Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 07

13

Một ngày đẹp trời cuối tháng Tư năm 1941, Isabelle nằm duỗi dài trên tấm chăn len ngoài cánh đồng bên kia ngôi nhà. Mùi thơm của cỏ khô ngập đầy mũi nàng. Lúc nhắm mắt lại, nàng gần như quên cả tiếng động cơ xa xa của các xe tải Đức chở binh lính - và các sản vật của Pháp - ra ga tàu hỏa ở Tours. Sau một mùa đông thảm khốc, nàng tận hưởng nắng trời ru nàng vào giấc ngủ lơ mơ.

- Em ở đây à.

Isabelle thở dài và ngồi dậy.

Vianne mặc chiếc váy bằng vải bông màu xanh đã bạc, ngả xám vì thứ xà phòng thô ráp nhà làm. Sự đói khát đã hành hạ chị suốt mùa đông, làm gò má chị sắc nhọn và yết hầu chị sâu hoắm. Chiếc khăn quàng cũ quấn lên đầu, che đi mái tóc đã mất độ bóng và quăn.

- Cái này cho em. - Vianne chìa ra tờ giấy. - Vừa phát xong. Một người đàn ông. Gửi cho em, - chị nói, dường như chẳng buồn nhắc lại.

Isabelle vụng về trèo tới chân chị và chộp lấy tờ giấy trong tay Vianne. Trên đó nguệch ngoạc dòng chữ viết tay: Rèm đã mở. Isabelle với tấm chăn và bắt đầu gấp lại. Nó có ý nghĩa gì nhỉ? Trước kia, họ chưa bao giờ triệu tập nàng. Ắt phải có chuyện gì quan trọng xảy ra.

- Isabelle? Em không buồn giải thích sao?

- Không.

- Người đó là Henri Navarre. Con trai ông chủ khách sạn. Chị không nghĩ em quen anh ta.

Isabelle xé tờ giấy thành nhiều mảnh bé xíu và thả cho nó bay đi.

- Anh ta là đảng viên cộng sản, em biết đấy, - Vianne thì thào.

- Em phải đi đây.

Vianne chộp lấy cổ tay em gái.

- Em không thể lẻn ra ngoài suốt mùa đông để gặp gỡ một đảng viên cộng sản. Em thừa biết bọn Đức Quốc xã nghĩ gì về họ. Gặp người đàn ông này rất rủi ro.

- Chị tưởng em quan tâm xem bọn Đức Quốc xã nghĩ gì ư? - Isabelle nói và giật mạnh tay ra. Nàng chạy chân đất băng qua cánh đồng. Về đến nhà, nàng vơ đại đôi giày rồi nhảy lên xe đạp. Chào tạm biệt!* bà chị Vianne đang sững sờ, Isabelle đạp vút xuống con đường đất.

Tiếng Pháp trong nguyên bản.

Trong thành phố, nàng thả cho xe lao qua cửa hàng mũ bỏ hoang - đủ biết chắc là rèm đã mở - rồi rẽ vào ngõ hẻm lát đá cuội và dừng lại.

Nàng dựa xe vào bức tường đá vôi xù xì và gõ bốn lần. Cho đến tiếng gõ cuối cùng, nàng mới sực nghĩ có thể đây là một cái bẫy. Ý nghĩ ấy chợt đến khiến nàng hít vào một hơi đột ngột và liếc nhìn sang trái sang phải, nhưng lúc này đã quá muộn.

Henri mở cửa cho nàng.

Isabelle lách vào trong. Căn phòng mù mịt khói thuốc lá và nồng nặc mùi cà phê bằng rễ rau diếp xoăn rang cháy. Đâu đó phảng phất mùi máu, xúc xích đang làm. Người đàn ông vạm vỡ đã tóm nàng lần đầu tiên - Didier - ngồi trên cái ghế bằng gỗ mại châu cũ kỹ. Anh ta ngả người xa đến nỗi hai chân trước của ghế không chạm sàn và lưng anh ta dựa vào bức tường đằng sau.

- Anh không nên mang thư đến nhà tôi, Henri. Chị tôi đang cật vấn đấy.

- Có việc quan trọng chúng tôi cần nói ngay với cô.

