Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 09
17
Giữa tháng Sáu năm 1941, vào ngày học thứ hai trước khi kết thúc học kỳ, Vianne đang đứng trước bảng dạy cách chia động từ thì nghe thấy âm thanh pụp-pụp-pụp quen thuộc của xe mô tô Đức.
- Lại lính, - Gilles Fournier cay đắng nói. Gần đây, cậu bé hay giận dữ, và ai có thể trách cậu được khi quân Đức Quốc xã đã tịch thu cửa hàng thịt của nhà cậu và giao cho một tên chỉ điểm của chúng quản lý.
- Các em ở yên đấy, - Vianne nói với học sinh rồi ra ngoài hành lang. Chị thấy hai người đàn ông đang bước vào - một sĩ quan Gestapo mặc áo choàng đen dài và một hiến binh địa phương, Paul. Từ khi làm chỉ điểm cho Đức Quốc xã, gã lên cân thấy rõ với chiếc bụng căng tròn dưới thắt lưng. Chị không nhớ đã bao lần chị trông thấy gã đi bộ xuống phố Victor Hugo, mang thêm rất nhiều đồ ăn về cho gia đình, trong lúc chị đứng xếp sau hàng người dài dằng dặc, nắm chặt phiếu thực phẩm chẳng mang lại gì nhiều trong tay.
Vianne tiến tới chỗ họ, hai tay đan chặt vào nhau. Chị cảm thấy ngượng ngùng trong bộ đồ mòn xơ cả chỉ, cổ áo và cổ tay đã sờn, dù chị đã khéo léo vẽ một đường màu nâu ở phía sau bắp chân trần, nó vẫn cứ lộ rõ là một mẹo chữa cháy. Chị không đi bít tất và cảm thấy dễ bị tổn thương lạ lùng trước những người đàn ông này. Ở bên kia sảnh, cửa các phòng học đều mở và tất cả giáo viên đều bước ra ngoài để xem các sĩ quan muốn gì. Họ nhìn nhau, im lặng.
Tên mật vụ Gestapo quả quyết bước tới lớp của thầy Paretsky ở cuối tòa nhà. Tên Paul béo ị cố đuổi theo, thở hổn hển đằng sau hắn.
Lát sau, thầy Paretsky bị tay cảnh sát Pháp lôi ra khỏi lớp học.
Vianne cau mày lúc họ đi qua chỗ chị. Ông thầy già Paretsky- người đã dạy chị môn số học và vợ ông là người chăm sóc vườn hoa của trường - nhìn chị với ánh mắt kinh hãi.
- Paul? - Vianne nói gay gắt. - Có chuyện gì thế?
Tay cảnh sát dừng lại nói:
- Hắn bị buộc tội gì đó.
- Tôi không làm gì sai! - Ông Paretsky kêu to và cố giằng khỏi tay Paul.
Tên mật vụ Gestapo nhận ra sự huyên náo và ngẩng đầu. Hắn tiến nhanh tới Vianne, nện gót giày trên sàn. Chị cảm thấy rùng mình sợ hãi vì tia sáng lóe trong mắt hắn.
- Bà có lý do gì ngăn chúng tôi lại?
- Ô-ông ấy là bạn tôi.
- Ra vậy, - hắn nói, kéo dài từng từ thành một câu hỏi. - Bà có biết hắn phân phát truyền đơn chống Đức không?
- Đấy là một tờ báo, - ông Paretsky nói. - Tôi chỉ kể cho dân chúng Pháp sự thật. Vianne! Hãy nói với họ!
Vianne cảm thấy mọi chú ý đều đổ dồn vào mình.
- Tên của bà? - Ten Gestapo hỏi và rút ra cuốn sổ tay cùng cây bút chì.
Chị liếm môi, căng thẳng.
- Vianne Mauriac.
Hắn ghi lại.
- Bà cùng làm việc với ông Paretsky, người phân phát truyền đơn?
- Không! - Chị kêu lên. - Ông ấy là đồng nghiệp cùng trường của tôi. Tôi không biết gì hơn.
Tên Gestapo gập cuốn sổ lại.
- Không ai nói với bà tốt hơn hết là không nên hỏi gì ư?
- Tôi không có ý ấy, - chị nói, cổ họng khô khốc.
Hắn cười nhạt. Chị thấy kinh hãi trước nụ cười ấy, dường như nó có khả năng tước bỏ vũ khí của chị khiến chị phải mất đến một phút mới hiểu ra lời hắn.
- Bà đã kết thúc.
Tim chị như ngừng đập.
- Gì kia?
- Tôi nói bà không được dạy học nữa. Bà về nhà đi, và không được quay trở lại. Các học sinh này sẽ không cần một tấm gương như bà.
+++++
Cuối ngày, Vianne cùng Sophie đi bộ về nhà. Mặc dù chị nhớ thỉnh thoảng trả lời một trong những câu hỏi không ngừng của Sophie, nhưng lúc nào trong đầu chị cũng là ý nghĩ: Bây giờ biết làm sao đây?
Bấy giờ biết làm sao đây?
Giờ này, các cửa hàng đều đã đóng, các thùng, hòm đều trống rỗng. Khắp nơi là những tấm biển KHÔNG TRỨNG, KHÔNG BƠ, KHÔNG DẦU ĂN, KHÔNG CHANH, KHÔNG GIÀY, KHÔNG SỢI, KHÔNG TÚI GIẤY.
Số tiền Antoine để lại, chị chi tiêu rất tằn tiện, thậm chí còn hơn cả tằn tiện - thực ra là keo kiệt - cho dù ban đầu khoản tiền ấy cũng kha khá. Chị chỉ dùng nó cho những thứ cần thiết nhất - củi, điện, khí đốt, thực phẩm. Nhưng nó vẫn hết veo. Làm thế nào chị và Sophie có thể sống sót khi không có lương dạy học của chị?
Ở nhà, chị đi lại trong cơn mê mụ. Chị nấu một xoong xúp bắp cải, thêm những miếng cà rốt vụn mềm như mì sợi. Ngay khi ăn xong, chị giặt giũ, phơi quần áo lên dây, rồi mang bít tất vào cho đến khi đêm xuống.
Trơ trọi (cảm giác như bị gí dao vào cổ), chị ngồi bên bàn ăn với một tấm bưu thiếp hợp lệ và cây bút mực.
Antoine yêu quý nhất,
Bọn em hết sạch tiền và em vừa mất việc.
Em biết làm gì đây? Mùa đông sắp đến rất gần rồi.
Chị nhấc bút lên. Những con chữ màu xanh hình như nở ra, nổi bật trên nền giấy trắng.
Hết sạch tiền.
Chị là phụ nữ loại gì mà nghĩ và gửi một bức thư như thế này cho người chồng đang bị bắt làm tù binh?
Chị vo tròn tấm bưu thiếp và ném nó vào lò sưởi giá lạnh, bồ hóng đóng thành bánh. Nó nằm lẻ loi như một quả bóng màu trắng trên lớp tro xám xịt.
Không.
Không thể để nó trong nhà được. Nhỡ Sophie tìm thấy và đọc được thì sao? Chị lấy nó khỏi đám tro và mang ra sân sau, ném vào giàn dây leo. Đàn gà sẽ giẫm đạp và mổ nó chí chết.
Bước ra ngoài, chị ngồi xuống cái ghế ưa thích của Antoine, cảm thấy bàng hoàng vì những thay đổi đột ngột của số phận, vì những tin tức và nỗi lo sợ khủng khiếp. Nếu như chị có thể làm lại tất cả lần nữa, chị sẽ tiêu tiền dè xẻn hơn... sẽ không làm gì cả... sẽ để bọn chúng đưa ông Paretsky đi mà không nói lời nào.
Đằng sau chị, cánh cửa cót két mở và đóng lại đánh tách.
Tiếng bước chân. Tiếng thở.
Chị nên đứng dậy và bỏ đi, nhưng chị quá mệt không nhúc nhích nổi.
Beck tiến đến phía sau chị.
- Chị muốn uống một cốc vang không? Chateau Margaux 28. Hiển nhiên là một năm tốt đẹp.
Rượu vang. Chị muốn nói vâng, xin cảm ơn (có lẽ chưa bao giờ chị cần một cốc vang hơn lúc này), nhưng chị không thể làm được. Cũng không thể nói không, nên chị im lặng.
Chị nghe thấy tiếng pinh của nút li-e bật ra, rồi tiếng vang chảy ra. Anh ta đặt cốc vang đầy cạnh chị. Mùi thơm ngọt ngào, nồng đượm ngây ngất.
Beck rót một cốc cho mình và ngồi xuống cạnh chị.
- Tôi sắp đi, - anh ta nói sau một khoảng im lặng dài.
Chị quay sang Beck.
