước chị là một phụ nữ xinh đẹp, có mái tóc màu đồng óng ả, mềm mượt và cặp mắt đen láy. Giờ đây, ba năm chiến tranh khiến chị già hẳn đi và trông rõ mệt mỏi.

- Vianne Mauriac. Lâu nay tôi không thấy chị và con gái. Chào Sophie, cháu lớn nom cao thế. - Chị ta ngó qua quầy. - Còn cậu bé xinh trai này là ai vậy?

- Daniel, - thằng bé hãnh diện đáp.

Vianne đặt bàn tay run run lên mái đầu lởm chởm của nó.

- Tôi nhận nuôi cháu từ cô em họ của Antoine ở Nice. Cô ấy... mất rồi.

Yvette gạt món tóc quăn khỏi mắt, kéo một dải tóc trong miệng lúc chị nhìn thằng bé chằm chặp. Chị có ba đứa con trai, một đứa không lớn hơn Daniel mấy.

Tim Vianne đập thình thịch trong lồng ngực.

Yvette lùi khỏi quầy. Chị ta đến một cánh cửa nhỏ ngăn cách cửa hàng với lò bánh mì.

- Ông Trung úy, - Yvette nói. - Ông có thể ra đây không?

Vianne nắm chặt quai làn đan bằng cành liễu, như thể nó là các phím dương cầm.

Một tên Đức béo tốt thong thả từ phòng đằng sau bước ra, hai tay ôm đầy bánh mì que mới nướng. Hắn ta nhìn Vianne và dừng lại.

- Chào bà, - hắn nói, đôi má như quả táo phùng lên vì miệng đầy ắp.

Vianne chỉ gật đầu.

Yvette nói với tên lính:

- Hôm nay không có bánh mì nữa đâu, ông Trung úy. Nếu tôi làm thêm, tôi sẽ để dành cho ông và quân của ông. Người đàn bà khốn khổ này không thể có lấy một cái bánh mì que cũ.

Cặp mắt của tên lính nheo lại, tán thưởng. Hắn tiến tới Vianne, bàn chân phẳng lì của hắn nện thình thịch xuống sàn đá. Không nói lời nào, hắn thả chiếc bánh mì que ăn dở vào làn của chị. Rồi hắn gật đầu và ra khỏi cửa hàng, một cái chuông nhỏ kêu leng keng lúc hắn đi ra.

Khi chỉ còn lại họ, Yvette đến gần Vianne, gần đến nỗi chị phải cưỡng ý muốn lùi lại.

- Tôi nghe nói bây giờ có một sĩ quan SS ở trong nhà chị. Có chuyện gì xảy ra với ông Đại úy điển trai thế?

- Ông ấy đã biến mất, - Vianne nói, bình thản. - Không ai hay biết gì.

- Không ai ư? Tại sao họ đưa chị đi thẩm vấn? Mọi người đều thấy chị vào đấy.

- Tôi chỉ là một người nội trợ. Tôi thì có thể biết gì những việc như thế?

Yvette chăm chú nhìn chị một lúc lâu hơn, lặng lẽ đánh giá Vianne. Rồi chị ta lùi lại:

- Chị là một người bạn tốt, Vianne Mauriac, - chị ta khẽ nói.

Vianne gật đầu ngắn gọn và lùa các con ra cửa. Những ngày dừng lại trò chuyện với bạn bè trên phố không còn nữa. Giờ đây chỉ liếc mắt cũng đủ nguy hiểm, trò chuyện thân tình chỉ xoay quanh bơ, cà phê và thịt lợn.

Bên ngoài, Vianne dừng lại trên một bậc đá nứt nẻ, từ vết nứt mọc lên một vạt cỏ tươi tốt phủ đầy sương giá. Chị mặc áo khoác mùa đông may bằng khăn phủ giường thêu. Chị may theo mẫu trong một tạp chí: phần che ngực may hai lớp, dài đến gối, ve áo rộng và bộ khuy lấy từ chiếc áo vét bằng vải tuýt Harris ưa thích của mẹ chị. Chiếc áo đủ ấm cho hôm nay, nhưng chẳng bao lâu nữa chị sẽ cần nhiều lớp báo lót giữa áo len và áo khoác.

Vianne quàng lại khăn quanh đầu và buộc nút chặt hơn dưới cằm, lúc luồng gió lạnh giá đập vào mặt chị. Lá cây bay la đà qua lối đi bằng đá, nhào lộn qua bàn chân đi ủng của chị.

Chị nắm chặt bàn tay đi găng của Daniel và bước ra đường phố. Ngay lập tức, chị biết có chuyện không ổn. Nhiều lính Đức và hiến binh Pháp ở khắp mọi nơi - trong ô tô, trên xe máy, đi đều bước trên đường phố băng giá, tụ tập thành tốp trong các hiệu cà phê.

Dù ở đây có xảy ra chuyện gì đi nữa cũng không thể là chuyện tốt, và cách hay nhất là tránh xa bọn lính, nhất là từ khi quân Đồng minh thắng lợi ở Bắc Phi.

- Đi nào, Sophie, Daniel. Chúng ta về nhà thôi.

Chị thử rẽ sang phải ở góc phố nhưng thấy đường phố đã bị chặn. Nhìn ngược ngó xuôi, các cánh cửa trên phố đều khóa, cánh chớp đóng chặt. Các quán rượu vắng tanh. Một cảm giác đe dọa khủng khiếp lởn vởn trong không khí.

Chị thử đi xuống phố tiếp theo cũng bị chặn nốt. Hai tên lính Đức Quốc xã đứng gác ở đó, súng trường lăm lăm chĩa vào chị. Đằng sau chúng, lính Đức hành quân trên phố tới chỗ họ, đội hình bước đi theo kiểu chân ngỗng.

Vianne cầm tay các con và kéo chúng đi nhanh hơn, nhưng hết phố này đến phố khác đều bị chặn và canh gác. Rành rành là có một kế hoạch hẳn hoi. Nhiều xe tải và xe buýt chạy ầm ầm trên các đường phố lát đá cuội tới quảng trường thành phố.

Vianne tới quảng trường và dừng lại, chị thở dồn, kéo bọn trẻ gắn vào bên chị.

Địa ngục. Những chiếc xe buýt xếp thành hàng, nhả các hành khách - tất cả đều đeo ngôi sao màu vàng. Phụ nữ, trẻ em bị thúc, đẩy, lùa vào quảng trường. Lính Đức Quốc xã đứng ở vòng ngoài, một đường rìa tuần tra ghê sợ và khủng khiếp, trong khi cảnh sát Pháp kéo tuột mọi người ra khỏi xe buýt, giật nữ trang trên cổ phụ nữ, xô đẩy họ bằng cách chĩa súng.