Isabelle cảm thấy hơi giật mình vì háo hức. Cuối cùng, họ cũng yêu cầu nàng làm một việc quan trọng hơn là thả truyền đơn vào các thùng thư chăng?

- Tôi đến rồi đây.

Henri châm một điếu thuốc. Nàng có thể thấy anh ta quan sát nàng lúc thở ra làn khói xám và đặt bao diêm xuống.

- Cô có nghe tin một quận trưởng ở Chartres đã bị bắt và tra tấn vì là đảng viên cộng sản chưa?

Isabelle nhăn mặt:

- Chưa.

- Anh ta đã cắt họng mình bằng một mảnh thủy tinh để khỏi khai tên người khác hoặc thú nhận. - Henri dụi điếu thuốc dưới gót giày và cất phần còn lại vào túi để dành. - Anh ta kết hợp với một nhóm như chúng ta, những người chú ý đến lời kêu gọi của de Gaulle. Anh ta - người cắt cổ họng - đang cố đến London để trực tiếp nói chuyện với de Gaulle. Anh ta đang cố gắng tổ chức một phong trào Nước Pháp Tự do.

- Anh ta không chết ư? - Isabelle hỏi. - Hoặc cắt phải dây thanh đới?

- Không. Người ta bảo đây là một phép màu, - Didier nói.

Henri ngắm kỹ Isabelle.

- Tôi có một bức thư rất quan trọng, cần chuyển đến đầu mối của chúng ta ở Paris. Thật không may, dạo này tôi đang bị theo dõi gắt gao. Didier cũng thế.

- Ồ, - Isabelle nói.

- Tôi nghĩ đến cô, - Didier nói.

- Tôi ư?

Henri thọc tay vào túi, lấy ra một chiếc phong bì nhàu nát.

- Cô sẽ chuyển thư này đến người của chúng tôi ở Paris được không? Anh ta đợi nó một tuần, kể từ hôm nay.

- Nhưng... tôi không có Ausweis* .

Giấy thông hành (tiếng Đức trong nguyên bản).

- Phải, - Henri nói khẽ. - Và nếu cô bị bắt... - Anh ta để mối đe dọa lửng lơ. - Nếu cô từ chối, chắc chắn không ai nghĩ xấu về cô đâu. Việc này rất nguy hiểm.

Nguy hiểm là một cách nói nhẹ đi. Nhiều tấm biển treo khắp Carriveau về những cuộc xử tử xảy ra khắp nơi trong Vùng Chiếm đóng. Bọn Đức Quốc xã giết chết các công dân Pháp vì những vi phạm nhỏ nhất. Giúp đỡ phong trào Nước Pháp Tự do, Isabelle có thể bị bỏ tù là nhẹ nhất. Nàng vẫn tin tưởng vào một nước Pháp tự do theo kiểu chị nàng tin vào Chúa Trời.

- Vì thế anh muốn tôi lấy được giấy phép, đến Paris, chuyển một bức thư rồi về nhà. - Nói theo cách này nghe chừng không có vẻ đầy nguy hiểm.

- Không, - Henri nói. - Chúng tôi cần cô ở lại Paris và làm... hòm thư của chúng tôi, như thế đấy. Trong những tháng tới có nhiều thứ như thế này cần chuyển. Cha cô có một căn hộ ở đó phải không?

Paris.

Nó là thứ nàng ao ước từ khi cha nàng đuổi đi. Rời Carriveau và trở về Paris, là một phần trong mạng lưới của những người chống lại cuộc chiến tranh này.

- Cha tôi sẽ không cho tôi một chỗ để ở lại đâu.

- Hãy thuyết phục ông ấy, - Didier vừa nói một cách bình tĩnh, vừa quan sát nàng. Đánh giá nàng.

- Ông ấy không phải là người dễ thuyết phục, - nàng nói.

- Vậy là cô không thể làm việc này. Vậy thôi. Chúng tôi đã có câu trả lời.

- Gượm đã, - Isabelle nói.

Henri đến gần nàng. Nàng nhìn thấy vẻ miễn cưỡng trong mắt anh và hiểu rằng anh muốn nàng từ chối nhiệm vụ này. Chắc chắn anh lo cho nàng. Nàng hếch cằm lên và nhìn thẳng vào mắt anh.

