Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 02
5.
SAU ĐÊM NGHE LỎM CHUYỆN CỦA CHỊ TƯƠNG Ngẫu và ông Ngạn điên tôi hãi sợ thật tình. Nhiều lần định bụng đem hết mọi chuyện nghe được kể với mẹ, nhưng tôi không làm nổi. Nhìn sự vui vẻ khác thường dạo này của chị Tương Ngẫu tôi thấy thương chị quá, vì tôi biết nguyên do nào đã mang tới nguồn tươi ngọt mát cho chị rồi; đồng thời tôi xấu hổ nghĩ mình đã rình mò chị quá kỹ càng. Chị phải được sung sướng, chị phải được đền bù số ngày tháng buồn bã chị đã trải qua thời gian dài trước đây. Phải rồi, tôi hiểu tại sao chị âm thầm ngày đêm mong ngóng mùa thu trở lại. Chị đã tìm thấy hạnh phúc ở một tình yêu quá lạ kỳ.
Nếu chị Tịnh Hoa không về, tôi không nhường phòng lại cho vợ chồng chị ấy chắc chẳng bao giờ tôi khám phá ra cuộc tình thần bí kia. Mẹ thấy chị Tương Ngẫu vui, hoạt bát hẳn ra, mẹ không ngớt lời ca ngợi tài bốc thuốc của ông thầy người Triều Châu. Chỉ có tôi, vâng chỉ có mình tôi, là thấy xuyến xao lẫn lo lắng về niềm vui của chị. Vì:
Sự liên lạc buộc ràng giữa chị và ông Ngạn mất trí ngoài sức tưởng tượng tôi và có lẽ ngoài tầm tưởng tượng của tất cả mọi người có một trái tim tầm thường, bình thường, không khác thường như chị. Căn cơ gốc gác nguyên lai nào đã dẫn chị tới thắt kết mối dây ràng buộc đó? Định mệnh thiêng liêng nào? Thánh thần ma quỷ nào? Không, em không đủ khả năng truy nguyên gốc ngọn mối tình khó hiểu của chị. Không, em không thể hiểu, nhưng em kính trọng mối tình cao ngất núi đó như em đã từng kính trọng vẻ cao vời tuyệt sáng của một vầng trăng. Từ nay em phải giữ đúng chỗ của em, không thể bước tới bước lui xâm phạm vào vùng đất mơ tưởng huyền hoặc của chị. Em kính trọng quyền tự do tuyệt đối của chị. Em vẫn là đứa trẻ ngây ngô dưới mắt chị. Em sung sướng và bằng lòng được chị hiểu lầm như thế.
Một buổi chiều có cơn mưa phùn nhỏ; sau khi chúng tôi kéo nhau đi chơi chùa Linh Mụ về, chị Tương Ngẫu bỗng lấy tay chặn ngực kêu muốn ói, nhức đầu, chị vào giường trùm mền nằm miết tới tối, không ăn cơm. Anh Thuyên lấy ống nhiệt đo thấy chị sốt lên tới 39 độ, bèn cuống cuồng kêu xích lô đưa chị xuống phố tới một ông bác sĩ quen. Chị Tịnh Hoa và mẹ đi theo. Cỡ mười giờ mọi người trở về mang theo một lô thuốc vừa uống vừa chích. Tôi thức gần trọn đêm ngồi bên giường canh giấc ngủ cho chị Tương Ngẫu. Để giết thì giờ, tôi mở ngọn đèn nhỏ đọc tiểu thuyết.
Gần sáng, chị Tịnh Hoa bỗng mở cửa bước vào khẽ kéo tôi ra ngoài hàng hiên. Chị thì thầm nói với tôi:
– Con Ngẫu nó ốm nghén!
Tôi rụng rời tay chân đứng không muốn vững khi nghe tin đó. Tôi thấp giọng hỏi chị Tịnh Hoa:
– Mạ biết chưa?
– Biết rồi, ông bác sĩ Triệu nói.
Tôi chạy vụt vào phòng đóng chặt cửa. Ngồi nhìn chị Tương Ngẫu mê man dưới lần drap trắng tinh tôi đã khóc. Cơn khóc quá tỉnh táo không giúp tôi thiếp đi được. Tôi lạc hồn trừng trừng nhìn ngọn đèn nhỏ tỏa ánh sáng lù mù xuống những trang tiểu thuyết không còn rõ xác chữ.
Chị Tương Ngẫu ốm nghén? Năm tiếng ấy hồ như năm chiếc pháo nhỏ nổ ran trong đầu tôi. Có thể nào như thế được? Làn da trắng xanh bệnh hoạn, đôi mắt nhắm nghiền, mớ tóc dài xổ tung trên nền gối: chị Tương Ngẫu ốm nghén? Tôi ôm đầu nhìn xuống vẻ tiều tụy của chị như nhìn xuống một hình hài khói sương không có thực.