- Đừng vội mừng rỡ thế. Chỉ một thời gian thôi. Vài tuần lễ. Tôi chưa về nhà đã hai năm. - Anh ta uống một ngụm rượu. - Lúc này có lẽ vợ tôi cũng đang ngồi trong vườn, không biết tôi sắp trở về với cô ấy. Than ôi, tôi không phải là người ra đi. Tôi đã thấy nhiều sự việc... - Anh ta ngừng lại. - Cuộc chiến tranh này không phải là thứ tôi mong đợi. Nhiều sự việc đã thay đổi trong khi ta vắng mặt, chị không nghĩ vậy sao?
- Có, - chị đáp. Chị thường nghĩ y như thế.
Trong khi hai người đều im lặng, chị nghe thấy tiếng một con ếch kêu ộp ộp và những chiếc lá rung rinh trong luồng gió nhẹ đượm hương nhài trên đầu. Một con sơn ca đang cất tiếng hót buồn bã và bơ vơ.
- Hình như chị không còn là mình nữa, - Beck nói. - Chị có phiền không, khi tôi nói thế.
- Hôm nay tôi bị mất việc. - Đây là lần đầu tiên chị nói to lên những lời đó và những giọt lệ nóng hổi làm mờ mắt chị. - Tôi... đã gây chú ý.
- Một việc làm nguy hiểm.
- Số tiền chồng tôi để lại đã hết. Tôi không có việc làm. Mùa đông lại sắp đến. Làm sao tôi sống nổi đây? Nuôi Sophie và giữ cho nó ấm áp? - Chị quay sang nhìn Beck.
Mắt họ gặp nhau. Vianne muốn ngoảnh đi nhưng không thể.
Beck đặt cốc vang vào tay chị, khum những ngón tay chị quanh chiếc cốc. Bàn tay nóng ấm của anh ta chạm vào bàn tay lạnh giá của Vianne khiến chị rùng mình. Chị bỗng nhớ tới văn phòng của Beck với đủ thứ đồ ăn chồng chất trong đó.
- Uống chút vang đi, - anh ta nói lần nữa, mùi thơm của rượu, của anh đào đen và đất đen màu mỡ thoáng mùi oải hương thoảng vào mũi chị, nhắc chị nhớ tới cuộc sống trước kia của chị, những đêm chị và Antoine cùng ngồi đây uống vang.
Chị nhấp một ngụm và thở hổn hển, chị đã quên niềm vui đơn giản này.
- Chị đẹp lắm, chị Mauriac, - Beck nói, giọng ngọt ngào và trầm ấm. - Có lẽ đã lâu rồi chị không nghe thấy câu đó.
Vianne đứng phắt lên, nhanh đến nỗi đụng phải bàn và làm sánh cốc vang.
- Ông không nên nói những lời như thế, ngài Đại úy.
- Không, - Beck nói và đứng dậy. Anh ta đứng trước chị, hơi thở thơm mùi vang đỏ và kẹo bạc hà. - Tôi không nên.
- Cảm ơn, - chị nói, không thể hết câu.
- Mùa đông này con gái chị sẽ không chết đói, - anh ta nói, dịu dàng như một thỏa thuận bí mật của họ. - Chị có thể tin chắc vào điều đó.
Chúa lòng lành, Vianne cảm thấy nhẹ người. Chị lầm bẩm gì đó mà chính chị cũng không nhớ rõ và trở vào trong nhà, trèo lên giường với Sophie, nhưng rất lâu sau chị mới ngủ được.
+++++
Đã có thời hiệu sách là nơi để các nhà thơ, nhà văn, các tiểu thuyết gia và các giảng viên đại học tụ họp. Những kỷ niệm tươi đẹp nhất thời thơ ấu của Isabelle đã diễn ra trong các căn phòng mốc meo này. Trong lúc cha làm việc in ấn ở phòng sau, mẹ sẽ đọc truyện cổ tích, ngụ ngôn cho nàng nghe và bịa ra những vở kịch cho hai mẹ con diễn. Họ đã rất hạnh phúc ở đây, trước khi mẹ nàng lâm bệnh và cha nàng bắt đầu uống rượu.
Iz của ba, đến ngồi vào lòng trong lúc ba làm thơ tặng mẹ nào.
Cũng có thể nàng chỉ tưởng tượng ra kỷ niệm đó, dệt nên nó từ những sợi nhu cầu của bản thân và quấn mình trong đó. Nàng không biết nữa.
Bây giờ chỉ bọn Đức mới đổ xô đến những cái hốc và xó xỉnh tăm tối này.
Trong sáu tuần từ khi hiệu sách mở cửa trở lại, tin tức hình như lan truyền trong đám binh lính rằng một cô gái Pháp xinh đẹp lúc nào cũng có mặt ở đây.
Chúng đến hàng đàn hàng lũ, mặc những bộ quân phục phẳng phiu, giọng oang oang lúc chúng xô đẩy nhau. Isabelle đùa bỡn chúng không thương xót, nhưng không bao giờ rời cửa hiệu cho đến khi nó hết khách. Nàng thường ra về bằng cửa sau, mặc cái áo choàng đen như than, mũ kéo lên ngay cả trong tiết hè nóng nực. Bọn lính có thể vui vẻ và cười cợt, - thực ra là những gã trai tơ thích tán chuyện về những cô gái* xinh đẹp bên Đức và mua các tác phẩm kinh điển Pháp của những tác giả “có thể chấp nhận được” cho gia đình - nhưng nàng không bao giờ quên rằng bọn chúng là kẻ thù.
Tiếng Đức trong nguyên bản.
- Cô ơi, cô xinh đẹp thế, mà sao cứ phớt lờ chúng tôi? Chúng tôi làm thế nào mà sống nổi đây? - Một sĩ quan Đức trẻ tuổi xán lại gần nàng.
Nàng cười duyên dáng và xoay tròn khỏi tầm với của hắn.
- Kìa anh, anh thừa biết tôi không thể thiên vị. - Nàng lẻn vào sau quầy. - Tôi thấy anh đang cầm một quyển thơ. Chắc chắn có một cô nàng ở quê nhà thích được nhận một món quà tinh tế từ anh.
Các bạn hắn xô hắn về phía trước, tất cả nhao nhao đồng thanh nói.
Isabelle đang nhận tiền thì tiếng chuông ở cửa trước reo leng keng nghe rất vui tai.
Isabelle ngước nhìn, mong thấy thêm nhiều lính Đức, nhưng là Anouk. Chị mặc toàn đồ đen, vì tính khí của mình hơn là theo mùa. Áo len dài tay màu đen, cổ chữ V, váy đen gọn gàng, mũ nồi và găng tay đen. Một điếu thuốc lá Gauloise chưa châm trên đôi môi đỏ tươi.
Chị dừng lại trên ngưỡng cửa mở, để lộ một lối đi vắng vẻ đằng sau, những khóm phong lữ đỏ và cây xanh rực rỡ.
Nghe tiếng chuông, bọn Đức quay lại.
Anouk để cửa khép lại sau mình. Chị thản nhiên châm thuốc, và rít một hơi thật sâu.
Với một nửa chiều dài của cửa hiệu giữa họ, và ba tên lính Đức đang lang thang vơ vẩn, ánh mắt của Isabelle bắt gặp cái nhìn của Anouk. Trong những tuần Isabelle là người đưa tin (nàng đã đến Blois, Lyon, Marseilles, Amboise và Nice, chưa kể hàng chục lần ghé qua Paris gần đây, tất cả đều dưới cái tên mới - Juliette Gervaise -, dùng giấy tờ giả mà Anouk đã tuồn cho nàng trong một quán rượu, ngay dưới mũi bọn Đức), Anouk là đầu mối liên lạc thường xuyên nhất của nàng, và mặc dù tuổi tác chênh lệch - ít nhất mười tuổi, có lẽ còn hơn - họ đã trở thành bạn bè theo kiểu những người phụ nữ sống nhiều cuộc đời khác nhau, một tình bạn câm lặng, nhưng không vì thế mà giả dối. Isabelle đã học được cách nhìn nhận qua vẻ mặt thiếu thân thiện và khuôn miệng tẻ nhạt của Anouk, bỏ qua thái độ không cởi mở của chị. Đằng sau tất cả, Isabelle hiểu có một nỗi buồn. Nhiều nỗi buồn. Và sự căm giận.
Anouk bước tới, dáng điệu vương giả và khinh khỉnh, có thể áp đảo một người đàn ông trước khi anh ta kịp cất lời. Bọn Đức im lặng quan sát chị, tránh sang một bên để chị đi qua. Isabelle nghe thấy một tên nói “như đàn ông” và tên khác nói “góa phụ”.
