Những quy luật của bản chất con người - Chương 08

8

Thay đổi hoàn cảnh bằng cách thay đổi thái độ

Quy luật của sự tự phá hoại

Mỗi người chúng ta đều có một cách thức riêng trong việc nhìn vào thế giới, diễn giải các sự kiện và hành động của mọi người xung quanh. Đó là thái độ của chúng ta, và nó quyết định phần lớn những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống. Nếu thái độ cơ bản của chúng ta là e sợ, chúng ta sẽ thấy sự tiêu cực trong mọi tình huống. Chúng ta tự ngăn cản bản thân khỏi việc mạo hiểm. Chúng ta đổ lỗi cho người khác về những sai lầm và không thể học hỏi từ chúng. Nếu cảm thấy thù địch hoặc nghi ngờ, chúng ta cũng khiến cho người khác cảm thấy những cảm xúc đó với sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta phá hoại sự nghiệp và các mối quan hệ của chính mình bằng cách vô thức tạo ra những hoàn cảnh mà chúng ta e sợ nhất. Tuy nhiên, thái độ của con người khá dễ uốn nắn. Bằng cách làm cho thái độ của chúng ta trở nên tích cực hơn, cởi mở hơn và khoan dung hơn với người khác, chúng ta có thể tạo ra một động lực khác - chúng ta có thể học hỏi từ nghịch cảnh, tạo ra những cơ hội từ chỗ không có gì và thu hút mọi người đến với chúng ta. Chúng ta cần khám phá những giới hạn của sức mạnh ý chí của chúng ta và biết nó có thể đưa chúng ta đi bao xa.

Tự do tối thượng

Khi còn bé, Anton Chekhov (1860-1904) - sau này trở thành nhà văn nổi tiếng - đã phải đối mặt với cảm giác sợ hãi vào mỗi buổi sáng: Liệu hôm đó cha cậu sẽ đánh cậu hay buông tha cho cậu? Không cần cảnh báo, và đôi khi không vì bất kỳ nguyên do rõ ràng nào, cha cậu, Pavel Yegorovich, sẽ đánh cậu nhiều lần bằng gậy, roi hoặc mu bàn tay. Điều gây bối rối hơn cả là ông không đánh cậu vì bất kỳ ác ý hay cơn giận dữ rõ ràng nào. Ông nói với Anton ông đang làm điều đó vì tình yêu. Ý của Chúa là trẻ em nên bị đòn để thấm nhuần sự khiêm nhường. Đó là cách ông đã được dạy dỗ, và hãy nhìn xem ông đã trở thành một người đàn ông tốt thế nào. Khi trận đòn kết thúc, cậu bé Anton phải hôn tay cha và cầu xin được tha thứ. Ít nhất cậu cũng không đơn độc trong thử thách này, bốn anh em trai và một em gái của cậu đều bị đối xử theo cách đó.

Bị đòn không phải là điều duy nhất cậu sợ hãi. Vào buổi chiều, cậu thường nghe thấy tiếng bước chân đang tới gần của cha bên ngoài ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, và cậu run rẩy vì sợ. Ông thường trở về nhà vào giờ đó để yêu cầu nhóc Anton thay chỗ cho ông trong tiệm tạp hóa của ông ở thị trấn Taganrog buồn tẻ của nước Nga, nơi gia đình sống. Cái cửa tiệm đó hầu như lạnh không chịu nổi quanh năm suốt tháng. Trong lúc vẫn trông nom công việc ở quầy, Anton cố làm bài tập về nhà, nhưng những ngón tay của cậu sẽ nhanh chóng trở nên tê cóng và mực trong lọ sẽ đóng băng. Trong cửa tiệm xô bồ luôn nồng nặc mùi thịt ôi, cậu sẽ phải lắng nghe những câu đùa tục tĩu của đám nông dân Ukraine làm việc gần đó, và chứng kiến hành vi dâm ô của những tay say rượu trong thị trấn, vốn tìm tới đó để nốc vodka. Giữa tất cả những điều này, cậu phải đảm bảo việc thu không thiếu một đồng kopeck nào, nếu không thì cậu sẽ nhận thêm một trận đòn bổ sung từ cha mình. Cậu thường bị bỏ mặc ở đó hàng giờ trong khi ông đang say xỉn ở một nơi khác.

Mẹ cậu thường cố can thiệp. Bà là một phụ nữ dịu dàng, không hợp với ông chồng chút nào. Bà thường nói: Thằng bé còn quá nhỏ để làm việc. Nó cần thời gian để học hành. Việc ngồi trong cửa tiệm lạnh cóng đang hủy hoại sức khỏe của nó. Cha cậu sẽ quát lên rằng Anton vốn là thằng bé lười biếng, và chỉ có chăm chỉ làm việc nó mới có thể trở thành một công dân khả kính.

Khi ông có mặt, thì không ai được giải lao. Vào chủ nhật, ngày duy nhất cửa tiệm đóng cửa, ông sẽ đánh thức bọn trẻ dậy lúc bốn hoặc năm giờ sáng để tập hát trong ca đoàn của nhà thờ mà ông là nhạc trưởng. Khi trở về nhà sau buổi lễ, đám trẻ sẽ phải tự mình lặp lại từng nghi thức. Đến khi việc tập luyện kết thúc, cả đám đều không còn hơi sức đâu nữa để chơi đùa.

Những lúc rảnh rỗi, Anton thường lang thang khắp thị trấn. Taganrog là một nơi chốn khắc nghiệt đối với trẻ con. Mặt tiền của hầu hết mọi ngôi nhà đều đổ nát, như thể chúng đã là những di tích cổ. Những con đường không được lát đá; và khi tuyết tan, chỗ nào cũng toàn bùn lầy, với những cái ổ gà khổng lồ có thể nuốt chửng một đứa trẻ đến tận cổ. Không có đèn đường. Những người tù thường được giao nhiệm vụ tìm những con chó đi lạc trên đường phố và đập chết chúng. Nơi yên tĩnh và an toàn duy nhất là những nghĩa địa ở xung quanh, và Anton rất thường tới đó.

Trong những chuyến dạo chơi này, cậu thường tự hỏi về bản thân và thế giới. Có phải cậu thật sự vô giá trị đến nỗi đáng bị cha cho ăn đòn hầu như mỗi ngày? Có lẽ. Thế nhưng cha cậu là một hiện thân của sự mâu thuẫn, ông lười biếng, luôn say xỉn và hoàn toàn không trung thực với khách hàng, dù rất sùng đạo. Và người dân ở Taganrog cũng lố lăng và đạo đức giả tương đương. Cậu thường quan sát họ tại nghĩa trang: Họ cố tỏ ra ngoan đạo trong tang lễ nhưng rồi lại hào hứng thì thầm với nhau về những cái bánh ngon lành, họ sẽ được thưởng thức sau đó tại nhà của bà quả phụ, như thể đó là lý do họ có mặt.

Niềm an ủi duy nhất của cậu khi đối mặt với cảm giác đau đớn và buồn chán thường xuyên là cười giễu tất cả mọi thứ. Cậu trở thành một anh hề của gia đình, nhại theo những nhân vật ở Taganrog và bịa đặt những câu chuyện về cuộc sống riêng tư của họ. Đôi khi máu khôi hài của cậu trở nên quá đáng. Cậu có những câu đùa thật sự tàn nhẫn với những đứa trẻ hàng xóm khác. Khi được mẹ sai ra chợ, cậu thường hành hạ con vịt hoặc con gà còn sống mà cậu mang về nhà trong cái bao tải. Cậu trở nên tinh quái và khá lười biếng.

Thế rồi vào năm 1875, mọi thứ đều thay đổi đối với gia đình Chekhov. Hai người anh của Anton, Alexander và Nikolai, đã chịu đựng người cha quá đủ. Họ quyết định cùng nhau chuyển đến Moscow, Alexander muốn theo đuổi một tấm bằng đại học, còn Nikolai muốn trở thành một họa sĩ. Sự xem thường quyền lực này khiến cha họ nổi giận, nhưng ông không thể ngăn họ lại. Cũng trong khoảng thời gian đó, rốt cuộc Pavel Yegorovich phải đối mặt với sự điều hành hoàn toàn sai lầm của mình đối với cửa tiệm - sau nhiều năm, ông mắc nợ như Chúa Chổm và bây giờ các hóa đơn đã tới hạn thanh toán. Đối mặt với sự phá sản và gần như chắc chắn phải ngồi tù một thời gian vì nợ, một đêm nọ ông lặng lẽ rời thị trấn, không nói gì với vợ, và trốn đến Moscow, dự định sống với hai cậu con trai.

Bà mẹ buộc phải bán hết tài sản của gia đình để trả nợ. Một người khách trọ sống chung với họ đề nghị giúp đỡ bà trong vụ kiện chống lại các chủ nợ, nhưng bà vô cùng kinh ngạc khi nhận ra ông ta đã sử dụng những quan hệ với tòa án của mình để lừa đảo nhằm tống khứ gia đình Chekhov ra khỏi nhà của họ. Không còn một xu dính túi, bà buộc phải chuyển tới Moscow cùng mấy đứa con khác. Chỉ còn Anton ở lại để hoàn thành việc học và lấy bằng tốt nghiệp. Cậu chịu trách nhiệm bán hết những đồ đạc còn lại của gia đình và gửi tiền đến Moscow càng sớm càng tốt. Gã khách trọ trước đây, giờ là chủ sở hữu ngôi nhà, cho Anton một góc phòng để sống. Thế là, vào tuổi 16, không có chút tiền còm nào và không còn gia đình để chăm sóc cho mình, đột nhiên Anton phải tự xoay xở mọi thứ ở Taganrog.

Trước đó Anton chưa bao giờ thật sự đơn độc. Gia đình cậu là toàn bộ cuộc sống của cậu, dù tốt hay xấu. Bây giờ nó đã đổ vỡ tan tành. Cậu không có người nào để nương tựa nữa. Cậu thầm trách cha mình vì số phận khốn khổ này, vì việc bị mắc kẹt ở Taganrog. Có hôm cậu cảm thấy tức giận và cay đắng, hôm sau lại cảm thấy chán chường. Nhưng cậu sớm nhận ra mình không có thời gian cho những cảm xúc đó. Cậu không có tiền hay nguồn trợ giúp nào, thế nhưng bằng cách nào đó cậu phải sống sót. Vì thế, cậu nhận làm gia sư cho càng nhiều gia đình càng tốt. Khi họ đi nghỉ, cậu thường bị đói suốt nhiều ngày. Cái áo khoác duy nhất của cậu đã mòn xơ xác; cậu không có ủng cao su cho những cơn mưa lớn. Cậu xấu hổ khi bước vào nhà mọi người, với thân hình run lẩy bẩy và đôi chân ướt sũng. Nhưng ít nhất bây giờ cậu có thể tự lo liệu cho mình.

Cậu quyết định trở thành một bác sĩ. Cậu có một tinh thần khoa học, và các bác sĩ kiếm sống tốt. Để vào trường y, cậu sẽ phải học chăm chỉ hơn nhiều. Thường xuyên đến thư viện thị trấn, nơi duy nhất có thể làm việc trong an bình và yên tĩnh, cậu cũng bắt đầu nghiên cứu các học phần văn chương và triết học, và chẳng mấy chốc cậu cảm thấy tâm hồn mình vượt xa khỏi Taganrog. Với những cuốn sách, cậu không còn cảm thấy bị rơi vào tình thế mắc kẹt nữa. Tối đến, cậu trở về góc phòng để viết truyện ngắn và ngủ. Cậu không có sự riêng tư, nhưng có thể giữ cho góc phòng của mình gọn gàng và ngăn nắp, thoát khỏi sự hỗn loạn thường lệ của gia đình Chekhov.

Lần hồi cuộc sống của cậu cũng bắt đầu ổn định, và những suy nghĩ, cảm xúc mới đến với cậu. Công việc không còn là thứ cậu sợ hãi nữa; cậu thích đắm mình vào việc học, và công việc dạy kèm khiến cậu cảm thấy tự hào và có phẩm cách - cậu có thể tự chăm sóc bản thân. Những lá thư đến từ gia đình cậu - Alexander càm ràm về việc bố họ lại làm cho mọi người khốn khổ; Mikhail, người con trai út, cảm thấy mình vô giá trị và chán nản. Anton hồi âm cho Alexander: Hãy ngừng ám ảnh về cha của chúng ta và bắt đầu tự chăm sóc bản thân. Cậu cũng viết cho Mikhail: “Vì sao em lại tự coi mình là ‘đứa em vô giá trị, vô nghĩa’ của anh? Em có biết em nên nhận ra sự vô giá trị của mình ở đâu không? Trước mặt Chúa, có lẽ… nhưng không phải trước mặt mọi người. Khi ở giữa mọi người em nên ý thức về giá trị của mình”. Ngay cả Anton cũng ngạc nhiên trước giọng điệu mới mà cậu đưa vào những lá thư này.

