Làm Ít Được Nhiều - Chương 03
TỔNG KẾT
Hãy đổi những thứ vô ích để lấy những gì bạn thật sự mong muốn. Thông thường, để có những thành quả lớn lao bao nhiêu, thì bạn sẽ cần phải thay đổi cuộc sống của mình bấy nhiêu. Điều này có thể bao gồm cả việc từ bỏ nhiều bạn bè, quan điểm, thói quen quen thuộc nhưng vô ích.
Đối với vị pháp sư cầu mưa, ông đã không hề được sinh ra kèm theo lời phán truyền của Thượng đế rằng “Ông ấy sẽ là một vị pháp sư cầu mưa vĩ đại”. Mà là trong quãng thời gian dài của đời mình, ông mới rèn luyện để trở thành một vị pháp sư cầu mưa xuất chúng. Nếu có lời nào để nói với bạn, thì hẳn ông sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện ông đã đánh đổi những hoạt động vô bổ cho những hoạt động đã khiến ông trở thành một huyền thoại của nghề cầu mưa.
NUÔI DƯỠNG NHỮNG GIẤC MƠ CÓ ĐỊNH HƯỚNG
Nếu bạn thay đổi được nội dung của những giấc mơ của mình, bạn có thể thay đổi được cả cuộc sống của mình. Nếu những giấc mơ đang chèn ép bạn và chúng mang đầy những khó khăn, thì thường là do bạn cảm thấy bị chèn ép trong cuộc sống. Cũng như vậy, nếu vị pháp sư cầu mưa chỉ toàn mơ thấy sự bất tài vô dụng của mình trong việc đem về những giọt mưa mát lành cho một vùng đất khô cằn nứt nẻ, thì làm sao ông có thể khẩn cầu mưa gió trong đời thực? Vị pháp sư khả kính của chúng ta trước khi có thể đem mưa về cho thế giới thực tại, cần phải cảm giác được mưa tuôn tràn mưa, trề bên trong bản thân ông.
THAY GIẤC MƠ, ĐỔI CUỘC ĐỜI
Giấc mơ giống như một máy chiếu, nó phản ảnh lại những suy nghĩ có ý thức và vô thức của bạn. Nếu bạn muốn biết chất lượng cuộc sống của mình, hãy xem xét chất lượng những giấc mơ của bạn. Bạn không nhất thiết phải là một chiêm tinh gia thứ thiệt; lý trí thông thường sẽ giúp bạn làm điều này.
Gary sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Khi ông lên mười, nhân một chuyến viếng thăm ông bà cùng với người anh trai, ông đã nói với ông bà rằng sau này lớn lên ông sẽ xây một căn biệt thự đồ sộ. Nó sẽ to đến mức có thể đặt căn nhà của ông bà vào trong phòng khách. Ông bà ông rất lấy làm buồn cười và trả lời: “Cháu của ông bà giỏi lắm!”. Người anh chạy thẳng về nhà mách với bố mẹ về những điều Gary đã nói. Khi Gary trở về ông đã bị bố nện một trận ra trò vì mơ mộng hão huyền.
Gary học rất chăm và đã trở thành người đầu tiên trong gia đình đạt được bằng cử nhân. Sau khi tốt nghiệp, ông đã làm việc miệt mài để vươn lên trong công việc của mình. Đến năm bốn mươi lăm tuổi, do nhiều lần thay đổi chỗ làm và chỗ ở, ông đã mua đi bán lại rất nhiều ngôi nhà, nhưng không có căn nào gần giống với ngôi biệt thực mà lúc nhỏ ông đã mô tả với ông bà mình. Viễn cảnh về việc sở hữu ngôi nhà trong mơ ấy đang dần trở nên không hơn gì một lời nói khoác.
Gary cảm thấy nản chí. Công việc kinh doanh máy tính nhỏ bé của ông tăng trưởng đều đặn ở mức năm phần trăm một năm. Đó là một công việc kinh doanh tốt, đem về hơn một triệu đô-la mỗi năm, nhưng vẫn chưa đủ để thực hiện mơ ước của ông. Thu nhập thực tế hàng năm của ông chỉ có khoảng ba trăm nghìn đô-la. Khao khát có được ngôi biệt thự mơ ước mạnh mẽ đến mức ông luôn nằm mơ thấy những căn nhà to, đẹp nhìn ra bãi biển ở Miami hay những căn nhà ở gần công viên trung tâm New York. Thậm chí ông còn mơ thấy cả một tòa lâu đài khổng lồ với một phòng khách có thể đặt vừa cả căn nhà của ông bà vào trong đó. Nhưng trong mỗi giấc mơ, những căn nhà đó chẳng khi nào là của ông. Chúng thuộc về một ai đó còn ông thì vẫn luôn thắc mắc làm sao để tậu được một căn năm trăm nghìn đô-la bởi đó là số tiền thiết thực mà ông có thể xoay sở được. Kết cục của mỗi giấc mơ là ông phải đi ra khỏi căn nhà mơ ước của mình.
Cuối cùng, Gary đã khám phá ra một điểm chung trong những giấc mơ của ông. Đó là ông luôn mơ thấy những căn nhà quá cao cấp để rồi cuối cùng nhận ra rằng ông không đủ khả năng chi trả. Ông cảm thấy bất lực trong việc cố gắng có được một trong những căn nhà hoành tráng như vậy. Để mua được một căn nhà hạng sang như ông thật lòng mong ước, thì thu nhập thực tế của ông chí ít cũng phải ba triệu đô-la và đó là một nấc thang vời vợi so với tình trạng thực thế của ông.
Thế rồi, trong thâm tâm ông lóe lên một tia sáng chói lòa. Ông tự hỏi “Liệu mình có thể lái những giấc mơ của mình theo hướng là mình đủ khả năng chi trả và có thu nhập đến ba triệu đô-la một năm không? Liệu mình có thể tạo ra một thực tế trong giấc mơ là mình đã sở hữu căn nhà mơ ước không?”
