Lũ Người Quỷ Ám - Chương 13
4
Tôi đã có lần tả dáng điệu của nhân vật này: một gã đàn ông bốn mươi, cao, nặng nề, tóc quăn, mặt đỏ và phì phị; má rung rung theo mỗi cử động của đầu; cặp mắt có tia máu mang một vẻ quỉ quyệt. Hắn để râu và ria mép; yết hầu lớn, trông rất khó coi. Nhưng, kì cục hơn nữa, hôm đó hắn còn mặc một chiếc áo choàng nhà binh và một chiếc áo cánh sạch sẽ. Điều đó khiến tôi nhớ tới một câu nhạo báng của Liputin để trả lời lại khi ông Xtepan trách đùa hắn ăn mặc cẩu thả: “Có nhiều người mặc một chiếc áo cánh cũng thấy bất xứng”. Ông đại úy còn đeo bao tay đen nữa - nghĩa là, hắn cầm chiếc bao ở tay mặt, trong khi bàn tay trái mập mạp, xỏ nửa chừng trong chiếc bao tay trái không cài nút. Trong cùng bàn tay đó, hắn cầm một chiếc mũ bóng loáng, tôi đoan chắc là hắn mới đội lần đầu. Vậy “người yêu áo choàng” mà viên đại úy đã nói ở cửa nhà Satov chiều qua có thực. Sau đó tôi được biết hắn mặc chiếc áo choàng và áo cánh đó theo lời khuyên của Liputin. Chắc chắn hắn cũng leo lên xe đến nhà bà Varvara (xe thuê) theo lời xúi bẩy và giúp đỡ của một người nào đó. Hắn không bao giờ có ý tưởng đó và cũng không thể kịp quyết định và sửa soạn trong bốn mươi lăm phút đồng hồ để sửa soạn, dù giả thử rằng hắn biết liền màn xảy ra dưới vòm cổng nhà thờ. Lúc này hắn không uống, nhưng ở trong trạng thái ngây dại đặc biệt của những người tỉnh rượu sau nhiều ngày say li bì. Chỉ cần chạm nhẹ vào vai hắn một hai cái là hắn lại rơi vào trạng thái say sưa ngay.
Hắn bước nhanh vào phòng gần như chạy, nhưng vấp ngay từ cửa, trên tấm thảm. Maria cười lăn cười bò. Hắn đưa mắt nhìn nàng dữ tợn, đoạn rảo bước vội tới chỗ bà Varvara. Hắn nói oang oang như chõ vào máy phóng thanh:
- Thưa bà, tôi đã tới!
Bà Varvara vừa nói vừa ngồi thẳng người lên:
- Xin mời ông ngồi xuống chiếc ghế kia, đó! Chắc chắn ông ngồi đấy tôi cũng có thể nghe ông nói và đồng thời
nhìn ông rõ
hơn.
Viên đại úy đứng dừng lại và nhìn về phía trước mặt bằng một cái nhìn xuẩn ngốc, rồi ngồi xuống chiếc ghế dựa bên cửa sổ bà Varvara đã chỉ. Khuôn mặt hắn pha lẫn hoang mang, kiêu căng và tức tối. Hiển nhiên hắn sợ và sự sợ hãi làm lòng tự ái bị thương tổn của hắn và do đó có thể đưa hắn tới chỗ ẩu đả dầu tính hắn hèn nhát. Hắn sợ không dám cử động vì ý thức được sự vụng về của mình. Người ta biết rằng nỗi đau lớn nhất của những con người thuộc loại này mà một sự tình cờ may mắn nào đó đã lọt được vào xã hội thượng lưu, là họ không biết giấu hai tay vào đâu và không ngừng nghĩ đến điều đó. Cuối cùng, hắn ngồi chết cứng trên ghế, tay khư khư chiếc mũ cùng đôi bao tay, và mắt dán chặt vào khuôn mặt nghiêm khắc của bà Varvara. Có thể hắn cũng muốn nhìn xem chung quanh hắn đang xảy ra chuyện gì, nhưng hắn không dám. Nhận thấy thái độ của viên đại úy quá đỗi khôi hài, Maria lại phá lên cười, nhưng hắn không động đậy. Trong khi đó bà Varvara soi mới nhìn hắn một cách tàn nhẫn cả phút. Cuối cùng bà chậm rãi nói bằng một giọng đầy ý nghĩa:
- Trước hết, tôi muốn chính ông cho tôi biết quí danh.
- Đại úy Lebiadkin. Tôi đã đến đây, thưa bà...
Hắn lúc lắc trên ghế. Bà Varvara ngắt lời:
- Khoan! Cô thiếu nữ đáng thương này là em gái ông thật hả?
- Vâng, thưa bà, nó là em gái tôi, nó đã trốn thoát khỏi sự canh chừng của tôi, vì nó đang ở trong một tình
trạng... - Hắn ấp úng và chợt đỏ mặt: - Xin bà đừng hiểu lầm ý tôi... Một người anh không bao giờ bêu xấu em
gáỉ của mình. Khi tôi kể tình trạng của em tôi, không bao giờ tôi có ý làm hại danh giá em tôi cả... Tôi chỉ
muốn nói rằng ít lâu
nay...
