Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 14: Sau khi mồ yên mả đẹp

CHƯƠNG 14 : SAU KHI MỒ YÊN MẢ ĐẸP

Việc chôn cất coi như hoàn-tất vào ngày thứ ba sau khi con cháu đi ấp mộ lần cuối cùng. Việc chôn cất xong, nhưng tang lễ chưa xong, con cháu còn đang đau-đớn. Còn nhiều nghi lễ khác để con cháu tỏ lòng hiếu với cha mẹ.
I. CÁC TUẦN TỪ SƠ-THẤT TỚI THẤT-THẤT

Các gia-đình Phật-tử, khi cha mẹ chết đã an-táng rồi, cứ bẩy ngày lại có mời tăng ni tới tụng kinh tại nhà, hoặc xin làm lễ tụng kinh tại chùa.

Buổi tụng kinh sau bẩy ngày đầu tiên gọi là Sơ-thất, sau đó là Nhị-thất cho tới tuần thứ bẩy gọi là Thất-thất. Tuần cuối cùng này còn gọi là Chung-thất hoặc Tứ-cửu.

Nếu tụng kinh tại chùa, thì trong các ngày tuần từ Sơ-thất đến Thất-thất, hồn-bạch hoặc thần-chủ được rước lên chùa.

Riêng tuần Chung-thất là tuần sau cùng, con cháu cúng tại nhà có tế-lễ, bằng mang lên chùa thì có làm chay để tụng kinh sám-hối, có khi ba ngày đêm để vong-hồn người khuất được siêu-sinh tịnh-độ.
II. LÀM CHAY

Con cháu sợ cha mẹ bị tội-lỗi nên làm chay có tụng-kinh sám-hối, nhất là trong trường-hợp người chết bị chết bất thình-lình hoặc bất-đắc-kỳ-tử.

Việc làm chay trong tuần Tứ-cửu cũng tương-tự như đàn chay cúng vào dịp tết Trung-nguyên để cầu siêu độ cho tổ-tiên.
1) ĐÀN CHAY

- Trên cùng tượng Tam-bảo, hoặc có khi ba bình hương thay thế.

- Thứ là tượng Tam-phủ, tượng các vị coi về Trời, Đất và Nước tức là Thiên-phủ, Địa-phủ và Thủy-Phủ, hoặc ba bình hương thay-thế.

- Ở giữa là tượng đức Thích-Ca và hai bên tả hữu có tượng Thiên quan và Thành-hoàng hoặc ba bình hương thay-thế.

- Hai bên có thập điện Diêm-Vương.

- Ở giữa về phía dưới là Địa-ngục.

- Dưới cùng là bàn thờ Chúng-sinh.

- Trước bàn thờ là đàn Mông-Sơn dựng cao lên để chủ-lễ làm dấu hiệu siêu-sinh cho hương-hồn người chết.
2) NGHI THỨC LỄ LÀM CHAY RẤT PHỨC

Dưới đây là những điểm chính :

- Lễ Phật để cầu sự từ-bi hỉ-xả.

- Lễ Tam-phủ để xin xóa-bỏ tội-lỗi.

- Lễ cầu-vong tức là lễ yêu-cầu vong-hồn người chết nhập vào một con đồng để cho biết ý muốn của vong và cho hiểu đời sống của vong bên kia thế-giới ra sao.

- Lễ phá-ngục để mở cửa ngục tha các tội-nhân.

- Lễ giải-oan cắt-đoạn, để sửa-chữa tội-lỗi cũ và dứt-bỏ dây oan-nghiệp.

- Lễ phóng-đăng phóng-sinh tức là thả đèn và thả chim lên trời hoặc cá xuống sông. Lễ này để chuộc-tội cho vong.

- Lễ cúng cháo để bố-thí cháo và thức ăn cho chúng-sinh.

Trong các lễ trên, lễ phá-ngục rút nguyên-ủy trong kinh nhà Phật.

Bà Mục-Liên là một hiếu-tử gương-mẫu. Được Phật độ, ngày rằm tháng 7, bà được phép xuống địa-ngục để cứu mẹ đang chịu tội vì những tội ác đã mắc phải ở trần gian.

Lễ phá-ngục diễn lại sự tích này. Bà Mục-Liên đi tìm mẹ, nhờ có cây gậy phép, phá hết mọi cửa ngục, bà cứu được mẹ.

Lễ làm chay rất tốn kém, chỉ những gia-đình dư-dật lắm mới có lễ này.
III. TUẦN TỐT-KHỐC

Một trăm ngày là tuần Tốt-Khốc, nghĩa là kể từ tuần này trở đi, con cháu sẽ thôi khóc.

Từ khi an-táng cho tới trăm ngày, con cháu ngày 2 bữa phải có cơm canh cúng.

Tuần Tốt-Khốc, con cháu cúng-tế lần chót, và từ nay không phải dâng cơm ngày 2 buổi nữa.

Tuần Tốt-Khốc còn gọi là tuần Bách-Nhật, và nôm na là tuần Trăm-ngày.

Nếu người chết còn quàn tại một nơi nào chưa chôn, con cháu không được làm lễ tốt-khốc, và chỉ được cúng ngày hai bữa như chiêu-tịch-diện. Buổi cúng trăm ngày là buổi cuối cùng.

Tuần Tốt-Khốc có tế-lễ và cũng có nghi-tiết như các cuộc tế khác.