TẬP LUYỆN ĐIỀU KHIỂN NHỮNG GIẤC MƠ
Gary bắt đầu thay đổi những giấc mơ của mình bằng những bài tập điều khiển giấc mơ:
1. NUÔI DƯỠNG TƯ DUY LƯỢNG TỬ
Gary là một nhà khoa học, và vì vậy ông rất thực tế. Ông không hình dung nổi làm thế nào để tạo một bước nhảy vọt cho thu nhập từ ba trăm nghìn đô-la tăng lên đến ba triệu. Ông nghĩ ngợi mãi về việc này từng phút, từng giờ, trong lúc ăn, lúc ngủ và cả khi làm việc. Nhất định phải có lời đáp để làm thế nào một người vượt qua ngưỡng cửa eo hẹp của thực tại để đến thế giới phi thực; làm thế nào một người có thể thay đổi cái cốt lõi trong thực trạng của mình. Là một nhà khoa học nên ông bị gắn chặt vào cái thế giới quan của chủ nghĩa duy thực. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng thời cung cấp cho ông hiểu biết thấu đáo về cách các hạt hạ nguyên tử nhảy từ trường vật chất này sang trường vật chất khác.
Trong thuyết lượng tử được trình bày bởi những nhà vật lý thế kỉ hai mươi (nổi bật nhất là Niels Bohr với Diễn giải Copenhagen) có nêu rõ một điện tử (electron) ở bên trong một nguyên tử (atom), dưới một tác nhân thích hợp, sẽ biến mất khỏi một quỹ đạo này rồi xuất hiện trở lại ở một quỹ đạo khác. Thế nhưng điện tử đó không hề di chuyển từ vị trí này qua vị trí khác. Thậm chí, nó không hề tồn tại ở khoảng giữa của hai quỹ đạo ấy.
Nói cách khác, điện tử đó không hề chuyển động từ chỗ này, đi qua một khoảng không và đáp lại ở một chỗ mới; nó chỉ biến mất khỏi vị trí của mình rồi ngay lập tức có mặt ở một vị trí khác. Gary tự hỏi phải chăng trong vũ trụ này cái quy luật vật lý lạ lùng đó không chỉ áp dụng riêng cho các điện tử. Có lẽ đối với con người, cũng là những sản phẩm của sự hội tụ vật chất và năng lượng, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thuyết lượng tử; nếu nó vận hành bên trong các điện tử, thì nó cũng có khả năng ứng dụng vào thế giới vĩ mô hơn đó là vật chất cấu tạo nến con người.
Ông bắt đầu nhận thấy những sự kiện và hoàn cảnh trong cuộc sống của mọi người cũng không phát triển theo một đường tuyến tính; có vẻ như chúng cũng du hành bằng những bước nhảy lượng tử. ông phát hiện ra rằng phân cấp giàu nghèo và giai cấp xã hội tồn tại trong thế giới này đều khá giống những quỹ đạo khác nhau mà các điện tử chiếm dụng, và rằng sự di chuyển qua lại giữa các cấp bậc ấy thường là những bước nhảy vọt hơn là theo một phương thức đều đặn, nặng nề và dễ đoán. Ông tự nhủ, động lực nào sẽ giúp cuộc sống của ông nhảy vọt lên một quỹ đạo cao rộng hơn?
Để thực hiện bước nhảy lượng tử này, Gary đã quyết định việc đầu tiên nên làm là phải thay đổi bản chất lô-gíc của tư duy. Bên trong khoa học đầy lô-gic vẫn tồn tại bí ẩn về sự chuyển động lượng tử không lý giải được. Ông đã thấy cái mô hình tăng trưởng năm phần trăm rất hợp lí của mình là sản phẩm được tạo ra bởi tư duy theo kiểu tuyến tính. Một cú nhảy lượng tử vĩ đại sẽ phải trở thành khuôn mẫu tư duy mới của ông.
Gary đã nhận ra rằng trí óc ông quá nhỏ bé để có thể chứa đựng hết những tiềm năng vô tận và chưa khai phá của vũ trụ. Ông kết luận rằng đấng sáng tạo của vũ trụ nhất định là một người suy tư rất uyên thâm. Gary đã vứt bỏ tư duy lý trí, chủ nghĩa hiện thực và tư duy hạn hẹp để áp dụng cách suy nghĩ táo bạo và hoang đường nhất. Ông nhận thấy cái vũ trụ như chúng ta vẫn biết thật không có biên cương và những nghiên cứu gần đây cũng bắt đầu xem xét phải chăng còn có vô số vũ trụ khác nữa ngoài cái vũ trụ mà chúng ta đã biết. Ông hiểu rằng cuộc sống tự đặt ra những giới hạn thực dụng cho suy nghĩ quả là một việc hết sức phi thực tế đối với chúng ta.
2. ĐEM GIẤC MƠ VÀO TÂM TRÍ TỈNH THỨC
Gary đã khám phá ra rằng bất kể ông mong được mơ thấy gì vào buổi tối, ông phải nghĩ về nó, sống với nó khi đang tỉnh thức. Ông không để cho những giấc mơ tiếp tục điều khiển nội dung của nó. Ông đã có ý định sẽ nắm lấy quyền chủ động trong việc điều khiển nội dung của những giấc mơ của mình. Có một sự thật khá phổ biến là những gì diễn ra trong tâm trí của bạn vào ban ngày sẽ tác động lên giấc mơ của bạn vào ban đêm. Thay vì phải thừa nhận tình hình tài chính thực tế, ông quyết định tạo ra một thực tế lượng tử của riêng mình: Ông xem như là mình đã có mức thu nhập ba triệu đô-la và đã sở hữu ngôi nhà mơ ước.
Nghĩ kĩ lại, ông suy tính “Sao lại phải chấp nhận một căn hộ chỉ ba triệu đô-la nhỉ? Sao không phải là năm triệu đô-la?”. Và tại sao lại bằng lòng một căn hộ vì rằng ông có thể sẽ không quyết định nổi là sẽ chọn một căn nhà như ý trên một mảnh đất tư ven biển hay ở trung tâm New York? Sao không có nhiều căn nhà lý tưởng cùng lúc? Nếu Đấng sáng tạo có thể tạo ra vô vàn vũ trụ ngoài vũ trụ của chúng ta, vậy tại sao không mơ thấy một khoản thu nhập mười triệu đô-la hay hơn thế nữa?
