Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 53

53

Ô Tư Đạo nơi Ung phủ trổ tài hùng biện

Long Khoa Đa tại lều tranh nhận lệnh vua ban

Liên tiếp ba đạo chỉ dụ, lưu đày Vương Diệm, bắt giữ Mã Tề, giáng chức Trương Đình Ngọc, phòng dâng thư thành lập từ năm Khang Hy thứ 8 đến nay còn tên nhưng không có thực. Đây đã là một việc lớn chấn động triều đình. Không ngờ làn sóng dư luận chưa dứt, sau Tết Đoan ngọ tháng 5, Vưu Minh Đường, Thi Thế Luân cũng bị cách chức hỏi tội, bắt giam ở Ngục thần miếu ngõ Thợ dây chờ xét xử. Người ta thật chẳng hiểu ra sao cả, chiếu chỉ triều đình lại đưa xuống, bố chánh sứ Sơn Đông Điền Văn Kính, niết ty Giang Tô Lý Vệ, lại lần lượt vào tù, ngay cả Đồng Quốc Duy bị bệnh về hưu đóng cửa đọc sách đã nhiều năm cũng không tránh khỏi. Ngày trước xử lý những việc này, Khang Hy đều cân nhắc nhiều lần tranh thủ ý kiến Bộ bàn, bác rồi lại dùng. Nhưng những trận lôi đình tiếp gót nhau tới, đã không hề có dự báo trước, sau khi việc xảy ra cũng không có bàn bạc, người bị xử phạt thì đủ cỡ đủ loại, “bè đảng” nào cũng có, nhưng phần lớn là những quan lại có tài năng ngày thường nổi tiếng hiền tài. Cho nên không những các A ca như nằm trong đám sương mù Lư Sơn, nhiều triều thần đều ngơ ngác, hoảng hốt, sợ mình sống không trọn. Cũng có người ngầm truyền tin nói: đức Vạn tuế đờm lên tim phổi, bị bệnh điên khùng.

Qua tiết tháng bảy, thành Bắc Kinh bỗng nổi gió mát, Dận Chân lâu nay đã không có chuyện gì làm, nhận được chỉ dụ, miễn việc phục dịch phủ Nội vụ và chức kiêm quản hai bộ Hình, Hộ. Miễn cưỡng cố nén nỗi kinh hoàng trong lòng, Dận Chân ung dung vào vườn thỉnh an, lê đôi chân nặng như đúc chì trở về phủ, đã thấy Đái Đạc ngồi chờ dưới hiên chất đầy những hũ rượu Phúc Châu lâu năm chưa bóc niêm phong, còn mười mấy sọt quít Phúc Châu đặt trước nhà Vạn Phúc. Đái Đạc đang cùng hòa thượng Văn Giác đánh cờ, bên cạnh có Tính Âm và Ô Tư Đạo ngồi xem. Thấy Dận Chân đi vào, trừ Ô Tư Đạo ra, mấy người đều đứng lên chào đón. Đái Đạc bước tới một bước, quỳ lạy nói: “Nô tài Đái Đạc khấu kiến ông chủ!”

“Đã trở về rồi?” Dận Chân liếc nhìn lễ vật bên ngoài, khoát tay ngồi xuống, đón chén nước trà trưởng tùy đưa tới nhắp một ngụm, hỏi nhạt nhẽo: “Về tới hồi nào?” Đái Đạc nhận nhiệm vụ bên ngoài mấy năm, người vừa đen vừa béo, nét mặt rạng rỡ. Vốn người ông không cao, mặc bộ quần áo kép bằng đoạn đen trông có vẻ sắc sảo tháo vát. Thấy Dận Chân sắc mặt không vui, ông cẩn trọng nói: “Nô tài trở về hôm qua, có thư ông chủ dặn, nên chưa dám về phủ, mà đến vườn Sướng xuân trước, thỉnh an đức Vạn tuế, chỉ hỏi mấy câu rồi đi ra. Hôm nay, sáng sớm đã tới đây, nhưng đức ông đã đi rồi...” nói xong liền trình danh mục quà lễ, Dận Chân nhận bản danh mục, xem lướt qua rồi gác sang một bên, một lát sau anh bèn nổi giận: “Thiên hạ vô tình vô nghĩa nhất phải kể là hai anh em ngươi! Năm nào Tết nào cũng nhét cho mấy thứ này, mỗi lần viết thư, nếu không khóc nghèo thì là kêu khổ, chẳng ý nghĩa gì cả! Ngươi thực nghèo đến mức đó rồi sao? Rượu, từ trước tới nay ta không uống, quít xanh chưa chín, dấm chín bằng cách nào? Theo ta, ngươi mang ra ngoài chợ bán đi, trở về cũng có tiền đi đường rồi đấy!”

