Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 15

Sài Gòn 2003

Xa như cổ tích

Đi đôi khi cũng là về

Hình trôi bóng dạt bến mê sông cuồng

Xưa nguyên quán ở đầu nguồn

Nay quê lạc giữa muôn phương bụi hồng.

BUỔI CHIỀU XUỐNG CHẬM TRÊN KHU VỰC LÀNG chẳng còn ra làng, xóm chẳng còn ra xóm, nhà chẳng còn là nhà, vườn chẳng còn là vườn nữa. Lửa đạn đã biến tất cả thành hư hao gãy đổ. Người chết đã được mang chôn hay di tản theo các chuyến xe tải thương về huyện lỵ, những rên la kêu khóc đã ráo tạnh, cuộc ruồng bố vẫn tiếp tục. Tiếng gia súc gia cầm hoảng loạn trong tiếng chân dồn đuổi. Bầu khí hiu hắt, ngún khói từ những đám cháy thỉnh thoảng bị xé toạc bởi những tràng súng lẻ nghe ớn rợn.

Trong đợt nắng cuối chiếu xuyên qua tán lá vông đồng, và trong thứ hỗn âm lặp đi lặp lại hàng bao năm trên các mặt trận làng mạc quen thuộc ấy, cô ngồi cúi mặt xuống hai đầu gối co sát ngực nghe hờn căm lẫn tủi nhục tràn lên làm cay mờ cả mắt. Hai tay bị trói thúc ké quặt ra sau, vết thương đầu bả vai trái thấm máu đỏ bầm qua lần băng, lưng tựa bức bình phong rêu mốc, dầu dãi nắng mưa trước đình làng, chẳng cần mở mắt cô vẫn thấy những giề rau muống, những cánh lục bình đang non xanh tươi mởn một cách yên bình trên dòng sông phía trước, vẫn thấy ánh nắng vàng lổ đổ và những bộ mặt vô cảm rải rác vây quanh. Cạnh cô là hai đồng đội một nam một nữ trong tư thế ngồi tương tự. Dưới những họng súng lăm lăm canh giữ, họ là tù binh.

– Mẹ kiếp, còn chờ gì mà chưa chuyển bọn này về huyện?

– Đợi bọn phóng viên tới.

– Ai nói với mày thế?

– Đại úy!

Mẩu đối thoại ong ong dội tới hệt lọc qua bức tường dày, tai cô gần như ù đặc sau những đợt bom trong trận đánh vừa rồi. Cảm giác rõ nhất lúc này cô cảm thấy là sự mát lạnh truyền từ bức bình phong qua lần áo phin nâu mỏng, gờn gợn trên da lưng như thể nó đang thở, đang hà hơi tiếp sức cho cô, không chỉ bức bình phong cổ mà cả đất đai làng mạc cũng đang thân thiết vỗ về.

Trực thăng hạ xuống đám ruộng bỏ hoang sau đình, tiếng máy nổ và sức gió phát từ cánh quạt khua rộn, làm xôn xao cây lá rồi tạnh hẳn. Toán phóng viên gồm một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa và hai nhà báo Mỹ. Bọn họ nhìn trời nhìn tù binh, bàn nhau tranh thủ quay phim chụp hình trong thứ ánh sáng muộn màng. Gã sĩ quan Ban 5[1] tiểu khu vừa sử dụng máy ảnh, vừa thông dịch.

– Nào, mời quí vị ngước mặt lên một tí – Gã vui vẻ nói, đặc biệt nhấn mạnh hai từ “quí vị” một cách mỉa mai, hóm hỉnh.

– Không thể ngước mặt trong khi tay vẫn bị trói – Cô lạnh nhạt nói sau lần thứ ba lời yêu cầu được lặp lại. Câu nói được dịch sát nghĩa tuy không đúng ngữ điệu, tay nhà báo Mỹ đầu hói nghe xong gật gù, quay qua viên đại úy đại đội trưởng địa phương quân đứng cạnh:

– Chúng tôi muốn lấy hình ảnh tù binh trong tư thế thoải mái, thưa ông!

– Không có đạo luật nào buộc phải cởi trói cho tù binh trước ống kính – Gã đại úy lắc đầu đáp cứng cỏi.

– Chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, trời sắp tối và đại úy phải trả lời trước ngài tỉnh trưởng về sự chậm trễ – Gã nhà báo râu rậm hằm hè.

Tù binh được tạm cởi trói, đứng lên và, theo tia mắt đầy ý tứ của cô trao đổi nhanh với hai đồng đội, cả ba đứng tựa lưng vào bức bình phong. Gã sĩ quan Ban 5 là người đầu tiên cảm thấy bất ổn khi nhìn ba hình người cứng đơ như phỗng, chạm phải đôi mắt sáng rực như nhận hết hồi quang của vầng mây đỏ ối phía trời tây tỏa ngợp từ cô, gã từ tốn nói:

– Xin quí vị đi lại thoải mái cho, không cần phải cứng nhắc như chờ... xử bắn như thế.

– Chúng tôi đang chờ xử bắn trước ống kính của các ông, rồi mai này là trước họng súng của bọn đánh thuê, bọn xâm lược.