- Lão kia! - Một hiến binh quát một ông già cách Vianne không xa. - Đứng lại!

Ông lão râu hoa râm nặng nhọc dựa vào cây gậy và quay sang viên cảnh sát đang giận dữ sải bước qua Vianne.

Hắn túm lấy quần ông già. Ông già cố giữ lại, nhưng tên cảnh sát xô ông mạnh đến nỗi ông đâm sầm vào một tủ kính bày hàng làm nó vỡ tan. Tên cảnh sát giật quần ông già xuống, để lộ dương vật cắt bao quy đầu. Nhìn thấy thế, hắn quật ông già bằng báng súng, mạnh đến nỗi ông ta bay tung.

- Mẹ! - Sophie hét lên.

Vianne vội đưa tay bịt chặt miệng con gái.

Bên trái chị, một cô gái bị đẩy xuống đất rồi bị túm tóc kéo xềnh xệch qua đám đông.

- Vianne?

Chị quay ngoắt lại, thấy Hélène Ruelle xách cái va li nhỏ bằng da và nắm tay một cậu bé. Đứa con trai lớn hơn đứng sát bên chị ta. Một ngôi sao màu vàng rách tả tơi xác định nhân thân của họ.

- Nhận các con trai tôi nhé, - Hélène tuyệt vọng nói với Vianne.

- Ở đây ư? - Vianne nói và liếc quanh.

- Không, mẹ ơi, - đứa lớn nói. - Bố đã dặn con trông nom mẹ. Con không bỏ mẹ đâu. Nếu mẹ bỏ tay con ra, con sẽ đi theo mẹ. Chúng ta ở cùng nhau thì tốt hơn.

Đằng sau họ, có tiếng còi rít lanh lảnh.

Hélène xô đứa bé hơn vào Vianne, đẩy nó mạnh đến nỗi đập vào Daniel.

- Tên nó là Jean Georges, giống tên bác nó. Tháng Sáu này nó lên bốn. Chồng tôi là người Bourgogne* .

Khu vực ở giữa miền Đông nước Pháp, trước kia là một công quốc. Đây là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng.

- Tôi không có giấy tờ cho nó... chúng sẽ giết tôi nếu tôi nhận thằng bé.

- Mụ kia! - Một tên Đức Quốc xã quát Hélène. Hắn đến sau lưng chị ta, túm tóc và gần như giật mạnh. Chị đổ sập vào đứa con trai lớn, nó cố giữ cho mẹ thẳng người lên.

Sau đó Hélène và con trai chị mất hút, lẫn vào đám đông. Thằng bé ở bên Vianne, rền rĩ: “Mẹ ơi!” và khóc thút thít.

- Chúng ta phải đi thôi, - Vianne bảo Sophie. - Ngay bây giờ. - Chị nắm tay Jean Georges, chặt đến mức thằng bé càng khóc dữ hơn. Mỗi lần nó gọi: “Mẹ ơi!” là chị lại nao núng và năn nỉ nó im lặng. Họ vội vã đi lên một con phố rồi xuống phố khác, tránh các rào chắn và bọn lính đang phá cửa và lùa dân Do Thái vào quảng trường. Họ dừng lại hai lần và được phép đi qua vì không có ngôi sao vàng đính trên quần áo. Chị phải đi chậm lại trên con đường lầy bùn, nhưng chị không dừng kể cả khi hai đứa con trai bắt đầu khóc.

Cuối cùng đến Le Jardin, Vianne mới dừng lại.

Chiếc Citroën màu đen của Von Richter đỗ ở đằng trước.

- Ôi không, - Sophie nói.

Vianne nhìn xuống đứa con gái đang hoảng sợ của chị và thấy nỗi sợ của chính mình trong cặp mắt của người chị thương yêu, ngay lập tức chị biết mình phải làm gì.

- Chúng ta phải cố cứu thằng bé, nếu không chúng ta sẽ là người xấu, - chị nói. Đúng là thế. Chị không muốn đưa con gái vào chuyện này, nhưng chị có lựa chọn nào khác nữa đâu? - Mẹ phải cứu đứa trẻ này.

- Bằng cách nào?

- Mẹ vẫn chưa biết, - Vianne thú nhận.

- Nhưng Von Richter...

Dường như bị nhắc đến tên mình, tên Đức Quốc xã xuất hiện ở cửa trước, trông rõ nhặng xị trong bộ quân phục.

- À, bà Mauriac, - hắn nói, nheo mắt lại lúc đến gần chị. - Ra là bà.

Vianne cố giữ bình tĩnh.

- Chúng tôi vào thành phố để mua sắm.

- Không phải là một ngày tốt để làm việc đó. Bọn Do Thái đang bị thu gom để trục xuất. - Hắn đến chỗ chị, ủng nện xuống lớp cỏ ướt. Đằng sau hắn, cây táo rụng hết lá, những mẩu vải dập dờn trên các cành cây trơ trụi. Đỏ. Hồng. Vàng. Trắng. Và một mẩu mới màu đen cho Beck.

- Thằng bé xinh xắn này là ai vậy? - Von Richter hỏi, ngón tay đi găng đen của hắn chạm vào má đứa trẻ đầy vệt nước mắt.

- Con trai của b-bạn tôi. Mẹ nó vừa chết trong tuần vì bệnh lao. Von Richter lảo đảo lùi lại, như thể chị vừa nói là bệnh dịch hạch.

- Tôi không muốn đứa trẻ này ở trong nhà. Hiểu không? Bà phải đưa nó vào trại mồ côi ngay lập tức.

Trại mồ côi. Mẹ Marie-Therese.

Chị gật đầu.

- Tất nhiên rồi, ngài Thiếu tá.

Hắn phẩy tay như muốn nói Đi đi, ngay bây giờ. Hắn dợm bước đi. Rồi dừng lại và xoay người đối diện với Vianne:

- Tôi muốn tối nay bà ở nhà nấu bữa tối.

- Tôi luôn ở nhà, thưa Thiếu tá.

- Ngày mai chúng tôi ra đi, và tôi muốn bà cho tôi và người của tôi ăn một bữa ngon lành trước khi chúng tôi đi.

- Ra đi ư? - Chị hỏi, lóe lên một tia hy vọng.