Đái Đạc nghe không dám nói một lời, chỉ cúi đầu nghe trách mắng, Ô Tư Đạo và Văn Giác đưa mắt nhìn nhau, cười nói: “Tứ gia, sao lại thế? Bỗng dưng nổi giận, phải chăng việc ở phủ Nội vụ và ở Bộ có trục trặc?” Dận Chân thở dài, bỗng ngồi xuống ghế, nói: “Việc làm... hết rồi. Vậy thì càng tốt, không việc thân nhẹ nhàng! Lẽ nào ta không biết hưởng lạc. Tình thế hiện nay, đúng là cảnh cây ngã, bầy khỉ tan, người làm việc, người bị bắt, kẻ bị xét hỏi, thì còn làm việc gì được? Chẳng còn việc gì làm rồi. Bên ngoài có người nói Vạn tuế điên rồi, ta xem không phải như vậy, nhưng lo liệu việc triều chính như vậy thì làm sao được?” Hòa thượng Văn Giác tay thoăn thoắt lần tràng hạt, mồm nói chậm rãi: “Tứ gia đừng nóng tính, Đái Đạc còn có tin tức, chúng ta nghe cho rõ thử?” Dận Chân lòng phiền ý rối, đưa mắt nhìn Đái Đạc, nói: “Chủ ngươi lòng dạ rối bời, nổi giận nói mấy câu, ngươi đừng trách”.

“Nô tài đâu dám!” Đái Đạc hơi nhún người, nói: “Nô tài lúc hầu đợi trong phòng chầu, An Khê Lý tướng quốc cũng có mặt, trao đổi với nhau mấy câu. Ông ta cũng vào thỉnh an, nói về mấy vị A ca, nô tài hỏi ông ta, theo cụ đại lão, thì vị A ca nào tốt nhất?” Lý Quang Địa nói, “Các A ca người nào cũng có mặt mạnh, nhưng so ra hình như Bát gia có hơn một chút”.

Dận Chân nghe nói động lòng, anh cười gằn nói: “Tốt à! Ngươi không hỏi ông ta một tiếng - Vì sao như vậy?” “Nô tài không dám hỏi như vậy”. Đái Đạc bảo: “Nô tài nói: ‘Không phải hạ quan dám bác cụ đại lão, tôi ở dưới nghe rõ ràng, Bát gia được cái quan vọng, Tứ gia được cái dân vọng. Dân Phúc Kiến có câu ca dao: “Tường nhà sập, tìm Bát gia, quan trong sạch, tới Tứ gia - Đó là bằng chứng! Tứ gia cương quyết, sáng suốt không chút cẩu thả, đối với người thưởng phạt nghiêm minh, Bát gia sao mà bì kịp!’ ” Dận Chân nói: “Ngươi nói với ông ta chuyện đó làm gì? Lý Quang Địa đã có nghĩ tới dân bao giờ đâu? Truyền câu dân ca đó, kẻ mách lẻo báo lên Hoàng thượng, không chừng gây thêm nghi ngờ!”