Chị Tương Ngẫu ốm nghén. Mẹ khóc, mẹ buồn, mẹ quặn đau cả chín chiều gan ruột. Mẹ cố phanh phui tìm hiểu ai đã mang tới cái “tai nạn” đó. Mẹ nghĩ đến những người bạn của chị, chẳng có gã thanh niên nào được kể là thân thiết với chị Tương Ngẫu hết. Không khí gia đình tôi chùng xuống một độ thấp nặng nề. Rồi, không chịu nổi buồn khổ, mẹ đem lòng nghi anh Thuyên.
Mẹ lấy lý do những lần anh Thuyên và chị Tương Ngẫu đi chơi riêng để kết tội. Lúc đầu chị Tịnh Hoa còn bình tĩnh đứng giữa làm một “dung dịch bão hòa”, nhưng mãi thấy mẹ quay quắt quá chị hóa khùng hóa dại, chị nắm áo anh Thuyên day giựt:
– Danh dự nhà tui anh đã xé tan như miếng giẻ rách; tui sinh con rồi tui thề sẽ xuống tóc đi tu, đi tu để vớt bớt tội cho anh, cho cái số phận hẩm hiu của đời tui...
Rồi chị buông anh Thuyên, quay sang mẹ dập đầu lạy như tế sao:
– Xin mạ đừng buồn đừng khóc nữa, đau lòng nát ruột con lắm, mạ ơi! Chồng con rứa đó, nếu mạ muốn con xin đội một rổ cứt trâu lên đầu đi khắp cái tỉnh Thừa Thiên ni ăn năn sám hối cái tội của chồng con, trăm sự đều tại con cả, nếu con không về lại nhà thì... Trời ơi...
Chị Tịnh Hoa ngất xỉu, nằm dài trên sàn nhà. Tôi thất kinh hoảng vía khóc theo, mẹ cũng khóc, khóc xổ cả tóc nhàu cả áo. Anh Thuyên tím mặt nín lặng trước cơn thịnh nộ bão lốc của vợ và mẹ; anh vào ngồi bên giường chị Tương Ngẫu suốt một buổi chiều, cố nén xúc động dỗ dành chị nói rõ ràng căn cớ. Chị Tương Ngẫu khóc vùi và lắc đầu nguầy nguậy, không chịu hé nửa lời. Tôi đứng không muốn vững giữa cơn lốc đang xoáy tốc độ mạnh trong gia đình. Tôi nuốt nước mắt thầm xin lỗi chị Tương Ngẫu và đem sự bí mật kia kể cho cả nhà cùng nghe.
Chị Tịnh Hoa ốm nghén ăn những thứ của chua của chát. Chị Tương Ngẫu ốm nghén, chị ngộp thở giữa khoảng không gian nhỏ hẹp đặc quánh buồn lo sầu héo này – chị chỉ thèm được thở thoải mái.
6.
BÂY GIỜ CHÚNG TÔI VĨNH VIỄN MẤT CHỊ TƯƠNG Ngẫu. Chị đã ghé lại cuộc đời này 25 năm ròng làm con gái, và 2 tháng cưu mang khổ nghiệp đàn bà.
Bây giờ chị vĩnh viễn dời bỏ chúng tôi để đi đến một tinh cầu giá băng hay rỡ ràng ánh sáng nào đó. Bây giờ mỗi lần mùa thu trở về tôi lại quay quắt nhớ câu nói ngấm chút vui bâng quơ buổi sáng hai chị em đứng ngâm tay vào thau nước lạnh dưới bầu trời ngan ngát hơi sương: Mùa thu đã gần kề, chỉ còn một hai hôm nữa thôi. Cẩm Các thấy không? Vâng! Thưa chị, em đã thấy. Mùa thu. Em yêu mùa thu như chị đã từng yêu. Em mong đợi mùa thu như chị từng mong ngóng. Mùa thu năm chị 25 tuổi là mùa thu đầy ắp hạnh phúc nhất của chị phải không? Là mùa thu em mất chị đời đời. Hàng triệu hàng tỉ mùa thu khác sẽ về sẽ lướt thướt qua, mất bóng. Bên sau lớp bụi vàng vây phủ dáng chị thân thiết không còn; bên sau chị trống trơn một mình em đứng đó, tay chơi vơi vẫy gọi ai về? Không, chị chẳng còn về, chỉ còn muôn ngàn đợt sóng nhô lên mặn chát cả lòng, cay xé mắt và đỏ rực một trời sao sương buồn rộng. Hình hài xưa chị viễn mù sau trùng điệp khói hương bay. Em đốt trầm, em thắp nhang, em khấn khứa, em muốn hóa thành chim, thành một áng phù vân ruổi rong theo hình sương bóng khói chị. Em sợ lắm những đêm phải một mình thắp đèn nhìn khuôn mặt anh Ngạn âu sầu trong tranh chị. Bông hoa trắng là hình giọt lệ lớn không tan, không phai, không nói năng thề thốt. Bông hoa biết bao lần chị thay đổi sắc màu có hôm nào hóa thành chim bay sang đứng hót trên ô cửa tù ngục anh Ngạn? Ôi, ô cửa vuông như tấm khăn vuông đắp lên mặt chị, đắp kín lòng huyệt sầu mộ tối. Ô cửa hẹp ấy đã một thời là ngõ đón tình yêu chị đi qua đó sao?
