Nắng cuối chân đồi - Chương 13

Chương 13: Hội làng

Chuyện thu hồi đất đai là chuyện của phụ huynh thằng Mắt hí. Chuyện của đám trẻ con quan tâm chỉ là chuyện thằng Mắt hí bị mấy thằng làng bên phục kích đánh.

Sau khi vấn đề nghiêm trọng đó xảy ra, Giang đại ca quyết tâm tập hợp trẻ con hai xóm mỗi cuối tuần để cho chúng nó tập võ. Tất nhiên thày dạy chính là Giang, nếu đứa nào muốn học võ Taekwondo, vì Giang chỉ biết mỗi môn võ đấy. Bọn chúng nó gọi môn võ này là Tây-quân-đô, còn có đứa khác gọi là Tây-quần-đỏ, không biết ông tổ môn võ này có khóc khi nghe chúng nó gọi như thế không. Ai không muốn học Tây-quân-đô thì có thể học võ tự do do thằng Tuấn và Nấm chỉ dẫn.

Ba đứa luân phiên dạy võ cho đám trẻ, và ba đứa cũng học qua lại lẫn nhau. Giang thích thú với một số thế võ tự do của thằng Nấm, cũng như thằng Nấm và thằng Tuấn cũng thích học võ Teakwondo của Giang. Giang dặn dò chúng nó phải luyện tập mỗi ngày, cuối tuần là thời gian Giang kiểm tra và dạy thêm chiêu thức mới.

Thấm thoắt cũng đã gần hai tháng trôi qua, tụi trẻ đã tiến bộ lên không ít, không thể nói là đã thành tài, nhưng ít nhất chúng không còn vẻ rụt rè nhút nhát hay sợ hãi khi đi một mình qua làng khác chơi nữa. Nhưng theo lời khuyên của Giang thì cũng không nên đi qua làng bên một mình trừ khi có việc cần thiết, nên tập hợp theo nhóm thì tốt hơn, có gì xảy ra còn có đứa về báo tin để đồng đội kịp thời tiếp ứng.

*  *  *

Cuối tháng Bảy có hội làng, không chỉ có trẻ con háo hức mà người lớn cũng rất mong chờ. Mọi năm Giang không về quê dịp này nên không được chứng kiến lễ hội lớn đến như vậy.

Nghe tụi trẻ con kể: hội làng sẽ diễn ra suốt bảy ngày, có đủ các cuộc thi giành cho cả người lớn lẫn trẻ con, và ngày cuối cùng sẽ là lễ rước linh vật cúng thần linh cầu bình an cho tất cả dân làng. Thằng Tuấn nói Giang nhất định phải đi xem, nếu không thì sẽ hối tiếc lắm. Chẳng cần nó phải nói, sao Giang có thể bỏ qua được chứ.

Hội làng diễn ra phía trước và trong sân đình, khắp nơi chăng đèn, kết hoa, cờ xí, màu sắc rực rỡ. Buổi sáng là các cuộc thi dành cho người lớn, buổi chiều diễn ra các cuộc thi cho trẻ con, còn buổi tối thì múa hát văn nghệ. Các cuộc thi dành cho người lớn có nhiều trò chơi độc đáo, lạ mắt và rất hấp dẫn.

Như trò pháo đất, các chú các bác dùng đất nặn thành quả pháo thật to, rồi quăng xuống, pháo ai nổ to nhất thì giành chiến thắng. Hay trò đấu vật hoặc kéo co có tính chất đối kháng, đòi hỏi sự khéo léo cũng như thể lực dẻo dai. Các trò chơi cá nhân như thi bịt mắt đập niêu, đan mũ rơm, đi cà kheo, nhảy bao bố... thì không giới hạn số lượng người tham gia. Đấy là những trò chơi vui nhộn nhất, người chơi hào hứng, người xem cổ vũ hò hét rộn rã. Nhìn các chú các bác bình thường nghiêm túc, nhưng khi hòa mình cùng với trò chơi thì như phá bỏ đi lớp vỏ bọc hàng ngày, trở nên hồn nhiên như nhứng đứa trẻ thơ tinh nghịch vậy.

Còn có những trò đòi hỏi sự tập trung yên tĩnh, như trò chơi cờ tướng. Nếu như các trò khác diễn ra nơi bãi đất bên ngoài thì trò này diễn ra ngay trong sân đình, trò này thu hút đối tượng nhiều là các cụ trong làng, tuy lớn tuổi nhưng các cụ vẫn còn minh mẫn lắm.

