Lũ Người Quỷ Ám - Chương 21
Chương Hai
ĐÊM TỐI (tiếp theo)
1
Nicolai đi dọc trọn con đường Chúa Giáng sinh. Tới cuối đường là bắt đầu xuống dốc. Đôi giầy của anh ngập trong bùn. Bỗng nhiên, một khoảng không gian trống trải, rộng lớn, hiện ra lờ mờ trong hơi sương trước mặt anh. Đã tới sông. Nhà cửa ở đây là những cái mái lụp xụp và phố xá là những con hẻm ngoằn ngoèo chằng chịt như mê lộ. Nicolai đi dọc theo hai dẫy hàng rào trong một lúc lâu, sát bờ sông. Anh nhắm đường một cách dễ dàng, không cần phải lưỡng lự suy nghĩ. Tư tưởng anh hoàn toàn như để đâu đâu, cho tới khi anh bỗng ngạc nhiên thấy mình đang ở giữa một chiếc cầu nổi dài, đẫm nước mưa. Trong cảnh hoang vắng, Nicolai bỗng kinh ngạc nghe một giọng nói hầu như sát bên cạnh, một giọng nói thân mật một cách tôn kính, hơi mừng rỡ, ngọt ngào một cách quá đáng, như miệng lưỡi của những người bán hàng quá lễ phép hay những người bán phụ trẻ tuổi tóc gợn sóng của họ. Thưa ngài, ngài có thể làm ơn cho tôi trú dưới cái dù của ngài hay không?
Quả nhiên, một khuôn mặt hiện ra và còn ngang nhiên tháp tùng Nicolai dưới cây dù, đi sát vào người anh, gần như “chen vai thích cánh” nếu nói theo kiểu thành ngữ. Nicolai lơi bước, cúi về phía người đàn ông, cố nhận diện hắn trong bóng tối. Hắn thuộc loại hơi nhỏ người, có lẽ là một công nhân đi ăn uống no say trở về. Quần áo hắn tồi tàn và với thời tiết đó thì quá phong phanh, một chiếc mũ lưỡi trai bằng vải với chiếc vành gẫy nằm hờ hững trên mái tóc quăn rối bù, có lẽ màu đen. Nỗi chung hắn có vẻ có nước da ngăm đen sậm, người gân guốc. Cặp mắt hắn lớn và Nicolai có cảm tưởng chúng phải đen láy và có đồng tử màu vàng, giống như mắt dân du mục. Hắn chắc chắn phải đến bốn mươi và trông hình như không say rượu.
Nicolai lên tiếng hỏi:
- Anh biết tôi không?
- Thưa ngài, ngài là ông Xtavroghin. Người ta đã chỉ cho tôi hôm chủ nhật lúc xe lửa của ngài ngừng ở nhà ga.
Hơn nữa, trước đó tôi cũng đã được nghe nhiều về
ngài.
- Piot’r Verkhovenxki nói phải không? Thế anh có phải là người bị lưu đầy tên là Fedca không?
- Thưa ngài, thực ra tên thánh của tôi là Fiodor và tên tôi là Fiodor Fiodorovitr. Và thưa ngài, tôi cũng xin
cho ngài biết là mẹ tôi vẫn còn sinh sống trên cái phần đất này của xứ sở, lưng bà ấy mỗi ngày mỗi còng thêm
để cầu nguyện Thượng đế cứu rỗi cho tôi, hầu tuổi già của người sẽ không bị lãng phí vì chỉ quanh quẩn nằm
cạnh chiếc lò
sưởi.
- Anh là một người tù lưu đầy vượt ngục, phải không?
- Tôi đã quyết định thay đổi số phận mình. Tôi không thể sống trọn thời gian đó mà không có sách vở, tiếng
chuông nhà thờ, và những việc làm hữu ích - án tù mà họ đã tuyên phạt tôi quá
dài.
- Thế anh đang làm gì ở đây?
-Thưa ngài, tôi làm hết sức mình. Tôi có một ông chú mới chết tuần trước trong nhà lao ở đây. Ông ấy hành nghề làm bạc giả. Cho nên,
để tưởng niệm việc ông ấy qua đời, tôi đã ném mấy chục hòn đá vào lũ chó, và đó là tất cả những gì tôi đã làm tính cho tối nay.
Ngoài ra, cậu Piot’r Verkhovenxki đã hứa lo cho tôi một giấy thông hành, khi nào tôi có tờ giấy đó, tôi sẽ có thể đi khắp nước được,
đó là những gì hiện nay tôi đang chờ đợi. Cậu ấy nói với tôi: “Bởi vì cha tôi đã đem anh ra đánh bạc ở cái hội của ông ấy và thua,
cho nên, cá nhân tôi, tôi thấy chuyện đó bất nhân và bất công”. Còn ngài, thưa ngài, ngài nghĩ sao về việc cho tôi ba rúp để tôi mua
cái gì mặc thêm cho
ấm?
-Thì ra anh đợi tôi ở đây là vì thế. Tôi không ưa chuyện đó. Ai sai anh vậy?
-Không có ai sai tôi cả. Tôi chỉ biết ngài tử tế đối với đồng bào của ngài, vả chăng điều đó thì mọi người ai cũng biết. Ngài cũng rõ
hạng người như tôi sống như thế nào: người ta hoặc cho chúng tôi một nắm rơm hoặc lấy cái chĩa đâm cho một cái. Thứ sáu vừa rồi tôi
đã tọng chả thịt vào bụng đầy lên tới mang tai, nhưng ngày hôm sau tôi đã không có lấy một miếng ăn vào mồm, hôm sau nữa tôi vẫn
nhịn rồi ngày tiếp theo tôi bỏ ăn. Nhưng tôi còn có biết bao nhiêu nước dưới sông, cho nên có thể tôi đang nuôi cá chép trong bụng.
Và thưa ngài, tôi chờ xem ngài có hào phóng như lời đồn không. Ngoài ra, tôi còn có một người bạn gái đang chờ tôi cách đây không
xa, nhưng cô ta sẽ không tiếp tôi trừ phi tôi vác mặt tới cùng với vài đồng
rúp.
