Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 12: Khi đã chết

CHƯƠNG 12 : KHI ĐÃ CHẾT

I. TÌM SINH KHÍ

Người chết được khiêng đặt xuống đất trên một chiếc chiếu trong giây lát với hi-vọng rằng sinh-khí ở dưới đất sẽ hồi-sinh lại.

Theo Phan-kế-Bính thì việc đặt người chết xuống đất lấy nghĩa người ta bởi đất mà sinh ra, khi chết lại về đất.

Người chết nằm ở dưới đất một lát không hồi-sinh, người nhà phải khiêng đặt trở lại trên giường trước khi làm các lễ khác. Con cháu phải có miếng vải hoặc miếng giấy đắp mặt cho người chết. Ý nghĩa là để người chết khỏi thấy con cháu mà buồn.
II. CHIÊU-HÔ

Chiêu-hô tức là hô to để gọi người chết. Sau khi người chết đã được khiêng lại từ dưới đất lên trên giường, người con cầm cái áo của người chết, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm vạt lưng áo, gọi lên ba lần : ba hồn bảy vía cha đâu về với con hoặc mẹ thì : ba bồn chín vía mẹ đâu về với con. Gọi xong bước vào treo áo trên cửa.

Sở dĩ có việc chiêu-hô là người ta mong rằng lời gọi của con cái sẽ khiến cha mẹ động lòng quay trở lại dương-trần.

Chiêu-hô rồi mà người chết không sống lại, người nhà mới được khóc-lóc. Lúc đó mới kể như người bệnh đã thật chết.
III. CHIÊU-HỒN

Chiêu-hồn tức là mời hồn người chết về để hưởng sự cúng-bái tế-lễ của con cháu.

Có hai cách chiêu-hồn.

Cách thứ nhất dùng một tàu lá chuối dóc hết lá. Một thầy phù-thuỷ sẽ đọc chú để mời hồn người chết nhập vào đó. Một miếng vải trắng trên đó thầy phù-thuỷ đã ghi bùa-chú gắn vào tàu lá chuối. Bao giờ nhập-quan đem ra thờ.

Cách thứ hai là thắt hồn bạch. Khi người chết sắp trút hơi thở cuối cùng, con cháu dùng một miếng lụa hoặc vải trắng dài 7 thước ta tức 2 thước 80 ngày nay, đặt lên mặt để hồn vía người chết nhập vào đó. Khi người chết đã tắt hơi rồi, người ta đem miếng vải hoặc miếng lụa đó ra thắt nhang-nhác hình người với hai chân hai tay. Đó là hồn-bạch, được đem ra thờ khi thể-xác đã nhập-quan.
IV. LẬP TANG-CHỦ VÀ CHỦ PHỤ

Cũng như mọi việc tế-lễ, việc tang ma cũng phải có người đứng chủ-tang. Một khi người bệnh qua đời, gia-đình phải lập tang-chủ để lo việc ma chay.

Thường người con cả được lập làm tang chủ, phải tham-dự hết mọi cuộc tế-lễ. Nếu người con cả đã chết thì cháu đích-tôn thừa trọng.

Còn chủ phụ là vợ người chết, nếu người này đã qua đời rồi thì dùng vợ người chủ tang.

Cha còn mà con có tang mẹ thì lập người cha làm chủ-tang cũng được.
V. LẬP NGƯỜI HỘ-LỄ

Tang-lễ rất phiền-phức, phải có người chỉ bảo để theo đúng lễ-nghi và tránh mọi sự khiếm-khuyết. Do đó, tang-gia thường nhờ một bạn thân hoặc người hàng xóm thông-thạo lễ-nghi đứng làm vị hộ lễ. Vị này sẽ chỉ dẫn tang-gia trong việc cử-hành tang-lễ đúng với phong-tục. Mọi người trong nhà đều phải nghe theo người hộ-lễ chỉ bảo.

Ngoài ra tang-lễ cũng cần nhờ một người giữ hộ quyển sổ biên lễ phúng-viếng hoặc biên mọi sự chi-tiêu.
VI. LỄ MỘC-DỤC

Lễ mộc-dục tức là lễ tắm gội cho người chết. Trong lễ này phải sẵn có :

- 1 con dao nhỏ

- 1 vuông vải

- 1 sợi dây

- 1 cái lược

- 1 cái thìa

- 1 ít đất lấy ở đít ông đồ rau

- 1 nồi nước ngũ vị

- và 1 nồi nước nóng khác.