Gã đại đội trưởng hung hăng vung súng Colt 45 chồm tới định cắt ngang lời nói đốp chát ấy, nhưng tay nhà báo râu rậm kịp khoát tay ngăn, thản nhiên quay lại nói với gã thiếu úy Ban 5:

– Rất... tuyệt! Câu nói của cô ta sẽ là cái tít cho một bài báo nóng – Gã lấy sổ tay ra ghi, đoạn tiếp với giọng chắc nịch: – Cứ để họ yên trong tư thế đó nếu họ muốn như thế, có đúng không thưa... đại úy?

Gã đại úy khẽ nhíu mày, bực bõ, không lắc cũng chẳng gật. Tiếng máy quay phim rè rè hệt tiếng ong bay phóng đại, toàn cảnh, trung cảnh rồi cận cảnh. Sau pose thứ bảy, ống kính máy ảnh của gã thiếu úy Ban 5 bỗng khựng lại vài giây trước khuôn ngực căng bật sức thanh xuân của cô rồi buông thõng xuống. Máy cassette được ấn nút ON và, cuộc phỏng vấn bắt đầu. Qua vài câu trao đổi ngắn vừa rồi, cô trở thành cái đinh thu hút hai nhà báo Mỹ. Họ khởi đầu từ cô. Hai chiếc micro chĩa vào người nữ tù. Tay nhà báo râu rậm lên tiếng, câu hỏi lập tức được chuyển ngữ:

– Theo thông báo, lực lượng hành quân bình định đã bắt được một xã đội phó. Cô có phải là xã đội phó không? Và tên cô là Nguyễn Thị Huệ, bí danh Út Chuyên?

– Không đúng, tôi tên Nam, Việt Nam!

Hai nhà báo Mỹ trố mắt nhìn cô ngỡ nghe nhầm, ngỡ như thấy trên đôi môi khô rộp kia thoáng một nụ cười.

– Cô không đùa chứ?

– Không!

– Còn chức vụ xã đội phó?

– Tùy các ông áp đặt, có thể là xã đội phó hoặc trung đoàn phó cũng được.

– Lực lượng cộng sản quanh đây nghe nói khoảng một đại đội du kích, làm gì tới cấp trung đoàn? – Tay nhà báo hói trán cười nhạt.

– Nghe nói, cấp trung hay sư đoàn chủ lực gì đó!

– Sao lại nghe nói?

– Ông nghe nói, tôi cũng nghe nói thôi, bởi tôi là thường dân – Cô mím môi, ngước nhìn ngọn vông đồng sẫm quắt trong ánh chiều.

Gã đại đội trưởng yêu cầu ngưng ngay cuộc phỏng vấn vì sự “ương ngạnh” lẫn “cố tình hư cấu đánh lạc hướng” của đối phương. Gã thiếu úy Ban 5 cũng đồng tình như thế, nhưng hai nhà báo Mỹ không đồng ý, nhã nhặn bảo xin được tiếp tục. Tay râu rậm thấp giọng:

– Dân thường sao cô bị bắt với vũ khí trong tay?

– Thường dân chúng tôi ai cũng tên Việt Nam, ai cũng cầm súng đánh Mỹ, cứ gì phải là bộ đội hay du kích quân!?

Và, cứ thế, cuộc phỏng vấn xoay quanh ba tù binh kéo dài tới lúc hai phóng viên nước ngoài cảm thấy đủ.

Trời sụp tối, tù binh bị trói trở lại, bị áp giải lên trực thăng theo toán nhà báo về huyện lỵ. Trên khoang hẹp máy bay cô ngạc nhiên khi gã thiếu úy Ban 5 cố ý ngồi tụt lại phía sau, chen gần bên cô. Khi máy bay rời mặt đất bỏ lại làng mạc phía bên dưới nhạt nhòa trong sương khói, dòng sông cơ hồ vụt biến mất, và leo lét những ánh đèn mệt lả, yếu ớt chẳng thể soi rõ nổi bao lo âu, tủi cực đang ép chặt những lồng ngực tức thở, làm phồng những mái lá mái tôn... có thể bị mưa bom bão đạn tàn phá bất cứ lúc nào, gã cúi sát vào cô nhỏ nhẹ nói:

– Không hiểu sao tôi thấy có cảm tình với cô dù sự ương ngạnh của cô không hẳn làm tôi khâm phục. Những gì cô nói dĩ nhiên tôi chẳng tin, nhưng tôi biết rất rõ một điều cô không nói ra... – Bỏ lửng câu nói, gã nhìn xoáy vào mắt cô, tia nhìn thẳng thắn, thân thiện. Cô không lảng tránh cái nhìn trong ánh sáng nhá nhem ấy.

– Điều gì?

– Không nên cứng rắn quá, tôi thành thực khuyên cô. Phải cố giữ lấy mạng sống. Tôi biết cô còn con nhỏ ở nhà.

Cô kinh ngạc nhìn gã, mắt ánh vẻ thách thức thầm lặng. Gã trầm giọng vốn đã trầm đằm trong tiếng máy bay và tiếng gió hú hút bên ngoài:

– Điều đó dễ biết thôi, lúc hướng ống kính vào cô tôi đã thấy ngực áo cô rịn ướt, đứa trẻ ở nhà đã tới giờ đòi mẹ cho bú. Chậc, tôi đã có vợ, tôi hiểu!