Hình như Anouk không thèm mảy may để ý đến bọn chúng. Đến quầy, chị dừng lại và rít một hơi thuốc dài. Khói làm mờ khuôn mặt chị, và trong giây lát, chỉ có thể nhận ra đôi môi đỏ màu anh đào. Chị với xuống cái xắc và rút ra một cuốn sách nhỏ màu nâu. Tên tác giả - Baudelaire - khắc trên bìa da, và mặc dù bìa cuốn sách trầy xước, sờn mòn và phai màu đến mức không thể đọc được tên sách, Isabelle vẫn nhận ra. Hoa của nỗi đau. Đây là cuốn sách họ thường dùng làm tín hiệu trong mỗi cuộc gặp gỡ.
- Tôi đang tìm tác phẩm khác của tác giả này, - Anouk nói và nhả khói thuốc.
- Xin lỗi bà. Tôi không có cuốn nào của Baudelaire. Thơ của Verlaine được không? Hoặc Rimbaud?
- Vậy thì thôi. - Anouk quay đi và rời hiệu sách. Chỉ đến lúc chuông rung leng keng, sự thu hút của chị mới tan đi và bọn lính bắt đầu trò chuyện lại. Khi không ai để ý, Isabelle sờ nắn một tập thơ nhỏ. Bên trong nó có một bức thư để nàng chuyển đi, cùng với thời gian chuyển. Địa điểm như thường lệ: chiếc ghế dài trước Nhà hát kịch Pháp. Bức thư giấu dưới những trang cuối đã bóc ra và dán lại hàng chục lần.
Isabelle nhìn đồng hồ và tính thời gian. Nàng đã có nhiệm vụ tiếp theo.
Đúng sáu giờ chiều, nàng lùa hết đám lính ra khỏi cửa hiệu và đóng cửa lúc gần tối. Ở bên ngoài, nàng thấy ông già Deparde - ông chủ kiêm bếp trưởng quán cà phê bên cạnh - đang hút thuốc. Người đàn ông tội nghiệp trông mệt mỏi hệt như nàng cảm thấy. Đôi khi trông thấy ông ta đầm mồ hôi bên chảo rán hoặc đang tách vỏ sò, nàng tự hỏi ông ta cảm thấy ra sao khi cung cấp thúc ăn cho bọn Đức.
- Chào ông, - nàng nói.
- Chào cô.
- Ngày dài quá nhỉ? - Nàng xót xa.
- Phải.
Nàng đưa cho ông ta một cuốn ngụ ngôn cho thiếu nhi đã cũ.
- Gửi cho Jacques và Gigi nhé, - nàng nói và mỉm cười.
- Cô đợi một lát. - Ông ta chạy ào vào trong hiệu cà phê và trở lại với một túi nhỏ đầy vết mỡ. - Khoai tây chiên giòn đấy, - ông nói.
Isabelle cảm kích một cách ngớ ngẩn. Hồi này nàng không chỉ ăn những đồ thừa của kẻ thù, nàng còn thấy biết ơn nữa.
- Cảm ơn.
Để xe đạp lại cửa hiệu, nàng quyết định không đi xe điện ngầm đông đúc mà vừa đi bộ về nhà, vừa thưởng thức những miếng khoai tây rán giòn dính mỡ, mằn mặn. Nhìn đâu nàng cũng thấy bọn Đức ùa vào các hiệu cà phê, quán rượu và nhà hàng trong lúc những người dân Paris mặt mũi xám ngoét đang tất tả về nhà trước giờ giới nghiêm. Trên đường về, hai lần nàng cảm thấy chờn chợn như thể bị theo dõi, nhưng khi ngoảnh lại, nàng chẳng thấy có ai ở đằng sau.
Nàng không biết chắc cái gì đã xui khiến nàng dừng lại ở góc phố gần công viên, nhưng ngay lập tức, nàng biết có chuyện không ổn. Phải ra khỏi đây thôi. Trước mặt nàng, đường phố đầy xe ô tô Đức Quốc xã, đang nhất loạt nhấn còi. Đâu đó có tiếng người la hét.
Isabelle cảm thấy tóc gáy nàng dựng ngược. Nàng liếc nhanh về phía sau, nhưng không có ai theo nàng. Gần đây, nàng thường có cảm giác mình bị theo dõi. Có lẽ vì thần kinh nàng làm việc quá độ. Mái vòm bằng vàng của cung Invalides sáng rực trong những tia mặt trời đang tắt. Nàng toát mồ hôi vì sợ. Một mùi mồ hôi, chua gắt trộn lẫn với mùi béo ngậy của khoai tây rán khiến bụng nàng cồn cào khó chịu trong giây lát.
Mọi thứ đều ổn. Không có ai theo dõi nàng. Nàng thật ngốc nghếch.
Nàng rẽ vào phố Grenelle.
Có cái gì đó thoáng qua khiến nàng dừng lại.
Nàng thấy một cái bóng ở ngay đằng trước, song không hẳn là một cái bóng. Một sự di chuyển ở nơi đáng ra phải im lìm.
Cau mày, Isabelle băng qua phố, chọn đường len lỏi qua dòng xe cộ chạy chầm chậm. Sang đến bên kia đường, nàng đi nhanh qua một đám quân Đức đang uống vang trong quán, đi thẳng tới một chung cư ở góc phố tiếp đó.
Nàng nấp trong một bụi cây rậm rạp cạnh những cái cửa màu đen trang trí lộng lẫy, hào nhoáng và trông thấy một người đàn ông đang lom khom sau một cái cây trồng trong một cái bình khổng lồ bằng đồng thau.
Nàng mở cổng và bước vào sân. Nàng nghe thấy người kia bò giật lùi, đôi ủng của gã kêu răng rắc trên đá.
Sau đó gã lặng ngắt.
Isabelle nghe thấy tiếng bọn Đức cười đùa trong quán cà phê dưới phố, gào thét Rượu đâu!* với cô hầu bàn tội nghiệp phải làm việc quá sức.
Tiếng Đức trong nguyên bản.
Đang giờ ăn tối. Cái giờ trong ngày mà quân thù chỉ quan tâm đến giải trí và nhét đầy dạ dày bằng đồ ăn và vang ngon của Pháp. Nàng rón rén đi tới một chậu chanh.
Người đàn ông kia ngồi xổm, cố thu nhỏ người hết mức có thể. Đất làm bẩn mặt anh ta và một mắt nhắm nghiền, sưng phồng nhưng không thể nhầm là người Pháp: anh ta đang mặc bộ đồ bay của Anh.
- Trời ạ, - nàng lẩm bẩm. - Người Anh ư?*
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
Anh ta không nói gì.
- RAF? - Nàng hỏi bằng tiếng Anh.
Mắt anh ta mở to. Có thể thấy anh ta đang phân vân liệu có nên tin nàng không. Rồi rất từ tốn, anh ta gật đầu.
- Anh trốn ở đây bao lâu rồi?
Lát sau, anh ta đáp:
- Cả ngày.
- Anh có thể bị bắt, - nàng nói. - Chỉ là sớm hay muộn thôi. - Isabelle biết nàng cần phải hỏi anh ta nhiều hơn nữa, nhưng không có thời gian. Mỗi giây nàng đứng đây với anh ta, mối nguy hiểm cho cả hai đều tăng lên. Thật ngạc nhiên là anh chàng người Anh này chưa bị bắt.
Nàng cần phải hoặc là giúp anh ta, hoặc tránh đi trước khi bị chú ý. Chắc chắn tránh xa là biện pháp khôn ngoan hơn cả.
- Số 57 đại lộ La Bourdonnais, - nàng nói khẽ bằng tiếng Anh. - Tôi sắp đi tới đó. Chín giờ rưỡi, tôi sẽ ra ngoài châm một điếu thuốc. Lúc đó, anh hãy đi tới cửa. Nếu anh đến mà không bị phát hiện, tôi sẽ giúp anh. Anh hiểu không?
- Tôi biết làm thế nào để tin cô?
Nàng bật cười.
- Việc tôi đang làm thật ngu xuẩn. Tôi hứa không hành động bốc đồng. Thế thôi. - Nàng quay gót và rời khu vườn, cánh cổng đóng lại sau lưng kêu leng keng. Nàng vội vã xuống phố. Suốt dọc đường về nhà, tim nàng đập thình thịch và phê phán quyết định của mình. Nhưng lúc này đây nàng không thể làm gì nữa. Nàng không nhìn lại, kể cả khi ở trước tòa chung cư của mình. Nàng dừng lại và đối mặt với quả đấm to bằng đồng thau ở giữa cánh cửa gỗ sồi. Nàng cảm thấy sợ đến chóng mặt và nhức đầu.
Nàng dò dẫm xoay chìa trong ổ khóa rồi vặn quả đấm và chạy ào vào bóng tối mờ ào. Bên trong, hành lang chật ních những xe đạp và xe kéo tay. Nàng bước tới chân cầu thang xoắn ốc và ngồi xuống bậc cuối cùng, chờ đợi.
