Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 04
7
Ngôi trường tiểu học không phải là một trường lớn theo tiêu chuẩn thành phố, nhưng cũng khá rộng rãi và có tổ chức, đủ không gian để tiếp đón bọn trẻ con của Carriveau. Trước khi trở thành trường học, tòa nhà đã từng được sử dụng để làm khu nuôi ngựa của một địa chủ giàu có, do vậy nó được thiết kế theo hình chữ U với khoảng sân trung tâm là nơi tập hợp các cỗ xe và những người lái buôn. Công trình có những bức tường đá xám, cửa chớp màu xanh sáng và sàn gỗ. Tòa nhà trong trang trại trước kia sắp xếp ngay hàng thẳng lối đã bị đánh bom trong Thế chiến I và không bao giờ được xây lại nữa. Giống như rất nhiều trường học tại các thành phố tỉnh lẻ của Pháp, nó nằm ở rìa của khu dân cư.
Vianne đang ở trong lớp học, phía sau bàn giáo viên. Chị quan sát những khuôn mặt trẻ con sáng láng và dùng chiếc khăn tay đã nhàu để thấm mồ hôi ở môi trên. Dưới sàn, bên cạnh mỗi bàn học là chiếc mặt nạ phòng độc bắt buộc. Bây giờ bọn trẻ đi đâu cũng phải mang nó theo.
Các ô cửa sổ mở toang và vách tường đá dày dặn giúp tránh nắng, nhưng cái nóng vẫn rất ngột ngạt. Ông Trời thừa biết, nếu không có cái nóng đè nặng thì mọi người cũng đã khó mà tập trung lắm rồi. Tin tức từ Paris thật khủng khiếp và gây kinh hãi. Tất cả những gì người ta bàn tán bây giờ là tương lai ảm đạm và hiện tại kinh hoàng: bọn Đức đã chiếm Paris. Phòng tuyến Maginot đã bị phá vỡ. Quân Pháp hoặc chết như ngả rạ trong các chiến hào hoặc tháo chạy khỏi mặt trận. Suốt ba đêm vừa rồi, sau cú điện thoại của cha, Vianne không tài nào ngủ nổi. Isabelle đang ở một nơi có Chúa mới biết giữa Paris và Carriveau, còn Antoine thì bặt vô âm tín.
- Ai muốn chia động từ courir nào? - Chị hỏi với giọng mệt mỏi.
- Đáng lẽ chúng em phải học tiếng Đức chứ ạ?
Vianne chợt nhận ra câu hỏi đó được dành cho mình. Đám học trò lúc này tỏ ra quan tâm thấy rõ, chúng ngồi thẳng người, mắt sáng lên.
- Cô xin lỗi? - Chị nói và hắng giọng, tìm cách câu giờ.
- Chúng ta nên học tiếng Đức, chứ không phải tiếng Pháp.
Người vừa nói câu đó là Gilles Fournier, con trai ông hàng thịt. Cha và ba người anh trai của cậu đã ra mặt trận, để lại hai mẹ con quán xuyến cửa hàng của gia đình.
- Bắn súng nữa. - François gật gù đồng tình. - Mẹ em bảo bọn em sẽ cần phải học cách bắn bọn Đức.
- Bà em thì bảo tất cả nên di tản. - Claire lên tiếng. - Bà vẫn còn nhớ cuộc chiến trước kia và bảo chỉ có ngu mới ở lại đây.
- Bọn Đức sẽ không vượt qua sông Loire, phải không ạ?
Ngồi ở giữa hàng đầu, Sophie chồm người về phía trước trên ghế, hai tay đan vào nhau đặt trên mặt bàn học, mắt mở to. Con bé cũng rối bời vì các tin đồn chẳng kém gì Vianne. Nó đã khóc mãi cho đến khi ngủ thiếp đi trong hai đêm liên tiếp vì lo lắng cho bố. Bây giờ Bébé cũng đi học cùng con bé. Sarah ngồi ngay bên cạnh người bạn thân, khuôn mặt hoảng sợ không kém.
- Các em lo sợ là đúng. - Vianne nói và tiến lại gần bọn trẻ. Đêm qua chị cũng nói như vậy với Sophie và với bản thân mình, nhưng câu đó nghe thật sáo rỗng.
- Em không sợ. - Gilles nói. - Em có dao. Em sẽ giết bất kỳ tên Đức bẩn thỉu nào xuất hiện ở Carriveau.
Đôi mắt Sarah mở to.
- Chúng đang tới đây sao?
- Không đâu. - Vianne phủ nhận một cách khó nhọc. Nỗi sợ hãi làm giọng chị kéo dài ra. - Những người lính Pháp, cha, chú, anh của các em, là những người đàn ông quả cảm nhất trên thế giới. Cô tin chắc họ đang chiến đấu bảo vệ Paris, Tours và Orléans ngay trong lúc này.
- Nhưng Paris đã bị chiếm rồi. - Gilles nói. - Chuyện gì đã xảy đến với những người lính Pháp ở tiền tuyến ạ?
- Trong chiến tranh luôn có các trận đánh lớn và những cuộc giao tranh nhỏ. Cái nào cũng gây tổn thất hết. Người của chúng ta sẽ không bao giờ để quân Đức chiến thắng. Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. - Vianne tiến lại gần các em học sinh hơn. - Nhưng chúng ta, những người ở hậu phương, cũng có một vai trò nhất định. Chúng ta phải can đảm và mạnh mẽ, không tin vào những điều xấu nhất. Chúng ta phải tiếp tục sống cuộc sống của mình, như vậy những người cha, anh và... chồng mới có một cuộc sống để quay về, đúng không?
- Vậy còn dì Isabelle? - Sophie lên tiếng. - Ông ngoại nói lẽ ra dì đã có mặt ở đây rồi.
- Anh họ của em cũng di tản khỏi Paris. - François nói. - Anh ấy cũng không xuất hiện ở đây.
- Cậu của em nói đường rất xấu.
Tiếng chuông vang lên và bọn trẻ bật dậy khỏi ghế như được gắn lò xo. Chỉ trong nháy mắt, chúng đã quên bẵng chiến tranh, máy bay, nỗi sợ hãi, và trở lại là những cô bé cậu bé tám, chín tuổi được giải phóng khỏi một ngày học hè ở trường. Chúng thi nhau la hét, nói cười và chen lấn nhau chạy ùa ra cửa.
Vianne thầm cảm ơn tiếng chuông. Trời ơi, chị là một giáo viên, nhưng chị biết nói gì về những hiểm nguy như thế? Làm thế nào chị có thể trấn an một đứa trẻ khi nỗi sợ hãi của bản thân chị còn đang lồng lên? Vianne lúi húi làm những việc lặt vặt - nhặt nhạnh những thứ mà mười sáu đứa trẻ bỏ quên, giũ bụi phấn khỏi chiếc khăn lau bảng, cất sách đi. Khi mọi thứ đã gọn gàng, chị nhét giấy tờ và bút chì của mình vào trong cặp da rồi lôi cái xắc tay trong ngăn kéo dưới cùng ra. Chị đội cái mũ rơm lên đầu, kẹp nó cố định, rồi rời khỏi lớp học.
Chị đi lững thững trên hành lang yên ắng, vẫy tay chào những người đồng nghiệp vẫn còn chưa kết thúc giờ dạy. Nhiều lớp học đã bị đóng cửa do các giáo viên nam đã được động viên.
Đến lớp của Rachel, Vianne dừng lại, quan sát cô bạn đặt cậu con trai bé bỏng vào chiếc xe nôi và đẩy ra cửa lớp. Rachel định nghỉ dạy trong học kỳ này để ở nhà trông Ari, nhưng chiến tranh đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch đó. Giờ đây bà mẹ trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài đưa em bé đến lớp cùng mình.
- Trông cậu cũng tệ như tâm trạng của mình. - Vianne nói khi cô bạn đến gần. Mái tóc của Rachel đã bị hơi ẩm làm cho xù lên thấy rõ.
- Câu này không phải để khen ngợi, nhưng vì mình đang tuyệt vọng nên có thể coi nó như một lời khen. Mà này, má cậu dính phấn đấy.
Vianne lơ đãng lau má và cúi xuống chiếc xe nôi. Đứa bé đang ngủ ngon lành.
- Thằng bé thế nào?
- Đối với một đứa trẻ mười tháng tuổi lẽ ra được ở nhà với mẹ nhưng lại phải lang thang quanh thành phố dưới máy bay địch và suốt ngày nghe bọn nhóc mười tuổi la hét á? Nó ổn. - Rachel mỉm cười và đưa tay vén một lọn tóc ướt trên mặt trong khi cùng Vianne đi dọc hành lang. - Mình nói chuyện có vẻ chua chát lắm nhỉ?
- Cũng chẳng chua chát hơn mọi người đâu.
- Chà! Cái giọng điệu này hợp với cậu hơn đấy. Những nụ cười và trò giả vờ vui vẻ của cậu khiến mình sởn da gà.
Rachel đẩy chiếc xe nôi qua bậc tam cấp bằng đá xuống lối đi dẫn tới khoảng sân đầy cỏ, nơi từng là sân quần ngựa và chỗ giao hàng của các thương nhân. Ở giữa sân là một đài nước bằng đá bốn trăm năm tuổi đang kêu lóc róc và nhỏ nước.
- Đi nào, các con! - Rachel gọi Sophie và Sarah, lúc đó đang ngồi cạnh nhau trên một băng ghế gỗ.
Hai cô bé lập tức nghe lời và chạy lên đi phía trước hai bà mẹ, miệng liên tục tán chuyện, đầu ghé sát đầu, tay nắm chặt tay. Một thế hệ bạn thân kế tiếp.
Mọi người rẽ vào một hẻm nhỏ rồi tiến ra phố Victor Hugo, đối diện một quán rượu, nơi những ông già ngồi trên mấy cái ghế sắt đang uống cà phê, hút thuốc lá và luận bàn chính sự. Phía đằng trước họ, Vianne nhìn thấy ba người phụ nữ lôi thôi lếch thếch đang tập tễnh bước đi, áo quần tả tơi, khuôn mặt xám ngoét vì bụi đường.
- Những người đàn bà tội nghiệp. - Rachel thở dài. - Sáng nay Hélène Ruelle nói với mình là ít nhất một chục người dân tản cư đã đến thành phố đêm qua. Những câu chuyện họ kể thật đáng lo ngại. Nhưng về khoản đơm chuyện thì không ai bằng Hélène rồi.
Bình thường thì Vianne đã bình phẩm về tính nhiều chuyện của Hélène, nhưng lúc này chị không nói gì. Theo lời cha chị, Isabelle đã rời Paris được mấy ngày nhưng vẫn chưa thấy đến Le Jardin.
- Mình lo cho Isabelle quá. - Chị nói.
Rachel khoác tay Vianne.
- Cậu còn nhớ lần đầu tiên con bé bỏ trốn khỏi trường nội trú ở Lyon không?
- Lúc đó nó bảy tuổi.
- Isabelle đã đi đến tận Amboise. Một mình. Không một xu dính túi. Con bé đã ngủ hai đêm trong rừng và xin xỏ để được lên tàu.
Vianne gần như chẳng nhớ gì về giai đoạn đó ngoại trừ nỗi bất hạnh của mình. Khi đánh mất đứa con đầu, chị đã rơi vào tình trạng trầm cảm. Antoine đã gọi năm ấy là năm mất mát. Đó cũng là cách chị nghĩ. Khi Antoine bảo sẽ đưa Isabelle lên chỗ cha chị ở Paris, chị đã thở phào nhẹ nhõm.
Bởi vậy cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Isabelle bỏ trốn khỏi trường nội trú được gửi đến. Cho đến hôm nay, Vianne vẫn cảm thấy xấu hổ vì cách mình đã đối xử với cô em gái bé bỏng.
- Con bé lên chín khi lần đầu tiên nó về tới Paris. - Vianne cố gắng tìm sự an ủi trong câu chuyện quen thuộc. Isabelle rất cứng đầu, kiên trì và cương quyết. Luôn như thế.
- Nếu mình không nhầm thì hai năm sau đó con bé đã bị đuổi học vì trốn trường đi xem một gánh xiếc lưu động. Hay đó là lần con bé dùng khăn trải giường để trèo ra khỏi tầng hai khu ký túc xá nhỉ? - Rachel mỉm cười. - Isabelle sẽ đến được đây nếu đó là điều nó muốn.
- Và chỉ có Trời mới cứu được những ai dám ngăn cản nó.
- Isabelle sẽ đến bất cứ lúc nào. Mình cam đoan với cậu. Trừ phi con bé đã gặp một hoàng tứ lưu vong và đem lòng yêu anh ta.
- Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra với Isabelle.
- Cậu thấy chưa? - Rachel trêu. - Cậu đã cảm thấy khá hơn rồi đấy. Giờ thì sang nhà mình uống nước chanh thôi. Đó là việc đúng đắn nhất trong một ngày nóng như thế này.
+++++
Sau bữa tối, Vianne cho Sophie đi ngủ rồi xuống tầng trệt. Chị lo đến nỗi không thể thư giãn được. Sự im lặng trong ngôi nhà tiếp tục nhắc chị nhớ rằng chưa có ai đến gõ cửa. Vianne đứng ngồi không yên. Bất chấp cuộc nói chuyện với Rachel, chị không thể xua tan nỗi lo lắng và linh tính về một chuyện chẳng lành đối với Isabelle.
