Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 16

16

Thân yến khổ bay sao vượt nổi sông

Cầu gần quên xa gian manh giành yêu sủng

Trần Hoàng như bị mũi kim đâm mạnh, mặt tái ngắt, anh cúi người nói: “Thần đâu dám...” Cận Phụ thở dài nói: “Xin Cách cách minh xét. Thần về kinh lần này được Hoàng thượng ba lần triệu gặp, thì hai lần nói về việc Ca Nhĩ Ca, vùng đông nam đất nước có chuyện, không thể nghĩ tới vùng tây bắc, đành phải ầm ừ với Cát Nhĩ Đơn cho qua chuyện. Nói tới việc này, Hoàng thượng rất cảm khái, lệnh cho thần trong vòng mấy năm phải trị thủy Hoàng Hà, bảo đảm vận chuyển trên sông đào, nhằm chuẩn bị đủ lương thực dùng vào việc gấp, đợi giải quyết xong Đài Loan, thì tức tốc xua quân ra biên thùy tây bắc. Quả thật các phiên thuộc Chuẩn Cát Nhĩ và Mông Cổ không giống với Triều Tiên, Lưu Cầu và các nước Nam Dương, hàng ngàn năm nay đều là đất trên bản đồ Trung Hoa, làm sao có thể dung thứ cho nghịch thần Cát Nhĩ Đơn tự tiện cắt cứ?”

“Ông nói... thật chứ?” Giọng nói của A Tú run lên dữ dội.

“Thần đâu dám nói xằng?” Cận Phụ từ từ đứng dậy, hạ thấp giọng nói, “...Hoàng thượng đã mật dụ sai thần thảo kế hoạch chinh tây, trong thời gian từ mùa đông năm nay đến mùa xuân sang năm, Hoàng thượng sẽ tuần du Phụng Thiên, liên lạc với các bộ tộc Mông Cổ vùng nam sa mạc, bàn thảo kế lớn”. Bỗng ông im lặng, việc tuyệt mật, Khang Hy đã căn dặn “pháp không truyền đến sáu tai”, ông cảm thấy vì để an ủi A Tú, mình đã nói quá nhiều. A Tú cười, mắt còn ngấn nước, nàng vuốt lại mái tóc, nói: “Ông nên nhân dịp tâu với Hoàng thượng là Cát Nhĩ Đơn đào được rất nhiều vàng ở Chuẩn Cát Nhĩ tặng cho chư vương đông Mông Cổ, đừng để Hoàng thượng nhẹ dạ tin họ!” Cận Phụ vội cười nói: “Đương nhiên là phải tâu, ngay cả việc Cách cách ở đây thần cũng phải tâu rõ ngọn ngành”.

A Tú mím môi hơi oán giận liếc nhìn Trần Hoàng, nói: “Việc của tôi tạm xin chưa tâu vội, đợi xem việc của Trần Hoàng kết сụс thế nào rồi hãy nói!” Mọi người bỗng chốc im lặng. Cận Phụ thở ra một hơi dài, nói: “Việc này phải tính kế lâu dài...” Nói xong liền mở cửa đi ra.

Những người uống rượu ngoài sân đã ngừng uống từ lâu. Từ lúc Phong Chí Nhân đóng cửa mọi người đã thấy bất an, về sau nghe bên trong lúc thì nói to lúc thì im lặng, đều cảm thấy kinh ngạc. Mọi người đang xì xào bàn tán chưa biết đầu cua tai nheo thì thấy Cận Phụ, Phong Chí Nhân bước ra, kẻ trước người sau, ai nấy cũng sợ tái mặt. Đứng trước bậc thềm nhìn trời, Cận Phụ cười nói: “Trời sắp tối rồi, lại âm u nữa, chúng ta về trạm dịch, để Thiên Nhất ở lại, bản thảo anh ta còn chưa tìm ra!” Nói xong lệnh cho mọi người về trạm dịch Lâm Minh quan.

Trời đang lất phất mưa, trong nhà chỉ còn hai người Trần Hoàng và A Tú. Sau khi Cận Phụ ra về, bà Hàn Lưu vội sai người nhà thu dọn bàn tiệc, lấy cớ lui ra. A Tú biết ý của bà, chỉ ngồi im uống trà. Nhưng Trần Hoàng cảm thấy như có gai châm khắp người, ngồi đứng không yên. Một hồi lâu mới nghe A Tú nói:

“Tiên sinh Thiên Nhất, ngài bao giờ lên đường... về nam?”

