Lũ Người Quỷ Ám - Chương 55
3
Cụ Tikhon phải mất chừng một giờ để đọc mấy tờ giấy. Cụ đọc chậm, có lẽ nhiều đoạn đọc đi đọc lại. Suốt từ lúc nêu lên vụ có một tờ bị thiếu, Nicolai vẫn ngồi im bất động, ngả mình vào một góc trường kỉ. Dường như anh chờ đợi một cái gì.
Cụ Tikhon tháo kính, đợi một hồi, rồi ngập ngừng nhìn khách. Nicolai giật mình và vội cúi ra phía trước. Anh đường đột nói:
- Tôi quên báo trước cho cụ là cụ đừng tìm cách khuyến giới tôi làm gì cho tốn công. Tôi đã nhất quyết làm cho
tới nơi tới chốn. Mấy tờ đó phải xuất
bản.
Anh đỏ bừng mặt và lại chìm vào im lặng.
Tôi đâu có quên. Ông đã báo trước điều đó từ khi tôi chưa bắt đầu đọc. Trong giọng cụ Tikhon lúc này có thoáng một chút giận dữ. Rõ ràng là tài liệu kia đã gây một ấn tượng mạnh đối với cụ. Con người Kito trong cụ bị khích động, và cụ phải là người lúc nào cũng tự chế được. Không phải vô cớ mà trong tu viện cụ bị coi là người không biết cách xử sự trước công chúng cho lắm. Vậy nên, mặc dù tất cả đức khiêm nhường Kito của cụ, giọng cụ bây giờ vẫn lộ rõ bực tức.
Nicolai vẫn thô lỗ nói tiếp, không màng tới sự thay đổi trong giọng cụ Tikhon:
- Dù cụ có nói gì chăng nữa, dù lí luận của cụ có mạnh mẽ tới đâu, nó cũng chẳng thay đổi được gì: tôi sẽ không bỏ kế hoạch của mình, - (Anh nhíu mép mỉm cười và kết luận): - Và cụ đừng xem đây là một lời mời mọc vụng về, hay nếu cụ muốn, một lời mời mọc tinh quái, để cụ lên tiếng khuyến giới tôi, và nài nỉ tôi đừng làm chuyện đó.
- Tôi đâu có thể nào lại khuyến giới hay nài nỉ ông bỏ kế hoạch đó. Ý tưởng của ông cao quí và phản ảnh tinh
thần đích thực của Kito giáo. Lòng ăn năn không thể nào đi xa hơn sự lựa chọn can đảm tự chịu hình phạt, như
ông đang tính làm, chỉ có
điều...
- Chỉ có điều gì?
- Chỉ có điều nếu nó thực sự là ăn năn và thực sự là một tư tưởng Kito.
Nicolai lơ đãng lẩm bẩm:
- Chẻ sợi tóc làm tư.
Anh đứng dậy và bắt đầu đi bách bộ trong phòng, dường như không biết mình đang làm gì.
Cụ Tikhon nói, bây giờ cởi mở hơn:
- Làm như ông muốn tạo một ấn tượng là ông cộc cằn hơn trong chính thâm tâm.
Tạo một ấn tượng? Tôi không có tìm cách tạo một ấn tượng gì hết. Tôi không có đóng tuồng. Còn cụ nói “cộc cằn hơn” là nghĩa ra làm sao? - Anh đỏ mặt và điều đó khiến anh nổi giận. Anh gật đầu chỉ mấy tờ giấy và nói: - Tôi biết mọi thứ trong đó là sự thật bẩn thỉu, khốn nạn, đê mạt, nhưng cứ để chính cái truỵ lạc của nó củng cố...
Anh tắc lời, dường như xấu hổ không muốn nói tiếp, như thể anh coi việc tìm cách giải thích là mất phẩm giá. Nhưng đồng thời anh lại đau đớn ra mặt vì chịu khuất phục một nhu cầu vô ý thức nào đó bắt anh ở lại đấy mà giải thích. Điều đáng ghi nhận là cả hai không ai nhắc nhở gì tới chuyện Nicolai lấy đi một tờ trong bản thú tội nữa.
Bây giờ Nicolai dừng lại gần bàn lượm một thập tự giá bằng ngà nhỏ lên, và bắt đầu vặn vẹo trong mấy ngón tay. Chợt anh bẻ nó ra làm đôi. Điều này làm anh tỉnh lại, và anh bối rối nhìn cụ Tikhon. Rồi môi trên của anh bắt đầu run rẩy như bị ai mới làm nhục, và cặp mắt anh bừng vẻ thách thức cao ngạo.
Anh nói trầm giọng, dường như phải mãnh liệt cố tự kiềm chế, và liệng hai mảnh thập tự lên bàn:
- Tôi cứ nghĩ ông sẽ nói với tôi một chuyện gì - vì thế tôi mới tới.