Gary tham gia vào cuộc chiến giữa một bên là thói quen suy nghĩ thực tế và dòng tư duy lượng tử mới vượt quá mọi giới hạn. Dù đang làm việc, tiêu khiển hay đang trò chuyện một phần trí óc ông vẫn luôn luôn theo dõi phần còn lại để đảm bảo rằng cứ mỗi khi suy nghĩ của ông về lại với kiểu thực tế “chân thực” thì ông sẽ dập tắt cái suy nghĩ tuyến tính cũ kỹ đó và thiết lập lại tư duy về thực tế lượng tử - rằng ông đã sở hữu những ngôi nhà tuyệt vời ở khắp nơi, và rằng thu nhập của ông đã là mười triệu đô-la.
Ban đầu, phương pháp thực hành này không phải dễ, nhưng ông đã kiên trì sửa đổi bản thân mình. Ông tin rằng qua những khổ luyện để tự chỉnh sửa suy nghĩ thì một ngày nào đó, biết đâu, lối tư duy cũ của ông sẽ bị phá vỡ và giống như điện tử nọ, bất thình lình nó sẽ tan biến để thực hiện một cú nhảy lượng tử đến một chân trời mới.
3. DÙNG HÌNH ẢNH ĐỂ HỖ TRỢ
Để củng cố cho những quan điểm tinh thần mới, ông đã dùng thêm những bức tranh để kích thích trí tưởng tượng của mình. Ông cắt ra những bức ảnh đẹp đẽ đầy màu sắc trong những tạp chí mà thể hiện được cuộc sống mới trong tâm trí ông. Khi vừa thức dậy và trước khi đi ngủ, ông đều ngắm nghía những hình ảnh hỗ trợ này cho đến khi ông cảm nhận được chúng đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Bất cứ khi nào ông phát hiện ra tư duy của ông trở về với lối suy nghĩ “thực tế” cũ, ông sẽ vận dụng ấn tượng về những hình ảnh đó để xóa nhòa cái thực tế quen thuộc kia.
4. MỖI NGÀY LÀM MỘT VIỆC MÀ BẠN CHO LÀ MÌNH KHÔNG THỂ
Gary từng đọc một quyển sách hướng dẫn thực hành để tăng cường năng lực và sức mạnh tinh thần. Trong đó có viết “Nếu bạn chưa bao giờ buộc chặt dây giày khi đang đứng, thì hãy làm điều đó. Nếu bạn cảm thấy thiếu thoải mái khi tham gia các hoạt động xã hội, hãy ép buộc mình tham gia một vài lần với tinh thần hoàn toàn phấn khởi. Bất kể những hoạt động đó chẳng cần thiết là mấy, quan trọng ở chỗ đó phải là một việc mà trước đây bạn cho rằng bạn không thể làm được hoặc chưa từng thử qua bao giờ. Hãy thử thách chính mình để vượt qua những trạng thái tinh thần quen thuộc. Mỗi ngày hãy cố tạo ra ít nhất một chiến công kiểu như vậy. Sớm hay muộn, tiềm thức của bạn cũng sẽ ghi nhận hiệu quả được tích lũy bấy lâu rằng làm một kẻ chiến thắng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Gary đã bắt đầu luyện tập phương pháp đơn giản này. Đối với những ngày không làm được việc gì mà ông cho là “chiến thắng” thì ông chạy bộ tám cây số đường trường hoặc hít đất năm mươi cái, bởi lẽ mấy bài tập thể lực kiểu này vốn không phải là sở trường của ông. Giờ đây, những giấc mơ của Gary đã thay đổi. Ông bắt đầu mơ thấy mình tậu được một căn nhà hết sức độc đáo ngay ở khu dân cư cao cấp nhất thành phố. Thật sự, ngôi nhà này trước kia thuộc sở hữu của một người bạn học thuở xưa, là nơi mà ông đã ghé thăm trong những cuộc gặp xã giao. Nhưng sự khác biệt xảy ra trong giấc mơ của ông là ông đang cho một người bạn thuê căn hộ này và người bạn học cũ này đang gặp khó khăn trong việc chi trả tiền thuê nhà. Thế nhưng, ông đang dần tiến bộ trong những giấc mơ của mình, vì dù rằng ông đang gặp vấn đề về việc truy thu tiền thuê nhà, nhưng bây giờ ông đang bắt đầu trải nghiệm trên bình diện tinh thần rằng một tòa biệt thự đồ sộ thực sự đã thuộc về ông.
5. HỌC THEO TINH THẦN CỦA NHỮNG NHÀ TỈ PHÚ
Gary tin rằng có một sự khác biệt về mặt tinh thần giữa một thương buôn lam lũ và một nhà tỉ phú giàu sang, ông đã đặt vé một chuyến nghỉ mát hai tuần trên một chiếc du thuyền đắt tiền nhất, nơi mà bạn đồng hành với ông là một nhóm gồm toàn những triệu phú và tỉ phú. Chi phí đắt hơn mức trần chi tiêu của Gary nhiều - bốn mươi nghìn đô-la cho ông và vợ - nhưng ông đã quyết định phải làm như thế.
Trong hai tuần lễ trên tàu, ông đã không nhớ đến hoàn cảnh tài chính “thực tế’ của mình vốn không bì kịp với những người bạn đồng hành kia. Ông cảm thấy như mình là một trong số họ. Gary khám phá ra sự khác biệt lớn nhất giữa những người sống trong những ngôi nhà hai mươi triệu đô-la với những người sống trong những cán hộ hai trăm nghìn đô-la đó là những rào cản tinh thần do chính chúng ta tạo ra. Ngôi nhà hai trăm ngàn đô-la là giới hạn thực tế, còn dinh thự hai mươi triệu đô-la là giới hạn không tưởng.
6. HỒI TƯỞNG LẠI NHỮNG GIẤC MƠ KHI TỈNH GIẤC
Khi thức giấc, trong lúc vẫn còn nằm trên giường, điều đầu tiên mà Gary làm là nhắm mắt và hồi tưởng lại giấc mơ của mình. Nếu là một giấc mơ tích cực, đầy tự tin và sáng sủa, ông sẽ tự chúc mừng mình. Còn nếu giấc mơ hỗn độn và yếu đuối, chẳng hạn như mơ thấy té từ trên vách đá xuống, thì ông sẽ sửa kịch bản cho cơn ác mộng đó rồi tưởng tượng lại nó cho đến khi ông cảm thấy hạnh phúc với kết quả mới. Đối mặt với vách đá, ông sẽ cất cánh và tự do bay vút lên trời cao.