Trong số tất cả những trò chơi ấy, có một trò Giang đặc biệt yêu thích, đó chính là trò cờ người. Cũng giống như chơi cờ vua, nhưng các quân cờ sẽ được thay bằng người thật. Một bàn cờ được vẽ trên sân rộng, mỗi người đứng ở vị trí tương ứng với mỗi quân cờ. Trò này đặc biệt khó, vì không dễ dàng bao quát hết được cả bàn cờ. Các quân cờ phải phối hợp với nhau để đi các nước cờ cho chính xác.

Nếu như đa phần các trò chơi trên đều là dành cho các chú các bác nam giới, thì các cô phụ nữ lại có những trò chơi khác, như thi hát đúm, diễn xướng trầu văn hay hát ca trù. Hầu hết các cô tham gia đều có giọng hát rất hay, truyền cảm, Giang cảm thấy thật khó mà phân ra được ai là người hát hay nhất. Còn có cả thi nấu ăn, cắm hoa. Buổi sáng thi nấu ăn, buổi trưa dân làng tụ tập ngoài đình đánh chén luôn, trẻ nhỏ cũng có phần.

Về các trò chơi dành cho trẻ con, cũng có một số trò giống như người lớn: ví dụ như kéo co, đấu vật, nhảy bao bố. Ngoài ra thì có thêm trò chơi cướp cờ, bắn bi... Ngày thứ sáu của lễ hội sẽ có một buổi biểu diễn múa rối nước đặc biệt kể về sự tích của thành hoàng làng, một sự kiện được rất nhiều trẻ con mong đợi.

Không có giấy bút nào có thể tả hết được không khí sôi động náo nhiệt cũng như tâm trạng hào hứng phấn khích của tất cả mọi người trong lễ hội làng năm nay. Thằng Tuấn lăng xăng chạy khắp nơi, tham gia hết trò nọ đến trò kia, có trò Giang tham gia, có trò Giang chỉ đứng bên ngoài cổ vũ. Đôi lúc người đông chen lấn, thằng Tuấn lại mải chơi nên hai anh em lạc mất nhau. Nó cũng dặn rồi, nếu lỡ có lạc nhau thì lại hẹn nhau ra cổng đình đứng.

Giang đứng đợi ngoài cửa đình, nhìn vào trong đình thấy đang diễn ra cuộc thi "Ai mặc nhiều trang phục nhất". Giữa sân là năm cặp đôi người lớn và trẻ con đứng cùng nhau nghe người giới thiệu đọc thể lệ trò chơi. Khi tiếng còi báo hiệu vang lên thì năm đứa trẻ đứng yên trong sân, còn năm người lớn thì chạy khắp nơi dùng đủ mọi cách là mượn, xin hay cướp trang phục của khán giả xung quanh về mặc cho đứa trẻ trong đội của mình.

Giang thấy trò chơi này thật thú vị, trang phục kiếm được cũng đa dạng đủ thể loại: từ quần, áo, váy, mũ, giày... tới cà vạt, khăn choàng, khẩu trang, thắt lưng... bất cứ phụ kiện gì có thể lấy được.

Tiếng còi báo hiệu thời gian kết thúc, công cuộc tìm kiếm trang phục dừng lại, kết quả chính là đống trang phục hỗn độn được mặc trên người những đứa trẻ, đứa nào mặc được nhiều đồ nhất thì giành chiến thắng.

Giữa thời tiết nắng nóng của mùa hè, với một đống trang phục đắp trên người khiến cho cơ thể phình ra như chú gấu, những đứa trẻ mồ hôi tuôn ròng ròng. Giang nhận ra thằng Nấm đang đứng trong số đó.

Ban giám khảo phối hợp cùng phụ huynh cởi bỏ từng món đồ trên người những đứa trẻ và đếm. Giang không quan tâm tới những đứa trẻ khác, mắt chỉ chăm chú nhìn vào thằng Nấm. Từng lớp từng lớp đồ đang được cởi bỏ dần, nào là những chiếc mũ, chiếc nón, bao chiếc khăn voan, lớp áo, lớp váy... Thằng Nấm từ một con gấu lòe loẹt dần trở nên nhỏ nhắn đúng dáng vẻ ban đầu. Kết quả chung cuộc, đội thằng Nấm về nhì. Về nhì không có giải, lại tiếp tục cùng ba đội bị thua còn lại trải qua thêm một vòng thi nữa.