Vianne đứng lên, ngồi xuống, rồi lại đứng lên và đi ra mở cửa.
Bên ngoài, những cánh đồng trải dài dưới bầu trời đêm nhuốm màu tím và hồng. Sân nhà chị nhấp nhô những bóng hình quen thuộc của hàng cây táo được cắt tỉa cẩn thận, lừng lững chắn giữa cửa ngôi nhà và tường rào đá phủ đầy hồng leo. Phía bên kia bờ rào là con đường dẫn tới thành phố và đồng cỏ mênh mông, điểm xuyết những lùm cây thân nhỏ. Chếch về phía bên phải là những cánh rừng rậm hơn, nơi chị và Antoine thường trốn vào trong đó để không bị ai quấy rầy, hồi hai người trẻ hơn bây giờ.
Antoine.
Isabelle.
Họ đang ở đâu? Chồng chị có đang ở tiền tuyến không? Em gái chị có đang trên đường từ Paris xuống đây không?
Đừng nghĩ tới chuyện đó.
Chị cần làm điều gì đó. Làm vườn chẳng hạn. Để giữ cho đầu óc tập trung vào chuyện khác.
Cầm đôi găng tay làm vườn đã cũ mòn, rồi xỏ chân vào đôi ủng để cạnh cửa, Vianne bước ra khu vườn nằm trên khoảng đất bằng phẳng ở giữa lán cất dụng cụ và nhà kho. Khoai tây, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, đậu Hà Lan, dưa chuột, cà chua và củ cải được trồng thành từng luống gọn gàng. Sườn đồi tiếp giáp với mảnh vườn là nơi các loại quả mọng như mâm xôi và phúc bồn tử được trồng thành luống. Vianne khom gối trên mảnh đất thịt màu mỡ và bắt đầu nhổ cỏ.
Giai đoạn đầu hạ luôn là một thời kỳ triển vọng. Tất nhiên, nhiều thứ có thể hư hỏng trong tiết trời nóng nực, nhưng nếu người ta giữ được sự ổn định và bình tĩnh, không trốn tránh nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là làm cỏ và tỉa cành, họ sẽ có thể định hướng uốn nắn sự phát triển của cây cối. Vianne luôn bảo đảm cho các luống đất được vun xới gọn ghẽ và chăm sóc bằng bàn tay khỏe khoắn nhưng mềm mại. Khu vườn trao lại cho chị những thứ còn lớn lao hơn công sức mà chị bỏ ra với nó. Khi đứng trong vườn, chị tìm được cảm giác bình yên.
Chị bắt đầu nhận thức về một chuyện gì đó không ổn một cách chậm rãi, từng chút một. Đầu tiên là một âm thanh lạ, một xung động, một tiếng lịch bịch, một tiếng thì thầm. Tiếp đó là mùi: thứ gì đó hoàn toàn tương phản với mùi hương dịu ngọt trong vườn của chị, một thứ mùi chua gắt khiến chị nghĩ tới rau quả thối hỏng.
Vianne lau trán, nhận ra mình đang bôi bẩn trên đó, rồi đứng dậy. Nhét đôi găng tay làm vườn vào trong túi quần, chị đi nhanh ra cổng. Trước khi chị kịp ra đến nơi thì ba người phụ nữ đột ngột xuất hiện như từ dưới đất chui lên. Họ líu ríu đứng cạnh nhau trên đường, ngay phía ngoài cổng. Một bà già ăn mặc rách rưới đang ghì sát hai người còn lại vào mình: một cô gái trẻ ẵm trên tay đứa bé, và một cô bé mười mấy tuổi, một tay xách lồng chim, tay kia cầm xẻng. Trông mắt họ long lanh như đang lên cơn sốt. Người mẹ trẻ rõ ràng đang run rẩy. Khuôn mặt họ ướt đẫm mồ hôi, ánh mắt họ tràn đầy tuyệt vọng. Bà già giơ đôi bàn tay bẩn thỉu ra phía trước.
- Cô có nước uống không? - Bà hỏi câu đó với sự hoài nghi và chán nản.
Vianne mở cổng.
- Tất nhiên rồi. Mọi người có muốn vào nhà không? Để ngồi nghỉ một chút chẳng hạn?
Bà già lắc đầu.
- Chúng tôi đi trước bọn họ. Chẳng có gì cho những người ở phía sau.
Vianne không hiểu bà ta muốn nói gì, nhưng chuyện đó không quan trọng. Chị chỉ thấy nhóm phụ nữ đang đói lả và kiệt sức.
- Xin chờ một chút.
Nói đoạn Vianne quay vào trong nhà, gom chút bánh mì, cà rốt tươi và phô mai cho họ. Tất cả những gì chị có thể chia sẻ. Chị rót đầy nước vào một vỏ chai rượu và trở ra cổng, trao cho những người phụ nữ.
- Cũng không có gì nhiều. - Chị nói.
- Nó còn nhiều hơn những gì chúng tôi có kể từ khi rời Tours. - Người phụ nữ trẻ nói không ra hơi.
- Mọi người đã từng tới Tours à? - Vianne hỏi.
- Uống đi, Sabine. - Bà già kê chai nước lên môi cô cháu gái.
Vianne vừa định hỏi tiếp về Isabelle thì bà ta đáp gọn lỏn:
- Bọn họ đến rồi kia.
Người mẹ trẻ buột miệng rên lên và ôm chặt đứa bé hơn. Nó im lìm và tái mét đến mức Vianne nín thở. Đứa bé đã chết. Chị từng biết đến cú quắp không dễ gỡ được của sự thương tiếc, chị đã từng rơi vào tấm màn xám xịt không lối thoát vây quanh tâm trí và khiến một người mẹ cứ tiếp tục bám víu rất lâu sau khi hy vọng đã trôi qua.
- Cô vào nhà đi. - Bà già nói với Vianne. - Khóa chặt cửa nẻo vào.
- Nhưng...
Ba người phụ nữ lảo đảo lùi lại, như thể hơi thở của chị có độc. Thế rồi chị nhìn thấy những hình khối màu đen đang băng qua cánh đồng và lù lù tiến bước trên con đường. Mùi của họ đã đi trước họ. Mồ hôi người, rác rưởi và mùi cơ thể. Khi họ tiến đến gần hơn, khối màu đen tách nhỏ ra thành những cái bóng. Vianne nhìn thấy những bóng người trên đường và trên đồng cỏ: họ đi bộ, tập tễnh, tiến bước về phía chị. Một số người đẩy xe đạp, xe nôi hoặc xe kéo. Chó sủa inh ỏi, trẻ con kêu khóc. Tiếng ho xen lẫn với tiếng hắng giọng và khò khè. Những con người đang bước đi, băng qua cánh đồng và dọc theo con đường, mỗi lúc một gần hơn, vừa đi vừa xô đẩy và nói chuyện.
Vianne không thể giúp đỡ từng ấy con người. Chị chạy vội vào trong nhà và khóa cửa lại sau lưng. Tiếp đó, chị lần lượt đi đóng cửa chớp và cửa các phòng. Khi đã hoàn tất, chị đứng trong phòng khách, hoang mang, tim đập thình thịch.
Ngôi nhà bắt đầu rung lên đôi chút. Các cửa sổ kêu lạch xạch, những cánh cửa chớp đập canh cách vào tường đá. Bụi rơi xuống như mưa từ trên trần.
Ai đó đập thình thình vào cửa trước. Tiếng đập cửa cứ tiếp tục vang lên như búa nện khiến Vianne không biết phải làm gì.
Sophie chạy xuống cầu thang, tay giữ chặt gấu Bébé trên ngực.
- Mẹ ơi!
Vianne mở rộng vòng tay để Sophie lao vào. Chị ôm chặt lấy con gái trong khi cuộc tấn công tăng dần. Ai đó đập rầm rầm vào cửa bên. Xoong chảo bằng đồng treo trong nhà bếp đập vào nhau loảng xoảng. Chị nghe thấy tiếng bơm ken két. Họ đang lấy nước.
Vianne nói với Sophie:
- Con chờ ở đây một chút. Ngồi trên trường kỷ ấy.
- Mẹ đừng bỏ con lại!
Vianne gỡ Sophie ra và ấn con bé ngồi xuống.
Cầm lấy que cời bằng sắt, chị rón rén trèo lên cầu thang, vào phòng ngủ và len lén quan sát qua cửa sổ, thận trọng ẩn mình. Có hàng chục người đang ở trong sân nhà chị, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Họ di chuyển như một đàn sói đói. Giọng nói của họ quyện vào nhau tạo thành tiếng rú tuyệt vọng.
Vianne lui lại. Nếu mấy cánh cửa bung ra thì sao? Quá nhiều người có thể phá cửa ra vào và cửa sổ, thậm chí phá tường.
Chị kinh hoàng quay xuống gác, nín thở cho đến khi nhìn thấy Sophie vẫn đang ngồi an toàn trên trường kỷ. Vianne ngồi xuống bên cạnh con gái, ôm nó vào lòng. Sophie cuộn tròn người lại tựa như một đứa bé. Chị vuốt mái tóc quăn của con bé. Vào lúc này, một người mẹ tốt hơn, mạnh mẽ hơn có lẽ sẽ kể một câu chuyện cho nó nghe, nhưng Vianne đang hoảng sợ đến nỗi không nói nên lời. Tất cả những gì chị nghĩ ra là một lời cầu nguyện không đầu không đuôi. Xin làm ơn.
Vianne kéo Sophie sát vào mình hơn rồi nói:
- Con đi ngủ đi, Sophie. Mẹ ở lại đây.
- Mẹ ơi. - Sophie kêu lên, giọng con bé gần như bị át đi bởi tiếng đập cửa. - Nếu như dì Isabelle ở ngoài kia thì sao?
Vianne nhìn khuôn mặt nhỏ bé và nghiêm túc của Sophie, lúc này đã bị phủ một lớp mồ hôi và bụi.
- Chúa giúp dì ấy.
Chị chỉ nói được có thế.
+++++
Trông thấy ngôi nhà đá xám, Isabelle bỗng cảm thấy toàn thân kiệt quệ. Vai nàng chùng xuống. Những bọng nước ở chân trở nên không thể chịu đựng nổi. Gaëton mở cổng. Nàng nghe thấy nó kêu lạch cạch như bị hỏng và xiêu vẹo mở ra.
Isabelle vịn vào anh bạn cùng đi và lảo đảo tiến tới chỗ cửa trước. Nàng gõ hai lần, nhăn nhó mỗi khi những khớp ngón tay rỉ máu đập vào lớp gỗ.
Không ai ra mở cửa.
Nàng dùng cả hai nắm tay đập cửa và cố gọi tên chị gái, nhưng cổ họng khản đặc của nàng không thốt được nửa chữ.
Isabelle loạng choạng lùi lại, gần như quỳ thụp xuống vì chán nản.
- Cô có thể ngủ ở đâu đây? - Gaëton vòng cánh tay quanh eo, giữ thẳng người cô gái.
- Phía sau. Dàn giây leo.
Gaëton đưa nàng vòng ra sau nhà. Dưới bóng cây um tùm sực mùi hoa nhài, Isabelle khuỵu xuống. Nàng gần như không nhận thấy Gaëton đã biến đâu mất. Sau đó anh quay trở lại với một chút nước âm ấm, và nàng uống ừng ực từ trong vốc tay anh. Thế vẫn chưa đủ. Dạ dày nàng sôi lên vì đói, nó gặm nhấm sâu thẳm bên trong nàng. Khi Gaëton dợm bỏ đi lần nữa, nàng vươn tay ra, thì thào gì đó, cầu xin anh đừng bỏ nàng một mình. Thế là anh nằm xuống bên cạnh nàng, chìa cánh tay ra để nàng gối đầu. Họ nằm bên nhau trên nền đất ẩm, mắt nhìn lên những nhánh dây leo đen thẫm quấn quýt trên giàn và buông rủ xuống đất. Mùi hương nồng đượm của hoa nhài và hoa hồng đang nở quyện với hơi đất tạo nên một chốn nghỉ ngơi tuyệt vời. Thế nhưng, ngay cả tại đây, trong sự tĩnh lặng này, hai người vẫn không thể quên được những gì mình vừa trải qua và những thay đổi mới đây của họ.
Nàng đã trông thấy sự thay đổi nơi Gaëton, chứng kiến cơn phẫn nộ và sự điên cuồng bất lực xóa đi tình thương trong ánh mắt và nụ cười trên môi anh. Anh gần như không nói gì kể từ sau vụ ném bom, những khi lên tiếng thì giọng anh nhát gừng và cộc lốc. Cả hai giờ đây đã hiểu hơn về chiến tranh và những điều đang tới.
- Cô có thể an toàn ở đây, cùng với chị gái của mình. - Anh nói.
- Tôi không muốn an toàn. Và chị tôi cũng sẽ không muốn có tôi.
Isabelle trở mình để nhìn anh. Ánh trăng rớt xuống thành những vệt dài đan xen nhau, chiếu sáng đôi mắt, khuôn miệng anh, để lại chiếc mũi và cái cằm trong bóng tối. Trông anh cũng khác đi, già hẳn chỉ sau mấy ngày vừa rồi, ưu tư và giận dữ. Anh có mùi mồ hôi, mùi máu trộn lẫn với mùi bùn đất và mùi tử khí, nhưng nàng biết mình cũng đang có mùi như vậy.