-Piot’r Verkhovenxki đã nhân danh tôi mà hứa với anh những gì?
-Cậu ấy đã không hứa điều gì chắc chắn cả, chỉ nói rằng tôi có thể hữu ích cho ngài. Nhưng cậu ấy không giải thích hữu ích ra sao, bởi
vì cậu ấy đang thử tôi để xem tôi kiên nhẫn đến đâu, lí do là lúc này cậu ấy không tin tưởng tôi cho
lắm.
-Tại sao vậy?
-Cậu Piot’r là một chiêm tinh gia và cậu ấy biết mọi điều về các thiên thể của Thượng đế, nhưng cậu ấy vẫn có thể phạm một lỗi lầm như
những người chúng ta. Nhưng còn ngài, thưa ngài, ngài thì lại khác hẳn; và tôi đang nói với ngài sự thật đúng như thể nói với đấng
Thượng đế toàn năng, bởi vì tôi đã được nghe nhiều về ngài, thưa ngài. Khi cậu Piot’r quyết định một người nào là một tên ăn cắp,
đối với cậu ấy, kẻ đó chỉ là một tên ăn cắp không hơn không kém; rồi nếu cậu ấy cho kẻ đó là một kẻ điên, kẻ đó cứ điên mãi và giản
dị chỉ có thể, không còn điều gì khác. Nhưng tôi, có thể hôm thứ ba và thứ tư tôi thực sự chỉ là một thằng điên, nhưng rồi vào ngày
thứ năm tôi có thể còn khôn ngoan hơn chính cậu ấy nữa. Hôm nay chẳng hạn, cậu ấy biết rằng tôi rất nóng lòng lấy cái thông hành
kia, bởi vì ở nước Nga không có cái giấy tờ ấy thì khó mà yên lành được - cho nên cậu ấy tin chắc đã nắm được linh hồn của tôi. Thưa
ngài, nếu tôi được phép nói, tôi xin cho ngài biết rằng cậu Piot’r sống trên cái thế giới này dễ lắm, bởi vì cậu ấy chỉ quan niệm
một người sao cho thích hợp với mình rồi cứ sống chung với cái con người ấy. Ngoài ra, cậu ấy thật là quá bủn xỉn. Và rồi cậu ấy
nghĩ rằng nếu không có phép của cậu ấy, tôi sẽ không dám làm phiền ngài, nhưng, thưa ngài, có Trời làm chứng, đây là đêm thứ tư
trong suốt bốn đêm liền tôi đã đợi ngài ở đây, để chứng tỏ với cậu ấy rằng tôi cũng có thể lo tròn công việc mà không cần đến cậu
ta. Cuối cùng, tôi tự nhủ, thà khúm núm trước một đôi giầy ủng còn hơn là trước một đôi guốc mộc quê
mùa.
-Thế ai nói với anh là tôi sẽ đi qua chiếc cầu này giữa đêm khuya?
-Điều đó, tôi phải công nhận, là đã lọt ra một cách tình cờ, phần lớn là vì cái sự ngu ngốc của đại úy Lebiadkin, bởi vì ông ta không
có cách nào tự ngăn được tật nói quá nhiều... cho nên tôi mới được ba rúp để bù vào ba đêm khó nhọc tôi đã trải qua ở đây. Đó là
chưa kể việc quần áo của tôi đã ướt
đẫm.
-Nào, bây giờ đã tới cuối cầu rồi. Tôi rẽ bên trái và anh rẽ bên phải. Và anh nghe tôi nói đây, Fiodor: tôi ưa những người hiểu những
điều tôi nói, một lần là đủ - tôi sẽ không thí cho anh một xu nào và đừng để tôi thấy mặt anh một lần nữa, dù ở trên cầu hay ở bất
cứ nơi nào khác. Tôi không cần dùng anh vào việc gì và sẽ không bao giờ cần vào bất cứ việc gì. Nếu anh không làm như tôi nói, tôi
sẽ trói gô anh lại và giao anh cho cảnh sát. Bây giờ, cút ngay
đi!
-Ơ kìa, ngài phải cho tôi cái gì để bù vào việc tôi đi theo ngài chứ. Tôi đã chẳng tâng bốc ngài suốt dọc đường là gì?
-Cút đi!
-Nhưng ngài có biết đường ở khu này không? Có đủ loại hẻm hóc và khúc quặt. Tôi có thể hướng dẫn cho ngài, bởi vì cái thành phố ở đây
giống như nằm trong cái rọ của quỉ sứ và bị nó sóc cho biến hẳn hình
dạng.
Nicolai quay lại hẳn một cách hăm dọa:
- Tôi cảnh cáo anh, tôi trói gô anh lại bây giờ.
- Thưa ngài, có lẽ ngài sẽ suy nghĩ kĩ lại. Đối xử tệ bạc với kẻ tứ cố vô thân thì dễ quá mà.
- Anh có vẻ đặt quá nhiều tự tin nơi anh thì phải.
- Thưa ngài, tôi tin tưởng nơi ngài, thực sự không phải nơi tôi.
- Nhưng tôi đã nói với anh là tôi không cần anh.
- Nhưng tôi thì cần ngài, thưa ngài. Cho nên, đây là những gì tôi sẽ làm: tôi sẽ đợi ngài ở đây cho tới khi
ngài trở
lại.
- Tôi hứa với anh một điều: nếu tôi còn gặp lại anh, tôi sẽ trói gô anh lại.
- Được, để tôi mang cho ngài một sợi dây da cho ngài trói, thưa ngài. Còn bây giờ, chúc ngài nhiều may mắn vì
đã cho một kẻ không nhà không cửa nghèo khổ trú dưới cây dù của ngài. Với một chuyện đó cũng đủ để tôi nhớ
ơn ngài tới ngày tôi xuống
mồ.