Gary đã làm theo những bài thực hành trên và “lập trình” lại trí óc của mình vào ban ngày để khi tối đến ông có thể tự mình chỉ định được những giấc mơ như mong muốn.
Bằng cách mơ thấy những giấc mơ như ý, ông đã củng cố được lòng tin của mình vào một phong cách sống đúng đắn. Sau mười tháng chuyên cần tập luyện, ông đã quen biết được với một người bạn làm ăn, người đã phát minh ra phương thức mới để phục hồi dữ liệu máy tính. Ba năm sau, doanh số của họ là sáu mươi triệu đô-la.
Gary chưa bao giờ mua một biệt thự với phòng khách đủ lớn đế chứa cả căn nhà của ông bà mình. Ông đã chứng kiến mình sở hữu ngôi nhà đó trong những giấc mơ rồi.
Giờ đây ông đã có đủ khả năng tài chính để biến giấc mơ thành sự thật, nhưng ông không còn muốn làm điều đó nữa. Gary và vợ ông thực sự chưa bao giờ bận tâm đến việc mua một căn nhà to lớn đến dường ấy; ngôi biệt thự khổng lồ ấy chỉ là một biểu tượng của sự thành đạt trong ký ức thời thơ ấu của Gary mà thôi.
TỔNG KẾT
Những giấc mơ của một người dù lộn xộn hay rõ ràng đều phản ánh lại những suy nghĩ mà người đó đã gặp phải trong suốt cả ngày. Thay đổi chất lượng của giấc mơ với những bài tập định hướng giấc mơ sẽ làm thay đổi chất lượng cuộc sống ban ngày của bạn.
Trước khi một điện tử có thể rời khỏi quỹ đạo của mình, nó cần phải tích tụ được một mức năng lượng cần thiết để thực hiện bước nhảy để rồi hiện diện trở lại trên một quỹ đạo cao hơn. Khi nó đã tích tụ được đủ mức động năng yêu cầu, nó sẽ thực hiện cú nhảy để giành lấy một vị trí cho mình ở một chân trời cao xa hơn. Trong trường hợp tương tự khi một người đang tích lũy mức năng lượng cần thiết để rời bỏ quỹ đạo xa xưa êm đềm của mình, họ kiên trì hun đúc cho tinh thần của mình và tập trải nghiệm sự hiện hữu của quỹ đạo mới mà họ muốn vươn đến. Cũng giống như điện tử tích tụ năng lượng của nó trước khi thực hiện bước nhảy lượng tử, con người phải đắm chìm bản thân họ trong những mộng mơ tích cực, tập trải nghiệm cảm giác sống trong một môi trường mới trước khi họ chứng tỏ mình có đủ khả năng để tiến lên quỹ đạo cuộc sống mới đó.
Vị pháp sư cầu mưa của chúng ta đã làm đúng như thế. Trong trạng thái ngủ ông đã mơ đi mơ lại cảnh những trận mưa giải tan cơn khát của mặt đất nứt nẻ để đem lại sự sống và sức trẻ cho ngôi làng. Bạn không cần phải làm nhiều hơn, chỉ cần học theo được kỹ năng của điều khiển giấc mơ: mơ về cuộc sống mà bạn mong muốn và sau đó sống với cuộc sống trong mơ của bạn.
BÍ MẬT THỨ HAI
GIỮ TÂM TRÍ THANH THẢN
SÁNG SUỐT TRONG CƠN GIẬN
Trước khi vị pháp sư cầu mưa đạt được năng lực làm mưa một cách dễ dàng, ông cũng chỉ là một người học nghề. Giống như những thầy pháp cầu mưa bình thường khác, những cố gắng quá độ mà thành quả thì hạn chế đã từng làm cho ông tức tối và căng thẳng.
Vị pháp sư của chúng ta, dù đã từng rất vụng về và thất bại rất nhiều trong việc tạo mưa vào thuở đầu mới vào nghề, nhưng hiểu rằng nóng giận chính là bước khởi đầu trên chặng đường học lấy trí tuệ cao thâm hơn.
Khi một người đang khổ sở với những tức tối và cuộc sống đầy căng thẳng, thì việc đó chẳng có ích gì trừ khi sự đau khổ đó được đồng hành bởi óc sáng suốt. Nóng giận là một lời cảnh báo nhắc nhở chúng ta cần phải điều chỉnh lại cuộc sống của bản thân. Đó là sự bảo vệ cho cơ thể, trí óc và tinh thần. Vị pháp sư cũng cần phải hiểu được rằng những khó khăn luôn góp phần hoàn thiện cho những kĩ năng cần thiết để trở thành một vị pháp sư cầu mưa xuất chúng.
NHÌN CUỘC SỐNG NHƯ MỘT MÔN THỂ THAO
Để giữ được sự thanh thản giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta phải biết bước lui lại, nhìn vào bức tranh tổng thể và tự vấn bản thân rằng: Nếu như một vài người suy nghĩ tiêu cực từng nói, “Cuộc đời thật khốn nạn và chúng ta rồi thì cũng chết”, thì tại sao chúng ta vẫn cứ sống? Khi ta có lời đáp cho câu hỏi này nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đón nhận những thử thách của cuộc đời một cách nhẹ nhàng hơn. Chúng ta có thể bắt đầu tận hưởng những khó khăn hàng ngày như một trò tiêu khiển.
NIỀM VUI TRONG THI ĐẦU
Vào những năm đầu thập niên 1900, một nhà quân phiệt ở Trung Hoa đã được mời đến tham quan một trường trung học nữ sinh danh tiếng do ông tài trợ chính. Khi nhà quân phiệt tới trường, ông trông thấy một nhóm các nữ sinh đang đấu một trận cầu rất quyết liệt, họ chạy từ đầu này của sân bóng đến đầu bên kia và cố gắng đưa banh vào rổ của đội mình.
Nhà quân phiệt vô cùng tức giận và đã lớn tiếng với hiệu trưởng trường “Tôi bỏ ra chừng đó tiền là để xây một trường học kiểu mẫu cung cấp mọi thứ tốt nhất cho học sinh. Tại sao ông không mua cho mỗi đứa một trái? Như vậy thì chúng đâu phải đấu đá chí tử chỉ để giành lấy một quả banh!”
