Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 10: Bệnh tật
CHƯƠNG 10 : BỆNH TẬT
Một trong những biến cố của đời người là đau ốm, và con người sinh ra ở đời, không phải chỉ đau ốm có một lần, và không phải lúc nào cũng khỏe mạnh. Chưa từng có ai, từ lúc sơ sinh lúc đi vào lòng đất lúc nào cũng sức khỏe dồi dào, không đau ốm. Làm người, ai cũng có đau ốm nhiều lần, nhưng chỉ một lần cuối cùng mới đưa con người tới cõi chết.
Từ khi lọt lòng, cho đến khi lớn lên, đứa trẻ trải qua bao nhiêu thời kỳ đau ốm. Ngay từ lúc nhỏ, mỗi sự đổi khác của đứa trẻ đều được báo hiệu bởi những chứng bệnh sốt mọc răng, tướt tập lẫy, tướt tập bò, v.v… Lại có những giai đoạn con người phải chịu đau đớn khi phải vượt từ thời kỳ nọ qua thời kỳ kia của đời người : từ nhỏ sang thời kỳ dậy thì, từ đứng tuổi sang thời kỳ già lão. Những thời kỳ thay đổi này đều có những triệu chứng : dậy thì trai gái đều bị sốt nóng, ta gọi là sốt vờ da, lúc bắt đầu già yếu cũng có những cơn bệnh, báo trước sự suy nhược của cơ thể, nhất là phụ nữ phải vượt qua giai đoạn sinh nở, nguyệt tín không còn.
Tóm lại, trong đời người, ai cũng phải trải nhiều lần đau ốm và có người có thể vì bệnh hoạn là mang tật như đau mắt nặng có thể thành ra mục tật, một chiếc mụn nhọt mọc ở chỗ gân chân tay có thể làm cho con người thành què quặt, v.v…
Mắc bệnh thì phải thuốc thang chạy chữa, muốn chạy chữa, phải biết nguồn gốc của bệnh : người đau bụng trúng thực, không chữa cùng một lối như người đau dạ dày, người ho vì sưng phổi, không chữa giống như người ho vì sưng cuống họng.
Ngày xưa, bệnh nào ta cũng có thuốc chữa, và các cụ thường nói bệnh quỷ đà có thuốc tiên, nghĩa là bệnh hiểm nghèo có thuốc công hiệu để trị, tuy vậy, môn đông y ta vẫn cho là có tứ chứng nan y, bốn chứng bệnh không có thuốc nào chữa được, đó là :
- Phong : bệnh phong, bệnh điên cuồng 62
- Lao : Bệnh ho lao, và theo Đào Duy Anh là chứng bệnh kết hạch ở phổi, ở ruột hoặc ở khớp xương.
- Cổ : bệnh mù
- Lại : bệnh hủi (cùi)
Ngày nay theo y học mới con người bị bệnh là do vi-trùng gây nên hoặc là do nhiễm độc phát sinh đau ốm. Người Việt-Nam ta cũng đồng ý như vậy, nhưng ta không cho là tất cả mọi bệnh tật đều do nhiễm độc hoặc vi trùng gây nên, mà có bệnh nguồn gốc bắt đầu ở giới siêu nhiên. Theo ta, bệnh tật có thể do :
- nguồn gốc tại giới vô hình
- tai nạn
- trái gió trở trời
- nhiễm độc và vi trùng.
I. BỆNH TẬT DO GIỚI VÔ HÌNH
Giới vô hình đây có thể là thần thánh ma quỷ, và những bệnh do giới này gây nên không thể dùng thuốc trị được, cần phải có cúng vái yểm trừ. Tuy cũng do giới vô hình gây nên, nhưng căn bệnh không phải giống nhau và ta thường phân biệt :
a) Đau ốm vì chạm vía
Tục ta tin rằng gặp người vía dữ, cũng như gặp vía các thần linh ma quỷ đều có thể bị đau ốm.
Trẻ sơ sinh nằm trong phòng mẹ, có người dữ vía vào thăm, nó sẽ khóc mãi không thôi, có khi phát sốt phát nóng. Phải đốt vía cho nó, dùng áo tơi cũ, chổi cũ đốt vía, nó sẽ khỏi.