Cô cắn chặt môi, lòng dào nỗi cay xót cồn cào khó tả. Máu mẹ rịn ướt vết thương, sữa mẹ râm ran nhức nhối trên hai đầu vú gọi thầm môi con. Giờ này con đang ra sao? Còn oằn người khóc vì đói dưới hầm trú bom hay đã vĩnh viễn im tiếng? Cô ngỡ nghe thấy trong thinh không, dưới bầu trời lộng sao tiếng khóc đòi nhỏ nhoi mà vô cùng âm vang từ dải đất mịt mờ bóng tối dưới kia đang hư thực đuổi theo.

Tiếng khóc làm vực dậy bao liên tưởng gần gũi mà ngỡ đã xa xôi tận thời nào: Giảng đường phờ phạc những gương mặt bạn bè những đêm không ngủ, mặt đường rực lửa đấu tranh hòa lẫn khói lựu đạn cay, tiếng hát điệp trùng tưởng chừng được mài sắc, chuốt bén hơn bởi súng đạn, ma trắc, roi điện... Rồi thì, hạnh phúc chói ngời phủ ngợp cả hồn trong lẫn xác ngoài mỗi lần thoát hiểm từ một điểm bố ráp bất thường nào đó, gặp lại nhau bồi hồi trên gác xép, mừng tủi ở một góc quán khuất khúc, và ham hố cho ham hố nhận, cuồng hoan trên mặt giường bí mật. Hoan lạc đầy ắp bao nhiêu lúc tình còn ấm nồng, đau khổ ngập lụt bấy nhiêu khi tình bỗng pha phôi. Tiếng khóc con mang vào đời người ấy chẳng bao giờ nghe thấy bởi đã đành đoạn quay lưng. Tiếng khóc ấm áp những đêm vòng tay mẹ đầy con, và tiếng khóc buốt xót nhớ nhung những ngày chia biệt, vòng tay và cả lòng mẹ trống rỗng đến hoang vu... Nước mắt lặng lẽ ứa lăn trên má người phụ nữ, đôi mắt rực lửa đăm đăm nhìn về phía trước thấy những gương mặt đối phương nhòe đi.

SAU HIỆP ĐỊNH PARIS, CUỘC TRAO TRẢ TÙ BINH của đôi bên diễn ra dưới trời xuân muộn. Cờ xí giăng rợp ở những điểm đón và đưa, những mái lều vải bạt căng phồng gió, chen chật người vào kẻ ra trong màu nắng non yểu, không khí náo nức dàn trải dọc đôi bờ sông Thạch Hãn.

Những chuyến thuyền đò trao đổi qua lại, âm vang tiếng thét gọi, mừng chào của kẻ đón và người về hòa xướng cùng lời ca tiếng hát nức mùi “tâm lý chiến” của đôi bên ra rả tranh nhau khuếch đại hết cỡ trên loa phóng thanh. Hòa bình chưa thực sự sờ mó thấy vẫn cơ hồ bàng bạc đâu đây, trên ngọn gió thổi rạp lau lách dọc bãi bờ, trên sóng nước in bóng một ngày không tiếng súng quanh đây, trên cả những gương mặt đôi bên như thầm hẹn sẽ gặp ở các chiến trường tiếp tục cuộc đọ sức mai này.

Trên lối xuống bến ở bờ Nam bên này đợi chuyến sang bờ Bắc bên kia, cô ngồi giữa hàng người có chung nỗi vui sẽ đoàn tụ với người thân và đồng đội, nỗi mừng tủi sẵn sàng bung vỡ đập chắn cảm xúc thành nước mắt lát nữa, trong khoảnh khắc tự do đã gần kề. Giữa lúc đó bỗng có tiếng gọi:

– Cô... Huệ!

Cô giật mình quay lại. Gã sĩ quan Ban 5 tiểu khu đứng đó, quân phục thẳng nếp, máy ảnh lủng lẳng trước ngực, hai bông mai vàng chói trên cổ áo và trên mũ lưỡi trai. Trong thời gian cô trải qua lao tù ở Côn Đảo, gã đã lên thêm một cấp – trung úy, nom đẫy đà hẳn ra, cái nốt ruồi phía dưới cằm mọc lơ thơ túm râu dài thượt giúp cô nhận ra gã khá chóng vánh.

Trước ánh mắt lạnh nhạt của những người tù sắp được trao trả ngước lên ngăn đón (Vâng, không phải là chào đón, dĩ nhiên!) sự mừng vui tươi tỉnh của gã chẳng giảm đi chút nào. Biết các đồng chí, đồng đội bất bình, chẳng đồng tình với cuộc gặp ngang xương ấy, nhưng không nỡ tảng lờ trước sự vồn vã có vẻ chân tình của gã, cô nhìn quanh e dè, đoạn khẽ gật đầu chào gã:

– Không ngờ anh còn nhận ra tôi.

– Thấy cô từ lúc mới xuống xe – Gã ngồi xổm đối diện cô – tôi cứ ngờ ngợ mãi nên theo ra đến đây, cô khác đi nhiều, nhưng đôi mắt thì không thể nhầm lẫn. – Ngữ điệu tự nhiên của gã làm những tia mắt cảnh giác, dè chừng của đám cựu tù và cánh quân cảnh canh gác quanh đó dịu bớt sự soi mói – Rất mừng cô còn sống sót.

– Vâng, tôi vẫn còn sống như anh thấy, dù đã không làm theo lời khuyên đầu hàng của anh ngày ấy.

– Chậc, như người ta thường nói, chẳng biết đâu là phúc đâu là họa, chụp một pose ảnh chắc không tiện lắm?

– Ờ, không tiện đâu.

