Lũ Người Quỷ Ám - Chương 53
Chương Tám
ĐOẠN KẾT
1
Mọi tội ác và bạo hành phơi ra trước ánh sáng một cách mau mắn lạ thường, sớm hơn Piot’r nghĩ rất nhiều. Bắt đầu là ngay đêm Satov bị giết, người vợ tang thương khốn khổ của anh, Maria, thức dậy ngay trước khi trời hửng sáng, thấy anh không có nhà liền phát điên phát cuồng. Người đàn bà mà chị Arina Virghinxcaia gửi tới để ngủ đêm với sản phụ không làm sao trấn an được chị Maria và, ngay lúc trời vừa tỏ, bà vội chạy tìm chị Arina Virghinxcaia, sau khi đã thuyết phục Maria là cô mụ biết Satov ở đâu và khi nào anh sẽ trở về. Đến lúc đó, chị Arina Virghinxcaia cũng đang rầu rĩ: chồng chị đã kể cho chị nghe về phiên họp đêm tại trại Xcvoresniki.
Virghinxki về nhà khoảng giữa mười và mười một giờ đêm, trong trạng thái dễ sợ. Anh nằm vật ngay xuống giường, vặn siết hai bàn tay, và lầm bầm giữa những cơn nức nở co quắp cả mình mẩy: “Không được, không được tí nào...”. Sau cùng, dĩ nhiên, bị chị vợ hỏi riết anh cũng kể hết cho chị mọi chuyện. Tuy nhiên, anh chỉ kể cho chị thôi. Chị để mặc anh nằm trên giường, nghiêm nghị bảo anh rằng, nếu anh có cần sụt sùi thì phải úp mặt vào gối để thiên hạ khỏi nghe, và anh là một thằng ngốc chính hiệu nếu đến mai mà anh không đàng hoàng con người lại và chẳng biểu lộ một dấu hiệu gì về những chuyện đã xảy ra. Tuy nhiên, điều đó làm chị nghĩ ngợi, và chị bắt đầu sửa soạn cho trường hợp nguy cấp: xếp một số giấy tờ, sách vở, và thậm chí cả truyền đơn vào một chỗ an toàn, hoặc tiêu hủy hết. Rồi chị quyết định rằng chính chị, người chị ruột độc thân, bà dì, cô sinh viên béo tròn trùng trục, và ngay cả người em trai tai lừa của chị là Sigaliov thực ra chẳng có gì phải ngại cho lắm. Vậy nên, khi sáng người đàn bà từ nhà Maria trở về tìm, chị đi theo ngay không ngần ngừ gì. Dù sao, chị cũng hăm hở muốn tìm cho ra lẽ, xem những điều anh chồng mê sốt thì thầm với mình đêm qua đã đi đến đâu - nghĩa là sự trông cậy của Piot’r vào việc tự tử của Kirillov, hữu ích cho mọi người, có chứng thực hay không.
Nhưng chị đến nhà Maria quá trễ. Sai người đàn bà đi rồi, còn lại một mình Maria chờ đợi hết nổi. Chị tuột xuống giường, vớ lấy bộ quần áo đầu tiên tìm được mặc vào người - nó hóa ra quá phong phanh và hoàn toàn không thích hợp với thời tiết lúc đó đang vào cuối năm, và tập tễnh đi sang lều của Kirillov; chị nghĩ rằng anh ta có thể biết rõ về tung tích của Satov hơn ai hết.
Thật dễ tưởng tượng ra những gì chị nhìn thấy gây một hậu quả như thế nào dối với người đàn bà vừa qua cơn sinh nồ khó khăn. Trong nỗi kinh hoàng, chỉ còn nhìnkhông ra mẩu giấy của Kiriỉlov viết để lại, mặc dầu anh đã cố ý để nó nằm phơi ra cho mười mắt đều thấy! Chị chạy vội về phòng của Satov, vồ lấy đứa bé rồi ẵm nó trên tay mà đi ra phố. Buổi sáng hôm đó trời lạnh và mù sương. Phố xá vắng tanh. Chị bắt đầu chạy, hai bàn chân lê ngập trong bùn tê cóng. Rồi, thở không ra hơi, chị dập cửa các nhà. Nhà đầu tiên không chịu mở; nhà thứ nhì trả lời lâu quá nên chị bỏ luôn và chạy sang nhà thứ ba. Nhà thứ ba của một thương gia tên là Titov. Ở đây chị gây náo động lung tung vì thét lên: “Họ vừa mới giết chồng tôi!” Gia đình Titov vốn biết Satov và đã nghe qua về tiểu sử của anh, và họ kinh hãi khi thấy vợ anh thời tiết như thế lại vừa sinh được có vài giờ mà ăn mặc sơ sài đến vậy, tay vừa bồng đứa con đỏ hỏn chỉ phủ qua loa vừa chạy rông. Đầu tiên họ đinh ninh là chị mê sảng. Vì họ nghe chị nói mà không biết được ai bị giết - Kirillov hay chồng chị. Khi Maria thấy họ không tin lời mình, chị quay ra và dợm chạy nữa. Họ phải dùng sức ghì chị lại, trong khi chị vùng vẫy cố thoát và la om sòm. Titov đi sang chái lều của Kirillov, và chỉ trong vài giờ cả thành phố đều biết vụ tự tử của Kirillov và lá thư tuyệt mệnh anh để lại.
