Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 10

3.

RẠNG SÁNG. MẶT TRỜI CHƯA LÊN. CHẢO LỬA dần dịu lại trong nỗi thắc thỏm đè nặng mọi lồng ngực: Một cuộc tấn công bằng pháo hoặc xe tăng sẽ ập tới bất cứ lúc nào. Chẳng còn đông đảo như hồi đêm, các cuộc tranh cướp phương tiện để ra biển cũng ngớt dần. Số người còn kẹt lại, trong đó có Hãn và Ngà liều lĩnh lội ra đu bám vào các hàng sáo, và những cái nò đơm cá dựng giữa đầm. Thảng hoặc một chiếc thuyền, sà lan có gắn máy hoặc không chở đầy người khẳm lừ ngang qua, là cả một rừng tay vẫy, một rừng miệng van nài.

Vận may tưởng chừng đã đến với hai người, nhưng rồi chỉ mỗi mình Ngà “được phép” quá giang, lên một chiếc đò chèo đầy ứ những lính là lính. Tới lượt Hãn, hắn đã bị một họng súng M.16 hất tay văng ra khỏi mạn đò, kèm câu rủa tục tằn của một gã đầu trọc tếu, vận quần rằn ri, khoác áo giáp, dây nịt đạn không mang ở thắt lưng mà quàng chéo trước ngực lòng thòng những lựu đạn, súng colt, súng bắn pháo hiệu, bi đông:

– Đ.m mày trung úy, giờ này vẫn muốn làm quan sao con?

Mặc tiếng kêu thất thanh của Ngà, chiếc đò chòng chành nặng nhọc cỡi sóng rời xa. Sực nhớ mấy cái bông mai vẫn còn đính trên cổ áo, Hãn bực bội gỡ chúng ném xuống nước, rủa thầm: Mẹ kiếp trôi đi, trôi đi, trôi đi những tháng ngày u mê chiến trận, mệt mỏi trại đồn. Trôi đi tất tần tật quá khứ hôm qua, dọn mình đón cái chết đầu tiên, phút sống sau cùng sẽ đến, sắp đến. Ngà ơi, ơi, ơi... Tiếng kêu thầm tuyệt vọng trườn êm qua mặt sóng nống đẩy mặt trời lừng lững ngoi lên từ hướng đông.

Chiếc đò chèo ì ạch mãi rồi cũng cập được bờ phía bên kia, tốp lính rã ngũ nhanh chóng tản vào các ngõ xóm khuất khúc rợp bóng dừa tìm lối ra cửa biển. Khác hẳn không khí chộn rộn, chết chóc ở bờ đối diện, bên này làng xóm vẫn hết sức bình lặng, thậm chí rất thanh bình. Trẻ con cười đùa đuổi bắt nhau sau các mành lưới phơi trước sân nhà, người lớn thong thả lui tới làm các công việc thường ngày như thể những giây phút sau cùng, những sự cố sau cùng kết thúc cuộc chiến tranh dài bấy nhiêu năm sẽ không bao giờ ngang qua đây, không đông lắm nhưng chợ vẫn họp trên bến, dọc lối đi.

Cái túi xách không còn, cả Hãn cũng chẳng còn kề bên, Ngà trơ trọi hệt chiếc lá bị quăng ném từ cõi hỗn mang này sang cõi hoang vắng khác. Buồn rầu đưa tay ngang mày che những tia nắng chói đầu ngày dõi mắt trông hút bờ đầm phía bên kia, kí ức chợt lóe sáng chút hạnh phúc đêm qua cùng chia sẻ với Hãn trong cái “phòng tân hôn” quái dị làm nàng thoáng ấm lòng, nhưng rồi Ngà lại mường tượng thấy cái dáng tuyệt vọng của Hãn giữa bao dáng tuyệt vọng khác hệt những con dơi khổng lồ rũ cánh trên các hàng sáo giữa mặt đầm kia, nàng lại cảm thấy đau lòng, đôi giọt xót lặng lẽ ứa lăn trên má.