Xứ sở nào giờ là quê quán chị về? Có cỏ mùa thu mướt xanh dưới chân chị không? Có trái chín nũng nịu lả xuống vai chị không? Có mưa bay nghiêng tháp cổ để chị khẽ nâng tà áo lụa che đầu kêu: “mưa ơi ta ghét mi” không?
Không, chắc không đâu chị nhỉ? Cõi chị tới không có mặt trời, chẳng có hoa lá, chỉ có nỗi buồn chị mang theo. Chỉ có tiếng hát không thành điệu, câu kinh chưa thành lời, hạnh phúc chưa đủ cứng để chị cầm, tương lai chưa kết trái.
Chị về đâu?
Chị ở trên ngàn? Chị chơi cuối biển? Chị vân du đường gió? Chị nô giỡn sông trăng? Mái tóc chị huyền, hàm răng chị trắng, đôi mắt chị long lanh cuối trời non yểu. Chị đi quên lược bỏ gương, quên tranh chị vẽ, quên chiếc nón quai thao, quên áo lụa hồng, quên quạt trầm hương, quên 25 năm làm con gái đứng bên ni sông ngó qua bên tê sông hát câu cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. QUÊN, chị quên nhiều thứ lắm, tất cả chị để lại cho em. Để lại cho em một chỗ nằm trống, một chỗ ngồi trơn, một chiếc chăn đơn, một lòng muối xát. Muối không mặn bằng nước mắt và gừng không cay bằng tay vẫy nuối khuất nhau. Em đứng lại bên ni khoảng đời 25 năm hoang vu của chị. Còn chị?
Xứ sở nào giờ là quê quán chị về?
Đóa hoa trong tranh chị vẫn còn nguyên một màu trắng bạch: màu tương lai chị tìm thấy đó sao? Từ nay em chẳng mở cửa ngó qua khu vườn bên kia nữa, em sợ phải nhìn thấy khuôn mặt buồn bất tận của anh Ngạn sau ô cửa vuông ngục tù đen tối ấy. Bây giờ anh ấy điên suốt bốn mùa rồi, chị ơi! Tội nghiệp, mỗi ngày anh ấy đập phá la hét mà vẫn cứ ngỡ mình đang diễn thuyết trước một tập thể nhân loại khổ đau. Tội nghiệp giấc mơ thế giới đại đồng của anh. Thật tội nghiệp cho chúng ta, chẳng còn mùa thu mùa đông nào êm đềm trên mặt địa cầu ngàn đời điêu linh và băng giá này nữa cả. Bốn mùa bây giờ ngợp lửa: thứ lửa không màu mà nóng mà đau mà phân ly đòi đoạn.
Huế 1971
[1] Ở không, chẳng làm việc gì cả.
Tình địch
Ngồi mòn ghế trăm nghìn quán xá
Chưa đã nư
Dăm thoáng lãng quên đời
MƯA XUỐNG ĐỀU TRÊN MÁI, ĐIỆU RỘN RỀN SƯỚT mướt chụp xuống khu vực lắm nhà ít cây. Theo từng đợt gió thoảng, âm mưa thỉnh thoảng chui sâu vào lòng quán trộn lẫn tiếng nhạc nhẹ nhàng thoáng bay theo những vầng khói thuốc nhả từ cỡ 30 cái miệng thanh thiếu niên ngồi sát lưng nhau, chia đều trên một diện tích có vẻ không được rộng. Những cái miệng hé mở, lưỡi uốn mềm khói thuốc, cười, nói. Không khí ấm nóng dìu dịu, thoải mái một cách lười biếng. Trong đám đông chung hưởng bầu khí này, hầu hết người ta quen mặt nhau. Có khuôn mặt tóc râu vén khéo, có khuôn mặt xuề xòa dơ bẩn. Nhiều đôi mắt buồn ngủ toát những cái nhìn bệnh hoạn, lắm đôi mắt láo liên trông gian xảo tới độ kẻ bị nhìn lập tức phải giật mình thủ thế, tưởng chừng không thủ thế đôi mắt gian xảo nọ có thể đọc ra những ý nghĩ thầm kín trong đầu mình, hoặc rất có thể tiền trong túi sẽ bí mật bị móc cắp bao giờ chẳng hay.