Cảnh sát cố tra hỏi Maria, vẫn còn tỉnh táo, xem làm sao chị biết về cái chết của Satov khi không đọc lá thư của Kirillov, nhưng chẳng đi đến đâu. Chị cứ một mực hét: “Vì anh kia bị giết, thì chồng tôi cũng thế - họ đi với nhau mà!”. Đến trưa thì chị mất trí và, cho đến khi mất vào ba ngày sau, không hề tỉnh lại. Đứa bé cũng bị nhiễm lạnh, và còn qua đời trước cả chị. Chị Arina Virghinxcaia không thấy Maria và đứa nhỏ trong buồng Satov, biết rằng việc không ổn và đã định về nhà. Nhưng chị dừng ở cổng và sai người đàn bà đến hỏi thăm “cái ông sống trong túp lều ở sân xem bà Satova họa may có đó không”. Người đàn bà quay lại la thất thanh như điên như cuồng, tiếng la vang dội cả phố. Chị Arina Virghinxcaia ráng trấn tĩnh bà ta và thuyết phục giữ kín những gì thấy trong túp lều bằng lí luận cổ điển: “Đừng nói gì nếu chị không muốn họ nghi ngờ và bỗng dưng gây rắc rối cho chị”. Rồi chị tất tưởi về nhà.
Lẽ tự nhiên, người ta hỏi chị ngay sáng hôm đó, vì chị đã đỡ đẻ cho vợ Satov. Nhưng họ cũng không khai thác gì được nhiều ở chị. Chị tường trình một cách rất lạnh lùng và khoan thai mọi điều chị đã thấy và nghe tại nhà Satov. Nhưng chị nói mình không biết gì về Kirillov hay bất cứ chuyện nào khác và, thực ra, đối với chị nó chẳng có nghĩa lí gì cả.
Toàn thể câu chuyện gây náo động ghê gớm trong thành phố chúng tôi. Lại một vụ sát nhân khủng khiếp nữa! Đến lúc này, đã rõ như ban ngày là giữa chúng tôi có một hội kín gồm những tên giết người, đốt nhà và nổi loạn. Cái chết dễ sợ của Liza, vụ ám sát vợ Nicolai, thái độ của chính Nicolai, buổi dạ hội từ thiện giúp các cô giáo nghèo, đám cháy, hành vi phóng đãng của bọn tùy tùng bà Lembke...
Thiên hạ còn nằng nặc xem chuyện ông già Xtepan Verkhovenxki biến mất là một điều bí ẩn nữa. Tin đồn về Nicolai Xtavroghin lan truyền. Đến cuối ngày thì người ta biết thêm sợ vắng mặt của Piot’r Verkhovenxki, nhưng kì lạ thay, dân chúng bàn bạc về hắn ít nhất trong tất cả. Người được đề cập nhiều hơn hết hôm đó là vị “tham nghị viên” kia. Suốt buổi sáng, một dám đông tụ tập trước nhà Filippov, nơi Satov và Kirllov trước đó trú ngụ. Cảnh sát quả tình bị lạc hướng vì lá thư của Kirillov - họ nghĩ rằng Satov bị Kirillov hạ sát, rồi anh này tự tử luôn. Nhưng dù cho nhà chức trách bị lầm đường, họ cũng không phải hoàn toàn bị điên đảo. Sự mơ hồ của chữ “vườn hoa”, mà Piot’r đã quá sức trông cậy sẽ làm trì hoãn cuộc điều tra, không đánh lừa được ai cả. Cảnh sát lập tức nghĩ ngay đến dinh cơ Xcvoresniki, mặc dù không phải đặc biệt vì chỗ “vườn hoa” trong lá thư của Kirillov hay vì đó là vườn hoa độc nhất trong vùng phụ cận thành phố chúng tôi, mà bởi một thứ trực giác, nguyên do là bao nhiêu sự kinh hoàng xảy ra trong mấy tuần lễ qua đều, bằng cách này hay cách khác, liên hệ đến Xcvoresniki. Ít nhất, theo ý riêng tôi, đó là sự giải nghĩa thích đáng hơn cả. (Tôi xin ghi nhận ở đây rằng sau cái đêm Satov bị giết, rạng ngày ra bà Varvara, chưa hề nghe hiểu chuyện gì, đã bỏ thành phố đi tìm ông Xtepan).