“Tứ gia đừng sợ, bây giờ có lời ca như vậy, truyền tới tai Vạn tuế, không xấu chút nào cả!” Ô Tư Đạo mỉm cười nói: “Lý Quang Địa một đời cẩn thận, cuối cùng không leo lên tới phòng dâng thư được, là vì Vạn tuế đã thấy từ gốc là ông ta không đủ phong độ. Phẩm hạnh có khiếm khuyết!” Dận Chân bỗng nhớ lại ba chuyện bậy bạ của Lý Quang Địa là bán bạn, cưới thiếp, dấu tang, trong ngoài triều ai cũng biết, Khang Hy cũng chỉ chấp nhận công lao tài học của hắn, cho nên để hắn vinh sủng suốt đời nhằm không gây khó cho hắn. Dận Chân bất giác gật đầu than: “Đó là số mạng! Như hắn với Trần Mộng Lôi, bây giờ được yên tâm mà ngủ kỹ, chỉ riêng những viên quan tài cán như Thi Thế Luân, Bành Bằng, Vưu Minh Đường, không người nào có kết cục tốt đẹp!”

Ô Tư Đạo bỗng ngước mặt lên trời cười to, nói: “Tứ gia thật ngốc! Ngài cho rằng Hoàng thượng thực tâm muốn trừng trị số người đó chăng? Mấy hôm nay ngài đau buồn thảng thốt, chính là vì chuyện này?”.

“Ngươi...”.

“Tứ gia!” Ô Tư Đạo ánh mắt sáng lên, “Ngài phải hiểu rõ tâm thuật đế vương của Vạn tuế!” Ông chống gậy lên đi mấy bước, bỗng nói: “Vạn tuế mình rồng không khỏe, đã tự biết không dậy nổi! Các A ca mỗi người có chí lớn riêng mình. Cuộc đua tranh bắt hươu ngày càng kịch liệt. Những viên quan tài cán này nếu không bảo vệ, thì khó tránh càng lún càng sâu, mỗi người phò một ông chủ, sau này đuôi lớn khó rụng! Cho nên phải cách chức, giáng chức họ đi. Bây giờ - Chỗ an toàn nhất không phải là phòng dâng thư, hay lục Bộ mà là - ở Ngục thần miếu! Ngài đừng vội - đó là một. Hai, sau này khi có một ngày vua mới lên ngôi, số người này nếu không phế đi, khó tránh khỏi việc tự xưng nguyên lão, làm cho vua mới không thể không bị bó tay. Bây giờ bọn họ người nào cũng ‘đã phạm tội’, vua mới chấp chính, một đạo chiếu thư lập tức muốn báo đền ơn đức đối với vị vua mới! Vừa tránh khỏi bọn họ rơi vào vòng tranh giành bè đảng, vừa có thể chuẩn bị cho vua mới một loạt quan thần tài cán, tâm tư của Vạn tuế ghê gớm chưa?”

Dận Chân nghe nói bỗng nhiên tỉnh ngộ, anh lẩm bẩm: “Ôi... quả thật là... quá đỗi... Nhưng có người tuổi già sức yếu, không chống đỡ nổi thì làm thế nào?”

“Những việc thiện lớn như vậy”, Ô Tư Đạo nói vẻ hơi buồn buồn, “Chết mấy người thì có can hệ gì? Cái miếu nào không đào ra những ma chết oan ức?” Lời nói chưa dứt, Thái Anh bên ngoài đã vội vàng đi vào, bẩm: “Tứ gia, tiên sinh Phương Bao đến thăm!”

Dận Chân tinh thần phấn chấn, anh phẩy tay nói: “Xin chư vị tránh đi một lát, ta đi đón khách!” Ô Tư Đạo vuốt râu nói: “Để bọn họ tránh đi, Tứ gia cũng không cần đón, ván cờ tàn này hai chúng ta cùng chơi tiếp! Lâu này nghe đại danh Phương Linh Cao, hôm nay gặp mặt, cũng là chuyện vui vẻ”. Mọi người lui ra khỏi nhà Vạn Phúc, đã thấy Phương Bao, giống như một trưởng tùy vào đến cửa thứ hai.