Lúc tắm vây màn kín cho người chết.

Tang-chủ khóc quỳ xuống, người giúp việc tắm gội cũng quỳ-xuống và khấn : « Nay xin tắm gội để rửa hết bụi trần ».

Khấn xong lễ phục xuống rồi đứng lên cho ngay. Việc tắm gội phải do chính con cái người chết : Cha con trai tắm, mẹ con gái tắm.

Lúc tắm lấy vuông vải dấp vào nước ngũ-vị lau mặt lau mình, sau đó lấy lược chải tóc, rồi lấy sợi dây vải buộc tóc lại. Kế đến lau hai chân tay, rồi dùng dao cắt móng chân móng tay, người xưa nhất là các cụ ông, thường để móng tay dài, hơn nữa trong lúc ốm đau móng tay móng chân dài ra. Cắt xong gói lại, móng chân để mé dưới chân, móng tay để mé dưới tay.

Tất cả các đồ dùng trong lễ mộc-dục kể cả nước nữa phải đem chôn đi.

Lễ mộc-dục xong khiêng người chết lên giường.
VII. LỄ PHẠN-HÀM

Lấy một ít gạo nếp và ba đồng tiền mài cho sáng bỏ vào miệng người chết rồi rút chiếc đũa đã ngáng hàm lúc mới chết ra.

Các cụ giải nghĩa rằng : nắm gạo để người chết dùng thay bữa, còn ba đồng tiền sẽ dùng để đi đò cũng là tiền giải-khát trong lúc đi đường ở cõi âm.

Những nhà phú-quý thường dùng 3 miếng vàng sống và chín hạt ngọc trai trong lễ phạn-hàm.

Lễ phạn-hàm phải được cử-hành đúng thủ-tục sau :

- Tang-chủ vào khóc quỳ, và người chấp-sự cũng quỳ khấn xin làm lễ phạn-hàm.

- Người chấp-sự xướng : « Sơ phạn-hàm », tang-chủ lễ xuống, đứng dậy ngay-ngắn, đoạn ngồi bên phải người chết, cất vải hoặc giấy phủ mặt, rút chiếc đũa ngáng hàm ra.

- Người chấp-sự lại xướng : « Sơ phạn-hàm » lần thứ hai. Tang-chủ lấy cái thìa súc ít gạo với một đồng tiền bỏ vào mồm bên phải.

- Người chấp-sự xướng : « Tái phạn-hàm ». Tang-chủ lại súc ít gạo một đồng tiền bỏ vào mồm bên trái.

- Người chấp-sự xướng : « Tam phạn-hàm ». Tang-chủ súc nốt gạo và đồng tiền thứ ba bỏ giữa mồm.

- Sau đó tang-chủ bóp mồm người chết cho ngậm lại ngay-ngắn và lại phủ mặt như trước.
VIII. LỄ PHẠT MỘC

Ta tin rằng trong chiếc áo quan, dù là cỗ hậu-sự sắm trước, hay là cỗ áo-quan mua ở hàng về, đều có quỷ-tinh lẩn-khuất để ám-ảnh người chết, gieo tai-họa cho tang gia. Bởi vậy trước khi làm lễ nhập-quan phải khử-trừ hết lũ ma quỷ đó. Lễ phạt-mộc tức là lễ chém vào áo quan ba nhát để xua đuổi tà ma.

Người thầy cúng cầm một nắm hương đang cháy, đọc chú, thư phù trên một con dao, rồi dùng dao này chém khẽ vào đầu, cuối và bên cạnh bên trong áo quan tất cả ba nhát. Vừa chém người này vừa niệm chú, đại ý câu chú là tống khứ các thần-trùng, quỷ-tinh và mọi loài tà ma không được phiền-hà người chết và quấy-nhiễu người sống bất cứ ở tuổi nào, đi phương-hướng nào. Chú có lúc niệm khẽ, có lúc quát-tháo để thị-uy. Người thầy cúng cũng dùng những nén hương để phù phép trong lòng áo quan.

Tục cho rằng với lễ phạt-mộc thần-trùng và quỷ-tinh sẽ rời khỏi áo quan.

Các cụ nói lại rằng, ngoài việc đuổi thần-trùng và quỷ-tinh, lễ Phạt-mộc còn có mục-đích đuổi các mộc-tinh vẫn ẩn-nấp trong cây gỗ từ khi ở trong rừng cho đến khi cây gỗ bị hạ rồi xẻ đóng làm áo quan, còn lẩn-khuất trong áo quan.