Thi thể của Satov tìm thấy trong một cái ao buổi chiều cùng ngày; cảnh sát dõi tới đó là nhờ một số dấu vết, kể cả việc khám phá ra cái mũ lưỡi trai của Satov ngay tại địa điểm xảy ra án mạng - một sự sơ suất thô thiển về phía bọn sát nhân. Việc giải phẫu nghiệm thi và một số điều quan sát đưa tới kết luận rằng Kirillov không thể thực hiện việc giết người nếu không có đồng lõa. Lúc ấy đã rõ là có một hội kín Satov - Kirillov, và hội này dính dấp đến những tờ truyền đơn. Vậy đồng lõa có thể là những ai? Ngày đó cũng chẳng ai nghĩ đến tổ năm người ở địa phương chúng tôi. Người ta biết rằng Kirillov luôn luôn ở một mình tách biệt, đến nỗi là cảnh sát lùng bắt Feđca khắp nơi mà hắn vẫn có thể yên ổn ngủ đêm ở nhà Kirillov. Mọi người đều thất vọng tột độ vì thoạt tiên dường như không thể nào tìm ra manh mối gì trong cả cái mớ bòng bong kinh khủng kia. Thực khó mà tưởng tượng ra có thể đám dân chết khiếp trong tỉnh tôi sẽ thêu dệt ra những kết luận nào khác, những chuyện phi lí nào khác, nếu vụ bí ẩn kia không được vạch trần ra ngày hôm sau, nhờ vào Liamsin.
Anh ta quị. Trước khi bỏ đi, mặc dù trấn an Erkel, Piot’r đã sợ một chuyện như thế có thể xảy ra. Được giao cho Tolcatrenco và sau nầy là Erkel giám sát, Liamsin cả ngày hôm sau hằm ở trên giường, hoàn toàn bất động; quay mặt vào vách, hỏi chẳng buồn nói, gọi chẳng buồn thưa. Vì vây, anh chẳng biết gì về những việc xảy ra trong thành phố. Nhưng Tolcatrenco, lẽ ra phải canh chừng Liamsin, biết rành cơ sự và đến tối, anh quyết định bỏ mặc công tác do Piot’r phó thác và “tạm thời vắng mặt khỏi thành phố để về quê” - nghĩa là, để bỏ trốn. Vậy là anh ta cũng điên đầu, và xem ra Erkel có lí khi tiên đoán là cả bọn rồi sẽ thế cả. Nhân tiện cũng nói luôn, Liputin cũng đã mất tăm mất tích, còn trước cả Tolcatrenco nữa trước giờ ngọ, nhưng cảnh sát không khám phá ra sự vắng mặt cho mãi đến tối hôm sau khi họ đến nhà và thẩm vấn gia đình anh; ở nhà lo âu về sự vắng mặt của anh nhưng vẫn giữ kín. Nhưng ta hãy trở lại chuyện Liamsin. Ngay khi còn lại một mình - Erkel, tin tưởng vào Tolcatrenco, đã bỏ đi từ trước nữa - Liamsin lập tức vọt ra khỏi nhà và dĩ nhiên nghe được những chuyện bàn tán trong tỉnh. Không cả về nhà, anh bỏ trốn ngay. Nhưng đêm thì tối như bưng mà chạy trốn xem ra khó khăn và dễ ớn làm sao, nên sau khi đi được hai ba khu phố, anh quay về nhà đóng kín cửa suốt đêm. Hình như, gần sáng, anh định tự vẫn, nhưng việc không thành. Sau đó, anh vẫn đóng cửa ngồi trong nhà mãi đến trưa hay quá trưa chút ít. Rồi anh thình lình nhảy lên và chạy thẳng đến cảnh sát. Người ta kể lại rằng anh quì gối, nức nở, rên la, và hôn lên mặt đất, kêu rằng anh ta còn không xứng đáng hôn lên giầy của những công bộc đứng đó. Họ trấn tĩnh anh và thậm chí vỗ về nữa. Cuộc thẩm vấn anh kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ. Anh thuật cho họ nghe mọi điều anh biết, đầy đủ từng chi tiết, tự nguyện cung cấp tin tức, dự đoán, và còn kể cả những điều họ không quan tâm nữa. Hóa ra là anh biết rất nhiều và có thể mô tả cho họ hình ảnh chính xác của toàn thể sự vụ. Bây giờ đã rõ là tấn bi kịch liên can đến Satov và Kirillov, vụ đốt nhà, cái chết của nhà Lebiadkin, vân vân... tất cả bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu. Nhân vật chính bây giờ là Piot’r Verkhovenxki với cái tổ chức bí mật, cái Phong trào, cái màng lưới huyền hoặc của hắn. Khi người ta hỏi tất cả những tội ác và bạo hành đó nhằm vào cái gì, Liamsin giải thích là bọn hắn định cố “lay chuyển một cách hệ thống các nền tảng, để phá tan cơ cấu xã hội và làm sụp đổ mọi giá trị khiến cho có sự mất tinh thần và xáo trộn đều khắp. Thế rồi cái xã hội mục nát, bệnh hoạn, mốc meo đó, vô liêm sỉ và vô thần nhưng khao