Hắn chợt dừng lại. Bà Varvara ngẩng đầu lên cao hơn nữa:
- Xin ông tiếp tục cho!
- Tôi muốn nói tình trạng này! Hắn kết luận bằng cách đập ngón tay trở lên trên trán. Im lặng trong giây lát.
- Cô ấy đau bao lâu rồi? - Bà Varvara chậm rãi hỏi.
- Thưa bà, tôi đến đây để cám ơn lòng tốt của bà đối với em tôi ở nhà thờ theo lối Nga, với tư cách huynh đệ...
- Với tư cách huynh đệ!
- Không, không phải với tư cách huynh đệ... nhưng với ý nghĩa tôi là anh của em gái tôi, thưa bà... - Hắn vội
tiếp, mặt lại đỏ bừng lên. - Xin bà tin rằng tôi không đến nỗi vô giáo dục như bà thoạt nhìn tôi lần thứ
nhất trong phòng khách của bà đâu. Em gái tôi và tôi, thưa bà, chúng tôi không là gì cả so với sự sang trọng
trong đó bà sống và chúng tôi nhìn thấy đây. Nhưng, thưa bà, tôi là một tên Lebiadkin, tôi kiêu hãnh vì danh
tiếng của tôi, bởi thế tôi đến đây để cám ơn bà và... và, thưa bà, đây là
tiền!
Vừa nói hắn vừa móc túi lấy ví ra, lôi ra một sấp tiền và bắt đầu đếm. Những ngón tay hắn run. Người ta thấy rõ là hắn muốn giải thích cấp tốc một điều gì đó và quả thực sự giải thích vô cùng cấp thiết. Cuối cùng, cảm thấy đếm tiền như thế khiến mình trông có vẻ lố bịch, hắn mất tự chủ, những đồng tiền dính chặt vào nhau, những ngón tay của hắn không tuân theo hắn nữa, và để cho sự nhục nhã lên đến cùng cực, một tờ giấy ba rúp mầu xanh rót ra khỏi ví và từ từ rơi xuống tấm thảm.
- Thưa bà, đây là hai mươi rúp!
Hắn vừa kêu vừa đứng phắt dậy, tay cầm tiền, mặt nhễ nhại mồ hôi. Rồi nhìn thấy tờ giấy bạc trên sàn nhà, hắn cúi xuống lượm lên, nhưng nhận thấy làm vậy là thiếu tư cách, hắn nhún vai nói bằng một giọng khinh bỉ:
- Thưa bà, để cho đầy tớ của bà, cho người hầu nào lượm để hắn nhớ em gái tôi!
Bà Varvara nói nhanh:
- Tôi không cho phép làm thế.
- Trong trường hợp đó...
Hắn cúi xuống lượm tờ giấy bạc lên, mặt đỏ như gấc. Rồi hắn tiến tới chỗ bà Varvara và đưa cho bà số tiền hắn vừa đếm.
- Cái gì đây?
Bà hỏi, lần này rất sợ hãi, co rúm vào ghế bành. Ông Xtepan Mavriki và tôi chạy tới chỗ bà. Đại úy Lebiadkin vội trấn an mọi người:
- Đừng sợ, đừng sợ... tôi không điên đâu. Tôi thề là tôi không điên!
- Có, thưa ông, tôi nghĩ có lẽ ông điên mất rồi!
- Nhưng thưa bà, tôi không phải như bà nghĩ! Dĩ nhiên, tôi chỉ là một con giun cái kiến vô nghĩa... Ôi! Thưa
bà, bà sống trong lâu đài trang hoàng sang trọng, còn em gái tôi, Maria Lebiadkina kẻ vô danh thì nghèo nàn
và khôn khổ. Chúng ta gọi nó là kẻ vô danh trong lúc này thôi, vì chính Thượng đế không chấp nhận cho nó mãi
mãi như vậy! Bà cho nó mười rúp, thưa bà, và nó đã nhận, nó đã nhận chỉ vì đó là tiền của bà, thưa bà, và
tôi hi vọng bà nhận thấy điều đó! Maria, kẻ vô danh không nhận tiền của bất cứ người nào khác, vì điều đó có
thể khiến ông nội nó nhục nhã nằm không yên trong mộ, ông là sĩ quan tham mưu tử thương trên chiến trường
Cavcaz ngay trước mắt đại tướng Ermolov43. Nhưng nó có thể nhận của bà tất cả. Tuy nhiên, mỗi khi tay này nó
lấy mười rúp thì tay kia nó sẽ trả lại bà hai mươi rúp, bằng cách cúng vào hội từ thiện của quí bà ở Moskva
mà bà là một hội viên... Tôi có đọc báo thấy chính bà có đăng trên tờ Tin tức Moskva là bà giữ sổ quyên tiền
địa phương, bất cứ ai cũng có thể đóng
góp.