- Anh có từng nghe nhắc đến Edith Cavell chưa? - Nàng hỏi.
- Nhìn tôi cô thấy giống một người có học lắm à?
Nàng ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
- Vâng.
Anh im lặng đủ lâu để Isabelle biết nàng vừa làm anh ngạc nhiên.
- Tôi biết. Bà ấy đã cứu mạng hàng trăm phi công của quân Đồng minh trong Thế chiến I. Bà nổi tiếng với câu nói “lòng yêu nước thôi chưa đủ”. Đó là người hùng của cô, một phụ nữ bị quân thù xử tử.
- Một phụ nữ đã làm nên sự khác biệt. - Isabelle nói và quan sát Gaëton. - Tôi đang dựa vào anh, một tên tội phạm đồng thời là một người cộng sản, để giúp tôi tạo nên sự khác biệt. Có lẽ tôi đúng là điên rồ và bốc đồng như người ta vẫn nói.
- “Người ta” là ai?
- Mọi người. - Nàng dừng lời, cảm thấy dự tính của mình đang đến rất gần. Nàng đã xác định không bao giờ tin ai, thế nhưng nàng lại tin Gaëton. Anh nhìn nàng như một người quan trọng. - Anh sẽ đưa tôi theo. - Isabelle nói tiếp. - Như đã hứa.
- Cô có biết những thỏa thuận như vậy thường được chốt hạ như thế nào không?
- Như thế nào?
- Bằng một nụ hôn.
- Anh đừng đùa nữa. Chuyện này nghiêm túc mà.
- Còn gì nghiêm túc hơn một nụ hôn bên bờ vực chiến tranh? - Anh mỉm cười, một nụ cười héo hắt. Cơn giận dữ chất chồng lại dâng đầy trong ánh mắt anh, và làm Isabelle thấy sợ. Nó nhắc nàng rằng thật ra nàng chẳng biết gì về anh.
- Tôi sẽ hôn một người đàn ông đủ can đảm để đưa tôi vào trận đánh cùng anh ta.
- Tôi thì nghĩ cô chẳng biết hôn là gì. - Anh thở dài.
- Anh đừng có nói chuyện mình không biết. - Isabelle lăn người ra xa và lập tức thấy thiếu sự đụng chạm của Gaëton. Cô không tỏ ra buông thả, nàng lăn trở lại để đối diện với anh và cảm thấy hơi thở anh trên mí mắt của mình. - Vậy anh hôn tôi đi. Để ghi nhớ thỏa thuận của chúng ta.
Gaëton chậm rãi đưa một tay vòng ra sau gáy Isabelle và kéo nàng xích lại gần.
- Cô có chắc không?
Đôi môi anh gần như chạm vào môi nàng. Isabelle không rõ anh đang hỏi về chuyện lên đường ra mặt trận hay hỏi để chắc chắn được phép hôn nàng, nhưng ngay tại đây, trong khoảnh khắc này, chuyện đó không quan trọng. Isabelle từng đổi chác những nụ hôn với bọn con trai như thể chúng là những đồng xu bị bỏ quên trên băng ghế công viên hoặc đánh rơi trên nệm ghế. Trước kia, nàng chưa một lần nào thực sự khao khát một nụ hôn.
- Chắc. - Nàng thì thầm và nép vào Gaëton.
Khi anh hôn, một thứ gì đó bừng nở bên trong trái tim trống rỗng và xước xát của nàng, bung ra ngoài. Lần đầu tiên trong đời, những cuốn tiểu thuyết diễm tình của nàng trở nên có ý nghĩa, nàng nhận ra tâm hồn của một người phụ nữ có thể biến đổi nhanh chóng như thế giới trong chiến tranh.
- Em yêu anh. - Nàng thì thào.
Isabelle đã không nói lời yêu ai từ hồi bốn tuổi, khi nàng nói yêu mẹ. Nghe thấy những từ đó, nét mặt của Gaëton bỗng thay đổi và cứng lại. Nụ cười anh dành cho nàng gượng gạo và giả tạo đến nỗi nàng không hiểu nó mang ý nghĩa gì.
- Sao thế? Em đã làm gì sai à?
- Không. Tất nhiên là không. - Anh nói.
- Chúng ta thật may mắn vì đã tìm được nhau. - Nàng nói.
- Chúng ta không may mắn đâu Isabelle. Em hãy tin tôi đi.
Nói đoạn anh kéo nàng lại gần để hôn cái nữa. Isabelle thả lòng mình trôi theo những cảm giác của nụ hôn, để cho nó chiếm lấy toàn bộ vũ trụ của mình, và rốt cuộc nàng đã biết thế nào là dành trọn bản thân mình cho một ai đó.
+++++
Khi Vianne thức giấc, điều chị chú ý đầu tiên là sự tĩnh lặng. Đâu đó một con chim cất tiếng hót. Chị nằm bất động trên giường lắng nghe. Bên cạnh chị, Sophie ngáy và nói mê trong giấc ngủ.
Vianne đến bên cửa sổ, vén tấm che.
Trong sân nhà chị, những cây táo xơ xác cành lá, cánh cổng xiêu vẹo, gãy mất hai trong ba cái bản lề. Bên kia đường, cỏ ngã rạp trên đồng, những bông hoa dại bị giẫm nát. Những người tản cư đã đi qua và bỏ lại hàng đống đồ đạc thừa thãi: va li, túi, những chiếc áo khoác quá nặng và quá dày, áo gối, xe kéo.
Chị xuống nhà và cẩn thận ra mở cửa trước. Sau khi lắng tai nghe và không thấy gì, chị mở chốt và xoay nắm cửa.
Họ đã tàn phá khu vườn, vặt sạch những thứ gì có thể ăn được, bỏ lại những cành cây gãy và hàng đống rác rưởi.
Mọi thứ đều bị hư hỏng hoặc mất mát. Chán nản, Vianne đi vòng ra sân sau, nơi đó cũng bị càn quét. Chị đang định quay vào nhà thì nghe thấy một âm thanh gì đó. Có lẽ là một em bé đang khóc.
Nó lại vang lên. Ai đó đã bỏ một đứa trẻ lại ư?
Chị cẩn trọng băng qua sân tới chỗ giàn dây leo khuất sau những cây hoa hồng và hoa nhài.
Isabelle đang nằm co ro dưới đất, váy rách toạc, khuôn mặt xây xát và bầm giập. Mắt trái của nàng sưng vù đến mức gần như không thể mở ra. Một mảnh giấy được ghim vào áo lót của nàng.
- Isabelle!
Nàng khẽ hếch cằm lên, mở một con mắt vằn tia máu.
- Chị! - Isabelle cất giọng khàn khàn. - Cảm ơn vì đã nhốt em ngoài này.
Vianne tiến đến quỳ bên cạnh em gái.
- Isabelle, người em đầy máu và vết thương. Có phải em đã bị...
Isabelle ngớ ra một lát.
- À, không phải máu của em. Ơ thì... phần lớn là không. - Nàng nhìn quanh. - Gaët đâu?
- Sao cơ?
Isabelle lảo đảo đứng lên, suýt ngã.
- Anh ấy đã bỏ em rồi sao? Đúng thật rồi. - Nàng bắt đầu khóc. - Anh ấy đã bỏ em.
- Thôi nào. - Vianne dịu giọng.
Nói đoạn chị đưa em gái vào trong nhà. Isabelle đá văng đôi giày vấy máu, khiến chúng đập vào tường và rơi lộp độp xuống sàn. Những bước chân đẫm máu nối nhau tiến đến phòng tắm nằm bên dưới cầu thang.
Trong khi Vianne đun nước đổ vào bồn tắm, Isabelle ngồi trên sàn, duỗi hai cẳng chân và đôi bàn chân nhuốm máu, lẩm nhẩm nói một mình và quẹt nước mắt tèm lem trên má.
Khi bồn tắm đã sẵn sàng, Vianne quay sang phía Isabelle, nhẹ nhàng cởi đồ cho em gái. Tựa như một đứa trẻ, Isabelle mềm oặt đi, khóc thút thít đau đớn.
Vianne gỡ hàng nút ở lưng chiếc váy đã từng có màu đỏ của Isabelle và cởi nó ra, không dám thở mạnh vì sợ làm em gái ngã quỵ. Bộ đồ lót bằng ren của Isabelle loang lổ những vết máu. Vianne mở dây buộc của đai nịt bụng và bỏ nó ra.
Isabelle nghiến răng bước vào bồn tắm.
- Ngả ra nào.
Isabelle làm theo lời chị, trong khi Vianne xối nước ấm lên tóc cô em gái, tránh không để rơi vào mắt. Cùng lúc đó, chị gội đầu và tắm cho Isabelle, luôn miệng rù rì những âm thanh vô nghĩa để xoa dịu em gái mình.
Vianne giúp Isabelle ra khỏi bồn tắm và lau khô người cho em bằng một cái khăn trắng mềm mại. Isabelle nhìn chị với đôi mắt trống rỗng, quai hàm trễ xuống.
- Em ngủ đi một chút nhé? - Vianne nói.
- Ngủ... - Isabelle lẩm bẩm, đầu nghiêng sang một bên.
Vianne mang cho Isabelle một chiếc váy ngủ thơm mùi hoa hồng và oải hương, rồi giúp em gái mặc vào. Isabelle khó khăn lắm mới giữ cho mắt không díp lại trong khi được chị gái dẫn lên phòng ngủ trên gác và giúp nàng chui vào dưới chiếc chăn mỏng. Đầu chưa kịp chạm vào gối, nàng đã ngủ thiếp đi.
+++++
Isabelle thức giấc khi xung quanh tối đen. Nàng nhớ trời còn sáng khi mình ngủ thiếp đi. Nàng đang ở đâu đây? Bật ngồi dậy đột ngột đến nỗi đầu óc choáng váng, Isabelle hít vài hơi thở rồi nhìn quanh. Đây là phòng ngủ trên gác của Le Jardin. Căn phòng cũ của nàng. Nhưng nó không cho nàng cảm giác ấm áp. Đã bao nhiêu lần bà Bất Hạnh nhốt nàng trong phòng ngủ “vì muốn tốt cho nàng’?
- Đừng nghĩ tới chuyện đó. - Nàng nói thành tiếng.
Tiếp theo là một ký ức còn tồi tệ hơn: Gaëton. Anh ta đã bỏ rơi nàng sau tất cả mọi chuyện. Điều đó khiến trong nàng ngập tràn một cảm giác thất vọng sâu sắc quá quen thuộc. Nàng chẳng học được điều gì trong đời ư? Mọi người bỏ đi. Nàng biết. Họ bỏ nàng mà đi. Isabelle khoác lên người chiếc váy xanh mặc trong nhà mà chị Vianne đã xếp gọn ở phía cuối giường. Sau đó nàng bước xuống những bậc thang hẹp và nông, tay vịn lan can bằng sắt. Mỗi bước đi đau đớn đối với nàng là một thắng lợi.
Tầng trệt của ngôi nhà khá yên tĩnh. Âm thanh duy nhất là tiếng một chiếc radio loẹt xoẹt phát ở âm lượng nhỏ. Nàng khá chắc đó là Maurice Chevalier đang hát một bài tình ca. Hoàn hảo.
Vianne đang ở trong bếp, trên người khoác một chiếc tạp dề vải bông kẻ bên ngoài chiếc váy mặc nhà màu vàng nhạt. Đầu chị quàng một chiếc khăn hoa. Chị đang dùng dao gọt vỏ khoai tây. Tiếng nước sôi nhẹ vui tai vang lên phía sau lưng chị, từ một cái ấm bằng gang. Mùi thức ăn khiến Isabelle ứa nước bọt.
Vianne vội vàng kéo một chiếc ghế nơi cái bàn nhỏ trong góc bếp và gọi em gái:
- Đây, em ngồi đi.
Isabelle thả người xuống ghế. Vianne dọn cho em gái đĩa thức ăn đã được chị chuẩn bị sẵn. Một khoanh bánh mì vẫn còn ấm, một miếng phô mai, một vệt mứt mộc qua và vài lát giăm bông.
Isabelle đưa đôi bàn tay trầy xước cầm lấy khoanh bánh mì, đưa lên miệng, hít hà mùi men. Tay nàng run rẩy khi nhặt con dao, bắt đầu phết một lớp dày mứt trái cây và phô mai lên bánh mì. Nàng đặt con dao xuống bàn không được khéo, khiến nó kêu “cạch” một tiếng. Isabelle cầm bánh mì cắn một miếng. Đó là thứ ngon nhất mà nàng từng ăn trong đời. Lớp vỏ bánh cứng, ruột bánh mềm, phô mai béo ngậy và mứt trái cây kết hợp lại với nhau, khiến nàng sướng muốn ngất. Nàng ăn chỗ thức ăn còn lại như một con điên, gần như không để ý đến tách cà phê đen mà chị gái đặt xuống bên cạnh mình.
- Sophie đâu rồi? - Isabelle hỏi, hai má phồng đầy thức ăn. Thật khó mà ngừng ăn, kể cả vì phép lịch sự. Nàng với tay lấy một quả đào, cảm nhận lớp lông mịn của nó trong lòng bàn tay, rồi cắn một miếng. Nước đào tứa ra, chảy xuống cằm nàng.