khát một tư tưởng lãnh đạo và tự tồn, có thể chiếm lĩnh được khi phất cao ngọn cờ cách mạng, lợi dụng màng lưới rộng rãi bao gồm các tổ năm người, đồng thời những tổ này cũng chiêu mộ thêm ngườỉ mới và thăm dò những nhược điểm để tấn công”. Anh kết luận rằng trong tỉnh chúng tôi; Piot’r Verkhovenxki mới chỉ thử trắc nghiệm lần đầu tiên khả năng của tổ chức trong việc gây nhiễu nhương và các kết quả sẽ vạch cho hắn thấy chương trình xúc tiến về sau phải định liệu ra sao, - và kế hoạch hành động nào nên giao phó cho Các tổ năm người khác. Liamsin kể rõ rằng anh chỉ phỏng đoán thế thôi, dĩ nhiên, nhưng họ không quên lưu tâm đến sự thành khẩn và hăng say của anh trong việc phơi bày âm mưu kia và nhận thấy trong tương lai anh có thể hữu dụng cho họ nữa. Khi họ hỏi anh cho con số ước lượng các tổ năm người hiện có, anh trả lời rằng có rất nhiều - rằng quả thực cả nước Nga chằng chịt mạng lưới, và mặc dù anh không đưa ra được bằng chứng gì làm hậu thuẫn cho ước tính, tôi chắc chắn anh thành thật vô cùng. Anh chỉ trình ra được có một tờ chương trình của Phong trào in sẵn để phát hành ở nước ngoài và một bản dự thảo kế hoạch hành động trong tương lai do chính tay Piot’r viết. Hóa ra là khi nói về sự “lay chuyển các liền tảng” của xã hội, Liamsin đã trích dẫn nguyên văn, gần như đúng cả dấu chấm phẩy, mặc dù anh cam kết rằng đó chỉ là dự phỏng cá nhân của anh. Còn về bà Lembke, anh tình nguyện đưa ra ý kiến khá tức cười là “bà ta hoàn toàn vô tội - họ chỉ lợi dụng bà cho những mục tiêu riêng”. Đáng kể hơn nữa là anh nằng nặc cho rằng Nicolai Xtavroghin không hề có chút liên hệ gì với Phong trào hay Piot’r hết cả. (Liamsin chẳng hay biết gì về dự tính, hi vọng nực cười của Piot’r đối với Nicolai.).Theo Liamsin, vụ ám sát anh em nhà Lebiadkin là do Piot’r tổ chức mà Nicolai không hay biết và Piot’r muốn làm cho Nicoiai liên lụy để kiềm chế được anh này. Thế nhưng, thay vì gặt hái được sự biết ơn như anh ta vẫn ngây thơ trông chờ, Piot’r chỉ gặp phải sự căm phẫn và tuyệt vọng của con người cao thượng kia. Liamsin chấm dứt bản cung từ bằng cách vội vã nói úp mở rằng Nicoiai thực ra là một nhân vật cực quan trọng; rằng con người đó có một cái gì bí ẩn; rằng anh ta giấu giếm hình tích mà hành sự; rằng anh ta phục vụ cho các Cơ quan cao cấp trong chính quyền, và chẳng bao lâu nữa anh ta lại ở Petersburg trở về (Liamsin không hồ nghi gì là Nicolai hiện ở Petersburg); nhưng khi trở lại, Nicolai sẽ xuất hiện một cách hoàn toàn khác xưa, trong những hoàn cảnh khác biệt, và cùng đi với một vài nhân vật rất quyền uy mà chẳng mấy lúc nữa họ sẽ nghe nói tới. Anh bảo rằng tất cả những điều đó anh nghe chính miệng Piot’r, là “kẻ thù ngấm ngầm của Nicolai Xtavroghin”, nói lại.
Cần phải ghi nhận là, hai tháng sau, Liamsin thú nhận là lúc trước anh đã cố tình nói dối để che chở cho Nicolai, vì trông cậy Nicolai sẽ bảo vệ mình, và hi vọng Nicolai có thể làm cho bản án của anh thuyên giảm vài phần, và khi anh bị đầy đi Xibir, Nicolai sẽ cho anh tiền và một lá thư giới thiệu. Căn cứ vào lời thú nhận này, chúng ta có thể độ chừng Liamsin tưởng tượng phóng đại về quyền năng của Nicolai Xtavroghin đến đâu.
Dĩ nhiên, ngay ngày hôm đó người ta cũng bắt giữ Virghinxki và nóng vội câu lưu luôn cả gia đình anh. (Bây giờ thì chị Arina Virghinxcaia và người chị, cũng như cô sinh viên tròn trùng trục, được phóng thích đã từ lâu; và tôi nghe nói Sigaliov, chẳng thích hợp vào bất cứ loại chính trị phạm nào, cũng sẽ được thả ra ngày một ngày hai, tuy đó vẫn chỉ là tin đồn). Lập tức, Virghinxki thú nhận hết mọi sự. Khi người ta đến bắt, anh đang sốt nằm mê man trên giường. Tôi nghe nói anh tỉnh cả người và thốt lên:
- A, như thể họ cất cho tôi một gánh nặng trong lòng!