Cụ Tikhon vội cúi mắt. Cụ hỏi một cách tha thiết, gần như nồng nhiệt:
- Tài liệu này phát xuất thẳng từ một trái tim tử thương, tôi nói có đúng không? Phải, nó là một sự sám hối, và
nhu cầu sám hối tự nhiên trong người ông đã vượt thắng ông. Cái đau khổ của sinh vật ông xúc phạm đã làm ông
tan nát cõi lòng, tới nỗi nó dẫn ông nghĩ tới vấn đề sống và chết; vậy là vẫn còn niềm hi vọng rằng hiện ông
đang đi trên con đường thênh thang, tới nay còn vắng dấu chần người, là kêu gọi sự sỉ nhục và miệt thị của
tất cả xuống chính con người ông. Và ông đã yêu cầu toàn thể Giáo hội phán xét ông, mặc dù ông không tin vào
Giáo hội - tôi hiểu như thế có đúng với ông không? Nhưng ngay bây giờ, ông còn hận và ghét tất cả những ai
đọc lời tự thú của ông, và ông còn khiêu chiến
họ...
- Ai, tôi ấy à? Tôi mà đang khiêu chiến họ? Phải, nếu ông không xấu hổ khi thú nhận tội ác, thì việc gì ông lại
xấu hổ khi sám
hối?
- Ai bảo tôi xấu hổ?
- Ông xấu hổ và sợ hãi.
Nicolai nhếch mép cười nóng nảy và môi trên anh lại bắt đầu run run.
- Sợ hãi cái gì?
- Ông nói: “Cứ để họ chú mục vào tôi”, nhưng còn ông - làm sao ông nhìn lại hộ? Ông muốn họ thù hận ông, để ông
có thể đáp lại họ bằng một hận thù còn lớn hơn nữa. Một vài đoạn tự thuật của ông còn được nhấn mạnh bằng
cái phương thức ông trình bày: dường như ông thán phục thái độ của mình và dùng mọi chi tiết để gây cho độc
giả cái ấn tượng rằng ông rất là vô cảm xúc và vô liêm sỉ, mặc dù dĩ nhiên ông có thể không như thế một chút
nào. Mặt khác, chỉ các dục vọng thấp hèn và sự bạc hạnh mới làm cho người ta thành vô cảm xức và xuẩn
ngốc.
Nicolai mặt càng tái dần. Anh hừ mũi:
- Xuẩn ngốc đâu phải thói xấu.
Cụ Tikhon tiếp tục với vẻ một mực say mê:
- Đôi khi có thể. Dù bị đau đớn nhức nhối vì hình bóng người con gái trong khung cửa, dường như qua bản tự thú
của ông người ta vẫn thấy rằng ông còn chưa dứt khoát nổi tội ác chính của ông là gì, và cái gì đáng làm cho
ông phải xấu hổ nhất - cái bất nhẫn trong hành vi bạo động của ông, hay là sự hèn nhát ông biểu lộ trong
hoàn cảnh đó. Có một chỗ ông còn cố thuyết phục độc giả rằng sự đứa bé giơ nắm tay ra đe dọa ông không còn
gây cho ông ấn tượng ngộ nghĩnh nữa, mà là kinh hoàng. Điều tôi muốn biết là: làm sao việc đứa bé vung nắm
tay lại có thể có vẻ tức cười đối với ông, dù cho chỉ trong một giây lát - bởi vì nó có xảy ra, tôi biết nó
có.
Cụ Tikhon ngừng lại. Cụ đã nói như một người để mặc cho cảm xúc tuôn trào. Nicolai thúc giục:
- Tiếp tục, tiếp tục. Cụ có vẻ nổi nóng; tôi khoái những thầy tu nổi nóng - thả cửa. Tôi khoái một thầy tu như
vậy. Nhưng cho tôi xin hỏi một câu. Nãy giờ chúng ta đã nói chuyện mười phút, kể từ khi cụ đọc những cái kia
(anh gật đầu chỉ mấy tờ giấy), và mặc dù cụ giận dữ, tôi vẫn chưa thấy một dấu hiệu khinh thị hay gờm nhớm
nào nơi cụ. Cụ cũng không lấy gì làm nổi nóng cho lắm, vì cụ đang đàm đạo với tôi như thể tôi là một kẻ
ngang
hàng.