Giờ đi đâu, làm gì? Vừa lủi thủi bước đi Ngà vừa lẩn thẩn nghĩ. Gã đầu trọc tếu – từng hất tay Hãn khỏi mạn đò và cao giọng rủa hắn một cách cay độc – nhanh tay níu lấy Ngà khi nàng ngang qua gã:

– Nè em gái, tính chuồn luôn sao? Tính quên ơn cứu mạng của qua sao?

Ngà lừ mắt nhìn gã, cắn chặt môi.

– Nhập bọn với tụi qua đi, qua sẽ bảo vệ cho, quen thấy mồ cứ làm bộ lạ. Trước đây cưng từng ở Đà Nẵng phải không nào? Chậc, giống y ran con ghệ ở bar Thanh Khê Melody. Con ghệ bị đánh ghen tơi bời, bị đưa cả hình lên báo...

Thoáng giật thót, Ngà cố nắn giọng điềm tĩnh:

– Ông nhầm người rồi!

Bà Chanh ngồi sau mấy cái mẹt tre bày đầy cá nục tươi bên đường vừa hóng chuyện vừa ái ngại nhìn Ngà, bỗng lên tiếng:

– Cô ơi mua cá đi, cá nục tươi vừa...

– Nè, tính ngồi đây chờ Việt cộng hay sao mà tỉnh khô tỉnh rụi vậy hả mấy bà nội nhỏ? – Gã trọc cướp lời, đảo mắt nhìn quanh. Chẳng len lét cúi mặt như các bạn hàng khác, bà Chanh mát mẻ nói:

– Mấy ông mới lo cút xéo đi, chết tới nơi rồi còn ghẹo gái.

Ngà ngồi xuống vờ săm soi mấy con cá nục tươi. Làm bộ chẳng thèm chấp lời “con mẹ hàng cá hàm hồ”, gã trọc đưa mũi súng khều nhẹ vai Ngà:

– Quên mẹ cái thằng cha căng chú kiết cùng đi với cưng đi, giờ này còn kẹt bên bển Vixi (V.C) không xơi tái thì đạn lạc cũng giúp nó tiêu diêu miền cực lạc rồi cưng!

Thoáng sững người vì chợt nhớ ra gã đã gạt tay Hãn khỏi mạn đò, đoạn Ngà cầm cái mẹt cá bất thần đứng vụt lên quật vào mặt gã, rít qua kẽ răng:

– À thì ra mày chính là thằng đã...

Bất ngờ hứng cả mẹt cá vào mặt, gã trọc nổi dóa lùi lại lên đạn cây M.16 đánh “rắc”, trừng mắt hét:

– Con đĩ thúi, tao cho mày chết!

Một gã đồng bọn nhào tới ngăn, lôi gã trọc ra xa, nhăn nhở cười:

– Thôi huynh, em xin can, bảnh mắt đã gặp gái kiểu này xui tận mạng, đi thôi!

Một chiếc Goebel thồ hai cái cần xé đầy cá ở yên sau giảm ga chạy trờ tới. Gã đầu trọc và gã đồng bọn nhào ra chĩa súng vào ngực thằng nhỏ cầm lái, xô nó ngã xuống đường:

– Mượn đỡ chiếc xe nghen mậy! – Gã trọc hét, gã đồng bọn nhanh tay mở dây buộc hất văng hai cái cần xé làm cá bắn tung tóe ra mặt đất. Chúng lên xe nổ máy dông biến ra phía biển.

4.

NHỮNG QUẢ PHÁO ĐẦU TIÊN MỞ MÀN CHO ĐỢT pháo cấp tập chiếm lĩnh trận địa miền biển rớt xuống bên bờ đầm Tân Mỹ. Những cây dừa đổ gục xuống và nỗi khiếp hãi mưng ngợp. Sau tiếng pháo là sự im lặng choáng, căng. Sau những cột nước lác đác vọt lên trên mặt đầm ngầu sóng, những “con dơi khổng lồ” rũ cánh trên các hàng sáo bỗng biến mất như thể đã hóa thành khói bay lên trời, hóa thành cá lặn sâu dưới mặt nước.