- Ngày mai chúng tôi chiếm nốt phần còn lại của nước Pháp. Sẽ không còn Vùng Tự do nữa. Đây là vấn đề thời gian thôi. Để người pháp tự trị là một trò đùa. Chào bà nhé.

Vianne vẫn đứng im, nắm bàn tay đứa trẻ. Chị nghe thấy tiếng cánh cổng mở cót két rồi sập lại, át tiếng khóc của Jean Georges. Sau đó là tiếng ô tô nổ máy.

Lúc hắn đi rồi, Sophie hỏi:

- Mẹ Marie-Therese sẽ giấu nó chứ?

- Mẹ hy vọng thế. Đưa Daniel vào trong nhà và khóa cửa lại. Đừng mở cho ai ngoài mẹ. Mẹ sẽ về ngay khi có thể.

Sophie bỗng nhiên già hẳn so với tuổi, khôn ngoan hơn tuổi.

- Chúc mẹ may mắn.

- Chúng ta sẽ xem, - câu nói là mọi hy vọng Vianne để lại.

Lúc bọn trẻ đã an toàn trong nhà, cửa đã khóa, chị nói với cậu bé cạnh chị:

- Jean Georges, chúng ta đi dạo nào.

- Đến với mẹ cháu chứ?

Chị không thể nhìn thằng bé.

- Đi nào.

+++++

Lúc Vianne và thằng bé vào thành phố, mưa bắt đầu rơi không ngừng.

Jean Georges hết khóc lại kêu ca, nhưng Vianne quá căng thẳng nên không nghe thấy gì.

Sao chị có thể đề nghị Mẹ Nhất liều nhận việc này?

Sao chị không thể?

Họ đi qua nhà thờ tới tu viện khuất đằng sau nó. Hội các xơ ở dòng tu St. Joseph bắt đầu năm 1650 với sáu phụ nữ cùng khuynh hướng, chỉ muốn phục vụ người nghèo trong cộng đồng. Họ đã phát triển tới hàng ngàn thành viên khắp nước Pháp cho đến khi các cộng đồng tôn giáo bị nhà nước cấm đoán trong cách mạng Pháp. Một vài người trong sáu bà xơ ban đầu đã trở thành kẻ tử vì đạo, bị chém đầu vì đức tin của mình.

Vianne đến cửa trước của tu viện và nhấc cái vòng sắt nặng, để nó rơi đập vào cánh cửa gỗ sồi, phát ra tiếng loảng xoảng.

- Tại sao chúng ta đến đây? - Jean Georges rên rỉ. - Mẹ cháu có ở đây không?

- Xuỵt.

Một bà xơ trả lời, gương mặt đầy đặn, dịu dàng khuôn trong tấm khăn trùm màu trắng và mũ trùm đen của tấm áo tu nữ.

- À, Vianne, - xơ nói và mỉm cười.

- Xơ Agatha, con có thể nói chuyện với Mẹ Nhất được không ạ?

Xơ lùi lại, tấm áo tu nữ sột soạt trên sàn đá.

- Để ta xem. Hai con ngồi trong khuôn viên nhé?

Vianne gật đầu:

- Cảm ơn xơ. - Chị và Jean Georges đi xuyên tu viện lạnh lẽo. Đến cuối một hành lang có khung vòm, họ rẽ trái rồi ra vườn. Khu vườn có kích thước vừa phải, vuông vắn, với lớp cỏ màu nâu phủ băng giá và một đài phun nước hình đầu sư tử, vài cái ghế dài bằng đá đặt rải rác. Vianne ngồi xuống một trong những cái ghế dài lạnh ngắt tránh mưa và kéo thằng bé đến bên mình.

Chị không phải đợi lâu.

- Vianne, - Mẹ Nhất nói và tiến tới, tấm áo tu hành của Mẹ kéo lê trên cỏ, các ngón tay khép lại quanh cây thánh giá lớn lủng lẳng trên một sợi dây quanh cổ. - Ta mừng được gặp con. Đã quá lâu rồi. Cậu bé này là ai vậy?

Cậu bé ngước lên:

- Mẹ cháu ở đây ạ?

Vianne bắt gặp một vẻ riêng trong cái nhìn chăm chú của Mẹ Nhất

- Tên cháu bé là Jean Georges Ruelle, thưa Mẹ. Con sẽ nói riêng với mẹ nếu có thể.

Mẹ Nhất vỗ tay và một tu nữ trẻ xuất hiện, đưa cậu bé đi. Khi chỉ còn lại họ, Mẹ Nhất ngồi xuống cạnh Vianne.

Vianne không thể nắm được ý nghĩ của mẹ, vì thế cả hai cùng im lặng.

- Ta rất tiếc cho Rachel, bạn con.

- Và nhiều người khác nữa, - Vianne nói.

- Chúng ta đã nghe nhiều tin đồn khủng khiếp từ đài London về những chuyện diễn ra trong các trại.

- Có lẽ Đức Giáo hoàng của chúng ta...

- Người im lặng trong vấn đề này, - Mẹ Nhất nói, giọng nặng nề vì thất vọng.

Vianne hít một hơi sâu.

- Hôm nay Hélène Ruelle và con trai lớn của chị ấy đã bị trục xuất. Jean Georges còn lại một mình. Mẹ nó... để nó lại với con.

- Để nó lại với con ư? - Mẹ Nhất ngập ngừng. - Có một đứa trẻ Do Thái trong nhà là việc rất nguy hiểm, Vianne.

- Con muốn bảo vệ nó, - chị nói khẽ.

Mẹ Nhất nhìn chị. Mẹ im lặng lâu đến mức nỗi sợ của Vianne mỗi lúc một lớn thêm.

- Con định làm điều đó như thế nào? - Cuối cùng, Mẹ hỏi.

- Che giấu nó.

- Ở đâu?

Vianne nhìn Mẹ, không nói gì.

Mặt Mẹ Nhất trắng bệch:

- Ở đây ư?

- Một trại mồ côi. Còn nơi nào tốt hơn ạ?

Mẹ Nhất đứng dậy rồi lại ngồi xuống. Rồi Mẹ lại đứng lên, bàn tay Mẹ lần tới cây thánh giá, nắm lấy nó. Chậm rãi, Mẹ lại ngồi xuống. Vai mẹ chùng xuống rồi sau đó thẳng lên khi Mẹ đã quyết định.

- Một đứa trẻ được chúng ta chăm sóc cần có giấy tờ. Giấy chứng nhận rửa tội, ta có thể... kiếm được những thứ đó, tất nhiên, nhưng giấy tờ tùy thân...