Tại sao cả hai đội bóng phải giành giật với nhau một quả bóng ngốc nghếch, rồi cố ném nó vào một cái rổ trong khi cơ thể họ bị vùi dập và tinh thần họ thì phải trải qua những sự hành hạ dữ dội nhất? Tại sao con người ta lại hào hứng khi được xem những đội bóng yêu thích của mình cố gắng thi đấu với tất cả sức lực cơ bắp và trí óc?
Thú vui của các môn thể thao đối kháng đều xuất phát từ sự cố gắng nỗ lực vượt qua đối thủ. Những người có đủ kỹ năng cơ bắp hay năng lực trí óc để thi đấu thì tham gia trực tiếp vào môn thể thao; những người không thể thi đấu có thể mua vé để gián tiếp tham gia và trải nghiệm cảm giác đua tranh của người chơi.
Trò chơi càng khó thì càng hay. Thi đấu càng quyết liệt càng khiến người ta hứng thú. Khi tỉ số trận đấu là 95 - 10, cả người xem lẫn người chơi đều thất vọng. Nhưng khi bạn phải so kè để giành lấy chiến thắng chỉ trong vài điểm cách biệt sít sao, cuộc chơi sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Tâm hồn con người ta vốn yêu thích các môn chơi có tính đối kháng cao. Những cuộc tranh đua mà ta gặp trong cuộc sống giống hệt như những cuộc thi đấu trên sân thể thao. Sự khác biệt duy nhất đó là chúng ta quan niệm sự đua tranh trong thể thao là một trò chơi và xem công việc và những quy luật trường đời là thực tế.
Những quy luật của kinh doanh, cuộc sống và thể thao cũng đều xoay quanh việc vượt qua những thế lực đối kháng mạnh mẽ khác. Môn đấu bóng là một ẩn dụ cho cuộc sống. Vấn đề chỉ xảy ra khi chúng ta quên mất rằng áp lực là một phần tất yếu của con người. Hãy tận hưởng niềm vui khi tham gia những cuộc chơi trên trường đời của bạn.
CUỘC SỐNG KHÔNG NHƯ Ý
Pauline bạn tôi đã kết hôn với người thừa kế của một trong những tập đoàn truyền thông lớn mạnh nhất thế giới. Gia đình cô trở thành tiêu điểm trên chương trình truyền hình “Phong cách của những người giàu có và nổi tiếng”. Pauline thì lại ước gì mình nghèo khó và không có tài sản gì cả. Cô thường tụ họp với những người bạn thuộc tầng lớp lao động trong lớp học hội họa để được trải nghiệm “niềm vui” của những khó khăn họ được gặp phải. Tôi nhìn ra được rằng cô ấy thật sự ganh tị với những người được trải nghiệm đầy đủ việc bươn chải kiếm sống.
Một trong những người bạn gái của tôi đã lập gia đình với một doanh nhân giàu có. Cô ấy luôn khoe khoang với tôi về phúc phần may mắn của mình. Cuộc sống của cô thuận lợi, suôn sẻ và không gặp phải rắc rối hay khó khăn gì. Thế nhưng, nhìn sâu vào mắt cô ấy, tôi không thấy chút ánh sáng nào, không có niềm vui, không thỏa mãn, và không hạnh phúc. Nếu cuộc sống của cô thật sự tốt như cô vẫn nói, vậy tại sao cô cứ phải tốn sức đi khoe khoang như thế? Đúng như câu thành ngữ “mỗi nhà mỗi cảnh”. Bạn không cần phải gạnh tị với người khác. Mọi người đều có những thử thách của họ mà có khi còn khó giải quyết hơn cả những khó khăn của bạn.
CUỘC SỐNG KHÔNG HỀ THẤT HỨA
Những khó khăn trong cuộc sống không phải để tàn phá bạn. Thực sự, những khó khăn được đặt ra trước bạn để bạn hưởng thụ và nhắc nhở bạn rằng cuộc sống đã làm đúng theo giao kèo để giữ cho cuộc chơi sôi nổi và thú vị.
Thử tưởng tượng bạn hiểu sai luật chơi bóng bầu dục và bạn cứ tưởng là cần phải dắt bóng đi dạo quanh sân còn thành viên đội bạn thì phải giữ một khoảng cách thích hợp với bạn. Rồi đột nhiên, khi mọi người vây quanh, tấn công bạn từ mọi hướng và cướp bóng của bạn, bạn cảm thấy khiếp sợ và điên tiết.
Nhưng bởi vì bạn hiểu luật chơi bóng, bạn không ngại những cuộc tấn công. Thực tế, nếu đối phương không có ở đó, bạn sẽ thất vọng vì chẳng thể chứng tỏ tài nghệ của mình trong cuộc chơi. Cuộc sống cũng vậy, luôn cho bạn cơ hội để chứng tỏ mình - bằng cách tạo ra những nghịch cảnh trên đường đời của bạn.
TRÒ CHƠI CỦA TẠO HÓA
Một lúc nào đó trong cuộc đời, kể từ khi bạn sinh ra đến bây giờ, tất cả chúng ta đều bị dạy sai. Không biết vì sao mà chúng ta đã nhiễm cái ấn tượng rằng cuộc sống sẽ lý tưởng nếu không có bon chen, tranh đấu.
Thay vào đó, đôi lúc chúng ta cảm thấy không thể chịu nổi cuộc sống này. Nếu cuộc sống thật sự khủng khiếp như vậy, tại sao chúng ta không cuốn gói ra đi và nói với toàn thể nhân loại rằng “Tôi không muốn làm nạn nhân của các bạn thêm chút nào nữa. Các bạn có thể tiếp tục cuộc chơi mà không có tôi”. Nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó, chúng ta bị mê hoặc bởi cuộc sống và bám vào nó bằng mọi cách có thể. Tại sao?
Trong suốt phần lớn cuộc đời mình, tôi không thể nào hiểu nổi lý do tại sao con người tồn tại. Bạn ăn, rồi đi làm hoặc đi học, sau đó về nhà, đi ngủ để lấy sức lặp lại toàn bộ quá trình đó vào hôm sau. Sau cùng, bạn già và bệnh, bạn ăn ngủ không ngon lành nữa, rồi bạn chết đi. Cơ bản mà nói, cuộc sống có vẻ như vô nghĩa.