Từ những nơi trú ẩn không định trước, bạ đâu chui vào ẩn đó, những đôi mắt lấm lét nhìn nhau chẳng còn tị hiềm hay đằng đằng sát khí mà dịu hẳn đi, dại hẳn đi, có vẻ đã tỉnh cơn cuồng tâm loạn trí, tất thảy dù không muốn cũng không thể khước từ cái hiện thực đang trùm phủ không chỉ lên người mà lên cả số phận họ: không có phép lạ nào có thể xua tan “hương vị” khó tả của cái chết đang tán lạc quanh đây, đang phân phát chia đều cho từng người, không sót một ai. Thứ “hương vị” khiến đầu óc mê mụ đi, thân xác rã rời. Không có ma lực, thần lực nào chấm dứt được “trò chơi” đậu vãi. Mỗi quả pháo là một hạt đậu vãi xuống bung thành những cái dấu chấm hết cho nhiều số phận “sinh linh” quên tuổi lú tên, hóa vô danh, sẵn sàng bước vào hàng ngũ “thập loại chúng sinh”, mai này hồn phách dật dờ ăn mày từng miếng cháo lá đa ở những buổi cúng tế cô hồn đầu sông cuối chợ!

Tay vẫn bám chặt cột nò, “con dơi khổng lồ” hôm qua có tên là trung úy Hãn, giờ đang là cựu trung úy hụp đầu xuống nước mỗi lần nghe “đậu vãi”, nhịn thở hết nổi lại ngẩng lên hít lấy hít để không khí. Lần nào hụp xuống Hãn cũng đinh ninh rằng mình sẽ chết, nhưng rồi có lần ngẩng lên thấy một chiếc sà lan gắn máy ngang qua chỉ cách mình có mấy sải tay, đang hãm bớt ga lách tránh mấy cái xác vắt trên cọc nò cản lối. Hãn liều lĩnh lao vút ra, bơi như thể có cái máy điện cơ gì đó trong mình vừa khởi động tiếp sức và, lần này thì vận may đã mỉm cười với hắn, có kẻ nhận ra hắn, đưa cây dầm ra cho hắn nắm, ráng sức kéo để hắn lấy đà leo lên sà lan. Kẻ ra tay “tế độ” ấy chẳng phải ai xa lạ, chính là gã biệt động quân râu tóc bờm xờm, từng mời Hãn “cạn chén ly bôi” dọc đường, và ông ổng hát, đúng hơn, gào: Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi...

Khi chiếc sà lan có Hãn quá giang ra tới cửa biển Thuận An, và bọn họ được cứu hộ bởi một chiếc tàu lớn thì trên đất liền, đạn đạo của những quả pháo mỗi lúc mỗi dài ra, trùm phủ lên cả vùng cửa biển.

5.

HÃN VÀO TỚI ĐÀ NẴNG VỪA LÚC PHỐ XÁ LÊN đèn. Phản ứng dây chuyền của hội chứng cùng đường, tuyệt lộ tiếp diễn ở đây tuy có phần êm dịu hơn, nhưng sự căng thẳng táo tác, thắc thỏm không hề tỏ ra giảm bớt “nhiệt độ”. Ngang qua một góc phố tương đối vắng, Hãn cởi bỏ cái dây nịt đạn vẫn đeo dính khẩu Colt 45 mấy hôm nay như một vật thừa ném vào một góc tối khuất, chẳng kiếm phương tiện đến điểm tập trung của đơn vị – theo “lệnh” oang oang phát trên loa phóng thanh, có cái từ “tử thủ” lập đi lập lại lắm lần – mà thả bộ về đường Trần Cao Vân đến nhà một bà chị họ tắm rửa, ăn uống qua loa và đánh một giấc đến tận sáng. Trong giấc ngủ sâu, có lúc Hãn mơ thấy thằng bạn cũ – Lược, băng trắng quấn kín từ đầu đến chân mang chữ Thọ nhỏ máu ròng ròng trên ngực đứng khoác tay Ngà tươi cười trên một đỉnh non mù mây trắng, họ cười, họ vẫy tay, và Hãn bơi, bơi, bơi trên mặt biển ngầu sóng mà không cách chi tới chỗ họ được.