- Con bé ở bên nhà hàng xóm, đang chơi với Sarah. Em còn nhớ Rachel bạn chị chứ?
- Em nhớ. - Isabelle đáp.
Vianne rót cho mình một tách espresso nhỏ rồi đem nó lại bàn và ngồi xuống.
Isabelle ợ một cái và lấy tay che miệng.
- Em xin lỗi.
- Chị nghĩ ta có thể bỏ qua một chút sai sót trong cách ăn uống. - Vianne mỉm cười đáp.
- Chị chưa gặp bà cô Dufour đâu. Chắc chắn bà ấy sẽ cho em ăn một hòn gạch vì sai sót vừa rồi. - Isabelle thở dài. Dạ dày nàng đang quặn lên. Nàng cảm thấy như sắp nôn và đưa tay áo lên chùi cằm.
- Có tin tức gì từ Paris không? - Nàng hỏi.
- Lá cờ chữ thập ngoặc đã tung bay trên tháp Eiffel.
- Thế còn ba?
- Ổn, theo lời ba nói.
- Chắc ba đang lo cho em. Em dám cá đấy. - Isabelle nói với giọng mỉa mai. - Lẽ ra ba không nên đẩy em đi. Nhưng ba có bao giờ làm chuyện khác đâu?
Hai chị em nhìn nhau. Cái lần bị cha từ bỏ là một trong những kỷ niệm chung ít ỏi của họ, nhưng rõ ràngVianne không muốn nhớ tới nó.
- Nghe nói đã có hơn mười triệu người di tản giống như em.
- Đám đông không phải là thứ tồi tệ nhất. - Isabelle nói. - Bọn em chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thôi, chị V. ơi, với cả các ông già và bọn con trai nữa. Chúng chỉ đơn giản là... tỉa dần bọn em.
- Giờ thì xong rồi, ơn Trời. - Vianne nói. - Tốt nhất là tập trung vào những điều tốt đẹp. Gaëton là ai thế? Em đã nhắc đến cái tên áy trong cơn mê sảng.
Isabelle gãi một vết thương trên mu bàn tay và sực nhớ ra mình không nên động vào nó. Lớp vẩy tróc khiến máu rỉ ra.
- Có lẽ anh ta có liên quan với cái này. - Vianne lên tiếng khi thấy cô em gái im lặng.
Chị lấy một mảnh giấy nhàu nhĩ từ trong túi tạp dề. Đó là thứ đã được gắn vào áo của Isabelle. Mảnh giấy đầy những dấu vân tay đen bẩn và đỏ máu. Trên đó có một dòng chữ: Cô chưa sẵn sàng.
Isabelle cảm thấy đất dưới chân mình sụp xuống. Đó là một phản ứng nực cười đầy chất con gái, thái quá, nàng biết điều đó, nhưng nàng vẫn cảm thấy đau đớn và tổn thương sâu sắc. Anh ta đã muốn đưa nàng theo cùng cho đến khi có nụ hôn đó. Bằng cách nào đó anh ta đã cảm thấy sự khiếm khuyết trong nàng.
- Anh ta chẳng là ai cả. - Isabelle nói cứng và cầm lấy mảnh giấy vò nát. - Chỉ là một anh chàng tóc đen mặt đểu và dối trá. Anh ta chẳng là gì sất. - Nàng nhìn Vianne. - Em sẽ ra trận. Em cóc cần biết người khác nghĩ gì. Em sẽ lái xe cứu thương hoặc băng bó cho thương binh. Bất cứ chuyện gì.
- Trời đất ơi, Isabelle! Paris đã bị chiếm đóng và bị quân phát xít kiểm soát. Một cô gái mười tám tuổi như em thì làm được gì?
- Em sẽ không trốn chui trốn lủi trong khi bọn chúng tàn phá nước Pháp. Và sự thật là chị chưa bao giờ cảm thấy gần gũi với em. - Khuôn mặt đau nhức của nàng đanh lại. - Em sẽ ra đi ngay khi có thể bước đi được.
- Em sẽ an toàn ở đây, Isabelle. Đó mới là điều quan trọng. Em phải ở lại.
- An toàn? - Isabelle buột miệng. - Chị nghĩ hiện tại đó là điều quan trọng sao, Vianne? Để em cho chị biết những gì em đã thấy ngoài đó. Những tốp lính Pháp chạy trốn kẻ thù. Bọn phát xít tàn sát người vô tội. Có lẽ chị phớt lờ được chuyện đó, nhưng em thì không.
- Em sẽ ở lại đây, trong sự an toàn. Chúng ta sẽ không nói về chuyện này nữa.
- Em an toàn khi ở với chị hồi nào vậy, Vianne? - Isabelle hỏi lại, nàng nhìn thấy nỗi đau dâng lên trong mắt người chị gái.
- Trước đây chị còn trẻ, Isabelle. Chị đã cố trở thành một người mẹ đối với em.
- Ồ, thôi nào, đừng lừa dối nhau như thế chứ.
- Sau khi chị mất đứa bé...
Isabelle quay lưng lại với chị gái và tập tễnh bỏ đi trước khi nói ra điều gì đó không thể tha thứ được. Nàng xoắn hai tay vào nhau để chúng ngừng run rẩy. Đây là lý do tại sao nàng không muốn trở về ngôi nhà này và gặp lại chị gái, tại sao nàng xa nhà suốt nhiều năm qua. Có quá nhiều điều đau đớn giữa họ. Nàng bật radio để át đi những suy nghĩ trong đầu.
Một giọng nói khọt khẹt vang lên trên sóng vô tuyến.
"... Thống chế Pétain đang nói với các bạn...”
Isabelle nhíu mày. Pétain là một vị anh hùng thời Thế chiến I, một người lãnh đạo được yêu quý của nước Pháp. Nàng vặn âm thanh to lên.
Vianne đến bên cạnh em gái.
"... tôi đảm trách việc điều hành chính phủ Pháp...”
Tín hiệu bị nhiễu làm mất giọng nói trầm ấm của ông. Isabelle sốt ruột đập chiếc radio.
"... quân đội đáng khâm phục của chúng ta đang chiến đấu bằng một sự anh hùng tương xứng với truyền thống quân sự lâu đời trước một kẻ thù trội hơn về quân số và khí tài...”
Lại nhiễu. Isabelle đập chiếc radio, miệng lầm bầm chửi.
"... trong những giờ phút đau thương này, tôi nghĩ đến những người tản cư bất hạnh đang mắc kẹt trên các tuyến đường trong nỗi khốn khổ cùng cực. Tôi xin dành sự cảm thông và lo lắng cho họ. Với trái tim tan nát, tôi phải thông báo với các bạn ngày hôm nay rằng, chúng ta cần ngưng chiến.”
- Chúng ta đã thắng rồi sao? - Vianne hỏi.
- Xuỵt.
"... đích thân tôi đêm qua đã liên lạc với đối phương để hỏi xem ông ta có sẵn sàng thảo luận với tôi như những người lính sau cuộc tập kích hiện tại, và về những cách thức để chấm dứt chiến sự trong danh dự.”
Giọng nói của ông ta tiếp tục vang lên đều đều, thông báo những thứ như “những ngày tháng gian khó”, “kiểm soát nỗi đau đớn” và tệ hơn cả là “vận mệnh của tổ quốc”. Rồi ông ta nói ra từ mà Isabelle chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nghe thấy trên đất Pháp.
Đầu hàng.
Đột nhiên thấy khó thở, không tài nào hít được không khí vào phổi, nàng tập tễnh rời khỏi phòng trên đôi chân rướm máu và bước ra sân sau.
Đầu hàng. Nước Pháp. Đầu hàng Hitler.
- Chắc như thế là tốt nhất. - Chị gái nàng bình thản lên tiếng. Chị đã ra ngoài này từ lúc nào? - Em đã biết thống chế Pétain rồi đấy. Ông là một người anh hùng vĩ đại. Nếu thống chế nói chúng ta phải ngừng chiến đấu thì chúng ta ngừng thôi. Chị tin chắc ông sẽ thương lượng với Hitler.
Vianne nắm lấy tay Isabelle. Nàng rụt tay lại. Hành động cầm tay an ủi của Vianne khiến nàng phát ốm. Nàng quay người đối diện với chị gái.
- Không ai đi thương lượng với những kẻ như Hitler.
- Thế ra em hiểu biết hơn cả các tướng lĩnh anh hùng của chúng ta cơ à?
- Em chỉ biết là chúng ta không nên bỏ cuộc.
Vianne chậc lưỡi khe khẽ.
- Nếu thống chế Pétain đã cho rằng đầu hàng là tốt nhất cho nước Pháp thì đúng là như thế. Không nói nhiều. Ít nhất chiến tranh sẽ chấm dứt và những người đàn ông có thể về nhà.
- Chị thật ngu ngốc.
- Tốt thôi. - Vianne đáp rồi quay trở vào nhà.
Isabelle khum tay che mắt nhìn lên bầu trời không một gợn mây. Còn bao lâu nữa thì bầu trời xanh này sẽ đầy máy bay Đức?
Nàng không biết mình đã đứng như thế bao lâu, trong lòng hình dung ra điều tồi tệ nhất - cảnh bọn phát xít trút bom đạn xuống phụ nữ và trẻ em ở Tours để tàn sát họ, khiến máu họ nhuộm đỏ cả thảm cỏ xanh.
- Dì Isabelle?
Isabelle nghe thấy một giọng nói nhỏ ngập ngừng vang lên từ xa. Nàng từ từ quay lại.
Một bé gái xinh xắn đang đứng nơi cửa sau của căn nhà. Cô bé có nước da giống mẹ, trắng mịn như men sứ, đôi mắt biết nói và mái tóc nhìn xa có màu đen như than, giống hệt bố. Dường như cô bé bước ra từ trong chuyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết hoặc Công chúa ngủ trong rừng.
- Lẽ nào cháu là Sophie? - Isabelle thốt lên. - Lần cuối cùng dì gặp cháu... cháu còn đang mút ngón tay.
- Thỉnh thoảng cháu vẫn còn làm thế. - Sophie đáp với một nụ cười bí hiểm. - Dì đừng tiết lộ chuyện đó nhé?
- Dì á? Dì là người giữ bí mật giỏi nhất trên đời. - Isabelle tiến lại chỗ con bé, thầm nghĩ, cháu tôi. Gia đình. - Dì có nên nói cháu biết một bí mật không nhỉ, để cho công bằng?
Sophie gật đầu lia lịa, mắt mở to.
- Dì có thể trở thành vô hình.
- Không thể nào.
Isabelle nhìn thấy Vianne xuất hiện trên ngưỡng cửa.
- Cháu hỏi mẹ mà xem. Dì đã từng lẻn lên tàu hỏa, trèo ra ngoài cửa sổ và trốn khỏi các tu viện. Tất cả những chuyện đó là do dì có thể biến mất.
- Isabelle. - Vianne nói với giọng nghiêm khắc.
Sophie ngước nhìn Isabelle với vẻ thích thú.
- Thật hả dì?
Isabelle liếc nhìn chị gái.
- Thật dễ dàng biến mất khi không có ai để mắt đến chúng ta.
- Cháu đang nhìn dì đây. - Sophie nói. - Bây giờ dì biến mất được không?
Isabelle bật cười.
- Tất nhiên là không rồi. Phép thuật phải bất ngờ mới linh nghiệm được, đúng không nào? Bây giờ dì cháu mình chơi một ván cờ ca rô nhé?
8
Đầu hàng là một viên thuốc đắng khó nuốt, nhưng thống chế Pétain là một người chính trực. Một người hùng của cuộc chiến tranh với nước Đức trước kia. Phải, ông đã già, nhưng Vianne tin rằng điều đó chỉ mang lại cho ông một tầm nhìn tốt hơn để đánh giá tình thế của họ. Ông đã tìm ra cách để đưa cánh nam giới trở về nhà, như vậy mọi chuyện sẽ không giống như Thế chiến I.
Vianne hiểu được điều mà Isabelle không thể hiểu: Pétain thay mặt dân Pháp, đầu hàng để cứu sinh mạng người dân, giữ gìn đất nước và cuộc sống của họ. Thực ra thì những điều kiện đầu hàng khá là ngặt nghèo: nước Pháp bị cắt ngang và chia thành hai khu vực. Vùng Tạm chiếm - nửa phía bắc của đất nước và các bờ biển, bao gồm Carriveau - sẽ bị Đức chiếm đóng và cai quản. Vùng trung tâm rộng lớn của đất nước ở phía nam Paris sẽ là Vùng Tự do, được chính quyền mới của Pháp đóng tại Vichy, do chính thống chế Pétain lãnh đạo cai quản, trong khuôn khổ hợp tác với bọn Nazi* .
Nazi: Đảng Quốc xã của Đức, do Adolf Hitler lãnh đạo.
Ngay sau khi nước Pháp đầu hàng, thực phẩm trở nên khan hiếm. Mọi người không thể kiếm được xà phòng giặt, không thể trông đợi vào tem phiếu. Dịch vụ điện thoại cũng như bưu chính phập phù không thể tin tưởng được. Quân phát xít đã cắt đứt một cách hiệu quả sự liên lạc giữa các thành phố và thị trấn. Loại thư từ duy nhất được cho phép là bưu thiếp chính thức của Đức. Nhưng đối với Vianne, những thay đổi đó chưa phải là điều tồi tệ nhất.