Tôi nghe nói hiện anh thuận tình hợp tác với nhà chức trách, nhưng vẫn giữ tư cách lắm. Anh không chịu từ bỏ “những hi vọng sáng ngời” của anh, nhưng nguyền rủa “con đường chính trị” mà anh bị lôi cuốn vào “vì những xoay chuyển của thời thế”, - đối lập với “con đường tiến hóa xã hội”. Về phần vụ anh đóng trong vụ ám sát, anh được hưởng một số hoàn cảnh giảm khinh, và dường như anh có thể trông mong một bản án nhẹ hơn. Ít ra, do cũng là dư luận trong tỉnh tôi.
Nhưng không chắc Erkel sẽ được hưởng sự khoan hồng nào. Ngay từ lúc bị bắt giữ, Erkel đã ngậm miệng, và nếu anh có nói gì đi chăng nữa, thì chỉ là để đánh lạc hướng cảnh sát. Không ai nghe thấy anh thốt ra một lời hối hận nào. Tuy nhiên, ngay các điều tra viên nghiêm khắc nhất cũng cảm thấy một mối đồng cảm nào đó với anh, vì anh quá trẻ người non dạ và rõ ràng anh chỉ là một thanh niên cuồng tín bị một tên sách động chính trị lợi dụng. Hơn hết, họ cảm động vì sự kiện là anh gửi cho mẹ già hơn nửa số lương lính èo uột của anh mỗi tháng. Bà thân sinh ra anh hiện đang ở trong thành phố. Bà ốm yếu, già trước tuổi. Bà đi khắp nơi khóc lóc và lạy lục nhà cầm quyền tha cho đứa con trai của bà. Nói sao thì nói, nhiều người trong chúng tôi rất xót thương cho Erkel.
Liputỉn tìm cách lên được Petersburg, và chỉ hai tuần sau mới bị tóm. Khó mà cắt nghĩa nhừng gì xảy ra cho anh. Họ nói rằng anh có một giấy thông hành mang tên khác, một cơ hội tuyệt diệu để chuồn ra nước ngoài, và lại mang theo một số tiền mặt đáng kể. Nhưng không hiểu vì một lí do nào, anh cứ ở lại Peteíburg. Thoạt đầu anh tìm cách tìm gặp Nicolai và Piot’r, nhưng rồi bỏ cuộc và thình lình xoay ra nhậu nhẹt. Anh uống thùng bất chi thình và không biết trời đất gì nữa. Người ta tóm được anh trong trạng thái hoàn toàn ngất ngư ở một quán rượu. Có tin đồn là bây giờ thì anh lại tỏ ra rất vững vàng, bịa đặt những lời khai và (nghe đâu) đang sửa soạn chỉnh tề và ngong ngóng chờ phiên tòa xử, mà anh định là sẽ đọc một bài diễn văn. Tolcatrenco, bị bắt đâu đó ngay trong quận độ mười ngày sau khi trốn, thì cư xử với vẻ lịch thiệp hơn. Anh không nói dối hay né tránh các câu hỏi, mà biết gì đáp nấy, cũng không tìm cách chạy tội đổ vấy cho người khác mà khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình - tuy thế, anh cũng tỏ ra có khuynh hướng phô bày, và sẵn lòng thao thao bất tuyệt mỗi khi anh có dịp khoe cái “hiểu biết về nhân dân” và về các phần tử cách mạng trong nhân dần. Giống như Liputin, anh định đọc diễn văn tại phiên tòa. Thực lạ thay là cả anh lẫn Liputin đều không có vẻ gì sợ sệt cho lắm.
Tôi xin nhắc lại, nội vụ chưa phải là đã giải quyết xong. Cho đến nay, cả ba tháng rồi, xã hội tỉnh tôi đã nghỉ ngơi, dưỡng sức, và dân chúng đã khai triển ý kiến riêng tư của họ. Một số người còn đi quá xa đến nỗi coi Piot’r Verkhovenxki là một thứ thiên tài, hay ít ra “một người có những nét của thiên tài”. Ở câu lạc bộ, họ giơ ngón tay trở lên trần và nói: “A, thật là một tay tổ chức giỏi!” Nhưng những chuyện đó đều vô hại; và cũng chỉ có ít người phát biểu như vậy. Ngược lại, những người khác, mặc dù không phủ nhận cái sắc sảo của hắn, lại vạch ra rằng hắn hoàn toàn mù tịt trong việc nắm vững thực trạng, cộng với một thị hiếu mù quáng về những kế sách trừu tượng, và với một đầu óc phát triển lệch lạc khiến cho tư tưởng nông toẹt. Còn khi bàn đến ý thức đạo đức của hắn, thiên hạ hết cả tranh luận - họ đều đồng ý với nhau.