Hôm sau khoác cái quần dài nâu, áo sơ mi ca rô rộng thùng thình mượn đỡ của ông anh rể, Hãn đi lang thang gần như khắp Đà Nẵng, sang tận bán đảo Sơn Trà tìm kiếm Ngà theo biểu hú họa, bởi hắn đinh ninh qua được đầm Tân Mỹ thế nào thì nàng cũng đã về đến đây. Chẳng thấy tăm dạng, Hãn chán nản rồi yên chí có khi Ngà đã may mắn thoát hiểm, và không chừng lúc này đang bình yên trên một hạm đội lớn nào đó của Mỹ tận ngoài khơi. Những tàu của hạm đội 7 nghe nói sẵn sàng đón các tàn binh và thường dân di tản, ngược hẳn “lệnh tử thủ” đang được nghe hết sức hờ hững ở đây, hờ hững như nghe tin dự báo thời tiết.

Ăn vật vờ, uống vật vờ, ngủ vật vờ, đi đứng vật vờ, cả đọc sách cũng vật vờ nốt! Sau này nhớ lại Hãn cho đó là khoảng thời gian bản lề, chuyển tiếp, giao mùa u mê ám chướng nhất đời mình.

Vợ chồng bà chị họ vốn là giáo sư của trường trung học Phan Chu Trinh, nhà có một tủ sách lớn dàn kín tới ba bức tường của một phòng đọc rộng cạnh phòng ăn. Lang thang chán ngoài đường, Hãn lại quay về làm “mọt sách”. Ban đêm đôi khi chợt thức sau một cơn ác mộng nào đó không ngủ lại được, hắn đọc sách tới sáng, rồi chợp mắt ngủ bù đến tận trưa hôm sau. Hôm quân giải phóng vào tiếp thu Đà Nẵng, đứa cháu vào nơi dành riêng cho khách thấy đèn vẫn để sáng, cuốn Kẻ Xa Lạ của Albert Camus đọc dở còn úp trên mặt Hãn, nó vừa lay ông cậu đánh thức vừa đùa: “Nè kẻ xa lạ, Việt cộng vô tới rồi kìa, dậy trốn lẹ đi cậu!”

Hắn chẳng trốn, đứng trước cửa nhìn thành phố rùng rùng trong nhịp điệu chuyển động mới, cờ băng rợp trời. Cảm nhận đầu tiên của Hãn trong ngày hôm ấy là, hình như mọi ám ảnh nặng nề về chiến tranh đã cất khỏi mọi lồng ngực, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Hôm sau, phớt lờ thông báo tập trung của Ủy ban quân quản phát trên đài phát thanh và từ các xe thông tin lưu động ngoài phố, Hãn tiếp tục nằm nhà đọc sách. Nửa đêm, một toán trong đội Thanh niên Cờ đỏ ập vào lục soát, hắn bị dẫn độ vào nơi tập trung. Hành lý mang theo khá ít ỏi, hai bộ quần áo, ít đồ ăn khô, vài gói thuốc Bastos xanh, và phần còn lại của cái túi xách cũ kỹ ken đầy những sách văn chương, triết học. Tiếc thay, số sách ấy sau này lên tới trại Hiệp Đức đã bị cán bộ quản giáo “giữ giùm”, kèm câu cảnh cáo nghiêm khắc: “Không được đọc các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động”.