- Con sẽ kiếm chúng, - Vianne nói dù chị chưa biết là có thể hay không.

- Con biết bây giờ che giấu người Do Thái là bất hợp pháp. Hình phạt là bị lưu đầy nếu may mắn, và thời gian gần đây, ta tin rằng ở nước Pháp không có ai may mắn hết.

Vianne gật đầu.

Sau đó Mẹ Nhất nói:

- Ta sẽ nhận đứa trẻ này. Và ta... có thể có chỗ cho một đứa trẻ Do Thái nữa.

- Nữa?

- Lẽ tất nhiên là còn những đứa trẻ nữa, Vianne. Ta sẽ nói chuyện với một người quen biết ở Girot. Ông ta làm việc ở OSE* - Quỹ Giúp đỡ Trẻ em. Ta tin rằng ông ta biết nhiều gia đình và trẻ em đang trốn tránh. Ta sẽ nói với ông ta chờ gặp con.

Viết tắt của Œuvre de Secours aux Enfants.

- Co- on ư?

- Bây giờ con là người chỉ huy việc này, và nếu chúng ta liều mạng vì một đứa trẻ, chúng ta có thể cố cứu thêm. - Mẹ đột ngột đứng dậy. Mẹ khoác tay Vianne, và hai người phụ nữ dạo bước tới vòng ngoài của khu vườn nhỏ. - Ở đây không người nào biết đượcsự thật. Bọn trẻ phải được huấn luyện và có giấy tờ để qua được kiểm tra. Con cần phải có một vị trí ở đây - có lẽ là một giáo viên, phải rồi, một giáo viên bán thời gian. Việc đó cho phép chúng ta trả con một khoản lương nho nhỏ và giải đáp câu hỏi vì sao con ở đây với bọn trẻ.

- Vâng, - Vianne nói, cảm thấy nao núng.

- Đừng sợ hãi thế, Vianne. Con đang làm một việc đúng đắn kia mà.

Vianne biết đây là sự thật, song chị vẫn hoảng sợ.

- Đây là việc bọn chúng đã làm với chúng ta. Chúng ta sợ bóng của chính mình. - Chị nhìn Mẹ Nhất. - Con sẽ làm việc này như thế nào? Đi gặp những người phụ nữ sợ hãi, đói khát và đề nghị họ đưa những đứa con của họ cho con ư?

- Con sẽ hỏi họ đã nhìn thấy bạn bè bị lùa lên tàu và đưa đi xa chưa. Con sẽ hỏi liệu họ có dám liều giữ cho con cái thoát khỏi đoàn tàu ấy không. Sau đó, hãy để từng người mẹ quyết định.

- Đây là một lựa chọn kỳ quái. Con không chắc con có thể giao Sophie và Daniel cho một người xa lạ.

Mẹ Nhất nghiêng người gần hơn về phía Vianne.

- Ta nghe nói một trong những tên SS hung hăng, tàn bạo đang trú đóng ở nhà con. Con có biết việc này đã dồn con và Sophie vào một mối nguy khủng khiếp không?

- Tất nhiên là có ạ. Nhưng làm sao con có thể để nó tin khoanh tay đứng nhìn là hành động đúng đắn trong thời buổi như thế này?

Mẹ Nhất dừng lại. Buông Vianne ra, Mẹ đặt một bàn tay mềm mại lên má chị và mỉm cười âu yếm.

- Con hãy cẩn thận, Vianne ạ. Ta đã dự tang lễ của mẹ con. Ta không muốn phải dự tang lễ của con.

30

Một ngày giữa tháng Mười một lạnh giá, Isabelle và Gaëton rời Brantôme và lên tàu đi Bayonne. Toa tàu đầy lính Đức phô trương - hơn thường lệ - và khi xuống tàu, họ thấy còn nhiều lính Đức nữa tụ tập trên sân ga.

Isabelle nắm tay Gaëton lúc hai người đi qua những tên lính vận quân phục xanh-xám. Cặp tình nhân trẻ trung lên đường tới thành phố bên bờ biển.

- Mẹ em rất thích ra biển. Em đã kể với anh chưa nhỉ? - Isabelle hỏi lúc họ đi qua hai sĩ quan SS.

- Những đứa trẻ nhà giàu như em được thấy đủ thứ đẹp đẽ. Nàng mỉm cười.

- Gia đình em không giàu, Gaëton ạ, - nàng nói lúc họ đã ở bên ngoài ga.

- Nhưng cũng không nghèo - anh nói. - Anh đã biết cảnh nghèo túng. - Anh ngừng, để câu nói lắng đọng giữa họ, rồi tiếp tục. - Một ngày nào đó có thể anh sẽ giàu. Một ngày nào đó, - Gaëton thở dài, và nàng biết anh đang nghĩ gì. Liệu nước Pháp sẽ có trong tương lai của chúng ta không? Gaëton chậm bước.

Isabelle hiểu cái gì đã thu hút sự chú ý của anh.

- Cứ đi, - anh nói.

Một rào chắn đặt ngay trước mặt họ. Binh lính ở khắp mọi nơi, xách súng trường.

- Có chuyện gì thế? - Isabelle hỏi.

- Chúng đã trông thấy chúng ta, - Gaëton đáp. Anh nắm chặt tay nàng. Họ ung dung đi tới tốp lính Đức.

Một lính gác vạm vỡ, đầu vuông chặn họ lại, hỏi giấy tờ.

Isabelle đưa giấy tờ mang tên Juliette. Gaëton trình giấy tờ giả của mình, nhưng tên lính mải chú ý đến tình hình ở đằng sau anh nên chỉ liếc qua giấy tờ và đưa trả lại.

Isabelle tặng hắn nụ cười ngây thơ nhất.

- Hôm nay có chuyện gì thế?

- Không còn Vùng Tự do nữa, - tên lính nói và xua họ đi.

- Không còn Vùng Tự do? Nhưng...

- Chúng tôi đã tiếp quản toàn bộ nước Pháp, - hắn nói sống sượng. - Không còn phải giả vờ là chính phủ Vichy nực cười của các người chịu trách nhiệm ở khắp nơi nữa. Đi.

Gaëton kéo nàng đi, qua những toán lính dồn đống.

Trong nhiều giờ lúc họ đi, họ bị nhiều xe tải và mô tô Đức bóp còi, vội vã phóng qua.