Thế rồi một hôm nọ, vài tháng sau khi bị bỏ rơi, khi đang lang thang trên đường phố Taganrog, cậu đột nhiên cảm thấy lòng tràn ngập một cảm giác cảm thông và yêu mến cha mẹ sâu sắc. Nó bắt nguồn từ đâu vậy? Cậu chưa bao giờ cảm thấy điều này trước đây. Suốt những ngày trước thời điểm này, cậu đã suy nghĩ rất lâu về cha mình. Ông có thật sự có lỗi trong tất cả các vấn đề của họ hay chăng? Cha của Pavel, Yegor Mikhailovich, từng là một nông nô từ lúc chào đời, nông nô là một hình thức nô lệ theo khế ước. Gia tộc Chekhov đã là nông nô trong suốt nhiều thế hệ. Rốt cuộc Yegor đã có thể mua sự tự do của gia đình, và ông đã đặt ba đứa con trai của mình vào những lĩnh vực khác nhau, Pavel được ấn định là thương gia của gia đình. Nhưng Pavel không thể đương đầu với trách nhiệm này. Ông có một khí chất nghệ sĩ, có thể trở thành một họa sĩ hoặc nhạc sĩ tài năng. Ông cảm thấy cay đắng với số phận của mình - một tiệm tạp hóa và sáu đứa con. Cha ông đã đánh ông, và vì vậy ông đánh các con của mình. Dù không còn là một nông nô, Pavel vẫn cúi đầu và hôn bàn tay của mọi quan chức và địa chủ tại địa phương. Trong thâm tâm, ông vẫn là một nông nô.

Anton có thể thấy rằng cậu và các anh chị em khác đã rơi vào khuôn mẫu tương tự - cay đắng, thầm cảm thấy mình vô giá trị và muốn trút giận lên người khác. Bây giờ, khi sống một mình và tự chăm sóc bản thân, Anton khao khát được tự do theo nghĩa xác thực nhất của từ này. Cậu muốn thoát khỏi quá khứ, thoát khỏi cha mình. Và ở đây, trong lúc thả bước trên đường phố Taganrog, câu trả lời đã đến với cậu từ những cảm xúc mới và bất ngờ này. Khi thấu hiểu cha mình, cậu có thể chấp nhận và thậm chí yêu thương ông. Ông không phải là một bạo chúa oai phong mà là một ông già khá bất lực. Với một chút khoảng cách, cậu có thể cảm thông và tha thứ cho những trận đòn. Cậu sẽ không bị ràng buộc vào mọi cảm xúc tiêu cực mà ông đã khơi gợi. Và cuối cùng cậu cũng có thể coi trọng người mẹ tốt bụng của mình, không trách móc sự yếu đuối của bà. Với tâm hồn đã quét sạch những oán giận và những suy nghĩ ám ảnh về tuổi thơ đã mất của mình, như thể một gánh nặng to lớn đã đột nhiên được nhấc ra khỏi vai cậu.

Cậu tự thề với lòng mình: Không cúi đầu và xin lỗi mọi người nữa; không phàn nàn và đổ lỗi nữa; không sống một cách vô trật tự và lãng phí thời gian nữa. Câu trả lời cho tất cả mọi thứ là lao động và tình yêu, lao động và tình yêu. Cậu phải truyền thông điệp này đến gia đình và cứu vớt họ. Cậu phải chia sẻ nó với nhân loại thông qua những câu chuyện và vở kịch của mình.

Cuối cùng, vào năm 1879, Anton chuyển đến Moscow để ở cùng với gia đình và theo học trường y, và những gì anh thấy ở đó khiến anh tuyệt vọng. Gia đình Chekhov và một vài người khách trọ bị nhồi nhét vào một căn phòng duy nhất dưới tầng hầm của một căn nhà, ở giữa phố đèn đỏ(65). Căn phòng được thông gió rất ít và hầu như không có ánh sáng. Điều tồi tệ nhất là tinh thần của cả gia đình. Mẹ anh đã ngã bệnh do những lo lắng thường trực về tiền bạc và việc phải sống bên dưới lòng đất. Cha anh thậm chí còn uống nhiều hơn và làm một số công việc vặt vãnh mà nó hoàn toàn thấp kém so với việc làm chủ một cửa tiệm. Ông vẫn tiếp tục đánh đập mấy đứa con.

Những đứa em nhỏ nhất của Anton đã thôi học (gia đình không đủ khả năng) và cảm thấy mình hoàn toàn vô giá trị. Mikhail nói riêng thậm chí còn chán nản hơn bao giờ hết. Alexander đã đi làm với tư cách một nhà văn cho các tạp chí, nhưng anh cảm thấy mình đáng được nhiều hơn thế và bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Anh đổ lỗi những vấn đề của mình cho việc cha anh đã theo anh đến Moscow và ám ảnh mọi bước đi của anh. Nikolai, họa sĩ, ngủ đến tận trưa, làm việc tùy hứng và trải qua phần lớn thời gian ở quán rượu địa phương. Cả gia đình đang đi xuống với tốc độ đáng báo động, và khu phố họ sống chỉ làm cho sự việc thêm tồi tệ.

Cha anh và Alexander vừa mới chuyển ra ngoài. Anton quyết định mình cần phải làm ngược lại, sống trong căn phòng chật chội và trở thành chất xúc tác để thay đổi. Anh sẽ không rao giảng hay chỉ trích mà chỉ nêu gương sáng. Điều quan trọng là duy trì sự gắn bó của gia đình và nâng cao tinh thần của họ. Anh báo với bà mẹ và cô em gái luôn bị áp chế rằng anh sẽ phụ trách công việc nhà. Thấy Anton dọn dẹp và ủi đồ, mấy người em đồng ý chia sẻ những nhiệm vụ này. Anh sống tằn tiện và để dành tiền từ học bổng trường y của mình và nhận thêm tiền từ cha và Alexander. Với số tiền này, anh đưa Mikhail, Ivan và Maria trở lại trường học. Anh xoay xở tìm được cho cha một công việc tốt hơn. Với số tiền của cha và tiền dành dụm riêng, anh có thể chuyển cả gia đình đến một căn hộ rộng rãi và thông thoáng hơn.

Anh làm việc để cải thiện mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Anh đưa cho các em trai và em gái đọc những cuốn sách anh đã chọn, và đến đêm họ sẽ bàn luận về những phát hiện mới nhất trong các vấn đề khoa học và triết học. Dần dần tất cả gắn kết với nhau ở một mức độ sâu sắc hơn nhiều, và họ bắt đầu gọi anh là Papa Antosha, người đứng đầu gia đình. Thái độ phàn nàn và tự thương hại mà anh gặp phải hồi đầu gần như biến mất. Giờ đây hai cậu em trai nói chuyện rất hào hứng về sự nghiệp tương lai của họ.

Kế hoạch lớn nhất của Anton là cải sửa Alexander, người mà anh coi là thành viên tài năng nhất nhưng cũng gặp nhiều rắc rối nhất trong gia đình. Có lần Alexander trở về nhà khi đã say mèm, bắt đầu xúc phạm mẹ và em gái, và đe dọa sẽ đập vỡ mặt Anton. Gia đình đã trở nên cam chịu với những tình huống tệ hại như thế, nhưng Anton không tha thứ cho điều này. Hôm sau anh nói với Alexander rằng nếu anh ta chửi mắng một thành viên khác trong gia đình, anh sẽ cấm cửa anh ta và không xem anh ta là anh nữa. Anh ta phải đối xử với mẹ và em gái với sự tôn trọng và không được đổ lỗi cho cha về việc anh ta trở nên nghiện rượu và có quan hệ lăng nhăng với phụ nữ. Anh ta phải có một phẩm cách nhất định - ăn mặc chỉnh tề và biết tự chăm sóc bản thân. Đó là quy tắc mới của gia đình.

Alexander xin lỗi và hành vi của anh ta đã được cải thiện, nhưng đó là một trận chiến liên tục đòi hỏi toàn bộ tình yêu và sự nhẫn nại của Anton, vì đặc tính tự hủy hoại trong gia đình Chekhov đã ăn sâu. Nó đã khiến cho Nikolai chết sớm vì nghiện rượu, và nếu không liên tục chú ý, Alexander có thể dễ dàng đi theo con đường tương tự. Anton từ từ cai rượu cho anh trai và giúp đỡ anh ta trong sự nghiệp báo chí, và cuối cùng Alexander cùng có một cuộc sống yên tĩnh và mãn nguyện.

Vào khoảng năm 1884, Anton bắt đầu khạc ra máu và rõ ràng ông đã có những dấu hiệu ban đầu của bệnh lao. Ông từ chối không chịu để cho một bác sĩ đồng nghiệp kiểm tra sức khỏe. Ông không muốn biết, và vẫn tiếp tục viết và hành nghề y, không hề lo lắng tới tương lai. Nhưng khi ngày càng nổi tiếng nhờ những vở kịch và truyện ngắn, ông bắt đầu trải nghiệm một dạng khó chịu mới - sự đố kỵ và những lời chỉ trích nhỏ mọn của các nhà văn đồng nghiệp. Họ thành lập nhiều bè phái chính trị khác nhau và tấn công nhau không dứt, bao gồm cả chính Anton, người đã từ chối liên minh với bất kỳ sự nghiệp cách mạng nào. Tất cả những điều này khiến Anton cảm thấy ngày càng bất mãn với giới văn học. Tâm trạng hưng phấn mà ông đã thận trọng bồi đắp ở Taganrog đang tan biến. Ông trở nên chán nản và cân nhắc tới việc từ bỏ hoàn toàn văn nghiệp.

Thế rồi khoảng cuối năm 1889, ông chợt nghĩ ra một cách để giải thoát bản thân khỏi căn bệnh trầm cảm ngày càng tăng. Từ hồi còn ở Taganrog, ông đã say mê quan sát những thành viên nghèo nhất và đáng ghét nhất trong xã hội. Ông thích viết về những tên trộm và những kẻ lừa đảo, và thâm nhập vào tâm trí họ. Những thành viên thấp kém nhất trong xã hội Nga là những tù nhân của nó, vốn sống trong những điều kiện rất kinh khủng. Và nhà tù khét tiếng nhất của Nga nằm trên đảo Sakhalin, ngay phía bắc Nhật Bản. Nó có năm khu vực hình phạt với hàng trăm ngàn tù nhân và gia đình của họ. Nó giống như một quốc gia trong bóng tối - không ai ở Nga biết bất cứ điều gì về những gì đã thật sự xảy ra trên đảo. Đây có thể là câu trả lời cho nỗi bất hạnh hiện tại của ông. Ông sẽ thực hiện chuyến đi đầy gian nan xuyên qua Siberia để đến đảo. Ông sẽ phỏng vấn những tên tội phạm sừng sỏ nhất. Ông sẽ viết một cuốn sách chi tiết về các điều kiện ở đó. Tránh xa khỏi giới văn học tự phụ, ông sẽ kết nối với một thứ gì đó rất thật và hâm nóng lại tâm trạng khoan dung mà ông đã tạo ra khi còn ở Taganrog.

Gia đình và bạn bè cố gắng ngăn cản ông. Sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều; chuyến đi này có thể giết chết ông. Nhưng họ càng cố can ngăn, ông càng cảm thấy chắc chắn đó là cách duy nhất để tự cứu mình.

Sau cuộc hành trình kéo dài ba tháng, cuối cùng ông đã đến đảo vào tháng 7/1890 và lập tức đắm mình trong thế giới mới này. Công việc của ông là phỏng vấn mọi tù nhân có thể, kể cả những tên sát nhân tàn ác nhất. Ông điều tra về mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Ông đã chứng kiến những cuộc tra tấn tù nhân khủng khiếp nhất và theo dõi các phạm nhân bị xích vào xe cút kít khi họ làm việc trong các hầm mỏ địa phương. Thông thường, những tù nhân đã hoàn thành án tù phải ở lại trên đảo trong các trại lao động và vì vậy đảo Sakhalin có rất nhiều người vợ đang chờ đợi để tham gia cùng họ trong các trại này. Những người phụ nữ này và con gái của họ sẽ phải bán thân để kiếm sống. Tất cả mọi thứ đều nhằm mục đích làm suy thoái tinh thần của mọi người và làm kiệt quệ mọi phẩm giá. Điều này nhắc ông nhớ tới tình trạng của gia đình mình, nhưng ở một mức độ khủng khiếp hơn nhiều.

Chắc chắn đây là tầng địa ngục thấp nhất ông có thể đến thăm, và nó có tác động rất sâu sắc đối với ông. Giờ đây ông khao khát được trở về Moscow và viết về những gì mình đã chứng kiến. Ý thức về sự tương quan của ông đã được khôi phục. Cuối cùng ông đã tự giải thoát khỏi những suy nghĩ và mối quan tâm nhỏ nhặt đã từng đè nặng xuống tâm hồn. Bây giờ ông có thể vượt ra khỏi chính mình và cảm thấy khoan dung trở lại. Cuốn sách của ông, Đảo Sakhalin, đã thu hút sự chú ý của công chúng và dẫn đến những cải cách đáng kể về điều kiện sống trên đảo.

Đến năm 1897, sức khỏe của ông suy giảm trầm trọng và ông bắt đầu ho ra máu khá thường xuyên. Ông không thể tiếp tục che đậy căn bệnh lao của mình trước bao nhiêu người. Bác sĩ điều trị khuyên ông nên từ bỏ mọi công việc và rời khỏi Moscow mãi mãi. Ông cần nghỉ ngơi. Có lẽ bằng cách sống trong một viện điều dưỡng, ông có thể kéo dài cuộc sống của mình thêm một vài năm. Anton không thực hiện bất cứ điều nào trong số này. Ông vẫn sống như không có gì thay đổi.

Một sự sùng bái mới bắt đầu hình thành xung quanh Chekhov, từ những nghệ sĩ trẻ và những người hâm mộ các vở kịch của ông, tất cả những điều đó khiến ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Nga. Vô số người đến thăm ông; và dù rõ ràng ông đang đau ốm, từ ông lan tỏa một sự điềm tĩnh làm kinh ngạc hầu hết mọi người. Nó từ đâu đến? Có phải ông được sinh ra theo cách này? Dường như ông hoàn toàn chìm đắm vào những câu chuyện và vấn đề của họ. Chưa ai từng nghe ông nói về căn bệnh của chính ông.