Anh thêm những tiếng chót, “như thể tôi là một kẻ ngang hàng” thật khẽ; chúng dường như buột ra khỏi miệng anh, mà anh hầu như không có hay. Cụ Tikhon nhìn anh chăm chú. Một hồi sau cụ nói:
- Ông làm tôi ngạc nhiên, và bởi tôi biết hiện giờ ông thành thật, tôi phải thưa với ông rằng dĩ nhiên tôi quả
mắc vào những cảm xúc đó - tôi quả có phấn khích về ông và đã thô lỗ đối với ông; nhưng ông, trong sự mong
mỏi tự phạt, ông cũng không nhận ra điều đó, mặc dù ông có nhận thấy tôi mất kiên nhẫn, mà ông gọi là nổi
nóng. Nhưng chính trong thâm tâm, ông cũng cảm thấy ông còn xứng đáng với một sự khinh thị vô cùng lớn lao
hơn; và sự nhận định của ông rằng tôi nói với ông như một kẻ ngang hàng, mặc dầu buột miệng, thực là tuyệt
diệu. Tôi sẽ không giấu ông điều gì: Tôi kinh sợ khi thấy những sức mạnh lớn lao và bỏ phí của ông lại cố
tình bị hướng về bùn nhơ. Dường như con người không thể phóng khí ngay trong xứ sở của mình, mà không bị
trừng phạt. Có một sự hành hạ định riêng cho những người tự dứt lìa khỏi quê cha đất tổ - đó là sự chán
chường và bất lực trong mọi hành động, dù họ có gắng gỏi tới đâu. Nhưng một người Kito chấp nhận trách nhiệm
mặc dù hoàn cảnh ra
sao.
Chúa đã không bủn xỉn với ông về trí thông minh - ông có thể trả lời câu hỏi: “Tôi có trách nhiệm về hành động của tôi hay không?” Vì vậy ông phải chịu trách nhiệm, không còn hồ nghi gì nữa. “Cám dỗ không thể không len lỏi vào thế gian, nhưng khốn cho kẻ nào mở đường cho cám dỗ”. Còn về ngay sự vi phạm của ông, ôi chao, khối người cũng phạm vào những điều tương tự như thế nhưng vẫn tiếp tục sống bình an với lương tâm, và còn coi đó là những lầm lạc không thể tránh được của tuổi trẻ. Cũng có những người già đã phảng phất tử khí của mồ ma cũng cứ còn đi phạm tội như thế, nhởn nhơ nhún vai trút trách nhiệm và tự trấn an. Thế gian đầy những nỗi kinh hoàng như thế. Ông ít ra cũng cảm thấy tận thâm sâu những vi phạm của ông, và đó là một chuyện rất hiếm có.
Nicolai cười nhếch mép mà nói:
- Xem như những tờ giấy kia đã gây nên sự quí mến tôi trong lòng cụ. Không, Đức Cha Tikhon ơi, bây giờ tôi hiểu
ra tại sao người ta bảo cụ không thích hợp để làm người hướng đạo tâm linh. - Nụ cười của anh càng lúc càng
thêm giả tạo và chướng ngượng. - Quanh đây họ phản đối cụ dữ lắm. Họ bảo hễ cụ thấy kẻ có tội lỗi nào thoáng
lộ chút gì thành thực và khiêm nhường, là cụ hứng khởi ngay, bắt đầu xin lỗi và ăn năn, rồi cụ hạ mình trước
cả kẻ đó
nữa.
- Tôi sẽ không trả lời ông trực tiếp, nhưng sẵn sàng thú nhận là cung cách với thiên hạ thì tôi dở ẹt. Luôn
luôn tôi cảm thấy đó là một cái tôi thua sút
lắm.
Cụ Tikhon thở ra một hơi thật dài, và nghe chừng quá chất phác và tự nhiên đến nỗi Nicolai ngắm cụ mà nở một nụ cười.
Cụ liếc nhìn mấy tờ giấy và nói tiếp:
- Còn về chuyện kia, không có và không thể có tội ác nào tồi tệ hơn những gì ông đã làm cho đứa bé gái đó.
Sau một chút yên lặng Nicolai nói, giọng đượm chút bực bội:
- Chúng ta thôi đừng so sánh và đo lường mọi chuyện. Có thể tôi không thực sự đau khổ nhiều như mấy tờ kia gợi
ra - có thể là phần lớn còn do tôi tạo ra để buộc tội mình, - anh kết luận một cách bất
ngờ.
Cụ Tikhon không nói gì. Nicolai cúi đầu trầm tư đi bách bộ trong phòng. Chợt cụ Tikhon lên tiếng hỏi:
- Ông nói cho tôi biết, thiếu nữ mà ông dứt tình ở Thụy Sĩ - hiện nay cô ta ở đâu?
- Nàng ở ngay trong tỉnh đây.
Lại một hồi im lặng tiếp theo. Nicolai nhắc lại, nhấn mạnh:
- Tôi có thể đã tự vu cáo nhiều. Chính tôi cũng không rõ đến mức nào nữa. Nhưng dù cho tôi có thách thức thiên
hạ với sự trình bày sỗ sàng của tôi, như cụ đã vạch ra, thì cũng có sao đâu? Thế là phải lắm. Đáng đời
họ.
- Nói cách khác, thù hận họ đối với ông dễ hơn là chấp nhận lòng thương của họ?