Những người đang có mụn nhọt, gặp người dữ vía mụn-nhọt sẽ tấy sưng, người đang bệnh gặp người dữ vía bệnh sẽ nặng thêm, phụ nữ mới sinh gặp người dữ vía có thể bị băng huyết.
Ngoài người dữ vía, có người chạm vía thần linh hoặc ma quỷ, những người này trong lúc đi đường đã gặp gỡ thần linh hoặc ma quỷ, bị bắt mất một vài vía, sinh đau ốm. Cần phải cúng lễ, hoặc có bùa yểm trừ ma quỷ, mới khỏi.
b) Đau ốm vì tà ma yêu quái ám ảnh
Nhiều người bị bệnh thuốc thang nào cũng không khỏi, rồi theo tục đi xém bói, quẻ bói cho biết có ma làm. Có thể là những ma đói ma khát, hoặc ma quỷ được thờ cúng ở các gốc đa, gốc đề, ở các miếu bên đường. Phải cúng lễ hoặc yểm trừ bùa bèn mới khỏi. Có trường hợp những con ma, con tà bướng-bỉnh không chịu tha người ốm, người ta phải tổ-chức bắt tà tại các đền điện mới khu trừ được những tà ma này.
c) Đau ốm vì thần thánh quở phạt
Có những người vì có những hành động vô lễ với những nơi thờ phượng, hoặc có những ngôn ngữ xúc phạm tới các vị thần linh, bị các vị thần-thánh quở phạt làm cho đau ốm. Phải cúng vái làm lễ tạ để được sự tha thứ của thần linh mới khỏi bệnh.
d) Đau ốm vì căn mệnh
Có những người bệnh đau như giả cách lúc nặng, lúc nhẹ, nhất là phụ-nữ. Khi ngủ thường có những giấc mơ kinh-khủng. Những người để tóc, tự nhiên trên đầu tóc kết thành từng túm, nhằng nhịt với nhau không sao gỡ được. Muốn chữa mà không biết bệnh gì. Đến khi xem bói, quẻ bói cho hay những người này có số thờ, căn bệnh phải làm ghế đệm cho các ông Hoàng, Bà Chúa, các Cô các Cậu giới vô hình. Muốn khỏi bệnh, hoặc phải thờ một ông Hoàng, bà chúa, một Cô, một Cậu nào, hoặc phải lên đồng, tức là tự làm ông Đồng, bà Đồng để làm cốt cho giới vô hình nhập vào. Có như vậy bệnh mới hết.
đ) Đau ốm vì năm xung tháng hạn
Cũng có khi gặp năm xung tháng hạn khi ấy có những vị sao dữ chiếu mệnh như sao Thái-Bạch, sao La-Hầu thì phải làm lễ nhượng sao giải hạn. 63
Ngoài ra lại có những năm tuổi, tháng tuổi, năm xung, tháng xung. Năm tuổi tháng tuổi là những năm tháng cùng một địa chi với mình, thí dụ người sinh năm Canh Tuất thì những năm Tuất như Nhâm-Tuất, Giáp-Tuất, v.v… là những năm tuổi, và những tháng Tuất là những tháng tuổi.
Năm xung, tháng xung là những năm tháng có địa chi xung với địa chi của mình ; tính theo lý số Đông Phương có tứ hành xung, nghĩa là trong mười hai chi có bốn hành xung nhau :
- Tý, Ngọ, Mão, Dậu
- Thìn, Tuấn Sửu, Mùi
- Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
Tục ta cho có cả hai năm tuổi nặng nhất là những năm 49 và 53 tuổi :
« Bốn chín chưa qua,
Năm ba đã tới ».
e) Đau ốm vì động chạm mà mả đất cát
Nhiều người bị đau vì động chạm mồ mả gia-tiên hoặc đất cát.
Mộ phần là gia cư của người chết. Tục tin rằng khi mồ mả bị sụt, bị cây cối xâm phạm, bị súc vật đào bới thì bị động, và hương hồn người chết sẽ bị bất an. Con cháu sẽ được người khuất hoặc báo mộng cho biết, hoặc do trực thống huyết mạch, bị đau. Phải làm lễ tạ mộ.