Mãi đến khi tới thành phố Saint-Jean-de-Luz xinh đẹp bên bờ biển, họ mới có thể thoát khỏi bọn lính Đức Quốc xã đang tập hợp. Họ đi dọc theo đập ngăn nước biển vắng tanh, xây cao hơn hẳn những đợt sóng Đại Tây Dương đập ầm ầm. Bên dưới, một dải cát vàng uốn lượn ngăn cách với đại dương giận dữ, hùng vĩ. Xa xa, một bán đảo xanh tươi màu mỡ rải rác những ngôi nhà xây dựng đúng truyền thống Basque, sườn nhà trắng toát, cửa màu đỏ, mái lợp ngói. Bầu trời một màu xanh lơ nhạt, trong trẻo, với nhiều dải mây căng như dây phơi. Hôm nay không có ai ở đây, cả trên bãi biển lẫn dọc theo đập chắn sóng cổ.

Lần đầu tiên trong nhiều giờ liền, Isabelle hít thở thoải mái.

- Không còn Vùng Tự do là nghĩa lý gì nhỉ?

- Chắc chắn là không tốt rồi. Nó sẽ khiến cho công việc của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều.

- Em đã đi xuyên qua Vùng Chiếm đóng.

Nàng nắm chặt tay anh và kéo anh khỏi cái đập. Họ xuống các bậc mấp mô và ra đường.

- Hồi em còn bé, gia đình em thường nghỉ hè ở đấy, - nàng kể. - Trước khi mẹ em mất. Ít nhất đó là điều em nghe được. Em vừa nhớ ra.

Nàng muốn gợi chuyện, nhưng lời lẽ của nàng rơi vào sự im lặng mới mẻ giữa hai người và không được đáp lại. Trong sự lặng lẽ, Isabelle cảm thấy sức nặng ngột ngạt của việc mất anh, dẫu anh đang nắm chặt tay nàng. Tại sao nàng không hỏi anh nhiều hơn trong những ngày họ ở bên nhau, để biết mọi điều về anh? Bây giờ chẳng còn thời gian và cả hai đều biết thế. Họ đi trong sự im lặng nặng nề.

Trong màn sương mù lúc chập tối, Gaëton lần đầu bắt gặp dãy Pyrénées thoáng hiện. Những quả núi lởm chởm, phủ tuyết, vươn lên trên bầu trời xám màu chì, đỉnh núi đầy tuyết có mây bao quanh.

- Khiếp thật. Em vượt những quả núi kia bao nhiêu lần rồi?

- Hai mươi bảy.

- Em thật phi thường, - anh nói.

- Em là thế mà, - nàng nói và cười.

Họ đi lên những đường phố tối tăm, vắng vẻ của Urrugne, trèo lên từng bậc, qua các cửa hàng đóng kín và những quán rượu đầy các ông già. Bên kia thành phố là một con đường đất dẫn đến chân núi. Ít ra họ cũng đến được ngôi nhà đơn sơ nép dưới chân núi tối tăm, ống khói đang tỏa.

- Em không sao chứ? - Gaëton hỏi, anh nhận thấy nàng chậm bước.

- Em sẽ thiếu vắng anh, - nàng nói khẽ. - Anh có thể ở lại bao lâu?

- Đến sáng anh phải đi.

Nàng muốn buông tay anh, nhưng thật khó. Nàng có một nỗi sợ phi lý, ghê gớm là nếu buông anh ra, nàng sẽ không bao giờ chạm đến anh lần nữa và ý nghĩ đó làm nàng tê liệt. Song nàng có việc để làm. Nàng thả tay anh và gõ cửa, ba lần đanh gọn, nhanh và liên tiếp.

Bà chủ mở cửa. Vận quần áo đàn ông, đang hút một điếu Gauloise, bà nói:

- Juliette! Vào đi, vào đi. - Bà lùi lại, đón Isabelle và Gaëton vào phòng chính, có bốn người đàn ông đứng quanh bàn ăn. Ngọn lửa cháy trong lò sưởi, bên trên ngọn lửa là một cái xoong gang đen sì, sôi lục bục, kêu xì xì và nổ lốp bốp. Isabelle ngửi thấy mùi thịt hầm - thịt dê, rượu vang, thịt lợn xông khói thơm ngon, bổ béo, nấm và cây xô thơm. Mùi thơm ngon tuyệt nhắc nàng rằng cả ngày nay nàng chưa ăn gì.

Bà chủ tập hợp cánh đàn ông lại và giới thiệu - có ba phi công RAF và một phi công Mỹ. Ba người Anh đã ở đây nhiều ngày đợi người Mỹ vừa đến hôm qua. Eduardo sẽ dẫn họ vượt núi vào sáng mai.

- Thật vui được gặp cô, - một trong các phi công nói và bắt tay Isabelle như nàng là một cái máy bơm nước. - Cô xinh đẹp đúng như tôi được nghe kể.

Những người đàn ông bắt đầu trò chuyện ngay lập tức. Gaëton thoải mái với họ, như thể anh thuộc về họ vậy. Isabelle đứng cạnh bà Babineau và đưa bà cái phong bì tiền lẽ ra phải đưa từ gần hai tuần trước.

- Cháu xin lỗi vì sự chậm trễ này.

- Cháu có một lý do chính đáng. Cháu cảm thấy ra sao rồi?

Isabelle cử động đôi vai, thử xem.

- Khá hơn rồi. Một tuần nữa, cháu sẽ sẵn sàng vượt núi lần nữa.

Bà đưa cho Isabelle điếu Gauloise. Nàng rít một hơi dài và thở ra, quan sát những người đàn ông lúc này thuộc phận sự của nàng.

- Họ thế nào?

- Thấy người cao, gầy, mũi như hoàng đế La Mã kia không?

Isabelle không thể nín cười.

- Cháu thấy rồi.

- Anh ta tuyên bố mình là một huân tước, công tước gì đó. Sarah ở Pau nói anh ta rắc rối lắm. Không chịu theo lệnh của một cô gái.

Isabelle ghi nhớ điều này. Tất nhiên các phi công không muốn tuân lệnh phụ nữ không phải chuyện hiếm, - dù là thiếu nữ, phu nhân hay gái điếm - và đó luôn là một thử thách.

Bà đưa cho Isabelle một bức thư nhàu nát, dính đất.

- Một người trong bọn nhờ ta chuyển cho cháu cái này.

Nàng vội mở thư, liếc qua nội dung. Nàng nhận ra nét chữ nguệch ngoạc của Henri:

J - bạn cô sống sót sau kỳ nghỉ bên Đức của chị ấy, nhưng chị ấy đang có nhiều khách. Đừng tạt vào. Tôi sẽ trông chừng chị ấy.