“Quấy rầy sự thanh nhàn của Tứ gia!” Phương Bao dẫn theo một tiểu đồng bước vào, cười nói: “Đã muốn tới từ lâu, nhưng vì quá bận, mãi không tìm ra thì giờ rảnh...”. Dận Chân đặt quân cờ trong tay xuống, đứng dậy vái Phương Bao một cái, nói: “Tiên sinh Linh Cao, ngọn gió nào thổi tiên sinh tới đây? Xin mời ngồi!” Phương Bao cười hà hà ngồi xuống, nói: “Tôi vừa mới từ chỗ Mã trung đường ra, lại đi thăm ông Thi, thuận đường đến bái kiến Tứ gia...”. Ông đón chén trà vừa dâng lên, liếc nhìn Ô Tư Đạo, nói, rồi lại hỏi: “Vị tiên sinh này là...”.

Ô Tư Đạo nhặt quân cờ loại ra cho vào hộp, chỉ nhìn qua vị quyền quý “áo vải” hiển hách tới mức sờ vào bỏng tay, ông hơi nghiêng mình nói: “Ô Tư Đạo - Dám hỏi tiên sinh quý danh, đài phủ?” Phương Bao biết ngay là vai chính năm nào đại náo trường thi nam, rất biết gây chuyện thị phi, nhưng không ngờ lại là người tàn tật, nên nghiêng mình nói: “Phương Bao, tự Linh Cao”. Vừa nói vừa đưa ra một danh thiếp. Ô Tư Đạo không chút động lòng, nhận tấm danh thiếp, xem qua, nhân thấy trên đầu viết “Đồng Phương Bao huân mộc cẩn bái”, bèn đưa trả lại, hờ hững nói: “Ngưỡng mộ từ lâu!” Rồi chỉ bàn cờ nói: “Ván cờ này Tứ gia thua nửa quân”.

Phương Bao bỗng nhiên cảm thấy như bị làm nhục. Từ khi Khang Hy đi thị sát phía nam, giữa đường nhận làm áo vải về sau, có thể nói trước mặt Hoàng đế, nói tất nghe, kế tất theo, lớn tới Thân vương, bối lặc, nhỏ đến Thượng thư Bộ, viện, quan lang, không ai thấy ông mà không nói lời tâng bốc. Sao mà tên Ô Tư Đạo này, làm như trước nay chưa hề nghe thấy hai tiếng “Phương Bao”? Cảm thấy không vui, ông bước tới ngượng ngùng xem kỹ bàn cờ, rất lâu bèn cười nói: “Ô tiên sinh, ván cờ vừa mới tới nửa chừng, còn xa mới định được thắng bại!”

“Thế ư?” Ô Tư Đạo cười thoải mái, “Té ra Phương tiên sinh cũng tinh thông đạo cờ?” Thấy Phương Bao cười mà không đáp, Dận Chân vội nói: “Phương tiên sinh vốn là nhà nho chính tông, đọc hết tam phồn ngũ điển, biết tận trên trời dưới nước, rất được Hoàng thượng tán thưởng! Tư Đạo không được lỗ mãng! Phương tiên sinh chấp ta bốn quân cờ, ta còn chưa thắng nổi!” Phương Bao vội khiêm tốn tạ ơn nói: “Vương gia quá khen, Phương Bao không dám nhận lĩnh!” Ô Tư Đạo cười nói: “Lời tuy nói vậy, nhưng tên què này không thấy quan tài thì không rơi lệ, Phương tiên sinh đã nói ván cờ này chưa phân thắng bại, xin thay Tứ gia đi mấy nước thì ngại gì?”

Phương Bao vốn muốn tránh xa những người khinh mạn nhưng đến đây trong lòng đã ngầm nổi nóng: Ngươi có tài thắng Tứ A ca nửa quân cờ, mà dám thắng ta ư? Ông bèn cười bưng hộp quân cờ nói: “Cung kính không bằng tuân mệnh”. Nói xong bèn đặt một quân, đặt vào góc đen, ngầm mai phục. Ô Tư Đạo không cần suy nghĩ, đem con 3 - 3 - 1 lui vào đầu 2 - 4 giữ kỹ đợi thời cơ. Mấy nước sau, Phương Bao thấy đối thủ phòng vệ nghiêm mật, bèn làm như gần như xa, như thực như hư, đánh bên tả, ứng bên hữu, nhìn phía sau, công phía trước, xem ra không phải là bình thường. Dận Chân bên cạnh xem ra mù tịt, hoàn toàn không hiểu ý sâu của hai bên. Anh bất giác nghĩ thầm, Ô tiên sinh ngày thường thắng ta nửa quân cờ, té ra là cố ý nhường nhịn.