Không muốn chống đỡ, thủ thế với những tia nhìn chăm chăm gian xảo của một gã tóc dài ngồi trong góc quán, kế cửa ra vào, chàng lấy muỗng xúc đường bỏ vào tách cà phê đen quậy mạnh. Mùi thơm của chất quánh dường như không thẩm thấu qua đường mũi mà thấm nhanh qua lần áo mỏng, xuyên da bụng vào tới dạ dày, bắt chàng nuốt nước bọt. Chàng nâng vội cái tách lên uống ngụm lớn, “khà” khẽ một tiếng đã nư.
Cà phê đậm vị. Nhạc thấm như cà phê thấm qua màng nhĩ. Và cô bé ngồi quầy. Với chàng, có lẽ ba thứ ấy có độ nồng ngang nhau. Đôi khi, cô bé bỗng xấu xí một chút vì ngủ quá no mắt trông đần đần, cà phê lướt trội lên hàng đầu. Hoặc thỉnh thoảng, cà phê lạc mùi, nhạc quay hoài những khúc cũ, cô bé chợt có hào quang trên nhan sắc. Nhưng, đối với nhiều cậu trẻ tuổi đến đây, có lẽ cô bé là mùi vị, sắc màu, hình ảnh, âm thanh đẹp nhất trong quán. Cô vắng, nhạt nhẽo tất cả, kể cả những bình hoa nho nhỏ đặt rải rác khắp các mặt bàn với hoa cúc, hồng, hình như cũng ủ nhạt theo.
“Này cô, bước từ từ kẻo ghèn rơi vào tách”.
Đó là câu nói thứ nhất của lần đầu tiên chàng vào quán, cách đây chừng hai năm, khi cô bé ngái ngủ trong chiếc áo rộng thùng thình bưng tách cà phê nóng đi hấp tấp về phía chàng. Lời chào đầu tiên cũng là lời đùa quái ác làm cô đỏ mặt. Nhưng chẳng vừa, lúc quay lại ngồi vững chãi sau vòng quầy gỗ an toàn như ngồi trong pháo đài, đứa con gái trông hết sức luộm thuộm kia phóng cái nhìn nhọn tựa mũi tên tẩm thuốc độc về phía gã khách lạ:
“Ghèn mỗi sáng ở mắt tôi đã có người thầu, ông không xin được đâu, dù chỉ là nửa cục.”
Ngôn ngữ của tuổi 16 đấy. Chàng nghe và cảm tưởng như trong những ngụm cà phê chàng uống có lợn cợn một chất chua, muốn nôn oẹ.
“Hy vọng tên cô không phải là Ghèn”.
“Hay hơn nhiều, thưa ông. Tên tôi được kẻ rất nắn nót trước cửa đó.
“Chiêu à? Chiêu hay Chiều?”
“Bây giờ thì Chiêu. Mai mốt có chồng thêm cái dấu huyền vào. Chiều huyền chiều”.
Chàng cười:
“Bao giờ cô lấy chồng?”
“Sau khi ông lấy vợ”.
Chàng ngạc nhiên quá đỗi trước sự bạo miệng bạo mồm của cô bé.
“Sao cô biết tôi chưa vợ?”
“Vì mỗi chiều, chập choạng tối, tôi đều thấy ông xách xô nhựa ra cái máy nước đầu xóm. Ông hẳn keo kiệt kinh niên, tiếc gì mười đồng ông không thuê bọn nhỏ xách nước giùm?”
“Người thuê nhà trước đây đã bàn giao lại tôi cách chuyển nước đó. Nhưng cô không thấy những bàn tay của nhóc con xóm này đều dính đầy ghèn và đất cát đó sao? Tưởng tượng những bàn tay “rực rỡ” đó vục vào xô nước là thấy ngay cái giường bệnh trong bệnh viện Trung Ương.”
Cô bé nheo mắt tinh quái:
“Chưa hết đâu, tôi còn biết cả tên ông nữa cơ”.
“Tên gì nào?”
“Kim Trọng”.
Chàng chưng hửng:
“Lầm rồi. Có lẽ tôi trông giống ông Trọng nào đó mà cô quen biết”.
Nụ cười cô bé thoáng chút bí hiểm:
“Ông là Kim Trọng mới tới, sau những Kim Trọng khác đã ra đi”.