Vào mùa đông năm 1904, khi tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ, ông đột nhiên mong muốn được đi xe trượt tuyết vào vùng thôn dã. Nghe tiếng chuông của xe trượt tuyết và hít thở không khí lạnh luôn là một trong những thú vui lớn nhất của ông, và ông cần phải cảm nhận điều này thêm một lần nữa. Ước muốn này khiến ông hưng phấn đến độ không hề quan tâm chút nào tới những hậu quả, vốn thật sự đáng sợ. Ông qua đời vài tháng sau đó.

Diễn dịch: Vào thời điểm bị mẹ bỏ lại một mình ở Taganrog, chàng trai trẻ Anton Chekhov cảm thấy bị mắc kẹt, như thể bị tống vào tù. Ông buộc phải cố hết sức làm việc ngoài việc học. Giờ ông bị mắc kẹt trong chốn buồn tẻ vô vọng này, không có ai hỗ trợ, sống trong một căn phòng nhỏ. Những suy nghĩ cay đắng về số phận của mình và về tuổi thơ ông chưa bao giờ được hưởng đã gặm nhấm ông trong những giây phút rảnh rỗi. Nhưng khi nhiều tuần trôi qua, ông nhận ra một điều rất lạ lùng - ông thật sự thích công việc dạy kèm, dù tiền lương ít ỏi và ông vẫn phải tiếp tục chạy quanh thị trấn. Cha ông đã bảo rằng ông lười biếng, và ông đã tin điều đó, nhưng giờ ông không chắc lắm. Mỗi ngày là một cuộc thử thách để tìm thêm công việc và đặt thức ăn lên bàn. Ông đã thành công trong việc này. Ông không phải là một thứ sâu bọ khốn khổ đáng bị ăn đòn. Bên cạnh đó, công việc gia sư là một cách để ông vượt ra khỏi bản thân và đặt toàn bộ sự chú ý vào những vấn đề của đám học trò.

Những cuốn sách ông đọc đã đưa ông xa khỏi Taganrog và khiến lòng ông đầy ắp những ý nghĩ thú vị, đọng lại suốt cả ngày. Bản thân Taganrog không quá tệ. Mỗi cửa tiệm, mỗi ngôi nhà đều chứa đựng những nhân vật kỳ quặc nhất, cung cấp tư liệu vô tận cho những truyện ngắn của ông. Còn cái góc phòng đó - nó là vương quốc của ông. Không còn cảm giác bị mắc kẹt, giờ ông cảm thấy được giải thoát. Thật ra điều gì đã thay đổi? Chắc chắn không phải hoàn cảnh của ông, thị trấn Taganrog, hay cái góc phòng. Điều đã thay đổi là thái độ của ông, nó mở ra cho ông những trải nghiệm và khả năng mới. Khi đã cảm nhận được điều này, ông muốn đưa nó đi xa hơn. Trở ngại lớn nhất còn lại đối với cảm giác tự do này là cha ông. Dù có cố gắng thế nào, ông cũng không thể thoát khỏi cảm giác cay đắng. Như thể ông vẫn có thể cảm nhận được những trận đòn và nghe thấy những lời chỉ trích bất tận.

Với một phương sách cuối cùng, ông cố gắng phân tích cha mình như thể ông ấy là một nhân vật trong một câu chuyện. Điều này khiến ông nghĩ tới ông nội và tất cả các thế hệ của gia tộc Chekhov. Khi suy xét kỹ về bản tính thất thường và trí tưởng tượng điên rồ của cha mình, ông có thể hiểu hẳn ông ấy đã cảm thấy bị mắc kẹt bởi hoàn cảnh của mình như thế nào và vì sao ông ấy trở nên say xỉn và đối xử tàn bạo với gia đình. Ông ấy bất lực, là một nạn nhân hơn là một kẻ áp bức. Sự thấu hiểu này về người cha đã đặt nền móng cho tình yêu vô điều kiện bất chợt một ngày ập đến đối với cha mẹ ông. Rốt cuộc, khi tâm hồn bừng sáng với cảm xúc mới này, ông cảm thấy hoàn toàn được giải thoát khỏi sự oán ghét và tức giận. Những cảm xúc tiêu cực từ quá khứ cuối cùng đã rời xa. Giờ đây tâm hồn ông có thể mở rộng hoàn toàn. Cảm giác này phấn khích đến nỗi ông phải chia sẻ nó với anh chị em của mình và cũng để giải thoát cho họ.

Điều đã đưa Chekhov đến suy nghĩ này là sự khủng hoảng mà ông phải đối mặt khi bị bỏ lại một mình vào lúc tuổi trẻ như vậy. Chekhov đã trải qua một cuộc khủng hoảng khác vào khoảng mười ba năm sau đó, khi ông cảm thấy buồn phiền trước sự nhỏ mọn của các nhà văn đồng nghiệp. Giải pháp của ông là tái tạo những gì đã xảy ra ở Taganrog, nhưng đảo ngược lại - ông sẽ là người từ bỏ những người khác và tự buộc mình sống cô đơn và dễ bị tổn thương. Bằng cách này, ông có thể trải nghiệm lại sự tự do và cảm thông đã từng cảm thấy hồi sống ở Taganrog. Cái chết sớm do bệnh lao là cuộc khủng hoảng cuối cùng. Ông sẽ buông bỏ sự sợ hãi cái chết, và những cảm giác cay đắng đi cùng với việc rút ngắn cuộc sống của ông, bằng cách tiếp tục sống thật bình thản. Sự tự do tối thượng và cuối cùng này đã mang tới cho ông một thứ ánh sáng rạng rỡ mà hầu như tất cả những ai gặp ông trong thời kỳ này đều có thể cảm nhận được.

Thấu hiểu: Câu chuyện của Anton Chekhov thật sự là một hình mẫu cho những gì chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Chúng ta mang theo những tổn thương và đau đớn từ thời thơ ấu. Trong cuộc sống xã hội, khi lớn tuổi hơn, chúng ta tích lũy những niềm thất vọng và những sự miệt khinh. Chúng ta cũng thường bị ám ảnh bởi một cảm giác rằng mình vô giá trị, không thật sự xứng đáng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có những giây phút cực kỳ hoài nghi về bản thân. Những cảm xúc này có thể dẫn đến những suy nghĩ có tính chất ám ảnh chi phối tâm trí của chúng ta. Chúng khiến chúng ta cắt giảm bớt những gì chúng ta trải nghiệm như một cách để kiểm soát những lo lắng và thất vọng. Chúng khiến chúng ta quay sang rượu hoặc bất kỳ thói quen nào để làm tê liệt cơn đau. Không nhận ra điều đó, chúng ta khoác lấy một thái độ tiêu cực và sợ hãi đối với cuộc sống. Thái độ này trở thành nhà tù tự áp đặt của chúng ta. Nhưng không nhất thiết phải như vậy. Sự tự do mà Chekhov trải nghiệm đến từ một sự lựa chọn, một cách nhìn khác vào thế giới, một sự thay đổi trong thái độ. Tất cả chúng ta đều có thể đi theo một con đường như vậy.

Sự tự do này chủ yếu đến từ việc giữ một thái độ khoan dung - đối với những người khác và đối với bản thân. Bằng cách chấp nhận mọi người, bằng cách thấu hiểu và thậm chí có thể yêu họ vì bản chất con người của họ, chúng ta có thể giải phóng tâm hồn khỏi những cảm xúc ảm ảnh và nhỏ mọn. Chúng ta có thể ngừng phản ứng với mọi điều mà mọi người làm và nói. Chúng ta có thể tạo một khoảng cách nào đó và ngăn chặn bản thân khỏi việc cá nhân hóa mọi thứ. Không gian tinh thần được giải phóng cho những mưu cầu cao hơn. Khi chúng ta cảm thấy khoan dung với những người khác, họ cảm thấy bị cuốn hút về phía chúng ta và muốn hòa vào tinh thần của chúng ta. Khi cảm thấy khoan dung với chính mình, chúng ta không còn cảm thấy cần phải cúi đầu, bái gối và chơi trò chơi khiêm nhường giả tạo trong khi ngấm ngầm oán ghét sự thất bại của mình. Thông qua công việc và thông qua việc có được những gì chúng ta cần mà không phụ thuộc vào người khác, chúng ta có thể ngẩng cao đầu và nhận ra tiềm năng của mình với tư cách con người. Chúng ta có thể ngừng phát ra những cảm xúc tiêu cực xung quanh. Một khi cảm nhận được sức mạnh phấn khích từ thái độ mới này, chúng ta sẽ muốn làm lan tỏa nó đi càng xa càng tốt.

Nhiều năm sau, trong một lá thư gửi cho một người bạn, Chekhov đã cố gắng tóm tắt kinh nghiệm của ông ở Taganrog, nói về chính mình ở ngôi thứ ba: “Viết về việc chàng trai trẻ này đã vắt từng giọt nô lệ ra khỏi bản thân ra sao và việc anh ta đã thức dậy vào một buổi sáng đẹp trời để nhận ra rằng dòng máu chảy trong huyết quản của mình không còn là dòng máu nô lệ nữa mà là của một con người thật sự ra sao”.

Khám phá lớn nhất của thế hệ của tôi là thực tế rằng con người có thể thay đổi cuộc sống của họ bằng cách thay đổi thái độ của tâm trí họ.

- William James

Những giải pháp đối với bản chất con người

Loài người thích tưởng tượng rằng mình có một kiến thức khách quan về thế giới. Chúng ta xem như lẽ đương nhiên rằng những gì chúng ta nhận thấy hằng ngày là thực tại - thực tại này ít nhiều giống nhau đối với mọi người. Nhưng đây là một ảo tưởng. Không bao giờ có hai người nhìn hoặc trải nghiệm thế giới theo cùng một cách. Những gì chúng ta nhận thức được là phiên bản thực tại của cá nhân chúng ta, một phiên bản do chính chúng ta tạo ra. Nhận thức được điều này là một bước quan trọng trong sự hiểu biết của chúng ta về bản chất con người.

Hãy tưởng tượng kịch bản sau: Một người Mỹ trẻ tuổi phải trải qua một năm học tập tại Paris. Anh hơi rụt rè và thận trọng, dễ bị trầm cảm và có lòng tự trọng thấp, nhưng thật sự rất phấn khích trước cơ hội này. Khi đã tới nơi, anh thấy tiếng Pháp khó nói, và những sai lầm anh mắc phải cùng thái độ hơi giễu cợt của người Paris khiến anh càng khó học hơn. Anh thấy mọi người không thân thiện chút nào. Thời tiết ẩm ướt và ảm đạm. Thức ăn quá phong phú. Ngay cả nhà thờ Đức Bà cũng có vẻ đáng thất vọng, khu vực xung quanh nó rất đông khách du lịch. Mặc dù cũng có những khoảnh khắc thú vị, anh thường cảm thấy xa lạ và không vui. Anh kết luận rằng Paris đã được đánh giá quá cao và là một nơi khá khó chịu.

Giờ hãy tưởng tượng một kịch bản tương tự nhưng với một cô gái hướng ngoại hơn và có một tinh thần phiêu lưu. Cô không bận tâm tới việc phạm lỗi khi nói tiếng Pháp, cũng không bận tâm tới một nhận xét cạnh khóe thi thoảng từ một người dân Paris. Cô thấy việc học ngôn ngữ là một thử thách thú vị. Những người khác nhận thấy tinh thần của cô rất lôi cuốn. Cô kết bạn dễ dàng hơn, và với nhiều mối quan hệ hơn, kiến thức về tiếng Pháp của cô cũng được cải thiện. Cô thấy thời tiết lãng mạn và khá phù hợp với nơi này. Đối với cô, thành phố này đại diện cho những cuộc phiêu lưu bất tận và cô thấy nó thật mê hoặc.

Trong trường hợp này, hai người nhìn và phán xét cùng một thành phố theo những cách trái ngược nhau. Là một vấn đề thực tế khách quan, tiết trời của Paris không đẹp hay xấu. Những đám mây chỉ đơn giản trôi qua. Sự thân thiện hay không thân thiện của người Paris là một đánh giá chủ quan - nó phụ thuộc vào những người bạn gặp và việc họ như thế nào so với những người ở quê hương của bạn. Nhà thờ Đức Bà chỉ đơn thuần là sự tập hợp của những mảnh đã được chạm khắc. Thế giới chỉ đơn giản tồn tại như vẫn vậy - những sự vật hay sự kiện không tốt hay xấu, đúng hay sai, xấu hay đẹp. Chính chúng ta, với những quan điểm riêng biệt của mình, đã thêm vào màu sắc hoặc giảm trừ nó khỏi những sự vật và con người. Chúng ta tập trung vào kiến trúc Gothic tuyệt đẹp hoặc đám khách du lịch phiền phức. Với mô thức tư duy của mình, chúng ta có thể khiến cho mọi người phản ứng với mình một cách thân thiện hoặc không thân thiện, tùy thuộc vào sự lo lắng hoặc cởi mở của chúng ta. Chúng ta định hình phần lớn thực tại mà chúng ta cảm nhận theo tâm trạng và cảm xúc của chúng ta.

Thấu hiểu: Mỗi chúng ta nhìn thế giới qua một thấu kính riêng biệt vốn tô màu và định hình những nhận thức của chúng ta. Chúng ta hãy gọi thấu kính này là thái độ của chúng ta. Nhà tâm lý học vĩ đại người Thụy Sĩ Carl Jung đã định nghĩa điều này theo cách sau: “Thái độ là sự sẵn sàng của tâm lý để hành động hoặc phản ứng theo một cách thức nhất định… Có một thái độ có nghĩa là sẵn sàng cho một cái gì đó xác định, mặc dù cái gì đó này là vô thức; vì việc có một thái độ đồng nghĩa với một định hướng có tính tiên nghiệm đối với một điều xác định”.