“Giỏi lắm!” Sau ba mươi nước cờ, Phương Bao không sao chủ động được, bèn bỏ quân cờ than: “Quả là thắng được nửa quân cờ!” Ô Tư Đạo cũng nhẹ nhàng đặt hộp cờ xuống, mỉm cười nói: “Hôm nay đã cơn nghiện cờ. Người quân tử sáng suốt tự biết mình, thật đáng khâm phục!” Phương Bao nghe lời nói cảm thấy quá kiêu ngạo, nhưng không cách nào phản bác, nghĩ mãi thấy khó nín nhịn, bèn nói: “Cờ vây là đạo nhỏ, có gì đáng tự hào như vậy? Kiến thức như vậy e chưa kể là người thông thái (người đọc ngàn cuốn sách)”. Ô Tư Đạo lập tức trề môi cười nhạo:

“Tôi đọc sách vạn quyển, sao không gọi được là người thông thái?”

“Đã đọc Ngục trung tạp ký chưa?”

“Sách không đọc loại dưới Tần Hán”

Đến đây hai người đã động tới chí khí của nhau, tuy không lộ vẻ giận ra nét mặt, nhưng giọng nói lạnh như là đóng băng. Dận Chân đang rất lúng túng, thì Ô Tư Đạo cười khanh khách nói: “Phương tiên sinh đã là người thông thái, xin hỏi tấm danh thiếp vừa rồi có chữ ‘Đồng Phương Bao’ nghĩa thế nào? Theo những chỗ có thể gọi là Đồng đáng ca ngợi, trong thiên hạ có năm, Triết Giang có Đồng Lư, Đồng Hương, An Huy có Đồng Hạnh, Đồng Thành, Hà Nam có Đồng Bách, túc hạ tự xưng ‘Đồng Phương Bao’ học sinh suy nghĩ mãi mà không giải nổi!”

“Hậu sinh!” Phương Bao bị hỏi ngớ người, bưng trà uống một ngụm, cười gằn nói: “Đọc sách nặng ở chỗ dưỡng khí, không phải dùng để dưỡng lưỡi! Đồng Thành, Phương Bao tuy mở rộng thành tên không thật, nhưng chung qui làng văn đều biết. Ta dùng ba chữ ‘Đồng Phương Bao’ chẳng qua tránh tên để tự ẩn mà thôi, lại trở thành chỗ ngươi nắm thóp! Còn tên ông là ‘Tư Đạo’ không hiểu là nghĩ về đạo nào?”

Ô Tư Đạo nét mặt không có chút biểu cảm, chỉ hơi nghiêng mình, nói: “Tiên sinh! Bốn chữ ngài nói ‘tránh tên tự ẩn’ học sinh vẫn không hiểu! Ví như một con hạc trong mây, bay qua bay lại nhà đế vương, còn nói ‘tự ẩn’ - cái lý đó khó mà làm rõ. Hai chữ ‘Tư Đạo’ của tôi vốn là cha mẹ đặt cho. Nhưng đã hỏi tôi nghĩ về đạo nào, thì cũng không ngại nói thẳng cho biết: Kẻ sĩ sáng suốt thời xưa, khiêm nhường trong sạch, không sợ nguy nan bất trắc, lòng không chứa mưu đồ hại người. Tôi vừa nói ‘ngưỡng mộ đã lâu’ không phải là lời trống rỗng. Ung vương gia mấy lần đi về nói tiên sinh giảng Tứ Thư cho các A ca ở ngự thư phòng, giảng hay. Còn Đại Học điểm chính ở thành ý, thành ý điểm chính ở thận độc (cẩn thận độc lập). Lời ông tất phải tuân theo lễ, quả nhiên là vì dưỡng khí sửa mình, mà còn phải có chút ‘cận danh’ (vì tiếng tăm)! Ông dẫn lời Chu Hy, phê phán đám hủ nho đời nay, nghe ra vô cùng vui sướng, nhưng rốt cuộc là làm sáng đạo, hay là có chút ‘háo thắng’? Sửa mình, sáng đạo chính là lẽ trời, cận danh, háo thắng là nhân dục (ý muốn của người), tư dục (ý muốn riêng) còn chưa thể khắc phục, thì ‘lẽ trời’ phải chăng là lấy tay vớt nước?”