Vianne ổn - chị đã được thả sau khi thẩm vấn - nhưng một tên lính khác, hoặc nhiều tên, đang trú đóng ở đó. Nàng vò nhàu tờ giấy và ném vào lửa. Nàng không biết nên thấy nhẹ người hay lo lắng hơn. Theo bản năng, cái nhìn chăm chú của nàng tìm Gaëton, anh đang quan sát nàng trong khi nói chuyện với một phi công.

- Ta đã thấy cách cháu nhìn cậu ấy.

- Ngài huân tước mũi to ấy ư?

Bà Babineau cười phá.

- Ta già nhưng không mù đâu. Anh chàng đẹp trai có cái nhìn ham muốn kia kìa. Cậu ta cũng nhìn cháu hoài.

- Sáng mai anh ấy sẽ ra đi.

- À.

Isabelle quay sang người phụ nữ đã trở thành bạn nàng trong hai năm qua.

- Cháu sợ để anh ấy lao vào vòng hiểm nguy như cháu đang làm.

Ánh mắt của bà già vừa hiểu biết vừa thương cảm.

- Ta sẽ bảo cháu hãy cẩn thận nếu là thời bình. Ta sẽ chỉ ra rằng cậu ta còn trẻ và tham gia một công việc nguy hiểm, mà những thanh niên lâm vào cảnh nguy hiểm thường hay thay đổi. - Bà thở dài. - Nhưng những ngày này chúng ta cảnh giác quá nhiều, sao lại thêm tình yêu vào danh sách kia chứ?

- Tình yêu, - Isabelle nói khẽ.

- Tuy vậy, ta cũng sẽ bổ sung nó, vì ta là một người mẹ và chúng ta không thể giúp chính mình: trong thời chiến một trái tim tan vỡ cũng đau đớn y hệt như trong thời bình. Hãy tạm biệt anh chàng của cháu chu đáo nhé.

+++++

Isabelle đợi cho ngôi nhà im ắng - hoặc im như phòng có những người đàn ông ngủ trên sàn, ngáy và trở mình. Cố thận trọng, nàng chui ra khỏi chăn và đi qua căn phòng chính rồi ra ngoài.

Những ngôi sao lấp lánh trên đầu, bầu trời mênh mông trong quang cảnh tối tăm này. Trăng chiếu sáng những con dê, biến chúng thành những chấm màu trắng bạc trên sườn núi.

Nàng đứng bên hàng rào gỗ, đăm đăm nhìn ra ngoài. Nàng không phải đợi lâu.

Gaëon đến sau nàng, vòng cánh tay quanh nàng. Nàng dựa lưng vào anh.

- Em cảm thấy an toàn trong vòng tay anh, - nàng nói.

Lúc anh không đáp, nàng biết có chuyện không ổn. Trái tim nàng lặng đi. Nàng từ từ quay lại, ngước nhìn anh:

- Chuyện gì vậy?

- Isabelle. - Cách anh nói khiến nàng hoảng sợ. Nàng nghĩ, Không, đừng nói với em, dù là bất cứ chuyện gì, xin đừng nói với em. Trong im lặng, tiếng ồn trở nên dễ nhận thấy - tiếng dê kêu be be, tiếng đập của trái tim, tiếng một tảng đá lăn xuống sườn núi xa xa.

- Cuộc họp đó. Cuộc họp chúng ta đến ở Carriveau, khi em tìm thấy viên phi công ấy?

- Sao? - Nàng hỏi. Trong mấy ngày qua nàng đã quan sát anh cẩn thận, theo dõi từng sắc thái tình cảm trên gương mặt anh, và nàng biết anh sắp nói chuyện gì đó, nhưng sẽ không phải là việc tốt.

- Anh đã bỏ nhóm của Paul. Anh đấu tranh... theo cách khác.

- Khác như thế nào?

- Bằng súng, - anh khẽ nói. - Và bom. Bất cứ thứ gì bọn anh tìm thấy. Anh đã gia nhập một đội du kích sống trong rừng. Công việc của anh là chế tạo chất nổ. - Anh mỉm cười. - Và ăn cắp các bộ phận của bom.

- Quá khứ của anh sẽ giúp cho công việc của anh ở đấy. - Câu trêu chọc của nàng tẻ ngắt.

Nụ cười của anh tắt dần.

- Anh không thể chuyển giấy tờ nữa, Iz. Anh cần làm nhiều hơn. Và... anh nghĩ sẽ không được gặp em một thời gian.

Nàng gật đầu tán thành nhưng nàng vẫn nghĩ: Sao lại thế? Mình sẽ ra đi và rời xa anh ấy bây giờ ư? Nàng đã hiểu điều anh sợ ngay từ ban đầu.

Cái nhìn anh tặng nàng thắm thiết như một nụ hôn. Trong đó, nàng nhìn thấy phản chiếu nỗi sợ của mình. Họ sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa.

- Làm tình với em đi, Gaëton, - nàng nói.

Giống như đây là lần cuối cùng.

+++++

Vianne đứng bên ngoài khách sạn Bellevue trong cơn mưa như trút. Các cửa sổ của khách sạn đều mờ đi, qua màn mưa chị có thể thấy một đám đông những người mặc quân phục màu xanh xám.

Vào đi, Vianne, mi phải ở trong đó lúc này.

Chị thẳng vai lên và mở cửa. Một tiếng chuông leng keng vui vẻ trên đầu, những người trong phòng dừng việc họ đang làm và quay sang nhìn chị. Binh lính, SS, Gestapo. Chị cảm thấy mình như một con cừu sắp bị làm thịt.

Ở bên bàn, Henri ngước lên. Nhìn thấy chị, anh ta bước từ sau bàn ra và nhanh chóng đi qua đám đông tới chỗ chị.

Nắm cánh tay chị, anh rít khẽ:

- Cười đi.

Chị cố làm theo, không chắc mình đã thành công.

Anh dẫn chị đến bàn tiếp đón và buông tay chị ra. Anh nói gì đó - vừa cười vừa nói như một chuyện vui - lúc ngồi xuống bên cái điện thoại đen sì nặng nề và máy đếm tiền.

- Ông cụ nhà chị phải không? - Anh nói to. - Một phòng cho hai đêm?

Chị đờ đẫn gật đầu.

- Đây, để tôi chỉ phòng chúng tôi có cho chị, - Henri nói.