- Phải, cụ nói đúng. Tôi không bộc bạch như thế, nhưng bởi vì tôi đã khởi đầu - tôi muốn nói là với cụ - thôi
thì, tôi xin thưa cụ là tôi khinh họ chẳng kém tôi khinh tôi chút nào, hay nói cho đúng, còn nhiều hơn,
nhiều hơn vô kể. Không có một ai trong bọn họ xứng đáng ngồi mà phán xét tôi. Tôi viết cái mớ tào lao kia
chỉ vì tôi thích - thuần là do khinh thế ngạo vật đó thôi. Có thể tôi phóng đại hay còn bịa ra từ đầu đến
cuối trong một lúc xúc cảm mãnh liệt. - Anh giận dữ ngắt lời, và một lần nữa mặt lại đỏ bừng bừng bởi đã nói
điều gì ngược với ý muốn. Anh giơ tay ra, nhặt mảnh thập tự gẫy ở trên bàn lên, và quay lưng lại cụ
Tikhon.
Giọng cụ Tikhon phấn khởi:
- Hãy trả lời một câu hỏi. Ông hãy nói với tôi như nói với chính mình trong đêm tối. Nếu có kẻ nào tha thứ cho
ông về chuyện ấy - cụ trở mấy tờ giấy - không phải một trong những người mà ông sợ hãi hay kính nể mà là một
kẻ lạ mặt vô danh nào đó chưa bao giờ ông hề thấy mặt; nếu sau khi đọc bản thú tội ghê gớm của ông, người đó
lặng lẽ tha thứ cho ông, không hề thốt với ai một lời - hãy nói cho tôi nghe, biết như thế có làm ông cảm
thấy dễ chịu hơn, hay chẳng có gì thay đổi? Và nếu trả lời lớn tiếng sẽ quá chạm tự ái của ông thì xin đừng
nói - chỉ nghĩ thầm câu trả
lời.
Nicoiai nói rất khẽ:
- Tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nếu cụ tha thứ cho tôi - dễ chịu hơn nhiều lắm, - anh nói thêm trong hơi thở,
vẫn quay lưng lại phía cụ
Tikhon.
- Tôi sẽ tha thứ cho ông, nếu ông cũng tha thứ cho tôi nữa.
Nicolai quay lại đối diện với cụ.
- Tha thứ cho cụ về chuyện gì? Cụ đâu có làm điều gì xấu với tôi? A, tôi thấy rồi, đó chỉ là phương thức nhà tu
của cụ. Sự khiêm nhường xấu xa. Xin thưa với cụ là tôi thấy những phương thức tu viện cổ lỗ đó rất là thô
thiển. Cụ thực sự thấy là chúng hay ho lắm sao? - Anh hừ mũi bực tức. - Nhưng ta đến đây làm cái gì? A, -
chợt anh cất tiếng khi nhìn cây thập tự mình đã bẻ gẫy. - Tại tôi - vật này giá bao nhiêu? Hai mươi lăm rúp
có được
chăng?
Cụ Tikhon nói:
- Đừng bận tâm về chuyện đó.
- Năm mươi rúp nhé? Tại sao tôi lại không phải bồi thường? Không có lí do gì cụ lại tha thứ cho tôi về sự tổn
thất tôi đã gây ra. Đây là năm mươi rúp. - Nicolai móc tiền ra và đặt lên bàn. Anh nói tiếp càng bực bội
hơn: - Thôi được, nếu cụ không muốn nhận cho mình, thì cụ giữ cho những kẻ khó, cho nhà thờ của cụ - nghe
đây, tôi sẽ nói với cụ sự thật: Tôi muốn cụ tha thứ cho tôi, rồi sau là một người khác, và rồi có lẽ một
người thứ ba nữa, nhưng với những kẻ còn lại - mặc xác cho họ ghét
tôi!
Mắt anh long lên.
- Phải chăng ông không thể khiêm nhường mà mang chịu tình thương đại đồng?
- Không, tôi không thể. Tôi không muốn tình thương đại đồng và, hơn nữa, chẳng có cái gì gọi là tình thương đại
đồng cả; cho nên đó chỉ là một câu hỏi tầm phào. Nghe đây, tôi không muốn đợi chờ; tôi muốn công bố chuyện
đó. Và cụ đừng có tìm cách lừa tôi vào tròng. Tôi không thể chờ đợi chút nào nữa - tôi không thể nào! - Anh
nói thêm như mất tự chủ. Cụ Tikhon có phần kinh hoàng thực sự. Cụ
nói:
- Tôi lấy làm sợ cho ông.
- Cụ sợ tôi không chịu nổi? Không chịu nổi sự thù ghét của thiên hạ ư?
- Không phải chỉ riêng sự thù ghét của họ.
- Vậy còn cái gì nữa?
- À - còn cái cười nhạo của họ, - cụ Tikhon thì thào như tuồng phải cố gắng lắm mới ép mình nói ra được những
tiếng
đó.
Cụ đã không tự kiềm nổi mình, và đã thốt ra một điều mà chính cụ biết rằng tốt hơn nên giữ im.
Nicolai bối rối. Anh lo âu nhìn cụ Tikhon, và nói:
- Tôi biết mà! Vậy sau khi đọc bản tự thú của tôi, cụ thấy con người tôi khôi hài lắm. Xin cụ đừng có vẻ lúng
túng như thế - tôi đoán trước như thế
rồi.