- Tôi sẽ làm việc này.

- Cô sẽ phải nói dối mọi người cô yêu quý, và luôn sống trong sự hãi. Cô có thể sống kiểu đó không? Cô sẽ không cảm thấy an toàn ở bất cứ nơi đâu.

Isabelle bật cười, dứt khoát. Nó chẳng khác cuộc đời nàng đã sống từ khi còn là một cô bé là mấy.

- Anh sẽ trông nom chị tôi chứ? - Nàng hỏi Henri. - Bảo đảm cho chị ấy được an toàn nhé?

- Có một cái giá cho mọi công việc của chúng ta, - Henri nói. Anh nhìn nàng, ánh mắt buồn bã. Trong đó là sự thật mà tất cả đều hiểu. Sẽ không có sự an toàn. - Tôi mong cô hiểu điều đó.

Isabelle chỉ thấy cơ hội để nàng làm một việc có ý nghĩa.

- Khi nào tôi ra đi?

- Ngay khi cô lấy được giấy thông hành, việc đó không dễ đâu.

+++++

Con bé đang nghĩ gì về cái gọi là hạnh phúc thần tiên ấy?

Thực ra, một tin nhắn theo kiểu sân trường của một người đàn ông? Một người cộng sản?

Vianne mở gói thịt cừu dai nhách, khẩu phần của tuần này và để nó lên quầy bếp.

Isabelle luôn mãnh liệt, một sức mạnh tự nhiên, một cô gái thích phá vỡ các luật lệ. Vô số các bà xơ và giáo viên hiểu rằng Isabelle không thể là người chừng mực hoặc biết kiềm chế.

Nhưng đây không phải là việc hôn một chàng trai trên sàn khiêu vũ hoặc trốn đi xem xiếc hay không chịu mặc áo ngực và đi bít tất dài.

Đây là thời chiến trong một đất nước bị chiếm đóng. Làm thế nào Isabelle vẫn có thể tin rằng những lựa chọn của nó không có hậu quả?

Vianne bắt đầu băm nhỏ miếng thịt cừu. Chị trộn thêm một quả trứng quý giá và bánh mì cũ rồi nêm muối và hạt tiêu. Chị đang nặn thành những viên chả nhỏ thì nghe thấy tiếng mô tô chạy xình xịch tới ngôi nhà. Chị đến cửa trước và mở hé chỉ đủ ngó ra.

Có thể nhìn thấy đầu và vai Đại úy Beck bên trên bức tường đá lúc anh ta xuống xe. Lát sau, một chiếc xe tải quân sự màu xanh rẽ vào sau anh ta và đỗ lại. Ba lính Đức khác xuất hiện trong sân nhà chị. Bọn chúng trò chuyện với nhau rồi kéo đến bên bức tường bằng đá phủ hoa hồng mà cụ cố của chị xây dựng. Một tên lính giơ cái búa tạ và nện mạnh xuống bức tường, nó vỡ tan tành. Những hòn đá vỡ thành nhiều mảnh, một đám hoa hồng đổ rạp, những cánh hoa màu hồng rải rác trên cỏ.

Vianne chạy lao ra sân.

- Ngài Đại úy!

Cái búa tạ lại bổ xuống. Crắc-rắc-rắc.

- Chị Mauriac, - Beck nói, trông không vui. Vianne lo lắng vì chị biết anh ta đủ để nhận ra tâm trạng. - Chúng tôi được lệnh phá bỏ các bức tường dọc theo con đường này.

Trong khi một tên lính phá đổ tường, hai tên kia vừa tiến tới cửa trước vừa cười hô hố vì một câu đùa nào đó. Không hề hỏi han xin phép, chúng đi qua chỗ chị và vào trong nhà chị.

- Tôi xin chia buồn, - Beck nói và giẫm lên những mảnh đá vỡ trên đường tới chỗ chị. - Tôi biết chị yêu hoa hồng. Và rất lấy làm tiếc, người của tôi sẽ thực hiện một lệnh trưng thu đối với ngôi nhà của chị.

- Lệnh trưng thu?

Bọn lính ra khỏi nhà, một tên vác bức tranh sơn dầu vẫn treo bên trên nắp lò sưởi, tên kia vác cái ghế bành to từ phòng khách.