Nàng xem đồng hồ đeo tay đến cả ngàn lần, và lần nào cũng tự nhủ đừng làm thế, nhưng đến chín giờ rưỡi, nàng liền đi ra ngoài. Màn đêm đã buông. Bên ngoài, đèn đường chưa bật, tất cả chỉ là những cái bóng màu đen, đường phố tối tăm như một cái hang. Ô tô ầm ầm chạy qua, không nhìn thấy được nếu không có những ngọn đèn pha sáng quắc, có thể nghe thấy và ngửi thấy nhưng không trông thấy trừ khi một mảnh trăng làm lộ chúng. Nàng châm điếu thuốc màu nâu, hít một hơi sâu và từ từ thở ra, cố trấn tĩnh.
- Cô ơi, tôi ở đây.
Isabelle suýt ngã ra sau và mở cửa.
- Đi theo tôi. Nhìn xuống. Không quá gần.
Nàng dẫn anh ta qua hành lang, cả hai đụng phải những chiếc xe đạp, khiến chúng kêu leng keng và những cái xe kéo bằng gỗ lách cách. Chưa bao giờ nàng chạy qua năm đợt cầu thang nhanh hơn thế. Nàng kéo tuột anh ta vào căn hộ của mình và sập cửa lại đằng sau.
- Cởi quần áo ra.
- Gì kia?
Nàng bấm công tắc đánh tách.
Lúc này nàng mới thấy anh ta cao hơn nàng rất nhiều. Đôi vai rộng và gầy giơ xương, khuôn mặt hẹp, cái mũi trông như bị vỡ đến một, hai lần. Tóc anh ta cắt ngắn, hơi xù.
- Cởi bộ đồ bay của anh ra. Nhanh lên.
Nàng đang nghĩ nên làm gì với cái này đây? Cha nàng sẽ về nhà và phát hiện ra viên phi công, ông sẽ nộp cả hai cho bọn Đức mất.
Nàng biết giấu bộ đồ bay ở đâu? Đôi giày ống này mới là vật tố cáo chết người.
Anh ta gập người xuống và bước ra khỏi bộ đồ bay.
Trước kia nàng chưa bao giờ nhìn thấy một người đàn ông trưởng thành mặc quần đùi và áo may ô. Nàng cảm thấy mặt mình đỏ bừng.
- Không cần phải đỏ mặt, cô ạ, - anh ta nói và toét miệng cười, như thể đây là việc bình thường.
Nàng giật mạnh bộ đồ bay, rồi chìa bàn tay đòi phù hiệu cá nhân. Anh ta đưa chúng ra, hai vật quá nhỏ, hình dẹt đeo quanh cổ. Cả hai chứa thông tin giống nhau. Trung úy Torrance MacLeish. Nhóm máu, tôn giáo và số hiệu.
- Theo tôi. Khẽ thôi. Nói thế nào nhỉ... trên rìa ngón chân ấy.
- Đầu ngón chân, - anh ta thì thào.
Isabelle dẫn anh ta vào phòng ngủ của mình. Ở đó - từ từ, nhẹ nhàng - nàng xê cái tủ đứng ra, để lộ căn phòng bí mật.
Một dãy những con mắt búp bê đờ đẫn nhìn nàng trừng trừng.
- Sởn gai ốc, cô ạ, - anh ta nói. - Nơi này quá nhỏ cho một người to lớn.
- Vào đi. Giữ im lặng nhé. Bất cứ âm thanh rủi ro nào cũng có thể làm chúng ta bị lộ. Bà Leclerc ở bên cạnh rất tò mò và có thể là một chỉ điểm, anh hiểu không? Cha tôi cũng sẽ về nhà sớm thôi. Ông ấy làm việc cho một chỉ huy cao cấp của Đức.
-Ồ!
Isabelle không biết từ đó có nghĩa gì, mồ hôi nàng toát đầm đìa đến mức quần áo bắt đầu dính sát vào ngực nàng. Nàng nghĩ gì mà đề nghị giúp đỡ người đàn ông này?
- Nhỡ tôi phải... cô hiểu không? - Anh ta hỏi.
- Cố nhịn. - Nàng đẩy anh ta vào căn phòng, đưa cho anh ta cái gối và chăn trên giường nàng. - Tôi sẽ trở lại khi nào có thể. Im lặng, rõ chưa?
Anh ta gật đầu.
- Cảm ơn cô.
Isabelle không thể kìm được cái lắc đầu.
- Tôi là một con ngốc. Một con ngốc. - Nàng đóng cửa lại cho anh ta và đẩy cái tủ đứng vào chỗ cũ, không hẳn đúng nhưng lúc này thế cũng đủ rồi. Nàng phải tống khứ bộ đồ bay và những cái phù hiệu đi trước khi cha nàng về nhà.
Nàng đi chân đất qua căn hộ, nhẹ nhàng hết mức. Nàng không kịp nghĩ những người ở tầng dưới có để ý đến tiếng tủ xê dịch hoặc có quá nhiều người ở trên này không. Cẩn tắc vô ưu. Nàng lèn bộ đồ bay vào túi mua hàng Samaritaine và ôm chặt vào ngực.
Rời căn hộ, nàng bỗng cảm thấy nguy hiểm. Nhưng ở lại cũng thế thôi.
Nàng rón rén đi qua căn hộ của bà Leclerc và chạy ào xuống cầu thang.
Ra đến ngoài, nàng hít một hơi.
Giờ làm gì? Nàng không thể ném thứ này bừa bãi. Nàng không muốn người khác gặp rắc rối...
Lần đầu tiên, nàng biết ơn lệnh tắt đèn toàn thành phố. Nàng lủi vào bóng tối trên hè và mất hút. Người Paris rất hiếm khi ra đường lúc sát giờ giới nghiêm này và bọn Đức quá mải uống vang Pháp nên không liếc ra ngoài.
Nàng hít một hơi thật sâu, cố trấn tĩnh. Ngẫm nghĩ. Nàng biết giờ giới nghiêm sắp đến - dù đó không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của nàng. Mà là cha nàng sắp về nhà.
Dòng sông.
Nàng chỉ cách sông vài khối nhà, và dọc bến cảng có nhiều cây to.
Nàng tìm ra một con phố nhỏ hơn có rào chắn và tìm đường tới con sông, đi qua một dãy những xe tải quân sự đỗ dọc phố.
Trong đời, nàng chưa bao giờ đi chậm đến thế. Mỗi lần một bước - thở một hơi. Khoảng cách năm chục bước cuối cùng giữa nàng và bờ sông Seine hình như lớn lên, nở ra theo từng bước nàng đi, rồi lại lớn hơn nữa lúc nàng xuống các bậc sát mặt nước, nhưng rốt cuộc nàng đã đến đó, đứng bên dòng sông. Nàng nghe thấy những dây neo tàu kẽo kẹt trong bóng tối, tiếng sóng vỗ vào thân tàu bằng gỗ. Một lần nữa, nàng tưởng như nghe thấy những tiếng chân đằng sau mình. Lúc nàng im, chúng cũng im. Nàng đợi ai đó đến sau lưng nàng, hỏi giấy tờ.
Không có gì. Nàng đang tưởng tượng ra thôi.
Một phút trôi qua. Rồi phút nữa.
Nàng ném cái túi vào làn nước tối tăm rồi ném mạnh những phù hiệu. Làn nước đen ngòm, cuồn cuộn nuốt chửng chứng cứ ngay lập tức.
Lúc trèo lên các bậc thang, băng qua phố và hướng về nhà, nàng vẫn thấy run.
Đến cửa căn hộ, ngón tay nàng sục vào mớ tóc ướt mồ hôi và kéo lớp áo bằng vải bông ẩm khỏi ngực.
Ngọn đèn duy nhất đã bật. Ngọn chúc đài. Cha nàng ngồi khom lưng bên bàn trong phòng ăn, giấy tờ trải rộng trước mặt. Ông có vẻ phờ phạc và quá gầy gò. Nàng bỗng tự hỏi gần đây ông ăn uống ra sao. Trong những tuần lễ nàng ở nhà, chưa một lần nàng thấy ông ăn bữa nào. Họ ăn riêng - như mọi việc họ làm. Nàng cứ nghĩ ông ăn những đầu thừa đuôi thẹo của bọn chỉ huy Đức. Bây giờ nàng muốn biết.
- Con về muộn, - ông nói, giọng khàn khàn.
Nàng nhận ra chai brandy trên bàn. Chỉ còn một nửa. Hôm qua nó đầy nguyên. Ông thường kiếm brandy bằng cách nào? “Bọn Đức không chịu về”. Nàng tiến thẳng đến bàn và đặt vài franc xuống.
- Hôm nay là một ngày may mắn. Con thấy các bạn của ba ở Bộ Tư lệnh đã cho ba thêm brandy.
- Bọn Đức Quốc xã không cho nhiều thế đâu, - ông đáp.
- Thật thế ạ. Vậy là ba đã kiếm ra nó.