Cụ Tikhon thực sự lúng túng và hấp tấp cố tìm cách giải thích chủ ý của cụ, dĩ nhiên như thế chỉ làm cho cơ sự thêm hỏng.
- Những công cuộc như thế đòi hỏi cái an nhiên - ngay để đau khổ người ta cũng vẫn cần sự siêu thoát tâm linh
tối cao; ngày nay thiên hạ cứ đua nhau tranh luận mà không hiểu được nhau, hệt như những gì họ đã làm thời
tháp Babel sụp
đổ.
Nicolai nói, ngắt lời ông cụ:
- Tôi đã nghe tất cả những thứ đó từ trước rồi, và tôi thấy chán ngắt. Chuyện đó cứ được nói đi nói lại mãi, có
cả hàng ngàn
lần.
Cụ Tikhon nói toạc móng heo:
- Nhưng dù vậy ông cũng không đạt được mục đích. Trên mặt pháp lí, dĩ nhiên là ông không thể bị công kích được
rồi. Người ta sẽ cười xòa và nói thẳng với ông điều đó trước tiên. Rồi người ta sẽ băn khoăn không biết ông
định nhằm cái gì - bởi vì có ai hiểu được chủ đích thực sự của lời tự thú của ông? Hẩn là thiên hạ sẽ ngoan
cố từ chối không chịu hiểu, bởi họ sẽ giật mình khi thấy một sự sám hối lạ thường như vậy, và sẽ trả thù bất
cứ kẻ nào muốn thú nhận một sự sám hối kiểu đó, vì cớ thế gian khoái chìm đắm trong bùn nhơ của chính nó, và
sẽ cười vào mặt kẻ nào muốn cố tẩy rửa cho sạch, bởi sự chế nhạo là đường lối dễ dàng nhất để bóp
chết...
Nicolai thúc giục cụ:
- Xin nói rõ hơn; nói tất cả những gì cụ có trong đầu.
- Mới đầu, dĩ nhiên họ sẽ biểu lộ vẻ kinh hoàng, nhưng giả tạo nhiều hơn là thực bụng, chỉ cốt trưng bày. Tôi
không nói đến những tấm lòng thanh khiết, vì họ sẽ kinh hoàng thực sự, nhưng chỉ lẳng lặng, và rồi cũng
trong im lặng họ tự lên án. Tuy vậy, không ai hay biết gì về họ đâu, vì sự im lặng kia. Còn những kẻ khác,
những người phù phiếm, chỉ lo sợ những cái đe dọa quyền lợi riêng tư của họ - chính đó là những kẻ, sau lúc
thoạt tiên ngạc nhiên và phô bày cái kinh hoàng đóng kịch, sẽ hè nhau phá ra cười. Họ cũng tò mò về người
điên - bởi vì họ sẽ tin chắc rằng ông điên. Có lẽ không hoàn toàn điên đến nỗi vô trách nhiệm, nhưng đủ điên
để cho phép họ cười nhạo. Ông có nghĩ rằng ông sẽ chịu đựng nổi điều đó không? Hay cõi lòng ông sẽ tràn đầy
thù hận, và rồi thế nào nó cũng đưa ông tới đọa đày? Đó là điều tôi e ngại
quá.
Nicolai nói, hơi giận dữ:
- Cụ thử nhìn lại mình xem! Tôi phải nói là tôi chưng hửng khi thấy cụ coi thường con người - cụ nói về họ một
cách ghê tởm ra
mặt.
Cụ Tikhon kêu lên:
- Ông biết không, thực ra tôi gần như phán đoán chính mình khi nói về kẻ khác!
- A, thực vậy sao? Vậy có thể có một điều gì trong cái bất hạnh của tôi làm cụ vui thích?
- Biết đâu? Có thể.
- Được rồi, trong trường hợp đó, xin cụ chỉ cho tôi rõ ngay chỗ tôi có vẻ lố bịch trong bản thú tội. Tôi cũng
tự biết chỗ nào khôi hài, nhưng tôi muốn cụ vạch ra giùm tôi. Và xin cụ làm ơn khinh bạc cho, vì cụ là một
tay đại khinh bạc. Bọn thánh thiện các ông đều là những tay đại khinh bạc, cả một lũ! Chính các ông không
biết rõ các ông khinh người tới đâu! Cụ hãy hết sức thành thật trả lời cho tôi, và tôi xin nói với cụ rằng:
chính cụ cũng là một người hết sức quái
đản!