Hắn rơi lại phía sau. Còn Nicolai tiếp tục đi tới mục tiêu, trong lòng cảm thấy rất bực bội. Cái kẻ cha căng chú kiết này mà cũng tin chắc rằng hắn cần thiết đối với anh và một mực xác nhận điều đó. Nói chung, anh cảm thấy mình đi đâu cũng bị đối xử một cách trắng trợn. Nhưng có thể là Fedca nói sự thật và việc cố gắng ép anh dùng hắn là do sáng kiến riêng của hắn. Piot’r không có dính dáng gì vào chuyện đó. Và như thế câu chuyện trở nên thực sự đáng tức cười.
2
Nơi Nicolai nhắm tới là một ngôi nhà ở ngay ven thành phố, nằm trên một đường hẻm hoang vắng chạy giữa những vườn rau có rào chung quanh. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ, chưa được đóng lớp ván lợp chung quanh và trông biết ngay là mới cất. Một chiếc cửa sổ cánh chớp cô ý bỏ ngỏ và trên thành cửa có thắp một ngọn nến, rõ ràng có dụng ý làm một dấu hiệu cho người khách thăm viếng ban đêm mà họ đang mong đợi. Khi còn cách khoảng ba chục thước, Nicolai nhận ra một bóng người đàn ông cao lớn đứng ở cửa ra vào của ngôi nhà. Có lẽ vì nóng lòng chờ đợi, ông ta đã ra ngoài để ngóng xem có ai tới không. Rồi Nicolai nghe giọng nói sốt ruột đồng thời pha sự sợ sệt của ông ta:
- Phải anh đó không? Phải anh đó không?
- Phải.
Nicolai trả lời, nhưng đợi mãi khi đi tới cửa mới lên tiếng, đồng thời cụp chiếc dù lại.
Đại úy Lebiadkin, phải, chính là ông ta, bắt đầu lăng xăng:
- Tôi chờ mãi. Để tôi cầm cái dù cho. Mặt ngoài ướt hết rồi. Để tôi mở ra và gác ở góc tường. Xin mời vào, xin
mời
vào.
Cánh cửa mở rộng dẫn từ lối đi vào một căn phòng đã thắp sẵn hai ngọn nến.
- Nếu không có lời hứa là anh sẽ tới, tôi đã hết hi vọng rồi.
Nicolai liếc mắt nhìn đồng hồ lúc anh bước vào phòng và nói:
- Một giờ kém mười lăm.
- Nhưng trời mưa như thế này mà đường cũng khá xa, vả lại tôi không có đồng hồ và nhìn ra cửa sổ chỉ thấy những
vườn rau, cho nên tôi gần như mất liên lạc với những gì xảy ra trong thành phố. Nhưng, dĩ nhiên, không phải
tôi phàn nàn gì, tôi chẳng bao giờ dám phàn nàn. Tôi chỉ nói vậy thôi vì cả tuần nay tôi khổ sở vì nóng lòng
muốn biết công việc ngã ngũ ra
sao.
- Việc gì?
- Tôi muốn biết rõ số phận tôi ra sao. Xin mời vào.
Ông ta cúi thấp người, chỉ về chiếc ghế ở cạnh bàn kê trước cái trường kỉ.
Nicolai nhìn quanh. Căn phòng rất nhỏ và trần thì thấp. Phòng chỉ bầy biện những món cần thiết: mấy chiếc ghế gỗ và một chiếc ghế dài cũng bằng gỗ, tất cả đều mới tinh và không có bọc cũng không có đệm gối; hai chiếc bàn bằng gỗ bồ đề, một chiếc để cạnh trường kỉ, một chiếc ô góc phòng, trên có phủ khăn và bầy một số bát đĩa, một chiếc khăn ăn sạch sẽ đậy lên trên, cả căn phòng hình như sạch như li như lau. Lebiadkin không say sưa trọn tám ngày nay, mặt ông ta trông như sưng lên và vàng vọt. Ông ta hình như bồn chồn và lo lắng nhưng đồng thời có vẻ tò mò. Rõ ràng ông ta không biết phải gọi Nicolai ra sao và giữ thái độ nào cho có lợi nhất.
- Ở đây, như anh thấy, tôi sống như nhà tu Doxima. Trai giới, cô độc, và nghèo khổ, như lời phát thệ của một hiệp sĩ thời Trung cổ.
- Cái gì làm anh nghĩ rằng những hiệp sĩ thời Trung cổ đã phát thệ những lời như vậy?
- Có lẽ tôi đã nhầm lẫn. Ôi, tôi có bao giờ được học hành tử tế đâu! Nhưng anh biết không, anh Nicolai, ở đây,
lần đầu tiên, tôi đã làm chủ được cái nhược điểm đáng xấu hổ của tôi: suốt thời gian này, tôi đã không uống
một cốc rượu nào,- một giọt cũng không! Tôi cảm thấy dù sao tôi cũng đã có một chỗ cắm dùi và sáu ngày nay
tôi đã trải qua những phút lương tâm thanh thản. Ngay cả mấy bức tường ở đây cũng nức mùi nhựa thông và nhắc
nhở tôi nghĩ tới tạo hóa. Và trước kia tôi ra
sao?
Đêm tối không nhà ta nốc rượu
Tỉnh dậy lưỡi đắng miệng khô ran.
Giống như nhà thi sĩ thiên tài kia đã diễn tả một cách sâu sắc. Nhưng anh đã ướt đậm rồi kia. Anh dùng chén trà nhé?
- Khỏi phiền.
- Ấm trà đã sôi từ lúc bảy giờ tối, nhưng tôi sợ bây giờ nó đã nguội giống như mọi chuyện trên cái thế giới này. Người ta bảo ngay tới mặt trời rồi cũng sẽ tắt, khi thời gian tới,... Nhưng nếu anh muốn, tôi sẽ đun lại. Agfia vẫn còn thức,...
- Anh cho tôi biết, Maria có...
