Sổ Tay Sửa Lỗi Hành Văn - Chương 07

D. Bài tập:

1. Phân tích và sửa những lỗi trong các câu trên (ở phần C).

Mẫu sửa lỗi:

(1) Ta thấy Kiều, mắt đăm đăm nhìn ra cửa bể, dõi theo cánh buồm thấp thoáng... [6]

(2) Trong khi vó ngựa phi nhanh trên quãng đường đá, chàng hiệp sĩ ngoái nhìn về phía quê nhà.

(3) Em bé ngạc nhiên nhìn ông già say rượu đang đưa tay lên vuốt bộ râu bạc.

(4) Sở dĩ tác giả dựng lên được những bức tranh đậm đà như vậy là nhờ đôi mắt tinh tường của ông đã ghi nhận những chi tiết tế nhị mà tiêu biểu.

(5) Tai lắng nghe tiếng chuông chiều, mồm lẩm bẩm tụng kinh, nhà sư trẻ tuổi cảm thấy hoàng hôn đã dần dần trùm lên đôi vai gầy gò của mình.

(6) Ông lão nhìn con chó đang vẫy đuôi lia lịa.

(7) Chàng dũng sĩ lao về phía con quái vật đang ngoác mồm to như cái miệng thúng.

(8) Chân mỏi nhừ, lòng khắc khoải, anh lê bước trên đường.

(9) Mắt cố nhắm thật kỹ, ông ném mạnh hai hòn đá.

(10) Chân vẫn bước nhanh, ông buông ra những câu chửi rủa tục tằn.

(11) Bụng đói như cào, nó nhìn con thỏ chết mà thèm rỏ dãi.

(12) Bốn bánh lăn vun vút, chiếc xe do người lính lái băng qua đèo.

(13) Lưỡi ánh lên sáng quắc, thanh gươm của viên tướng vung cao: đó là hiệu lệnh tiến quân.

(14) Mũi rẽ sóng đại dương, chiếc tàu được viên hoa tiêu lái về hướng Bắc.

2. Tập đặt câu:

a. Diễn đạt các ý sau đây bằng những câu có trạng ngữ mệnh đề theo kiểu đang xét.

(1) Con chó cố mở thật to đôi mắt nhìn theo ông chủ.

(2) Cô thư ký ngẩng cao mái đầu lên, đi qua dãy ghế đầu.

(3) Trong khi tôi trao thư cho nó, tim tôi đập rộn rã.

(4) Văn nhặt mấy mảnh vụn mà cảm thấy lòng đau như cắt.

(5) Hắn vừa rón rén bước vào vừa run bắn cả chân tay lên.

Trả lời:

(1) Đôi mắt cố mở thật to, con chó nhìn theo ông chủ.

(2) Mái đầu ngẩng cao lên, cô thư ký đi qua dãy ghế đầu.

(3) Tim đập rộn rã, tôi trao bức thư cho nó.

(4) Lòng đau như cắt, Văn nhặt mấy mảnh vụn lên.

(5) Chân tay run bần bật, hắn rón rén bước vào phòng.

b. Viết tiếp những câu bỏ dở sau đây bằng cách diễn đạt nội dung của phần câu đóng ngoặc.

(1) Mắt không rời con chuột, (cánh con cú mèo giang rộng, nó sà xuống).

(2) Hai tay buông thõng, (miệng của Ba há hốc, mắt của Ba giương lên nhìn con rắn).

(3) Tâm trí vẫn còn bàng hoàng (chân Nguyên bước thẫn thờ, như cái máy).

(4) Trong tai vẫn còn văng vẳng tiếng kêu ấy, (tay chị Dậu run rẩy ghì thằng Dần thật chặt).

(5) Tay khỏi rồi, (bạn bè sẽ cùng em đi bơi).

Trả lời:

(1) ... con cú mèo giang rộng cánh sà xuống.

(2) ... miệng há hốc Ba giương mắt nhìn con rắn (hoặc: Ba há hốc mồm, giương mắt nhìn con rắn).

(3) ... Nguyên đưa chân bước thẫn thờ như cái máy.

(4) ... chị Dậu ghì thật chặt thằng Dần trong đôi tay run rẩy.

(5) ... em sẽ cùng bạn bè đi bơi.

[6] Sở dĩ câu này có thể chấp nhận được, khác với câu (6), là vì dùng thấy, một động từ tri giác, khác với động từ nhìn ở câu (6), vốn là động từ hành động.

7. Những lỗi kiểu “Về vấn đề này, ta đã giải quyết xong”

A. Phân tích lỗi: Ở đây học sinh không chú ý đến quan hệ ngữ pháp giữa động từ và phần được đưa ra phía trước, cho nên không thấy rằng động từ giải quyết yêu cầu một bổ ngữ trực tiếp chỉ đối tượng chứ không phải một trạng ngữ hay một bổ ngữ gián tiếp (mở đầu bằng giới từ). Lỗi sẽ lộ rõ hơn nếu ta trả phần phụ được đưa ra phía trước làm đề về vị trí của nó ở phía sau động từ.

“Ta đã giải quyết xong về vấn đề này”.

B. Sửa lỗi:

1. Bỏ giới từ, hoặc thay nó bằng một giới từ thích hợp hơn.

Ví dụ: Vấn đề này ta đã giải quyết xong.

2. Thay động từ bằng một động từ thích hợp với loại trạng ngữ đặt ở đầu câu (khi cần, thêm một bổ ngữ trực tiếp cho nó).

Ví dụ:

Về vấn đề này ta đã bàn bạc xong xuôi.

Về vấn đề này ta đã tìm được cách giải quyết xong xuôi.