- Trước hết, trong con mắt người đời, ý định thực hiện sự sám hối vĩ đại của ông tự nó đã lố bịch. Nó có một
cái vẻ gì khôi hài, gượng gạo - ấy là chưa kể cái hình thức mơ hồ lỏng lẻo của nó, như thể ông vì sợ hãi và
yếu đuối mà lắp bắp tuôn ra. Ồ, đừng nghi ngờ ông có thể không thành công! (cụ chợt kêu to, như mê đắm). Dù
với hình thức đó, ông cũng sẽ thành công, (cụ chỉ mấy tờ giấy), miễn là ông thành thật đón nhận sự phỉ nhổ
và chà đạp của họ - nếu ông có thể chịu đựng nổi! Cây thập tự nhục nhã nhất bao giờ cũng nảy sinh vinh quang
và sức mạnh lớn nhất, nếu đức khiêm nhường khi thụ hình là chân thành. Nhưng ông có đức khiêm nhường đó
chăng? Cái cần cho ông không phải là một sự thách thức, mà là sự khiêm nhường và nhục nhã vô biên! Ông không
được khinh những kẻ phán xét ông, mà phải thành thật tin ở họ, như vào một giáo hội vĩ đại; rồi ông sẽ vượt
thắng họ và nêu gương để họ hướng về ông, và ông sẽ được kết hợp trong tình bác ái - a, phải chi ông chịu
đựng được điều
đó!
- Bây giờ xin cụ chỉ cho tôi, theo ý cụ, chỗ nào trong mấy tờ giấy kia lố bịch nhất?
Cụ Tikhon đau đớn, lắc đầu mà rằng:
-Sao? Sao ông cứ bận tâm về chuyện lố bịch của nó làm gì? Sao ông lại bị ám ảnh một cách bệnh hoạn như thế?
- Dù sao đi nữa, tôi vẫn muốn cụ vạch nó ra.
Cụ Tikhon thì thào, mắt nhìn xuống:
- Cái xấu xa sẽ làm nó hư mất.
- Xấu xa? Xấu xa nào?
- Cái xấu xa trong tội ác của ông. Mọi tội ác đều xấu xa từ trong căn cốt; nhưng chúng càng vấy máu thì càng
gớm ghiếc - có thể nói là càng vô lại; nhưng có những tội ác hoàn toàn đê tiện và nhục nhã mà cái ghê rợn
của chúng cũng không làm nhẹ đi
được...
- Có phải cụ muốn nói cụ cảm thấy tôi phải có vẻ khôi hài đặc biệt khi hôn tay con bé và - và quá hoảng hốt như
thế sau đó, phải, và luôn tất cả nội vụ? Tôi hiểu. Tôi hiểu rất rõ những gì cụ muốn nói. Vậy ra cụ sợ cho
tôi vì chuyện đó xấu xa, đê tiện, không, không phải đê tiện mà là xấu hổ, lố bịch. Và cụ cho rằng chính vì
vậy mà tôi chịu đựng không
nổi?
Cụ Tikhon lặng im. Mặt Nicolai tái xanh và nhăn nhúm lại. Anh nói rất khẽ, như với chính mình:
- Bây giờ tôi cũng có thể đoán ra lí do cụ hỏi tôi về người thiếu nữ ở Thụy Sĩ kia.
Cụ Tikhon nói:
- Ông chưa sẵn sàng để chịu thử thách đâu, chưa đủ tôi luyện.
Nicolai nói, mắt ánh niềm hăng say man dại:
- Tôi muốn cụ hiểu cho rằng mối quan tâm chính của tôi là sự tự tôi tha thứ cho tôi. Đây là bản tự thú của tôi;
đây là sự thật trọn vẹn - còn ngoài ra chỉ là láo khoét. Tôi biết rằng chỉ có như vậy ảo ảnh kia mới biến
đi. Bởi thế tôi chờ mong sự đau khổ vô biên cho chính tôi. Vậy cụ đừng làm tôi hoảng sợ, kẻo tôi sẽ rồi đời
mà còn tức giận tràn hông, - anh nói tiếp, và một lần nữa dường như những lời cuối cùng đó lại tuột khỏi
lưỡi anh một mình, ngược hẳn ý anh. Cụ Tikhon quá ngạc nhiên nên đứng bật hẳn dậy. Cụ hân hoan kêu
lên:
- Ông nếu quả tin điều đó, thì có thể tha thứ cho chính mình; và nếu ông sẵn lòng theo đuổi sự tha thứ đó bằng
khổ đau ở thế gian này, thì ông đã có đức tin hoàn toàn rồi! Như thế sao ông dám bảo là ông không tin vào
Chúa?
Nicolai không trả lời.
- Chúa sẽ tha thứ cho ông về cái không tin; bởi vì ông thực thờ lạy Chúa Thánh thần mà không biết đó thôi.
- Nicolai u ám nói: Không có sự tha thứ nào dành cho tôi cả. Trong cuốn sách kia của ông có nói rằng không có
tội ác nào lớn hơn việc xúc phạm “một trong những con trẻ”, và không thể nào
có!