Viên đại úy ngừng lại. Hắn thở hổn hển như vừa làm xong một kì công. Tất cả những điều nói tào lao về ủy ban từ thiện có lẽ được sửa soạn trước, cũng có thể do sự tập dượt của Liputin nữa. Hắn thở không ra hơi và mồ hôi chảy ròng ròng từ hai bên thái dương. Bà Varvara chăm chú nhìn hắn.
Bà nói một cách khô khan:
- Sổ quyên lúc nào cũng để ở dưới nhà, nơi người gác cổng. Ông có thể tới đó ghi tên nếu ông muốn. Vậy tôi yêu
cầu ông xếp tiền lại và đừng chìa ra trước mặt tôi như thế nữa. Xin ông trở lại chỗ ngồi. Như vậy đó. Thưa
ông, tôi rất lấy làm tiếc đã nhầm lẫn về cô em gái ông và cho cô tiền bố thí trong khi cô giầu như vậy. Có
một điều tôi không hiểu: tại sao cô ấy không nhận tiền của ai trừ tôi là làm sao? Vì ông đã nhấn mạnh nhiều
lần điều đó, vậy xin ông vui lòng giải thích cho tôi rõ
ràng.
Viên đại úy đáp:
- Thưa bà, đó là một điều bí ẩn mà tôi sống để dạ chết đem theo.
- Sao vậy? - Bà Varvara hỏi, lần này tỏ ra bỡt cương quyết hơn.
- Thưa bà, thưa bà!...
Hắn ngừng nói, về mặt ủ dột, cúi đầu và đặt tay phải lên ngực. Bà Varvara chờ đợi, mắt không rời hắn.
Thưa bà! Xin phép bà cho tôi hỏi một câu, một câu thôi, nhưng hỏi một cách cởi mở, thẳng thắn, theo kiểu Nga, phát xuất tự đáy lòng.
- Xin ông cứ hỏi.
- Thưa bà, bà đã từng đau khổ trong cuộc đời chưa?
- Có phải ông muốn nói với tôi rằng ông đã từng đau khổ, và còn tiếp tục đau khổ nữa, vì lỗi lầm của một người
nào đó phải
không?
Hắn lại đứng lên, có lẽ không ý thức được việc làm của mình, và lấy tay đấm ngực:
- Thưa bà! Thưa bà! Ở đây, nơi đây đã chất chứa biết bao nhiêu điều cay đắng mà ngay cả Thượng đế cũng phải
kinh ngạc khi tất cả được phát lộ vào Ngày Phán Xét Cuối
Cùng!
- Hừm! Ông nói hơi quá.
- Thưa bà, có lẽ lời nói của tôi có vẻ hơi giận dữ quá...
- Không sao, ông đừng quan tâm, tôi sẽ biết khi nào phải ngăn ông lại.
- Thưa bà, tôi có thể hỏi bà một câu nữa không?
- Ông hỏi đi.
- Người ta có thể chết vì có một tâm hồn quá cao thượng không?
- Tôi không rõ, tôi chưa hề tự đặt cho mình câu hỏi đó bao giờ.
- Bà không biết, bà chưa hề tự đặt cho mình câu hỏi đó bao giờ! - Hắn la lên bằng một giọng bi thảm hài hước. -
Thôi được, nếu quả như
thế.
Hãy nín đi, hỡi tâm hồn vô vọng!
Và hắn lại đấm ngực dữ dội. Hắn bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Một đặc tính chung của những người thuộc loại này là họ hoàn toàn không thể che giấu được những ước vọng của họ; trái lại, họ cảm thấy cần phải bầy tỏ tất cả trong tất cả sự xấu xa của nó ngay vừa lúc chúng phát khởi nơi họ. Trong xã hội thượng lưu, gồm những con người lịch sự, một con người như thế này luôn luôn bắt đầu một cách nhút nhát, nhưng nếu bạn nhường họ đằng chân họ lân đằng đầu, tỏ ra xấc xược hỗn láo ngay. Bây giờ Lebiadkin đang xúc động mạnh. Hắn đi tới đi lui trong căn phòng, vung tay, chẳng quan tâm gì đến những câu hỏi mọi người đặt ra, lẩm bẩm một mình cực nhanh đến nỗi dường như hắn líu cả lưỡi lại và bỏ dở câu đang nói, bắt qua một câu khác. Đúng là có lẽ hắn chưa hoàn toàn tỉnh rượu, vì mặc dầu hết sức mê mết nàng Liza mà từ đầu đến cuối hắn không nhìn ngó đến nàng, tuy rằng ngồi ngay cạnh đó. Nhưng có thể, đó chỉ là sự giả thiết của tôi thôi. Tuy nhiên, dù hắn có say hay không, bà Varvara cũng rất có lý khi ghê tởm một con người như vậy và lắng tai nghe hắn. Còn về phần bà Drozdova, bà run lên vì sợ hãi, mặc dầu tôi không tin là bà hiểu mặt trái của tất cả điều đó. Ông Xtepan cũng phát run lên, nhưng vì một lí do hoàn toàn trái hẳn: theo lệ thường, ông có khuynh hướng đi sâu vào hoàn cảnh hơn thực tại của nó. Mavriki thì đứng trong tư thế của một người sẵn sàng chạy tới bảo vệ bất cứ ai cần bảo vệ. Liza tái xanh tái ngắt, mở to mắt nhìn con người man rợ. Nhưng nơi Maria có một sự thạy đổi lạ lùng nhất: không những nàng thôi không cười nữa, mà lúc này trông nàng vô cùng buồn thảm. Nàng tì tay phải lên bàn và theo dõi người anh đang thao thao bất tuyệt bằng cặp mắt buồn rầu. Chỉ có một mình Dasa là có vẻ bình tĩnh. Satov ngồi yên.