Có tiếng động, có lẽ thứ gì đó cào vào sàn gỗ cứng.
- Cái gì thế? - Cha nàng hỏi và ngước nhìn.
Lại một tiếng khác, giống như gỗ cào vào gỗ.
- Có ai đó trong căn hộ này, - cha nàng nói.
- Đừng vô lý thế, ba.
Ông đứng phắt dậy và ra khỏi phòng. Isabelle chạy theo ông.
- Ba...
- Xuỵt, - ông rít lên.
Ông men theo lối đi, tiến vào phần căn hộ không chiếu sáng. Đến cái tủ gần cửa, ông cầm một cây nến trên giá cắm bằng đồng và châm lửa.
- Ba không nghĩ là có người phá cửa vào chứ, - nàng nói.
Ông ném cho nàng một cái nhìn khắc nghiệt, mắt ông nheo lại.
- Ba sẽ không bảo con im đi lần nữa. Giờ thì ngậm miệng lại. - Hơi thở của ông nặc mùi brandy và thuốc lá.
- Nhưng tại sao...
- Câm mồm. - Ông quay lưng về phía nàng và đi theo hành lang hẹp, ván sàn mấp mô tới các phòng ngủ.
Ông qua phòng kho (bên trong không có gì ngoài những chiếc áo khoác) và theo con đường rung rinh trong ánh nến, vào phòng cũ của Vianne. Căn phòng vắng ngắt, ngoài cái giường, bàn đầu giường và bàn viết. Ở đây, mọi thứ đâu vào đấy. Ông chậm rãi quỳ gối và nhìn vào gầm giường.
Cuối cùng, hài lòng vì căn phòng rỗng tuếch, ông đến phòng Isabelle.
Ông có nghe thấy tiếng tim nàng đập thùm thụp trong lồng ngực không?
Ông kiểm tra phòng nàng - gầm giường, sau cửa, sau những tấm rèm màu đỏ tươi rủ từ trần đến sàn, che đi khung cửa sổ bịt kín, nhìn ra sân trong.
Isabelle ép mình không nhìn vào cái tủ đứng.
- Ba thấy chưa? - Nàng nói to, hy vọng người phi công nghe thấy các giọng nói và ngồi yên. - Không có ai ở đây. Thực ra, làm việc cho kẻ thù khiến ba mắc chứng hoang tưởng đấy.
Ông quay sang nàng. Trong ánh nến, khuôn mặt ông càng hốc hác và tàn tạ.
- Biết sợ sẽ không làm con đau, con hiểu không?
Một lời đe dọa chăng?
- Sợ ba? Hay bọn Đức Quốc xã?
- Con không để ý gì hết sao, Isabelle? Con nên sợ tất cả mọi người. Giờ, tránh đường cho ta. Ta cần uống một cốc.
18
Isabelle nằm trên giường nghe ngóng. Khi biết chắc cha đã ngủ (do say rượu là cái chắc), nàng rời khỏi giường, tìm cái bô bằng sứ của bà nội, cầm lấy và đứng trước tủ.
Rất chậm - mỗi lần một phân - nàng xê tủ ra xa tường. Chỉ đủ mở cái cửa bị che khuất.
Bên trong tối om và im ắng. Chỉ khi lắng nghe chăm chú, nàng mới thấy tiếng anh ta thở.
- Anh ơi, - nàng thì thầm.
- Chào cô, - tiếng nói vọng ra từ bóng tối.
Nàng châm ngọn đèn dầu cạnh giường và mang cái bô vào trong.
Anh ta đang ngồi dựa vào tường, chân duỗi ra. Trong ánh nến, hình như anh ta mềm mại hơn. Trẻ hơn.
Nàng đưa cái bô ra và thấy má anh ta đỏ ửng lúc nhận lấy.
- Cảm ơn cô.
Nàng ngồi xuống, đối diện anh.
- Tôi đã tống khứ đám phù hiệu và bộ đồ bay của anh đi rồi. Còn đôi ủng phải cắt bớt để anh còn đi. Dao đây. Sáng mai, tôi sẽ đưa cho anh quần áo của cha tôi, không biết có vừa không.
Anh ta gật đầu.
- Kế hoạch của cô là gì?
Nàng mỉm cười, căng thẳng.
- Tôi chưa chắc chắn. Anh là phi công ư?
- Trung úy Torrance MacLeish. RAF. Máy bay của tôi bị bắn rơi ở Reims.
- Từ lúc ấy anh lẩn trốn một mình à? Trong bộ đồ bay?
- May mắn là hồi nhỏ, tôi và em trai thường chơi trò trốn tìm.
- Ở đây anh không an toàn đâu.
- Tôi hiểu. - Anh ta mỉm cười và sắc mặt thay đổi hẳn, nhắc nàng nhớ rằng anh ta chỉ là một chàng trai xa nhà. - Tôi đã làm ba máy bay Đức rơi cùng với tôi, nếu tin này làm cô dễ chịu hơn.
- Anh cần trở về Anh, để có thể bay lại.
- Tôi không thể mong gì hơn. Nhưng bằng cách nào? Toàn bộ bờ biển đều bị chăng dây thép gai và có chó tuần tra. Tôi không thể rời nước Pháp bằng tàu thủy hoặc đường hàng không.
- Tôi có... vài người bạn đang làm việc này. Ngày mai chúng ta sẽ đi gặp họ.
- Cô rất can đảm, - anh dịu dàng nói.
- Hoặc ngu xuẩn, - nàng nói và không biết chắc chắn cái gì là đúng. - Mọi người thường bảo tôi là người bốc đồng và ương ngạnh. Tôi hình dung ngày mai, các bạn tôi sẽ 1ại nói thế.
- Cô ơi, còn tôi thì muốn nói rằng, cô rất dũng cảm.
+++++
Sáng hôm sau, Isabelle nghe thấy tiếng cha đi qua phòng nàng. Lát sau, nàng ngửi thấy mùi cà phê thoảng nhẹ, rồi sau đó là tiếng cửa trước đóng lại.
Nàng đến phòng của cha, ở đó một đống quần áo hỗn độn vứt trên sàn, giường chưa dọn, một chai brandy rỗng nằm lăn lóc cạnh bàn viết. Nàng kéo cái mành cửa sổ và ngó qua ban công vắng vẻ xuống đường phố bên dưới, thấy cha nàng trên vỉa hè. Ông ôm chiếc cặp đen vào sát ngực (làm như thơ của ông có ý nghĩa với mọi người lắm), cái mũ đen kéo sụp xuống mắt. Lom khom như một thư ký làm việc quá sức, ông đi đến xe điện ngầm. Khi ông đã khuất tầm nhìn của Isabelle, nàng đến cái tủ trong phòng ông và lục lọi tìm quần áo cũ. Một cái áo len dài tay cổ lọ kỳ quái, cánh tay bị tưa chỉ, cái quần nhung kẻ cũ, vá ở mông, đã mất vài khuy, và cái mũ nồi màu xám.
Isabelle thận trọng đẩy tủ ra và mở cửa. Căn phòng bí mật đầy mùi mồ hôi và nước tiểu, nồng nặc đến mức nàng phải đưa tay lên bịt chặt mũi và miệng cho khỏi nôn.
- Xin lỗi cô, - MacLeish nói, bẽn lẽn.
- Mặc vào đi. Rửa mặt ở cái bình kia và gặp tôi trong phòng khách. Đẩy cái tủ lại. Di chuyển thật khẽ. Dưới nhà có nhiều người đấy. Có thể họ biết cha tôi đã đi rồi và nghĩ rằng chỉ có một người đi loanh quanh trên này.
Lát sau, MacLeish vào bếp, mặc những đồ bỏ đi của cha nàng. Trông anh như một nhân vật trong truyện cổ tích, lớn như thổi sau một đêm. Cái áo len căng ra trên bộ ngực rộng và cái quần nhung kẻ quá chật, không thể cài khuy nơi eo. Anh đội cái mũ nồi bẹp trên đỉnh đầu, trông như cái mũ chỏm của đàn ông Do Thái.
Không ổn! Làm sao nàng có thể đưa anh ta qua thành phố giữa ban ngày ban mặt trong bộ dạng này được?
- Tôi có thể làm được, - MacLeish nói. - Tôi sẽ đi sau cô. Cứ tin tôi. Tôi đã từng đi lang thang trong bộ đồ bay. Việc này dễ thôi mà.
Lúc này rút lui đã quá muộn. Nàng đã đưa anh ta về và che giấu. Giờ đây, nàng cần đưa anh ta đến nơi nào đó an toàn.
- Đi cách tôi ít nhất một khối nhà. Nếu tôi dừng lại, anh cũng phải dừng.
- Nếu tôi bị tóm, cô cứ đi tiếp nhé. Đừng ngoảnh lại.