- Đấy là cái ghế bành ưa thích của bà nội tôi, - Vianne nói nhỏ.

- Tôi rất tiếc, - Beck nói. - Tôi không thể ngăn chặn việc này.

- Việc quái gì mà...

Vianne không biết nên nhẹ lòng hay lo âu khi Isabelle lao chiếc xe đạp qua đống đá và dựng nó vào thân cây. Không còn gì che chắn giữa cơ ngơi của chị với con đường nữa.

Isabelle thật xinh đẹp, dù gương mặt nàng đỏ hồng lên vì gắng sức đạp xe và bóng mồ hôi. Những sóng tóc vàng hoe lộng lẫy đóng khung khuôn mặt nàng. Bộ váy áo đỏ bạc màu ôm sát những đường cong trên cơ thể nàng.

Bọn lính dừng lại nhìn nàng chằm chặp, tấm thảm Aubusson trong phòng khách đã cuộn lại lửng lơ giữa chúng.

Beck cởi mũ. Anh ta nói gì đó với những tên lính đang khiêng thảm, và chúng chạy vội tới chiếc xe tải.

- Các người phá đổ tường nhà tôi? - Isabelle hỏi.

- Thiếu tá muốn có thể nhìn thấy mọi ngôi nhà từ ngoài đường. Có người đang phát truyền đơn chống Đức. Chúng tôi sẽ tìm ra và bắt giam kẻ đó.

- Anh nghĩ những mảnh giấy vô hại ấy đáng giá với mọi thứ này sao? - Isabelle hỏi.

- Chúng không vô hại đâu, thưa cô. Chúng cổ vũ chính sách khủng bố.

- Khủng bố ắt phải tránh xa rồi, - Isabelle nói và khoanh tay lại.

Vianne không thể rời mắt khỏi Isabelle. Có điều gì đó đang diễn ra. Em gái của chị hình như đang thu hết cảm xúc vào trong, im lìm như con mèo chuẩn bị vồ mồi.

- Ngài Đại úy, - lát sau, Isabelle nói.

- Vâng, thưa cô?

Bọn lính đi qua chỗ họ, khiêng cái bàn ăn điểm tâm.

Isabelle chờ chúng đi qua rồi mới tiến đến gần tay Đại úy.

- Ba tôi đang ốm.

- Ba ốm ư? - Vianne hỏi. - Sao chị không biết? Ba bị sao vậy?

Isabelle phớt lờ Vianne.

- Ba tôi bảo tôi đến Paris chăm sóc ông. Nhưng...

- Ba muốn em chăm sóc ông ư? - Vianne nói, ngờ vực.

Beck nói:

- Cô cần giấy thông hành để đi. Cô biết việc này chứ?

- Tôi biết. - Isabelle hầu như nghẹn thở. - Tôi... nghĩ có lẽ anh sẽ kiếm một cái giùm tôi. Anh là người có gia đình mà. Chắc anh hiểu được đáp ứng lời gọi của một người cha có ý nghĩa như thế nào chứ?

Lạ lùng thay, lúc Isabelle nói, viên Đại úy lại hơi quay nhìn Vianne, như thể chị mới là người quan trọng.

- Tôi có thể kiếm cho cô một giấy thông hành, - viên Đại úy nói. - Cho tình trạng khẩn cấp của gia đình như thế này.

- Tôi rất cảm kích, - Isabelle nói.

Vianne sững người. Beck không thấy em gái chị thao túng anh ta ra sao ư, và tại sao anh ta lại nhìn chị khi quyết định?

Ngay khi có thứ mình muốn, Isabelle trở lại chiếc xe đạp. Nàng nắm lấy tay lái và đi thẳng tới nhà kho. Lốp xe bằng cao su nảy lên và đập xuống mặt đất gồ ghề.

Vianne chạy vội theo nàng.

- Ba ốm à? - Chị hỏi khi bắt kịp em gái.

- Ba khỏe.

- Em nói dối ư? Vì sao?

Vẻ ngập ngừng của Isabelle chỉ thoáng qua nhưng có thể cảm thấy.