Anh chỉ cuốn Phúc Âm. Cụ Tikhon xúc động dịu dàng và nói:
- Về chuyện đó, Đấng Cứu thế cũng sẽ tha thứ cho ông nữa, nếu ông thành công trong việc tự tha thứ - không
phải, hãy khoan, ông chớ nghe tôi; tôi phỉ báng mất rồi: dù cho ông không đạt tới sự hoà giải với bản thân
và thất bại trong việc tha thứ cho chính mình, Ngài cũng vẫn tha thứ cho ông vì ý định và sự đau khổ lớn lao
của ông, bởi không có lời lẽ hay tư tưởng nào của loài người có thể bày tỏ hết mọi chủ đích của Chiên Con121
“Cho đến khi đường lối Ngài được mặc khải cho chúng ta”. Ai có thể gói trọn được Ngài, Đấng không bị trói
buộc, và cầm giữ được Ngài, Đấng không thể cầm
giữ?
Khóe môi cụ bắt đầu giật, và một cơn co rút nhẹ chạy dài khắp mặt cụ. Trong một lúc, cụ cố tự kiềm nhưng vô hiệu, và cụ cúi mắt nhìn xuống. Nicolai cầm lấy mũ trên trường kỉ. Anh nói bằng một giọng kiệt sức:
- Tôi sẽ trở lại một bữa khác, và rồi chúng ta... Tôi rất thích nói chuyện với cụ và tôi thật cảm kích... hậu
tình của cụ. Xin cụ cứ tin là, tôi đã thâm hiểu vì sao một số người quí mến cụ đến thế. Xin cụ cầu nguyện
giùm tôi với Đấng mà cụ hết lòng kính yêu
đó.
Cụ Tikhon vội vã đứng lên, có vẻ sửng sốt vì khách lại ra đi:
- Ông về bây giờ à? Tôi lại định muốn... - cụ lắp bắp với vẻ bối rối ra mặt, - Tôi muốn xin ông một đặc ân
nhưng thực tôi không biết diễn tả ra sao bây
giờ...
Nicolai ngồi xuống, tay vẫn cầm chiếc mũ, và nói:
- Xin cụ cứ nói. Tôi rất lấy làm sung sướng...
Cụ Tikhon nhìn cái mũ, nhìn cái dáng điệu thế tục và dửng dưng của con người, mà trước đây năm phút còn bứt rứt và dao động đến thế, giờ đây đang ngồi bảnh chọe và ban cho cụ năm phút gia hạn để giãi bày công chuyện. Cụ càng lúng túng hơn.
- Tất cả lời yêu cầu của tôi chỉ có là - vì lẽ ông đã thú tội rồi - ông Nicolai ơi (tôi chắc đó là tên thánh
của ông phải không?), ông hẳn cũng ý thức được rằng nếu ông cho xuất bản những tờ giấy này, ông sẽ phá tan
mọi triển vọng về sau, cả sự nghiệp và hết thảy các thứ
khác.
Nicolai nhằn mặt lộ vẻ chán ngắt:
- Sự nghiệp gì?
- Sao ông lại phải làm nó thui chột đi? Sao ông khó tính thế?
Cụ Tikhon nói, gần như năn nỉ, cụ biết rõ cái vụng về của mình. Một vẻ đau đớn hiện trên gương mặt Nicolai.
- Tôi đã nói với cụ từ trước và nay lặp lại một lần nữa: không điều nào cụ nói có thể thay đổi được gì cả. Hơn
nữa, tất cả cuộc đàm thoại này, nói chung, tôi hết chịu nổi nữa
rồi.
Anh nóng nảy ngọ nguậy trong ghế.
- Ông không hiểu tôi. Hãy nghe tôi nói cho xong đã, và đừng nổi cọc. Ông biết điều tôi nghĩ chứ: sự tuẫn đạo
của ông, nếu quả cho đức khiêm nhường hứng khởi, sẽ là một hành vi Kito vĩ đại, miễn là ông có thể chịu đựng
được nó, và đi cho suốt với nó. Hơn nữa, dù ông thất bại không đi cho suốt với nó được, Chúa vẫn sẽ xét đến
sự hy sinh khởi đầu cho ông. Mọi việc đều sẽ được cứu xét - không một lời, không một tình, không ý nào, dù
cho mơ hồ, mà bị mất mát đi. Nhưng tôi còn muốn đề nghị với ông một ý kiến khác, còn lớn lao hơn nữa - một
chuyện lớn lao không thể tưởng
được.
Nicolai vẫn lặng câm.
- Ông đang mong muốn tuẫn đạo và hi sinh: a, phải thắng cả cái dục vọng đó nữa - dẹp những tờ giấy kia và luôn
dự định công bố chúng, rồi lúc đó tôi chắc chắn là ông sẽ vượt thắng mọi cái. Ông sẽ khuất phục lòng kiêu
hãnh và đuổi phăng con quỉ của ông. Cuối cùng ông sẽ là kẻ chiến thắng và lấy lại tự
do.
Mắt cụ sáng lên; tay cụ chắp lại như cầu nguyện.