Hòa Cầm hai ngày, Hội An chừng hơn tháng, và Hiệp Đức, Phú Ninh ngoài ba năm. Những ngày tháng ấy thoạt tiên tưởng như không thể chịu đựng nổi, nhưng rồi những tờ lịch cũng trôi theo mồ hôi mỗi ngày tuôn xuống làm bóng lưỡng những cán cuốc, cán dao, theo các thao tác ban đầu vụng về sau nhuyễn dần của việc trồng trọt, đẵn gỗ, phát rừng làm rẫy... Trôi theo những câu chuyện tiếu lâm chay có mặn có bạn bè chung nhà, chung trại hễ gặp là nài nỉ Hãn phải kể để được cười thả dàn, quên bớt mệt nhọc. Trôi theo những câu chuyện võ hiệp kỳ tình của Kim Dung hắn từng đọc, nhớ như in từng chương, hồi, từng tình tiết, và kể lại vanh vách lúc pha giọng hài tếu, khi cường điệu dàn trời. Kể chuyện chọc cười đổi thuốc hút. Kể chuyện kiếm, chưởng được người nghe sẵn sàng san sẻ cả những món ngon, hiếm được tiếp tế vào mỗi kỳ thăm nuôi, so với tiêu chuẩn cơm độn khoai mì, mắm cái rau rừng hàng ngày. Trôi luôn và qua tuốt. Có điều hắn không hề ngờ, vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cái thằng ít được thăm nuôi nhất trại lại được gọi ra khu tiếp tân, nhận tin mình sắp lên chức... cha. Người mang tin đến chẳng ai khác hơn là Ngà.

Gặp lại Ngà quả là bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, Hãn hết trân trối ngắm nàng lại siết chặt tay lắc lắc như để chắc rằng thực chứ không mơ. Xa lâu rồi bỗng gặp, hệt một đoạn phim quay chậm, phần cuối của cái đêm dài dằng dặc bên bờ đầm Tân Mỹ ấy tuần tự hiện ra trong hồi ức của cả hai người. Chẳng rõ có bị ảnh hưởng dây chuyền bởi hội chứng cùng đường, tuyệt lộ đang “hành hạ” lũ người gần như mất trí ngoài đầm hay không, ám ảnh về nỗi chết gần kề sau cùng đã ráp họ thành đôi lứa, cơ hồ do sự phối ngẫu của định mệnh. Thoạt tiên ngại ngần, dần dà bạo dạn hẳn lên, chàng quấn lấy nàng trong tiếng kêu trầm thống thịt gọi thịt, da gọi da, nhịp tim gọi nhịp tim hào hễn, tận hiến và tận hưởng từng phút giây hạnh phúc sôi nổi, háo hức, nồng nã quí báu rất có thể là những phút giây sau cùng. Cái đêm hôm ấy chỉ đến với họ duy nhất một lần trong đời, giờ đã thành kỷ niệm ngấm trong hồn, chìm vào xác, và chẳng trừu tượng chút nào, nó đang lớn từng ngày ở người đàn bà lần thứ nhất được làm mẹ. Vuốt cái bụng lùm lùm, Ngà nheo mắt cười:

– Hôm ấy tưởng anh không vượt qua được đầm Tân Mỹ, em đã yên chí anh chết, khóc suốt.

Đoạn Ngà kể, ngay sau loạt pháo đầu tiên, nàng hớt hãi theo chân mấy bà bán cá vào hầm trú ẩn trong nhà bà Chanh cách chợ chừng trăm mét. Thấy nàng bơ vơ, bà Chanh thương tình cho ở lại qua đêm. Sáng sớm hôm sau nghe im tiếng súng, chẳng rõ có còn chiến tranh nữa hay không, Ngà cũng tất tả đón đò quay lui bên kia đầm Tân Mỹ.

Từng đám tù, hàng binh chân trần, nhếch nhác xếp thành hàng dọc đi bộ ngược ra mạn Bắc trước các họng súng lăm lăm canh giữ. Nàng hết lui lại tới, hết đi bộ lại xin quá giang xe tải, xe máy, và cả xe nhà binh, ngược xuôi tìm kiếm. Suốt hai ngày liền trong hàng ngũ những gương mặt bụi lầm nắng xém ấy chẳng có gương mặt nào mang tên Hãn. Điều khó tin và kỳ diệu là, cái túi xách bỏ lại ở “phòng tân hôn” vẫn còn y nguyên, lấy chai dầu Nhị Thiên Đường ra xức một tẹo, quặn lòng nhớ chàng, nàng lại khóc như mưa.