– Chúc cô khỏe! – Gã bối rối đỏ mặt bởi bất giác nhận ra sự lạnh nhạt của... đối phương.

– Cảm ơn, mong là chúng ta không còn gặp lại nhau. – Cô nheo mắt như thể bị chói vì ánh nắng bắt đầu “mạnh” lên, không còn non yểu – nữa từ hai bông mai vàng trên cổ áo gã.

SAU QUÃNG ĐƯỜNG KHÁ DÀI NGANG QUA các thành phố, làng mạc, thị trấn xuôi về mạn Bắc, ngược hướng những đoàn xe kéo pháo, chuyển quân, chuyển vũ khí về các tỉnh thành phương Nam, đoàn tù binh dừng lại nghỉ chân trên một đoạn quốc lộ có lắm bóng râm. Gã đại úy Ban 5 tiểu khu (Vâng, cách đó vài tháng gã đã lên lon đại úy) quần áo nhếch nhác, lấm bết bụi bùn, không lon lá, phù hiệu đơn vị, không cả mũ trên đầu và không giày dưới chân, khuất lẫn giữa bao bại binh khác đứng ngồi lộn xộn dưới bóng cây hai bên vệ đường.

Trời nắng gắt. Cô tươm tất trong bộ quân phục màu cỏ úa, vai khoác xà cột, súng AK cầm tay, và chiếc radio nhỏ lủng lẳng trước ngực sóng vai một nữ phóng viên chiến trường người Cuba tóc vàng quần jeans áo pull bụi bặm, mang xách lỉnh kỉnh những máy ảnh, máy quay phim ngang qua. Ngập ngừng, đoạn cô níu cô phóng viên đứng lại, tay thông dịch trẻ hãm bước theo họ.

– Chào anh, trái đất quả là rất tròn!

Gã xoe tròn mắt nhìn cô, uể oải đứng lên, ngượng nghịu nói.

– Có bàn tay quỉ tha ma bắt nào sắp xếp thế này? Đúng là tôi lại... gặp cô...

– Ngoài mong muốn của tôi lẫn của anh?!

– Gần như vậy, nhưng bây giờ vị trí hoán đổi mất rồi.

Vị trí của kẻ thắng và người bại. Hiện thực chói chang như nắng và bụi của một ngày gần cuối tháng 3 đang lóa trắng quanh chỗ hai người. Hình ảnh người nữ tù trong buổi hoàng hôn ảm đạm trước đình làng, bên bờ nam sông Thạch Hãn ngày nào vụt bật sáng trong kí ức gã. Gã nhìn quanh, những gương mặt hôm qua còn là “chiến hữu” giờ cơ hồ chệch choạc mọi đường nét, dáng vẻ, nhòa lẫn vào nhau thành một khối câm lặng xám ngoét. Cuộc chiến đang đến hồi kết thúc? Cuối cuộc cuốc bộ đến rã giò, mụ mị cả tâm trí này sẽ là cái chết? Gã buột miệng:

– Sân bắn còn xa không mà cứ lùa bọn tôi đi mải miết thế này?

– Sân bắn nào? – Cô ngơ ngác.

– Bắn tập thể, bắn hàng loạt.

– À, không có đâu! – Chợt hiểu, cô mỉm cười, lột chiếc mũ tai bèo cầm tay quạt xua hơi nóng – Còn để dành đạn tiếp tục tiến thẳng về Sài Gòn nữa chứ, ai lại hoài phí...

Tiếng máy quay phim rè rè hệt tiếng ong bay. Dù chẳng rõ đầu cua tai nheo thế nào, vừa tác nghiệp, cô nhà báo nước ngoài vừa thích thú lắng nghe thông dịch từng mẩu đối thoại của hai người, dừng ống kính khá lâu trước gương mặt đầm đìa mồ hôi, lấm bụi, và như thể vừa thoắt già thêm chừng mươi tuổi của gã.

SAU CHIẾN TRANH, CÔ DU KÍCH RỜI BỎ SÚNG đạn, xin việc làm ở ngành thương nghiệp. Từ một nhân viên mậu dịch cấp huyện, trở thành cửa hàng trưởng một cửa hàng lương thực có tầm cỡ cấp tỉnh là cả một quá trình tiến thân trầy trật, cam go. Cuộc sống thường ngày thoạt tiên ngỡ “vô nhiễm” với sự cám dỗ của mọi tiện nghi vật chất phù phiếm lẫn phù du, nhưng rồi y như danh vọng vậy, tiền bạc ngày mỗi gọi mời, mỗi quyến rũ, mỗi mơn trớn rồi tóm lấy cô cuốn vào vòng xoáy của nó. Giấc mơ làm giàu chưa trở thành hiện thực thì các vụ làm ăn “ngoài luồng” cái thua lỗ, cái bị lừa đảo, cái đổ bể... “gây hậu quả nghiêm trọng”, bị ra tòa, bị tịch biên gia sản, đi tù hơn 3 năm. Ra tù thành thường dân không đảng, không việc, không nhà đành bồng bế con – trước đó nhờ bên họ ngoại nuôi nấng giùm – bỏ quê Mỹ Chánh vào tận Lăng Cô phụ một bà dì bán quán cơm. Cuộc tình dở dang tưởng đã khép lại – từ lúc cô sinh viên Văn khoa bị vướng bầu, bị tình phụ rời phố về quê rồi được ông anh họ móc nối vào du kích – một hôm bỗng lừng lững quay về. Ông chủ tịch huyện Duyên Hải đương nhiệm – xưa vốn là một thành viên giảo hoạt, hùng biện và nổi tiếng đào hoa của phong trào đấu tranh đô thị ở Huế vào những năm đầu thập niên 60 chống chế độ Ngô Đình Diệm – đi tìm cô, bày tỏ mong muốn xin nhận lại đứa con ông ta đã cố tình để nó rơi vào tình trạng thất lạc. Cô thẳng thừng từ chối.