Khi lễ Phạt-mộc kết-thúc, người nhà tang-chủ ném một nắm gạo muối ra đường để tống-tiễn hết mọi loại ma quỷ kể cả mộc-tinh.
IX. LỄ NHẬP-QUAN

Không nên để người chết nằm lâu ở ngoài. Việc nhập-quan nên liệu làm sớm.

Trước khi nhập-quan phải khâm-liệm. Nhà giàu dùng vóc nhiễu tơ lụa, nhà nghèo dùng vải trắng.

Có hai cách liệm : tiểu liệm và đại liệm.

- Tiểu liệm dùng một mảnh vải dọc, ba mảnh ngang.

- Đại liệm dùng một mảnh vải dọc, năm mảnh ngang.

Theo tục ta, trong quan-tài thường đặt một mảnh ván đục sao Bắc-Đẩu để trừ ta ma.

Việc nhập-quan phải chọn giờ, tránh tuổi. Trong ngoài áo-quan đều có dán bùa. Ngoài ra người ta thường bỏ theo vào áo-quan một cỗ tổ-tôm cũ, một quyển lịch tàu, hoặc một quyển lịch ta có đóng dấu triều-đình càng hay, hoặc có khi là một tàu lá gồi để trấn áp ma quỷ.

Trước khi nhập-quan, trong áo-quan thường có rải sẵn một lượt trà khô, bỏng gạo hoặc bất cứ thứ gì khác có thể hút được nước của người chết tiết ra.

Người chết đã nhập-quan, áo quan được gắn lại và khiêng đặt ở chính giữa nhà. Trong trường-hợp, người chết còn bố mẹ sống, thì áo quan sẽ đặt ở gian bên cạnh. Phải đặt đầu về hướng Nam.

Trên nắp áo-quan có bát cơm và quả trứng luộc đặt ở trên gọi là cơm bông.

Một que tre tước đầu thành như bông hoa cắm vào bát cơm quả trứng.

Lễ nhập-quan cử hành như sau :

- Các con cháu vào đứng trước người chết.

- Người chấp-sự xướng : « Tự-lập ». các con cháu đứng gần vào.

- Lại xướng : « Cử-ai », con cháu khóc-lóc rồi quỳ xuống. Người chấp-sự cũng quỳ theo và khấn : « Nay được giờ lành, xin rước nhập-quan, cẩn-cáo ».

- Sau đó các con cháu lễ theo điệu xướng của người chấp-sự rồi đứng ngay-ngắn sang hai bên, nam bên tả, nữ bên hữu. Những người giúp việc khiêng thi-hài người chết đặt vào chính giữa áo-quan.

Nhập-quan rồi sẽ có lễ thành-phục, nhưng trước lễ này con cháu còn được phép lấy vợ lấy chồng gọi là cưới chạy tang.

Kể từ lúc người chết thở hơi cuối cùng cho đến trong khi quan-tài còn quàn ở trong nhà, người nhà cần phải canh-chừng để không cho một sinh-vật nào, mèo, chó, chuột được nhảy qua để tránh Quỷ-nhập-tràng.

Ta tin rằng một khi sinh-vật nhảy qua xác chết, nó sẽ mang theo quỷ để nhập vào người chết, tức là quỷ-nhập-tràng. Người chết sẽ vùng đứng dậy. Lại phải cần có thầy Pháp để trừ quỷ.
X. LỄ THÀNH-PHỤC

Lễ thành-phục tức là lễ bắt-đầu chính-thức đám tang. Kể từ lúc có lễ thành-phục này con cháu mặc tang-phục. Lễ thành-phục gồm có :

- Thiết linh-sàng và linh-tọa

- Lập minh-tinh.

- Mặc tang-phục.
1) THIẾT LINH-SÀNG VÀ LINH-TỌA

Linh-sàng là giường dành cho vong-hồn người chết. Linh-sàng đặt phía đông cửa, nếu nhà cửa rộng rãi đủ chỗ nếu chật chội đặt ở trước cửa. Linh-sàng cũng có quây màn để gối như lúc sống.

Người chủ-tang sớm chiều rước ra rước vào. Trên linh-sàng có chiếc ỷ, hồn-bạch đặt trên ỷ này. Thay vì hồn-bạch có thể dùng ảnh của người chết hoặc dùng giấy đề rõ tính danh dán vào.