Bị tóm có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bắt giữ. Nàng bước đến chỗ anh, sửa cái mũ nồi nghiêng đi cho lịch sự. Cái nhìn đăm đăm của nàng khóa lấy cái nhìn của anh.
- Nhà anh ở đâu, trung úy MacLeish?
- Ipswich. Cô sẽ báo cho cha mẹ tôi... nếu cần thiết nhé?
- Sẽ không cần đâu, trung úy. - Nàng hít một hơi sâu. Anh nhắc nàng nhớ đến sự mạo hiểm khi nàng nhận giúp anh. Những giấy tờ giả trong xắc nàng - thẻ căn cước với tên Juliette Gervaise ở Nice, rửa tội ở Marseille, là sinh viên đại học Sorbonne - là sự che chở duy nhất nếu có chuyện không hay xảy ra. Nàng mở cửa trước và ngó ra ngoài. Đầu cầu thang vắng vẻ. Nàng đẩy anh ra và nói:
- Đi đi. Đứng ngoài, cạnh cửa hàng bỏ không của người làm mũ. Rồi đi theo tôi.
Anh loạng choạng bước ra khỏi căn hộ, và nàng đóng cửa lại sau anh.
Một. Hai. Ba.
Nàng thầm đếm, hình dung sự rắc rối theo từng bước chân. Khi không thể chịu đựng thêm nữa, nàng ra khỏi căn hộ và xuống cầu thang.
Tất cả đều im ắng.
Nàng thấy anh ở bên ngoài, đứng đúng nơi nàng bảo. Nàng hếch cằm, đi qua anh ta không hề liếc một cái.
Trên đường đến Saint-Germain, Isabelle đi nhanh, không rẽ lần nào, không lần nào nhìn lại. Vài lần nàng nghe thấy lính Đức quát Dừng lại! và thổi còi. Hai lần nàng nghe tiếng súng, nhưng cũng không chậm bước hoặc nhìn quanh.
Lúc đến bên cánh cửa màu đỏ của căn hộ trên phố Saint-Simon, nàng toát mồ hôi và hơi choáng váng.
Nàng gõ bốn lần, nhanh và liên tiếp.
Cửa mở.
Anouk xuất hiện trong khe cửa mở hé. Mắt chị mở to sửng sốt. Chị mở cửa và lùi lại.
- Cô đến đây làm gì?
Đằng sau Anouk là mấy người đàn ông Isabelle đã gặp lúc trước, họ ngồi quanh bàn, bản đồ trước mặt, những tuyến đường màu lơ nhạt được ánh nến rọi sáng.
Anouk định đóng cửa thì Isabelle nói:
- Để cửa mở.
Sự căng thẳng theo sau lời nàng. Nàng thấy nó quét qua phòng, làm biến đổi mọi sắc mặt quanh nàng. Bên bàn, ông Lévy bắt đầu cất tấm bản đồ.
Isabelle liếc ra ngoài và thấy MacLeish đang tiến tới đường dành cho người đi bộ. Anh bước vào căn hộ và đóng cửa lại sau lưng. Không ai nói gì.
Sự chú ý của họ dồn hết vào Isabelle.
- Đây là trung úy Torrance MacLeish của RAF. Phi công. Tối qua, tôi tìm thấy anh ấy nấp trong bụi cây gần nhà tôi.
- Và cô đưa anh ta tới đây, - Anouk châm điếu thuốc.
- Anh ấy cần trở về Anh, - Isabelle nói. - Tôi nghĩ...
- Không, - Anouk nói. - Cô đã không suy nghĩ.
Ông Lévy ngồi yên trên ghế, vừa rút một điếu Gauloise trong túi áo ngực, vừa châm lửa vừa săm soi người phi công.
- Chúng tôi biết có nhiều người nữa trong thành phố này, và người trốn khỏi các nhà tù của Đức còn nhiều hơn. Chúng tôi muốn đưa họ ra ngoài, nhưng bờ biển và các sân bay đều bị phong tỏa. - Ông rít một hơi thuốc dài, đầu điếu thuốc đỏ rực và kêu tanh tách rồi đen dần. - Chúng tôi đang tiến hành công việc này.
- Tôi biết, - Isabelle nói điềm tĩnh. Nàng cảm thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Nàng lại hành động hấp tấp một lần nữa chăng? Họ thất vọng vì nàng sao? Nàng cũng chẳng biết. Lẽ ra nàng nên phớt lờ MacLeish đi? Nàng đang định hỏi một câu thì nghe thấy tiếng người nói chuyện trong phòng khác.
Nàng cau mày hỏi:
- Còn ai ở đây nữa vậy?
- Nhiều người khác, - Lévy trả lời. - Mọi người luôn đến đây. Không liên quan đến cô đâu.
- Thực tế là chúng tôi cần một kế hoạch cho các phi công, - Anouk nói.
- Chúng tôi tin có thể đưa họ ra khỏi Tây Ban Nha, - ông Lévy nói. - Nếu chúng tôi có thể đưa họ vào Tây Ban Nha.
- Dãy Pyrénées* , - Anouk nói.
Dãy núi ở Tây Nam châu Âu, là biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha, dài 435 km.
Isabelle đã nhìn thấy Pyrénées, vì thế nàng hiểu lời nhắc nhở của Anouk. Những đỉnh núi nhọn hoắt, vút cao khó tưởng tượng nổi ẩn trong các đám mây, thường phủ đầy tuyết hoặc chìm trong sương mù. Mẹ nàng rất yêu Biarritz, một thành phố nhỏ bên bờ biển gần đó, nên trong những ngày tươi đẹp xa xưa, cả gia đình đã nghỉ hè ở đó hai lần.
- Biên giới với Tây Ban Nha bị cả quân Đức và Tây Ban Nha tuần tra, - Anouk nói.
- Toàn bộ biên giới ư? - Isabelle hỏi.
- Ồ, không. Tất nhiên không phải toàn bộ. Nhưng ai mà biết nơi nào có bọn chúng hay không? - Lévy nói.
- Các quả núi nhỏ hơn gần Saint-Jean-de-Luz, - Isabelle lưu ý.
- Phải, nhưng vậy thì sao? Vẫn không thể vượt qua và vài con đường ít ỏi thì lại bị canh giữ, - Anouk đáp.
- Bạn thân nhất của mẹ tôi là người Basque, có bố là người chăn dê. Ông ta thường xuyên vượt qua các quả núi ấy.
- Chúng tôi đã nghĩ đến rồi. Thậm chí chúng tôi đã thử một lần, - Lévy nói. - Sau đó, không nghe tin của người nào trong tốp ấy nữa. Một người vượt qua các trạm gác của Đức ở Saint-Jean-de- Luz đã đủ khó, nói chi đến vài người, hơn nữa còn phải đi bộ băng núi. Gần như là không thể.
- Gần như không thể và không thể là không giống nhau. Nếu những người chăn dê có thể vượt qua các quả núi thì nhất định các phi công cũng làm được, - Isabelle nói. Đúng lúc ấy, một ý nghĩ chợt đến với nàng. - Và một phụ nữ có thể dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát. Nhất là một phụ nữ trẻ. Chẳng ai nghi ngờ một cô gái dễ thương.
Anouk và Lévy nhìn nhau.
- Tôi sẽ làm việc này, - Isabelle nói. - Hoặc thử làm, dù thế nào đi nữa. Tôi sẽ đưa viên phi công này đi. Còn những người khác thì sao?
Ông Lévy cau mày. Rõ ràng là sự xoay chiều của các khả năng khiến ông ngạc nhiên. Khói thuốc lá như đám mây xanh - xám giữa họ.
- Trước kia cô đã trèo núi chưa?
- Tôi dư sức, - nàng trả lời.
- Nếu chúng bắt được cô, chúng sẽ bỏ tù... hoặc giết cô, - ông nói khẽ. - Hãy gạt bỏ tính hấp tấp sang một bên trong chốc lát và suy nghĩ cho chín, Isabelle. Đây không phải là việc chuyển một mảnh giấy. Cô đã thấy những thông báo dán khắp thành phố chưa? Phần thưởng cho những người giúp đỡ kẻ thù ấy?
Isabelle nghiêm túc gật đầu.
Anouk thở dài nặng nề, dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn đầy tràn. Chị đăm đăm nhìn Isabelle một lúc lâu, mắt chị nheo lại, rồi chị bước tới mở cánh cửa đằng sau bàn. Chị đấy cửa mở hé ra và huýt gió, tạo một âm rung như tiếng hót của một con chim nhỏ.
Isabelle nhăn mặt. Nàng nghe thấy gì đó trong căn phòng kia, tiếng một chiếc ghế đẩy lùi khỏi bàn, và tiếng bước chân.
Gaëton bước vào phòng.