VĂN-TẾ TỐT-KHỐC : « Ngày tháng thoi đưa, tới tuần tốt-khốc ; Cây lặng gió lay, khóc làm sao được. Cha (hoặc mẹ) từ khuất mặt, tưởng linh-hồn như ở linh-sàng. Con khó có lòng, thờ lúc chết như thờ lúc sống ».
IV. NGÀY TIỂU-TƯỜNG

Lễ Tốt-Khốc xong, việc thờ phụng người khuất từ đây chỉ còn cúng trong những ngày tuần-tiết.

Cho đến một năm sau, đúng ngày người chết qua đời, con cháu cúng giỗ đầu, còn gọi là lễ tiểu-tường. Đây là giỗ đầu tiên cúng người chết.

Tiểu-tường là điềm lành nhỏ. Người chết sau một năm kể như hương-hồn đã được yên-vị nơi cửu-tuyền, những tà ma không dám tới quấy-nhiễu, và ở trên trần, sự đau-đớn của con cháu cũng đã nguôi được phần nào.

Trong ngày giỗ đầu tại những gia đình phú-quý có cúng tế và tại các gia-đình bình-thường chỉ có lễ cúng và con cháu vào lễ trước bàn thờ.

Nhân dịp tiểu-tường, người ta có đốt mã cho người khuất. 65

Sau khi giỗ đầu rồi, tang-phục có thể bỏ bớt sô gai : về phần trai, vải sô khâu trước ngực và sau lưng bỏ đi, mũ bỏ những phụ-bàn bên ngoài ; còn về phần gái, quần khỏi để dài quét đất, áo bỏ vải lưng đi. 66
V. NGÀY ĐẠI-TƯỜNG

Ngày đại-tường là ngày giỗ thứ hai của người chết. Đối với tang-gia đây là một điều lành vì sau ngày đại-tường con cái sẽ bỏ tang-phục, còn đối với người khuất cũng là một điều lành, vì sau hai năm sống ở cõi âm hương-hồn người khuất đã rời được xác-thịt hẳn. Và từ đây hàng năm tới ngày giỗ sẽ về thăm con cháu.

Ngày đại-tường còn gọi là giỗ hết hay là giỗ đoạn, ý nói việc để tang sẽ hết sau ngày giỗ này.

Giỗ cũng cúng theo nghi-lễ và cũng có văn-tế nếu con cháu khá giả tổ chức cuộc tế, bằng không chỉ cúng lễ cũng đủ.

Cúng giỗ đại-tường xong, con cái đổi áo chàm khăn sô, chặt gậy, mũ áo bỏ cả, chỉ mặc y-phục trắng, tượng-trưng cho màu tang.

Ngày giỗ đại-tường con cháu cũng có đốt mã cho người khuất. 67

VĂN TẾ TIỂU VÀ ĐẠI-TƯỜNG :

« Năm… tháng… ngày… Cô tử (hoặc ai tử)… cùng cả họ, vì nay đến ngày tiểu (hoặc đại) tường, kính dâng chay nhạt, mọi lễ cáo chung Hiển Khảo (hoặc Tỷ… (chức-tước, họ)… quý công tự… thụy… phủ-quân (mẹ thị mỗ công chính hay trắc-thất mỗ quý thị hiệu từ hoặc diệu… nhụ-nhân) trước linh-tọa khóc mà than rằng :

« Than ôi ! Chồi thung (huyên) tuyết phủ, núi Hỗ (Dĩ) mây che ; làm chi sớm độc-địa hỡi trời, hơn một ngày không ở, đành tử sinh có mệnh, kém một ngày không đi. Nhớ những lúc một nhà xum họp, cha (mẹ) trước, con sau ; Bỗng vì đâu hai ngả chia phôi, kẻ còn, người khuất. Than ôi ! Công-đức chưa đến, đau-đớn nhẽ chứa-chan giọt-lệ. Âm-dương xa cách, xót xa thay bối rối ruột tầm !

« Tính đốt ngón tay, chưa khô hàng lệ, tính ngày vừa ba trăm sáu mốt ngày giỗ đầu diện-lễ. (Hoặc đại-tường thì đổi. Tính đốt ngón tay, đã ba năm hai mươi nhăm tháng, là tiết đại-tường, chưa khô hàng lệ, đã bảy trăm hai mươi mốt ngày, là tuần giỗ đoạn).

« Chay nhạt dâng lên, dưới chín suối, cha (mẹ) già chứng-giám. Khóc-than kể-lể, trước linh-sàng con trẻ khẩn cầu, cúi xin hàm hưởng ».
VI. LỄ TRỪ-PHỤC

Theo sách cũ thì đại-tang là ba năm, nhưng tục-lệ chỉ thu lại còn 27 tháng.

Trong tháng thứ 27, con cháu chọn ngày tốt, hợp với mọi sự bài trừ, thường là ngày trực-trừ để làm lễ trừ-phục tức là lễ bỏ hết quần áo tang.

Cũng có địa-phương làm lễ trừ-phục vào khoảng một tháng sau ngày giỗ hết.

Sau lễ trừ-phục con cái trở lại ăn mặc như thường không còn phải mang tang nữa.
VII. NHỮNG NGÀY CÁT KỴ

Tang lễ chính ra sau ngày lễ trừ-phục là hết, và những năm sau tới ngày kỷ niệm ngày người chết qua đời, người ta chỉ còn cúng giỗ và những ngày này gọi là cát kỵ (Xin xem trong tập 2 về Tín-ngưỡng).

Trong ngày giỗ con cháu làm lễ cúng. Tại các gia đình có chức tước hoặc giàu có, con cháu có thể tổ-chức cả những cuộc tế-lễ cho long-trọng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3