Nhà cửa cũng có thể bị động hoặc vì hướng nhà, hướng ngõ không hợp với tuổi của gia chủ, hoặc vì có một con đường hoặc một đòn cái của ngôi nhà khác đâm thẳng vào gian nhà chính, hoặc mạch đất trên có ngôi nhà tọa lạc bị đào bới, hoặc vì một lý do siêu nhiên nào khác. Phải xoay lại hướng nhà, hướng ngõ hoặc phải cúng lễ trấn trạch.
Bếp cũng nhiều khi bị động ; đây là nơi của Táo-Quân, phải giữ gìn sạch sẽ, nhất là xưa kia mấy ông đầu rau. Nếu để bếp bẩn thỉu, để mèo chuột nhảy qua các ông đầu rau, hoặc đun bếp bằng thứ củi không thanh thiết, bếp bị động. Phải quét dọn lại bếp cho sạch sẽ có lễ tạ.
g) Đau ốm vì bị trù ếm
Có những người thù ghét nhau, không thể đường hoàng làm hại nhau được, họ nhờ các thầy Ngải, thầy Pháp, thầy Tự trù ếm kẻ thù khiến cho kẻ thù thành ốm đau bệnh tật. Muốn khỏi bệnh, phải nhờ các thầy Ngải, thầy Pháp cao tay hơn giải sự trù ếm, hoặc phải cúng lễ ở những nơi linh thiêng để xin thần linh giải trừ giúp.
h) Đau ốm vì ôn dịch và thiên hoa
Tục ta tin rằng trong những năm có các bệnh truyền nhiễm là do sự bắt lính của người cõi âm, trường hợp những bệnh hạch, bệnh tả, v.v… Cõi âm có thần ôn dịch đi bắt lính. Nơi nào có bệnh phải có lễ cúng tiễn quan ôn và dùng hình nhân thế mạng.
Trong những năm có bệnh đậu mùa hoặc bệnh sởi, ta cho là có các bà các cô đi rắc hoa, do đó bệnh đậu mùa còn được gọi là thiên hoa. Gặp những thời kỳ này, người ta treo những đôi hài và vàng mã ở ngoài cổng để các bà các cô khi có đi qua đó, dùng những đôi hài và vàng mã này, không rắc thiên hoa vào trong nhà.
Trên đây là một số các nguồn gốc huyền bí về sự bệnh tật theo sự tin tưởng của tục xưa. Có lẽ còn nhiều nguồn gốc huyền bí khác mà kẻ viết không được biết, nhưng dù sao, mấy trang trên cũng đủ cho bạn đọc có một ý niệm về sự tin tưởng của ta đối với giới vô hình trong địa hạt bệnh tật với các nguồn gốc huyền bí.
II. BỆNH TẬT DO TAI NẠN
Trong cuộc sống hàng ngày con người có thể gặp những rủi ro và do đó có những tai nạn. Người hái quả trèo cây có thể bị ngã từ trên cây xuống đất ; người đi mò cua bắt ốc có thể nhằm vào một hang rắn bị rắn cắn ; người tiều phu đi rừng có thể bị một cành khô trên cao rớt xuống người hoặc bị chính cây mình đang chặt đổ đè phải ; người thợ xẻ đang cưa gỗ có thể bị cây gỗ sập đè lên người ; người thợ rèn có thể bị lửa trong lò rèn bắn ra làm cho bỏng ; người làm bếp có thể bị nồi nước sôi đổ vào người, v.v… Tai nạn muôn hình vạn trạng và thường xẩy đến bất ngờ.
Có người buổi sáng còn khỏe mạnh, buổi trưa đã bị tai nạn bị thương hoặc có khi đến qua đời. Có người buổi tối đi ngủ không sao, nửa đêm bị con rết ở đâu bò tới đốt ; lại có người bị chó dại cắn, xảy chân ngã xuống nước, làm đồng bị trâu giở chứng lấy sừng chém vào người… Và trong đời sống mới ngày nay, tại các đô thị, nhất là những đô thị lớn như Saigon, không mấy ngày là không có tai nạn lưu thông làm cho người ta bị thương hoặc bị chết.