Anh ăn vận tồi tàn, quần nhung kẻ vá ở đầu gối và rách gấu, hơi quá ngắn, chiếc áo len dài tay như treo trên khung người dẻo dai của anh, cổ áo rách toạc chẳng ra hình thù gì. Mái tóc đen của anh giờ dài hơn, chưa cắt tỉa và chải mượt ra sau khuôn mặt giờ đã góc cạnh hơn gần giống mặt sói. Gaëton nhìn nàng như thể chỉ có hai người họ trong phòng.
Ngay lập tức, mọi thứ đều mất hết tác dụng. Cảm giác bị coi thường, bị phớt lờ ào ạt ùa về. Chỉ nhìn thấy anh thôi là nàng đã nghẹn thở.
- Cô biết Gaët, - Anouk nói.
Isabelle hắng giọng. Nàng hiểu rằng anh biết nàng ở đây ngay từ đầu và anh quyết tránh nàng. Lần đầu tiên từ khi gia nhập nhóm bí mật này, Isabelle cảm thấy mình non nớt lạ lùng. Bị gạt ra rìa. Mọi người đều biết chuyện này? Liệu sau lưng nàng, họ có cười cợt sự ngây thơ của nàng không?
- Vâng.
- Là thế này, - Lévy nói sau một khoảng lặng nặng nề. - Isabelle có một kế hoạch.
Gaëton không cười.
- Cô ấy ư?
- Cô ấy muốn dẫn người phi công này và những người khác leo núi, băng qua dãy Pyrénées và đưa họ vào Tây Ban Nha. Tôi đoán là đến lãnh sự quán Anh.
Gaëton rủa khẽ.
- Chúng ta cần thử cái gì đó, - Lévy nói.
- Cô có thực sự hiểu mối hiểm họa này không, Isabelle? - Anouk hỏi và tiến về phía trước. - Nếu cô thành công, bọn Đức Quốc xã sẽ biết tin. Chúng sẽ săn lùng cô. Chúng đã treo giải thưởng mười ngàn franc cho bất cứ ai chỉ điểm kẻ đã giúp các phi công.
Trong đời nàng, Isabelle luôn phản ứng một cách dễ dàng. Người ta bỏ nàng lại sau, nàng vẫn đi theo. Người ta bảo nàng không thể làm việc này, nàng vẫn cứ làm bằng được. Mọi rào chắn đều được nàng biến thành một cánh cổng.
Nhưng lần này...
Nàng để mặc cho nỗi sợ hãi khiến nàng run và suýt từ bỏ. Lúc đó nàng nhớ tới những lá cờ chữ thập ngoặc bay trên tháp Eiffel, Vianne đang sống với kẻ thù còn Antoine lưu lạc trong một trại tù binh nào đó. Và Edith Cavell. Chắc chắn cũng có lúc bà sợ hãi. Isabelle sẽ không để nỗi sợ trở thành tính cách của nàng. Các phi công cần quay về Anh để ném thêm bom xuống bọn Đức.
Isabelle quay sang viên phi công.
- Anh còn sức chứ, trung úy? - Nàng hỏi bằng tiếng Anh. - Anh có thể theo kịp một cô gái vượt núi không?
- Tôi có thể. Nhất là với một người đẹp như cô. Tôi sẽ không để cô thoát khỏi tầm mắt tôi.
Isabelle quay lại nói với những người đồng bào của nàng.
- Tôi sẽ đưa anh ta tới lãnh sự quán Anh ở San Sebastian. Ở đó, sẽ có những người Anh đưa anh ta hồi hương.
Isabelle thấy cuộc trò chuyện đã chuyển thành sự im lặng vây quanh nàng, những lo âu và câu hỏi không nói nên lời. Một quyết định đạt tới trong im lặng. Mọi người trong phòng đều hiểu có những rủi ro phải chấp nhận.
- Sẽ mất nhiều tuần để lập kế hoạch. Có khi còn dài hơn, - Lévy nói. Ông quay sang Gaëton. - Chúng tôi cần tiền ngay lập tức. Cậu sẽ báo cho đầu mối liên lạc của cậu chứ?
Gaëton gật đầu. Anh vớ cái mũ nồi trên tủ ly đội vào.
Isabelle không thể ngoảnh đi. Nàng giận anh, nàng biết điều đó, cảm thấy nó, nhưng lúc anh tiến đến chỗ nàng, cơn giận khô cạn và bay biến như khói bụi dưới nỗi khát khao khó cưỡng của nàng đối với anh. Cái nhìn chăm chú của họ gặp nhau, kìm nén, rồi anh đi qua nàng, xoay quả đấm cửa và ra ngoài. Cánh cửa đóng tách sau lưng anh.
- Nào, - Anouk nói. - Lập kế hoạch thôi. Chúng ta nên bắt đầu.
+++++
Isabelle ngồi bên bàn ở căn hộ phố Saint-Germain suốt sáu tiếng đồng hồ liền. Họ đưa nhiều người khác vào trong mạng lưới và giao nhiệm vụ: thu thập quần áo cho các phi công và những đồ dự trữ. Họ tra cứu bản đồ và vạch ra những con đường, rồi bắt đầu một hành trình dài, chưa chắc chắn về việc bố trí những ngôi nhà an toàn dọc đường. Đến một lúc, họ bắt đầu nhận ra thực tế thay vì chỉ là một ý tưởng táo bạo và liều lĩnh.
Chỉ khi ông Lévy nhắc đến giờ giới nghiêm, Isabelle mới đứng lên khỏi bàn. Họ có ý bảo nàng ở lại đêm nay, nhưng như vậy sẽ khiến cha nàng nghi ngờ. Nàng mượn chiếc áo khoác to sụ, nặng trịch màu đen của Anouk và mặc vào, thú vị vì cách hóa trang này.
Đại lộ Saint-Germain im ắng kỳ lạ, các cửa chớp đóng chặt và kín bưng, đèn đường tối om.
Nàng đi sát vào các tòa nhà, thầm cảm ơn gót giày mòn vẹt không gây tiếng động trên vỉa hè. Nàng lẻn qua các rào chắn và vòng tránh những tốp lính Đức tuần tra trên phố.
Lúc gần tới nhà, nàng nghe thấy tiếng gầm của động cơ. Một xe tải Đức chạy rề rề trên phố đằng sau nàng, đèn pha sơn xanh tắt ngóm.
Nàng ép sát người vào bức tường đá thô ráp đằng sau và chiếc xe như một bóng ma chạy qua, gầm rú trong bóng tối. Sau đó, tất cả im ắng trở lại.
Một con chim cất tiếng hót, tiếng nó láy rền, rung ngân. Rất quen.
Isabelle biết nàng đang đợi anh, mong ngóng...
Nàng từ từ thẳng người, đứng dậy. Bên cạnh nàng, một chậu cây tỏa hương thơm ngát.
- Isabelle, - Gaëton gọi.
Nàng hầu như không thể nhìn thấy nét mặt anh trong bóng tối, nhưng có thể ngửi thấy mùi sáp thơm chải tóc của anh, mùi gắt của xà phòng giặt và mùi thuốc lá anh hút trước đó.
- Sao anh biết em đang làm việc với Paul?
- Em nghĩ là ai giới thiệu em?
Nàng nhăn trán:
- Henri...
- Ai kể với Henri về em nào ? Anh đã bảo Didier đi theo em ngay từ ban đầu, canh chừng cho em. Anh biết em sẽ tìm ra con đường đến với bọn anh.
Gaëton giơ tay, vuốt tóc ra sau tai, và động tác quen thuộc ấy khiến nàng mong mỏi ngóng trông. Nàng nhớ mình đã nói “Em yêu anh”, cảm giác xấu hổ cùng nỗi mất mát cồn cào trong lòng. Nàng không muốn nhớ tới việc anh đã khiến nàng cảm thấy ra sao, anh đã xé thịt thỏ nướng cho nàng ăn và bế nàng khi nàng quá mệt không đi nổi... và cho nàng thấy một nụ hôn có ý nghĩa biết chừng nào.
- Xin lỗi đã làm em tổn thương, - Gaëton nói.
- Sao anh làm thế?
- Bây giờ nó chẳng còn ý nghĩa gì. - Anh thở dài, - Hôm nay, lẽ ra anh nên ở lại căn phòng đằng sau. Không gặp em thì tốt hơn.
- Với em thì không như thế.
Anh mỉm cười.
- Em có thói quen nói toẹt ra những gì trong đầu, phải không Isabelle?
- Luôn là thế. Tại sao anh rời bỏ em?
Anh chạm vào mặt nàng, dịu dàng đến mức làm nàng muốn khóc, sự động chạm ấy như một lời từ biệt, và nàng hiểu điều đó.
- Anh muốn quên em.