Về tới cây số 17 nghỉ ngơi vài ngày, Ngà lại tiếp tục quay lại Huế tìm đến những nơi nghe người ta bảo là cơ quan của chính quyền cách mạng, của ủy ban quân quản, là trại tập trung các công chức, sĩ quan chế độ cũ... Không, không, và không tìm thấy, nàng đinh ninh rồi yên chí Hãn đã mất tích hoặc chết rấp ở bụi bờ hóc xó nào đó, nhưng rồi cái mầm sống ngày mỗi lớn trong nàng lại thầm nhắc nhở và, Ngà lại cầm lòng không đậu, lại tiếp tục tìm kiếm.

– Sao biết anh ở đây? – Hãn âu yếm ngắm gương mặt Ngà trắng xanh điểm lấm tấm những hạt mồ hôi bên cánh mũi nom đẹp, và hiền đến tội.

– Đến nhà anh ở Kế Môn năm lần bảy lượt, ai cũng nói sốt ruột chờ tin. Ông già đòi lập bàn thờ, bà già cứ khóc suốt không cho, hai vợ chồng chú em trai nói có đi xin xăm, coi bói, thử đi tìm vài nơi rồi cũng đành về không. Riêng em không hề mất hy vọng, cách đây chừng mươi hôm lại về Kế Môn, và may mắn là... Sao anh lặn mất tăm lâu vậy?

Hãn cúi mặt, cau ríu đôi mày sâu róm nom áy náy hơn là ân hận, thấp giọng nói:

– Thư từ ở đây ra ngoài qua nhiều cửa dễ thất lạc. Vả lại anh biết ở nhà bây giờ cũng không ít khó khăn, phải gánh thêm phần lo cho anh đâm ra nặng, ra tội, và rồi nói chung... anh cũng lười viết thư!

– Anh coi cái sự lười của mình to tát, vĩ đại hơn nỗi âu lo của ông bà già và anh em ở nhà sao? Quên béng cả em sao? Từ nay đừng có khùng vậy nữa!

Họ cùng cười, Ngà cầm tay hắn đặt úp lên bụng mình giấu sau cái túi xách, âu yếm nói:

– Làm quen với con đi chứ, anh có mừng không?

– Mừng!

– Nghe yếu xìu, nói lần nữa coi!

– Ừ thì... mừng, nhưng liệu em có nuôi nổi nó cho đến ngày anh về không?

Ngày về! Dạo mới đến Hiệp Đức, vào trại chừng hơn tuần lễ, có người ở chung nhà được tiếp tế một trái mít chín cây. Hãn được chia hai múi gọi là ăn lấy thảo. Ăn xong hắn mang hai cái hạt vùi ở vạt đất trống sau nhà tập thể, cạnh cửa sổ, cười bảo: “Bao giờ hai cái hạt mít này nứt mầm thành cây ra trái thì chắc tụi mình mới được về!” Ai nghe cũng cho là hắn cường điệu. Người bảo cùng lắm là 6 tháng, kẻ đoán chắc 1 năm là cùng, mà mít có trái thì ít ra cũng phải ngoài 3 năm, lâu quá! Hai hạt mít nứt mầm được Hãn chăm sóc mỗi ngày, được tưới bằng nước vo gạo xin ở nhà bếp, và bón bằng phân bò nhặt đâu đó trên đường đi lao động, chúng đâm cành nẩy lá lớn dần, xanh tốt, mượt mà và, chẳng ai bảo ai, hễ trông thấy chúng là họ lại sực nghĩ đến ngày về. Có kẻ nghĩ đến hóa rồ, nhảy băng qua cửa sổ nhổ mất một cây, vừa dày đạp nó vừa lớn tiếng thóa mạ thằng Hãn gàn, thằng Hãn lẩm cẩm, thằng Hãn... Bị Hãn phẫn nộ ngăn chặn kịp thời nên một cây vẫn còn sống sót, giờ đã cao hơn 1 mét, thân vẫn còn một rẻo vải trắng để tang cho cái cây anh em đã chết thảm.