Xưa kia và cả ngày này nữa, gặp mỗi tai nạn dân ta có lối chữa riêng, lối chữa thay đổi tùy từng địa phương, hoặc từ Bắc chí Nam cùng một lối. Có nhiều lối chữa rất kỳ-lạ, nhưng theo lời các cụ những lối chữa nầy hiệu nghiệm lắm. Rất tiếc khuôn khổ tập sách này không cho phép người viết được kể ra đây ít nhiều lối chữa đã từng mắt thấy hoặc đọc qua các sách vở. Thường ngã gãy chân gãy tay, chữa bó bằng xương gà, rắn rết cắn có những lá cây như là chìa vôi tía nhá nhỏ đắp vào, chữa bỏng lấy nước mắm bôi vào chỗ bỏng, v.v… 64
III. BỆNH TẬT VÌ TRẢI GIÓ TRỞ TRỜI
Mỗi khi thay đổi thời tiết, xưa các cụ gọi là trở trời, và những lúc trở trời nầy nhiều người đang khỏe mạnh có thể sinh đau ốm, nhất là những người đang yếu, cơ thể suy nhược. Có người bị luồng gió lùa cũng sinh bệnh, nhất là bị cảm. Mắc bệnh vì thay đổi thời tiết hay vì trúng gió, các cụ gọi chung là « Trái gió trở trời ». Chứng bệnh thông thường nhất gặp khi trái gió trở trời là bệnh sốt cảm.
Bị sốt cảm, người xưa có nhiều lối chữa khác nhau, những lối chữa này, chúng tôi xin lược kể dưới đây, không phải với mục đích mách cách trị bệnh, chúng tôi chỉ muốn nêu những điều này ra cũng như tất cả những điều chúng tôi đã nêu ở trên về cách chữa các tai nạn để bạn đọc suy ngẫm tìm hiểu.
a) Uống thuốc
Trị bịnh cảm, thông thường nhất, đối với những người có khả năng tài chính, người ta chỉ việc tới ông lang cắt một vài thang thuốc cảm về sắc lên uống, nhưng có nhiều người ở xa các nơi có lương y, không đủ phương tiện, họ phải chữa cảm theo những lối cổ truyền khác.
b) Đánh gió
Đánh gió nghĩa là xoa vào người để trục xuất gió đi. Trúng gió bị cảm, muốn khỏi phải đánh gió. Đánh gió người ta dùng cám rang cho nóng, hoặc dùng rượu hỏa thang với gừng, lấy gừng này mà xoa, hoặc dùng một quả trứng luộc, trong quả trứng có nhét một đồng tiền bằng bạc hoặc một nắm tóc, có khi cả hai thứ, hoặc người ta dùng những thứ dầu cổ-truyền. Ngày nay có dầu Nhị Thiên, dầu cù là, v.v…
Tại miền Nam có tục cạo gió, người ta lấy dầu cù là bôi ở gáy, ở sau lưng rồi dùng một đồng tiền hoặc một vật gì cứng cạo mạnh vào những chỗ đã bôi dầu. Những nơi này sẽ bầm tím, người được cạo gió sẽ thấy dễ chịu.
c) Giác
Giác nghĩa là dùng những ống, gọi là ống giác, một đầu kín còn một đầu hở đốt lửa, hoặc làm cách nào cho nóng bên trong rồi úp vào da cho máu tụ lại. Ống giác còn gọi là bàu giác, và do đó tục ngữ có câu : « Đi giác sắm bàu, đi câu sắm giỏ ». Giác làm cho máu tụ lại, ta cho là máu độc, và sau mỗi lần giác người đau cảm thấy dễ chịu. Thường những người gặp trái gió trở trời, mắc chứng ho thường hay dùng lối giác để chữa bệnh.
Ngày nay tại các chợ miền Nam, ngay ở Saigon, tại các chợ chính như chợ Bến-Thành, chợ Tân-Định, ta có thể bắt gặp những người đàn bà làm nghề giác, giác cho những người bị đau cảm. Những người này có một nồi nước sôi trong đó có ngâm những ống giác bằng tre hoặc bằng nứa. Họ dùng những ống giác này để giác cho các người bệnh. Theo họ, trong ống giác họ có để thuốc như nước ngải cứu, long não, v.v… Khi giác, máu tụ lại, thuốc của họ sẽ giải bệnh cho người đau.
d) Xông
Xông nghĩa là làm cho bốc hơi lên để cho hơi này nhiễm vào người bệnh làm cho bệnh nhẹ đi. Cũng có khi làm cho bốc khói lên, người bệnh ngửi hơi khói hơi khói làm cho bệnh thuyên giảm.