C. Những trường hợp tương tự:

1. Với một kẻ địch như thế, ta sẽ đánh gục ngay từ trận đầu.

2. Đối với bạn bè, anh ta hay trách móc chê bai.

3. Trước những khó khăn lớn đến đâu ta cũng đều phải khắc phục.

4. Đứng trước những món nợ ấy, ta phải thanh toán thật sòng phẳng.

5. Xung quanh câu chuyện này họ đã đem ra kháo nhau từ một tuần nay.

6. Đối với cách ăn nói tự mãn của Tư mọi người đều chê cười.

7. Về những nguyên nhân của sự việc, anh đã nêu ra một cách rõ ràng.

8. Về vấn đề dụng cụ thì họ đã mua sắm đầy đủ.

9. Đối với mẹ anh, anh vẫn viết thư đều đặn.

10. Sau khi cảnh này diễn ra, chị còn nhớ như in.

11. Với những lời khuyên nhủ chân tình của anh, tôi sẽ xin ghi lòng tạc dạ.

12. Trước một thái độ như thế, khó lòng có ai chấp nhận được.

D. Bài tập:

1. Phân tích và sửa lỗi những câu trên (ở phần C).

Mẫu:

(1) Một kẻ địch như thế thì ta sẽ đánh gục ngay từ trận đầu.

Với một kẻ địch như thế, ta sẽ đánh nó gục ngay từ trận đầu.

(2) Đối với bạn bè, anh hay trách móc và chê bai họ.

Bạn bè hay bị anh ta trách móc và chê bai.

Đối với bạn bè, anh ta hay có thái độ trách móc và chê bai.

(3) Khó khăn lớn đến đâu ta cũng đều phải khắc phục.

(4) Những món nợ ấy ta phải thanh toán thật sòng phẳng.

(5) Câu chuyện này họ đã đem ra kháo nhau từ một tuần nay.

Xung quanh câu chuyện này họ đã bàn ra tán vào từ một tuần nay.

(6) Cách ăn nói tự mãn của Tư bị mọi người chê cười.

Đối với cách ăn nói tự mãn của Tư mọi người đều có thái độ chê cười.

(7) Những nguyên nhân của sự việc anh đều đã nêu ra một cách rõ ràng.

(8) Dụng cụ thì họ đã mua sắm đầy đủ.

(9) Về phần mẹ anh, anh vẫn viết thư đều cho bà cụ.

(10) Cảnh này đã diễn ra như thế nào, chị vẫn còn nhớ như in.

(11) Những lời khuyên nhủ chân tình của anh tôi đều xin ghi lòng tạc dạ.

(12) Một thái độ như thế thì khó lòng có ai chấp nhận được.

2. Điền vào đầu câu những giới từ (hay giới ngữ) thích hợp cần thiết.

(1) ... bạn bè, anh thấy xấu hổ.

(2) ... tình hình này, ta phải hành động khẩn trương.

(3) ... bài toán này thì tôi giải được.

(4) ... chị, chị sẽ xử lý như thế nào?

(5) ... quả cam này, ta phải ăn ngay không nó hỏng mất.

(6) ... một sức chịu đựng như thế thì nó không thể nào có được.

(7) ... một vấn đề phức tạp như vậy, ta phải thận trọng mới giải quyết được.

(8) ... hai vấn đề ấy ta phải giải quyết song song mới được.

(9) ... tình huống nào họ cũng rất bình tĩnh.

(10) ... tình huống ấy thì ai mà chẳng đã có lần gặp?

Giải: 1. Đứng trước/ Trước mặt/ Với. 2. Trong/ Đứng trước. 3. Þ. 4. Về phần/ Còn. 5. Þ. 6. Þ. 7. đối với/ Þ. 8. Þ. 9. Trong. 10. Þ

3. Viết tiếp những câu sau đây để diễn đạt những ý đã cho sẵn (trong ngoặc đơn).

(1) a. Riêng đối với anh Sáu...; b. Riêng anh Sáu thì...

(Ta phải đối xử với anh Sáu một cách tế nhị)

(2) a. Còn vấn đề lương thực thì...; b. Còn về phần lương thực thì...

(Ta đã có cách giải quyết vấn đề lương thực)

(3) a. Trong cái tủ này...; b. Cái tủ này...

(Họ đựng quần áo trong cái tủ này)

(4) a. Ở phía sau cái vẻ hung ác ấy...; b. Cái vẻ hung ác ấy...

(Có một tấm lòng nhân hậu bị che giấu ở phía sau cái vẻ hung ác ấy)

Giải 1. a... Ta phải xử sự một cách tế nhị. 1. b... ta phải xử sự với anh ấy một cách tế nhị. 2. a... ta có cách giải quyết. 2. b. ta đã có cách giải quyết vấn đề (này). 3. a... họ đựng quần áo. 3. b... họ dùng để đựng quần áo. 4. a... có che giấu một tấm lòng nhân hậu. 4. b... (có) che giấu một tấm lòng nhân hậu ở phía sau.

Bị chú:

Nhân khi sửa kiểu lỗi này cũng nên chú ý đến một kiểu lỗi ngược lại, không kém phổ biến, trong đó trạng ngữ đứng đầu câu không có giới từ đi trước. Thường gặp nhất là những câu dùng sai hai chữ trường hợp (được dùng như trong trường hợp, hay nếu gặp trường hợp):

- Trường hợp không có tôi ở nhà thì xin mời anh ra câu lạc bộ.

- Trường hợp bị bao vây thì phải mở một đường máu.

Trường hợp dùng ở đầu câu không có giới từ đi trước phải có chức năng chủ ngữ hay bổ ngữ trực tiếp của câu, như trong:

- Trường hợp bị bao vây đã được dự tính từ đầu.

- Trường hợp bị bao vây thì ta đã dự tính từ đầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3