- Nó ở đây, ngay đây... - Lebiadkin vội vã thì thào. Anh có muốn gặp nó không? - Ông ta chỉ về phía chiếc cửa đóng của căn phòng kế cận.
- Cô ấy không ngủ à?
- Ồ không, làm sao mà nó ngủ được! Nó đã đợi anh cả buổi tối nay. Khi biết anh sẽ tới, nó bắt đầu sửa soạn
trang điểm để chờ
anh.
Mặt Lebiadkin hơi nhếch một nụ cười khôi hài, nhưng ông ta vội bỏ đi ngay. Nicolai cau mày hỏi:
- Nàng ra sao, một cách tổng quát?
- Một cách tổng quát ư? Thì ra chính anh cũng biết ra sao rồi... - Lebiadkin nhún vai tỏ vẻ ân hận. - Hiện giờ
nó bói bài để đoán số
mạng.
- Thôi được, để tôi sẽ gặp nàng sau. Trước tiên tôi muốn giải quyết với anh...
Nói xong, Nicolai ngồi xuống ghế. Lebiadkin không dám ngồi trên chiếc trường kỉ. Hắn vội kéo một chiếc ghế khác và lê tới trước, run rẩy và đầy sợ hãi, sẵn sàng lắng nghe Nicolai nói. Nicolai chỉ chiếc bàn ở góc phòng và hỏi:
- Anh bầy những gì dưới cái khăn bàn kia?
Lebiadkin quay đầu về hướng Nicolai chỉ và cười lấy lòng:
- Cái đó à? Đó cũng là một phần lòng quảng đại của anh, hay có thể nó đó là tiệc tân gia của chúng tôi, và hơn
nữa, nghĩ đến đường sá xa xôi mà anh đã phải lặn lội tới đây và việc anh chắc chắn bị mệt
nhọc...
Ông ta đứng dậy, trịnh trọng rón rén đi tới chiếc bàn và cẩn thận kéo chiếc khăn bàn ra. Bên dưới là một phần ăn lạnh đầy đủ: thịt lợn nguội, thịt bê, cá mòi, phô mát, một chiếc bình pha lê nhỏ màu xanh, và một chai rượu vang Bordo. Mọi thứ được bầy biện tỉ mỉ, khéo léo, và khá sang trọng.
- Có phải đây là công trình của anh không?
- Vâng. Từ hôm thứ tư, tôi đã cố gắng hết sức để có thể tiếp anh một cách đủ lễ. Anh cũng biết rằng Maria không
quan tâm về cái công việc đó cho lắm, nhưng như tôi đã nói, trăm sự đều nhờ tấm lòng quảng đại của anh. Mọi
thứ đều là của anh, và có thể nói tôi chỉ là tôi tớ của anh, mặc dù về phương diện tinh thần, tôi vẫn còn là
một người tự do. - Ông ta kết luận một cách đáng thương: - Xin để lại cho tôi cái quyền sở hữu cuối cùng
đó!
- Hừ... Tôi mong anh ngồi xuống trở lại đi.
Cám ơn anh, cám ơn anh! Tôi có thể đồng thời vừa biết ơn vừa giữ được độc lập. Ôi, anh Nicolai ơi, trong trái tim này của tôi có biết bao nhiêu điều u uẩn đến nỗi tôi khó giữ được kiên nhẫn mà chờ anh tới! Giờ đây anh sắp giải quyết cuộc đời tôi và cuộc đời của sinh vật đáng thương kia. Và rồi, rồi tôi sẽ cởi mở tấm lòng của tôi với anh như tôi đã từng làm ngày xưa, bốn năm về trước. Vì sao, vì hồi đó anh đã đủ tử tế để lắng nghe lời tôi nói và còn đọc những bài thơ của tôi nữa. Họ có gọi tôi là Falstaff58 của anh tôi cũng chẳng cần, bởi vì anh đã đóng một phần quá quan trọng trong đời tôi. Nhưng bây giờ, tôi đang ở trong một tình trạng tinh thần sợ sệt và anh là nguồn hi vọng duy nhất của tôi để hướng dẫn và khuyên bảo tôi. Piot’r Verkhovenxki thì đối xử với tôi hết chỗ nói.
Nicolai quan sát ông ta một cách chăm chú và lắng nghe với sự tò mò đặc biệt. Mặc dù đã bỏ rượu, tinh thần Lebiadkin hình như vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo. Những kẻ nghiện rượu thường có khuynh hướng trở nên hay ăn nói bậy bạ, khù khờ như thế - mặc dù họ vẫn có thể nói dối, gian lận, và đánh lừa như bất cứ ai, khi họ cảm thấy cần thiết.
Nicolai nói với một giọng hơi thân mật hơn:
- Tôi thấy thời gian bốn năm trời nay không làm anh thay đổi gì cả, đại úy ạ. Điều đó hình như càng củng cố
quan niệm rằng nửa đời sau của người ta chỉ là những thói quen đã tiêm nhiễm trong nửa đời trước mà
thôi.
Là người thích những lời dí dỏm, Lebiadkin reo lên, nửa như đóng kịch, nửa như thành thật:
- Đó thật là những lời của bậc khôn ngoan! Anh đã giải đáp được cái bí ẩn của cuộc đời! Anh Nicolai ạ, trong
tất cả những điều anh đã nói, điều ăn sâu vào kí ức của tôi hơn cả là những lời anh đã nói khi ở Petersburg:
“Phải là một vĩ nhân mới cưỡng lại được lương tri”. Tôi nghĩ đó thực là những lời để
đời.
- Vĩ nhân hay là một thằng ngốc.
- Đúng vậy, một thằng ngốc cũng có thể làm được như thế. Nhưng điều tôi muốn nói là suốt đời anh, anh đã đặt ra được những lời khôn ngoan như vậy trong khi họ - Piot’r Verkhovenxki hay Liputin - bói cũng không ra một lời tương tự, dù chỉ một lời! Ôi, Piot’r đã tàn tệ với tôi đến thế nào!