Lần này là thi lựa từ những trang phục đã kiếm được, chọn ra một bộ đẹp nhất, người lớn sẽ giúp trẻ con hóa trang thành đứa bé xinh đẹp, đáng yêu nhất. Kết thúc màn hóa trang, trước mắt Giang không phải thằng Nấm tóc rối bù trong chiếc quần cộc hàng ngày, mà là một con bé mặc váy hoa màu vàng, đi giày trắng, tóc kẹp bím hình con bướm xinh xinh.

Giang há hốc miệng ra. Như thế cũng hơi quá rồi, bắt một thằng con trai mặc váy mà nó cũng chịu, cuộc thi này thật cũng lầy quá đi. Quay sang những đứa trẻ còn lại, đứa nào cũng mặc váy, Giang chợt hiểu ra chắc đó là thể lệ của cuộc thi rồi. Nhìn đi nhìn lại thì thằng Nấm mặc váy cũng khá đáng yêu, tiếc là Giang không có máy ảnh ở đây để chụp hình của nó, sau này lôi ra trêu chọc nó chơi. Không có ảnh cũng chẳng sao, Giang sẽ kể cho tụi thằng Tuấn nghe, nhưng nghĩ lại làm thế có vẻ không được hay cho lắm, nên Giang quyết tâm giữ kín chuyện này, bảo toàn danh dự cho thằng Nấm, dù sao nó cũng là bạn, bạn bè nên làm thế - Giang đấu tranh nội tâm.

Kết quả cuộc bình chọn dựa vào sự vỗ tay của khán giả. Thằng Nấm lại tiếp tục về nhì, và vuột mất phần thưởng trong trò chơi này. Giang phải công nhận số nó nhọ thật, từ đầu hè tới giờ, tham gia cái gì thì về nhì cái đó. Chờ một lát, cuối cùng thằng Tuấn cũng quay lại, trên tay còn ve vẩy phần thưởng trò chơi nó mới đạt được, thằng này thế mà giỏi, thắng được kha khá trò chơi. Giang nhìn thằng Tuấn, rồi quay lại trong sân đình thì bóng thằng Nấm đã không còn ở chỗ cũ nữa, trò chơi giải tán rồi.

- Anh nhìn ngó cái gì vậy? – Thằng Tuấn hỏi.

Giang biết nói gì đây? Đành ậm ừ.

- À, ờ... Không có gì!

- Đi thôi!

Thằng Tuấn mải vui, lại tiếp tục kéo tay Giang hòa mình vào những cuộc chơi còn đang náo nhiệt.

Ngày cuối cùng, lễ rước linh vật tế thần diễn ra, kiệu lớn kết hoa tám người khiêng, đội cờ đi trước, đội kèn trống đi sau, nối đuôi theo là đoàn người dài nhộn nhịp. Đi đến đâu là có dân chúng đứng hai bên đứng hò reo. Sau khi theo đoàn rước đi một vòng quanh làng rồi trở về làm lễ tế trước sân đình, lễ hội chính thức kết thúc.

* * *

Thời gian thấm thoắt trôi, chỉ còn một tuần nữa thôi là kì nghỉ hè của Giang kết thúc. Một kì hè rực rỡ và sôi động nhất trong kí ức của cậu học trò nhỏ. Những buổi sáng ra sông câu cá, hay lội rạch úp lươn, mò cua bắt ốc. Những buổi trưa không ngủ leo lên đồi bắt ve, khi nắng quá thì sẽ cùng nhau chui vào hầm đá mát lạnh để nghỉ ngơi. Những buổi chiều theo chân đám trẻ con ra bãi đất trống thả diều, trời trong xanh gió mát, tiếng sáo diều vi vu quanh quất bên những ngọn tre làng. Những buổi đêm lũ trẻ con rủ nhau đi thám hiểm ngôi nhà bỏ hoang cuối xóm, hay đốt nến kể chuyện ma, hay ra dốc đê nghiêng nghiêng trải chiếu nằm vừa hóng gió vừa ngắm bầu trời đêm đầy sao lấp lánh. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà trẻ con thành phố không có được.

Ngày hôm nay thằng Nấm rủ chèo thuyền ra ao hái sen. Bỗng nhiên thím Sương lại có việc bận nên kêu thằng Tuấn ở nhà trông em giúp mẹ. Chỉ còn Giang đi với thằng Nấm. Cũng có đôi khi cuộc chơi chỉ còn hai đứa như vậy vì thằng Tuấn bận đột xuất, ban đầu Giang cũng ở nhà theo nó, nhưng thằng Tuấn bảo Giang đi đi, chơi với thằng Nấm có gì phải ngại, nên Giang đi chơi riêng với nó cũng thành quen.