“Không dám”, Trần Hoàng ngồi ở đầu bàn phía kia, nghe A Tú gọi mình là “tiên sinh”, anh cúi người trả lời, “Ngày mai đi ngay. Trần Hoàng là thư sinh hạng bét, có duyên được gặp Cách cách quận chúa, xin ghi khắc vào lòng mãi mãi. Từ đây chân trời góc biển, mỗi người một nơi, mong Cách cách biết tự...”

Lời chưa dứt, A Tú cười nhạt một tiếng cắt đứt chàng: “Tôi không cần anh gọi là ‘Cách cách’ gì đó! Đến Trung nguyên mấy năm, tôi đã dần dần hiểu rõ, ở Thiểm Tây anh cứu tôi cũng cho là xong đi. Ở Hoàng Mộng Lương, anh với tôi sống chung một nhà, anh đã giảng hai chữ ‘danh tiết’, vậy thì đặt tôi ở chỗ nào?” Lúc này Trần Hoàng cũng cảm kích vô cùng, hồi lâu mới vỗ bàn than thở: “Con người đâu phải là cỏ cây, ai có thể vô tình, nàng đối với tôi như vậy, lẽ nào tôi chẳng chút động lòng? Nhưng Cách cách nghĩ kỹ xem, giả dụ Cách cách thật tình theo tôi, thì tôi theo Cách cách đi Mông Cổ, hay là nàng theo tôi làm thuộc hạ của Cận Phụ đi trị thủy? Quận chúa không thể đành lòng quên chuyện phục thù, còn Trần Hoàng chỉ dốc một lòng phụng sự việc trị thủy, thiên hạ không có việc gì mười mươi chu toàn tốt đẹp tất cả, tôi với nàng hà tất phải làm cái việc vô ích? Còn những việc ở Thiểm Tây, ở Hoàng Mộng Lương, Trần Hoàng đã quên rồi, với cha, anh, bè bạn Trần Hoàng sẽ không bao giờ nói một lời!” A Tú ngồi nghe hồi lâu mới nói lạnh lùng: “Anh đương nhiên là người quân tử, tôi tin lắm chứ nếu anh là kẻ hỏi liễu tìm hoa thì A Tú này có còn coi trọng anh không? Hoàng thượng đã bằng lòng đem binh dẹp giặc, tôi càng yên lòng, nói với anh một câu, dù anh có đi tận chân trời góc biển, thì tôi vẫn cứ tìm anh, cứ theo anh, tôi phải tận mắt xem anh thành hôn với người khác!” Nàng nói đôi mắt đã ngấn lệ.

Trần Hoàng há hốc mồm, không biết đối đáp thế nào, trong phòng bỗng chốc trở nên im ắng. Bên ngoài gió lạnh nổi lên, cùng với mưa lạnh rắc xuống sân vườn. Trong ánh hoàng hôn, đám dây leo cựa mình vươn lên dưới làn mưa, phát lên tiếng tí tách. Hai con người, một là nhà học vấn áo thô quần vải, đi khắp ngọn nguồn con sông lớn, chuyên tâm nghiên cứu trị thủy, một người là con gái quý tộc, mang nặng oán thù sâu đậm, rời bỏ quê hương, dầu dãi đất người ăn mày góc phố. Một dịp ngẫu nhiên làm họ gặp nhau, gây nên một đoạn tình duyên nghiệt ngã éo le khó phân khó giải này.

Trần Hoàng trong lòng rất đau khổ, anh từ từ đứng dậy bước tới cửa sổ buồn bã nhìn đám hoa cỏ lay lắt dưới những hạt mưa bay. Anh nói chậm rãi, không buồn quay mặt lại: “A Tú, nàng nói nàng thích tôi, muốn lấy tôi, Trần Hoàng tôi há chẳng yêu nàng sao? Nhưng mong nàng suy nghĩ kỹ, tôi với nàng khác nhau rất xa về thân phận, nguồn gốc, chí hướng, từng trải như hai ngôi sao Sâm, Thương khó gặp nhau trên bầu trời, như hai người Ngưu Lang Chức Nữ đứng hai bên bờ sông nhìn nhau!”