Ô Tư Đạo thao thao bất tuyệt, nói năng đĩnh đạc, chẳng những Dận Chân nghe đến mắt hoa đầu choáng, mà Phương Bao cũng trợn mắt đớ mồm, kinh ngạc nhìn người thư sinh vững vàng bình tĩnh. Ô Tư Đạo nhẹ nhàng gấp chiếc quạt xếp lại, đặt trên bàn than rằng: “Năm xưa tôi vì các thí sinh, ngưỡng mộ cách làm người, làm văn của tiên sinh, nhưng mấy năm nay lâu không thấy tiên sinh có văn chương hay truyền lại thế gian. Vì sao vậy? Tôi cũng không được rõ! Tiên sinh tự nghĩ, đặt mình ở nơi này, thời này, loanh quanh với người này, việc này, tuy muốn tự chu toàn, cũng e khó đạt, làm gì có văn mà cấu tạo thành chương hay? Tư Đạo là người lỗ mãng, ẩn ở dưới cánh Tứ gia, lấy con mắt dò xét, lời nói thẳng, lòng cũng ngay, tiên sinh hiểu người, xin lượng tình đừng trách cứ!” Nói xong cúi đầu, nhìn xuống bàn cờ tàn lặng thinh.

“Xin lĩnh giáo!” Bây giờ Phương Bao mới bình tĩnh lại, những lời này như gậy phang vào đầu, làm ông sáng tỏ ra, bèn nghiêng mình nói: “Thực sự đa tạ - Tứ gia, ngài có người bạn đáng phục hàng ngày ở bên cạnh, chính là hồng phúc của ngài! Tôi mời ông sang năm đi Đồng Thành một chuyến, cùng với ông lại dùng rượu để luận đạo. Xin cáo từ!” Nói xong, vái một cái rồi đi ra. Dận Chân đưa thẳng ra nghi môn mới quay gót, thấy Ô Tư Đạo vỗ tay cười, bèn nói: “Ngươi vô cớ trêu ông ta làm gì?”

Ô Tư Đạo tỏ ra mệt mỏi, thở ra một hơi dài nói: “Tứ gia, Ngài có nghĩ tới không? Người này trúng cử, Lý Quang Địa là thầy coi phòng, trước mặt Vạn tuế, cái mõ gỗ của Lý Quang Địa đánh không kêu, muốn cầu cứu ông ta, nhưng người này lại là lời nghe kế làm! Trong lúc nguy cấp muôn phần, Tứ gia, một ly một tý sai sót cũng không thể có... Ôi! Đối phó với một người như Phương Bao thật khó!” Dận Chân đưa mắt nhìn Ô Tư Đạo, lòng bỗng nảy ra một ý: Người họ Ô này lòng dạ quá lợi hại... Nhưng anh lại cười nói: “Ngươi khuyên ông ta về ẩn ở Tuyền Lâm, rời bỏ mảnh đất thị phi, cũng là tấm lòng Bồ tát”. Ô Tư Đạo ngơ ngác nói: “Chúng ta lã làm hết việc người rồi, chỉ còn xem mệnh trời nữa thôi!”

Bên ngoài trời râm lúc nào không rõ, bỗng một cơn gió cuốn theo những hạt mưa li ti, luồn qua rèm cửa chui vào, làm cho Dận Chân và Ô Tư Đạo co rúm mình lại.