Mé trước linh-sàng có đồ tế-khí thờ vong.

Ngoài ra phải có linh-tọa tức là chiếc ghế để cho vong ngồi.

Lập linh-sàng phải có cuộc tế, con cháu phải quỳ lễ ở trước và cũng phải có văn-tế.

Dưới đây là một mẫu văn-tế thiết linh-sàng, trích trong Thọ Mai gia-lễ :

« Năm… tháng… ngày… cô (hoặc ai) tử… vì nay đặt linh-sàng, kính dâng cơi trầu, nậm rượu cáo vu cố phụ (hoặc mẫu)… chức tước gì… họ gì… phủ quân (hoặc nhụ nhân), vị tiền viết : Than ôi ! Thân-phụ (hoặc mẫu) đi đâu, bỏ nơi nhà cửa, cây lặng gió lay, đau đớn nhẽ một phút hơi tàn, tên còn người mất, xót-xa thay đôi đường chia rẽ ! Thế mới biết thay đổi cơ-trời, mênh-mông trần-thế chút tình con thơ cháu dại, chỉ thấy chưng phảng-phất hồn mây, đền công bể-ái nguồn-ân, gọi là thiết linh-sàng một lễ, tế cho phải phép tuân theo thói-tục đặt bày, mất cũng như còn, đau-đớn tấc lòng lũ trẻ ! »
2) LẬP MINH-TINH

Minh-tinh làm bằng vải đỏ, dài 7 thước ta, trên viết chữ trắng, cán bằng cành tre dựng bên phía đông linh-sàng.

Trên minh-tinh viết chức-tước, họ tên thụy và sau cùng là năm chữ phủ quân chi linh-cữu cho người cha, còn nếu người chết là người mẹ thì năm chữ sau sẽ là : « Nhụ nhân chi linh-cữu ».

Lúc viết minh-tinh phải tính số chữ theo bốn chữ Quỷ, khốc, linh, thính, và phải để chữ cuối cùng đừng rơi vào hai chữ quỷ và chữ khốc. Nếu rơi vào chữ quỷ e có tà-ma trùng-quỷ, còn nếu rơi vào chữ khốc nghĩa là khóc e sẽ có thêm người chết.
3) MẶC TANG-PHỤC

Đây mới chính là lễ thành-phục.

Các mũ áo đồ tang đặt trước án thờ, đã có nến hương nghi-ngút, con cháu vào làm lễ rồi mặc tang-phục.

Cũng có tế-lễ, và chủ-tang đứng chủ tế theo sự điều-khiển của người hộ-lễ đúng theo tập tục như sau :

Con cháu lúc đó đã tụ-tập trước án thờ. Một người chấp-sự xướng :

- Tự-lập : Con cháu vào đứng trước bàn thờ nghiêng về phía trước, tang-chủ đứng trên cùng, đằng sau lần-lượt những người khác theo thứ-tự phải để tang lâu hay chóng, lâu đứng trên, chóng đứng dưới.

- Cử-ai : Con cháu đều khóc.

- Quán tẩy : Những người chấp-sự rửa tay trong một thau nước.

- Thuế cân : Lau tay.

- Nghệ hương-án tiền : Tang-chủ bước lên trước án thờ.

- Phần hương : Một người chấp-sự đốt hương và cắm vào bình-hương.

- Trâm tửu : Một người chấp-sự rót rượu.

- Quỵ hiến tửu : Quỳ dâng rượu lên án thờ.

- Ai chỉ : Con cháu đều nín khóc.

- Giai quỵ : Tang-chủ quỳ xuống linh-sàng. Một người chấp-sự cầm văn-tế cũng quỳ bên phải tang chủ.

- Độc chúc : Đọc văn tế.

- Phủ-phục : Tang-chủ, người độc chúc và con cháu quỳ lậy.

- Hương : Đứng lên.

- Bình thân : Mọi người đứng ngay-ngắn.

- Phục-vị : Tang-chủ và người chấp-sự lui về chỗ cũ.

- Điểm trà : Pha trà.

- Cử ai : Con cháu lại khóc.

- Cúc-cung bát : Con cháu lạy hai lạy rưỡi.

- Hưng, bình thân : Mọi người đứng lên.

- Phần chúc : Người chấp-sự lúc trước đọc văn-tế, nay đốt văn-tế trước án thờ.