Ra khỏi trại sau hơn bảy năm cải tạo, gã cựu sĩ quan Ban 5 dù đã biết tin người vợ ôm cầm sang thuyền khác từ rất lâu, vẫn cảm thấy đắng lòng khi bước vào căn nhà cũ trống toang bốn bề. Cái nơi từng là tổ ấm của đôi vợ chồng son biến thành hang ổ của chuột bọ, mạng nhện, bụi bặm may nhờ hàng xóm tốt bụng trông giùm chưa bị kẻ khác chiếm cứ hoặc sụp đổ, gã cho là mình còn tốt số hơn bao kẻ khốn khó khác chẳng có nổi một chỗ gối đầu dưới bất cứ mái nhà riêng tư nào.

Đại để thế. Quá dài dòng để kể lại những khúc ngoặt, những biến cố phúc lẫn họa họ đã trải qua dọc đời trước khi không hẹn mà lại tình cờ gặp nhau lần nữa. Lần này cả hai chẳng bị dồn vào thế miễn cưỡng, bẽ bàng trước ống kính máy quay phim thời sự, thế sự lạnh lùng như trong thời chiến, cuộc “hàn huyên” thời bình xảy ra trong không khí ấm cúng của quán cơm – nơi cô đang phụ việc – vào một ngày trời lâm thâm mưa bụi, rét giá như không phải từ thời tiết mùa đông mà từ trong xương cốt rét ra.

Ngày ấy chiếc xe tải cũ kỹ chở đầy than củi đổ đèo Hải Vân xuống dừng lại trước quán cơm, gã tài xế bước vào vừa lúc cô mang thức ăn ra cho khách ngồi ở dãy bàn trước hiên. Bốn mắt sửng sốt chạm nhau, rồi cả bốn lảng đi gần như cùng lúc. Khi đã yên vị trên chỗ ngồi, gã không thể không đưa mắt tìm kiếm cô. Bốn mắt lại... và, sau cùng dù khá lúng túng, gã cũng đã mời được cô ngồi bên bàn.

– Không ngờ lại gặp... anh! – Cô có cảm tưởng những sợi râu trái khoáy ở cái nốt ruồi phía dưới cằm gã bất giác chọc vào nơi nhạy cảm nào đó trong kí ức mình.

– Chẳng lẽ lại do bàn tay quỉ tha ma bắt nào sắp xếp? Có điều, vị trí của cô và tôi lần này hình như...

– Không hoán đổi. Không còn người thắng lẫn kẻ thua.

– Ờ há!

– Chỉ có... hồn ai nấy giữ! – Cô vờ nghiêm giọng.

Cả hai cùng cười rồi cùng thoáng lặng người trong khoảnh khắc ngắn ngủi cơ man nào là kỷ niệm khổ ải có, vui sướng có của quá vãng riêng của mỗi người ngờm ngợp ùa về. Chẳng thể tìm lại thời gian đã mất nhưng lãng quên nó thì chưa thể. Cả hai vụt soi ngắm mình và kín đáo ngắm nhau, thấy nếp nhăn trên mặt đã đành, hình như họ còn thấy cả bao khắc khoải chìm ẩn đâu đó sau cái vẻ bình thản kia, trong thoáng cười buồn nọ, cùng cảm thấy không thể phó mình mãi cho “bàn tay quỉ tha ma bắt nào sắp xếp” nữa, mà phải...

Hồn ai nấy giữ! Câu “dặn dò” nửa đùa nửa thật của cô trong cái ngày đông giá buốt đó được giữ đúng trong tám lần hẹn đầu, đến lần thứ chín, họ gặp nhau ở “hang ổ của chuột bọ”, cả hồn lẫn xác cô đã thuộc về gã và ngược lại. Họ “quần” nhau gần như suốt đêm. Cơn mưa rầm rập ngoài trời xứ Huế chế dầu thêm vào lửa. Hai ngọn lửa cơ hồ tắt ngấm từ lâu giờ được nhen nhóm lại, bùng lên. Phừng phừng cháy. Quằn quại cháy. Rên siết cháy. Cháy sướng cháy thỏa từ mỗi tế bào đến mỗi kẽ tóc chân lông... Một lúc nào đó giữa hai cơn yêu dấu, cô mơ màng bảo: “Hú vía, vào cái thời bom đạn ấy, may mà anh và em đã không “hy sinh” vì đạn của nhau. Ngộ thật, vào cái lúc em ngỡ đã cạn hết duyên giống như cây cải héo, anh lại lù lù xuất hiện.” Gã cười: “Cây cải giờ đang được tắm tưới, nếu cần từ mai anh đóng cửa tưới suốt tuần sẽ chóng tươi lại thôi!” Họ lại cuốn vào nhau. Bốn chân giường và cả cơn mưa ngoài trời hình như cùng khúc khích cười.