MỤC ĐÍCH CỦA TẠO HÓA LÀ GÌ?
Mười bảy năm trước, tôi hỏi một người thầy đáng kính rằng: “Mục đích của tạo hóa là gì ạ? Có vẻ nó thật tùy tiện. Chúng ta cố gắng cật lực để ăn no mặc ấm để rồi được chết một cách an nhàn hơn. Nếu vậy thì sao chúng ta không chết ngay bây giờ luôn thay vì phải lận đận mãi cho đến khi già nua ốm yếu và bệnh tật?”
Thầy trả lời tôi như sau: “Trong một khoảnh khắc, thầy sẽ dắt tâm trí con quay về thuở khai sinh của vũ trụ nơi khởi đầu vạn sự. Này nhé, ban đầu ta có Cái Một6. Cái Một này có tất cả và không thiếu thứ gì, nó vô biên vô tận, nó mang nhịp đập của niềm vui lớn lao và thấm đẫm bao hoan hỉ. Có người gọi đó là “ Thượng đế”.
Tuy nhiên, không phải vì một lí do thúc ép nào mà chỉ vì sự vận động thuần khiết, Một nhân lên thành Nhiều, là số nhiều. Từ số nhiều, vũ trụ xuất hiện. Như Lão Tử, một triết gia vĩ đại của Trung Hoa, từng nói: “Đạo, Đấng tối cao, sinh ra Thái Cực. Thái Cực sinh ra Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh ra bát quái. Bát quái sinh ra vạn vật.” Một tổng thể được thống nhất trở thành một vũ trụ đầy tương tác đối lập. Đó là trận chiến giữa sắc và không, chính và tà, trí và si, phú và bần, thành và bại.
Trong quá trình khai tạo. Lực Sáng tạo7 chọn cách quên đi bản chất vô tận và uyên bác thiêng liêng của mình và khoác lên bộ mặt ngu dốt. Nó chơi trò chơi làm một con người với những giới hạn trong thế giới vật chất. Nó đồng thời vừa ẩn mình vừa hiển hiện.
Khi Lực này mang hình dạng con người, cuộc chơi trở thành nỗ lực để lấy lại nguồn gốc thiêng liêng ấy - đấng duy nhất nguyên thủy hàm chứa tất cả - qua cuộc sống trần gian bao thử thách, bằng việc vượt qua những khiếm khuyết và thiếu xót nó tự đặt ra cho mình.
Loài người được tạo ra theo hình ảnh của Đấng tạo hóa. Các tính chất như toàn trí toàn thức, toàn năng, thập toàn thập mỹ, bác ái, niềm lạc quan thuần khiết và vô tận, cùng vô số những phẩm chất khác đều được giấu kín trong những ngõ ngách sâu thẳm trong trái tim của mỗi chúng ta. Thông qua trò chơi tạo hóa, đấng Quyền năng nhận lấy những sự ngu muội và rồi vượt khó để khai phá Tính Duy Nhất8 lại một lần nữa.
Nếu bạn được tạo ra từ chất liệu của Sức mạnh Thần thánh9 đó, thì sao mà bạn có thể không siêu việt cơ chứ? Như một con sư tử con lớn lên giữa bầy cừu thì vẫn luôn là sư tử cho dù nó có nhầm lẫn nghĩ rằng mình là cừu đi nữa, cho nên con người có thể nghĩ rằng họ chỉ là một cá thể vô dụng, nhưng bản chất siêu việt của họ vẫn còn nguyên vẹn và mãi mãi chứa chan niềm hân hoan. Thậm chí trò chơi đấu tranh để phát huy tiềm năng cao nhất của chúng ta trong thế giới vật chất và tinh thần của cuộc sống thường nhật cũng không là gì khác ngoài một vở kịch được dàn dựng bởi Đấng tạo hóa và bởi tâm thức cá nhân của mỗi người mà thôi.
Sức mạnh của tạo hóa đã cô đọng tâm thức của vũ trụ vào tâm thức của con người, từ sức mạnh toàn năng và vô biên trở thành những quy luật vật lí thực dụng và hạn hẹp. Trò chơi tạo hóa là thú vui của đấng Tạo hóa và tinh thần của nhân loại, vì chúng ta đều đồng nhất với thần lực đó. Trải qua những tranh đua khốc liệt và khó khăn, chúng ta học được niềm vui trong việc bứt phá khỏi những giới hạn ta tự đặt ra cho mình và bộc lộ được trọn vẹn giá trị cao quý của mỗi người.
Giờ chúng ta đã nhìn qua lý thuyết về toàn cảnh tạo hóa, chúng ta hãy quay lại câu hỏi ban đầu ta đặt ra ở trên: “Vì lí do bí ẩn gì mà chúng ta bị mê hoặc bởi cuộc sống và bám vào nó bằng mọi cách có thể?” Câu trả lời ngắn gọn chính là mặc dù tâm trí và cơ thể ta đang phải trải qua những cơ cực của đời người, thì tinh thần lại xem nỗi cơ cực khổ hạnh này là một phần của cuộc vui.
ĐẤU TRANH LÀ CÓ THỰC
Mười bảy năm trước, khi tôi nghe lời giải thích này, nó chỉ đơn thuần là lời nói. Giờ đây, khi đã đủ khả năng trải nghiệm trọn vẹn cái sân chơi của Thượng đế mà ta gọi là “cuộc đời” này, tôi thấy mọi thứ đều có chủ ý để cho mọi người được phát triển, mở mang và có nhiều niềm vui.
Khi cầu xin Thượng đế, tinh thần của nhân loại nói rằng “Tôi muốn có thể xác và trở thành con người. Là một linh hồn, tôi tác động được vào tất cả và không phải khổ đau, không bị giới hạn. Tôi không bị trói buộc bởi thời gian, không gian và thế giới vật chất hữu hình. Tôi là tất cả. Được trở thành con người với những giới hạn giả tưởng sẽ vui biết nhường nào; phải đấu tranh để tồn tại mạnh mẽ, vượt qua tất cả để tồn tại mạnh mẽ, phải chịu đựng để tồn tại mạnh mẽ. Trở thành con người thật vui xiết bao.”