“Cái gì ‘Sâm Thương’ ”. A Tú chỉ biết Ngưu Lang Chức Nữ nhưng không biết Sâm Thương, nàng từ từ bước tới sánh vai đứng với Trần Hoàng, cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Mây bay rất thấp, giống như từng đám sương mù, mưa nhẹ lất phất rì rào, những giọt nước nặng nề trên tàu chuối như những giọt lệ rả rích nặng nề rơi xuống đất. Trần Hoàng nhìn ra xa xuyên qua bức màn mưa, anh nói hơi lạc giọng: “Sao Sâm và sao Thương, một đằng ở phía đông một đằng ở phía tây, cái này mọc thì cái kia lặn, không bao giờ nhìn thấy nhau...”.

A Tú nghe nói trong lòng chua xót, nước mắt đã tuôn ra, nghe Trần Hoàng nói tiếp: “Cũng giống như sông Nại, nàng biết không, sông Nại không bắc cầu cho người sống, chỉ sau khi chết người ta mới đi qua. Nàng và tôi mỗi người đứng trên một bờ sông Nại, làm sao có thể...”. Anh bùi ngùi, lặng im không nói nữa.

Nghe giọng đau buồn sầu thảm của anh, A Tú mới biết được chàng thư sinh đạo nghĩa không cho phép chùn bước này có tấm lòng rộng rãi thâm trầm biết bao. Tim nàng cũng muốn vỡ ra, nàng lặng lẽ quay người với lên tường lấy chiếc đàn không hầu, gẩy lên tích tịch tình tang. Trần Hoàng nghe nàng đàn bài “Một cành hoa Nam Lữ”, bỗng nhớ tới bài “Hoàng chung vĩ” của Quan Hán Khanh, anh liền khẽ ngâm:

Tôi là một hạt đậu bằng đồng kêu leng keng, hầm không rục, nấu không chín, đập không bẹp, thiêu không cháy. Mặc cho bọn học trò lăn ném, chặt không đứt, bổ không ra, mở không được, giẫm không bẹp, cứ từ từ quấn hàng ngàn lớp vải... Nếu mi làm ta rụng răng, méo mặt, liệt chân, gẫy tay. Trời ban cho ta tật xấu đó, ta không chịu thôi.

A Tú nghe xong than rằng: “Anh yêu việc trị thủy như vậy, thì chẳng còn cách nào. Anh đã ngâm bài của Quan Hán Khanh, tôi cũng xin họa lại một bài ‘Lương châu đệ thất’ ”. Nói xong, nàng gảy đàn và hát:

Đời người một thoáng sáo im trống vắng,

Đàn cho ai nghe mà réo rắt bỗng trầm?

Sâm Thương trên trời bè kia khó vượt,

Bụi cát sa mạc cũng trôi theo dòng...

Làm sao, làm sao, bến bờ đâu tá,

Quân tử làm gì khi thuyền chiếc đơn côi!

Lòng này thành tâm sao trời không hiểu?

Gió thốc mây vần ai tiễn đường về...

Ngâm xong cúi đầu nức nở, nàng nghẹn ngào: “Hai cái đàn, dây đàn trên cùng kia là không hầu linh nghiệm, tặng cho anh một, còn một tôi giữ...”. Rồi bỗng nghe mấy tiếng “tính...” “tang...”, dây đàn đứt. Tiếng vọng còn ngân lên không dứt.