Isabelle đã trở nên không thể sống chung nổi. Đã nhiều lần kể từ sau khi nước Pháp đầu hàng, trong khi Vianne ra sức sửa sang và trồng lại khu vườn, cứu chữa các loại cây ăn quả, chị bắt gặp Isabelle đứng ở cổng sau nhìn lên trời như thể có thứ gì đó khủng khiếp và u ám đang kéo đến.
Tất cả những gì Isabelle nhắc đến là sự ác ôn của Đức Quốc xã, cũng như quyết tâm tiêu diệt nước Pháp của bọn chúng. Cô em gái của chị không có năng khiếu giữ mồm giữ miệng, tất nhiên rồi, và vì Vianne từ chối lắng nghe, nên Sophie trở thành thính giả trung thành của Isabelle. Người dì quý hóa nhồi sọ con bé với những hình ảnh kinh hoàng của viễn cảnh sắp diễn ra, nhiều đến mức con bé mơ thấy ác mộng. Vianne không dám bỏ lại hai dì cháu ở nhà một mình, nên hôm nay, cũng giống như những ngày trước đó, chị đưa cả hai đi cùng mình vào thành phố để đổi tem phiếu.
Ba người đứng xếp hàng ở hiệu bán thịt đã được hai tiếng đồng hồ. Isabelle cằn nhằn luôn miệng trong suốt thời gian đó, như thể việc đi mua thực phẩm là một chuyện quá vô lý.
- Chị Vianne, nhìn kìa. - Isabelle nói. - Chúa ơi.
Giọng nàng trở nên nghiêm trọng hơn:
- Chị Vianne. Nhìn kìa.
Vianne quay lại để bảo em gái im lặng, và chị nhìn thấy bọn họ. Quân Đức.
Suốt dọc con phố, mọi cửa nẻo đóng sầm lại. Mọi người tản đi nhanh đến nỗi đột nhiên Vianne thấy mình đứng trơ trọi trên hè đường cùng với em gái và con gái. Chị tóm lấy Sophie và kéo con bé nép vào cánh cửa đóng kín của hiệu thịt.
Riêng Isabelle bướng bỉnh bước ra giữa đường.
- Isabelle. - Vianne khẽ rít lên, nhưng em gái chị vẫn điềm nhiên như không, đôi mắt xanh lục của cô gái long lanh hận thù trên khuôn mặt trắng xanh với những đường nét thanh tú mang đầy thương tích.
Chiếc xe tải đi đầu dừng lại ngay phía trước Isabelle. Trên xe, những người lính ngồi trên các băng ghế đối diện nhau, súng đặt hờ trong lòng. Khuôn mặt họ trẻ trung bảnh bao và hăm hở dưới những chiếc mũ sắt mới tinh, huy chương lấp lánh trên bộ quân phục màu xanh xám. Hầu hết họ đều còn trẻ. Không phải những con quái vật, mà chỉ là những chàng trai. Họ vươn cổ nhìn xem điều gì đã làm chiếc xe dừng lại. Khi trông thấy Isabelle đứng đó, những người lính mỉm cười và vẫy tay.
Vianne nắm lấy tay Isabelle và lôi nàng tránh qua một bên.
Đoàn xe quân sự ầm ầm chạy ngang qua chỗ họ, những chiếc xe quân dụng mô tô và xe tải phủ vải ngụy trang. Xe tăng bọc thép rầm rập lăn bánh trên con đường lát đá. Tiếp đến là những người lính.
Họ hành quân thành hàng đôi tiến vào thành phố.
Isabelle bạo dạn đi xuôi con phố Victor Hugo cùng với họ. Những người lính Đức vẫy chào cô gái, nom họ giống như khách du lịch hơn là những kẻ đi xâm chiếm.
- Mẹ ơi, không thể để dì đi một mình như thế kia. - Sophie nói.
- Khỉ thật. - Vianne nắm tay Sophie và đuổi theo em gái. Hai mẹ con bắt kịp Isabelle ở khối phố tiếp theo.
Quảng trường của thành phố thường ngày đông đúc, giờ đây vắng tanh vắng ngắt. Chỉ có vài cư dân dám nán lại khi đoàn xe của Đức dừng phía trước tòa thị chính.
Một sĩ quan xuất hiện. Vianne đoán anh ta là sĩ quan khi nghe cách anh ta ra lệnh.
Toán lính Đức hành quân quanh quảng trường lát đá, chiếm lấy nó bằng sự hiện diện áp đảo của mình. Họ hạ lá cờ Pháp xuống rồi thay thế bằng cờ phát xít: một chữ thập ngoặc to màu đen trên nền đỏ và đen. Khi lá cờ đã được kéo lên, những người lính Đức dừng lại, giơ cao tay phải và hô vang:
- Heil Hitler.
- Em mà có súng, - Isabelle lên tiếng, - em sẽ cho bọn chúng thấy không phải tất cả chúng ta đều muốn đầu hàng.
- Xuỵt. - Vianne nói. - Cứ ăn nói kiểu ấy em sẽ khiến chúng ta bị giết chết mất. Đi thôi.
- Không. Em muốn...
Vianne quay mặt đối diện với Isabelle.
- Đủ rồi đấy. Em không được làm họ chú ý đến chúng ta. Hiểu chưa?
Isabelle ném ánh mắt hận thù lần cuối vào toán lính rồi để cho Vianne dắt đi.
Cả ba người rời con phố chính và lách qua một khe tường để vào một cái ngách nằm phía sau hiệu bán mũ. Họ có thể nghe thấy đám lính Đức bắt đầu hát. Rồi một phát súng vang lên. Một phát súng khác. Ai đó hét lên.
Isabelle dừng lại.
- Đừng có điên. - Vianne nói. - Đi.
Họ tiếp tục đi trong các ngõ ngách tăm tối, nấp vào trong các ngưỡng cửa khi nghe thấy tiếng người tiến đến chỗ mình. Chuyến đi tốn nhiều thời gian hơn thường lệ, nhưng cuối cùng họ cũng đã quay lại con đường đất. Cả ba im lặng đi qua nghĩa trang và suốt quãng đường về nhà. Khi đã về đến nơi, Vianne khép cửa sau lưng rồi khóa lại.
- Chị thấy chưa? - Isabelle nói ngay, rõ ràng chỉ chờ được bật ra câu hỏi đó.
- Con về phòng đi. - Vianne nói với Sophie. Chị không muốn con bé nghe thấy những điều mà dì của nó sắp nói.
Vianne gỡ mũ và đặt chiếc làn trống không xuống. Bàn tay chị run lẩy bẩy.
- Bọn chúng tới đây vì cái sân bay. - Isabelle nói. Nàng bắt đầu đi qua đi lại. - Em không nghĩ mọi chuyện lại xảy ra nhanh đến thế, ngay cả khi chúng ta đã đầu hàng. Em không tin... Em cứ tưởng dù sao quân đội chúng ta vẫn sẽ chiến đấu tiếp. Em tưởng...
- Đừng có cắn móng tay nữa. Em làm nó chảy máu bây giờ.
Isabelle trông như một mụ điên, với mái tóc vàng dài đến thắt lưng lòa xòa trên khuôn mặt bầm giập, nhăn nhó giận dữ.
- Bọn Đức Quốc xã đang ở đây, chị Vianne. Trên đất Carriveau. Lá cờ của chúng đang tung bay ngạo nghễ trước tòa thị chính, cũng như trên Khải hoàn môn và tháp Eiffel. Chỉ vừa tràn vào thành phố được năm phút là chúng đã nổ súng.
- Chiến tranh đã qua rồi, Isabelle. Thống chế Pétain đã nói như thế.
- Chiến tranh đã qua rồi á? Qua rồi? Chị có trông thấy bọn chúng ở ngoài đó, cùng với súng ống, cờ quạt và thái độ ngạo mạn không đấy? Chúng ta cần phải rời khỏi đây, V. Chúng ta sẽ gọi Sophie và rời Carriveau.
- Rồi ta đi đâu?
- Bất cứ đâu. Lyon, biết đâu đấy. Hoặc Provence. Cái thành phố trong vùng Dordogne nơi mẹ chào đời tên gì ấy nhỉ? Brantôme. Chúng ta có thể tìm người bạn của mẹ, cái bà người Basque ấy, bà ấy tên gì nhỉ? Bà Babineau. Bà ta có thể giúp chúng ta.
- Em làm chị nhức đầu quá.
- Nhức đầu cũng chẳng là gì nếu so với những vấn đề khác của chị. - Isabelle lại đi tới đi lui. Vianne tiến đến gần nàng.
- Em sẽ không làm bất cứ điều điên rồ hoặc ngu ngốc nào. Hiểu chưa?
Isabelle gầm lên tức tối rồi bước lên gác, đóng sập cửa phòng sau lưng.
+++++
Đầu hàng. Hai chữ đó cứ luẩn quẩn trong đầu Isabelle. Đêm đó, lúc nằm nhìn trần nhà trong phòng dành cho khách ở tầng dưới, nàng cảm thấy uất giận đến độ không thể suy nghĩ mạch lạc được.
Không lẽ nàng phải trải qua cuộc chiến tranh trong ngôi nhà này như một đứa con gái vô dụng, chỉ biết giặt giũ, xếp hàng chờ thực phẩm và quét nhà? Không lẽ nàng phải đứng nhìn quân thù lấy đi mọi thứ của nước Pháp?
Isabelle vẫn luôn cảm thấy cô độc và bực bội, nhưng chưa bao giờ gay gắt như bây giờ. Nàng bị mắc kẹt ở vùng thôn quê này, không có bạn bè và cũng chẳng có gì để làm.
Không. Chắc chắn phải có thứ gì đó nàng làm được. Kể cả ở đây, vào lúc này. Giấu đi những thứ giá trị. Đó là tất cả những gì nàng nghĩ ra. Quân Đức sẽ cướp phá các ngôi nhà trong thành phố, nàng chắc chắn như vậy, và chúng sẽ lấy đi mọi thứ có giá trị. Chính phủ Pháp hèn nhát cũng đã biết điều đó. Do vậy bọn họ mới đưa nhiều hiện vật quý ra khỏi Louvre và thay bằng tranh giả.
- Kế hoạch cũng chẳng có gì ghê gớm. - Isabelle lẩm bẩm. Nhưng có còn hơn không.
Ngày hôm sau, ngay khi Vianne và Sophie đi đến trường, Isabelle bắt tay vào việc, phớt lờ yêu cầu đi mua thực phẩm của chị gái. Nàng không thể chịu đựng nổi việc nhìn thấy bọn phát xít, và nhịn một ngày chẳng phải là vấn đề to tát gì. Thế là nàng đi lùng sục quanh nhà, mở các loại tủ, lục mọi ngăn kéo và nhòm dưới gầm giường. Nàng lấy ra tất cả những món đồ có giá trị và đặt lên cái bàn có chân rời trong phòng ăn. Có rất nhiều món đồ gia truyền giá trị. Đăng ten của bà cố làm, một bộ lọ đựng muối và tiêu bằng bạc, một cái đĩa sứ Limoges viền vàng của bà cô, một số bức tranh nhỏ thuộc trường phái ấn tượng, một cái khăn trải bàn bằng đăng ten Alençon màu ngà, một số album ảnh, một bức ảnh chụp hai vợ chồng chị Vianne và bé Sophie lồng trong khung bằng bạc, chuỗi hạt trai của mẹ, váy cưới của chị Vianne, cùng nhiều món khác. Isabelle đóng tất cả những gì có thể chui lọt vào một cái rương bằng gỗ có đai da, rồi kéo nó qua bãi cỏ, nhăn mặt mỗi khi chiếc rương cọ vào hòn đá hoặc va phải thứ gì đó. Nàng thở hồng hộc và toát mồ hôi hột khi đến được nhà kho.
Cái kho nhỏ hơn so với những gi Isabelle còn nhớ. Vựa cỏ khô, nơi duy nhất trên thế giới này cho nàng cảm giác hạnh phúc, thực ra chỉ chiếm một phần nhỏ của cái gác lửng nằm chênh vênh trên đầu một chiếc thang ọp ẹp và bên dưới lớp mái đầy những khe hở để lộ bầu trời. Nàng đã bỏ ra bao nhiêu giờ ở đây, một mình với những quyển sách tranh, vờ như ai đó đủ quan tâm để đến tìm mình? Chờ đợi một người chị gái luôn đi với Rachel hoặc Antoine.
Nàng gạt ký ức đó sang một bên.
Khoảng giữa của nhà kho chỉ rộng chừng chín mét. Nó được ông của Isabelle xây dựng để cất xe ngựa - vào cái thời mà gia đình nàng còn khá giả. Bây giờ thì chỉ có một chiếc Renault cũ kỹ nằm trơ trọi giữa kho. Các ngăn chuồng chất đầy những bộ phận của máy kéo, những chiếc thang gỗ dính đầy mạng nhện và các dụng cụ nhà nông han gỉ.