- Lễ tất : Vái để kết-thúc lễ thành-phục.

Lúc này con cháu họ hàng xa gần đều tới trước bàn thờ lễ để nhận tang-phục.
4) MỘT MẪU VĂN-TẾ THÀNH-PHỤC

Dưới đây là một mẫu văn-tế thành-phục trích trong Thọ Mai Gia lễ :

« Than ôi ! Cây Thung (mẹ là Huyên) sương phủ, nút Hỗ (mẹ là Dĩ) mây che ! Làm chi độc-địa hỡi trời ? Cha ơi (hoặc mẹ ơi !) Hơn một ngày không ở, đành rằng tử-sinh có mệnh, cha ơi (hoặc mẹ ơi). Kém một ngày không đi ! Dưới thềm hòe, khăn lượt đổi khăn sô, lũ cháu đàn con, chín khúc ruột tâm bối-rối ; Trước linh-tọa, áo thâm thay áo trắng, kêu trời vạch đất, hai hàng giọt lệ đầm-đìa. Tang-phục nay đà sẵn đủ, kính bày thành-phục lễ-nghi ; Nhớ đức cù-lao, trước linh-tọa khóc than kể-lể ; Chứng lòng lũ trẻ, tình cha con (hoặc mẹ con), đau-đớn biệt-ly. Năm… tháng… ngày… »

Mẫu văn này cũng như các mẫu văn-tế khác, chép ra đây với tính-cách chỉ-dẫn, các tang-gia có thể tự soạn lấy các văn-tế, cốt sao cho hợp với từng lễ.
XI. CHIÊU, TỊCH DIỆN

Người chết không chôn ngay, thường vài ba ngày sau mới cất đám. Người xưa có khi quàn hàng tuần, hàng tháng trong nhà, có khi hơn nữa.

Trong khi xác còn quàn trong nhà như vậy, ba ngày đầu sáng chiều các con phải vào quỳ khóc trình-diện.

Mỗi lần vào như vậy thì ô-hô ! khóc lên ba tiếng, bưng khăn lượt, vén màn lên, xếp khăn gối lại rồi người chấp-sự quỳ khấn xin rước hương-hồn người chết ra linh-tọa.

Hồn bạch được mang ra đặt vào ỷ thờ.

Buổi chiều lại làm lễ rước linh-bạch vào giường. Người con quỳ lạy trước án-thờ, ô-hô ! Khóc lên ba tiếng, rồi hồn-bạch được rước vào trong giường. Màn lại buông xuống, chăn gối tung ra như lúc sống.

Trong lúc rước hồn-bạch ra linh-tọa hoặc vào linh-sàng đều có nghi-lễ, tương-tự như lễ thành-phục, và cũng có văn-tế riêng :

« Năm… tháng… ngày… cô tử Đặng mỗ (mẹ ai tử) vì lễ chiêu-diện (hoặc tịch-diện) cần sửa giàu rượu (hoặc cỗ thì viết là cụ soạn) mọi vật lòng thành dâng lên cố-phụ (hoặc cố-mẫu) phủ-quân (hoặc nhụ-nhân) linh-tọa rằng : Than ôi ! Thân phụ (hoặc mẫu) đi đâu, cõi trần vắng mặt ; Sớm tối thăm nom, tìm đâu thấy giọng cười tiếng nói. Ngày đêm kêu khóc, còn đâu là vật lạ miếng ngon ! Cha ôi ! (hoặc mẹ ôi). Nay đã sáng rồi (hoặc đã tối rồi) là tuần chiêu-diện (hoặc tịch-diện) gọi là chay nhạt bữa thường, chứng cho chút tình lũ trẻ ! »
XII. PHƯỜNG KÈN TRỐNG

Ta có câu : « Sống dầu đèn, chết kèn trống ».

Câu nói này chứng-tỏ trong đám tang phải có kèn trống. Vả chăng nhạc cũng rất cần cho lễ-nghi chính nhạc điều-khiển lễ-nghi một phần nào.

Bởi vậy trong mọi đám tang ông già bà cả đều có mượn phường kèn trống.

Kèn trống nổi lên trong lúc tế-lễ cùng với phường bát-âm nổi điệu nam-thương hoặc nam-ai, đem sự bi-thảm cho đám tang và điều-hòa mọi động-tác của tang-chủ cũng như của người chấp-sự.