– Tới ngày anh về à? Làm như anh phải ăn đời ở kiếp nơi này mãi hay sao ấy! – Ngà khẽ vặc, Hãn kể chuyện hai cây mít. Nàng cười: – Anh quả là khéo tưởng tượng.

– Không, anh rất thực tế. Kể chuyện cây mít để em đừng quá trông mong.

– Ờ thì... trông vừa vừa thôi vậy! Nhưng anh đừng có quá coi thường em, ý chí em chẳng bằng thép nhưng em đã muốn làm cái gì thì phải làm cho bằng được. Như anh biết rồi đó, trước đây lấy chồng xong em vẫn tiếp tục đi học, lấy hai cái chứng chỉ Luật.

– Hồi ấy em chúi mũi vào việc học để lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi chồng đi trận về. Còn bây giờ...

– Bây giờ chờ anh đi tù về cũng có khác gì đâu? Em lấp đầy khoảng trống bằng việc nuôi con. Anh lo em không nuôi nổi nó à? – Ném lia mắt bốn phía, Ngà láu lỉnh cầm bàn tay chai sần của Hãn vẫn giấu sau túi xách đặt lên bầu vú căng tràn thanh xuân của mình, cười nói: – Chỉ với hai bình sữa này thôi cũng dư sức nuôi con, và nếu cần... nuôi cả cha nó nữa!

Hai người cùng cười. Chạm phải tia nhìn soi mói, sắc lạnh của tay cảnh vệ trẻ bồng súng đứng gác trước cửa, vờ lơ đãng nhưng không hề bỏ qua bất cứ cử chỉ hay lời nói nào có thể nghe thấy, Hãn rụt vội tay lại.

Cái tay rụt lại nhưng dư chấn cảm xúc của sự va chạm lửa – rơm thoáng chốc vẫn còn ngân nga, bứng rứng chưa nguôi khắp nẻo da ngõ thịt. Hãn khẽ thở dài, ngầm chống đỡ sự “nổi loạn” của bản năng gốc đang cộm cứng giữa hai đùi.

Lao động miệt mài đến nhão cả cơ bắp, ăn uống kham khổ, có lúc ngỡ cái phần Con bản năng bị phầnNgười thuần lý lấn át, thậm chí triệt tiêu. Nhưng rồi cái phần tưởng chừng trở thành số không ấy thỉnh thoảng lại trỗi dậy khá mãnh liệt. Một chiếc dép nhựa phụ nữ cũ mèm, đứt quai, một chiếc kẹp tóc rỉ sét bất chợt nhìn thấy ở một xó rừng nào đó nhanh chóng trở thành đề tài để cả đám tù trẻ quá lâu không được “lảy cò” trong trận mây mưa nào nhao nhao tranh nhau tán gẫu cơ man nào là chuyện thanh lẫn chuyện tục về đàn bà. Trên đường đẵn gỗ, cuốc nương, đốt than, dọn rẫy tăng gia sản xuất... tình cờ “chạm trán” vài đại diện phái đẹp trong vóc dáng các bà các cô sơn nữ nhan sắc hoang dã, những cô giáo bổ túc, mậu dịch viên gì gì đó cỡi xe đạp đi công tác, hoặc các tốp nữ thanh niên xung phong đi khai hoang vỡ hóa ngực căng vì quai ba lô siết chặt ngang qua, lập tức cả trăm đôi mắt, trăm cái mồm há hốc cất lên háo hức chào đón, lập tức hàng loạt liên tưởng tội lỗi nở bung ra trong đầu như nấm mối gặp mưa, để rồi đêm về đâm ra khó ngủ, trăn trở mãi trên mặt giường khô khốc những nan sậy đan dối, hắn ngỡ không riêng mình mà tất thảy những thằng đực khắp mấy dãy lán trại quanh năm tịnh không một bóng đàn bà, cùng khổ sở đánh vật với những giấc mơ bay liệng toàn váy áo, đồ lót hàng tơ mịn sực nức mùi son phấn, những giấc mơ cương cứng tưởng khoan sụt cả đất, nống vỡ cả trời, rồi “vũ trụ” thoắt xẹp xuống khi dục vọng khôn cầm hệt thác lũ vỡ tràn qua đập chắn, biến thành hơi thở hắt âm u, để lại cảm giác trống rỗng tột cùng từ mỗi chân tóc đến mỗi lóng xương. Kỳ diệu thay sức trẻ và cũng đáng hãi lắm thay cái phần Con luôn đòi hỏi được nuôi dưỡng, được đối đãi công bằng y hệt như với phần Người ở mỗi cá thể loài động vật có vú tên gọi là Con Người!