Tôi nên kể đến ai khác nữa nhỉ? Mavriki Drozdov rời xa thành phố chúng tôi ngay để đến một nơi không rõ. Bà Drozdova, thì nương náu tuổi già trong nếp sống con nít kì nhì. Và chắc là tôi sẽ phải ghi lại một chuyện khá u buồn nữa. Tôi xin tự giới hạn vào những sự kiện chính.
Khi quay về, bà Varvara ghé lại căn nhà ở thành phố. Bà giật mình khi nghe kể mọi chuyện xảy ra trong lúc bà đi vắng. Ngay tối hôm đó, bà khóa trái cửa phòng. Mọi người trong nhà mệt nhoài đều lên giường ngủ.
Buổi sống, chị hầu phòng trao cho Dasa một lá thư, nét mặt bí ẩn. Chị bảo Dasa rằng thư đó đến vào khuya đêm hôm trước, sau khi Dasa đã đi ngủ, và chị không dám đánh thức nàng dậy. Thư không phải do phu trạm mang tới - một người đàn ông lạ mặt đã dưa nó cho bõ già Alecxei tại trại Xcvoresniki và bõ đã đánh xe lên thành phố để chuyển cho chị, rồi lại tức tốc trở về trại ngay.
Trong một hồi lâu, Dasa lặng nhìn lá thư mà không dám bóc. Nàng biết nó do Nicolai Xtavroghin gửi. Nàng đọc đi đọc lại hàng chữ ngoài phong bì: “Gửi cô Dasa Satova, nhờ Alecxei chuyển. - Mật”.
Lá thư đó đây, nguyên văn, không cải chính bất cứ lỗi nào trong cách hành văn của nhà trưởng giả người Nga kia, tuy thông thạo văn hóa Âu châu, nhưng chưa hoàn toàn nắm vững ngữ pháp tiếng mẹ đẻ.
Dasa thân ái,
Có lần em nói với tôi rằng em thích làm “khán hộ” cho tôi và bắt tôi hứa là gọi đến em khi cần. Hai ngày nữa tôi sẽ ra đi và không trở lại. Em có muốn đến với tôi không?
Năm ngoái, cùng giống như Herzen, tôi đăng bạ làm công dân thuộc tổng Uri114 và không ai biết chuyện này. Tôi đã có sẵn một ngôi nhà nhỏ ở đó. Tôi cũng có hai mươi ngàn rúp. Chúng ta có thể đi và sống ở đó đến mãi mãi. Tôi sẽ không bao giờ muốn rời nơi đó để tới một chỗ nào khác.
Đỏ là một chốn rất hoang sơ - một lũng hẹp. Núi non trùng trùng vây quanh bưng bít cả tầm mắt lẫn tư tưởng. Nó rất tẻ nhại. Tôi mua ngôi nhà kia vì nó nhỏ và để bán. Nếu em không thích, tôi sẽ bán đi và mua một căn khác ở một chỗ khác.
Tôi không được khỏe, nhưng tôi hy vọng rằng khí hậu miền núi sẽ giúp tôi vứt bỏ được ảo giác. Đó là phần thể xác; còn về phần tinh thần, em đã biết cả rồi. Nhưng, có thực em biết chăng?
Tôi đã kể cho em nhiều về đời tôi. Tuy không phải tất cả. Ngay cả với em đi nữa. Nhân tiện, tôi xác nhận với em là tôi quả cảm thấy có tội với lương tâm trong cái chết của vợ tôi. Từ khi đó tôi chưa gặp lại em, đó là lí do tôi phải xác nhận điều kia. Tôi cũng cảm thấy có tội với Liza, nhưng em biết hết vụ đó rồi. Em đã tiên đoán gần như chính xác mọi chuyện.
Nếu em không đến thì tốt hơn. Việc tôi gọi em rất là đáng khinh. Phải, có lí nào em lại chôn sống mình với tôi? Tôi ưa em, và dù trong sầu não, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu khi có em ở gần. Em là người duy nhất mà tôi có thể nói lớn tiếng ngay trước mặt về chính tôi. Nhưng điều đó không ràng buộc gì em cả. Chính em đã dùng chữ “khán hộ”, nhưng việc gì em phải hi sinh lớn lao đến như thế? Tôi cũng muốn em hiểu cho rằng tôi không xót thương gì em cả nếu tôi gọi em và chẳng kính mến gì em nếu tôi đợi em. Dù sao, tôi cũng cần một câu trả lời mau mắn bởi tôi sắp ra đi cấp kì. Trong trường hợp đó tôi sẽ đi một mình.