- Em nghĩ là không việc gì phải nói dối. Bây giờ em sẽ công khai mọi chuyện. Cứ sáng thứ Sáu là em lẻn ra ngoài gặp Henri và bây giờ anh ấy đề nghị em đến Paris với anh ấy. Hình như anh ấy có một chỗ nghỉ tạm xinh xắn, đáng yêu ở Montmartre.

- Em có điên không đấy?

- Em nghĩ là em đang yêu. Có lẽ chỉ một chút thôi.

- Em sắp đi qua cả Vùng Chiếm đóng, chỉ để sống vài đêm ở Paris trên giường của một người đàn ông mà em có lẽ yêu. Mà chỉ hơi yêu thôi.

- Em biết, - Isabelle nói. - Lãng mạn lắm đấy chứ.

- Chắc em ấm đầu rồi. Có lẽ não em có vấn đề. - Vianne chống nạnh và gắt lên, phản đối.

- Nếu tình yêu là một căn bệnh, thì em chắc mình bị nhiễm rồi.

- Trời ạ! - Vianne khoanh tay lại. - Chị biết nói gì để ngăn chặn cái việc làm xuẩn ngốc này lại đây?

Isabelle nhìn chị:

- Chị tin em không? Chị có tin em sẽ băng qua Vùng Chiếm đóng chỉ để đùa không?

- Đây không phải là chuyện bỏ trốn đi xem xiếc, Isabelle.

- Nhưng... chị có tin em làm được không?

- Tất nhiên rồi. - Vianne nhún vai. - Ngu hết chỗ nói.

Trông Isabelle chán nản lạ lùng.

- Chị nhớ tránh xa Beck trong lúc em đi vắng nhé. Đừng tin anh ta.

- Thế chẳng giống em sao? Em đủ lo để cảnh báo chị, nhưng không đủ lo để ở lại với chị. Em muốn gì mới thực sự quan trọng. Sophie và chị có thể tàn tạ vì sự quan tâm của em.

- Không đúng thế đâu.

- Còn không ư? Đi Paris. Em có thể vui vẻ nhưng đừng phút nào quên rằng em đang bỏ chị và cháu gái lại. - Vianne khoanh tay và liếc nhìn người đàn ông trong sân, đang giám sát cuộc cướp bóc ngôi nhà của chị. - Với anh ta.

14

Ngày 27 tháng Tư năm 1995

Duyên hải Oregon

Tôi bị buộc chặt như một con gà đem quay. Tôi biết những đai an toàn hiện đại này là tốt, nhưng chúng làm tôi cảm thấy tù túng. Tôi thuộc về một thế hệ không mong được che chở khỏi bất cứ hiểm nguy nào.

Tôi nhớ mình đã quen như thế, từ những ngày con người phải có những lựa chọn nhanh chóng. Chúng tôi biết những rủi ro nhưng vẫn phải liều. Tôi nhớ đã lái xe quá nhanh trong chiếc Chevrolet cũ kỹ của mình, bàn chân tôi nhấn mạnh ga, vừa hút thuốc lá vừa lắng nghe Price hát “Lawdy, Miss Clawdy” qua cái loa nhỏ màu đen trong lúc các con tôi lăn ở ghế sau như những quả bowling.

Con trai tôi sợ tôi hẫng hụt vì việc này, và đó là một nỗi sợ có lý. Trong tháng qua, cả cuộc đời tôi đã đảo lộn hoàn toàn. Tấm biển ĐÃ BÁN treo ở sân trước và tôi đang rời khỏi nhà.

- Đường lái xe vào nhà này đẹp, mẹ nhỉ? - Con trai tôi nói. Nó là thế đấy, nó lấp đầy khoảng không bằng lời lẽ, và nó chọn lời cẩn thận. Sự chính xác đã làm cho thằng bé trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi.

- Ừ.

Nó rẽ vào bãi đỗ xe. Giống như đường lái xe, bãi đỗ được viền bằng cây cối đang nở hoa. Những bông hoa trắng muốt bé xíu rơi xuống mặt đất giống những mẩu đăng ten trên sàn nhà bác thợ may, tương phản hoàn toàn với lớp nhựa đường đen bóng.

Tôi lóng ngóng với cái đai an toàn lúc chúng tôi đỗ lại. Hồi này, tay tôi không còn tuân theo ý muốn của tôi nữa. Nó làm tôi thất vọng đến nỗi tôi buột miệng rủa thật to.