Sen cuối hạ, cánh hoa đã tàn, những hạt sen chắc mẩy núp trong những đài sen nghiêng mình e ấp giữa những tán lá xanh ngát. Thằng Nấm dẫn Giang xuống một con thuyền nhỏ, vừa đủ ngồi hai người, rồi khéo léo chèo thuyền dần ra giữa ao sen, ngắt lấy những đài sen chín bỏ vào trong thuyền. Mái chèo đảo nước, thuyền khẽ trôi bồng bềnh, hai đứa như chìm vào trong một biển lá xanh dịu mát, cảm giác thật là tuyệt.

Giang mở lời muốn thử chèo thuyền, thằng Nấm không phản đối. Nó đưa mái chèo cho Giang, tận tình chỉ dẫn. Giang đứng trên mũi thuyền, tay chèo đảo nước, con thuyền chẳng tiến cũng chẳng lùi, xem ra môn này cũng chẳng dễ dàng gì.

- Đứng lùi vào trong một chút, cậu đứng lệch sang bên phải rồi. - Thằng Nấm ở đầu thuyền bên kia nhắc.

Giang làm theo, nhưng bước đi trên thuyền chòng chành, cậu không những không tiến được vào giữa, mà còn bước lệch lùi lại ra xa hơn, chới với mất thăng bằng, Giang tuột tay vung cả mái chèo, người ngã ra phía sau. Một bàn tay thò ra túm lấy tay Giang, kéo cậu lại, thế nhưng thân hình Giang lớn hơn, kéo theo luôn cả thằng Nấm xuống nước.

May mà con thuyền không bị lật úp theo hai đứa, thằng Nấm bám được vào mạn thuyền, hai đứa nổi bì bõm giữa ao. Thằng Nấm nhanh nhẹn leo được lên thuyền trước, rồi kéo Giang lên, xong nó chèo thuyền vào bờ, không cho Giang cầm lái thêm một lần nào nữa.

Loi ngoi lên được bờ, hai đứa vừa ướt vừa bẩn, bùn đen dính đầy người, trông vừa ngu vừa buồn cười. Lớp áo bùn nhơm nhớp dính vào người khó chịu, Giang cởi ra vắt lên tay, chỉ còn lại một cái quần cộc mặc trên người. Giang bảo thằng Nấm cũng cởi ra luôn đi mà nó không chịu. Nó dẫn Giang về nhà bà ngoại nó ở gần đó.

Bà ngoại nó bữa nay không có nhà. Căn nhà mộc mạc đơn sơ ngói đỏ, bên hông nhà là giếng nước, thằng Nấm nhanh thoăn thoắt thả gàu múc nước để dội lớp bùn dính trên người hai đứa, nước giếng trong mát lạnh sảng khoái cả tinh thần. Xong nó chạy vào nhà kiếm tìm quần áo, lôi ra cho Giang mấy cái quần nhưng Giang ướm thử cái nào cũng bị chật. Cũng đúng thôi, người nó nhỏ hơn Giang mà, sao Giang mặc vừa đồ của nó được. Nó huơ huơ trên tay cái quần đen của bà nó, chỉ còn cái này thôi, Giang có thích mặc thì mặc. Tất nhiên Giang không thể mặc quần của bà nó về nhà, thế nên đành phải chọn giải pháp là giặt quần hong khô, trong lúc chờ đợi thì mặc tạm quần của bà nó vậy.

Giang nhường nó vào nhà tắm trước, nhưng nó không chịu nên Giang đành phải vào. Xong đến lượt nó, Giang ở ngoài giặt quần, nhưng có một sự thật là: Giang không biết giặt đồ. Nói ra thì sợ mất mặt, nên cứ loay hoay ngoài giếng mãi không xong, vừa vò vò quần vừa chờ nó ra. Mà công nhận nó tắm hơi bị lâu nhỉ. Con trai gì mà tắm lâu thế?

Cuối cùng thì nó cũng xong, thấy Giang loay hoay vò vò trét trét xà phòng loạn xị ngậu lên, thằng Nấm không nói gì liền giành lấy cái chậu:

- Đưa đây, đằng nào tớ cũng phải giặt đồ, tiện giặt luôn cho.

Giang cười xấu hổ nhưng cũng không dám nói gì. Để cho thằng Nấm tự xử.

Trời chiều gió mát, quần áo phơi trên sào bay bay, tiếng sáo diều từ xa xa vọng lại. Hai đứa trẻ ngồi bên hiên nhà, ngắm nhìn ra khung cảnh ngọn đồi phía xa, nắng chiều vàng nhuộm cả một khoảng trời.

Bình yên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3