- Nhưng còn anh, đại úy, theo tôi biết, thái độ của anh cũng ngoạn mục không kém, phải không?
- Đó là vì cái tật say sưa của tôi và hơn hết, vì cái đám kẻ thù của tôi! Nhưng bây giờ tất cả đều là quá khứ,
tôi sẽ tự cải tạo giống như con rắn lột xác. Anh Nicolai, hiện giờ tôi đang làm tờ di chúc anh biết không?
Thực ra tôi đã thảo xong
rồi.
- Kể ra cũng đáng chú ý. Thế anh để lại những gì và để lại cho ai?
- Cho quê hương của chúng ta, cho nhân loại và cho tình anh em của các sinh viên! Anh biết không, tôi đã đọc tờ
báo nói về cuộc đời của một người Mĩ. Ông ta đã để lại gia tài lớn lao của mình, để xây nhà máy và hiến cho
khoa học chân chính, tặng bộ xương của mình cho các sinh viên hay cho trường của họ bên đó, và tặng bộ da
của mình để làm một cái trống với điều kiện trống phải dùng để cử hành quốc ca Mĩ, mỗi ngày một lần và mỗi
đêm một lần. Thương ôi, những người Nga chúng ta chỉ là giống người lùn không làm sao có được cái tầm tưởng
tượng của người Mĩ! Nước Nga chỉ là một trò chơi ác của tạo hóa chứ không phải là một sản phẩm của trí tuệ.
Nói thí dụ, nếu tôi định để bộ da lại để làm một cái trống cho Trung đoàn Acmolinxki chẳng hạn, trung đoàn
mà tôi đã được vinh dự phục vụ, với điều kiện hàng ngày họ phải dùng để cử hành bài quốc ca Nga, tôi sẽ bị
buộc tội là theo chủ nghĩa tự do và da của tôi sẽ bị ngăn cấm. Cho nên, tôi tự bằng lòng với những sinh viên
là đủ. Tôi thực sự muốn để bộ xương lại cho Hàn lâm viện khoa học, mặc dù, với điều kiện rằng họ sẽ dán một
mảnh giấy trên cái bộ sọ của tôi với những lời: “Một nhà tư tưởng tự do ăn năn”. Cũng được đấy
chứ!
Lebiadkin nói một cách say sưa và chắc chắn là hắn thành thật khâm phục cái đẹp đẽ trong di chúc của người Mĩ nọ. Hắn cũng mong chọc cười Nicolai, người mà hắn từng đóng vai hề trước mặt. Nhưng Nicolai không mỉm cười lấy một cái, trái lại, anh hỏi một cách nghi ngờ:
- Như vậy là anh có ý định công bố di chúc của anh trong lúc anh còn sống và nhận tiền trước phải không?
Lebiadkin dè dặt quan sát phản ứng của Nicolai.
- Sao, nếu tôi làm thế, có gì bậy không? Cứ nghĩ cái đời sống của tôi như thế nào mà xem! Bây giờ ngay đến việc
làm thơ tôi cũng phải bỏ và anh có nhớ không, thơ của tôi có thời ngay đến anh cũng tiêu khiển được. Anh có
nhớ cái lần ngồi trước chai rượu gì đó không? Nhưng tôi đã làm được bài thơ cuối cùng, giống như Gogol đã
viết Câu chuyện cuối cùng, anh nhớ không, cái chuyện trong đó ông ta tuyên bố với cả nước Nga là ông ta đã
“trút cả tâm tư vào một bài ca”. Ừ, tôi cũng vậy, tôi đã hát lên bài ca cuối cùng và thế là
hết.
- Thế bài ca cuối cùng của anh như thế nào?
- Tựa là Nếu nàng gãy một chân.
- Sao?
Đó là những gì Lebiadkin đang mong chờ. Ông ta yêu những bài thơ của chính mình, thích thú chúng hơn bất cứ cái gì khác trên thế gian này. Nhưng đồng thời, bản tính là một diễn viên, ông ta cũng sung sướng thấy rằng Nicolai luôn luôn cười trước những công trình của ông ta, thực sự, thỉnh thoảng Nicolai cũng hầu như cười lăn cười lộn vì chúng. Do đó, Lebiadkin làm được một công hai việc: thỏa mãn tinh thần thi sĩ của mình và làm vui lòng ông chủ. Nhưng lúc này thì ông ta nhằm một mục đích đặc biệt khác rất tế nhị: bằng cách đọc thơ của mình, ông ta cố biện minh cho mình về một điểm mà ông ta đặc biệt bận tâm và cảm thấy như có tội.
- Nếu nàng gãy một chân, tôi muốn nói trong một tai nạn cưỡi ngựa. Đó chỉ là một sự tường tượng thôi anh
Nicolai ạ, một cơn mê sảng, nhưng là cơn mê sảng của một thi sĩ. Có một lần tôi gặp một người con gái cưỡi
ngựa, tôi hầu như bị nàng thu hút và tôi tự hỏi cái câu hỏi duy vật này: “Khi đó những gì sẽ xảy ra?” Nghĩa
là trong trường hợp cái tai nạn kia. Câu trả lời thật là rõ ràng: tất cả những kẻ hâm mộ nàng sẽ lỉnh mất,
tất cả những người cầu hôn nàng sẽ xa lánh! Chỉ còn có nhà thi sĩ là vẫn trung thành, trái tim hắn vỡ tan
trong lồng ngực. Anh Nicolai, anh nhớ rằng ngay một con rận cũng biết si tình; luật thiên nhiên không ngăn
cấm tình yêu dù là của một con rận! Nhưng, vì một lí do nào đó, thiếu nữ kia bất mãn trước bức thư và bài
thơ. Tôi đã nghe nói cả anh nữa cũng nổi giận. Đúng vậy không? Tôi buồn vô cùng về chuyện đó, tôi không tin
nổi chuyện đó. Vả lại, chỉ mơ tưởng không thôi thì tôi làm hại ai được cơ chứ? Hơn nữa, tôi thề rằng Liputin
cứ xúi giục tôi làm, hắn cứ luôn mồm: “Gửi đi, gửi nó đi, ai cũng có quyền tự do thư tín”. Ừ, thế là tôi gửi
đi.