Cuối cùng bà Varvara nói, ngắt lời hắn một cách giận dữ:
- Hãy chấm dứt những ẩn dụ ngốc nghếch đó đi! Ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi. Tại sao? Tôi đang chờ ông
trả lời
đây.
Lebiadkin nheo mắt:
Tôi chưa trả lời câu hỏi “tại sao” của bà? Bà đang chờ tôi trả lời câu hỏi “tại sao” của bà? Nhưng thưa bà, câu hỏi ngắn ngủi “tại sao” đã tràn lan trong tất cả vũ trụ từ ngày sáng thế lận; thiên nhiên không ngừng kêu lên hỏi Tạo hóa từng giờ từng phút: “Tại sao? “ và vẫn chưa nhận được câu trả lời từ bẩy ngàn năm qua. Một mình đại úy Lebiadkin có thể trả lời câu hỏi đó cho tất cả thế giới? Thưa bà, như thế có công bình không ạ?
Bà Varvara bắt đầu mất kiên nhẫn:
- Tất cả những điều đó vô nghĩa và không ăn nhập gì với câu hỏi của tôi cả. Đó là những lời ẩn dụ, bóng gió.
Hơn nữa, ông tự cho phép ông dùng một thứ ngôn ngữ quá hoa hòe hoa sói, điều mà tôi coi là hỗn
xược.
Lebiadkin nói tiếp, không quan tâm tới là bà vừa nói:
- Thưa bà, tôi chẳng hạn: tôi muốn đặt tên tôi là Ernext, nhưng trong đời sống thực tế, tôi phải bằng lòng với
cái tên tầm thường Ignat. Có thể tôi muốn làm hoàng tử Monbar, nhưng tôi chỉ là Lebiadkin, do chữ Lebiad -
con thiên nga - mà ra. Tại sao vậy? Thưa bà, theo ý tôi nước Nga chỉ là một vố chơi khăm của thiên
nhiên!
- Đó có phải là điều đặc biệt nhất mà ông nói không?
- Ồ không, tôi sẽ xin đọc hầu bà một bài thơ nhan đề là Con gián.
- Cái gì vậy?
- Thưa bà, tôi chưa điên đâu. Tôi sẽ điên, chắc chắn tôi sẽ điên, nhưng bây giờ thì chưa. Thưa bà, một người
bạn tôi, một người rất danh giá, đã viết một truyện ngụ ngôn của Crưlov, tựa đề là Con gián, bà có cho phép
tôi đọc
không?
- Ông muốn đọc một truyện ngụ ngôn của Crưlov ư?
- Không, không phải của Crưlov, nhưng mà là một truyện ngụ ngôn của tôi, do chính tôi làm ra. Thưa bà, tôi nói
không có ý xúc phạm bà, chứ tôi không đến nỗi vô học và hư hỏng đến độ không biết rằng nước Nga có một nhà
viết ngụ ngôn vĩ đại là Crưlov, mà ông Bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục đã cho xây ngôi đền kỉ niệm trong công
viên mùa hè để trẻ em vui chơi quanh đấy. Thưa bà, bà hỏi tôi “tại sao”. Câu trả lời có ghi trong ngụ ngôn,
bằng những chữ rực
lửa.
- Ông đọc bài ngụ ngôn của ông đi!
- Dạ thưa bà, đây:
Một con gián sống bình yên,
Con gián khôn ngoan sống đời thần tiên
Một hôm bỗng rơi vào trong chiếc lọ
Khủng khiếp thay đựng đầy ruồi bọ...
Bà Varvara kêu lên:
- Chúa ơi! Thế nghĩa là làm sao?
- Câu thơ đó muốn nói mùa hè, rất nhiều ruồi bị rơi vào trong một chiếc chai...
Viên đại úy vội giải thích, xua tay một cách bực bội với sự bất nhẫn của một tác giả bị ngắt lời giữa lúc đang cao hứng nhất.