Mỗi khi có người tới phúng viếng, con cháu khóc lên là có điệu kèn trống nổi theo, như muốn cho hương-hồn người chết biết có bạn-bè thân-thuộc tới viếng-lễ.

Và nhờ có kèn trống báo hiệu nên tang-chủ hoặc con cháu khác của người chết nếu đang bị mắc bận mới biết có khách viếng để ra đáp lễ.

Thường phường kèn trống ngồi ở một nơi gần áo quan để mỗi khi có khách tới viếng là thấy ngay.
XIII. PHÚNG-VIẾNG

Đám tang nào cũng có người tới phúng-viếng. Đó là những bạn-bè thân-thuộc của chính người chết hoặc của con cháu sau khi được hung-tin, tới chia buồn cùng tang-chủ và phúng-viếng người qua đời.

Lễ phúng-viếng thường là trầu cau trà rượu, nhưng cũng có người viếng những đôi câu đối, những bức trướng trong nhắc lại những đức hay tính tốt của người chết.

Những bức tường và câu đối này được treo ngay ở chung quanh trướng nơi đặt linh-sàng để hương-hồn người khuất có thể nhận thấy được, và cũng để những khách tới viếng có thể thưởng-thức được những bức trướng và những đôi câu đối văn-chương.

Cùng treo với những đôi câu đối này đã có những đôi trướng của con cháu khóc ông bà cha mẹ, viết bằng lơ xanh hoặc chữ đen trên vải trắng. Những đôi câu đối và trướng của con cháu này, tang-gia nhờ một tay văn-tự nghĩ và viết hộ, tang-gia thường tặng nhuận-bút bằng cau chè. Ngày xưa, mỗi con trai, con gái đều có câu đối khóc cha, vợ có câu đối khóc chồng và cả câu đối anh em khóc lẫn nhau nữa.

Trở lại việc phúng-viếng, ở thôn quê, người trong thôn xã có khi phúng một món tiền để trực-tiếp giúp đỡ tang-gia trong lúc cần-thiết. Mọi món tiền hoặc đồ-lễ phúng-viếng của ai đều được ghi rõ ràng vào một quyển sổ, để sau này tang-chủ theo đó mà cám ơn, hoặc khi một người khác có việc thì phúng-viếng giúp-đỡ lại.

Khách đến phúng-viếng lễ trước linh-sàng hai lễ rưỡi nếu người chết còn quàn tại nhà. Sau khi đã chôn cất rồi, khách đến phúng-viếng muộn, sẽ lễ bốn lễ rưỡi trước bàn thờ.

Trong khi khách lễ trước linh-sàng, tang-chủ hoặc các con cháu khác của người chết phải đứng bên án thờ đáp lễ.

Chỉ phải đáp lễ bằng một nửa số lễ khách lễ người khuất. Khách lễ hai lễ, đáp lễ lại một lễ, khách lễ bốn lễ, đáp lễ lại hai lễ.

Lễ xong người chết, khách cũng vái lại người đứng đáp lễ mình một vái.

Trong lúc khách lễ như vậy, phải có kèn trống và con cháu phải khóc-lóc thảm-thiết.

Trong nhiều đám tang, người chết không có con cháu khóc, phải mướn người khóc thuê.

Những năm gần đây tại các đám-tang, các khách thành-thị nhiều người dùng hoa tươi hoặc hoa cườm để viếng.
XIV. BÁO-TANG

Thực ra lệ báo-tang của ta không có nhưng mỗi khi có người chết, người thân-thuộc biết tin nói chuyện cùng người khác, thế là mặc-nhiên có sự báo tang mà không do chính tang-chủ loan-báo.

Tang-chủ chỉ cần trình với hội-đồng hương-chức để xin phép động-thổ đào huyệt, nhưng việc trình thường thực-hiện có khi song song với các lễ-nghi cử-hành, có khi trước khi cất đám, sau khi huyệt đã đào rồi.

Gần đây, theo lệ mới, khi có người chết, những gia-đình khá-giả thường có giấy cáo-phó để báo tang, có khi cáo-phó được đăng trên báo.
XV. THỔI KÈN GIẢI

Trong khi người chết còn quàn trong nhà trước ngày đưa đám con cháu thường thuê phường kèn trống và bát âm cử cho mỗi người một vài câu tang-nhạc, nhất là kèn để khóc ông bà cha mẹ. Những câu khóc riêng đều có tiền thưởng, bởi vậy tục thổi kèn này gọi là thổi kèn giải.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3