- Theo tôi biết, anh đã cầu hôn nàng phải không?
- Đó chỉ là công trình của những kẻ thù của tôi...
Nicolai nghiêm khắc ngắt lời:
- Anh đọc bài thơ xem.
- Đó chỉ là nói sảng, không có gì lạ ngoài những lời nói sảng.
Tuy nhiên, Lebiadkin vẫn đứng thẳng dậy và bắt đầu đọc:
Giai nhân đã gẫy một chân
Vẻ kiều diễm lại muôn phần thêm ưa
Tình chàng đong mấy cho vừa
Yêu nàng tình lại hơn xưa bội phần.
- Thôi đủ rồi.
Nicolai xua tay bảo ông ta ngừng lại. Lebiadkin xoay ngay qua vấn đề khác, làm như không có việc nói chuyện thơ thẩn mới rồi.
- Tôi mơ về Petersburg, tôi mơ việc làm lại cuộc đời. Anh là ân nhân của tôi và tôi mong được biết tôi có thể
hi vọng được anh cung cấp tiền bạc để di chuyển hay không. Tôi đã mong anh suốt cả tuần nay như mong mẹ về
chợ!
- Ồ, tôi hi vọng anh tha lỗi cho tôi: hiện giờ tôi hơi túng thiếu; và hơn nữa, tôi thực không thấy lí do tại
sao tôi lại phải đưa tiền cho
anh.
Nicolai hình như nổi giận bất ngờ. Bằng một giọng sắc bén, anh vắn tắt kể ra tất cả những hành vi xấu xa của Lebiadkin: say sưa, nói dối, xài phí tiền bạc đáng lẽ dành cho em gái, dọa dẫm tiết lộ sự thật, buộc tội Dasa một cách vô lễ, vân vân. Viên đại úy khép nép, làm những cử chỉ phản đối, định cố trả lời những câu buộc tội, nhưng lần nào Nicolai cũng ngăn lại một cách độc đoán.
Cuối cùng Nicolai nói:
- Và, tôi muốn biết, trong bức thư của anh, anh muốn nói gì qua những lời mà anh gọi là một “ô nhục gia đình?”
Tại sao anh dám coi việc em gái anh làm vợ chính thức của Nicolai Xtavroghin là một ô nhục,
hả?
- Nhưng cưới trong vòng bí mật - một sự bí mật ác hại! Tôi nhận tiền của anh và người ta hỏi tôi tiền đó để trả
cái gì. Nhưng tôi không được phép trả lời và điều đó làm hại em gái tôi và danh dự của gia đình
tôi.
Viên đại úy cất cao giọng. Ông ta thích đề tài này vì đó là cái vốn liếng cũ rích của ông ta. Thương thay, ông ta chẳng bao giờ ngờ được cái họa lần này đang chờ dành cho mình! Bằng một giọng hết sức bình thản, như thể nói về một vấn đề thường ngày trong nhà, Nicolai thông báo cho ông ta biết rằng trong những ngày tới đây, có thể ngay ngày mai, anh sẽ loan báo cuộc hôn nhân “trước công luận cũng như trước chức quyền cảnh sát” và như thế sẽ giải quyết được vấn đề “danh dự gia đình” cho dứt khoát, luôn cả vấn đề trả trợ cấp cho Maria sinh nhai nữa. Lúc đầu, viên đại úy chỉ trố mắt ra nhìn Nicolai; cặp mắt ông ta gần như lọt ra ngoài, và ông ta gần như không hiểu. Nicolai phải giải thích thêm cho ông ta nghe.
- Nhưng... nhưng đầu óc nó không bình thường.
- Tôi sẽ xét tới điều đó.
- Nhưng mẹ anh thì sao?
- Tùy bà ấy.
- Nhưng anh có đem vợ về nhà không?
- Có thể, nhưng điều đó không liên quan gì tới anh.
- Anh nói thế là làm sao, không liên quan gì tới tôi à?
- Dù sao anh cũng sẽ không bước chân vào nhà tôi.
- Nhưng chẳng gì tôi cũng là anh vợ.
- Thứ anh vợ như anh thì ai cũng phải chạy xa. Hơn nữa, tại sao tôi lại phải cưu mang anh mãi? Anh thử nói cho
tôi nghe
xem,
- Anh Nicolai, tôi không thể tin được chuyện đó! Tôi chắc rằng anh sẽ đổi ý! Làm như thế cũng chẳng khác gì tự
tử vậy! Anh hãy nghĩ tới những lời của người đời trong xã hội ở
đây!
- Cái xã hội ở đây không đáng để tôi đếm xỉa tới! Anh nhớ rằng tôi đã cưới em gái anh sau một bữa ăn chiều uống
rượu say sưa - tôi đã đánh cuộc một chai rượu nho để làm chuyện ấy. Và bây giờ, nếu tôi thích, tôi sẽ loan
báo công khai, anh có hiểu
không?
Giọng nói của Nicolai đầy giận dữ đến độ làm cho Lebiadkin phải sợ và bắt đầu tin.
- Nhưng anh Nicolai, rồi tôi sẽ ra sao? Còn tôi thì sao anh Nicolai? Có phải anh định hại tôi không?
- Không.
- Nhưng anh có nói gì, tôi vẫn không tin anh. Dù sao, nếu anh làm vậy, tôi sẽ đi kiện.
- Anh thật ngu xuẩn không thể tưởng tượng được, đại úy ạ.
Lebiadkin rên rỉ, hoàn toàn sảng trí:
- Có thể như vậy, nhưng tôi biết làm gì khác hơn được. Trước kia, người ta thường cho chúng tôi ở trọ ban đêm
để đổi lại việc em gái tôi sẽ quét dọn nhà cửa, nhưng bây giờ tôi sẽ ra sao nếu anh tước bỏ của tôi mọi thứ
đi?