“Nhà tôi thuê cách quán cô tới hơn hai chục thước, cách hai rào giậu, chắc chắn cô chẳng phải là nàng Kiều rồi”.
“Ngốc quá. Nàng Kiều ở đối diện nhà ông thuê đó, không thấy sao?”
Nhà thuê. Có lẽ không có một chỗ ở nào trên mặt đất này tồi tệ bằng nơi chàng ở dạo đó. Căn nhà mái tôn ngăn đôi, nửa bà chủ dùng làm kho chứa đồ: nước mắm, vị tinh, tàu vị yểu, mì sợi vân vân và vân vân, những thứ mỗi ngày người đàn bà mập mạp mang ra chợ bán, tối đem về cho bọn nó ngủ bên cạnh chàng, tuy giấu mặt sau vách gỗ ngăn, chúng vẫn gửi sang chàng mùi hương “ảo dị”. Mùi hương đã khuyến khích chàng thường xuyên thủ trong túi một chai dầu Nhị thiên đường. Tiện nghi nghèo nàn bà chủ có nhã ý thí cho khách thuê là cái giường bố ọp ẹp, chiếc bàn đóng bằng gỗ thùng đạn pháo binh, chiếc ghế không ngai tựa, chiếc sô nhựa và cái bóng đèn treo thõng giữa phòng, trung tâm phát tuyến của những đường nhện giăng nối bốn phía. Phải kể thêm một tiểu đoàn chuột trấn đóng khắp các xó xỉnh quanh nhà, một đại đội dán, và cỡ một trung đội dơi đi về nườm nượp dưới mái hiên chập choạng tối.
Buổi chiều mới dọn đến căn phòng thổ tả ấy, chàng đã sang nhà đối diện mượn cây chổi về quét dọn chỗ gối đầu. Thiếu nữ có đôi mày dài, đôi mắt lé mài mại, miệng cười nửa ngu nửa lẳng, đưa cây chổi cho chàng cũng làm bộ như múa ấy là nàng Kiều đó sao? Đêm đầu trong chiếc giường mới, chàng đã không thể nào nhắm mắt nổi bởi hàng loạt nhạc khúc chối tai do những nhạc công chuột tấu bên kho hàng, dưới gầm giường. Tảng sáng vừa chợp thiếp đi một chút chàng lại đã phải thức dậy vì các tấu khúc khác: Tiếng chân người đi về phía cái ao rau muống cạnh cửa sổ phòng chàng, tiếng nước réo lanh lảnh từng hồi hầu như khắp dọc các hàng giậu. Qua rạng đông ngày thứ hai chàng mới ngộ ra rằng, nhân loại láng giềng của chàng xài chung nhau một nhà cầu công cộng cuối xóm, mỗi sáng người ta ngại “hành hương” qua đoạn đường dài cả 200, 300 thước, nên làm cái việc “tháo nước đầu ngày” bằng cách lê chân từ giường ngủ ra hàng dậu, hoặc ao rau muống cạnh giường chàng. Tấu khúc lưu thủy chàng nghe vang vang chung quanh là vậy. Chắc chắn nàng Kiều trước mặt nhà cũng là một “nhạc công” trong ban đại hòa tấu mỗi rạng đông kia, nghĩ thế và bất giác chàng bật cười thành tiếng:
“Này cô, xóm này thật giàu âm nhạc”.
Cô bé tròn xoe đôi mắt:
“Ở đây chỉ có một quán cà phê của tôi mở nhạc suốt ngày thôi”.
“Cô không biết đấy. Nàng Kiều cô nói cũng là một nhạc công giỏi đó”.
“Cô Kiều cũng biết đàn nữa à. Lạ ghê nhỉ”.
Cô bé bỗng trở nên hết sức thành thật:
“Đừng mơ tưởng cô Kiều này cũng như cô Kiều của cụ Nguyễn Du nhé. Nhiều chàng Kim Trọng đã phải điên đầu cuốn gói khỏi nhà trọ không kịp ngáp. Thế mới tới ở mấy hôm ông đã thấy chuyện ly kỳ chưa?”
“Cô ấy khùng sao?”
“Không phải. Ông cứ chờ xem”.