Ơn trời, sau cùng dư chấn cũng biến bặt, Hãn bẻ ngoặt câu chuyện qua ngõ khác:

– Ở đây có người thỉnh thoảng nhắc đến em, bữa nay biết tin em chắc hắn sẽ ngạc nhiên lắm.

– Ai vậy anh?

– Còn nhớ thằng say hát hỏng tùm lum hôm mình chạy ra biển không?

– À, cái gã mời cạn chén ly bôi hả?

– Ừ, chính hắn là người đã cứu anh ở đầm Tân Mỹ, nay bị lùa vô chung một rọ, lại gặp, trở nên thân nhau. Cũng chính hắn đã nổi đóa nhổ, dày xéo cây mít của anh. Cái thằng nóng tính nhưng tốt bụng, lại khỏe như trâu, luôn chia sẻ, gánh giúp anh những việc nặng.

– Ngộ quá hả? Nhưng ít ra anh ta cũng có một cái tên chứ?

– Kiêm. Hắn tên Kiêm.

– Cho em gửi lời thăm anh Kiêm, hứa sẽ hậu tạ cái ơn cứu tử – Ngà bỗng thấp giọng, gần như thì thầm: – À mà anh Hãn này, từ đây đến ngày sinh con còn lâu mới gặp anh lần nữa, em muốn biết anh thích đặt tên con là gì?

– Chậc, tên gì chẳng được...

– Nói như anh thì... Em tính nếu là con gái sẽ đặt tên Tân Mỹ.

– Tên cái đầm quỉ tha ma bắt ấy hả?

– Anh không thích sao? Để kỷ niệm...

– Được thôi, còn nếu là con trai sẽ đặt tên nó là Công!

– Công à? Nghe cũng được, nhưng sao lại là Công, anh?

– Thì container, “phòng tân hôn” độc nhất vô nhị, trên mặt đất này không nơi nào có, cái nơi cha mẹ nó...

Họ cùng cười, Ngà lùa tay khẽ nhéo đùi Hãn, mắng yêu:

– Cái anh này, lúc nào cũng đùa được.

Một đứa con, đặt tên cho nó! Mãi tới lúc này cái cảm giác mới mẻ vì bất thần biết tin mình sắp có con vẫn còn mưng ngợp trong Hãn. Mình có yêu Ngà không nhỉ? – Có! Đã có lúc mình quay quắt nhớ Ngà tưởng chừng muốn trốn khỏi trại để đi tìm nàng. Nếu mỗi người chỉ yêu một lần trong đời thì có phải là lần này không? Trước Ngà, những gặp gỡ qua đường, những đêm tình tạm bợ, những mẩu tình bỡn cợt, chắp vá cùng bao cô gái phấn son dọc những vùng hành quân, trại đồn nhòa trong bia bọt thâu đêm suốt sáng, ngầu trên chiếu rượu hay chiếu bạc bạt mạng cô hồn. Tất thảy đã khép lại sau cánh cửa hôm qua, đã lắng tận đáy quá vãng, để bây giờ chỉ còn một gương mặt, một tên gọi bật nổi trên cái bề mặt chìm khuất ấy: Ngà!? Thoáng ngập ngừng rồi Hãn siết chặt tay nàng, xúc động nói:

– Cảm ơn em!

Ngà khẽ xoay người áp sát vào Hãn, quàng lẹ tay siết chặt hắn, đoạn “liều mạng” đặt lén lên mang tai người tình chiếc hôn nồng nã đến... gai người.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3