Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 22
22
Bệnh thầy tôi không đến nỗi nặng như tôi tưởng; khi về đến nhà, tôi thấy ông đang xếp bằng tròn trên giường. "Thầy vẫn thường ngồi như thế này để cho cả nhà khỏi lo lắng. Thực ra thầy đã khỏe để đủ sức đng lên đi lại trong nhà". Hôm sau thầy tôi bước xuống khỏi giường mặc dù mẹ tôi hết sức cản ngăn. "Vì thấy con về nên thầy con cứ nhất định cho mình là khỏe" mẹ tôi bảo vậy. Tuy nhiên tôi nhận thấy chẳng phải chỉ vì tôi mà thầy tôi đi đi lại lại để làm ra dáng khỏe mạnh như vậy đâu.
Anh cả tôi làm việc ở mãi tận Kyushu nên không thể tự do về thăm cha mẹ trừ khi thấy hết sức cần thiết. Em gái tôi đã lấy chồng và theo chồng sống ở tỉnh khác nên cũng không thể gọi nó về một cách dễ dàng. Chỉ có tôi còn đang đi học là đứa duy nhất trong mấy anh chị, có thể gọi về nhà lúc nào cũng được. Tuy vậy thầy tôi cũng có vẻ bằng lòng ra mặt khi thấy tôi chẳng cần đợi cho hết được học kỳ, vừa nhận được thư nhà là đã mau mắn về ngay.
"Thầy rất tiếc là việc học của con đã bị gián đoạn. Thầy chỉ mệt qua loa vậy thôi mà ở nhà đã cuống quýt cả lên. Mẹ con cứ viết lung tung làm như có việc gì ghê gớm lắm." Nghe lời nói hình như thầy tôi đã lấy lại sức khỏe bình thường. Tôi vội ngăn:
"Xin thầy đừng coi nhẹ kẻo bệnh trở lại cho mà xem."
Ông gạt phắt sự lưu ý của tôi và vui vẻ đáp lại.
"Đừng có lo, con ạ. Thầy vẫn săn sóc sức khỏe của mình như mọi khi, không sao đâu."
Quả thực thầy tôi hình như đã khá nhiều. Ông tự do đi lại trong nhà, không hề cảm thấy choáng váng. Trông ông rất xanh xao, thực thế nhưng đó chẳng phải là một triệu chứng mới nên cả nhà không có ai thấy phải bận tâm lo nghĩ quá nhiều.
Tôi viết thư cho Tiên Sinh, cám ơn ông đã cho vay tiền. Trong thư tôi cũng nói sẽ trở lên kinh đô vào tháng giêng và nếu ông không ngại thì đến lúc đó tôi xin trả lại ông món tiền đã mượn. Tôi nói cho Tiên Sinh biết là bệnh trạng thầy tôi không đến nỗi nguy như tôi tưởng và thầy tôi không bị choáng váng lao đao nên hình như tôi có thể an tâm. Cuối thư tôi lễ phép hỏi thăm vụ ông bị cảm lạnh mà trong thực tế, tôi coi như chẳng có gì đáng để ý.
Tôi gửi thư nhưng chẳng hề trông đợi là Tiên Sinh trả lời sau khi gửi thư; tôi kể chuyện về Tiên Sinh cho thầy mẹ tôi nghe. Và trong khi kể chuyện, tôi lại thấy mình tưởng tượng đến Tiên Sinh ngồi trong phòng đọc sách.
"Khi trở lên Tokyo con có nên mang biếu ít nấm khô không?"
"Thưa vâng. Nhưng chẳng biết Tiên Sinh có thích món ấy không?"
"Có thể chẳng phải là một món ăn ngon lành béo bổ gì nhưng chắc chắn là chẳng ai ghét thứ đó cả."
Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể nào ràng buộc hình ảnh Tiên Sinh với mấy cọng nấm khô được.
Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận được lá thư của Tiên Sinh. Nội dung lá thư còn làm tôi ngạc nhiên hơn vì để chỉ trả lời lá thư của tôi chứ không có dụng ý nào khác. Tôi kết luận là Tiên Sinh đã xử hậu viết thư để đáp lại lá thư của tôi mà thôi. Nghĩ rằng Tiên Sinh đã chịu khó tốn công như thế tôi cảm thấy vui sướng lạ lùng.
Để khỏi ai tưởng lầm là giữa Tiên Sinh với tôi có nhiều thư từ gửi qua gửi lại, tôi xin nói rõ ngay rằng trong suốt thuở sinh tiền, Tiên Sinh chỉ gửi cho tôi có hai lá thư có thể gọi là thư được thôi. Một là lá thư đơn giản tôi vừa mới nói và thứ hai là một lá thư rất dài mà Tiên Sinh viết cho tôi trước khi qua đời.
Bệnh trạng của thầy tôi không cho phép vận động nhiều, nên ông ít khi ra khỏi cửa. Có lần, vào một ngày hửng nắng, thầy tôi chập choạng đi ra ngoài vườn. Tôi lo lắng theo sát chân và khi tôi cố gắng thuyết phục ông dựa vào vai tôi mà đi thì ông chỉ cười, không buồn làm theo lời tôi nài nỉ.