- Để con làm cho, - Julien nói và với sang bên, mở khóa dây an toàn cho tôi.

Thằng bé ra khỏi ô tô và đến bên cửa xe của tôi trước khi tôi kịp cầm lấy xắc.

Cửa mở. Nó nắm lấy tay tôi và giúp tôi ra khỏi xe. Trong khoảng cách ngắn ngủi giữa bãi xe và lối vào, tôi phải dừng lại hai lần để lấy hơi.

- Thời gian này trong năm, cây cối đẹp quá, - con trai tôi nói lúc chúng tôi cùng băng qua bãi xe.

- Ừ. - Chúng là những cây mận đang nở hoa, màu hồng phớt và tuyệt đẹp, nhưng bất chợt tôi nghĩ đến những cây dẻ nở rộ dọc đại lộ Champs Élysées.

Con trai tôi nắm chặt bàn tay tôi. Một cách nhắc nhở là nó hiểu nỗi đau phải rời ngôi nhà từng là nơi ẩn náu của tôi gần năm chục năm nay. Nhưng bấy giờ là lúc nhìn về phía trước, chứ không phải nhìn lại đằng sau.

Đến Nhà hưu trí và dưỡng lão Ocean Crest.

Công bằng mà nói, trông nó không tệ, có lẽ hơi công nghiệp, với những cửa sổ thẳng đứng cứng nhắc và bãi cỏ đằng trước được chăm sóc hoàn hảo, cờ Mỹ bay trên cửa. Một tòa nhà dài và thấp. Xây dựng từ những năm 70, tôi đoán thế, từ hồi mọi thứ đều xấu xí. Hai chái nhà vươn ra từ sân trung tâm, nơi tôi hình dung những người già ngồi trong xe lăn, mặt quay về mặt trời, chờ đợi. Tạ ơn Chúa, tôi không ở phía Đông của tòa nhà - chái của viện điều dưỡng. Dẫu sao cũng còn chưa. Tôi vẫn có thể tự xoay xở được, ơn trời, và tôi vẫn còn chăm nom căn hộ của tôi được.

Julien mở cửa cho tôi, và tôi vào trong nhà. Thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là một khu vực đón tiếp rộng rãi, trang hoàng trông như bàn tiếp tân của một khách sạn ven biển, với một cái lưới đánh cá đầy những vỏ sò treo trên tường. Tôi tưởng tượng đến lễ Giáng sinh, người ta mắc những đồ trang trí vào tấm lưới và những cái bít tất vào mép bàn. Chắc sẽ có những tấm biển HO-HO-HO đính lên tường vào ngày sau lễ Tạ ơn.

- Đi nào, mẹ.

Ồ, phải rồi. Không được lần lữa, la cà.

Nơi này có mùi gì thế nhỉ? Bánh pút đinh tapioca và mì gà.

Những món ăn mềm.

Dù thế nào tôi vẫn đi. Có một việc tôi không bao giờ làm là dừng lại.

- Chúng ta đến nơi rồi, - con trai tôi nói và mở cửa phòng 317A.

Nói thật, nó đàng hoàng. Căn hộ nhỏ, một phòng ngủ. Bếp nép vào một góc cạnh cửa, từ đó người ta có thể nhìn ra một quầy formica và thấy một bàn ăn, bốn cái ghế và phòng khách, có bàn nước, sofa và hai ghế bành xếp quanh một lò sưởi gas.

Chiếc tivi ở góc phòng là loại đời mới, gắn với đầu VCR. Có ai đó - chắc là con trai tôi, đã xếp một chồng những bộ phim ưa thích của tôi trên giá sách. Jean de Florette, Nghẹt thở, Cuốn theo chiều gió.

Tôi thấy các món đồ đạc của mình: chiếc khăn quàng len tôi đan vắt trên lưng sofa, những cuốn sách của tôi trên giá. Trong phòng ngủ kích thước vừa phải, những lọ thuốc - một lô các ống nhựa nhỏ màu cam xếp thành hàng ngay ngắn trên chiếc bàn đầu giường kê ở phía của tôi. Phía của tôi trên giường. Thật buồn cười, nhưng có một số thứ không hề thay đổi sau khi chồng tôi qua đời, và đấy là một trong số đó. Bên trái giường là của tôi mặc dù chỉ còn mình tôi trên đó. Ở chân giường là cái rương mà tôi đòi mang đi bằng được.