Ông cứ chờ xem. Sau tách cà phê thứ nhất và lần trò chuyện vớ vẩn đó, quán Chiêu dần dần trở thành quen thuộc với chàng. Mỗi ngày chàng đều đặn từ nhà trọ sang quán ngồi ở một chỗ ngồi ưa thích, và thỉnh thoảng quán thưa khách, nói dăm ba chuyện với cô bé. Dần dà chàng cũng thích nghi được với bầu không khí ô nhiễm ở nhà trọ. Thiếu nữ nhà đối diện bình thường như bao nhiêu thiếu nữ khác. Vài ba điệu bộ làm duyên làm dáng lúc ra vào gặp chàng. Có lần nàng mon men qua nhà chàng ấp úng đòi mượn chàng mấy cuốn tiểu thuyết. Chàng vẫn nhớ như in cái dáng đưa cây chổi làm bộ như múa của nàng ngày đầu mà chàng ghét, nên chàng khéo léo từ chối, bảo tôi ghét tiểu thuyết. Không có dấu hiệu bất thường nào ở nàng hết. Chàng nghĩ, một mẫu người tầm thường, không gây được ở người nhìn bất cứ ý niệm lãng mạn, mơ mộng, hay mời gọi phiêu lưu nào thế kia, làm gì có chuyện ly kỳ. Tuy nhiên chuyện ly kỳ ấy đã đến với chàng: một buổi chiều, từ ngoài phố về chàng thấy có một gói nhỏ treo ở trái nắm khóa cửa phòng chàng. Miếng giấy mầu vàng nhạt ghi vỏn vẹn dòng chữ nguệch ngoạc: Kim Trọng, gửi tặng bạn viên kẹo đồng. Một viên khác sẽ chọn phổi bạn làm quê hương nếu bạn không tức tốc cuốn gói khỏi nhà này. Chào bạn!. Viên đạn đồng lạnh lẽo nằm giữa tay chàng, nó chẳng hề thổi vào phổi chàng chút hơi hám hãi sợ nào, chỉ làm chàng cảm thấy tức giận. Chàng vung tay ném viên đạn xuống ao rau muống, và thốt bật cười vì trò chơi cảnh cáo lẩm cẩm của kẻ giấu mặt giấu tên nào đó.
Chàng giấu biến, không kể chuyện viên đạn cho Chiêu nghe. Cô bé cũng chẳng hỏi lại chàng lần thứ hai, (ông đã thấy chuyện gì ly kỳ xảy ra chưa?)
Hai hôm sau ngày tặng vật đến tay chàng, nhiều trận mưa gạch đá trút xuống mái tôn nhà trọ. Những trận mưa bắt đầu từ nửa đêm lai rai tới sáng đã làm chàng điên tiết. Càng điên tiết hơn, sau mỗi trận mưa nặng kí kia, sáng mai ra đường, mọi người đều nhìn chàng với những đôi mắt thương hại. Hình như họ đã quá quen với những trận mưa gạch đá, và kẻ ném đá giấu tay thuộc loại cùng hung cực ác sao đó mà chẳng ai dám nhắc nhở đến.
BÂY GIỜ, SAU HAI NĂM BIỆT DẠNG, CHÀNG TRỞ lại quán xưa. Vẫn chừng ấy mặt bàn, những lọ hoa nhỏ, cơn mưa chưa dứt hạt ngoài trời và bầu khí ấm áp vây quanh bầy thanh niên ngồi sát vai nhau. Nhạc ngấm trong khói thuốc. Những đôi mắt trông ngước chiêm ngắm thiếu nữ ngồi sau quầy. Những đôi mắt ngái ngủ, và một đôi mắt có vẻ gian xảo chăm chăm nhìn chàng.
Thức uống mang ra cho khách bây giờ đã có hai đứa nhỏ, cô bé chỉ việc ngồi ở quầy thu tiền, triển lãm nhan sắc dưới ánh sáng ngọn đèn chụp màu hồng. Cô bé luộm thuộm ngày xưa đã biến mất, giờ Chiêu với mắt kẻ chì xanh, môi son ngát, khuôn mặt mũm mĩm như búp bê nhựa Nhật Bản đã biết chiêu khách bằng những khóe nhìn óng, những nụ cười duyên, thôi hồn nhiên ngây thơ như ngày xưa.
Chàng uống từng ngụm nước đậm đắng, nghe lòng hình như mất mát một chút gì. Một chút gì còn bỏ quên trong căn nhà trọ thổ tả đó. Trên chiếc ghế bố để lưng chừng một thời, có mưa nắng và những buồn vui không còn tìm thấy. Một chút gì vĩnh viễn không còn ở cô bé, đã biến bay như thời ấu thơ của Chiêu với cặp sách, bè bạn, sân trường. Sau quầy gỗ, Chiêu ngồi. Trên một ghế thấp, khuất trong góc mờ ánh đèn, chàng ngồi. Lời đùa ngại cục ghèn rơi vào tách cà phê nếu lúc này chàng thốt lên nghe lố bịch biết bao. Những cục ghèn cũng đã biến mất, phải không? Như viên đạn cảnh cáo của thằng khùng nào đó gửi chàng đã rỉ sét dưới đáy ao, hẳn hắn cười rất hoan hỉ khi thấy chàng đã cuốn gói dời nhà trọ hết sức thầm lặng!