Điều này có nghĩa như sau: Trong một ngày, tâm trí của chúng ta phản ứng với hàng ngàn kích thích trong môi trường. Tùy thuộc vào hệ thống não bộ và cấu trúc tâm lý của chúng ta, một số kích thích nhất định - những đám mây trên bầu trời, những đám đông - sẽ dẫn đến những phản ứng và sự cháy nơ ron (firing)(66) mạnh mẽ hơn. Phản ứng càng mạnh, chúng ta càng chú ý. Một số trong chúng ta nhạy cảm hơn với những kích thích mà hầu hết những người khác sẽ bỏ qua. Nếu có xu hướng cảm thấy buồn bã một cách vô ý thức vì bất kỳ lý do gì, chúng ta có nhiều khả năng nhận được những dấu hiệu vốn đẩy cảm giác này mạnh hơn. Nếu có bản chất nghi ngờ, chúng ta nhạy cảm hơn với những biểu cảm trên gương mặt vốn thể hiện bất kỳ loại tiêu cực nào khả dĩ và thường phóng đại những gì chúng ta nhận thấy. Đây là “sự sẵn sàng của tâm lý để… phản ứng theo một cách thức nhất định”.

Chúng ta không bao giờ ý thức được quá trình này. Chúng ta chỉ đơn thuần trải nghiệm những hậu quả của những phản ứng nhạy cảm và sự cháy nơ ron này của bộ não; chúng bổ sung cho một tâm trạng tổng thể hoặc nền tảng cảm xúc mà chúng ta có thể gọi là sự trầm cảm, thù địch, bất an, nhiệt tình hoặc sự mạo hiểm. Chúng ta trải nghiệm những tâm trạng khác nhau, nhưng trong một ý nghĩa tổng thể, có thể nói rằng chúng ta có một cách nhìn và giải thích thế giới riêng biệt, bị chi phối bởi một cảm xúc hoặc sự pha trộn của một số cảm xúc, chẳng hạn sự thù địch và oán giận. Đây là thái độ của chúng ta. Những người trầm cảm nhiều hơn có thể cảm thấy những giây phút vui vẻ, nhưng họ thiên về trải nghiệm nỗi buồn nhiều hơn; họ tiên đoán được cảm giác này trong những cuộc gặp gỡ hàng ngày của họ.

Jung minh họa ý tưởng này theo cách sau: Hãy tưởng tượng rằng trong một chuyến đi bộ đường dài, mọi người bắt gặp một dòng suối cần phải vượt qua để tiếp tục cuộc hành trình. Một người, không cần suy nghĩ nhiều, sẽ chỉ đơn giản nhảy ngang qua, chạm vào một hoặc hai hòn đá, không lo lắng gì về việc có thể bị rơi xuống nước. Anh ta thích niềm vui thể chất tuyệt đối của cú nhảy và không bận tâm mấy nếu thất bại. Một người khác cũng rất hào hứng, nhưng nó không liên quan đến niềm vui thể chất nhiều bằng sự thử thách tinh thần mà dòng suối là hình ảnh đại diện. Cô ta sẽ nhanh chóng tính toán các phương tiện vượt suối hiệu quả nhất và sẽ mãn nguyện khi tìm ra cách. Một người khác nữa, có bản chất thận trọng, sẽ mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ kỹ. Anh ta không có niềm vui trong việc vượt qua; anh ta bị kích thích bởi sự cản trở, nhưng anh ta muốn tiếp tục đi bộ và anh ta sẽ cố gắng hết sức để vượt qua an toàn. Người thứ tư sẽ chỉ đơn giản quay trở về. Cô ta sẽ thấy không cần phải băng qua suối và sẽ hợp lý hóa nỗi sợ hãi của mình bằng cách nói rằng cuộc đi bộ đã đủ lâu.

Không ai chỉ đơn giản nhìn thấy hoặc nghe thấy dòng nước ồ ạt chảy trên những tảng đá. Tâm trí của chúng ta không nhận thức được những gì đang có. Mỗi người nhìn thấy và phản ứng khác nhau với cùng một dòng suối, theo thái độ riêng biệt của họ - mạo hiểm, sợ hãi, vân vân.

Thái độ mà chúng ta mang theo trong suốt cuộc đời có một số nguồn gốc: đầu tiên, chúng ta đến thế giới này với những khuynh hướng di truyền nhất định đối với sự thù địch, tham lam. Cảm thông hoặc lòng tốt. Chúng ta có thể nhận thấy những khác biệt này, ví dụ, trong trường hợp của những đứa trẻ nhà Chekhov, tất cả đều phản ứng với những hình phạt như nhau về thể chất của người cha. Ở lứa tuổi rất sớm, Anton đã bộc lộ một thái độ mỉa mai hơn, có xu hướng chế giễu thế gian và nhìn mọi thứ từ một khoảng cách. Điều này giúp ông dễ dàng đánh giá lại cha mình hơn khi ông sống tự lập. Những người con khác thiếu khả năng tự tạo khoảng cách này và dễ dàng vướng vào sự tàn bạo của người cha. Điều này dường như chỉ ra điều gì đó khác biệt trong cách thức kết nối của bộ não của Anton. Một số trẻ em tham lam hơn số khác - chúng thể hiện từ sớm một nhu cầu được chú ý nhiều hơn. Chúng có xu hướng luôn nhìn thấy những gì còn thiếu, những gì chúng không nhận được từ người khác.

Thứ nhất, những kinh nghiệm sớm nhất của chúng ta và các lược đồ gắn liền với chúng (xem chương 4) đóng một vai trò lớn trong việc hình thành thái độ. Chúng ta đồng hóa với giọng nói của nhân vật người mẹ và người cha. Nếu họ rất độc đoán và hay phán xét, chúng ta sẽ có xu hướng khắc nghiệt với chính mình nhiều hơn với những người khác và có khuynh hướng phê phán nhiều hơn đối với mọi thứ chúng ta nhìn thấy. Quan trọng không kém là những kinh nghiệm chúng ta có bên ngoài gia đình, khi lớn tuổi hơn. Khi yêu hoặc ngưỡng mộ ai đó, chúng ta có xu hướng đồng hóa một phần với sự hiện diện của họ và họ định hình cách chúng ta nhìn thế giới theo hướng tích cực. Đây có thể là các thầy cô giáo, cố vấn hoặc đồng nghiệp. Những trải nghiệm tiêu cực và gây tổn thương có thể có một tác động co cụm - chúng đóng chặt tâm trí của chúng ta trước bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta trải nghiệm lại nỗi đau ban đầu. Thái độ của chúng ta liên tục được định hình bởi những gì xảy ra với chúng ta, nhưng dấu tích của thái độ sớm nhất luôn luôn tồn tại. Dù có tiến bộ đến đâu, Chekhov vẫn dễ bị tác động bởi những cảm giác chán nản và tự ghét mình.

Những gì chúng ta phải hiểu về thái độ không chỉ là cách nó tô màu cho nhận thức của chúng ta mà cả cách nó chủ động quyết định những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống - sức khỏe, mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người, và sự thành công. Thái độ của chúng ta chứa sẵn một động năng tự hoàn thành.

Hãy nhìn lại kịch bản về chàng trai ở Paris. Cảm thấy hơi căng thẳng và bất an, anh phản ứng một cách phòng thủ với những sai lầm mà anh mắc phải khi học ngôn ngữ. Điều này khiến anh khó học hơn, từ đó dẫn tới việc gặp gỡ mọi người trở nên khó khăn hơn, khiến anh cảm thấy bị cô lập hơn. Năng lượng của anh càng giảm sút do trầm cảm, chu kỳ này càng tự kéo dài ra. Sự bất an của anh cũng có thể đẩy mọi người ra xa. Cách chúng ta nghĩ về mọi người có xu hướng tác động tới họ. Nếu chúng ta cảm thấy thù địch và phê phán, chúng ta có xu hướng khơi gợi những cảm xúc phê phán ở người khác. Nếu chúng ta cảm thấy phải phòng thủ, chúng ta khiến cho người khác cảm thấy họ cũng cần phải phòng thủ. Thái độ của chàng trai có xu hướng khóa chặt anh vào động năng tiêu cực này.

Mặt khác, thái độ của cô gái kích hoạt một động năng tích cực. Cô có thể học tiếng Pháp và gặp gỡ mọi người, tất cả đều nâng cao mức độ tâm trạng và năng lượng của cô, khiến cô trở nên lôi cuốn và thú vị hơn đối với những người khác, vân vân.

Dù thái độ có nhiều loại và pha trộn lẫn nhau, thông thường chúng ta có thể phân loại chúng là tiêu cực và thu hẹp hoặc tích cực và mở rộng. Những người có thái độ tiêu cực có xu hướng hoạt động từ vị trí cơ bản của sự e sợ đối với cuộc sống. Một cách vô thức, họ muốn giới hạn những gì họ nhìn thấy và trải nghiệm để có thể kiểm soát nhiều hơn. Những người có thái độ tích cực có cách tiếp cận ít e sợ hơn nhiều. Họ cởi mở với những trải nghiệm, ý tưởng và cảm xúc mới. Nếu thái độ giống như ống kính hướng vào thế giới của chúng ta, thái độ tiêu cực sẽ thu hẹp khẩu độ của ống kính này và thái độ tích cực sẽ mở rộng nó hết mức có thể. Chúng ta có thể di chuyển giữa hai cực này, nhưng nhìn chung chúng ta có xu hướng nhìn thế giới bằng một ống kính khép kín hơn hoặc mở rộng hơn.

Công việc của bạn, với tư cách một kẻ nghiên cứu về bản chất con người, có hai phần: Đầu tiên, bạn phải ý thức được thái độ của chính mình và cách nó bóp méo nhận thức của bạn. Khó mà quan sát điều này trong cuộc sống hằng ngày của bạn bởi vì nó quá gần gũi với bạn, nhưng có nhiều cách để nhìn nhanh nó trong hành động. Bạn có thể nhìn thấy nó trong cách bạn đánh giá mọi người khi họ không hiện diện trước mặt bạn. Bạn có nhanh chóng tập trung vào những phẩm chất tiêu cực và những ý kiến tồi tệ của họ không, hay bạn khoan dung và tha thứ hơn khi nói đến sai sót của họ? Bạn sẽ nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng của thái độ của bạn trong cách bạn đối mặt với nghịch cảnh hay sự phản kháng. Bạn có nhanh chóng quên đi hoặc che đậy bất kỳ sai lầm nào của chính mình hay không? Bạn có đổ lỗi cho người khác theo bản năng về bất kỳ điều xấu nào xảy ra với bạn hay không? Bạn có sợ bất kỳ loại thay đổi nào hay không? Bạn có xu hướng duy trì những thói quen và tránh né bất cứ điều gì bất ngờ hoặc bất thường hay không? Bạn có sửng cồ lên khi người nào đó thách thức những ý tưởng và giả định của bạn hay không?

Bạn cũng sẽ bắt gặp những dấu hiệu của nó trong cách mọi người phản ứng với bạn, đặc biệt là theo một cách thức phi ngôn từ. Bạn có bắt gặp họ đang lo lắng hay phòng thủ trước sự hiện diện của bạn không? Bạn có xu hướng thu hút những người đóng vai mẹ hoặc cha trong cuộc sống của bạn không?

Một khi bạn có một cảm giác tốt đối với cấu trúc của thái độ của chính mình, xu hướng tiêu cực hoặc tích cực của nó, bạn có nhiều khả năng hơn để thay đổi nó, để di chuyển nó theo hướng tích cực.

Thứ hai, bạn không chỉ cần phải ý thức được vai trò của thái độ mà còn phải tin vào khả năng tối cao của nó trong việc thay đổi hoàn cảnh của bạn. Bạn không phải là một con tốt trong một ván cờ do người khác kiểm soát; bạn là một đối thủ tích cực có thể di chuyển các quân cờ theo ý muốn và thậm chí viết lại các luật chơi. Hãy xem sức khỏe của bạn như một vấn đề phụ thuộc phần lớn vào thái độ của bạn. Khi cảm thấy phấn khích và cởi mở để phiêu lưu, bạn có thể khai thác nguồn dự trữ năng lượng mà bạn không biết rằng mình có sẵn. Tâm trí và cơ thể là một, và những ý nghĩ của bạn ảnh hưởng đến các phản ứng thể lý của bạn. Mọi người có thể khỏi bệnh nhanh hơn nhiều thông qua mong muốn và ý chí. Bạn không được sinh ra với trí thông minh cố định và những giới hạn cố hữu. Hãy xem bộ não của bạn như một cơ quan kỳ diệu có cấu tạo để dành cho việc học hỏi và cải thiện liên tục, tới tận tuổi già. Các kết nối thần kinh phong phú trong não, năng lực sáng tạo của bạn, là thứ bạn cần phát triển đến mức bạn có thể mở ra cho mình những trải nghiệm và ý tưởng mới. Hãy xem những trục trặc và thất bại như những phương tiện để học hỏi và củng cố bản thân. Bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì với sự kiên trì. Hãy xem cách mọi người đối xử với bạn như một vấn đề phần lớn phát xuất từ chính thái độ của bạn, một thứ bạn có thể kiểm soát.