Chị theo Henri ra hành lang và vào một tiền sảnh hẹp. Họ đi qua cái bàn nhỏ xếp hoa quả tươi (chỉ người Đức mới có điều kiện tiêu pha phung phí như thế) và một phòng vệ sinh vắng vẻ. Ở cuối hành lang, anh dẫn chị lên một cầu thang hẹp, vào một phòng nhỏ đến mức chỉ có một chiếc giường đơn và một cửa sổ đã che tối.

Anh đóng cửa lại sau họ.

- Chị không nên ở đây. Tôi đã nhắn là Isabelle ổn.

- Vâng, cảm ơn. - Chị hít một hơi sâu. - Tôi cần giấy tờ tùy thân. Anh là người duy nhất tôi có thể nghĩ ra có khả năng giúp tôi.

Anh cau mày.

- Đó là một yêu cầu nguy hiểm. Cho ai vậy?

- Một đứa trẻ Do Thái đang ẩn trốn.

- Trốn ở đâu?

- Tôi không nghĩ anh muốn biết.

- Không. Không. Nơi đó có an toàn không?

Chị nhún vai, câu trả lời hiển hiện trong im lặng. Ai mà biết nơi nào an toàn hơn?

- Tôi nghe nói Thiếu tá Von Richter đang trú đóng ở nhà chị. Trước kia hắn ở đây. Hắn là một người nguy hiểm. Hận thù và tàn bạo. Nếu hắn bắt được chị...

- Chúng ta có thể làm gì hở Henri, cứ đứng ngoài mà quan sát sao?

- Chị làm tôi nhớ đến em gái chị, - anh nói.

- Tin tôi đi, tôi không phải là một phụ nữ can đảm gì.

Henri lặng im một lúc lâu. Rồi anh nói:

- Tôi sẽ kiếm cho chị giấy tờ còn để trống. Chị phải biết cách tự bịa ra. Tôi quá bận, không thể thêm việc. Hãy rèn luyện bằng cách tự nghiên cứu.

- Cảm ơn anh. - Chị ngập ngừng, nhìn Henri, nhớ đến bức thư anh chuyển cho chị từ nhiều tháng trước và những giả thuyết

Vianne đã đặt ra về em gái lúc đó. Bây giờ chị biết Isabelle đang làm một công việc nguy hiểm ngay từ ban đầu. Một nhiệm vụ quan trọng. Isabelle giữ bí mật với Vianne để bảo vệ chị, dù điều đó khiến chị như một kẻ ngốc. Isabelle đã lợi dụng một thực tế là Vianne dễ tin những điều xấu nhất về nàng.

Vianne tự thấy xấu hổ vì đã dễ dàng tin những lời dối trá đến thế.

- Đừng nói với Isabelle tôi đang làm việc này. Tôi muốn bảo vệ nó.

Henri gật đầu.

- Tạm biệt, - Vianne nói.

Trên đường đi ra, chị nghe thấy anh nói:

- Em gái chị sẽ tự hào vì chị, - Vianne không chậm bước, cũng không đáp lại. Phớt lờ những tiếng huýt sáo, tiếng gọi của bọn Đức, chị rời khỏi khách sạn và về thẳng nhà.

+++++

Hiện giờ toàn bộ nước Pháp đã bị Đức chiếm đóng, nhưng nó chỉ tạo ra một khác biệt nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của Vianne. Chị vẫn dành cả ngày xếp hết hàng này đến hàng khác. Việc khó nhất của chị là Daniel. Hình như che giấu nó khỏi tai mắt dân làng là một cách khôn ngoan, dẫu những lời nói dối của chị về việc nhận nuôi không bị chất vấn khi chị kể (chị đã kể với mọi người chị gặp, nhưng dân chúng quá mải lo tìm cách sống sót hoặc có thể họ đoán ra sự thật và tán thành, ai mà biết được).

Bây giờ chị để bọn trẻ ở nhà, giấu chúng sau cánh cửa khóa kín. Đồng nghĩa với việc ở trong thành phố, chị luôn giật mình, lo lắng. Hôm nay, khi đã mua được mọi thứ theo phiếu, chị quấn lại cái khăn len quanh cổ và rời cửa hàng thịt.

Bất chấp khí lạnh trên phố Victor Hugo, chị thấy khổ sở và đãng trí vì lo âu, khiến chị mất một lúc mới nhận ra Henri đang đi đằng sau chị.

Anh liếc quanh, ngược xuôi, nhưng trong gió lộng và giá rét, không có ai gần đó. Những cánh chớp lách cách và các mái hiên xao động. Các bàn trong tửu quán vắng teo.

Anh đưa cho chị cái bánh mì que.

- Nhồi đầy khác thường. Cách làm của mẹ tôi.

Chị hiểu. Bên trong có giấy tờ. Chị gật đầu.

- Dạo này bánh mì nhồi đầy rất khó kiếm. Hãy ăn nó một cách khôn ngoan.

- Nếu tôi cần... bánh mì nữa thì sao?

- Nữa ư?

- Có nhiều trẻ em đói lắm.

Anh dừng lại, hôn vào mỗi bên má chị một nụ hôn chiếu lệ.

- Lại đến gặp tôi nhé.

Chị thì thầm vào tai anh:

- Nói với em gái tôi là tôi hỏi thăm nhé. Chúng tôi đã chia tay rất tệ.

Anh mỉm cười.

- Tôi cãi cọ với anh tôi không ngừng, kể cả trong chiến tranh. Nhưng xét cho cùng, chúng tôi vẫn là anh em.

Vianne gật đầu, mong đó là sự thật. Chị đặt cái bánh mì que vào làn, phủ kín bằng mảnh vải lanh, nhét nó cạnh bột làm bánh và bột yến mạch, là những thứ vừa mua được hôm nay. Lúc chị nhìn theo anh đi xa, làn của chị hình như nặng thêm. Nắm chặt quai làn, chị đi xuống phố.

Sắp ra khỏi quảng trường thành phố, chị nghe thấy tiếng nói:

- Bà Mauriac. Thật ngạc nhiên.

Tiếng hắn như dầu đọng thành vũng dưới chân chị, trơn trượt và dai dẳng. Chị liếm môi và xoay vai lại, cố tỏ ra tự tin và không lo lắng. Tối qua hắn trở về, vẻ đắc thắng, khoe khoang tiếp quản toàn bộ nước Pháp mới dễ làm sao. Chị nấu bữa tối cho hắn và đồng bọn, rót vang triền miên cho bọn chúng. Cuối bữa ăn, hắn quẳng hết đổ thừa cho gà. Vianne và các con phải nhịn đói đi nằm.