-... chúng sắp chết hết, một người ngu nhất cũng thấy như thế. Bà đừng ngắt lời, bà đừng ngắt lời tôi nữa, bà sẽ thấy... (hắn lại xua tay). Thế rồi:
Con gián chẳng choán chỗ là bao,
Nhưng những con ruồi làm cao:
- Nó đè bẹp chúng con, chúng kêu,
Ôi Jupiter44! Biết làm sao?
Chúng giận dữ kêu gào ơi ới,
Bỗng hiền triết Nikifor đi tới...
Tới đây, tôi phải ngừng lại, nhưng không sao, tôi sẽ kể câu chuyện. Thế rồi Nikifor cầm cái chai lên và mặc dầu những lời phản đối của lũ ruồi, ông hất toẹt tất cả xuống máng - ruồi và gián, tất cả - điều đáng lẽ phải làm từ lâu. Nhưng xin bà lưu ý, là con gián không hề ta thán. Đó là câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?” của bà... Con gián không hề ta thán! Còn về Nikifor, ông ta tượng trưng cho thiên nhiên.
Hắn vội nói thêm và đi lại trong phòng bằng một vẻ rất tự mãn. Bà Varvara nổi sung:
- Thế còn số tiền? Xin phép ông cho tôi được hỏi, số tiền hình như đã nhận được do Nicolai Xtavroghin gửi và
dường như ông tuyên bố rằng một người trong nhà tôi trao cho ông
thiếu?
- Vu cáo!- Viên đại úy vừa la to vừa giơ tay lên trong một cử chỉ bi thảm.
- Không, đó không phải là một sự vu cáo.
- Thưa bà, đôi khi người ta bị đặt vào trong những hoàn cảnh bắt buộc người ta thà chịu đựng những điều nhục
nhã của gia đình mình, hơn là lớn tiếng nói lên sự thực. Lebiadkin không bao giờ nói thêm một câu nào nữa
đâu, thưa
bà.
Hắn dường như bị lóa mất. Hắn như đang trong cơn xuất thần. Hắn cảm thấy mình quan trọng. Hắn muốn sỉ nhục một người nào đó, hay phạm một hành động du côn hạ cấp nào đó, để chứng tỏ sức mạnh của hắn. Bà Varvara nói:
- Ông Xtepan, ông làm ơn gọi chuông giùm tôi.
Viên đại uy nheo mắt với một nụ cười đểu cáng:
- Lebiadkin là một tên quỉ quyệt. Hắn quỉ quyệt lắm, nhưng hắn cũng có chỗ yếu đuối, hắn cũng có đam mê, và sự
yếu đuối đó là chai rượu của bọn khinh kị binh mà Denis Davưdov45 đã ca ngợi. Và rồi, hắn đầu hàng tật mê
rượu của hắn, hắn làm thơ gửi đi - một bài thơ hay, thực vậy nhưng sau đó hắn muốn mua lại bằng nước mắt cả
một đời, bởi vì nó đã làm hư cảm thức cao nhã tuyệt vời của hắn. Nhưng con chim đã bay đi, không thể nắm
đuôi níu lại. Trong trường hợp đó, Lebiadkin có thể lỡ nói về một thiếu nữ danh giá, trong khi bất bình về
những điều sỉ nhục hắn đã phải chịu đựng; và bọn vu cáo đã thừa cơ lợi dụng. Nhưng thưa bà, Lebiadkin là một
đứa xảo trá, và con chó sói tàn ác nhất tha hồ mà chuốc rượu cho hắn, chỉ mất thời giờ uổng công mà thôi vì
Lebiadkin sẽ không, bao giờ nói. Dù có chuốc bao nhiêu rượu, con chó sói cũng chỉ tìm thấy sự quỉ quyệt của
Lebiadkin, thay vì bị mật nó đã mất bao công chờ đợi. Nhưng thôi đủ rồi! Đủ rồi! Thưa bà, ngôi nhà lộng lẫy
của bà có thể thuộc về một người cao quí nhất, nhưng con gián không ta thán. Xin bà lưu ý điều đó, lưu ý kĩ
cho! Nó không ta thán. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này, và xin bà ghi nhận tâm hồn cao cả của
nó.
Vừa lúc đó, người ta nghe thấy một hồi chuông reo ở dưới nhà, và gần như ngay sau đó chúng tôi mới thấy Alecxei đi vào, đáp lại tiếng chuông cửa ông Xtepan. Người bõ già trang nghiêm có vẻ hơi bối rối.
- Cậu Nicolai đã đến!
Lão thông báo để trả lời cái nhìn dò hỏi của bà Varvara.
Tôi còn nhớ khuôn mặt bà lúc đó: mới đầu bà tái xanh, nhưng sau đó cặp mắt bà bừng bừng. Rồi bà ngồi thẳng trên ghế bành, vẻ cương quyết. Quả thực, tất cả mọi người đều kinh ngạc. Cuộc thăm viếng dột ngột của Nicolai, mà chúng tôi chờ đợi trong vòng một tháng, khiến chúng tôi ngạc nhiên, không những vì sự bất chợt, mà còn vì sự trùng hợp của nó ngay giây phút này, như có tính cách định mệnh. Chính viên đại úy cũng đứng chết trân ở giữa phòng, miệng há hốc, nhìn trân trối cánh cửa.