Đừng ngại phóng đại vai trò của sức mạnh ý chí. Đó là một sự cường điệu có mục đích. Nó dẫn đến một động năng tự hoàn thành tích cực, và đó là tất cả những gì bạn quan tâm. Hãy xem việc định hình thái độ này như một sáng tạo quan trọng nhất của bạn trong cuộc sống, và không bao giờ xem nó là việc ngẫu nhiên.

Thái độ thu hẹp (tiêu cực).

Cuộc sống vốn dĩ hỗn loạn và khó lường. Tuy nhiên, con người-động vật không phản ứng tốt với sự không chắc chắn. Những người cảm thấy đặc biệt yếu đuối và dễ bị tổn thương có xu hướng chấp nhận một thái độ đối với cuộc sống vốn thu hẹp những gì họ từng trải nghiệm để họ có thể giảm thiểu khả năng của các sự kiện bất ngờ. Thái độ tiêu cực, thu hẹp này thường có nguồn gốc từ thời thơ ấu. Một số trẻ ít cảm thấy thoải mái hoặc ít nhận được sự hỗ trợ trong việc đối mặt với một thế giới đáng sợ. Chúng phát triển các chiến lược tâm lý khác nhau để hạn chế những gì chúng phải nhìn thấy và trải nghiệm. Chúng xây dựng những hệ thống phòng thủ phức tạp để ngăn chặn những quan điểm khác. Chúng ngày càng trở nên chỉ quan tâm tới bản thân. Trong hầu hết các tình huống, dạng người này chỉ mong đợi những điều tồi tệ sẽ xảy ra, và mục tiêu của họ trong cuộc sống xoay quanh việc dự đoán và vô hiệu hóa những trải nghiệm xấu để kiểm soát chúng tốt hơn. Khi họ già đi, thái độ này càng trở nên cố thủ và thu hẹp hơn, khiến cho bất kỳ sự phát triển về mặt tâm lý nào cũng gần như bất khả thi.

Những thái độ này có một động năng tự hủy hoại. Những người như vậy khiến người khác cảm thấy có cùng một cảm xúc tiêu cực vốn chi phối thái độ của họ, điều này giúp họ xác nhận niềm tin của mình về mọi người. Họ không thấy rằng hành động của mình giữ vai trò như thế nào, và họ thường là kẻ gây ra phản ứng tiêu cực ra sao. Họ chỉ thấy mọi người bức hại họ, hoặc vận rủi áp đảo họ. Bằng cách đẩy mọi người ra xa, họ khiến cho việc có được bất kỳ thành công nào trong cuộc sống trở nên khó khăn gấp bội; và trong tình trạng cô lập, thái độ của họ càng trở nên tồi tệ hơn. Họ đã lọt vào một cái vòng luẩn quẩn.

Sau đây là năm hình thức phổ biến nhất của thái độ thu hẹp. Những cảm xúc tiêu cực có một sức mạnh ràng buộc - một người đang tức giận thường có khuynh hướng hoài nghi hơn, cảm thấy những bất an sâu sắc, sự oán ghét, vân vân. Và do đó chúng ta thường tìm thấy sự kết hợp của những thái độ tiêu cực khác nhau, mỗi thái độ nuôi dưỡng và làm nổi bật một thái độ khác. Mục tiêu của bạn là nhận ra những dấu hiệu khác nhau của các thái độ như vậy, vốn tồn tại trong bạn ở dạng tiềm ẩn và yếu ớt, để rồi tháo gỡ chúng; nhìn cách chúng hoạt động trong một phiên bản mạnh mẽ hơn ở những người khác, hiểu rõ hơn về quan điểm của họ đối với cuộc sống; và học cách đối phó với những người có thái độ như vậy.

Thái độ thù địch

Một số trẻ thể hiện thái độ thù địch khi còn rất nhỏ. Chúng diễn dịch việc cai sữa và sự tách biệt tự nhiên khỏi cha mẹ là những hành động thù địch. Những đứa trẻ khác phải đối phó với những cha mẹ thích trừng phạt và gây tổn thương. Trong cả hai trường hợp, những đứa trẻ nhìn ra một thế giới dường như đầy thù địch, và lời giải là tìm cách kiểm soát nó bằng cách tự chúng trở thành nguồn của sự thù địch. Ít ra khi đó sự thù địch không còn quá ngẫu nhiên và đột ngột. Khi lớn hơn, chúng trở nên lão luyện trong việc kích thích sự tức giận và thất vọng ở những người khác, điều đó biện minh cho thái độ ban đầu của chúng - “Xem kìa, mọi người chống lại tôi, họ không ưa tôi mà chẳng có lý do rõ ràng nào cả”.

Trong một mối quan hệ hôn nhân, một người chồng có thái độ thù địch sẽ buộc tội người vợ không thật sự yêu anh ta. Nếu cô ta phản đối và trở nên phòng thủ, anh ta sẽ xem đây là dấu hiệu cho thấy cô ta phải cố gắng hết sức để che đậy sự thật. Nếu cô ta im lặng trước sự đe dọa, anh ta coi đó là một dấu hiệu cho thấy anh ta hoàn toàn đúng. Trong tình trạng bối rối, cô ta có thể dễ dàng bắt đầu cảm thấy một chút thù địch từ phía mình, xác nhận ý kiến của anh ta. Những người có thái độ này có nhiều mánh khóe tinh vi khác để kích động sự thù địch mà họ thầm cảm thấy muốn hướng tới họ - rút lui khỏi một dự án hợp tác vào một thời điểm sai lầm, liên tục trễ nải, làm việc uể oải, cố tình tạo một ấn tượng đầu tiên thiếu thiện chí. Nhưng họ không bao giờ thấy mình đóng bất kỳ vai trò nào trong việc kích động phản ứng.

Sự thù địch của họ ngấm vào mọi điều họ làm - cách họ tranh luận và khiêu khích (họ luôn luôn đúng); những câu nói đùa hàm ý xấu xa của họ; sự tham lam trong việc đòi hỏi sự chú ý của họ; lạc thú họ có được từ việc chỉ trích kẻ khác hay khi nhìn thấy họ thất bại. Bạn có thể nhận ra họ từ cách họ dễ dàng nổi giận trong những tình huống này. Cuộc sống của họ, như họ mô tả, đầy rẫy những trận chiến, sự phản bội, sự ngược đãi, nhưng dường như không bắt nguồn từ họ. Về bản chất, họ đang phóng chiếu những cảm giác thù địch của mình vào kẻ khác và có xu hướng đọc thấy chúng trong bất kỳ hành động rõ ràng là vô tội nào. Mục tiêu của họ trong cuộc sống là cảm thấy bị áp bức và mong muốn một hình thức trả thù nào đó. Những dạng người này thường gặp rắc rối trong sự nghiệp, vì sự tức giận và thù địch của họ thường xuyên bùng lên. Điều này mang lại cho họ một điều gì đó khác để phàn nàn và một cơ sở để trách móc rằng thế giới đang chống lại họ.

Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu của thái độ này ở bản thân, tự nhận thức này là một bước quan trọng để có thể thoát khỏi nó. Bạn cũng có thể thử một thí nghiệm đơn giản: Tiếp cận những người bạn gặp lần đầu tiên, hoặc chỉ quen biết sơ sài, với những suy nghĩ tích cực khác nhau - “Mình thích họ”, “Họ có vẻ thông minh”, v.v... Không câu nào trong số này được thể hiện bằng ngôn từ, nhưng bạn cố hết sức để cảm nhận những cảm xúc như vậy. Nếu họ phản ứng với thái độ thù địch hoặc phòng thủ, thì có lẽ thế giới đang thật sự chống lại bạn. Nhiều khả năng hơn là bạn sẽ không nhìn thấy bất cứ điều gì có thể được nhìn nhận từ xa là tiêu cực. Thật ra, bạn sẽ nhìn thấy điều ngược lại. Do vậy, rõ ràng nguồn gốc của bất kỳ phản ứng thù địch nào chính là bạn.

Khi đối phó với những dạng cực đoan này, hãy cố hết sức để không phản ứng với sự chống đối mà họ mong đợi. Duy trì tình trạng trung lập của bạn. Điều này sẽ khiến họ bối rối và tạm thời dừng trò chơi họ đang chơi. Họ muốn đốt lửa với sự thù địch của bạn, vì vậy đừng cung cấp cho họ nhiên liệu.

Thái độ lo lắng

Những dạng người này dự đoán tất cả các loại trở ngại và khó khăn trong bất kỳ tình huống nào họ đối mặt. Với mọi người, họ thường mong đợi một sự chỉ trích hoặc thậm chí là phản bội nào đó. Tất cả những điều này kích thích một lượng lo lắng bất thường trước thực tế. Điều họ thật sự e sợ là đánh mất khả năng kiểm soát hoàn cảnh. Giải pháp của họ là hạn chế những gì có thể xảy ra, thu hẹp thế giới mà họ đối phó. Điều này có nghĩa là giới hạn những nơi họ tới và những gì họ sẽ cố gắng. Trong một mối quan hệ, họ sẽ kiểm soát một cách tinh vi những nghi thức và thói quen trong nhà; họ sẽ tỏ ra dễ cáu giận và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Điều này sẽ ngăn cản mọi người chỉ trích họ. Tất cả mọi thứ phải được thực hiện theo ý họ. Trong công việc, họ sẽ là những kẻ cầu toàn và nhà quản lý vi mô triệt để, cuối cùng tự phá hoại chính mình bằng cách cố gắng vượt lên trên quá nhiều thứ. Khi ở bên ngoài khu vực thoải mái của mình - ngôi nhà hoặc mối quan hệ mà họ chiếm ưu thế - họ trở nên cáu kỉnh khác thường.

Đôi khi họ có thể che đậy nhu cầu kiểm soát của mình dưới hình thức tình yêu và sự quan tâm. Khi Franklin Roosevelt gục ngã vì bệnh bại liệt vào năm 1921, ở tuổi 39, mẹ ông, Sara, đã làm tất cả những gì có thể để hạn chế cuộc sống năng động của ông và giữ ông trong một căn phòng trong nhà. Lẽ ra ông đã phải từ bỏ sự nghiệp chính trị của mình và đầu hàng sự chăm sóc của bà. Vợ của Franklin, Eleanor, hiểu ông hơn. Điều ông muốn và cần là dần dần quay lại với cuộc sống cũ trước đây. Điều này đã trở thành một trận chiến giữa bà mẹ chồng và cô con dâu. Cuối cùng, Eleanor đã chiến thắng. Người mẹ đã có thể che đậy thái độ lo lắng và nhu cầu chế ngự con trai bên dưới tình yêu hiển nhiên của mình, biến ông thành một người tàn phế bất lực.

Một hình thức che đậy khác, tương tự như dạng tình yêu đó, là tìm cách làm hài lòng và lừa phỉnh mọi người để tước vũ khí của mọi hành động không thể đoán trước và không thân thiện. (Xem chương 4, Những dạng người độc hại, Dạng luôn làm vừa lòng kẻ khác).

Nếu bạn nhận thấy những xu hướng như vậy ở bản thân, thuốc giải độc tốt nhất là trút năng lượng của bạn vào công việc. Tập trung sự chú ý của bạn ra bên ngoài, hướng tới một kế hoạch nào đó vốn sẽ có tác dụng trấn an. Miễn là bạn kiềm chế được xu hướng cầu toàn của mình, bạn có thể hướng nhu cầu kiểm soát của mình vào một điều gì đó hữu ích. Với mọi người, cố gắng dần dần cởi mở hơn với những thói quen và tốc độ làm việc của họ, thay vì ngược lại. Điều này có thể chỉ cho bạn thấy rằng bạn không có gì phải sợ khi nới lỏng sự kiểm soát. Cố tình đặt bản thân vào những tình huống mà bạn sợ hãi nhất, và phát hiện ra rằng nỗi e sợ của bạn đã bị thổi phồng quá mức. Bạn đang dần dần đưa một chút hỗn loạn vào cuộc sống quá trật tự của mình.

Khi đối phó với những người có thái độ này, cố gắng không cảm thấy bị lây nhiễm sự lo lắng của họ; thay vì vậy, cố gắng cung cấp sự ảnh hưởng có tính chất an ủi mà họ thiếu trong những năm đầu đời. Nếu bạn phát ra sự bình tĩnh, cung cách hành xử của bạn sẽ có tác dụng lớn hơn lời nói của bạn.

Thái độ tránh né

Những người có thái độ này nhìn thế giới qua ống kính của sự bất an của họ, thường liên quan tới những hoài nghi về năng lực và trí thông minh của bản thân. Có lẽ khi còn nhỏ, họ đã cảm thấy có lỗi và không thoải mái với bất kỳ nỗ lực nào để trở nên vượt trội và nổi bật so với các anh chị em; hoặc về bản chất, họ cảm thấy tồi tệ về bất kỳ loại sai lầm hoặc hành vi sai trái nào có thể xảy ra. Điều họ sợ hãi nhất là sự phán xét của cha mẹ họ. Khi những người này lớn tuổi hơn, mục tiêu chính của họ trong cuộc sống là tránh né mọi trách nhiệm hoặc thách thức mà trong đó lòng tự trọng của họ có thể bị đe dọa và họ có thể bị phán xét. Nếu họ không quá cố gắng trong cuộc sống, họ không thể thất bại hoặc bị chỉ trích.