Những người bị cảm thường xông bằng nước lá. Người ta dùng lá tre, lá bưởi, lá ngải cứu hoặc các thứ lá khác có thể chữa được bệnh, bỏ vào nồi đun sôi rồi bắc ra, bỏ vung đi, bịt miệng nồi bằng một miếng giấy có chọc nhiều lỗ thủng hoặc miếng vải thưa để cho hơi bốc lên được. Người ta ngồi trước nồi nước lá sôi ấy, mặt cúi xuống nồi nước, và cả người được chùm kín bằng một chiếc chăn mỏng. Như vậy hơi nước trong nồi bốc lên nhiễm vào người đau làm mồ hôi đổ ra và gió độc cũng tiết ra theo.
Ngày nay, tại các đô thị, không có các loại lá, người ta dùng dầu Nhị thiên hoặc dầu cù là hòa vào nước sôi, hoặc đến các ông lang cắt một thang thuốc về đun lên để xông.
Thường xông xong, người đau cảm thấy dễ chịu và có nhiều khi khỏi bệnh.
Những người bị nhức đầu thường đốt quả bồ kết hoặc lá ngải cứu khô, ngồi ngửi hơi khói. Đây cũng là một cách xông.
đ) Chườm
Chườm nghĩa là áp một vật gì nóng hay lạnh vào người. Những người bị cảm nhức đầu hoặc bị chứng đau bụng thường dùng lối chườm để chữa bệnh. Chườm có nhiều cách :
- Đậu đen đem rang nóng, bọc vào một chiếc khăn áp lên đầu sẽ khỏi nhức đầu.
- Dùng một vài vị thuốc đem sao nóng, bọc vào một chiếc khăn chườm vào bụng sẽ khỏi đau bụng.
- Có khi người ta dùng một chai nước nóng chườm vào bụng khi bụng bị lạnh sinh đau bụng.
- Có khi người ta dùng lá ngải cứu quấn chung quanh đầu. Đây cũng là một lối chườm.
IV. BỆNH TẬT DO VI TRÙNG
Những bệnh ngày nay ta cho là do vi trùng là sinh ra, xưa các cụ cho là do các cơ thể trong người suy yếu. Mỗi cơ thể suy yếu phát sinh ra những bệnh riêng, nhiều khi vì hàn nhiệt mà sinh ra, có bệnh ngoài ra, có bệnh trong lục phủ ngũ tạng. Theo các cụ có nhiều bệnh di truyền do huyết thống như bệnh lao, bệnh hủi. Bệnh lao được gọi là lao truyền nếu người cha mắc bệnh, người con cũng lại mắc bệnh. Nlhững người bị lao truyền, lúc chết con cháu dùng một con gà trống hút máu mủ trong mồm, và tin rằng như vậy con gà đã hút đi rất nhiều căn nguyên của bệnh, và người con có bị bệnh cũng chậm phát. Con gà sẽ bị chôn đi. Tục lệ này chúng tôi đã được một lần thấy khi còn nhỏ tuổi tại nhà quê, không hiểu đây là tục lệ riêng tại vùng tôi hay là tục lệ chung ở nhiều nơi.
Mắc những chứng bệnh do cơ thể suy yếu, người bệnh phải uống thuốc, có khi uống thuốc trong lại xoa thêm thuốc ngoài hoặc bên ngoài phải dán thêm thuốc cao, như bệnh nhức đầu, ngoài thuốc uống các ông lang thường cho thêm hai lá cao lần dán vào hai bên thái dương.
Mỗi bệnh, ông lang bốc thuốc khác nhau sau khi xem mạch nghe bệnh. Cũng có khi để phòng bệnh, các người già thường uống thuốc bổ, những chén thuốc do các ông lang bốc cho mang về sắc uống như thuốc bệnh, hoặc đem ngâm rượu uống gọi là rượu thuốc. Nhiều người thuốc uống đắng lại cũng không uống được rượu, các ông lang làm cho thuốc tễ, viên thành những viên nhỏ ngọt ngọt, dễ ăn.