Về Uri, tôi không có ảo tưởng gì cả. Tôi chỉ đơn giản tới đó. Tôi cũng không cố tình chọn một chốn tẻ nhạt như thế. Không có gì kết chặt tôi với nước Nga - mọi thứ ở đây đều xa lạ với tôi, cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thực tình, tôi không ưa sống ơ Nga hơn ở bất cứ nước nào, mặc dù, ngay ở Nga, tôi cũng không làm sao thù ghét một cái gì cho được.
Tôi đã thử sức trong đủ mọi chuyện. Em đã khuyên tôi làm thế để “tìm hiểu chính mình”. Thử thách cho chính tôi, tôi đã thấy đối với tôi nó dường như vô biên, hệt như trước đây trong đời tôi. Chính em đã thấy tôi để cho anh của em tát tôi giữa công chúng; rồi tôi công khai thừa nhận đám cưới của tôi. Nhưng lẽ ra tôi phải áp dụng sức mạnh của tôi vào cái gì nhỉ? Điều đó chưa bao giờ tôi thấy được và cho đến ngày nay tôi vẫn chưa thấy ra, dù cho tất cả những lời khuyên khích lệ của em hồi trước ở Thụy Sĩ, mà tôi đã tin tưởng. Ngày nay cũng như khi xưa, tôi vẫn có thể ao ước làm một điều gì chính đáng và tôi rút ra từ đó ít nhiều khoái lạc; nhưng đồng thời tôi lại muốn làm điều ác và nó cũng cho tôi khoái lạc nữa. Cả hai dục vọng đó không cái nào đả mạnh để điều khiển tôi; vượt sông bằng khúc gỗ lớn thì được, nhưng bằng mảnh ván vụn thì không. Tôi nói với em tất cả những điều này để em chớ nghĩ là tôi ấp ủ niềm hi vọng nào khi bỏ đi Uri.
Cũng như trước, tôi không oán trách ai. Tôi đã thử trác táng điên cuồng và phí phạm sức lực vào chuyện ấy, nhưng tôi không thích và không muốn nó. Mới đây, em đã thấy gần tôi đó. Em biết không, tôi còn nhìn những kẻ phủ nhận ở ta với mối hận thù nuôi bằng lòng đố kị của tôi trước những giấc mơ của họ! Nhưng những nỗi e sợ của em là vô căn cứ; tôi không thể làm đồng chí của họ, vì tôi không chia sẻ điều gì với họ cả: Tôi không thể gia nhập tổ chức của họ dù cho chỉ để mua vui, và không phải bởi khía cạnh lố bịch của nó ngăn chặn tôi - tôi đâu sợ cái lố bịch; nhưng chỉ vì, sao thì sao, tôi vẫn cứ có cái phong cách của một người đứng đắn, và họ làm tôi tởm. Nhưng, có lẽ, nếu tôi ghen ghét với họ hơn nữa, không chừng tôi đã gia nhập. Em thấy đó, mọi chuyện với tôi thật dễ dãi, và tôi có thể đu đưa từ cái này sang cái khác.
Ôi, em thân ái, em là con người hiền dịu và có tấm lòng rộng mở mà tôi đã thấu rõ! Phải chăng em hi vọng là ban cho tôi vô vàn tình ái, xối xuống tôi tràn trề thanh sắc của linh hồn em tuyệt vời, thì sau rốt đời tôi sẽ có một mục đích? Không, tốt hơn tôi nên cảnh cáo em rằng tình của tôi cũng nông cạn như chính con người của tôi, và em sẽ không có hạnh phúc đâu. Anh của em bảo tôi rằng một người mất liên hệ với quê hương thì đồng thời cũng mất luôn thần thánh của mình và mục đích của đời mình. Điều đó, giống như mọi điều khác, có thể đem ra bàn cãi đến vô cùng, nhưng cái độc nhất xuất phát từ tôi là sự phủ nhận không cang cường cũng chẳng đại lượng. Thực ra, tôi cũng không có đến cả sự phủ nhận nữa, bởi vì mọi thứ trong tôi đều nông sờ và lãnh đạm. Kirillov đại lượng, và vì vậy anh ta không thể chịu nổi tư tưởng và tự sát. Nhưng lại nữa, tôi có thể thấy rõ rằng anh ta đại lượng bởi vì anh ta không tỉnh trí. Tôi không bao giờ có thể đánh mất lí trí và tin vào một tư tưởng như anh ấy. Tôi còn không sao lưu tâm một cách thật sâu xa vào một tư tưởng nào. Không bao giờ, không bao giờ tôi sẽ có thể tự sát nổi!
Tôi biết rằng tôi có bổn phận phải tự sát, phải tự quét sạch mình khỏi mặt đất như một thứ sâu bọ độc hại. Nhưng tôi sợ tự tử bởi vì tôi sợ phô bày lòng đại lượng. Tôi biết rằng sự tự tử của tôi lại chỉ là một trò bịp bợm nữa mà thôi - trò bịp bợm cuối cùng trong một chuỗi vô tận những trò bịp bợm. Vậy có ích gì mà đi đánh lừa chính mình và đóng kịch hành động đại lượng? Tôi không biết nhục nhã và phẫn nộ là gì, vì vậy, tôi cũng không thể biết được tuyệt vọng.