Đó cũng là một lần thua thiệt nối dài theo những thua thiệt khác đã có trong đời chàng: hiệp sĩ buồn rầu trang bị thanh gươm cùn là lòng ngay thẳng, đức tính hiền lành đi loăng quăng giữa thời nhiễu nhương. Chàng chưa ngã quị đã là may, phải không? Sao tay chàng không là hai trái đấm thép? Tim chàng không là thứ đồng ròng? Kẻ nào đụng tới tức khắc ăn nhừ đòn đau. Không, chàng chẳng muốn đổi khác. Thượng đế đặt vào mỗi người một cá tính như một định mệnh, định mệnh không đổi được thì cá tính cũng vậy, tìm cách ép mình theo những khuôn dạng khác chi cho hoài công!
Nhà trọ. Nó tồi tàn là thế, nhưng dù sao chàng cũng đã để rơi sót ở đó khá nhiều kỷ niệm. Những đêm mưa, mái dột, chàng phải di chuyển cái giường già yếu từ vị trí này sang vị trí khác, nằm nghe nước nhỏ giọt long tong xuống cỡ 10 cái hộp cũ đặt rải hứng trên sàn nhà. Có lần chàng mơ thấy một trận đại hồng thủy, chàng là ông Noé lênh đênh trên chiếc giường bố, ngó mông mênh bốn phía không biết đi đâu về đâu, tội nghiệp quá đỗi. Những ngày nắng khô rộp, hết tiền, chàng loay hoay đánh vật với cái réchaud dầu nấu thịt hộp kẹp ăn với bánh mì, chút thức ăn lỡ dính trên “tà” áo mai–ô; sau giấc ngủ trưa, chàng khám phá ra khoảng áo ở bụng thủng một lỗ tròn xoay, phải mất 5 phút suy nghĩ, chàng mới rõ cội nguồn: trong khi chàng mải mê đuổi bắt mộng, một nàng dán xinh đẹp nào đó đã rón rén lên ngự trên bụng chàng nhấm chỗ áo dính thức ăn, và để lại lỗ thủng như là bằng chứng yêu chàng. Một hôm có thằng bạn từ các mặt trận tàn khốc tận Vĩnh Bình về ôm theo chai rượu. Đôi bạn say ngất ngư bò lăn bò càng, thằng này gọi thằng kia là con cua gạch yêu dấu của anh. Hai con cua đồng ý thời tiết quá đỗi nực, cùng bò lên mái nhà hò hét làm láng giềng một phen được coi tuồng diễu. Tuần sau thằng bạn trở lại Vĩnh Bình và êm ái chết trên một bờ ruộng trắng ngát bông lau, với cái bi đông còn nguyên nửa phần rượu đế, chàng cứ nghĩ đó là phần rượu hắn để lại trần gian cho chàng. Và tình yêu? May mắn lạ lùng, thời đó trước sau lưng chàng vắng bặt bóng hồng. Không một tình yêu của nàng nào hôn ám bởi hình ảnh của cái nhà trọ chàng ở cả. Có điều là, trong bốn bức vách ngột ngạt ấy, chàng đã viết được dăm ba chuyện tình, có chuyện cô bé Chiêu gánh ghèn đi bán rong dọc thời con gái của cô. Thiếu nữ bộ điệu trước nhà cũng được hân hạnh đi lui tới trong truyện chàng, với cây chổi mỗi sáng quét từ phòng ngủ ra một đống chuột chết. Những truyện này tải thứ văn chương ngoại hạng, nên chẳng có báo nào “dám” đăng.
Chỉ cần ra khỏi quán, bước về hướng tây mươi bước là chàng đã có thể đứng trước căn nhà trọ xưa. Nhưng không, chàng vẫn ngồi lì tại chỗ. Chàng đã từng mong cho nó cháy thành tro than. Nơi xa xôi có đêm chàng mơ thấy nó cháy hừng hực vì ngày ra đi chàng đã bỏ quên ở đó một cái tàn thuốc đỏ lửa. Đừng thèm nhìn lại nữa, hãy để nó ngủ quên giữa bao thứ hỗn độn khác của hai năm xa biệt.
Chẳng còn gì nữa cả. Bây giờ, chỉ còn tách cà phê nóng ấm là không thay mùi đổi vị. Soi vào đáy tách, chàng vẫn còn thấy được đôi mắt không vui không buồn của chàng.