Ngay lúc đó, trong phòng bên cạnh vang lên tiếng chân bước nhanh: một người nào đó vội vàng chạy tới. Có người lao vội vào phòng, nhưng không phải là Nicolai mà là một người hoàn toàn lạ mặt.
5
Tôi phải ngừng lại ở đây một chút để tả qua vài nét về nhân vật hiện ra đột ngột này.
Đó là một thanh niên khoảng độ hai mươi bảy tuổi, cao hơn mức trung bình một chút, tóc vàng hơi thưa nhưng khá dài, râu ria xanh xanh. Hắn ăn mặc nhã nhặn, hợp thời trang nữa, nhưng không làm dáng. Mới thoạt nhìn, hắn có vẻ hợi vụng về và hơi gù, nhưng hắn không gù chút nào và thực ra cử chỉ rất khinh khoái. Người ta có thể coi hắn là một người lập dị, tuy nhiên sau đó người ta thấy hắn lịch thiệp và ăn nói một cách khôn ngoan, hợp lí.
Người ta không thể nói hắn xấu, nhưng không ai ưa khuôn mặt hắn cả. Đầu hắn dài thượt phía sau, và hai má dẹp lép khiến khuôn mặt hắn thành ra nhọn hoắt. Trán hắn cao và hẹp, những nét khác nhỏ nhắn, thanh tú; mũi nhọn, đôi môi dài và mỏng. Khuôn mặt hắn thoáng nét đau đớn do những vết nhăn sâu trên má và trên lưỡng quyền gây ra. Trông hắn có vẻ đau ốm hay đang dưỡng bệnh, tuy hắn khỏè mạnh và quả thực chưa hề đau ốm bao giờ.
Dáng đi, cử chỉ của hắn bao giờ cũng hấp tấp, mặc dầu khi hắn không có gì phải vội vã. Dường như không có gì làm hắn bối rối cả; và hắn bao giờ cũng như bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hắn rất tự mãn nhưng không ý thức điều đó.
Hắn nói cũng nhanh và hấp tấp, nhưng nói một cách tự tin và không phải lựa lời tìm chữ bao giờ cả. Tư tưởng hắn hình thành một cách bình lặng, mặc dầu sự phát biểu vội vàng, và có một cái gì chính xác và tối hậu rất trội bật. Hắn nói một cách vô cùng rõ ràng, những lời nói rơi xuống như những hạt đều nhau, bao giờ cũng lựa chọn kĩ càng và sửa soạn trước cho tất cả mọi trường hợp. Thoạt tiên điều đó gây hậu quả thích thú, nhưng sau một hồi người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu sự phát âm quá hoàn hảo và trôi chay của hắn. Người ta tin rằng chiếc lưỡi của hắn phải có một hình thể đặc biệt, một chiếc lưỡi rất dài và mỏng, đỏ chót và thực nhọn, luôn luôn uốn éo.
Đó là người thanh niên lao vào phòng khách như một trái bom. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn có cảm tưởng rằng hắn đã bắt đầu nói ngay từ phòng bên cạnh và bước vào phòng giữa câu nói. Vụt một cái hắn dứng ngay trước mặt bà Varvara và mở máy nói liền:
-... nghĩ xem bác Varvara, khi cháu tới đây cháu cảm thấy chắc chắn là anh ta phải có mặt tại đây ít nhất là mười lăm phút rồi, vì anh đã đến thành phố này từ một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng cháu gặp nhau tại nhà Kirillov. Nửa giờ trước anh ta đi tới đây, yêu cầu cháu mười lăm phút sau đi theo anh...
Bà Varvara hỏi:
- Nhưng ai mới được chứ? Ai yêu cầu cậu tới đây?
- Nicolai chứ ai! Chẳng lẽ đến giờ phút này bác vẫn chưa biết anh ấy đã trở về? Chắc chắn là hành lý của anh đã
gửi về đấy từ lâu và cháu không hiểu tại sao họ không báo cho bác biết trước. Vậy chẳng hóa ra cháu là người
đầu tiên báo tin cho bác à? Dĩ nhiên là ta có thể sai người đi kiếm anh, nhưng có lẽ anh sẽ tới đây bây giờ,
căn sao cho sự xuất hiện của anh ăn khớp với một số mong đợi, và nếu cháu không lầm, với một số dự tính
chiến
lược.
Nói tới đó, hắn liếc quanh phòng, đặc biệt chú ý tới đại úy Lebiadkin.
- A, cô Liza!