Bệnh nào thuốc ấy. Trong dân chúng cũng có truyền nhau những môn thuốc cổ truyền để chữa các bệnh thông thường như đau đầu, đau răng, đau mắt, đau bụng, v.v…
Đông Y không phải là dở, trước khi có Tây y, đã có biết bao nhiêu bệnh hiểm hóc được chữa bằng Thuốc Bắc, thuốc Nam.
Ta có câu : « Đói thì rau, đau thì thuốc », lâm bệnh phải tìm thầy chạy thuốc. Dùng thuốc cũng phải kiên nhẫn, cơm ba bát, thuốc ba thang, nếu mới uống được một thang bệnh chưa thấy chuyển đã bỏ ngay, đi uống thuốc khác, làm sao mà biết thuốc hiệu nghiệm hay không.
Ta tin rằng bệnh có thể chữa được, nhưng còn số mệnh, do đó nhiều người đã vì bệnh mà qua đời nhất là các cụ già khi cơ thể trong người đã suy nhược. Có sống thì phải có chết, con người ai cũng phải chết và các ông lang thường nói : « Chữa được bệnh, không chữa được mệnh ».
V. CHỮA MẸO
Đau thì phải uống thuốc, đó là lẽ dĩ nhiên, và đó là cách chữa bệnh thông thường nhất. Dân ta, ngoài việc dùng thuốc còn có những cách chữa mẹo được lưu truyền. Dưới đây chúng tôi xin liệt kê ra ít nhiều lối chữa mẹo chúng tôi được biết, và xin nhắc lại đây không phải là mách cách trị bệnh, mà chỉ cốt nêu ra để bạn đọc biết và suy ngẫm.
a) Chữa lẹo mắt
Mắt thường mọc lẹo, muốn khỏi, đàn ông ra đường, gặp một người đàn bà lẳng lặng cúi xuống, lấy gấu váy của người này sát vào lẹo, lẹo sẽ biến mất. Lên lẹo có nơi còn gọi là mọc chắp.
b) Trẻ con bị trớ
Chữa trẻ con bị trớ, lấy nước lòng đỏ cho uống.
c) Nấc
Bị nấc đàn ông uống bảy ngụm nước, đàn bà chín ngụm. Khi trẻ con bị nấc, dàn vào thóp một mảnh lá trầu không. Người lớn bị nấc, nếu uống nước không khỏi, tìm cách làm cho người nấc nổi giận, cơn nấc sẽ hết.
d) Chữa gãy chân gãy tay
Đây là lối chữa đặc biệt của các đồng bào miền Nam : dùng rau bợ, giã với dấm thanh và đường thẻ rồi đem buộc vào chân tay, nhưng gãy chân tay bên nọ phải buộc vào cùng chỗ ở chân tay bên kia.
đ) Chữa vết thương
Dùng nhang đốt cháy thư vào chỗ bị thương, vừa thư vừa đọc chú. Thư nghĩa là dùng nhang đưa đi đưa lại trên vết thương như vẽ bùa. Tục cho rằng lối thư này có hiệu nghiệm làm vết thương không bị sưng, nhất là những vết thương có chó cắn.
e) Rắn cắn
Các đồng bào miền Nam có lối chữa mẹo rắn cắn ngay tại chỗ : khi bị rắn cắn, đưa tay phải quơ ra đằng sau, gặp bất cứ cây gì nhổ một nắm lá, nhai đắp vào chỗ bị rắn cắn, nọc độc sẽ không chạy vào máu, và sau đó sẽ nhờ các thầy chữa giúp.
g) Rết cắn
Lấy rãi gà bôi vào sẽ khỏi, hoặc nếu bắt đúng con rết đã cắn mình, đem con rết đốt cháy thành than lấy than đó hòa với dầu lạc vừng bôi vào chỗ bị rết cắn sẽ khỏi.
h) Hóc xương
Ai hóc xương gà, xương cá, v.v… lấy lá đậu ván ở chỗ dây khuất bóng mặt trời, đem giã nhỏ ra, cho một ít muối vào, rồi trộn với giấm thanh, xong gói vào giấy bản, ngậm vào mồm độ 30 phút thì khỏi.