Mưa vẫn gieo hạt ngoài trời, như đã gieo tự nghìn xưa. Chừng ấy hoài niệm vừa đủ lấp đầy một khoảng thời gian trống, chàng đứng dậy đến quầy trả tiền. Cô bé rời mắt khỏi trang tiểu thuyết đang đọc, ngước nhìn chàng reo khẽ:
– A, ông đã trở về. Ông ngồi đâu mà Chiêu không thấy?
Chàng mỉm cười:
– Hai năm, có gì lạ không?
Cô bé nghiêng đầu ngắm chàng, như ngắm trăm ngàn ông khách khác. Dù dáng kịch, chàng cũng nhận rằng cái nghiêng đầu hóng chuyện của Chiêu khá bắt mắt. Lưỡi cô bé đong đưa:
– Ông thấy chẳng có gì lạ sao? Cái tên quán bây giờ đã thêm một dấu huyền. Chiêu huyền chiều.
Chàng giả vờ trố mắt ngạc nhiên pha lẫn chút thất vọng... cho hợp tình hợp cảnh:
– Nghĩa là cô đã...
– Có chông huyền chồng.
Giọng chàng trầm xuống rầu rầu:
– Nỡ quên thề xưa sao?
Chiêu lắc đầu:
– Chiêu lấy chồng sau khi ông có vợ, nhớ chứ ông. Nhưng rõ ràng ông đã có vợ rồi mà, phải không?
Chàng chưng hửng:
– Làm sao cô biết?
Cô nửa đủa nửa thật:
– Ông rời nhà trọ, ba ngày sau nàng Kiều cũng bỏ nhà đi mất tăm mất tích. Thiên hạ ở xóm này kháo nhau cô ấy cuốn gói theo ông. Chiêu bèn buồn quá Chiêu lấy chồng.
Buồn cười thế à? Vẻ nũng nịu của cô bé không dưng bỗng làm chàng vừa tin vừa ngờ. Chàng ỡm ờ:
– Có thể thiên hạ đồn đúng lắm đấy. Thế kẻ tặng kẹo đồng cho tôi, người ném đá giấu tay còn ở đây không?
Chiêu đảo đôi mắt long lanh ném nhanh về phía cửa tia nhìn đẹp, nhỏ giọng:
– Thật tình ông vẫn chưa hiểu gì sao? Này nhé, đó là một gã si tình hết sức kỳ cục. Kẻ nào tới thuê nhà đối diện nhà nàng Kiều, Vũ Thị Ái Kiều, đều là tình địch của hắn. Hắn si tình nàng tới chết. Và nàng dường như được sinh ra để chỉ thích bắt bồ với những ông khách trọ, khước từ tình hắn tàn nhẫn. Những khách trọ trước ông đều được hắn tặng kẹo đồng và những trận mưa đá. Từ ngày nàng Kiều bỏ đi, hắn dở điên dở khùng.
Trong muôn triệu tình nhân trên mặt đất, có một gã si tình kỳ dị thế sao? Nhất định hắn không phải là con người bình thường rồi, có một cục sạn hoặc chiếc đinh gì đó kẹt trong não bộ của hắn rồi. Chàng nhủ thầm và không khỏi cảm thấy lạnh sống lưng nhớ đến lời hăm dọa của hắn: một viên kẹo khác sẽ chọn phổi bạn làm quê hương nếu bạn không tức tốc cuốn gói...
– Sao hồi đó cô không bảo cho tôi hay?
– Bởi Chiêu cũng giống thiên hạ phần đông ở đây ghiền xem kịch câm.
Kịch câm. Màn kịch chàng thủ một vai buồn bã lố bịch nhất. Thiên hạ xóm này đểu thật. Chàng ngầm trút bực tức nhẹ nhàng vào câu nói cố làm ra vẻ xuề xòa, không tư lự:
– Thế gã si tình ấy giờ ở đâu?
Ngoài dự tưởng chàng, cô bé mỉm cười thản nhiên:
– Ông chỉ cần quay đầu lại là thấy hắn. Hắn đang ngồi ở chỗ xế cửa ra vào đó.
Không cần quay đầu lại theo lời Chiêu bảo, chàng cũng thừa biết gã si tình chính là gã thanh niên từ lúc chàng vào quán đã không ngớt phóng tới chàng những tia mắt gờm gờm gian xảo.
Cô bé nhìn chàng ái ngại:
– Hình như hắn đã nhận ra ông, đang nhìn ông đăm đăm. Ông nên coi chừng, người ta bảo luôn luôn hắn có mang súng đó.
Chàng cười chào cô bé, quay lưng đi ra phía cửa. Dừng lại bên gã thanh niên, chàng đặt tay lên vai hắn:
– Ông bạn! Hình như chúng ta quen nhau. Mời bạn ra phố nhậu với tôi vài chai.
Gã thanh niên đứng lên, bước theo chàng với nụ cười ngờ nghệch.