- Mẹ có thể thay đổi ý định, - con tôi nói khẽ. - Về nhà cùng con đi.

- Chúng ta đã nói chuyện này rồi, Julien. Con quá bận rộn. Con không cần phải lo cho mẹ 24/7.

- Mẹ tưởng con sẽ đỡ lo khi mẹ ở đây sao?

Tôi nhìn nó, tôi yêu đứa con này vô cùng và biết rằng cái chết của tôi sẽ tàn phá nó. Tôi không muốn nó thấy tôi chết dần chết mòn. Tôi cũng không muốn các con gái của nó thấy điều đó. Tôi hiểu rằng có một số hình ảnh một khi đã thấy sẽ không bao giờ quên. Tôi muốn các con cháu nhớ đến tôi như bây giờ, chứ không phải như tôi sẽ là khi căn bệnh ung thư tiến triển.

Julien đưa tôi vào phòng khách nhỏ và đặt tôi ngồi lên đi vãng. Trong lúc tôi đợi, nó rót cho hai mẹ con ít vang và đến ngồi cạnh tôi.

Tôi đang nghĩ mình sẽ cảm thấy ra sao khi nó rời đi, và tôi chắc nó cũng nghĩ y như vậy. Thở dài, Julien thò tay vào trong cặp và lấy ra một xấp phong bì. Thở dài thay cho lời nói, một tiếng thở dài chuyển tiếp. Tôi nghe thấy trong đó khoảnh khắc lúc tôi rời bỏ một cuộc sống và bước sang cuộc sống khác. Trong phiên bản cuộc đời mới mẻ, giản tiện này, tôi được con trai chăm sóc thay vì ngược lại. Song nó không làm cho mẹ con tôi thực sự dễ chịu.

- Con đã thanh toán các hóa đơn tháng này. Đây là những cái con không biết làm thế nào. Con nghĩ hầu hết là thư từ linh tinh.

Tôi cầm xấp thư trong tay nó và sắp xếp lại. Một bức thư cá nhân của Ủy ban Olympics đặc biệt... một đề xuất đánh giá chất lượng vải bạt che mái hiên miễn phí... một tin nhắn của nha sĩ nhắc đã sáu tháng kể từ cuộc hẹn cuối cùng.

Một lá thư từ Paris.

Có nhiều dấu đỏ trên phong bì, dường như nhân viên bưu điện đã phải mò mẫm hết nơi này đến nơi kia hoặc phát không đúng người.

- Mẹ à? - Julien nói. Nó rất tinh ý và không bỏ lỡ điều gì. - Cái gì thế ạ?

Lúc nó với lấy cái phong bì, tôi muốn nắm lấy, giữ khỏi tay nó, nhưng những ngón tay tôi không còn tuân theo ý muốn của tôi nữa. Tim tôi đập loạn nhịp.

Julien mở phong bì, rút ra một tấm thiếp màu nâu tái. Một giấy mời.

- Ở Pháp mẹ ạ, - nó nói. - Nói gì đó về Huân chương Chiến công. Hồi Thế chiến II hở mẹ? Cái này của bố phải không?

Tất nhiên rồi. Đàn ông lúc nào cũng tưởng chiến tranh chỉ là việc của họ.

- Ở góc có chữ viết tay. Là gì hở mẹ?

Chiến tranh. Từ ấy nở ra quanh tôi, xòe đôi cánh quạ đen, trở nên to lớn đến mức tôi không sao ngoảnh đi nổi. Trái với ý muốn, tôi cầm lấy giấy mời. Một cuộc gặp mặt của các passeur ở Paris.

Họ muốn tôi tham dự.

Sao tôi có thể chết đi mà không nhớ tới mọi chuyện đó - những việc kinh khủng tôi đã làm, bí mật tôi giữ kín, người đàn ông tôi đã giết... và con người lẽ ra tôi nên giết?

- Mẹ à? Passeur là gì?

Tôi hầu như không thể đủ sức để cất lời.

- Là người giúp đỡ người khác trong chiến tranh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3