Minh Châu nhận được thư Cận Phụ gửi về đã sắp tới trung thu tháng tám. Trong thư ngoài các việc dời chuyển phủ tổng đốc và tu sửa đê Qui Nhơn còn nói đến chuyện A Tú, ông biết việc này quan hệ trọng đại, bèn tức tốc sai người đến Hàm Đan tiếp kiến Vương nữ. Chỉ hai ngày đã sai gia nhân trở về bẩm báo, chẳng những Vương nữ không còn ở Tùng Chủng mà cả nhà bà Hàn Lưu cũng đã chuyển đi mất. Hàng xóm chỉ nghe nói bà dời về chỗ cô con gái lớn ở An Huy, nhưng không biết địa chỉ thực sự ở đâu. Minh Châu cũng nghĩ không ra cách gì, bèn đánh kiệu đến hẻm Thái gia tìm Cao Sĩ Kỳ. Thời gian cùng chung sống với nhau, Minh Châu biết mình không thông minh bằng Cao Sĩ Kỳ, nghe giọng Khang Hy nói, thì nhà vua đã tin Cao Sĩ Kỳ hơn các vị đại thần. Khang Hy sai Cao Sĩ Kỳ chuyên viết lại lời phê của nhà vua, nói là để cho Hùng Tứ Lý nghỉ, để giành thì giờ dạy dỗ thái tử. Nhưng Cao Sĩ Kỳ không nhận nhiệm vụ ở Bộ nào, chỉ tham tán các việc cơ mật ở các Bộ. Như vậy khác nào cắt bớt một nửa chức quyền của họ Hùng, Sách và của mình giao cho họ Cao. Quả là Cao Sĩ Kỳ có chỗ hơn người: Có thể cả ngày không ăn không uống không nói không rằng, công văn mà đã xem qua, thì anh ta kè kè bên Hoàng thượng, hỏi một đáp mười. Các quan cửu khanh lục bộ kinh sư đều dè chừng theo ý anh ta, đã có người hễ mở miệng ra là “Tể tướng Cao” “Trung đường Cao”. Minh Châu thấy vậy, không tự quyền như trước, có việc gì cũng bàn bạc trao đổi trước với Cao.

Kiệu vừa hạ xuống, vừa hay đã thấy Cao Sĩ Kỳ nghiêm chỉnh trong bộ triều phục, nhanh nhẹn bước ra. Anh xếp chiếc quạt gấp lại, vái dài một cái, cười nói: “Ôi chao Minh công! Ngọn gió nào đưa tới đây vậy? Có việc gì chỉ cần gọi một tiếng là tôi đến ngay mà”.

“Đàm Nhân”, Minh Châu cười hì hì nói, “đừng có nói ‘Minh Công Minh tướng’ gì nữa, làm người ta mụ người ra, cũng đều hầu việc ở phòng dâng thư đấy thôi, gọi ông Minh là được rồi, xem ra tôi tới không phải lúc rồi, anh ăn mặc đường hoàng như vậy, phải đi đâu đó chăng?” Cao Sĩ Kỳ cười khà khà: “Nhất định là ông chưa biết, vừa rồi lão đệ Tra Thận Hành đến truyền chỉ, Hoàng thượng ban yến hồng nho ở Tây Uyển. Ông đã đến thì chúng ta cùng đi nhé?” Nói xong liền sai người chuẩn bị ngựa. Minh Châu bèn nói: “Bảo chúng dắt thêm một con ngựa nữa, chúng ta cùng đi”.

Hai người tựa vào hòn đá nhảy lên mình ngựa, mấy tên nô bộc cũng cưỡi ngựa theo sau. Minh Châu đưa mắt nhìn bốn bên, mới biết cái hay không ngồi kiệu của Cao Sĩ Kỳ: vừa hiên ngang vừa phóng khoáng, lại có khí thế, người theo hầu không đông nên cũng không ra vẻ quan cách, ông bèn nói: Anh việc lớn việc nhỏ gì cũng tinh tế cẩn thận, ai cũng ngưỡng mộ! Ôi ... ta già rồi”.

“Ông anh”, Cao Sĩ Kỳ thực thà không khách sáo, nói “mới chưa tới bốn mươi, làm sao gọi là già? Sách Ngạch Đồ mới là già! Có lẽ người ngồi thấy người đi ngựa cao, người cưỡi ngựa thấy người ngồi kiệu vững, đứng núi này trông núi nọ thấy hay hơn là chuyện thường tình”. Anh lấy roi chỉ chiếc kiệu quan của Minh Châu cười nói, “Tôi chỉ thấy ba người phu kiệu đáng thương, nên không ngồi kiệu”. Minh Châu kinh ngạc hỏi: “Ba người? Sao lại ba người?” Cao Sĩ Kỳ cười khanh khách, nói “Ông xem bốn tên khênh kiệu này, người thứ nhất giống như đại thần làm việc ở phòng dâng thư, nở mày nở mặt; tên thứ hai, giống như ngự sử không dám đánh rắm...”.

Minh Châu cười to hỏi: “Vì sao không dám đánh rắm?”