Isabelle đóng cửa kho lại rồi đi tới chỗ chiếc xe hơi. Cánh cửa bên phía tài xế kêu ken két kháng cự nhưng rồi cũng nhượng bộ. Nàng ngồi vào ghế, khởi động máy, chạy lùi khoảng hơn hai mét, rồi dừng lại.
Cánh cửa sập đã lộ ra. Với chiều dài chừng một mét rưỡi, ngang khoảng một mét hai, cấu tạo bởi các thanh ván gỗ kết đai da, cánh cửa xuống hầm gần như không thể nhận ra được, đặc biệt là lúc này, khi nó phủ đầy bụi và cỏ khô. Isabelle kéo cánh cửa lên, để cho nó tựa vào cái cản xóc móp méo cùa chiếc Renault, rồi quan sát khoảng trống đen tối sực mùi ẩm mốc.
Isabelle bật đèn pin, kẹp nó vào nách rồi từ từ leo xuống thang, nắm lấy đai da lôi chiếc rương từng nấc thang một cho đến khi xuống đến nơi. Chiếc rương kêu ầm ĩ khi chạm vào từng nấc thang rồi tiếp đất đánh thình phía sau lưng Isabelle.
Cũng giống như vựa cỏ, đối với con bé Isabelle trước đây, cái hốc bí mật này ngày trước có vẻ to hơn. Nó rộng khoảng hai mét rưỡi và dài ba mét, chạy dọc theo một bên là giá để đồ, trên sàn có một tấm nệm cũ. Những ngăn kệ từng được dùng làm nơi cất những cái thùng nấu rượu, nhưng giờ đây chỉ còn chỏng chơ một chiếc đèn lồng.
Isabelle đẩy cái rương vào góc cuối hầm rồi quay trở vào nhà, gom góp vài món đồ hộp, chăn, dụng cụ y tế, khẩu súng ngắn của cha nàng và một chai rượu. Nàng đem chất những thứ đó lên các ngăn kệ trong hầm.
Khi Isabelle trèo lên thang, nàng nhìn thấy chị Vianne đang đứng lù lù trong nhà kho.
- Em đang làm cái quái gì ở đây vậy?
Isabelle lau bàn tay đầy bụi vào lớp vải bông đã sờn của chiếc váy đang mặc.
- Cất giấu những thứ có giá trị của chị và một ít đồ dự trữ, trong trường hợp chúng ta cần phải lẩn trốn bọn phát xít. Chị xuống xem đi. Em đã làm khá ổn đấy chứ, em nghĩ vậy.
Isabelle lại trèo xuống thang, theo sau là Vianne. Nàng thắp đèn, tự hào chỉ khẩu súng của cha, các món thực phẩm và dụng cụ y tế.
Vianne đi thẳng tới chỗ cái hộp đựng nữ trang của mẹ và mở nó ra.
Bên trong hộp là những chiếc ghim cài áo, hoa tai và vòng cổ, chủ yếu là các phụ kiện trang phục. Dưới đáy hộp, nằm trên lớp nhung xanh là chuỗi hạt ngọc trai mà lần lượt bà và mẹ đã đeo trong ngày cưới.
- Có thể một ngày nào đó chị sẽ cần phải bán chúng. - Isabelle nói Vianne đóng sập cái hộp lại.
- Đây là những món đồ gia truyền, Isabelle. Để dành cho đám cưới của Sophie, và của em. Chị sẽ không bao giờ bán chúng. Vianne sốt ruột thở dài và quay nhìn cô em gái. - Hôm nay em mua được thực phẩm gì trong thành phố?
- Em làm chuyện này thay vào đó.
- À, phải rồi. Cất giấu chỗ ngọc trai của mẹ quan trọng hơn việc nấu bữa tối cho cháu em ăn. Chị chịu em rồi đấy, Isabelle.
Vianne trèo lên thang, thể hiện thái độ không bằng lòng qua những tiếng hậm hực.
Isabelle leo ra khỏi căn hầm và lái chiếc Renault trở về vị trí cũ, phía trên cửa sập. Sau đó nàng giấu chìa khóa sau một tấm ván gãy trong một cái chuồng. Cuối cùng, nàng gỡ luôn cái nắp bộ chia điện và giấu chúng cùng chỗ với mấy cái chìa khóa.
Khi rốt cuộc Isabelle cũng quay vào nhà, Vianne đang rán khoai tây trên một chiếc chảo gang trong bếp.
- Chị hy vọng em không đói.
- Em không đói. - Isabelle đi qua chỗ Vianne mà không buồn nhìn vào mắt chị. - À, em đã giấu chìa khóa và nắp bộ chia điện trong ngăn chuồng đầu tiên, phía sau một tấm ván gãy.
Nói đoạn nàng bước vào phòng khách, bật đài và ghé tai lắng nghe tin tức trên đài BBC. Âm thanh khọt khẹt vang lên, rồi một giọng nói không quen tuyên bố: “Đây là đài BBC. Tướng de Gaulle đang nói với các bạn.”
- Chị Vianne! - Isabelle gọi vọng vào trong bếp. - Tướng de Gaulle là ai vậy?
Vianne bước sang phòng khách và lau tay vào tạp dề.
- Cái gì...
- Xuỵt. - Isabelle cắt ngang.
"... những người từ nhiều năm qua chỉ huy quân đội Pháp đã thành lập một chính phủ. Chính phủ này, viện cớ thất bại của quân đội chúng ta, đã tiếp cận quân thù để bãi chiến.”
Isabelle nhìn chằm chằm chiếc radio nhỏ, sững sờ. Người đàn ông mà họ chưa bao giờ nghe nhắc tới đang nói trực tiếp với nhân dân Pháp, không phải theo cách của Pétain từng làm, mà với một giọng say sưa.
- Viện cớ thất bại. Em biết ngay mà!
"... Quả thực, chúng ta đã và đang bị sức mạnh cơ khí của đối phương vượt mặt, cả dưới mặt đất lẫn trên không... Xe tăng, máy bay và chiến thuật của người Đức đã làm các tướng lĩnh của chúng ta bất ngờ và đẩy họ đến tình trạng hôm nay. Nhưng chúng ta đã nói lời sau cùng chưa? Mọi hy vọng đã hết chưa? Thất bại đã là quyết định chưa?”
- Trời ơi! - Isabelle thốt lên. Đây chính là điều mà nàng đang chờ nghe. Phải có chuyện gì đó để làm, một cuộc đấu tranh để tham gia. Đầu hàng chưa phải là kết thúc.
“Dù có thế nào đi nữa, ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp cũng không được tắt và sẽ không tắt.”
Isabelle gần như không nhận ra mình đang khóc. Nước Pháp không bỏ cuộc. Bây giờ tất cả những gì nàng phải làm là tìm ra cách đáp lại lời kêu gọi này.
+++++
Hai ngày sau khi chiếm Carriveau, Đức Quốc xã tổ chức một cuộc triệu tập vào buổi chiều tối. Mọi người đều phải tham gia, không có ngoại lệ. Mặc dù thế, Vianne cũng phải tranh đấu mãi Isabelle mới chịu đến. Như thường lệ, Isabelle không nghĩ những luật lệ thông thường có liên quan gì với mình, và nàng muốn dùng sự thách thức để cho thấy mình không bằng lòng. Như thể người Đức thèm bận tâm xem một con bé mười tám bốc đồng nghĩ gì về sự chiếm đóng của bọn họ.
- Chờ đấy. - Vianne nói sau khi rốt cuộc cũng đưa được Isabelle và Sophie ra khỏi nhà. Chị nhẹ nhàng đóng cánh cổng xiêu vẹo phía sau lưng họ. Nó kêu cách khi khép lại.
Giây lát sau, Rachel xuất hiện trên đường và tiến về phía họ, trên tay bế đứa bé và Sarah đi bên cạnh.
- Đây là Sarah, bạn gái thân nhất của cháu. - Sophie giới thiệu bạn với Isabelle.
- Isabelle, - Rachel mỉm cười lên tiếng, - thật vui khi được gặp lại em.
- Thật ạ? - Isabelle hỏi lại.
Rachel tiến đến gần hơn.
- Chuyện đó lâu rồi mà. - Rachel nhẹ nhàng đáp. - Hồi đó bọn chị còn trẻ, ngu ngốc và ích kỷ. Chị xin lỗi vì đã cư xử không phải với em. Phớt lờ em. Chắc chuyện đó làm em rất đau đớn.
Isabelle mở miệng, nhưng rồi khép lại. Nàng không có gì để nói.
- Ta đi thôi. - Vianne lên tiếng, chị hơi bực vì Rachel nói ra được với Isabelle điều mà chị không thể nói. - Chúng ta không nên đến muộn.
Dù trời đã về chiều, nhiệt độ vẫn ấm một cách khác thường, và chẳng mấy chốc Vianne bắt đầu đổ mồ hôi. Trong thành phố, họ nhập vào đám người xì xầm đứng kín mít con phố nhỏ lát đá, suốt từ mặt tiền bên này sang mặt tiền bên kia. Cửa chớp của các cửa hiệu và cửa sổ được đóng lại, mặc dù nhiệt độ bên trong sẽ trở nên không chịu nổi khi mọi người về nhà. Đa phần các tủ bày hàng đều trống rỗng, một chuyện không có gì là ngạc nhiên. Người Đức ăn rất nhiều, tệ hơn nữa, họ bỏ mứa thức ăn trên đĩa khi ăn ở quán. Thật vô ý thức và tàn nhẫn, trong khi nhiều bà mẹ đang phải tằn tiện từng chút thức ăn dự trữ để nuôi con. Tranh cổ động cho Đức Quốc xã được dán khắp nơi, những tấm áp phích vẽ hình lính Đức được trẻ em Pháp vây quanh, với dòng khẩu hiệu động viên người Pháp chấp nhận những kẻ chinh phục và trở thành công dân tốt của Đế quốc Đức.
Khi đám đông tiến đến gần tòa thị chính, tiếng xì xầm chấm dứt. Lúc lại gần, cảm giác của mọi người càng tệ hơn khi họ phải làm theo hướng dẫn, mù quáng đi vào trong một nơi có cửa ra vào bị canh gác và cửa sổ bị khóa.
- Chúng ta không nên vào trong đó. - Isabelle nói.
Đứng bên cạnh và cao hơn cả hai chị em, Rachel chậc lưỡi. Chị xốc lại đứa bé trên tay, vỗ nhè nhẹ dỗ dành.
- Chúng ta đều được triệu tập.
- Càng có lý do để trốn. - Isabelle đáp.
- Sophie và chị sẽ vào trong. - Vianne nói, mặc dù phải thừa nhận là chị linh tính có chuyện gì đó.
- Em có cảm giác không hay về chuyện này. - Isabelle lẩm bẩm.
Như một con cuốn chiếu, đoàn người tiến vào trong tòa thị chính. Trước kia các bức tường được treo tranh thảm, vốn là những báu vật được để lại từ thời vua chúa, khi thung lũng sông Loire từng là nơi săn bắn của hoàng gia, nhưng giờ thì tất cả đã biến mất. Thay vào đó là những lá cờ chữ thập ngoặc, tranh cổ động với dòng chữ “Hãy tin ở nước Đức!" và một ảnh chân dung cỡ lớn của Hitler.
Bên dưới tấm ảnh là một người đàn ông mặc quân phục màu đen có đeo nhiều huân chương, chữ thập sắt, quần chẽn và đi đôi ủng bóng lộn. Một dải băng màu đỏ có in hình chữ thập ngoặc được đeo trên bắp tay ông ta.
Khi hội trường đã đầy người, lính gác đóng mấy cánh cửa bằng gỗ sồi lại, làm chúng phát ra những tiếng ken két phản đối. Người sĩ quan đứng ở phía đầu hội trường đối mặt với mọi người, giơ cánh tay phải lên và hô to: “Heil Hitler.”
Mọi người xầm xì bàn tán. Họ nên làm gì đây?
- Heil Hitler. - Một số người miễn cưỡng lên tiếng.
Gian phòng bắt đấu bốc mùi mồ hôi, mùi xi đánh giày và khói thuốc.
- Tôi là Thiếu tá Weldt, thuộc lực lượng mật vụ Gestapo - Người đàn ông mặc quân phục đen nói bằng một thứ tiếng Pháp khá nặng - Tôi đến đây để thi hành những điều khoản đình chiến nhân danh nước Đức và Quốc trưởng. Sẽ không khó khăn nhiều đối với những người tuân thủ quy định - Ông ta hắng giọng - Sau đây là các quy định: Tất cả radio phải được giao nộp cho chúng tôi tại tòa thị chính, ngay lập tức, cũng như súng đạn và chất nổ. Mọi phương tiện đi lại sẽ bị trưng thu. Tất cả các cửa sổ sẽ được lắp vật liệu che chắn, và mọi người phải thực hiện việc che cửa sổ. Đúng chín giờ tối, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu. Không ánh đèn nào được bật sau khi trời tối. Chúng tôi sẽ kiểm soát toàn bộ thực phẩm dù là được trồng tại địa phương hay được nhập khẩu.
Ông ta ngừng lời và quan sát đám đông trước mặt.