Hoặc dùng vỏ cây đậu ván, chế thuốc cũng như trên, nghĩa là cũng đem giã nhỏ với muối và giấm thanh rồi ngậm vào mồm. Khi bóc vỏ cây đậu ván nếu bóc xuôi xuống thì xương trôi xuống, nếu bóc ngược lên thì xương trôi ra.
i) Đau bụng
Đau bụng vì lạnh bụng, cần làm cho bụng nóng trở lại. Các người mẹ bị đau bụng vì lạnh thường bế áp bụng con vào bụng mình, truyền hơi nóng ở con sang mình, dùng bụng con để chườm bụng mình. Hoặc khi các con nhỏ vì bị lạnh mà đau bụng, các bà cũng áp bụng con vào bụng mình để truyền hơi nóng ở mình sang cho con. Ca dao có câu :
« Đau bụng lấy bụng mà chườm,
Nhược bằng không khỏi hắc hương với gừng ».
Hắc hương với gừng là hai vị thuốc làm cho nóng bụng.
Đọc câu ca dao : « Đau bụng lấy bụng mà chườm » nhiều người ở thành thị, cái biết không thấu, thường có ý nghĩ sai lạc và cho rằng đây là một câu ca dao các cụ đặt ra để rỡn cợt, vì bốn chữ lấy bụng mà chườm, những người này nghĩ ngay đến hành động sinh lý của họ hàng ngày. Về đau bụng ta còn có câu ca dao :
« Đau bụng thì uống nước sông,
Đau mắt lấy nhựa xương rồng mà bôi ».
Trước đây vì sự biết không thấu của tôi, tôi cho đây là một câu dí dỏm rỡn cợt cũng như câu trên. Sau có dịp tôi được hỏi lại nhiều cụ, có cụ năm nay 90 tuổi còn đang sống, được các cụ cho biết :
Đau bụng không phải là đau bụng đi cầu, đây là chứng đau bụng khan ta thường gọi là đau tức. Trong cơn đau được uống một hớp nước sông giữa giòng, người đau cảm thấy dễ chịu.
Đau bụng uống nước sông phải chăng cũng là một cách chữa mẹo. Được các cụ nói cho nghe thì biết vậy, hôm nay xin nhắc lại ra đây để bạn đọc cùng suy nghĩ.
Còn : « Đau mắt lấy nhựa xương rồng mà bôi », tôi được các cụ giải thích : Đau mắt nó nóng lắm, hỏa nó bốc lên. Bôi nhựa xương rồng ở nơi xa xa mắt, người đau có cảm giác dễ chịu.
Dù sao ta cũng nên cẩn thận chớ để nhựa xương rồng rớt vào mắt, vì sẽ có thể hỏng mắt được.
Về cây xương rồng, tôi có được đọc trong báo Paris Match số 1063 đề ngày 20-9-1969 một bài của Jean Duneux viết về các chất ma tuý, tác giả có đề cập tới các búp hoa xương rồng phơi khô, chất nầy gây cho người ta ảo giác, Jean Duneux đã ghi :
« Peyoti (Echino cactus williamsi). Boutons de cactus séchés. Principe actif : la Mescaline. Danger : Hallucination visuelle, Trouble du jugement ».
Phải chăng ảo giác của nhựa xương rồng đã khiến cho người bệnh có cảm giác dễ chịu ?
Ghi lại đây mấy câu ca dao trên, tôi không dám có ý xúi giục bạn đọc tin theo, tôi xin nhắc lại một lần nữa, chỉ cốt để các bạn suy ngẫm.
k) Quáng gà
Người mắc bệnh quáng gà, cứ lúc gà lên chuồng buổi chiều, mắt không còn trông thấy gì nữa. Ta có cách chữa mẹo như sau, các cụ bảo là hiệu nghiệm lắm : nhờ một người khác họ nhưng đừng cho người bệnh biết. Người khác họ này lấy một chiếc lá khoai sọ bóc một ít nước, gặp người bệnh, ném cả bọc nước này vào mặt người bệnh, bệnh sẽ hết.
Cứ kể ra các lối chữa bệnh mẹo của ta còn nhiều nhưng tôi xin ngưng ở đây để chấm dứt chương này.