Để thực thi chiến lược này, họ sẽ liên tục tìm kiếm các lối thoát, một cách có ý thức hoặc vô thức. Họ sẽ tìm thấy lý do hoàn hảo để sớm rời bỏ một công việc và thay đổi nghề nghiệp, hoặc cắt đứt một mối quan hệ. Trong một dự án nhiều rủi ro nào đó, họ sẽ đột nhiên phát bệnh và từ bỏ nó. Họ dễ bị mắc mọi loại bệnh tâm thần. Hoặc họ trở thành những kẻ nghiện rượu, hay nghiện một loại nào đó, luôn bắt đầu uống rượu vào đúng lúc nhưng đổ lỗi điều này cho “chứng bệnh” mà họ mắc phải, và sự dạy dỗ tồi tệ vốn là nguyên do của chứng nghiện. Nếu không phải vì rượu, hẳn họ có thể trở thành một nhà văn hay doanh nhân lớn, họ nói thế. Các chiến lược khác bao gồm sự lãng phí thời gian và sự bắt đầu quá muộn một công việc gì đó, luôn luôn với một lý do tuyệt hảo vì sao điều đó đã xảy ra. Khi đó họ không thể bị đổ lỗi vì những kết quả xoàng xĩnh.

Những dạng người này khó mà tận tâm với bất cứ điều gì, vì một lý do khá hợp lý. Nếu họ tiếp tục gắn bó với một công việc hoặc một mối quan hệ, sai sót của họ có thể trở nên quá rõ ràng với những người khác. Tốt hơn nên chuồn vào đúng thời điểm và duy trì ảo tưởng - với chính họ và với những người khác - về sự vĩ đại có thể có của họ, nếu như… Dù họ thường bị thôi thúc bởi nỗi e sợ lớn đối với sự thất bại và những phán xét xảy ra sau đó, họ cũng ngấm ngầm e sợ sự thành công - bởi lẽ cùng với sự thành công sẽ xuất hiện những trách nhiệm và nhu cầu phải hoàn thành chúng. Thành công cũng có thể kích hoạt nỗi sợ hãi đầu đời của họ đối với sự nổi bật và xuất sắc.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra những người như vậy thông qua việc thường xuyên thay đổi nghề nghiệp và các mối quan hệ cá nhân ngắn hạn của họ. Họ có thể cố gắng ngụy trang nguồn gốc của các vấn đề của mình bằng cách tỏ ra thánh thiện - họ coi thường thành công và những người phải tự chứng tỏ bản thân. Thường thì họ sẽ tự thể hiện mình như những người hay lý tưởng hóa cao quý, rêu rao những ý tưởng vốn sẽ không bao giờ thực hiện nhưng sẽ bổ sung thêm cho vầng hào quang thánh thiện mà họ muốn phát ra. Việc phải thực hiện những lý tưởng có thể khiến cho họ bị chỉ trích hoặc thất bại, vì vậy họ chọn những lý tưởng quá cao cả và không thực tế đối với thời đại họ đang sống. Đừng bị lừa dối bởi vẻ ngoài mà họ thể hiện. Hãy nhìn vào những hành động của họ, sự thiếu thành tựu của họ, và những dự án tuyệt vời mà họ không bao giờ khởi sự, luôn luôn với một lời bào chữa có lợi cho mình.

Nếu bạn nhận thấy dấu vết của thái độ này ở chính mình, chiến lược tốt là thực hiện một kế hoạch với quy mô nhỏ nhất, tiến hành nó tới cùng và đón nhận viễn cảnh thất bại. Nếu thất bại, bạn cũng giảm thiểu được hậu quả vì đã lường trước được và chắc chắn nó sẽ không gây nhiều tổn thương như bạn tưởng tượng. Lòng tự trọng của bạn sẽ tăng lên vì cuối cùng bạn đã thử một cái gì đó và hoàn thành nó. Một khi đã giảm được nỗi e sợ này, tiến trình sẽ trở nên dễ dàng. Bạn sẽ muốn thử lại. Và nếu bạn thành công thì quá tốt. Dù sao đi nữa, bạn vẫn thắng.

Khi bạn nhận thấy thái độ này ở những người khác, hãy cảnh giác cao độ khi hình thành quan hệ đối tác với họ. Họ là những bậc thầy trong việc chuồn đi không đúng lúc, khiến bạn phải thực hiện mọi công việc khó khăn và chịu trách nhiệm nếu thất bại. Bằng mọi giá hãy tránh sự cám dỗ muốn giúp đỡ hoặc giải cứu họ khỏi tình trạng tiêu cực của họ. Họ quá giỏi trong trò chơi tránh né.

Thái độ trầm cảm

Khi còn bé, những dạng người này không được cha mẹ yêu thương hay tôn trọng. Đối với những đứa trẻ bất lực, sẽ là quá sức khi hình dung rằng cha mẹ chúng có thể sai hoặc có thiếu sót trong việc thực hiện bổn phận phụ huynh. Ngay cả khi không được yêu thương, chúng vẫn phụ thuộc vào họ. Và vì vậy, cách tự vệ của chúng là thường xuyên đồng hóa với những đánh giá tiêu cực và hình dung rằng chúng thật sự không xứng đáng được yêu thương, rằng ở chúng có gì đó thật sự không ổn. Bằng cách này, chúng có thể duy trì ảo tưởng rằng cha mẹ chúng mạnh mẽ và giỏi giang. Tất cả những điều này xảy ra khá vô thức, nhưng cảm giác vô giá trị sẽ ám ảnh những người như vậy trong suốt cuộc đời của họ. Trong thâm tâm, họ sẽ cảm thấy tự xấu hổ và thật sự không biết vì sao họ lại cảm thấy như vậy.

Khi trưởng thành, họ sẽ lường trước sự từ bỏ, mất mát và u buồn trong những trải nghiệm của mình và nhìn thấy dấu hiệu của những điều có khả năng gây thất vọng trong thế giới xung quanh. Họ bị ngấm ngầm lôi kéo vào những thứ u ám trên đời, vào mặt trái của cuộc sống. Nếu họ có thể tạo ra một trạng thái trầm cảm nào đó mà họ cảm thấy theo cách này, ít nhất nó cũng nằm dưới sự kiểm soát của họ. Họ được an ủi bởi ý nghĩ rằng thế giới là một nơi ảm đạm. Một chiến lược họ sẽ sử dụng trong suốt cuộc đời mình là tạm thời rút lui khỏi cuộc sống và mọi người. Điều này sẽ nuôi dưỡng cơn trầm cảm của họ và cũng biến nó thành một thứ gì đó mà họ có thể kiểm soát được ở một mức độ nào đó, trái ngược với những trải nghiệm đau đớn bị áp đặt lên họ.

Một ví dụ rất phù hợp với dạng này là nhà soạn nhạc và nhạc trưởng tài năng người Đức Hans von Bülow (1830-1894). Năm 1855, von Bülow gặp và yêu Cosima Liszt (1837-1930), cô con gái quyến rũ của nhà soạn nhạc Franz Liszt. Cosima bị thu hút bởi vẻ u buồn của von Bülow. Chàng sống với một bà mẹ có thái độ độc đoán và thù địch, và Cosima rất thông cảm với chàng. Nàng muốn giải cứu von Bülow và biến chàng thành một nhà soạn nhạc vĩ đại. Ít lâu sau họ kết hôn. Thời gian trôi qua, Cosima có thể thấy rằng chồng mình cảm thấy khá thấp kém so với trí thông minh và ý chí mạnh mẽ của mình. Không bao lâu sau đó, chàng bắt đầu đặt câu hỏi về tình yêu của nàng dành cho chàng. Chàng liên tục rút lui khỏi nàng trong cơn trầm cảm. Khi nàng mang thai, chàng đột nhiên mắc một số bệnh bí ẩn khiến chàng không thể ở bên nàng. Không hề có sự cảnh báo nào, chàng có thể trở nên cực kỳ lãnh đạm.

Cảm thấy không được yêu thương và bị bỏ rơi, Cosima bắt đầu ngoại tình với nhà soạn nhạc nổi tiếng Richard Wagner, một người bạn và đồng nghiệp của von Bülow. Nàng có cảm giác rằng von Bülow đã vô tình khuyến khích chuyện tình cảm của họ. Cuối cùng, khi nàng rời bỏ chồng để sống với Wagner, von Bülow đã ồ ạt gửi thư cho nàng, tự trách mình về những gì đã xảy ra, rằng chàng không xứng đáng với tình yêu của nàng. Sau đó, chàng đi tới khúc quanh tồi tệ trong sự nghiệp, mắc những căn bệnh khác nhau, và luôn có xu hướng muốn tự sát. Dù chàng chỉ tự trách mình, nàng không thể không cảm thấy tội lỗi và buồn phiền vì theo cách nào đó nàng cũng có trách nhiệm. Việc thuật lại mọi tai ương dường như là một cách thức tinh vi của chàng để làm tổn thương nàng. Cosima so sánh mỗi lá thư với “một thanh kiếm xoáy vào tim tôi”. Và chúng tiếp tục được gửi cho nàng, năm này qua năm khác, cho đến khi von Bülow tái hôn và lặp lại khuôn mẫu tương tự với người vợ mới.

Những dạng này thường có một nhu cầu bí mật đối với việc làm tổn thương người khác, khuyến khích những hành vi như phản bội hoặc chỉ trích vốn sẽ nuôi dưỡng sự trầm cảm của họ. Họ cũng sẽ tự phá hoại chính mình nếu họ trải nghiệm bất kỳ loại thành công nào, cảm thấy trong thâm tâm rằng họ không xứng đáng với điều đó. Họ sẽ tạo nên những chướng ngại vật trong công việc của mình, hoặc hiểu những lời chỉ trích theo nghĩa họ không nên tiếp tục với sự nghiệp của họ nữa. Thông thường, những dạng người trầm cảm có thể thu hút mọi người đến với họ, do bản chất nhạy cảm của họ; họ kích thích mong muốn giúp đỡ họ. Nhưng giống như von Bülow, họ sẽ bắt đầu chỉ trích và làm tổn thương những người muốn giúp đỡ, và sau đó rút lui. Cách hành xử “đẩy và kéo” này khiến người khác bối rối, nhưng một khi đã mắc phải bùa mê của họ, rất khó thoát khỏi họ mà không cảm thấy tội lỗi. Họ có một khả năng thiên phú đối với việc làm cho những người khác cảm thấy buồn phiền vì sự hiện diện của họ. Điều này cung cấp cho họ nhiều nhiên liệu hơn để đốt.

Hầu hết chúng ta đều có xu hướng và những khoảnh khắc trầm cảm. Cách tốt nhất để xử lý chúng là nhận thức được sự cần thiết của chúng - chúng là cách thức của cơ thể và tâm trí nhằm buộc chúng ta phải chậm lại, giảm bớt năng lượng và rút lui. Những chu kỳ trầm cảm có thể phục vụ cho các mục đích tích cực. Giải pháp là nhận ra sự hữu ích và phẩm chất tạm thời của chúng. Cơn trầm cảm của bạn hôm nay sẽ kết thúc sau một tuần và bạn có thể vượt qua nó. Nếu có thể, hãy tìm cách nâng cao mức năng lượng của bạn, điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi tâm trạng đó về mặt thể chất. Cách tốt nhất để xử lý trầm cảm tái phát là hướng năng lượng của bạn vào công việc, đặc biệt là nghệ thuật. Bạn phải làm quen với việc rút lui và ở một mình; sử dụng thời gian đó để khai thác khu vực vô thức của bạn. Hãy hướng sự nhạy cảm khác thường của bạn và những cảm xúc u ám của bạn vào chính công việc.

Đừng bao giờ cố gắng nâng đỡ những người trầm cảm bằng cách giảng giải với họ về sự diệu kỳ của cuộc sống. Thay vì vậy, tốt nhất là nhất trí với quan điểm u ám của họ về thế giới trong khi khéo léo đưa họ vào những trải nghiệm tích cực có thể nâng cao tâm trạng và năng lượng của họ mà không cần bất kỳ yêu cầu trực tiếp nào.

Thái độ bực tức

Khi còn bé, những dạng người này không bao giờ cảm thấy họ có đủ tình yêu và tình cảm của cha mẹ - họ luôn tham lam muốn được chú ý nhiều hơn. Họ mang theo bên mình cảm giác bất mãn và thất vọng này trong suốt cuộc đời. Họ không bao giờ hoàn toàn nhận được sự công nhận mà họ xứng đáng. Họ là những chuyên gia trong việc tìm kiếm trên nét mặt của mọi người những dấu hiệu thiếu tôn trọng hoặc coi thường. Họ thấy mọi thứ đều có liên quan đến bản thân họ; nếu ai đó có nhiều hơn họ, đó là một dấu hiệu của sự bất công, một sự sỉ nhục cá nhân. Khi cảm thấy thiếu sự tôn trọng và công nhận này, họ không nổi cơn thịnh nộ. Nhìn chung, họ thận trọng và thích kiểm soát những cảm xúc của mình. Thay vì vậy, tổn thương vẫn được ấp ủ trong lòng họ, cảm giác về sự bất công ngày càng mạnh mẽ khi họ suy nghĩ về điều này. Họ không dễ dàng quên. Ở một thời điểm nào đó, họ sẽ trả thù bằng một hành động phá hoại hoặc sự gây hấn thụ động đã được mưu tính kỹ càng.

Vì họ liên tục có một cảm giác bị đối xử không đúng, họ có xu hướng phóng chiếu điều này vào thế giới, nhìn thấy những kẻ áp bức ở khắp mọi nơi. Theo cách này, họ thường trở thành thủ lĩnh của những người cảm thấy bất mãn và bị áp bức. Nếu những dạng người này nắm được quyền lực, họ có thể trở nên rất xấu xa, thích báo thù, và rốt cuộc có thể trút sự phẫn nộ lên những nạn nhân khác nhau. Nói chung, họ luôn có vẻ cao ngạo; họ ở bên trên những người khác ngay cả khi không ai nhận ra điều này. Họ ngẩng đầu quá cao; họ thường có một nụ cười nhếch mép hoặc vẻ mặt khinh khỉnh. Khi lớn tuổi hơn, họ có xu hướng chọn những trận chiến nhỏ, không thể kiềm chế hoàn toàn sự phẫn nộ đã tích lũy theo thời gian. Thái độ cay đắng này đẩy rất nhiều người ra xa, và vì vậy họ thường kết thúc bằng cách tụ tập với những người khác có thái độ tương tự, xem đó là một hình thức cộng đồng của họ.