- Cũng không quá tệ, đúng không? Chúng ta sẽ chung sống hòa bình, đúng không? Nhưng mọi người nên biết một điều. Tất cả mọi hành vi phá hoại, do thám hoặc kháng cự sẽ bị xử lý một cách nhanh chóng và không nhân nhượng. Hình phạt dành cho những hành vi như vậy là tử hình. - Weldt lấy một gói thuốc lá từ trong túi áo ngực ra và rút một điếu. Sau khi châm thuốc, ông ta quan sát mọi người kỹ lưỡng như thể đang ghi nhớ từng khuôn mặt. - Ngoài ra, mặc dù nhiều binh lính tơi tả và hèn nhát của các người đang quay về nhà, chúng tôi phải thông báo những tù binh do chúng tôi bắt được sẽ bị giữ lại Đức.
Vianne cảm thấy sự hoang mang lan dần trong khán phòng. Chị nhìn gương mặt vuông đỏ lựng nhiều chỗ của Rachel, dấu hiệu của nỗi lo lắng.
- Marc và Antoine sẽ về nhà. - Rachel nói một cách cứng cỏi.
Tay Thiếu tá nói tiếp:
- Bây giờ mọi người có thể ra về, tôi tin chắc chúng ta đã hiểu nhau. Các sĩ quan của tôi sẽ trực tại đây cho đến tám giờ bốn mươi lăm phút tối. Họ sẽ tiếp nhận các món đồ mà mọi người giao nộp. Đừng để quá muộn. Và... - Ông ta điềm nhiên nở một nụ cười - Đừng liều mạng chỉ để giữ lại một chiếc radio. Bất cứ thứ gì mọi người giữ lại, hoặc giấu giếm, chúng tôi sẽ tìm ra, và một khi tìm được... thì chỉ có chết. - Ông ta nói từ chết rất thoải mái, kèm theo một nụ cười tươi đến nỗi thoạt đầu mọi người không hiểu gì cả.
Đám đông đứng đó một lúc, không rõ liệu có an toàn khi di chuyển hay không. Không ai muốn trở thành người cất bước đầu tiên. Thế rồi đột nhiên họ cùng chuyển động, đồng loạt tiến về phía cửa ra vào.
- Đồ con hoang. - Isabelle nói khi mọi người đã đi vào một cái ngõ.
- Mình cứ tưởng bọn họ sẽ để cho chúng ta giữ lại mấy khẩu súng. - Rachel vừa nói vừa châm thuốc, hít một hơi rồi phả khói ra.
- Em sẽ giữ khẩu súng của chúng ta, chắc chắn rồi. - Isabelle nói to. - Cả cái radio nữa.
- Xuỵt. - Vianne đe.
- Tướng de Gaulle nghĩ rằng...
- Chị không muốn nghe chuyện ngu ngốc đó. Chúng ta phải cúi đầu cho đến khi cánh đàn ông về nhà. - Vianne nói.
- Trời ơi. - Isabelle gắt lên. - Chị nghĩ chồng chị có thể khắc phục được tình trạng này sao?
- Không. - Vianne đáp. - Chị tin sái cổ rằng em và ông tướng de Gaulle vô danh tiểu tốt kia sẽ làm được điều đó. Giờ thì đi thôi. Trong khi bọn em nung nấu một kế hoạch giải cứu nước Pháp, chị cần chăm sóc mảnh vườn của mình. Đi nào, Rachel, bọn đần độn chúng mình nên tránh xa chuyện này.
Vianne nắm chặt tay Sophie và nhanh chóng đi đằng trước, không buồn ngoái lại để xem Isabelle có đi theo hay không. Chị biết em gái mình đang bị tụt lại phía sau, khập khiễng lê bước trên đôi chân bị thương. Bình thường thì chị đã đi chậm lại để bước cùng với Isabelle, nhưng lúc này chị điên tiết đến độ bất cần.
- Có lẽ em gái cậu không sai. - Rachel nói khi hai người đi ngang qua nhà thờ kiểu Norman nằm ở rìa thành phố.
- Nếu cậu chọn đứng về phe nó trong chuyện này, có lẽ mình buộc phải làm cậu tổn thương đấy, Rachel.
- Nói thế, chứ em gái cậu có lẽ không hoàn toàn sai.
Vianne thở dài.
- Đừng có nói với nó như thế. Hiện tại nó đã quá đáng lắm rồi.
- Con bé sẽ phải học cách xử sự đúng mực.
- Cậu đi mà dạy nó ấy. Con bé đặc biệt cứng đầu trong việc tự cải thiện bản thân hoặc lắng nghe lẽ phải. Nó đã được gửi đến hai trường trung học mà vẫn không thể giữ mồm giữ miệng hoặc ăn nói cho phải phép. Cách đây hai ngày, thay vì vào thành phố mua thịt, nó giấu của cải và sắp xếp chỗ trốn cho bọn mình. Để đề phòng, theo lời nó.
- Có lẽ mình cũng nên cất giấu đồ có giá trị. Mặc dù bọn mình chẳng có gì nhiều.
Vianne mím môi. Có bàn cãi thêm về chuyện này cũng chẳng để làm gì. Không lâu nữa Antoine sẽ trở về nhà và giúp đưa Isabelle vào khuôn phép.
Tại cổng nhà, Vianne chào Rachel và hai đứa con của chị.
- Tại sao chúng ta phải nộp cho họ chiếc radio hả mẹ? - Sophie hỏi sau khi mấy mẹ con Rachel đã đi tiếp. - Nó là của bố mà.
- Chúng ta sẽ không nộp đâu. - Isabelle nói ngay khi bắt kịp mọi người. - Chúng ta sẽ giấu nó đi.
- Chúng ta sẽ không giấu cái radio. - Vianne xẵng giọng. - Chúng ta phải làm theo mệnh lệnh và không gây rối. Chẳng bao lâu nữa Antoine sẽ trở về nhà, anh ấy biết mọi người sẽ phải làm gì.
- Chào mừng đến với thời Trung cổ, Sophie. - Isabelle mỉa mai.
Vianne giật mạnh cánh cổng, quên bẵng nó đã bị những người tản cư làm hỏng. Cánh cổng tội nghiệp rít lên, mở ra trên cái bản lề duy nhất còn lại. Vianne phải nỗ lực hết sức để làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Chị đi tới căn nhà, mở cửa, rồi lập tức bật đèn trong bếp.
- Sophie. - Chị cất tiếng gọi trong lúc gỡ mũ. - Con dọn bàn nhé?
Vianne mặc kệ tiếng làu bàu phản đối của con bé, một chuyện không có gì ngạc nhiên. Chỉ mới có vài ngày, Isabelle đã kịp dạy cháu gái cãi mẹ.
Vianne châm bếp lò và bắt đầu nấu nướng. Khi nồi xúp kem khoai tây và thịt ba chỉ muối sôi nhè nhẹ, chị bắt đầu dọn dẹp. Đương nhiên lúc cần người giúp một tay thì chẳng thấy Isabelle đâu. Chị thở dài rồi đổ nước vào chậu để rửa bát. Chị chăm chú vào công việc đến nỗi phải mất một lúc mới nhận ra có người gõ cửa. Vuốt vội mái tóc, chị bước ra phòng khách, nơi Isabelle đang duỗi người trên trường kỷ, tay cầm quyển sách. Đọc sách trong khi chị gái nấu nướng và dọn dẹp. Đương nhiên rồi.
- Chị có hẹn ai à? - Isabelle hỏi.
Vianne lắc đầu:
- Có lẽ chúng ta không nên mở cửa. - Isabelle nói. - Cứ vờ như mình không có nhà.
- Chắc là Rachel.
Lại một tiếng gõ cửa nữa. Nắm cửa chậm rãi xoay và cánh cửa kêu ken két, mở ra. Chắc là Rachel rồi. Còn ai nữa...
Một người lính Đức bước vào nhà.
- Ồ, tôi xin lỗi. - Anh ta nói tiếng Pháp với một giọng trọ trẹ.
Người lính bỏ mũ xuống, kẹp vào nách, rồi mỉm cười. Anh ta thật đẹp trai - cao ráo với đôi vai rộng, bộ hông hẹp, làn da sáng màu và đôi mắt xám. Vianne đoán anh ta trạc tuổi mình. Bộ quân phục được là thẳng thớm và trông như mới. Một chữ thập sắt tô điểm cho cổ áo của anh ta. Chiếc ống nhòm có dây đeo lủng lẳng trên cổ, và một chiếc thắt lưng da to bản nai nịt vòng eo của người đàn ông. Phía đằng sau anh ta, qua những nhánh cây trong vườn, chị nhìn thấy một chiếc mô tô đậu bên vệ đường. Chiếc xe có ba bánh, với một thùng bên hông và được trang bị súng máy.
- Chào cô. - Anh ta nói với Vianne, đồng thời dập hai gót giày với nhau và gật đầu chào.
- Bà. - Vianne chỉnh lại, thầm mong giọng nói của mình nghe uy quyền và có kiểm soát, nhưng ngay chính tai chị cũng nhận ra sự sợ hãi trong đó. - Bà Mauriac.
- Tôi là Hauptmann - Đại úy - Wolfgang Beck - Anh ta đưa cho Vianne một tờ giấy rồi lại dập gót giày. - Tiếng Pháp của tôi không được tốt. Mong chị thứ lỗi cho sự kém cỏi của tôi.
Khi tay Đại úy mỉm cười, hai lúm đồng tiền sâu xuất hiện trên má anh ta. Vianne cầm tờ giấy và nhíu mày.
- Tôi không biết tiếng Đức.
- Anh muốn gì? - Isabelle vừa hỏi vừa tiến đến bên cạnh Vianne.
- Ngôi nhà của chị rất đẹp và gần sân bay. Tôi đã để ý điều đó khi mới đến. Chị có bao nhiêu phòng ngủ?
- Sao anh hỏi vậy?
Isabelle cất tiếng đúng lúc Vianne đáp:
- Ba.
- Tôi sẽ đóng tại đây. - Tay Đại úy đáp.
- Đóng? - Vianne hỏi lại. - Ý anh là... ở lại đây á?
- Vâng.
- Đóng? Anh ư? Một người đàn ông? Một tên phát xít? Không. Không được. - Isabelle lắc đầu. - Không.
Nụ cười của tay Đại úy không hề giảm bớt hoặc biến mất.
- Cô đã ở thành phố. - Anh ta nhìn Isabelle. - Tôi đã thấy cô lúc mới đến.
- Anh để mắt đến tôi sao?
Anh ta mỉm cười đáp:
- Tôi dám chắc bất cứ người đàn ông nào trong trung đoàn của tôi cũng để mắt đến cô.
- Thật khôi hài khi anh nhắc đến chuyện đó. - Isabelle đáp.
Vianne huých em gái.
- Xin lỗi Đại úy, em gái tôi thỉnh thoảng cũng hơi bướng bỉnh. Nhưng tôi là người đã có chồng, anh thấy đấy, và chồng tôi đang ở ngoài mặt trận. Trong nhà chỉ có em gái và con gái tôi thôi, nên anh có thể thấy sẽ rất bất tiện nếu để anh trú đóng tại đây.
- A, vậy là chị muốn để lại ngôi nhà cho tôi. Như vậy thì sẽ khó khăn cho gia đình chị đấy.
- Sao cơ? - Vianne ngơ ngác.
- Em nghĩ là chị chưa hiểu anh ta. - Isabelle nói, không rời mắt khỏi tay Đại úy. - Anh ta sẽ dọn đến nhà chị, trưng dụng nó, và tờ giấy này chính là lệnh trưng thu, thứ giúp cho việc đó thành hiện thực. Cùng với sự đình chiến của Pétain nữa, tất nhiên rồi. Chúng ta hoặc là chuẩn bị phòng cho anh ta, hoặc là từ bỏ ngôi nhà thuộc về gia đình ta từ nhiều thế hệ.
Trông tay Đại úy có vẻ lúng túng.
- Tôi e rằng hoàn cảnh hiện tại là như thế. Nhiều người dân trong làng của chị cũng đang gặp phải tình thế khó xử y hệt.
- Nếu chúng tôi ra đi, liệu sau này chúng tôi có lấy lại nhà được không? - Isabelle hỏi.
- Tôi không nghĩ là được.
Vianne đánh liều tiến thêm một bước về phía anh ta. Biết đâu chị có thể thương lượng với người này.
- Hiện tại chồng tôi có thể về nhà bất cứ lúc nào, tôi nghĩ thế. Anh có thể đợi cho đến khi anh ấy về nhà được không?
- Rất tiếc, tôi không phải là chỉ huy. Tôi chỉ là Đại úy của quân đội Đức Quốc xã. Tôi phải tuân theo mệnh lệnh, thưa chị, chứ tôi không ra lệnh. Và tôi được lệnh trú đóng tại đây. Nhưng tôi xin bảo đảm tôi là một người đàng hoàng.
- Chúng tôi sẽ đi. - Isabelle nói.
- Đi á? - Vianne kinh ngạc nhìn em gái. - Đây là nhà của chị. - Rồi chị quay sang phía tay Đại úy. - Tôi có thể tin được anh là người đàng hoàng chứ?
- Tất nhiên rồi.
Vianne nhìn sang Isabelle và thấy em gái lắc đầu nhè nhẹ. Chị hiểu mình không có lựa chọn. Chị phải giữ an toàn cho Sophie đến khi Antoine về nhà, sau đó anh sẽ giải quyết chuyện khó xử này. Chắc chắn anh sẽ sớm về nhà, vì hiệp định đình chiến đã được ký kết
- Có một phòng ngủ nhỏ ở tầng trệt. Anh sẽ thấy thoải mái trong đó.