Hắn reo lên khi nhìn thấy Liza, nhảy bổ tới nắm lấy bàn tay nàng chìa ra, và nói với một nụ cười thích thú:
- Tôi rất vui mừng được gặp cô ngay khi tôi trở về, và nếu tôi không lầm thì bà Drozdova cũng không quên người
mà bà gọi là “giáo sư” và không hay nổi giận với ông ta như hồi còn ở Thụy Sĩ. Nhưng xin bà cho biết, bà
Drozdova, hiện chân bà lúc này ra sao? Nhưng ông bác sĩ Thụy Sĩ có lí khi cho rằng khí hậu quê nhà tốt cho
sức khỏe của bà không? Tôi xin lỗi bà.. Bà phải chườm hả? Chắc dễ chịu
lắm.
Hắn quay sang bà chủ nhà:
- Cháu rất tiếc không gặp bác ở nước ngoài, và bày tỏ lòng kính trọng của cháu đối với bác, bác Varvara, nhất
là cháu có biết bao nhiêu điều để nói với bác. Cháu có viết cho “ông già” của cháu, nhưng cháu tin rằng,
theo thói quen của
ông...
- Piot’r!
Ông Xtepan bật kêu lên khi vừa hết kinh ngạc. Ông giơ tay lên và lao lại phía con trai:
- Piot’r, con tôi! Thế mà tôi không nhận ra!
Ông ôm ghì con trong tay, nước mắt giàn giụa.
- Đừng làm thế, đừng kệch cỡm thế, đủ rồi, đủ rồi... Piot’r vừa ấp ủng nói vừa cố gỡ ra khỏi vòng tay cha.
- Bao giờ, ba cũng có lỗi với con!
- Được rồi, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau. Tôi biết là ba bầy vẽ nhiều chuyện. Thôi, xin ba giữ gìn một chút
nào.
- Con hãy thử nghĩ, mười năm rồi ba không được gặp con.
- Như thế lại càng có lí để đừng tỏ ra xúc động quá.
- Con ơi!
- Vâng, ba yêu tôi, tôi biết... nhưng kìa, ba thu tay về đi chứ. Ba làm những người khác bối rối lây. A, kìa
Nicolai... xin ba bình tĩnh
lại....
Nicolai lúc này đã có mặt trong phòng: anh ta lặng lẽ đến, ngừng lại một lúc trên ngưỡng cửa, yên lặng nhìn tất cả mọi người.
Tôi xúc động vì sự xuất hiện của anh ta, cũng như tôi nhìn thấy anh ta bốn năm trước đây. Chắc chắn là tôi không quên anh ta một mảy may; nhưng có những khuôn mặt mỗi lần gặp lại, lại phát lộ những điều mới mẻ, dù ta đã gặp cả trăm lần. Anh ta vẫn thanh nhã và nghiêm trang như bốn năm trước, và gần như vẫn trẻ trung như thế. Nụ cười nhẹ nhàng của anh ta vẫn tỏa ra một vẻ dễ thương và tự tin như cũ, và cặp mắt anh ta vẫn nghiêm khắc, suy tư, và hơi lơ đãng. Quả thực, theo một nghĩa nào đó, tôi cảm tưởng tôi vừa từ biệt anh ta mới hôm qua đây thôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một sự thay đổi rõ rệt: trước kia người ta thấy anh ta đẹp trai, nhưng quả thực khuôn mặt anh ta “giống như một cái mặt nạ”, như một vài ba miệng lưỡi độc địa nói. Nhưng bây giờ, trái lại, anh ta đẹp với một về đẹp hoàn toàn, không thể chối cãi được. Bây giờ chắc không ai có thể nói khuôn mặt anh ta giống như một chiếc mặt nạ được nữa. Tôi không thể nói hoặc vì anh ta xanh xao hơn và gầy ốm hơn hoặc vì một vài tư tưởng mới phản chiếu trong mắt anh ta.
- Nicolai! - Bà Varvara kêu lên, vẫn ngồi yên trên ghế. - Đứng đó một chút! - Bà giơ tay cản anh bằng một cử
chỉ oai
nghiêm.
Nhưng bây giờ, để giải thích câu hỏi ghê gớm tiếp theo cái cử chỉ đó - cử chỉ mà tôi nghĩ bà Varvara không bao giờ có thể làm - tôi phải nhắc bạn đọc tâm tính thường nhật của bà này, và biến thái đột ngột trong một vài trường hợp gay cấn như thế nào. Người ta cũng phải lưu ý sự kiện là: mặc dầu ý chí mạnh mẽ, khả năng suy luận hoàn hảo, tính thực tế và nhanh trí, cũng có nhiều lúc bà thường hành động một cách cẩu thả, buông lung không biết kìm hãm lại. Người ta cũng phải nhớ là cái giây phút mà tôi đang tả đây có thể là một trong những giây phút nghiêm trọng, như một thấu kính trong đó hội tụ tất cả dĩ vãng, hiện tại, và có lẽ cả tương lai của đời bà. Tôi cũng cần phải nhắc qua lá thư nặc danh mà bà vừa đề cập với bà Drozdova, hiển nhiên nó khiến bà giận dữ không ít. Bà không nói rõ nội dung bức thư, nhưng có thể nó chứa đựng lí do khiến bà hỏi con trai câu hỏi khủng khiếp:
- Nicolai, nói thực cho mẹ biết, có phải người đàn bà đáng thương, thọt chân - người đàn bà này, con hãy nhìn
kĩ, - có phải là vợ chính thức của con không? Con hãy trả lời mẹ ngay, trước khi rời khỏi chỗ con đang đứng.