- Cụ xem tất cả chuyện đó dưới cặp mắt quá bi đát và gán cho nó một tầm mức quan trọng quá đáng. Tuy nhiên, cụ
cứ vững tin cho, rằng tôi hết sức cảm kích về sự quan hoài của cụ, - Nicolai ăn nói lễ độ, nhưng thoáng vẻ
chán chường. - Tôi thấy rằng cụ cứ nhất quyết cho tôi vào rọ - dĩ nhiên là hoàn toàn với thiện ý, thuần là
do lòng tử tế và quan hoài của cụ đối với đồng loại. Cụ muốn tôi tỉnh trí ra mà biết điều phải chăng, không
còn lộn lạo, công bố gì hết - ổn định cuộc sống, và có lẽ an hưởng tuổi già như một hội viên câu lạc bộ hàng
tỉnh và ngày lễ đến thăm tu viện. Phải thế không? Mặt khác, là một nhà tâm lí và khinh bạc, cụ biết mọi
chuyện đó rồi ra thế nào cũng phải xảy đến, và chỉ còn cần là bây giờ thuyết phục tôi cho khẩn khoản đến độ
để giữ thể diện cho tôi, bởi vì đó là điều chính tôi tự muốn. Tôi cá là cụ còn nghĩ đến mẹ tôi nữa, cho linh
hồn bà cụ được bình
an...
- Tôi muốn đề nghị một cách ăn năn khác hẳn cách đó! - Cụ Tikhon hăng hái nói tiếp, hoàn toàn không để ý đến
đời lẽ của Nicolai. - Tôi biết một ông già - không phải ở đây, nhưng cũng không cách xa cho lắm. Ông ta là
một ẩn sĩ, một nhà khổ tu, và sự ngộ đạo của ông ta lớn lao đến nỗi ông và tôi, chúng ta không thể nào vươn
tới được. Ông ta sẽ nghe lời cầu xin của tôi; và tôi sẽ kể cho ông ta nghe hết câu chuyện về ông. Ông cho
phép tôi làm như thế chứ? Ông hãy đến ở bên ông ta như một môn đệ. Đi đi, trong năm, trong bảy năm - bao lâu
tùy theo ông tự cảm thấy là cần thiết. Ông hãy khấn nguyện hãm mình, và bằng sự hi sinh lớn lao đó, ông sẽ
nhìn thấy tất cả những gì ông mong mỏi trên trần, ngay cả những cái ông không mong mỏi nữa; bởi bây giờ ông
không thể tưởng ra tất cả những gì ông sẽ đạt
được!
Nicolai nghiêm cẩn nghe cụ nói. Đôi má tái nhợt của anh hồng lên sắc máu.
- Cụ đề nghị là tôi khấn nguyện vào tu ở đó?
- Ông không cần phải vào tu viện; ông không cần phải gia nhập một nhà dòng. Chỉ cần làm một môn sinh, một môn
sinh bí mật; ông cũng vẫn có thể tiếp tục sống với thế
gian.
Nicolai chán nản ngắt lời và đứng dậy:
- A, bỏ chuyện đó đi, Cha Tikhon.
Cụ Tikhon cũng đứng lên.
- Cụ làm sao thế? - anh chợt kêu lên, kinh hoàng chòng chọc nhìn cụ. Cụ Tikhon đứng trước mặt anh, hai cánh tay
giơ ra phía trước; một sự co rút đau đớn, chừng như do một cơn khiếp đảm lớn lao, làm mặt cụ nhăn nhúm trong
giây
lát.
- Cụ làm sao thế, cụ làm sao thế? - anh lặp đi lặp lại rồi vội vã đến đỡ cụ, vì anh ngỡ vị thầy tu kia sắp sửa
quị đến
nơi.
- Tôi có thể thấy, tôi có thể thấy rõ như có thật, - cụ Tikhon cất lên bằng một giọng buốt tim, nét mặt cụ phản
ảnh một nỗi khổ đau mãnh liệt, - chưa bao giờ ông cận kề với một tội ác mới và còn gớm guốc hơn như là chính
lúc này. Ôi, khốn khổ thay cho một thanh niên như
ông!
Nicolai nói, bây giờ thực tâm lo lắng cho cụ và cố trấn an cụ:
- Bình tĩnh lại, cụ ơi. Có lẽ tôi sẽ còn hoãn chuyện đó để về sau xét lại xem đã. Cụ nói đúng.
- Không, không phải sau khi công bố, mà trước đó, có thể một ngày, có thể một giờ, trước khi ông bước cái bước
lớn lao đó, ông sẽ lao mình vào một tội ác mới như một lối thoát, và ông sẽ phạm vào chỉ cốt để tránh công
bố những tờ giấy mà hiện ông đang nằng nặc đòi cho ra
kia.
Nicolai run lên vì giận dữ và gần như sợ hãi nữa. Anh hét to:
- Nhà tâm lí trời đánh!
Rồi đột ngột cắt ngay câu nói, anh bực tức quầy quả bước ra khỏi phòng không hề ngoái đầu lại.