Không có lý do gì khác ngoài mơ ước bẩm sinh là được vui chơi, con người luôn thích tham gia những môn thể thao. Luật chơi là con người đặt ra, nhưng sự đua tranh trên sân đấu là có thực. Khi theo đuổi thú vui, người chơi có khi bị chấn thương hay thậm chí bị giết chết. Tuy nhiên, những tay chơi cừ khôi nhất không bao giờ quên mất sự thực rằng đó chỉ là một trò chơi, bởi xét cho cùng, họ đã chọn tham gia vào cuộc chơi đó.
Với cùng lí do trên, bạn xung phong tham gia cuộc chơi làm người để tận hưởng niềm vui. Tuy nhiên, những cực nhọc sẽ vượt quá sức chịu đựng khi bạn quá mải mê với trò chơi ấy, và quên đi con người thật và giá trị thật của mình, bạn vô tình rời xa bản chất thánh thiện vốn có. Vì quên mất rằng đó chỉ là một trò chơi; bạn đi lang thang khắp cả địa cầu và đinh ninh rằng mình là nạn nhân của tạo hóa.
Linh hồn ấy là tia sáng của quyền năng sáng tạo linh thiêng. Nó mang trong mình những nguồn lực sẽ giúp bạn đạt được bất cứ điều gì mà bạn dành hết tâm huyết vào đó. Cho dù bạn có khai phá được nó hay chưa, tia sáng của bản năng thánh thiện vẫn sống mãi trong bạn.
HIỂU THÔI CHƯA ĐỦ
Chỉ đơn thuần thấu hiểu bí ẩn của tạo hóa thôi chưa đủ vì điều đó không giúp bạn làm được mưa, sông tốt hay làm việc hiệu quả. Mục tiêu của cuộc sống là cuộc dạo chơi tìm về bản năng thần thánh của chúng ta. Càng về gần với bản thể, chúng ta càng có thêm năng lực để điều khiển thực tế duy vật, càng an nhàn trong những suy tư về công việc và cuộc sống, chúng ta càng trở nên hiểu biết hơn trong việc tác động vào thực tế.
TỔNG KẾT
Bối rối và bức xúc là những trạng thái tinh thần tốt. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã có được bước đi cần thiết trên chặng đường khám phá ra bí mật của vị pháp sư cầu mưa.
Cho dù bạn nghĩ mình không mong muốn có đức tin, bạn vẫn là một thực thể có tâm linh, bất kể bạn có thích hay không. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn không cưỡng được việc tìm kiếm một thực tế vượt lên trên sự tồn tại trần tục của mình. Trong hầu hết trường hợp, điều đó xảy ra khi cuộc sống của bạn bắt đầu xoay chuyển vượt ngoài tầm kiểm soát. Mọi thứ đều xấu đi trên mọi phương diện - sự nghiệp hay cuộc sống gia đình. Căng thẳng và bức xúc là những nhân tố thường trực trong cuộc sống của bạn. Khi bạn cảm thấy nản lòng trước thực tế cay nghiệt, thâm tâm bạn sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng quyền năng. Bất cứ khi nào mọi việc trở nên tồi tệ, chúng ta sẽ đột nhiên có đức tin.
Đối với phần lớn chúng ta, vào một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ bắt đầu chuyến du hành vào nội tâm này. Rất ít người tự thúc đẩy mình bằng tình yêu tinh khiết đối với nhân loại và những gì thiêng liêng. Chúng ta thường cần một bàn tay nâng đỡ để bước vào cuộc hành trình này. Bàn tay này chìa ra mà không đợi sự cho phép của chúng ta thông qua những bối rối và bức xúc mà ta cảm nhận trong cuộc sống. Bức xúc này là những dấu hiệu tốt có tác dụng như nỗi đau, giữ nhiệm vụ cảnh báo chúng ta, như một cách thức bảo vệ cơ thể khỏi những thương tổn. Đó là một dấu hiệu báo với chúng ta rằng đã đến lúc cần phải thay đổi cuộc sống của mình.
Vị pháp sư của chúng ta đã khởi đầu từ điểm này. Không phải vì ông quá thông thái đến mức đón nhận sự đau khổ của cuộc sống đầy bức xúc. Mà là, sau khi sống với những khổ não về tinh thần, thất bại về mặt vật chất, và thiếu thốn niềm tin, ông đã nhận ra sự bức xúc và căng thẳng tột cùng chỉ đơn thuần là những bước biến chuyển đầu tiên hướng đến năng lực làm ít được nhiều - năng lực đó chắc chắn sẽ nâng cao khả năng của con người để chúng ta sống và làm việc mỹ mãn hơn với tư cách là tạo vật của Đấng tạo hóa trên mặt đất này.
QUY PHỤC MỞ RA ĐỊNH MỆNH CỦA BẠN
Chúng ta và Thượng đế có giao kèo với nhau; và khi ta mở lòng mình trước quyền năng của Ngài thì định mệnh tối thượng của chúng ta sẽ được hoàn thành. Vũ trụ này, và những phần cấu tạo nên nó trong đó có chúng ta, sẽ chuyển hướng để thật sự trở nên tốt hơn hoặc tệ đi tùy theo cách mỗi người chúng ta tuân theo hay chối bỏ ý nguyện của Thượng đế.
- William James
Khổng Tử nói “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Năm mươi tuổi ở đây chỉ là một cách nói tượng trưng; bạn có thể ở tuổi lên năm, ba mươi hay sáu mươi. Cũng có thể đến tám mươi tuổi mà bạn vẫn chẳng có chút ý niệm nào về định mệnh của mình. Khổng Tử thực sự đang truyền đạt một khái niệm rằng, nếu bạn sống đủ lâu, bạn sẽ phạm đủ sai lầm và tích lũy đủ sự khôn ngoan để quy phục trước ý nguyện của Thượng đế. Chỉ đến khi đó, bạn sẽ có thể nhận thấy định mệnh của mình theo cách Thượng đế đã sắp đặt.
Trước khi tìm ra được nghề nghiệp của mình, vị pháp sư cầu mưa cũng đã phạm rất nhiều sai lầm trong nỗ lực theo đuổi định mệnh chính đáng của mình. Mỗi khi ông hướng mục tiêu nghề nghiệp của mình sang một hướng khác không phải là pháp sư cầu mưa, thì cánh tay của Thượng đế lại dẫn dắt ông về lại với điểm khởi đầu của mình.