Hoàng đế La Mã Tiberius (42TCN-37) có lẽ là ví dụ kinh điển nhất của dạng này. Khi ông còn bé, vị sư phó của ông nhận thấy có điều gì đó không ổn với cậu bé này. Có lần ông thầy viết cho một người bạn: “Cậu ta là một cái bình được đúc bằng máu và mật”. Nhà văn Suetonius, vốn biết Tiberius, đã mô tả về ông như sau: “Ông ta bước đi vác theo cái đầu vênh vênh đầy tự đắc… hầu như ông ta luôn im lặng, rất thi thoảng mới nói một câu… Và thậm chí lúc đó ông ta làm điều này với vẻ cực kỳ miễn cưỡng, đồng thời thể hiện những cử chỉ khinh bỉ qua những ngón tay. Hoàng đế Augustus, cha dượng của ông ta, đã phải liên tục xin lỗi Viện Nguyên lão vì cách cư xử khó chịu, cực kỳ ngạo mạn của ông ta”. Tiberius ghét mẹ mình, bà không bao giờ yêu ông đủ. Ông không bao giờ cảm thấy được Augustus, hoặc binh lính của người, hoặc dân chúng La Mã đánh giá cao. Khi trở thành hoàng đế, ông trả thù một cách chậm rãi và có phương pháp những người mà ông cảm thấy đã coi thường ông, và sự trả thù đó rất lạnh lùng và tàn nhẫn.

Khi lớn tuổi hơn, ông ngày càng không được lòng dân chúng. Kẻ thù của ông nhiều vô số. Cảm thấy sự căm ghét của thần dân, ông chuyển tới đảo Capri, nơi ông trải qua mười một năm trị vì cuối cùng, gần như hoàn toàn tránh né thành Rome. Ông nổi tiếng vì câu nói thường được lặp lại với những người khác trong những năm cuối đời: “Sau khi ta chết, hãy để cho lửa hủy diệt trái đất!” Khi ông chết, thành Rome tưng bừng lễ hội, đám đông bày tỏ cảm xúc của họ với cụm từ nổi tiếng “Tiberius. Hãy cút xéo xuống [sông] Tiber!”

Nếu bạn nhận thấy xu hướng bực bội trong chính mình, thuốc giải độc tốt nhất là học cách buông bỏ những tổn thương và thất vọng trong cuộc sống. Để cho cảm xúc bùng nổ thành cơn tức giận vào đúng khoảnh khắc đó, ngay cả khi nó không hợp lý, vẫn tốt hơn là gặm nhấm sự khinh miệt mà có lẽ bạn đã tưởng tượng ra hoặc phóng đại lên. Mọi người thường thờ ơ với số phận của bạn, không chống đối nó như bạn tưởng tượng. Có rất ít hành động của họ thật sự nhắm vào bạn. Hãy ngưng nhìn mọi thứ theo quan điểm cá nhân. Sự tôn trọng là thứ phải kiếm được thông qua những thành tựu của bạn chứ không phải là thứ được trao cho bạn chỉ đơn giản vì bạn là con người. Bạn phải phá vỡ chu kỳ bực bội bằng cách trở nên khoan dung hơn với mọi người và bản chất con người.

Khi đối phó với những dạng này, bạn phải cực kỳ thận trọng. Dù họ có thể mỉm cười và tỏ ra vui vẻ, thật sự họ đang ngầm dò xét bạn để xem có bất kỳ sự xúc phạm nào hay chăng. Bạn có thể nhận ra họ thông qua những trận chiến trong quá khứ và những sự cắt đứt bất ngờ với mọi người của họ, cũng như cách họ dễ dàng phán xét người khác. Bạn có thể cố gắng từ từ chiếm được lòng tin của họ và giảm bớt sự nghi ngờ của họ; nhưng hãy lưu ý rằng càng ở bên cạnh họ lâu, bạn sẽ càng đem đến cho họ nhiều thứ để bực tức và phản ứng của họ có thể rất xấu xa. Tốt hơn nên tránh dạng người này nếu có thể.

Thái độ mở rộng (tích cực)

Khoảng 50 năm trước, nhiều chuyên gia y tế bắt đầu nghĩ về sức khỏe theo một cách mới mẻ và mang tính cách mạng. Thay vì tập trung vào các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như tiêu hóa hoặc bệnh ngoài da hoặc tình trạng của tim, họ quyết định rằng nhìn vào cơ thể con người theo tổng trạng sẽ tốt hơn nhiều. Nếu mọi người cải thiện chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục sẽ có lợi cho tất cả các cơ quan, vì cơ thể là một tổng thể liên kết với nhau.

Hiện giờ điều này có vẻ khá hiển nhiên đối với chúng ta, nhưng cách suy nghĩ mang tính hệ thống như vậy có ứng dụng tuyệt vời đối với sức khỏe tâm lý của chúng ta. Hơn bao giờ hết, mọi người hiện đang tập trung vào các vấn đề cụ thể của chính mình - trạng thái trầm cảm, sự thiếu động lực, những bất tương thích với xã hội, sự chán chường. Nhưng cái chi phối tất cả những vấn đề dường như riêng biệt này chính là thái độ của chúng ta, cách chúng ta nhìn thế giới hằng ngày. Đó là cách chúng ta nhìn và giải thích các sự kiện. Hãy cải thiện toàn bộ thái độ và mọi thứ khác cũng sẽ được nâng cao - năng lực sáng tạo, khả năng xử lý căng thẳng, mức độ tự tin, mối quan hệ với mọi người. Đó là một ý tưởng được công bố lần đầu tiên vào thập niên 1890 bởi nhà tâm lý học lớn người Mỹ William James, nhưng nó vẫn là một cuộc cách mạng đang chờ để xảy ra.

Một thái độ tiêu cực, co cụm sẽ thu hẹp sự phong phú của cuộc sống với cái giá của năng lực sáng tạo, ý thức về sự hoàn thành, những niềm vui xã hội và năng lượng sống của chúng ta. Không lãng phí thêm một ngày nào nữa trong những điều kiện như vậy, mục tiêu của bạn là thoát ra để mở rộng những gì bạn thấy và những gì bạn trải nghiệm. Bạn muốn mở càng rộng càng tốt khẩu độ của thấu kính. Đây là bản đồ đường đi của bạn.

Cách nhìn thế giới: hãy xem mình là một nhà thám hiểm. Với khả năng thiên phú về ý thức, bạn đứng trước một vũ trụ bao la và chưa được biết tới mà loài người chúng ta chỉ mới bắt đầu điều tra.

Hầu hết mọi người thích bám vào những ý tưởng và nguyên tắc nhất định, nhiều trong số đó đã được áp dụng từ sớm trong cuộc sống. Họ ngấm ngầm e sợ những gì không quen thuộc và không chắc chắn. Họ thay thế sự tò mò bằng niềm tin. Vào năm ba mươi tuổi, họ hành động như thể họ biết hết mọi thứ họ cần phải biết.

Với tư cách một nhà thám hiểm, bạn bỏ lại sau lưng toàn bộ sự chắc chắn đó. Bạn đang tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới và cách tư duy mới. Bạn thấy không có giới hạn nào đối với nơi chốn mà tâm trí của bạn có thể lang thang, và bạn không quan tâm đến việc đột nhiên xuất hiện những ý tưởng đang phát triển và không nhất quán vốn trái ngược với những gì bạn tin tưởng vài tháng trước. Những ý tưởng là những món đồ chơi. Nếu bạn giữ chúng quá lâu, chúng sẽ trở thành vật chết. Bạn đang quay lại với tinh thần và sự tò mò giống như trẻ con của mình từ trước khi bạn có một cái tôi và xem việc hành xử đúng quan trọng hơn là việc kết nối với thế giới. Bạn khám phá mọi dạng kiến thức, từ mọi nền văn hóa và mọi thời kỳ. Bạn muốn được thử thách.

Bằng cách mở rộng tâm trí theo hướng này, bạn sẽ giải phóng những năng lực sáng tạo chưa được nhận ra, và mang lại cho mình niềm vui tinh thần tuyệt vời. Với ý nghĩa là một phần của điều này, hãy cởi mở để khám phá những hiểu biết xuất phát từ vô thức của chính bạn, như được tiết lộ trong những giấc mơ của bạn, trong những phút giây mệt mỏi, và trong những khát khao kìm nén vốn bị rò rỉ vào những thời khắc nhất định. Bạn không có gì phải sợ hoặc phải kìm nén ở đó. Vô thức chỉ là một lãnh vực nữa để bạn tự do khám phá.

Cách nhìn vào nghịch cảnh: Cuộc sống của chúng ta không thể tránh khỏi việc liên quan đến những trở ngại, thất vọng, đau đớn và chia ly. Cách chúng ta xử lý những khoảnh khắc như vậy trong những năm đầu đời đóng một vai trò lớn trong sự phát triển thái độ chung của chúng ta đối với cuộc sống. Đối với nhiều người, những khoảnh khắc khó khăn như vậy thúc đẩy họ hạn chế những gì họ nhìn thấy và trải nghiệm. Họ trải qua cuộc sống, cố gắng tránh mọi nghịch cảnh, ngay cả khi điều này có nghĩa là không bao giờ thật sự thử thách bản thân hoặc gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Thay vì học hỏi từ những trải nghiệm tiêu cực, họ muốn đè nén chúng. Mục tiêu của bạn là làm ngược lại, xem mọi trở ngại như là những cơ hội học hỏi kinh nghiệm, những phương tiện để trở nên mạnh mẽ hơn. Bằng cách này, bạn ghì lấy chính bản thân cuộc sống.

Đến năm 1928, nữ diễn viên Joan Crawford đã có một sự nghiệp khá thành công ở Hollywood, nhưng cô cảm thấy ngày càng thất vọng với những vai diễn hạn chế mà mình nhận được. Cô thấy rằng những nữ diễn viên kém tài năng khác đang vượt qua mình. Có lẽ vấn đề là cô không đủ quyết đoán. Cô quyết định cần nói lên ý kiến của mình với một trong những giám đốc sản xuất quyền lực nhất ở hãng MGM, Irving Thalberg. Cô không nhận ra rằng Thalberg có bản chất không khoan dung và ông ta xem đây là một hành động trơ trẽn. Do đó, ông ta bố trí cho cô đóng trong một cuốn phim về miền Tây, biết rằng đó là điều cuối cùng cô muốn và một số phận như vậy là một ngõ cụt đối với nhiều nữ diễn viên.

Joan đã học được bài học và quyết định nắm lấy số phận của mình. Cô cố gắng yêu thích thể loại này. Cô trở thành một chuyên gia cưỡi ngựa. Cô đọc về miền viễn Tây xưa và bị cuốn hút bởi văn hóa dân gian. Nếu đó là những gì cần thiết để vượt lên, cô quyết định trở thành nữ diễn viên hàng đầu trong những cuốn phim nói về miền Tây. Ít nhất điều này cũng sẽ mở rộng những kỹ năng diễn xuất của cô. Điều này trở thành thái độ suốt đời của cô đối với công việc và những thách thức tối cao mà một nữ diễn viên phải đối mặt ở Hollywood, nơi sự nghiệp nói chung rất ngắn ngủi. Mỗi thất bại là một cơ hội để trưởng thành và phát triển.

Năm 1946, Malcolm Litde 21 tuổi (sau này gọi là Malcolm X)(67) bắt đầu chấp hành bản án tám đến mười năm tù vì tội trộm cắp. Nhà tù nói chung có tác dụng làm cho tội phạm thêm cứng đầu và thu hẹp tầm nhìn vốn đã hẹp của y về thế giới. Thay vì vậy, Malcolm quyết định đánh giá lại cuộc sống của mình. Anh bắt đầu dành thời gian cho thư viện trong trại giam, yêu sách và sự học hỏi. Như giờ đây anh nhận ra, nhà tù cung cấp cho anh phương tiện tốt nhất có thể để thay đổi bản thân và thái độ của anh đối với cuộc sống. Với rất nhiều thời gian, anh có thể học và kiếm cho mình một tấm bằng. Anh có thể phát triển tính kỷ luật mà anh vẫn luôn luôn thiếu. Anh có thể tự đào tạo để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp. Anh nắm lấy kinh nghiệm này, không chút cảm giác cay đắng, và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi đã rời khỏi nhà tù, anh xem bất kỳ khó khăn nào, dù lớn hay nhỏ, như một phương tiện để kiểm tra và rèn luyện bản thân.

Dù nói, chung nghịch cảnh và nỗi đau nằm bên ngoài phạm vi kiểm soát của bạn, bạn vẫn có khả năng quyết định phản ứng của mình và vận mệnh xuất phát từ đó.