- Anh đã nói với tôi là anh muốn đi Petersburg và bắt đầu một cuộc đời mới ở đó cơ mà? Nhưng này, có thật như
lời người ta nói với tôi rằng anh có ý định tới đó để tố cáo những người khác để được khoan hồng hay
không?
Viên đại úy chỉ há hốc miệng ra trong im lặng.
- Bây giờ, hãy lắng nghe đây này, - Nicolai bỗng trở nên nghiêm trang, trườn tới trước và cúi người trên mặt
bàn. Từ đầu tới giờ, giọng anh hơi ỡm ờ, cho nên Lebiadkin - kẻ mà Nicolai thường nói như nói với một thằng
hề còn nửa tin nửa ngờ không biết ông chủ nói chuyện đứng đắn hay chỉ đánh lừa hắn. Nhưng bây giờ anh ta
trầm tĩnh và nghiêm trọng đến độ làm cho Lebiadkin lạnh xương sống. - Hãy nghe tôi nói đây, và anh nên nói
thật với tôi, Lebiadkin ạ. Anh đã báo cáo một chuyện gì hay một người nào với chính quyền, có hay không? Anh
đã làm một chuyện gì như thế rồi, đã gửi một cái thư cho ai hay làm một cái gì, một chuyện gì ngu ngốc đại
loại như vậy, đúng
không?
Lebiadkin vẫn dán mắt nhìn Nicolai không nhúc nhích và lúng búng:
- Không... tôi không làm gì cả. Tôi cũng không hề có ý định, như thế.
- Anh bảo anh không bao giờ có ý định đó là anh nói dối. Khi anh đòi tôi cho anh đi Petersburg, điều đó đủ để
chứng minh rồi. Ờ, dù cho thực sự anh không viết thư tố cáo, anh có chắc là anh chưa nói chuyện với ai
không? Đừng nói láo nữa, tôi đã nghe được một ít
rồi.
Viên đại úy đáng thương rít lên:
- Trong lúc tôi say, với Liputin. Liputin là một kẻ phản bội. Tôi đã mở cả gan ruột với hắn.
- Cởi mở gan ruột thì rất tốt nhưng làm một thằng điên thì thật nguy hiểm. Nêu anh có điều gì trong đầu, đáng
lẽ tốt hơn cả là anh giữ lấy một mình. Thời buổi này, những kẻ khôn ngoan phải biết giữ mồm giữ
miệng.
Viên đại úy nói với một giọng run rẩy:
- Nhưng anh Nicolai, bởi vì anh không dính líu tới âm mưu của họ cho nên tôi đã không nói điều gì có hại cho
anh.
- Phải, anh dại gì làm thịt con bò sữa của mình.
- Anh Nicolai, xin anh làm ơn... hãy để tôi giải thích.
Và trong sự tuyệt vọng, nước mắt lưng tròng, Lebiadkin vội bắt đầu kể lể cuộc sống của ông ta trong suốt bốn năm qua. Đó là một câu chuyện rồ dại của một kẻ điên khùng bỗng bị dính líu vào một câu chuyện chẳng chút liên quan gì đến mình - vì thường xuyên say sưa và trụy lạc, ông ta đã không thể đánh giá được tầm quan trọng của nó. Lebiadkin giải thích rằng trước khi rời Petersburg, ông ta đã buông xuôi để bị lôi kéo vào “phong trào” với tính cách “bạn bè” và phát xuất từ “tình liên đới với tập thể sinh viên đại học” mặc dù ông ta chẳng bao giờ là một sinh viên. Vì “không biết gì về chuyện đó”, ông ta đã đi phân phát truyền đơn, nhét vào cửa nhà người ta, bỏ vào thùng thư, vào mũ của khán giả trong rạp hát, và nhét vào túi của những người qua đường. Sau này, “họ” bắt đầu trả công cho ông ta bởi vì ông ta “túng thiếu một cách thảm hại, không thể tưởng tượng được”. Cho nên, ông ta đã được đưa ra ngoài và đi lại giữa hai khu để “phân phát đủ loại giấy lộn đó”.
Ông ta kêu lên một cách xúc động:
- Ôi, anh Nicolai, điều làm tôi bận tâm hơn cả là chuyện đó không những hoàn toàn bất hợp pháp mà tệ hơn, còn
là phản quốc nữa! Họ in những tài liệu khuyên nông dân vác cuốc xẻng để “sáng ra đi còn nghèo, chiều trở về
đã giầu”. Thế thì còn trời đất gì nữa! Tôi đã run lên vì phẫn nộ. Thỉnh thoảng họ bỗng in vài hàng nói với
cả nước Nga vài điều đại loại như: “Hãy đóng cửa nhà thờ, đuổi Thượng đế ra, từ bỏ gia đình, bãi bỏ quyền
thừa kế, cầm lấy con dao...” và tôi không thể nhớ hết những cái vô nghĩa mà họ định làm. Có một lần tôi bị
mấy sĩ quan bộ binh bắt được với một trong số những truyền đơn đó. Họ đánh tôi một trận nên thân nhưng cuối
cùng họ để tôi đi, cầu trời phù hộ cho họ! Và rồi, năm ngoái, tôi suýt bị bắt vì giao những tờ giấy năm mươi
rúp giả làm ở Pháp cho Corovaev, nhưng nhờ trời, Corovaev đã bị chết dưới ao trong lúc say rượu đúng lúc, và
người ta không lấy gì để buộc tội tôi. Rồi ở đây, trong nhà Virghinxki, tôi đã bênh vực quyền tự do của
người vợ theo xã hội chủ nghĩa. Tháng sáu vừa qua, tôi lại đi phát truyền đơn tại một quận thuộc ngoại ô ở
đây và tôi nghe nói họ lại sắp bắt tôi làm nữa. Bây giờ, Piot’r Verkhovenxki tới và báo cho tôi biết là tốt
hơn hết tôi nên làm theo lời họ. Thực ra, hắn đã hăm dọa tôi từ lâu. Chính anh cũng biết hắn đã làm gì tôi
chủ nhật rồi! Tôi biết tôi chỉ là một tên nô lệ, một loài sâu bọ, và đó là điểm khác biệt giữa tôi và thi sĩ
Derzavin59 vĩ đại của chúng ta, nhưng anh phải hiểu cho là tôi túng thiếu như thế nào, anh
Nicolai!