Hắn mặc quân phục, trang trí nặng trĩu những dấu thập ngoặc và chữ thập sắt, vừa hút thuốc lá vừa thổi khói tạt vào bên trái mặt chị.

- Bà đã mua sắm xong rồi chứ?

- Coi là thế, ngài Thiếu tá. Hôm nay có rất ít thứ, mặc dù chúng tôi có tem phiếu.

- Nếu đàn ông của các người không hèn nhát, có lẽ đàn bà các người sẽ không đói khát như thế.

Chị nghiến răng và mong là trông nó giống một nụ cười.

Hắn soi mói nhìn vào mặt chị, chị biết mặt mình trắng bệch như phấn.

- Bà không sao chứ?

- Tôi ổn, ngài Thiếu tá.

- Cho phép tôi xách làn cho bà. Tôi sẽ tháp tùng bà về nhà.

Chị nắm chặt quai làn.

- Không, không cần đâu...

Hắn chia bàn tay đi găng đen cho Vianne. Chị không còn lựa chọn ngoài việc đặt quai làn bằng liễu vặn xoắn vào tay hắn.

Hắn cầm làn và bắt đầu đi. Chị đành phải đi cạnh hắn, cảm thấy đi cùng một sĩ quan SS qua các con phố ở Carriveau mới lộ liễu làm sao.

Von Richter bắt chuyện. Hắn nói về sự thất bại chắc chắn của quân Đồng minh ở Bắc Phi, về sự hèn nhát của người Pháp và thói tham lam của người Do Thái, về Giải pháp Cuối cùng như thể đây là một cuộc trao đổi giữa đám bạn bè.

Hầu như chị không nhận ra lời lẽ của hắn giữa những bão tố trong đầu chị. Khi đánh bạo liếc vào trong làn, chị thấy cái bánh mì que thò ra dưới mảnh vải lanh đỏ-và-trắng.

- Bà thở như ngựa đua vậy. Bà khó ở à?

Đúng. Phải thế thôi.

Chị cố bật ra một tiếng ho, tay bịt chặt lấy miệng.

- Tôi xin lỗi, ngài Thiếu tá. Tôi mong là không làm phiền ngài, nhưng thật không may, tôi sợ là gần đây đã bị lây cúm từ con trai tôi.

Hắn đứng lại.

- Tôi chẳng đã yêu cầu bà giữ cho mầm bệnh tránh xa tôi rồi sao? - Hắn dúi cái làn vào chị, mạnh đến nỗi đập vào ngực chị. Chị chộp lấy nó và nắm thật chặt, sợ nó rơi để lộ chiếc bánh mì que mở toang, những giấy tờ giả tuột ra bên chân hắn.

- Tôi-ôi xin lỗi. Tôi thật vô ý.

- Tôi sẽ không về nhà ăn tối, - hắn nói và quay gót.

Vianne đứng đó một lát - chỉ đủ lâu cho lịch sự, phòng khi hắn quay lại - rồi chị vội vã về nhà.

+++++

Quá nửa đêm, khi Von Richter đã đi nằm từ rất lâu, Vianne lẻn ra khỏi giường, vào căn bếp vắng vẻ. Chị mang một cái ghế vào phòng ngủ, đóng cửa thật khẽ sau lưng. Chị xách ghế tới cái bàn đầu giường, kéo gần lại và ngồi xuống. Nhờ ánh nến, chị rút trong áo ngực ra những giấy tờ còn để trống.

Chị nghiên cứu kỹ các chi tiết. Rồi rút cuốn Kinh Thánh gia truyền và mở ra. Chị tập ký giả ở những khoảng trống. Lúc đầu vì quá căng thẳng nên chữ chị xiêu vẹo, nhưng càng tập, chị càng cảm thấy bình tĩnh hơn. Khi bàn tay và hơi thở của chị đã vững vàng, chị bịa ra giấy khai sinh mới cho Jean Georges, ghi tên cậu bé là Emile Duvall.

Nhưng giấy tờ mới chưa đủ. Khi chiến tranh kết thúc và Hélène Ruelle trở về thì sao? Nhỡ Vianne không ở đây (trong tình cảnh mạo hiểm này, chị phải cân nhắc đến khả năng khủng khiếp đó), Hélène sẽ không biết tìm con trai ở đâu và tên mà chị đặt cho nó.

Chị cần tạo ra một phiếu, có đủ mọi thông tin - cậu bé thực ra là ai, cha mẹ nó là ai, bất cứ điều gì liên quan. Chị phải nghĩ đến mọi thứ.

Chị rứt ba trang trong cuốn Kinh Thánh và lập một danh sách trên mỗi trang.

Trên trang đầu tiên, chị viết bằng mực đen đè lên những lời cầu nguyện:

Ari de Champlain 1

Jean Georges Ruelle 2

Trên trang thứ hai, chị viết:

1.

Daniel Mauriac

2.

Emile Duvall

Còn trên trang thứ ba, chị viết:

1.

Carriveau. Mauriac

2.

Tu viện Trinité

Chị cẩn thận cuộn từng tờ cho vào một ống nhỏ hình trụ. Ngày mai chị sẽ giấu chúng ở ba nơi khác nhau. Một cái trong lọ bẩn thỉu ở chuồng gia súc, chị sẽ đổ đầy đinh, một cái trong hộp sơn cũ trong nhà kho, còn một cái chị sẽ vùi trong cái hộp ở chuồng gà. Còn các tấm phiếu chị sẽ để lại cho Mẹ Nhất ở tu viện.

Các thẻ và danh sách, khi ghép lại với nhau, sẽ nhận dạng bọn trẻ sau chiến tranh và có thể đưa chúng trở về với gia đình. Lẽ tất nhiên ghi lại bất kỳ thứ gì đều nguy hiểm, nhưng nếu chị không giữ hồ sơ gì - và nếu khả năng xấu nhất xảy ra cho chị -, làm thế nào bọn trẻ được che giấu có thể đoàn tụ với cha mẹ chúng?

Vianne nhìn chằm chặp xuống tác phẩm của chị một lúc lâu, lâu đến nỗi các con đang ngủ trên giường bắt đầu cựa quậy, lẩm bẩm và ngọn nến bắt đầu kêu xèo xèo. Chị ngả người, đặt bàn tay lên cái lưng ấm áp của Daniel để dỗ nó. Rồi chị trèo lên giường với các con. Rất lâu sau, chị mới ngủ được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3