Tay Đại úy gật đầu.
- Cảm ơn chị. Tôi sẽ đi lấy đồ đạc của mình.
+++++
Ngay khi cánh cửa ra vào khép lại sau lưng tay Đại úy, Isabelle lên tiếng:
- Chị có điên không? Chúng ta không thể sống cùng một tên phát xít.
- Anh ta nói mình là Đại úy của quân đội Đức Quốc xã. Hai cái đó có phải là một không?
- Em không quan tâm bọn chúng tự gọi mình là gì. Chị chưa thấy những gì bọn chúng sẵn sàng làm với chúng ta đâu, Vianne. Em thì thấy rồi. Sang bên nhà Rachel đi chị. Chúng ta có thể ở nhờ nhà chị ấy.
- Nhà của Rachel quá nhỏ đối với tất cả chúng ta, hơn nữa chị sẽ không giao căn nhà của mình cho người Đức.
Đến đây thì Isabelle cứng họng.
Vianne cảm thấy nỗi lo lắng đã chuyển thành sự khó chịu chạy dọc theo cổ họng. Một thói quen cũ đã quay lại.
- Em cứ đi nếu muốn, còn chị sẽ đợi anh Antoine. Chúng ta đã đầu hàng nên anh ấy sẽ sớm về nhà thôi.
- Chị Vianne, làm ơn...
Cửa ra vào lay mạnh. Một tiếng gõ cửa nữa vang lên. Vianne lờ đờ tiến tới. Chị đưa bàn tay run rẩy xoay nắm cửa và mở ra. Đại úy Beck đứng đó, một tay cầm mũ, tay kia xách chiếc va li nhỏ. Anh ta nói như thể đã đi đâu đó một lúc lâu:
- Một lần nữa, xin chào.
Vianne gãi gáy, cảm thấy mình đột nhiên yếu đuối dưới ánh mắt của người đàn ông. Chị nhanh chóng lùi lại và nói:
- Lối này, thưa Đại úy.
Trong lúc quay người, Vianne nhìn thấy trước mắt mình là gian phòng khách đã được trang trí bởi ba người đàn bà thuộc ba thế hệ nhà chị. Các bức tường trát vữa stucco màu vàng, thứ màu của bánh mì mới ra lò, nền đá xám được phủ những tấm thảm Aubusson cổ, các món đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ bọc nỉ hoặc dạ, đèn bằng sứ, rèm cửa màu vàng và đỏ, các thứ đồ cổ và quý giá được truyền lại từ cái thời mà gia tộc Rossignol còn là những thương gia giàu có. Cho đến mới đây, trên các bức tường vẫn còn treo tranh. Bây giờ chỉ còn lại những bức vẽ không có giá trị. Isabelle đã giấu đi những bức tranh quý.
Vianne bước qua tất cả những thứ đó để tới phòng ngủ nhỏ dành cho khách nằm bên dưới cầu thang. Khi đến trước cánh cửa đóng nằm bên phải của phòng tắm được xây thêm vào những năm đầu thế kỷ hai mươi, chị dừng lại. Chị có thể nghe thấy tiếng thở của tay Đại úy phía sau lưng.
Vianne mở cửa, để lộ một căn phòng nhỏ có một cửa sổ rộng, hai bên có treo lớp rèm màu xanh rủ xuống tới mặt sàn gỗ. Một cái tủ có nhiều ngăn kéo là nơi đặt chiếc bình có chân và bình đựng nước màu xanh. Trong góc phòng là một tủ quần áo cũ kỹ bằng gỗ sồi có cánh gương. Bên cạnh chiếc giường đôi là một bàn ngủ, trên có đặt một chiếc đồng hồ cổ bằng đồng mạ vàng. Áo xống của Isabelle nằm khắp nơi như thể cô nàng đang chuẩn bị đồ đi nghỉ mát. Vianne nhanh chóng nhặt chúng lên cùng với chiếc va li. Khi đã làm xong, chị quay lại.
Tay Đại úy đặt chiếc va li xuống sàn. Vianne nhìn anh ta, phép lịch sự buộc chị phải nở một nụ cười gượng.
- Chị không cần phải lo lắng. - Anh ta nói một cách nhã nhặn. - Chúng tôi đã được nhắc nhở phải cư xử đúng mực. Mẹ tôi cũng sẽ yêu cầu như vậy, và nói thật là bà ấy làm tôi sợ hơn cả chỉ huy của tôi.
Đó là một nhận xét bình thường đến nỗi khiến Vianne ngạc nhiên. Chị không biết phải nói thế nào với con người xa lạ ăn mặc như kẻ thù nhưng lại trông giống như một chàng trai mà chị có thể gặp gỡ ở nhà thờ. Nếu nói sai thì cái giá phải trả sẽ ra sao đây?
Tay Đại úy vẫn ở nguyên chỗ cũ, lịch sự đứng cách Vianne một khoảng.
- Tôi xin lỗi vì sự bất tiện.
- Chồng tôi sẽ sớm quay về nhà.
- Tất cả chúng tôi đều muốn được sớm về nhà.
Lại một câu nói gây bối rối. Vianne gật đầu chào rồi để anh ta trong phòng và khép cửa lại.
- Chị đừng nói là anh ta sẽ ở lại nhé. - Isabelle đi nhanh đến chỗ chị.
- Anh ta nói anh ta sẽ ở lại. - Vianne mệt mỏi đáp, tay vén mớ tóc che mắt. Lúc này chị mới nhận ra mình đang run rẩy. - Chị biết em cảm thấy như thế nào về những tay phát xít. Nhưng hãy bảo đảm là anh ta không biết điều đó. Chị sẽ không để em đặt Sophie vào sự nguy hiểm với kiểu làm loạn trẻ con của em.
- Trẻ con! Chị...
Cánh cửa phòng bật mở khiến Isabelle im bặt. Đại úy Beck tự tin bước đến chỗ họ, miệng mỉm cười. Rồi anh ta nhìn thấy chiếc radio trong phòng và khựng lại.
- Mọi người đừng lo. Tôi rất sẵn lòng đem chiếc radio này tới chỗ chỉ huy.
- Thật á? - Isabelle nói. - Anh coi đó là một việc tử tế sao?
Vianne cảm thấy ngực mình căng lên. Cả một cơn bão đang tích tụ bên trong Isabelle. Đôi má của em gái chị đã tái hẳn đi, cặp môi mím lại như một đường chỉ không màu, hai con mắt nheo lại. Isabelle đang nhìn tay Đại úy như muốn giết chết tươi anh ta bằng ánh mắt.
- Tất nhiên. - Đại úy Beck mỉm cười, tuy có vẻ bối rối. Sự im lặng đột ngột dường như làm anh ta lúng túng.
Thình lình anh ta nói:
- Cô có mái tóc rất đẹp, thưa cô. - Trông thấy cái nhíu mày của Isabelle, anh ta nói tiếp. - Đó là một lời khen thích hợp, đúng không?
- Anh thấy vậy à? - Isabelle hạ giọng.
- Dễ thương lắm. - Beck mỉm cười đáp.
Isabelle bước vào trong bếp rồi quay trở ra với một cái kéo cắt xương. Nụ cười của tay Đại úy vụt tắt.
- Tôi đã bị hiểu nhầm sao?
Vianne thốt lên:
- Isabelle, đừng.
Những lời của chị gái không ngăn nổi Isabelle gom mớ tóc vàng hoe, dày dặn của mình lại. Cương quyết nhìn thẳng vào khuôn mặt đẹp trai của Đại úy Beck, Isabelle cắt phăng mái tóc và đưa chỗ tóc vừa cắt cho anh ta.
- Chúng tôi không được sở hữu bất cứ thứ gì đẹp đẽ, đúng không Đại úy Beck?
Vianne thốt lên:
- Xin anh. Cứ mặc kệ con bé. Isabelle là một đứa con gái ngu ngốc và ngạo mạn.
- Không. - Đại úy Beck đáp. - Cô ấy đang giận dữ. Trong chiến tranh, người giận dữ hay phạm sai lầm và thiệt mạng.
- Những kẻ xâm lược cũng thế. - Isabelle đập lại.
Beck bật cười. Isabelle hừ một tiếng rồi quay gót bước lên gác, đóng cửa phòng mạnh đến nỗi cả ngôi nhà rung lên.
+++++
- Chắc chị đang muốn nói chuyện với cô ấy, tôi bảo đảm thế. - Beck nói, và nhìn Vianne như thể hai người rất hiểu nhau. - Những... cái trò đó khi diễn ra không đúng chỗ sẽ rất nguy hiểm đấy.
Vianne bỏ lại anh ta trong phòng khách và đi lên gác. Chị tìm thấy Isabelle đang ngồi trên giường của Sophie, giận đến run người.
Má và cổ Isabelle đầy thương tích, nhắc chị nhớ những điều em gái mình đã chứng kiến và trải qua. Bây giờ đến lượt mái tóc bị xén lởm chởm.
Vianne trút những món đồ của Isabelle xuống chiếc giường chưa dọn và đóng cửa lại sau lưng.
- Em đang nghĩ cái quái quỷ gì trong đầu vậy?
- Em có thể giết hắn khi hắn ngủ, chỉ một nhát cứa vào cổ là xong.
- Thế em nghĩ bọn họ sẽ không đi tìm một Đại úy đã nhận lệnh đến đóng ở đây à? Trời ơi, Isabelle! - Vianne hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại. - Chị biết hai chị em mình không được hợp nhau. Chị biết lúc em còn bé, chị đã không tốt với em. Lúc đó chị quá trẻ và quá sợ sệt nên không giúp gì em được. Ba đối với em còn tệ hơn. Nhưng giờ đây chuyện không chỉ là giữa chúng ta, và em không thể cứ mãi là một đứa con gái ngang tàng. Bây giờ chuyện là con gái chị. Cháu gái của em. Chúng ta phải bảo vệ nó.
- Nhưng...
- Nước Pháp đã đầu hàng rồi, Isabelle. Rõ ràng em biết điều đó.
- Chị không nghe tướng de Gaulle nói gì sao? Ông ấy đã nói...
- Tướng de Gaulle là ai mới được? Tại sao chúng ta phải nghe ông ta? Thống chế Pétain là một vị anh hùng và là người lãnh đạo chúng ta. Chúng ta phải tin vào chính phủ của mình.
- Chị đùa đấy à, Vianne? Chính phủ ở Vichy đang hợp tác với Hitler. Sao chị không thể hiểu được mối nguy hiểm này nhỉ? Pétain sai rồi. Người ta có mù quáng đi theo một lãnh đạo không?
Vianne chậm rãi tiến đến chỗ Isabelle, trong lòng dấy lên một nỗi e sợ đối với cô em gái.
- Em không nhớ được cuộc chiến tranh trước. - Chị nói, hai tay chắp lại cho hết run. - Chị thì có. Chị còn nhớ những người cha người chú, những người anh không trở về nhà. Chị còn nhớ những đứa trẻ trong lớp khóc thầm khi nhận được điện tín báo tin xấu. Chị còn nhớ những người đàn ông quay về trên nạng gỗ, ống quần trống rỗng bay phất phơ, hoặc cụt mất một cánh tay, biến dạng cả khuôn mặt. Chị còn nhớ ba của chúng ta như thế nào trước chiến tranh, và ba khác hẳn đi như thế nào lúc quay về. Chị nhớ ba đã uống rượu, sập cửa và quát mắng chúng ta như thế nào, sau đó im lặng ra sao. Chị nhớ những câu chuyện về Verdun và Somme, nơi hàng triệu binh lính Pháp bỏ mạng trong những chiến hào đẫm máu. Và sự tàn ác của quân Đức, em đừng quên điều đó. Bọn chúng rất độc ác, Isabelle à.
- Chính đó là điều em muốn nói. Chúng ta phải...
- Chúng độc ác vì chúng ta có chiến tranh với chúng, Isabelle. Pétain đã giúp chúng ta không phải trải qua sự độc ác đó một lần nữa. Ông ấy đã giữ an toàn cho chúng ta. Ông ấy đã chấm dứt chiến tranh. Giờ đây Antoine và những người đàn ông khác sẽ được về nhà.
- Về với một nơi mà người ta phải chào “Heil Hitler" á? - Isabelle mỉa mai. - “Ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp không được tắt và sẽ không tắt”. Tướng de Gaulle đã nói như thế. Chúng ta phải chiến đấu bằng hết khả năng của mình. Vì nước Pháp, V. ạ. Để nó vẫn được gọi là nước Pháp.
- Đủ rồi. - Vianne nói. Chị tiến lại gần đến mức có thể thì thầm vào tai hoặc hôn lên má Isabelle, nhưng chị không làm cả hai điều đó. Với một giọng cương quyết, chị nói tiếp. - Em sẽ dùng phòng của Sophie, con bé sẽ ở chung phòng với chị. Và đừng quên, Isabelle, anh ta có thể bắn chúng ta. Bắn gục chúng ta, mà chẳng ai thèm bận tâm. Em sẽ không khiêu khích anh ta trong nhà chị.
Vianne đã nói đúng điều cần nói. Isabelle cứng người.
- Em sẽ cố giữ mồm giữ miệng.
- Làm đi, đừng chỉ cố mà thôi.