Sau lần hẹn thứ mười hai, họ hợp thức hóa cuộc sống chung bằng một hôn lễ đơn sơ ở nhà thờ. Hôm ấy có lẽ chỉ có Chúa là người duy nhất biết một sinh linh bé nhỏ đã được phôi dựng một cách thầm kín trong lòng cô dâu tân tòng. Xấp xỉ tuổi ba mươi, lần nữa cô sung sướng được làm mẹ.

Chương trình H.O dành cho các cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn – có thời gian đi lao động cải tạo trên ba năm – đưa họ sang định cư ở Mỹ vào thời điểm đứa con riêng của cô lên mười, và đứa con chung của hai người lên ba. Đổi thay quốc tịch kể như đổi đời, cuộc sống của họ lật sang trang mới tưởng chừng chỉ toàn những ngày vui, nhưng rồi khi vừa tương đối an cư, lạc nghiệp thì hạnh phúc chẳng còn đầy đặn nữa, nó vơi dần theo những cuộc gặp, bù khú bí mật giữa anh chồng và cô vợ cũ chẳng rõ vào một ngày đẹp hay xấu trời nào đó đã tình cờ tái ngộ nơi đất khách quê người. Rồi hạnh phúc đội nón ra đi sau những vật vã ghen tuông, sau những cơn cười đau khóc hận.

Ba mươi năm, dù cuộc chiến tranh đã qua đi, hồi ức về nó vẫn còn tươi roi rói đối với không ít người trong cuộc, trong đó có cô cựu xã đội phó du kích ngày xưa, giờ làm chủ một tiệm nail nhỏ, chuyên chăm sóc móng tay móng chân cho các quí bà quí cô vùng Houston, hai con, và đã li dị chồng. Bây giờ thỉnh thoảng quay về từ bên kia nửa vòng trái đất, dù bận bịu thế nào cô cũng quay lại thăm bức bình phong cũ kỹ trước sân đình – nơi lần đầu tiên hai người đã gặp nhau – ngồi lặng, ngước mặt lên tán vông đồng cổ thụ, khẽ nhắm mắt lại và ngỡ như mình chưa bao giờ ra đi, tóc chưa hề bạc, lòng chưa hề nhàu vì bao giông bão dọc đời. Và, lạ lùng thay, đôi khi cô thèm đau lại cái đau của vết thương do đạn xé qua bả vai, đau lại cái đau của những tia sữa mưng ngợp, râm ran, nhức nhối tươm ứa trên hai đầu vú – gọi thầm môi con, gọi “núm ruột” chẳng biết còn hay mất đâu đó dưới hầm trú bom – trước ống kính máy quay phim, máy chụp hình lom lom chĩa vào mình “xử bắn” trong ánh chiều tà ngày hôm ấy, cái ngày giờ đã xa xôi như cổ tích.

Cần Thơ / Sài Gòn

1995 – 2005

[1] Ban chiến tranh chính trị.

Bội ngọc

Có một sân ga trên mái nhà.

ĐÊM CHƯA SÂU. QUA KHỎI QUÃNG ĐƯỜNG nhập nhòa bóng lá, rẽ phải, chúng tôi vào ngồi ngoài hiên một quán nước không bảng hiệu, không đèn màu, không cả nhạc. Trong quán lác đác dăm khách lẻ, vài cặp khách đôi ngồi dán mắt lên màn ảnh tivi màu thưởng thức một vở kịch rối. Hạng uống cà phê đen và tôi đá chanh. Hắn tiếp tục câu chuyện sau vài giây ngẫm ngợi:

– Bội Ngọc kể có lần ngang qua một quán cà phê tình cờ nhìn vào, thấy hai con búp bê to bằng người thật màu mè sặc sỡ ngồi nhâm nhi thức uống như mình lúc này. Tò mò, nàng bước vào. Hình như có hấp lực kỳ bí gì đó hút nàng ngồi xuống ghế và, tức khắc biến thành búp bê như họ. Chỉ chờ có thế, ông chủ quán đến tóm gọn cả ba mạng ra phố bán cho một tiệm tạp hóa chưng trong lồng kính. Đôi búp bê kia khóc, nàng vẫn cười. Tiếng cười hồn nhiên xói vào màng nhĩ bà chủ tiệm làm bà nhức đầu không chịu nổi, bèn ném cả ba ra đường. Hai cô cậu búp bê kia hóa thành hai quả bóng bay vút lên trời, còn nàng thì hiện nguyên hình ngoắc đại một chiếc xích lô về nhà. Từ đó, mỗi lần ngang qua các quán nước nàng không dám nhìn vào nữa, bởi cho rằng mọi chuyện rắc rối thường bắt đầu ở những nơi như thế. Chuyện khó tin quá phải không?

Tôi nhìn chăm mặt Hạng để chắc hắn không hề là một kẻ nào khác, và những điều phi lý, hoang đường vừa nghe do hắn thốt chứ chẳng phải từ những con rối trong tivi vẳng ra.

– Sao nữa?