Cách nhìn nhận bản thân: Khi lớn tuổi hơn, chúng ta có xu hướng đặt ra những giới hạn về việc chúng ta có thể đi được bao xa trong cuộc sống. Sau nhiều năm, chúng ta đã đồng hóa bản thân với những lời chỉ trích và sự nghi ngờ của người khác. Bằng cách chấp nhận những gì chúng ta cho là giới hạn của trí thông minh và khả năng sáng tạo của mình, chúng ta đã tạo ra một động năng tự hoàn thành. Chúng trở thành những giới hạn của chúng ta. Bạn không cần phải quá khiêm tốn và nhún nhường trong thế giới này. Sự khiêm tốn theo cách đó không phải là một đức tính; đúng hơn nó là một giá trị mà mọi người đề cao để ngăn cản bạn tiến lên. Bất kể hiện giờ bạn đang làm gì, bạn thật sự có nhiều khả năng hơn nữa, và khi suy nghĩ như thế bạn sẽ tạo ra một động năng rất khác.

Hồi thời cổ đại, nhiều lãnh tụ vĩ đại như Alexander Đại đế và Julius Caesar cảm thấy rằng họ là hậu duệ của các vị thần và có một phần bản chất thần thánh. Niềm tin bản thân đó sẽ chuyển hóa thành những mức độ tự tin cao mà những người khác sẽ nhận ra và bị cuốn hút. Nó trở thành một sự tiên đoán tự hoàn thành.

Bạn không cần phải đắm chìm vào những suy nghĩ lớn lao kiểu đó, nhưng cảm giác rằng số phận của bạn đã được ấn định sẵn cho một điều gì đó tuyệt vời hoặc quan trọng sẽ mang lại cho bạn một mức độ kiên cường khi mọi người phản đối hoặc chống lại bạn. Bạn sẽ không đồng hóa bản thân với những nghi ngờ đến từ những khoảnh khắc như vậy. Bạn sẽ có một tinh thần dám nghĩ dám làm. Bạn sẽ liên tục thử những điều mới, thậm chí chấp nhận rủi ro, tự tin vào khả năng của mình để làm lại sau những thất bại và cảm thấy định mệnh của mình là sự thành công.

Khi Chekhov linh cảm về sự tự do tối thượng mà ông có thể tự tạo ra cho mình, ông đã có thứ mà nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow gọi là một “trải nghiệm đỉnh cao”. Đây là những khoảnh khắc mà bạn được nhấc ra khỏi những suy tư nghiền ngẫm thường ngày và cảm thấy rằng có gì đó lớn hơn và thăng hoa hơn trong cuộc sống mà bạn đã bỏ lỡ. Trong trường hợp của Chekhov, nó đã được khơi gợi bởi một cuộc khủng hoảng, bởi sự cô đơn và nó dẫn đến cảm giác chấp nhận hoàn toàn những con người và thế giới xung quanh ông. Những khoảnh khắc này có thể đến từ việc cố gắng vượt qua những gì bạn nghĩ là giới hạn của mình; chúng có thể đến từ việc vượt qua những chướng ngại vật lớn, leo lên một ngọn núi, thực hiện một chuyến du lịch tới một nền văn hóa rất khác biệt, hoặc sự gắn kết sâu sắc đến từ bất kỳ hình thức tình yêu nào. Bạn muốn chủ tâm tìm kiếm những khoảnh khắc như vậy, kích thích chúng nếu bạn có thể. Như đối với Chekhov, chúng có tác dụng thay đổi thái độ của bạn mãi mãi. Chúng mở rộng những gì bạn nghĩ về khả năng của bạn và về chính cuộc sống, và ký ức là thứ mà bạn sẽ luôn quay trở lại để tìm cảm hứng cao nhất.

Nói chung, cách nhìn nhận bản thân này trái ngược với thái độ lạnh lùng, mỉa mai mà nhiều người thích khoác lấy trong thế giới hậu hiện đại - không bao giờ quá tham vọng, không bao giờ quá tích cực về mọi thứ hay cuộc sống, luôn tỏ ra thờ ơ và nhún nhường một cách rất giả tạo. Những dạng người đó cho rằng thái độ tích cực, mở rộng có tính chất lạc quan thái quá và ngớ ngẩn. Nhưng thật ra thái độ lãnh đạm của họ là một tấm mặt nạ thông minh che đậy những nỗi sợ hãi lớn lao của họ - tự làm cho mình bối rối, thất bại, thể hiện quá nhiều cảm xúc. Như với tất cả các xu hướng tương tự trong nền văn hóa, thái độ lãnh đạm cuối cùng sẽ biến mất, một tàn dư của đầu thế kỷ 21. Khi làm theo hướng ngược lại, bạn là người tiến bộ hơn nhiều.

Cách nhìn nhận năng lượng và sức khỏe của bạn: Dù tất cả chúng ta đều là phàm nhân và phải gánh chịu những căn bệnh ngoài tầm kiểm soát, chúng ta phải nhận ra vai trò của sức mạnh ý chí đối với sức khỏe của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cảm thấy điều này ở một mức độ này khác. Khi yêu hoặc cảm thấy phấn khích với công việc của mình, đột nhiên chúng ta có nhiều năng lượng hơn và nhanh chóng hồi phục khỏi mọi bệnh tật. Khi chán nản hoặc căng thẳng bất thường, chúng ta trở thành con mồi cho tất cả các chứng bệnh. Thái độ của chúng ta đóng một vai trò to lớn đối với sức khỏe của chúng ta, một điều mà khoa học đã bắt đầu khám phá và sẽ xem xét sâu hơn trong những thập kỷ tới. Nói chung, bạn có thể đẩy bản thân vượt xa những gì bạn nghĩ là giới hạn thể chất của mình bằng cách cảm thấy phấn khích và bị thách thức bởi một dự án hoặc nỗ lực. Mọi người già đi và già trước tuổi do chấp nhận những giới hạn vật chất đối với những gì họ có thể thực hiện, biến nó thành một chu kỳ tự hoàn thành. Những người lớn tuổi vẫn có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động thể chất, chỉ điều chỉnh cho vừa phải. Bạn có những nguồn năng lượng và sức khỏe mà bạn chưa khai thác.

Cách nhìn nhận những người khác: Trước tiên, bạn phải cố gắng thoát khỏi xu hướng tự nhiên vốn luôn nghĩ rằng những gì mọi người làm và nói đều hướng vào cá nhân bạn, nhất là khi họ nói hoặc làm những điều không thú vị. Thông thường, ngay cả khi họ chỉ trích bạn hoặc hành động chống lại lợi ích của bạn, điều này bắt nguồn từ một nỗi đau sâu sắc trước đó mà họ đang sống lại; bạn trở thành mục tiêu thuận tiện của những thất vọng và oán giận đã tích lũy qua nhiều năm. Họ đang phóng chiếu cảm xúc tiêu cực của chính họ. Nếu bạn có thể nhìn nhận mọi người theo cách này, bạn ít gặp khó khăn hơn trong việc không phản ứng, không cảm thấy bực bội và tránh bị lôi kéo vào một số trận chiến nhỏ. Nếu người đó thật sự xấu xa, bằng cách không trở nên quá nhạy cảm, bạn sẽ ở một vị trí tốt hơn để vạch ra các biện pháp đối phó thích hợp. Bạn sẽ tự cứu mình khỏi việc chất chứa những tổn thương và cảm giác cay đắng.

Hãy xem mọi người như những thực tế của tự nhiên. Họ có đủ loại khác nhau, giống như hoa hoặc đá. Có những gã ngốc, những thánh nhân, những kẻ tâm thần và những kẻ cực kỳ ích kỷ, và những chiến binh cao quý; có những người nhạy cảm và vô cảm. Tất cả đều đóng một vai trò trong hệ sinh thái xã hội của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể đấu tranh để thay đổi hành vi gây hại của những người gần gũi với chúng ta hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của chúng ta; nhưng chúng ta không thể tái cấu trúc bản chất con người, và ngay cả khi bằng cách nào đó chúng ta thành công, kết quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta có. Bạn phải chấp nhận sự đa dạng và thực tế rằng mọi người là cái họ đang là. Việc họ khác biệt với bạn không nên được coi là một thách thức đối với bản ngã hoặc lòng tự trọng của bạn mà là một điều gì đó để chào đón và ôm chầm lấy.

Từ thái độ trung lập hơn này, bạn có thể cố gắng thấu hiểu những người bạn đang đối phó ở mức độ sâu sắc hơn, như Chekhov đã làm với cha mình. Càng thực hiện điều này nhiều lần, bạn sẽ càng có xu hướng khoan dung hơn đối với con người và bản chất con người nói chung. Tinh thần cởi mở, khoan dung của bạn sẽ giúp cho những tương tác xã hội của bạn trở nên phẳng phiu êm ái hơn nhiều, và mọi người sẽ bị bạn thu hút.

CUỐI CÙNG, HÃY SUY NGHĨ TỚI KHÁI NIỆM HIỆN ĐẠI VỀ THÁI ĐỘ TRONG PHẠM VI khái niệm cổ xưa về linh hồn. Khái niệm linh hồn được tìm thấy trong hầu hết các nền văn hóa bản địa và trong các nền văn minh tiền hiện đại. Ban đầu nó chỉ các nguồn lực tinh thần bên ngoài tràn ngập trong vũ trụ và nằm bên trong cá thể con người dưới dạng linh hồn. Linh hồn không phải là tâm trí hay cơ thể mà là tinh thần tổng thể mà chúng ta thể hiện, cách thức chúng ta trải nghiệm thế giới. Đó là cái biến một người trở thành một cá thể, và khái niệm linh hồn có liên quan đến những ý tưởng sớm nhất về tính cách. Theo khái niệm này, linh hồn của một người có thể có những chiều sâu. Một số người sở hữu một mức độ cao hơn của nguồn lực tinh thần này, nên họ có linh hồn phong phú hơn. Những người khác thiếu một tính cách trong nguồn lực này và có phần vô hồn.

Khái niệm này có sự liên quan chặt chẽ với ý tưởng của chúng ta về thái độ. Trong quan niệm hiện đại về linh hồn, chúng ta thay thế nguồn lực tâm linh bên ngoài này bằng chính bản thân cuộc sống, hoặc những gì có thể được mô tả là nguồn lực cuộc sống. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp và không thể đoán trước, sức mạnh của nó vượt xa bất kỳ thứ gì chúng ta có thể hoàn toàn thấu hiểu hoặc kiểm soát. Nguồn lực cuộc sống này được phản ánh trong tự nhiên và xã hội loài người bởi sự đa dạng đáng chú ý mà chúng ta tìm thấy trong cả hai phạm vi này.

Ở một phía, chúng ta tìm thấy những người mà mục tiêu của họ trong cuộc sống là hạn chế và kiểm soát nguồn lực cuộc sống này. Điều này dẫn họ đến các chiến lược tự hủy hoại. Họ phải hạn chế suy nghĩ của họ và vẫn hành xử theo những ý tưởng vốn đã mất đi tính chất thích đáng của chúng. Họ phải giới hạn những gì họ trải nghiệm. Mọi thứ là về họ, những nhu cầu nhỏ nhặt và các vấn đề cá nhân của họ. Họ thường bị ám ảnh bởi một mục tiêu cụ thể vốn chi phối mọi ý nghĩ của họ - chẳng hạn việc kiếm tiền hoặc gây chú ý. Tất cả những điều này khiến họ chết ở bên trong khi họ tự nhốt chặt mình trước sự phong phú của cuộc sống và sự đa dạng của kinh nghiệm con người. Theo cách này, họ hướng về phía vô hồn, một sự thiếu chiều sâu và độ linh hoạt nội tâm.

Mục tiêu của bạn phải là luôn luôn hướng tới phía ngược lại. Bạn khám phá lại sự hiếu kỳ mà bạn từng có khi còn nhỏ. Mọi sự vật và mọi người là một nguồn thu hút đối với bạn. Bạn tiếp tục học hỏi, liên tục mở rộng những gì bạn biết và những gì bạn trải nghiệm. Bạn cảm thấy rộng lượng và khoan dung với mọi người, ngay cả với kẻ thù và với những người bị mắc kẹt trong tình trạng vô hồn. Bạn không tự biến mình thành nô lệ của sự cay đắng hay oán giận. Thay vì đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh, bạn nhìn thấy vai trò của thái độ và những hành động của chính bạn trong bất kỳ thất bại nào. Bạn thích nghi với hoàn cảnh thay vì phàn nàn về chúng. Bạn chấp nhận và xem sự không chắc chắn và những điều bất ngờ như những phẩm chất quý giá của cuộc sống. Theo cách này, linh hồn của bạn mở rộng ra các tình huống của bản thân sự sống và tự lấp đầy với nguồn lực cuộc sống này.

Hãy học cách đánh giá những người mà bạn phải đối phó bằng chiều sâu linh hồn của họ, và nếu có thể hãy liên kết càng nhiều càng tốt với những người có thái độ mở rộng.

Đây là lý do vì sao cùng những sự kiện hoặc hoàn cảnh bên ngoài lại không có ảnh hưởng như nhau đối với hai người; ngay cả với môi trường xung quanh hoàn toàn giống nhau, mỗi người vẫn sống trong một thế giới của riêng mình… Thế giới mà trong đó một cá nhân sống tự định hình chính nó chủ yếu bởi cách thức người đó nhìn thấy nó, và do đó nó tỏ ra khác biệt đối với những cá nhân khác nhau; với kẻ này thì cằn cỗi, buồn tẻ và giả tạo; với kẻ kia thì phong nhiêu, thú vị, và đầy ý nghĩa. Khi nghe về những sự kiện thú vị đã xảy ra trong quá trình trải nghiệm của một cá nhân, nhiều người sẽ ước rằng những điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của họ, hoàn toàn quên rằng đúng ra họ nên ghen tị với năng khiếu tinh thần vốn mang tới cho những sự kiện đó một tầm quan trọng mà chúng có, khi người đó mô tả chúng.

- Arthur Schopenhauer

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3