Tôi chợt nhận ra là tôi viết lê thế quá. Xin em thứ lỗi cho. Tôi có thể cứ kéo như thế này hàng trăm trang, trong khi mươi hàng cũng đủ chán. Mươi hàng cũng đủ để xin em đến và làm “khán hộ” cho tôi.
Từ khi rời Xcvoresniki, tôi sống ở nhà người trưởng trạm thứ sáu tính theo đường hỏa xa từ thành phố đi ra. Tôi gặp ông ta trong những ngày làm bạn với ma men ở Petersburg hồi năm năm về trước. Không ai biết tôi hiện ở đâu. Viết thư cho tôi đề tên ông ta. Tôi gửi kèm địa chỉ.
Nicolai Xtavroghin
Dasa lập tức đưa thư cho bà Varvara xem. Bà đọc và rồi bảo Dasa để bà một mình, và bà muốn xem lại riêng trong phòng bà. Nhưng chỉ mấy phút sau, bà lại gọi Dasa tới. Bà Varvara ra chiều bẽn lẽn hỏi:
- Cháu đi chứ?
Dasa đáp:
- Vâng ạ.
- Sửa soạn đi. Chúng ta cùng đi.
Dasa nhìn bà bối rối.
- Chứ dì còn biết làm chuyện gì khác nữa? Bây giờ có còn gì ăn nhằm nữa đâu? Dì cũng sẽ trước bạ làm dân Uri và sống trong một cái khe. Đừng lo, ta sẽ không làm phiền đâu.
Hai người vội vã thu xếp hành lí để đáp chuyến xe lửa mười hai giờ trưa. Nhưng, chưa đến nửa tiếng đồng hồ sau, bõ Alecxei từ trại Xcvoresniki tới và báo tin rằng cậu chủ đã về bất ngờ bằng chuyến xe lửa sớm, nhưng cậu “không thích trả lời các câu hỏi” và chỉ bước thẳng vào nhà và vào buồng đóng tịt cửa lại. Bõ Alecxei nhìn bà Varvara đăm đăm và nói:
- Thưa bà, tôi đến đây mà không có lệnh của cậu chủ, để trình bà rõ.
Bà Varvara nhìn xoáy vào ông và không hỏi han gì hết. Loáng một cái xe ngựa đã đánh xong. Dasa cũng theo tháp tùng luôn. Tôi nghe nói trên đường đi họ luôn tay làm dấu thánh. Trong dãy phòng của Nicolai, cửa ngõ đều mở toang, nhưng không thấy tung tích anh đâu cả. Một người hầu lên tiếng:
- Hay cậu ở trên gác thượng?
Lạ thay, chỉ có vài người hầu đi theo bà Varvara đến dãy phòng của cậu con, trong khi những người khác đứng chờ ở phòng khách lớn. Chưa bao giờ họ dám vô phép vô tắc như vậy. Bà Varvara nhận ra điều đó, nhưng không nói gì.
Họ leo lên thang lầu. Gác thượng có ba phòng. Nhưng chẳng phòng nào có hình bóng Nicolai cả. Một người hầu chỉ cái cửa của một phòng ngủ tí teo trên gác xép và nói:
- Biết đâu cậu chủ lại chẳng ở kia?
Cửa đó bình thường khóa kỹ, nay lại mở toang. Gác xép ở ngay dưới mái nhà và phải lên bằng một cầu thang dài, dốc, và rất hẹp.
- Ta không muốn vào. Lẽ nào cậu leo lên đó làm gì?
Bà Varvara nhìn bọn tôi tớ đứng quanh và mặt tái như chàm đổ. Họ lặng lẽ ngước nhìn lại bà. Dasa run lẩy bẩy.
Bà Varvara tất tưởi bước lên cái cầu thang hẹp với Dasa theo sau. Nhưng khi đặt bước vào gian phòng nhỏ bà rú lên một tiếng và ngã ra bất tỉnh.
Người công dân tổng Uri đang đong đưa sát bên cánh cửa. Trên bàn có một mảnh giấy với mấy chữ viết bằng bút chì: “Đừng khép tội ai, chính tôi tự làm”. Gần đó trên bàn còn có cả cái búa, một miếng xà phòng, và một cây đinh lớn, áng chừng để phòng cây kia chịu không nổi. Sợi đây lụa chắc mà Nicolai dùng treo cổ được chà xát xà phòng thừa múa. Tất cả cho thấy rằng đến giây phút cuối cùng anh vẫn giữ trọn vẹn khả năng tinh thần của mình và đã hành động có chủ ý.
Sau cuộc nghiệm thi, tất cả chuyên viện y khoa đều bác bỏ, mọi giả thuyết cho là có chứng điên.