Mệnh trời hệ trọng, ai cũng ngóng chờ, nhưng không ai nghĩ tới, công việc trọng đại đó lại rơi vào đầu Long Khoa Đa, một kinh sư bộ quân thống lĩnh nhỏ nhoi. Việc Phương Bao ban vàng sau đó nửa tháng, một chiếc kiệu quan nỉ xanh được khênh vào lều tranh Tẩm cung trong vườn Sướng xuân. Trương Đình Ngọc từ trong chiếc kiệu bịt bùng bước ra, quay người nói một câu: “Ngươi ở trong đó đợi nghe tuyên chiếu”. Rồi lệnh cho Hình Niên “Tất cả ngự y, thái giám, cung nữ, người hầu, đều nhất loạt lui hết ra ngoài cung”. Nói xong, vén rèm bước vào, đứng trước sạp nói khẽ: “Vạn tuế, Long Khoa Đa đến rồi”.

Khang Hy kéo áo, nằm dựa trên chiếc gối cao, sắc mặt vừa xám vừa tối, những nếp nhăn như dao khứa không chút động đậy, vua đang nhắm mắt dưỡng thần, một lúc lâu mới mở mắt, nói: “Gọi vào đi”. Trong khoảnh khắc, nghe có tiếng ủng đi lạo xạo, Long Khoa Đa vào đầu để trần cúi lạy, nói “Nô tài Long Khoa Đa cung khấu Vạn tuế kim an!” Khang Hy không bảo đứng lên, chỉ hơi gật đầu, nói với Trương Đình Ngọc: “Đọc cho hắn nghe!”

“Dạ!” Trương Đình Ngọc cúi người, từ trong chiếc tráp da nhỏ màu vàng trên chiếc bàn đầu giường Khang Hy lấy ra hai tờ chiếu thư nói: “Long Khoa Đa, phụng chỉ đọc chiếu thư cho ngươi!”

Long Khoa Đa giật mình kinh ngạc, kinh hoàng nhìn thẳng vào Trương Đình Ngọc đang đứng vững chãi, anh gập người lạy. Trương Đình Ngọc đọc dõng dạc: “Long Khoa Đa theo bè đảng hoàng A ca, làm loạn triều chính bức hại dân lành, nay lập tức ban chết! Khâm thử!” Long Khoa Đa hoàn toàn không ngờ mật chiếu triệu mình vào kinh, chỉ để ban chết! Anh hoảng kinh toàn thân run rẩy, mồ hôi lạnh vã ra đầy trán. Một hồi lâu mới lạy nói: “Nô tài biết tội... xin lĩnh chỉ!”

“Ngươi nghĩ sao?” Khang Hy lạnh lùng nhìn Long Khoa Đa hỏi: “Có chỗ nào biện hộ không?” Long Khoa Đa cố nén cơn sợ, lạy nói giọng run run: “Sấm chớp mưa rơi đều là ơn vua. Vạn tuế đã cho phép nô tài biện hộ, nô tài xin xẻ gan xẻ ruột ra nói thẳng với ông chủ, cửa nhà họ Đồng quả thật có nhiều người phụ họa bè cánh Bát A ca, nhưng nô tài từ nhỏ không nơi nương tựa, tính tình cứng rắn, biết tội bản tộc, không thể dung tha cho tộc chủ Đồng Quốc Duy... Hoàng thượng chinh tây, nô tài cõng Hoàng thượng chạy thoát khỏi Khoa Bố Đa, Hoàng thượng thưởng cho chức du kích, vì phải thay vào chỗ khuyết Đồng Khoa Phi do lâm trận chạy trốn, nhiều lần bị bài xích... Những chuyện đó Hoàng thượng Người đều biết...”. Nói xong quỳ mọp xuống đất khóc lóc không thôi. Khang Hy lại nhớ chuyện xưa, trong lòng đau buồn, hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn, vua vội trấn tĩnh tinh thần, gật đầu nói: “Điều đó Trẫm đều biết. Nhưng bức chiếu thư này chưa chắc dùng được, Trương Đình Ngọc là người tuyên chiếu, sau này do hắn làm chủ, trên chiếu thư không đề ngày, cũng sẽ do hắn điền vào. Đình Ngọc, khanh đọc tiếp bức mật chiếu thứ hai của Trẫm!”