Nhưng chính xác là làm thế nào chúng ta mới biết rõ định mệnh của mình? Chúng ta không thể chỉ ăn cơm cho qua ngày trong năm mươi năm và rồi tự dưng đủ thông thái để hiểu rõ định mệnh của mình được.
QUY PHỤC TRƯỚC Ý NGUYỆN THIÊNG LIÊNG
Hai ý nguyện thường tháy trong cuộc sống của bạn đó là: của Thượng đế và của bạn. Và chúng thường xung đột với nhau. Khi cuộc sống mà ta muốn có khác biệt với định mệnh đã được an bày, thì tạo hóa sẽ tạo ra những khó khăn, trở ngại. Mặc dù chúng ta có thể chiến đấu hết sức mình nhằm thay đổi kết quả theo ý muốn, tạo hóa vẫn luôn là người thắng cuộc. Hết sức tuyệt vọng, chúng ta buộc phải từ bỏ hoặc nhượng bộ.
Nhượng bộ trước ý nguyện của Thượng đế không có nghĩa là không làm gì cả và mặc nhiên chấp nhận cuộc sống của bạn. Mà nó có nghĩa là sử dụng kỹ năng, trí tuệ và sức mạnh của bạn để làm tất cả những gì bạn có thể, hòng đem lại một cuốc sống tốt hơn cho bản thân và cho người khác. Bạn chấp nhận nghe theo sự dẫn dắt của thần thánh thay vì cứ khăng khăng làm theo những quan niệm bạn đặt ra về những việc cần làm. Bạn cũng chấp nhận giá trị của vạn vật đang tồn tại xung quanh mình, và vận dụng sức mạnh, suy nghĩ khả thi, sự phán đoán và trí tuệ của bản thân vào chúng. Ngược lại, đầu hàng trước những thất bại chẳng đòi hỏi gì ở bạn ngoài sự thất vọng, tuyệt vọng, suy sụp, bị cuộc sống áp đảo, và cuối cùng là cam chịu thua cuộc.
Sự quy phục đúng nghĩa xuất phát từ hiểu biết về kế hoạch to lớn vượt lên trên mức trần tục, nông cạn, và do đó dẫn đến việc nghe theo sự dẫn dắt của thần thánh, cho phép nó tác động lên cuộc sống của bạn một cách tích cực đến kinh ngạc.
Quy phục trước ý Đấng Sáng tạo không phải là một việc dễ làm. Hầu hết chúng ta đều sống theo cách đua tranh hiếu thắng để có được những gì ta nghĩ là tốt nhất cho bản thân. Thế nhưng, một cách nhân từ, Đấng sáng tạo sẽ dìu dắt con người bất chấp những phản đối từ chúng ta.
Người lớn cho rằng suy nghĩ của trẻ con về một “cuộc sống tốt đẹp” là hoàn toàn ngốc nghếch - một cuộc sống không có trường học, không có bài tập về nhà và thưởng thức hàng đống bánh pizza, hamburger, kẹo que với bánh quy trong khi xem truyền hình hay nghe nhạc rock-n-roll suốt cả ngày. Có điều, chúng ta - những người lớn - cũng không khác gì hơn dưới mắt Thượng đế.
Mỗi người chúng ta đều có một quan điểm riêng về ý nghĩa của một “cuộc sống tốt đẹp” mà nó dường như cũng đều phù phiếm trong tầm nhìn của vũ trụ. Khi mọi việc không được như bức tranh mà ta tưởng tượng, thì ta sẽ bị nỗi thất vọng tàn phá.
KHÔNG CÓ THẤT BẠI, CHỈ LÀ SỰ CHUYỂN HƯỚNG THẦN THÁNH
Có những lúc chúng ta bị lạc lối khỏi kế hoạch cao cả cho định mệnh của mình, và ta ước sao được đi đến những nơi không thuộc về mình. Thế rồi quyền năng của vũ trụ liên tiếp đẩy chúng ta lui về lại tâm điểm của con đường để chúng ta có thể bắt đầu lại từ đầu với một hướng đi hợp lý để hoàn thành tốt hơn định mệnh của riêng mình. Mỗi khi chúng ta làm một cuộc thay đổi và bắt đầu lại, những người thiển cận của thế giới này gọi đó là thất bại.
Lấy ví dụ, vào năm 1984, tôi đang đứng ở chỗ rẽ trên con đường sự nghiệp của mình. Tôi đã ứng cử vào một vị trí kinh doanh ở IBM. Sau một giờ phỏng vấn, họ quyết định không tuyển chọn tôi. Mười năm sau, năm 1994, tôi đã thuyết trình một bài diễn văn quan trọng, phát biểu trước một nghìn nhà kinh doanh hàng đầu của IBM tại hội nghị báo cáo thường niên của họ ở Bali.
Cuộc sống là một cái vòng xoay nằm trong một vòng xoay chứa đầy những sự việc có liên quan đến nhau, ta thường nhầm lẫn mà định danh chúng là những thành công và thất bại. Mỗi thất bại là một bước tiến trong tổng thể quy trình thành công trọn vẹn và chắc chắn của chúng ta. Mỗi sự thất vọng, mỗi một thất bại đều âm thầm dẫn dắt bạn hướng đến định mệnh của mình. “Này con, con đi nhẩm đường rồi. Đó không phải là con đường định mệnh dành cho con” hay “Con nên đi theo một hướng khác; những việc con đang làm không phù hợp với tài năng của mình. Hãy mài giũa những kỹ năng của mình”. Không có thất bại, chỉ là sự chuyên hướng Thần thánh.
Con người sẵn lòng làm bất cứ điều gì để không bị coi là kẻ thất bại. Mỗi lần nếm mùi thất bại, chúng ta cảm thấy con tim mình như vỡ ra thành nhiều mảnh. Một điều hẳn nhiên là: khi Đấng sáng tạo hài lòng về bạn, Người sẽ đặc biệt chú ý tới bạn. Người sẽ khiến cho tim bạn tan nát bởi vì chỉ khi trái tim tan vỡ, bản ngã rạn nứt thì chúng ta mới để cho ánh sáng của trí tuệ đi vào lòng mình. Đối với những người đức độ cao cả xứng đáng với sự tôn vinh cao quý nhất, thì Đấng sáng tạo sẽ giơ cao búa, đập vỡ trái tim họ và ngự trị bên trong đó.