Nàng muốn nói thêm nữa, có thể là “hôn em đi”, hoặc “anh đừng đi”, hay “hãy nói em có ý nghĩa với anh như thế nào đi”, nhưng đã quá muộn, khoảnh khắc này - dù là gì đi nữa - đã là quá khứ. Anh đang bước ra xa nàng, đang biến vào bóng tối. Anh nói dịu dàng: “Cẩn thận nhé, Iz”, và nàng chưa kịp trả lời đã biết anh đi rồi, nàng cảm thấy sự vắng mặt của anh thấm thía tận xương tủy.
Nàng đợi thêm lúc nữa, để nhịp tim đập chậm dần và xúc cảm của nàng dịu lại, lúc đó nàng mới về nhà. Nàng vừa mở khóa cửa trước thì cảm thấy bị kéo giật vào bên trong. Cánh cửa đóng sầm lại sau lưng nàng.
- Con đã ở chỗ quái nào vậy, hả?
Hơi thở sặc mùi rượu của cha trùm lên người nàng, sự ngọt ngào như một tấm áo choàng che đi một thứ gì đó u ám, cay đắng. Hình như ông đang nhai aspirin. Nàng cố giằng ra nhưng ông giữ nàng chặt đến mức gần như một cái ôm, ông nắm chặt cổ tay nàng để lại một vết bầm tím.
Rồi ông buông nàng ra, cũng nhanh như lúc ông tóm lấy nàng. Nàng loạng choạng lùi lại, đập vào công tắc đèn. Nàng ấn công tắc nhưng không thấy gì.
- Hết tiền trả tiền điện rồi, - cha nàng nói. Ông châm ngọn đèn dầu, cầm nó giữa hai người. Trong ánh sáng rung rinh, nom ông như tạc bằng sáp ong tan chảy, gương mặt đầy nếp nhăn của ông chùng xuống, mí mắt sưng phồng và hơi xanh. Trên cái mũi bẹt của ông cho thấy những lỗ chân lông to bằng đầu đinh ghim. Kể cả với mọi thứ đó... với cả vẻ mệt mỏi và già nua đột ngột của ông, ánh mắt ông khiến nàng cau mày.
Một cái gì đó không ổn.
- Đi với ba, - ông nói, tiếng ông kèn kẹt và gay gắt, không thể nhận ra thời điểm này trong đêm mà không hề líu nhíu. Ông dẫn nàng xuống, qua phòng kho và rẽ vào góc phòng nàng. Vào trong, ông quay nhìn nàng.
Đằng sau ông, trong ánh đèn, nàng trông thấy cái tủ đã chuyển dịch và cánh cửa vào phòng bí mật hé mở. Mùi nước tiểu nồng nặc. ơn Chúa là viên người phi công đã đi rồi.
Isabelle lắc đầu, không sao thốt nên lời.
Ông ngồi xuống, lún sâu vào mép giường nàng và cúi đầu.
- Lạy Chúa tôi, Isabelle. Con là kẻ cực ngu ngốc.
Nàng không thể nhúc nhích. Hoặc suy nghĩ. Nàng liếc nhìn cánh cửa phòng ngủ, không biết phải giải thích thế nào.
- Không có gì đâu, ba. Một chàng trai.
- Thế hả?
- Một cuộc hẹn hò. Bọn con chỉ hôn nhau thôi, ba ạ.
- Mọi việc tụi bay hẹn hò là đi tiểu trong phòng chứa đỗ. Hẳn là con được nhiều thằng ngưỡng mộ lắm nhỉ? - Ông thở dài. - Thôi cái trò giả vờ ngớ ngẩn ấy đi.
- Giả vờ ngớ ngẩn ư?
- Đêm qua con tìm thấy một phi công và giấu anh ta trong phòng kho, và hôm nay con đưa anh ta đến chỗ ông Lévy.
Isabelle không biết mình nghe có đúng không.
- Gì ạ?
- Người phi công bị bắn rơi của con - cái người đã đi tè trong phòng kho và để lại những vết ủng trong tiền sảnh, - con dẫn anh ta tới chỗ ông Lévy.
- Con không hiểu ba đang nói gì.
- Con giỏi lắm, Isabelle.
Ông im lặng và nàng không thể chịu nổi tình trạng hồi hộp này.
- Ba ơi?
- Ba biết con đến đây làm người đưa tin cho tổ chức bí mật và con làm việc với mạng lưới của ông Lévy.
- Sao-ao...
- Ông Lévy là một người bạn thân của ba. Thực ra, khi bọn Đức Quốc xã xâm chiếm, ông ấy đã đến với ba, rứt ba khỏi chai brandy là tất cả những gì ba quan tâm khi đó. Ông đưa ba tới công việc.
Isabelle cảm thấy chao đảo, nàng không thể chịu đựng nổi. Ngồi cạnh cha thì thân mật quá, nên nàng ngồi xuống thảm.
- Ba không muốn con dính líu đến chuyện này, Isabelle. Chính vì thế việc đầu tiên là ba đưa con ra khỏi Paris. Ba không muốn con gặp nguy hiểm vì công việc của ba. Lẽ ra ba phải biết con sẽ tìm ra con đường riêng dẫn tới nguy cơ này.
- Còn tất cả những lần khác ba tống con đi thì sao?
Ngay lúc đó, nàng ước giá đừng hỏi câu ấy, nhưng lúc nàng nghĩ thì đã nói ra lời.
- Ba không phải là một người cha tốt. Cả hai chúng ta đều biết thế. Ít ra là từ khi mẹ con qua đời.
- Làm sao chúng ta biết được? Ba chưa bao giờ cố.
- Ba đã cố. Chỉ là con không nhớ thôi. Dù sao thì bây giờ mọi việc đã trôi theo dòng nước rồi. Chúng ta có những mối bận tâm lớn hơn.
- Vâng, - nàng đáp. Dù thế nào, quá khứ của nàng vẫn chung chiêng, mất cân bằng. Nàng không biết phải suy nghĩ hay cảm thấy thế nào. Tốt hơn hết là chuyển chủ đề hơn là nấn ná với nó. - Con đang... chuẩn bị một thứ. Con sẽ đi vắng một thời gian.
Ông nhìn nàng.
- Ba biết. Ba đã nói chuyện với Paul. - Ông im lặng một lúc lâu. -
Con phải hiểu rằng lúc này, cuộc sống của con đã thay đổi. Con sẽ phải sống bí mật, không thể ở đây với ba, không với ai hết. Con sẽ không được ở một chỗ hơn vài đêm. Con sẽ tuyệt đối không được tin ai. Con sẽ không còn là Isabelle Rossignol nữa, con sẽ là Juliette Gervaise. Bọn Đức Quốc xã và lũ tay sai sẽ luôn lùng sục con, và nếu chúng tìm ra con...
Isabelle gật đầu.
Một cái nhìn đầy thấu hiểu giữa hai cha con. Trong đó, Isabelle cảm thấy sự gắn kết chưa bao giờ có trước đây.
- Con phải biết là tù binh còn nhận được một vài khoan dung. Còn con không thể trông mong một điều gì hết.
Nàng gật đầu.
- Con có thể làm việc này không, Isabelle?
- Con có thể, ba ạ.
Ông gật đầu.
- Tên của người con đang tìm là Micheline Babineau. Bà ấy là bạn của mẹ con ở Urrugne. Chồng bà ấy đã bị giết trong Thế chiến I. Ba nghĩ bà ấy sẽ chào đón con. Hãy nói với Paul là ba cần những bức ảnh ngay lập tức.
- Những bức ảnh ư?
- Của các phi công. - Ông lại im lặng, sau đó mỉm cười. - Thế nào, Isabelle? Con không ghép các mảnh lại với nhau được sao?
- Nhưng...
- Ba làm giả giấy tờ, Isabelle ạ. Chính vì thế ba làm việc ở Bộ Tư lệnh. Ba bắt đầu bằng chính việc viết các truyền đơn con đã rải ở Carriveau, nhưng... hóa ra ba là nhà thơ có bàn tay của kẻ giả mạo. Con nghĩ ai đã cho con cái tên Juliette Gervaise?
- Nhưng-ưng...
- Con tin là ba cộng tác với kẻ thù. Ba không thể trách con được.
Bỗng nhiên, nàng nhìn thấy ở cha mình một người hoàn toàn xa lạ, một người đàn ông ốm yếu thay cho một người nghiệt ngã và xa cách mà nàng từng thấy. Nàng mạnh dạn đứng dậy, tiến tới và quỳ xuống trước ông. Nàng đăm đăm ngước nhìn ông, cảm thấy những giọt lệ nóng hổi làm mờ mắt mình.
- Sao ba lại đẩy con và chị Vianne đi xa?
- Ba mong rằng con không bao giờ biết con mỏng manh như thế nào, Isabelle.
- Con không mỏng manh, - nàng đáp.
Ông dành cho nàng một nụ cười gần như không tồn tại.
- Tất cả chúng ta đều mỏng manh, Isabelle ạ. Đó là điều chúng ta học được trong chiến tranh.