Tôi buông thõng. Hạng điềm đạm mỉm cười:

– Bội Ngọc còn ba hoa rằng, thật là thú vị, ban đêm chờ mọi người ngủ say thỉnh thoảng nàng lẻn ra khỏi cửa bằng cách đi xuyên qua nó, không ra đường mà leo lên mái nhà nhẹ nhàng y con mèo vậy. Từ trên cao, nàng đoan quyết có thể nhìn thấu suốt qua mọi loại mái che để thấy mọi người trong những phòng ngủ hình hộp, hay dọc các vỉa hè, gầm cầu đang mơ thấy gì. Buồn cười, đa số thấy mình trong mơ khác hẳn thường ngày. Ví dụ, lũ trẻ bụi đời rách rưới thấy mình là công chúa, hoàng tử, chàng hay nàng đang ngoại tình hóa ra người chung thủy, bọn giết người cướp của, lừa đảo nhập vai nạn nhân của chúng vân vân. Có gì đâu mà buồn cười, phải không?

– Cô Bội Ngọc nào đó của cậu chắc không bình thường? Chẳng điên thì cũng mắc bệnh hoang tưởng?

– Thú vị hơn, Bội Ngọc kể tiếp, những lúc đứng trên mái nhà như thế nàng thấy tàu thủy trôi ngang bầu trời, máy bay lặn tận đáy sông, còn tàu hỏa, xe cộ thì nối đuôi nhau chạy qua những đường ray và đường nhựa vô hình trên các ngọn cây. Ham vui, có lần nàng lên một toa tàu, xúc động đến bật khóc thấy những người đồng hành toàn là người thân đã chết, có cả những thứ đồ chơi, những chiếc răng đã nhổ từ thời còn bé tưởng không bao giờ còn gặp lại và, ở một toa khác, gặp những con người tương lai, ai cũng hạnh phúc, lương thiện. Tàu chạy mãi rồi dừng lại ở một sân ga lẻ trên tháp chuông nhà thờ, các “đại biểu” quá khứ và tương lai bùi ngùi từ giã nàng, tàu tiếp tục chạy. Buồn rầu, nàng thu nhỏ người lại trong lòng một tiếng chuông màu xanh lơ quá giang về nhà. Bội Ngọc chả nói dóc đâu, anh đồng ý chứ?

Tôi không lắc, cũng chẳng gật. Ngoài đường bộ hành, xe cộ chưa ngớt qua lại, gió vẫn rì rào trên các vòm cây mượt mà bóng đêm. Hạng uống cạn cà phê, rót trà ra tách, nối thêm điếu thuốc mới nom trang trọng như thể cử hành thứ lễ nghi nào đó:

– Bội Ngọc đáng yêu hay đáng ghét nhỉ? Hẳn anh khó tưởng tượng nổi mỗi lần gặp, cô bé lại thấy tôi khác đi. Trước mắt nàng có khi tôi là thi sĩ, nhà sư, linh mục, kẻ cướp, con buôn hoặc tệ hơn, là hổ, thỏ, chuồn chuồn, châu chấu vân vân. Những lúc như vậy, cô bé thường nói năng đủ thứ ngôn ngữ mà hẳn nàng cho là thích hợp với ngoại hình tôi đang mang. Có lẽ về khoản tưởng tượng Bội Ngọc rất xứng đáng được xếp vào hàng tỉ phú...

Không thể kiên nhẫn ngồi nghe mãi cái ngữ điệu trầm khàn, úng ẻo cảm xúc đều đều như đọc kinh, tôi so vai, ngắt lời:

– Đủ rồi Hạng ạ, cậu có đang ấm đầu không?

Lảng mắt lên vòm lá trứng cá bạc phếch bụi trước cửa quán ra chiều bâng khuâng rất mực, Hạng nghiêm giọng:

– Thật tình tôi đang hết sức lo, mấy tuần nay cô bé bỗng biến mất. Bội Ngọc đã chết hay phiêu bạt tận phương nào rồi!

– Hóa ra cô ấy có thật sao? – Tôi sửng sốt – Nãy giờ tôi cứ ngỡ cậu nói chuyện huyền hoặc để đùa thôi.

– Có lạ gì đâu, thỉnh thoảng dù rất hiếm vẫn có những cô gái... tuyệt vời như thế. Ngày mai tôi sẽ lên Đà Lạt. Hôm qua tình cờ gặp một người quen cho biết hình như cô ấy...

“TẾ NHỊ” KHOE MẼ GIA THẾ GIÀU SANG, “NHỎ NHẺ” tâm sự về những ý thích thời trang, và cuộc sống mai này bên kia biển, đoạn Bội Ngọc nói như để kết thúc câu chuyện:

– Đúng là có một thời gian tâm thần Ngọc không được ổn, nhưng những kỷ niệm anh vừa kể thì quả là Ngọc chưa hề được biết, hay rất tiếc, không thể nhớ ra!