Trương Đình Ngọc lặng lẽ gật đầu, nói tiếp: “Long Khoa Đa nghe chỉ: Long Khoa Đa từ bậc cũ, nay thăng lên Thái tử thái bảo, lãnh các chức Thị vệ nội đại thần, Đại thần phòng dâng thư, và chức Kinh sư bộ quân thống lĩnh. Khâm thử - Ngày mồng 3 tháng 10 năm Khang Hy thứ 60”.

“Hả?” Long Khoa Đa ngạc nhiên mở to mắt, hồi lâu mới nói: “Vạn tuế - Đây là?”

“Buồn phải chết, vui được sống, Trẫm thưởng ngươi cả hai”. Giọng nói Khang Hy rất thấp nhưng rất rõ ràng. Rồi lệnh cho Trương Đình Ngọc đỡ mình ngồi dậy, vua ho khan một tiếng, nói tiếp: “Ngươi sợ Trẫm khó xử hả, Trẫm chỉ vì giang sơn xã tắc không đến nỗi rơi vào tay kẻ tiểu nhân, bất đắc dĩ phải dở cái chiêu hạ sách này. Nếu ngươi trung thành với chức trách, thận trọng nhận di mệnh, thì chiếu thư đầu tức khắc coi là được loại bỏ, còn nếu ngươi không làm tròn chức trách, thì ngày vua mới lên ngôi, cũng chính là ngày ngươi phải chết! Trương Đình Ngọc cũng vậy, loại di chiếu như thế này, ông ta cũng có hai tờ!”

Long Khoa Đa không biết là vì sợ hay vì khâm phục, mồm anh mấp máy rất lâu, không tìm được lời ứng phó. Khang Hy thì không chú ý, chỉ nói dõng dạc: “Nếu là nhà dân thường, Trẫm phải gọi ngươi là em họ, nhưng việc của nhà trời, can hệ tới hàng triệu lê thứ, nên không theo được tình cảm riêng tư. Hồi đó ngươi cõng Trẫm trốn ra từ đám loạn binh, chỉ có một cái bánh ngô, ngươi nhường ta ăn, còn ngươi gặm rễ cỏ. Còn một bầu nước, để Trẫm dùng tất, ngươi uống nước đái ngựa. Ngươi có lòng cắt thịt nuôi vua, Trẫm xem ngươi là cái phao cứu vớt bản triều, nhưng cuộc chiến xong rồi, Trẫm quên mất, để mai một ngươi bao nhiêu năm, đó là lỗi của Trẫm...”. Lời nói chưa dứt, Long Khoa Đa đã nước mắt ròng ròng. Khang Hy than thở: “Có thể thấy vua tôi gặp nhau khó lắm! Trẫm suy đi nghĩ lại, không có ơn nghĩa cho ngươi, nên phải ra đạo chiếu thư này, ngươi phải giúp Trẫm được đạt ý nguyện, thông cảm Trẫm, hoặc có thể với hậu thế là một danh thần một thời, thì không uổng nỗi lòng khổ tâm của Trẫm...”.

“Đức Vạn tuế...” Long Khoa Đa quỳ mọp ngay xuống đất, khóc ròng không thành tiếng: “Nô tài nguyện thay Người...”.

Khang Hy khoát tay nói: “Đừng như vậy, sống và chết không có chuyện thay nhau! Trẫm đã làm được bao nhiêu việc, một đời oanh oanh liệt liệt, không có gì hối tiếc, ví như viết xong một quyển sách, gấp lại, thì có gì phải buồn? Ngươi giúp được Trẫm viết tốt cuốn cuối cùng, tức là đã giúp Trẫm đạt được ý nguyện...”. Nói xong, thả người nằm xuống, nói: “Đình Ngọc, các ngươi đều là quan được vua gửi gắm, không ngại hãy bàn bạc kỹ lưỡng ở đây, Trẫm mệt lắm rồi, tim đập dồn dập, chỉ nằm đây nghe...”.

“Vâng. Anh Long, xin ngồi”. Trương Đình Ngọc gạt nước mắt nói: “Di chiếu của Hoàng thượng có hai bản, một bản ghi chép một đời công lao sự nghiệp và những chỉ thị quan trọng trị đời, còn một bản là di chiếu truyền ngôi”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3