- Bà dằn từng chữ với một giọng đầy thách thức, đe
dọa.
Tôi nhớ rất rõ giây phút đó. Nicolai không cau mày, đăm đăm nhìn mẹ. Khuôn mặt anh không một thoáng thay đổi. Cuối cùng, anh khoan thai nở một nụ cười bao dung và, lẳng lặng không trả lời, anh bước tới ghế mẹ ngồi, cầm lấy tay bà, nâng lên môi hôn. Bà không dám rụt tay lại vì anh vẫn có uy thế lạ lùng đối với bà như bao giờ; bà chỉ thắc mắc ngó con. Cả con người bà biến thành một câu hỏi; nhưng thái độ của bà cho thấy: nếu sự mập mờ này kéo dài thêm một phút nữa thì bà sẽ quị xuống không chịu đựng nổi.
Nhưng Nicolai vẫn im lặng. Sau khi hôn tay mẹ xong anh đưa mắt nhìn quanh phòng một lần nữa, rồi chậm rãi đi về phía Maria. Thật vô cùng khó khăn khi tả khuôn mặt người ta trong một vài cảnh ngộ nào đó. Chẳng hạn, tôi nhớ rõ Maria lúc ấy, sợ hãi muốn chết, run run đứng lên chắp tay như van vái anh; nhưng, đồng thời, tôi còn nhớ nỗi hân hoan rực rỡ trong khóe mắt nàng - một nỗi đê mê điên cuồng, man dại, gần như làm méo mó khuôn mặt nàng không nhận ra nổi, một nỗi đê mê gần như vượt quá sức chịu đựng, Có lẽ cả sự sợ hãi lẫn đê mê phối hợp trong nàng. Dù sao, tôi còn nhớ tôi bước vội tới chỗ nàng (tôi đứng không xa đó), nghĩ rằng nàng sắp xỉu.
- Đáng lẽ em không nên tới đây.
Nicolai nói bằng một giọng dịu dàng, réo rắt, một vẻ ôn nhu cùng cực lấp lánh trong mắt anh. Anh đứng trước mặt nàng trong một tư thế vô cùng cung kính. Mỗi cử chỉ của anh đều tỏ ra chân thành quí mến. Người thiếu nữ đáng thương run run thì thào không ra hơi:
- Em có thể... bây giờ... quì xuống trước mặt anh không?
- Không, làm thế không được đâu.
Anh đáp lại bằng một nụ cười huy hoàng đến nỗi nàng khẽ cười ròn tươi. Rồi, cũng bằng một giọng nói du dương khuyến dụ, anh vỗ về nàng như dỗ dành một đứa trẻ thơ. Anh trang trọng nói thêm:
- Xin hãy nhớ rằng em là một thiếu nữ, và anh, tuy là một người bạn tận tâm của em, anh vẫn chỉ là một người
ngoài, không phải là chồng, cũng không phải là cha hay vị hôn phu của em. Xin em hãy đưa tay đây, và chúng
ta đi thôi. Anh sẽ đưa em ra xe, và nếu em cho phép, anh sẽ đưa em về đến tận
nhà.
Nàng lắng nghe anh nói và cúi đầu tư lự.
- Vậy thì chúng ta đi.
Cuối cùng nàng thở dài nói, và chìa tay cho anh.
Nhưng ngay lúc đó, một tai nạn nhỏ xảy ra. Có lẽ nàng hơi vô ý, cất bước đi bằng chiếc chân thọt, yếu đuối, và nàng ngã nghiêng xuống một chiếc ghế bành; nếu không có chiếc ghế ở đó, chắc chắn nàng té sóng soài trên nền nhà. Nicolai nhanh tay đỡ nàng lên, ôm nàng rất chặt, dìu nàng ra cửa. Hiển nhiên nàng vô cùng bối rối vì cái ngã của mình. Nàng đỏ mặt, mắc cỡ hết sức. Nàng cúi gầm mặt xuống đất, lết đi một cách nặng nề sau Nicolai - gần như đeo dính anh - nàng lặng lẽ rời khỏi phòng, không thốt một lời. Khi họ đi ra, tôi thấy Liza nhảy dựng trên ghế, chằm chằm nhìn họ. Nàng không rời mắt khỏi họ cho đến khi họ ra đến cửa. Rồi nàng yên lặng ngồi xuống, nhưng khuôn mặt nàng vẫn tiếp tục nhăn nhó co giật như thể đụng phải rắn.
Trong màn kịch diễn ra giữa Nicolai và Maria Lebiadkina đó, tất cả mọi người đều yên lặng đến nỗi người ta có thể nghe thấy cả tiếng ruồi bay. Nhưng khi họ vừa đi khỏi, mọi người đều ùa lên nói một lúc.