Nicolai nghe ông ta nói hết với một vẻ tò mò, anh nói:
- Trong những chuyện anh nói, có nhiều chuyện tôi chưa hề được nghe, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra
cho anh. - Nicolai ngừng lại nghĩ một lúc rồi nói tiếp: - Nhưng bây giờ anh hãy nghe đây, nếu anh muốn, anh
có thể nói với họ rằng Liputin đã nói dối, anh chỉ muốn làm tôi sợ bằng cách hăm dọa tố cáo tôi vì tưởng tôi
cũng có dính líu, và đó là phương cách để moi thêm tiền của tôi. Anh có hiểu
không?
- Anh Nicolai, có thật anh nghĩ là tôi đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến thế hay không? Tôi đã đợi anh để
hỏi anh điều
đó.
Nicolai cười lớn.
- Anh cứ tin đi là họ sẽ không để anh đi Petersburg đâu, dù cho tôi có cho tiền để anh đi chăng nữa. Nhưng đã
đến lúc tôi phải gặp Maria
rồi.
Nói xong Nicolai đứng dậy.
- Nhưng về phần Maria thì sao?
- Tôi đã nói với anh rồi.
- Có thật anh định làm như vậy không?.
- Anh vẫn không tin tôi, phải không?
- Có thật anh sắp bỏ rơi tôi như một chiếc giầy cũ rách nát không?
Nicolai cười.
- Tôi sẽ xét sau.
- Nếu anh cần, tôi sẽ đi ra ngoài để khỏi nghe thấy những gì tôi không được nghe. Anh cũng biết, phòng nhỏ như
thế
này.
- Ý kiến hay, ra ngoài đi. Cầm lấy cái dù của tôi.
Lebiadkin khúm núm:
- Cầm dù cho anh hả? Tôi có xứng đáng với cái dù của anh không?
- Ai cũng xứng đáng với cái dù.
- Ờ, tôi khâm phục cách nói của anh: chỉ một câu nói định nghĩa được những quyền tối thiểu của con người.
Miệng lưỡi của Lebiadkin lúc này chỉ đưa đẩy như một thói quen. Ông ta hoàn toàn bị cái quyết định của Nicolai nghiến nát và mất tinh thần. Nhưng ngay khi đã ra ngoài và giương cái dù của Nicolai che lên đầu, cái tư tưởng yên tâm thường lệ lại nhập vào cái đầu óc mưu mô thiển cận của ông ta - ông ta chỉ bị lừa và bị dụ dỗ, điều đó chứng tỏ họ sợ ông ta, và do đó, không việc gì ông ta phải sợ sệt.
“Nhưng, nếu tất cả đều là bịa đặt và đánh lừa thì đàng sau còn có gì nữa?” Ông ta tiếp tục tự hỏi, vì vẫn cho rằng việc công bố lễ cưới có vẻ thực sự quá vô lí. “Nhưng cái tay phù thủy như tên này có thể dám làm bất cứ chuyện gì; hắn chỉ sống để làm hại người ta cơ mà. Nhưng, cứ xét việc hắn lãnh một cái tát vào má hôm chủ nhật, hình như chính hắn cũng sợ sệt điều gì, sợ hơn mọi chuyện từ trước đến giờ. Có lẽ hắn vội tới đây để nói cho ta biết hắn sẽ công bố bởi vì hắn sợ ta sẽ công bố trước. Đừng bỏ lỡ cơ hội, Lebiadkin ạ! Dĩ nhiên rồi! Vả lại, tại sao hắn phải tới đây giữa đêm tối như thế này, như một thằng ăn cắp vậy, nếu hắn sợ điều gì, có nghĩa là hắn sợ điều đó sẽ xảy ra nay mai, trong vòng vài ngày tới. Cứ bình tĩnh mà đối phó Lebiadkin ạ, đừng làm điều gì lầm lỗi!...
“Hắn đem Piot’r Verkhovenxki ra để dọa ta. Cái đó thì sợ thật, đáng sợ thật! Mà sao ta lại ngu ngốc bép xép với Liputin? Có trời mới hiểu được những kẻ điên khùng ấy muốn gì - chúng nó như bị quỉ ám rồi, ta chẳng bao giờ hiểu được chúng! Biết tố cáo chúng với ai bây giờ? Hắn hỏi ta: Anh có chắc anh đã không viết thư cho ai do cái sự ngu ngốc của anh không? Hừ đã vậy có lẽ phải viết một tờ báo cáo “do cái sự ngu ngốc” như lời hắn nói mới được. Có thể hắn định khuyên ta chăng? Hắn nói: “Vì thế mà anh định đi Petersburg”. Tinh quái thật - mình mới nghĩ tới một cách lơ mơ mà hắn đã đoán được rồi! Như thể hắn thúc đẩy ta đi tới đó. Hai điều chắc phải đúng một: hoặc hắn đã làm điều gì và bây giờ hắn sợ, hoặc chính hắn không có gì phải sợ và hắn chỉ xúi giục ta tố cáo những kẻ khác. Ồ, nguy hiểm đấy Lebiadkin ơi, phải cẩn thận - đừng lầm lỗi!...”
Ông ta mơ màng suy nghĩ đến nỗi quên không nghe lén. Nhưng cũng khó mà nghe lén được: cánh cửa dầy và là một miếng ván liền, bên trong lại nói chuyện nhỏ. Ông ta không nghe thấy gì ngoài những âm thanh mơ hồ. Lebiadkin nhổ nước miếng một cách khinh bỉ, dựa lưng vào cửa và chân đánh nhịp huýt sáo.