Giọng mềm ấm, vừa nói nàng vừa vuốt ve con mèo mập ú, trắng muốt như thể thủ thỉ với nó chứ chẳng phải nói với hắn. Hạng nối tiếp điếu thuốc mới, ý tứ nhả khói về phía khung cửa sổ mở rộng và, chẳng biết lần thứ bao nhiêu kể từ lúc gặp nàng, hắn lại tự nhủ cô gái khoác áo choàng lông màu vàng sáng, da dẻ hồng hào, son phấn rỡ ràng, nhất cử nhất động cứ như đóng kịch đỏm dáng, điệu đàng đang ngồi trong ghế bành kia có phải là cô Bội Ngọc quen thuộc ngày nào? Bội Ngọc của những sáng chiều êm ả trong khuôn viên bệnh viện, nom trắng xanh, cô đơn tựa con chim câu ngồi rũ cánh trên ghế đá lúc rầu rĩ, lúc hân hoan kể những câu chuyện mộng mị lạ lùng với lắm sự kiện, hình ảnh thoạt nghe buồn cười nhưng rồi cuốn hút anh chàng sinh viên khoa Y lúc nào chẳng hay, để suốt tuần suốt tháng anh cứ ngong ngóng đến ngày vào bệnh viện thực tập, tự nguyện dành mọi khoản thời gian rảnh rỗi quí hiếm ân cần chăm sóc nàng, chăm sóc cô gái đáng thương bị lường gạt tình yêu lẫn sự trong trắng ngây thơ, tự vẫn, được cứu sống, nhưng rồi không thể tìm lại chính mình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Bội Ngọc của những giấc mơ đẹp ngày nào bây giờ đã trốn khuất sau cánh cửa khép lại thời bệnh hoạn cũ. Cô gái đã biến Hạng thành anh chàng “hâm” trong mắt bạn bè, anh chàng si tình cổ điển lạc điệu giữa cơ man người tình hiện đại khác nay đã là kẻ xa lạ. Sau những ngày khát nhớ, giờ đối mặt mà cứ như chưa hề gặp, vị trí hoán đổi, trước nàng, Hạng đang là kẻ mắc bệnh tâm thần chăng? Hạng lắc đầu, cười nửa miệng, đứng lên:

– Xin lỗi, kể như tôi đã vào nhầm nhà, gặp nhầm người, đã làm phiền, mất thì giờ của cô, dù sao tôi cũng rất mừng thấy cô đã hoàn toàn bình phục, mạnh khỏe.

Nàng chơm chớp mắt ra vẻ áy náy, phụng phịu nói:

– Ý chết, anh tính đi sao, vội thế? Anh chưa uống hết cà phê cơ mà! Dẫu cái trí nhớ không tốt của Ngọc có lỡ quên, chúng ta cứ coi nhau là bạn. Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp anh đã dành cho con bé bệnh hoạn đáng thương trước kia, ít nhất anh cũng cho Ngọc biết địa chỉ chứ?

– Để làm gì? Cô nên quên cuộc gặp vớ vẩn này thì hơn!

Hạng nói xuôi xị. Cô gái bật tiếng cười nghe khiếm nhã gấp trăm lần những nụ cười mỉm dễ thương, mê hoặc của cô Ngọc thuở nào:

– Ngọc sẽ mời anh dự đám cưới để kể lại câu chuyện kỳ lạ này cho mọi người cùng nghe, chẳng lâu la gì, tuần tới anh ấy sẽ từ Canada bay về. Hẳn anh ấy sẽ rất vui khi biết anh và Ngọc từng gặp nhau ở một hành tinh xa xôi nào khác, bây giờ không cách chi nhớ ra, buồn cười quá đi chứ!

Nàng lại cười. Hạng có cảm tưởng những tiếng cười khúc khích vô duyên vụt làm không khí quanh hai người ngầu bọt, bay đáp vào mặt hắn lạnh giá. Hạng nói tưng tửng:

– Cảm ơn lời mời, cô cứ gửi thiệp cưới về cái hành tinh xa lạ cô vừa nói chắc chắn tôi sẽ nhận được!

Ra đường, chiếc xắc mang bên vai chợt nặng cơ hồ những thứ vặt vãnh đựng trong nó thình lình hóa đá, Hạng đảo mắt nhìn quanh phố xá uốn lượn chập chùng theo triền dốc trong màu nắng vàng se, kéo cao cổ áo khoác, ngập ngừng chút đỉnh rồi quyết định ra thẳng bến xe, với tâm trạng thất vọng não nề của kẻ đi tìm vật báu lại chỉ gặp một viên sỏi, ngỡ gặp ngôi sao lấp lánh hóa ra chỉ là đốm lửa diêm hiu hắt, ngoài dự tưởng.

SAU CHUYẾN ĐI ĐÀ LẠT CHỪNG HAI TUẦN, MỘT hôm bỗng nhận được thư cô em gái của Bội Ngọc, Hạng ngỡ ngàng mở ra đọc:

Anh Hạng quí mến,

Băn khoăn mãi, sau cùng em thấy mình có bổn phận phải viết cho anh những dòng không vui này.

Thật ra chị Bội Ngọc không hề quên anh, cả người lẫn địa chỉ. Hôm gặp anh xong chị đã khóc nhiều. Hôm ấy chị làm ra vẻ xa lạ, đáng ghét như thế chỉ vì chị muốn anh quên chị đi. Con chim phải tên một lần, ngại sa vào bẫy tình đớn đau thêm lần nữa? Không, chị chưa hẳn đã bình phục nên ngại anh phải khổ lây. Qua những trang nhật ký rời rạc, hiếm hoi chị để lại, em đã đọc thấy điều ấy. Đáng buồn là, bây giờ anh biết cũng chẳng còn ích chi, muộn mất rồi. Giữa đêm khuya ngày hôm kia chị đã lén lên mái nhà bước vào toa tàu tưởng tượng lắm lúc chị từng kể với bọn em và...

Thoáng bàng hoàng, để rơi tờ thư đọc dở xuống bàn, Hạng lặng người, đăm đăm trông hút lên mảnh trời vần vũ mây ngoài cửa sổ, tưởng chừng thấy một chuyến tàu tốc hành đang lướt qua trên những đỉnh cây, rồi tan nhòa sau màn lệ nóng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3