“Sợ làm ngạt thở quý nhân trong kiệu!” Cao Sĩ Kỳ nheo mắt nói tiếp, “Người thứ ba đi sau kiệu không nhìn thấy đường, giống hệt như anh hàn lâm hồ đồ tối tăm mù mịt; người sau cùng này cứ phải lần theo từng bước, lại giống như ông quan bộ hoàn toàn không có ý kiến... ba vị này chẳng đáng thương sao?”

Minh Châu nghe xong im lặng ra dáng như có điều suy nghĩ. Một hồi lâu mới cười nói: “Tôi cũng hơi giống anh phu kiệu sau cùng đó hoàn toàn không có ý kiến gì. Đây là thư Cận Phụ gửi tới, anh hãy xem xem”. Cao Sĩ Kỳ dừng ngựa lấy phong thư, chau mày mở ra đọc, rồi đưa trả cho Minh Châu, chẳng nói lời nào. Mãi sau mới than rằng: “Duyên trời nghiệp biển không có bè ngọc, thật là một đôi si tình...”.

“Cái gì?”

“Không có gì”. Cao Sĩ Kỳ lắc đầu thúc ngựa tới trước, “Việc này, theo ý tôi, ông có thể nhân lúc không có ai nên tâu cho Hoàng thượng rõ. Hoàng thượng lúc này không muốn gây chuyện với Cát Nhĩ Đơn, chưa chắc đã chịu ra tay!” Minh Châu nghe xong hơi suy tư, cười nói: “Đã như vậy, thì cũng không vội tâu ngay”.

Hai người vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đã tới nơi đất cấm Tây Uyển, từ xa đã nhìn thấy các quan dự tiệc đứng lố nhố đông đen, nói cười vui vẻ, nhưng không thấy Sách Ngạch Đồ, bèn cùng xuống ngựa đến chờ ở long đình trước cửa vườn. Minh Châu bỗng nhớ lại hôm nay ban yến, nhất định Hoàng đế bắt các quan cùng làm thơ, trong lòng không khỏi hồi hộp, thấy Cao Sĩ Kỳ ngắm nhìn phong cảnh, như chẳng có chuyện gì, Minh Châu vừa hâm mộ vừa ghen tức. Ông suy nghĩ một lát rồi nói: “Ôi! hôm nay không biết chừng phải làm văn chương nữa đây, đâu có phải làm thơ, mà là làm khó, hễ không chú ý là thành trò cười mất mặt!” Cao Sĩ Kỳ biết ông ta cầu cạnh mình, liền cười ha hả, đập đập cán quạt vào lòng bàn tay, nói: “Những bài thơ ca ngợi này đại để không dùng thể bá lương, không vi phạm nghi thức, không phạm húy cũng không có gì sai sót! Nếu ông không chê thì tôi có thể giúp ông ứng phó. Có điều, hôm nay Hoàng thượng không gây khó dễ cho ông đâu, ông Ba Sách xin nghỉ ốm dài hạn, tổng cộng chỉ có mấy người trước mặt còn vạch chuyện làm mất mặt Hoàng thượng sao!”

Minh Châu kinh ngạc vội hỏi: “Ông Ba làm sao, bệnh có nặng không? Bỗng nhiên xin nghỉ phép nghỉ ốm dài hạn tôi chẳng biết tí gì cả!” Ông nghĩ lại điều Cao Sĩ Kỳ vừa nói “Ông Ba Sách già rồi”, ông vừa ngạc nhiên vừa mừng, lòng cứ rộn lên. “Tôi nghe Hà Quế Trụ nói, Hoàng thượng còn chưa chuẩn y. Đại để cũng vậy thôi. Vừa rồi chúng ta tới, anh không thấy những bọn xu nịnh ở chùa Quang Lộc, ở bộ Hộ, bộ Hình, bộ Công đã nhìn anh như thế nào sao? Bọn họ vốn là người của ông Ba, bây giờ ông Minh ông có bảo họ liếm trĩ hút mủ, e ai cũng muốn vậy đó!” Nói xong ngửa mặt lên cười hả hả. Minh Châu ngẫm nghĩ mà chưa hiểu ngay câu nói của Cao Sĩ Kỳ. Lại thấy Hùng Tứ Lý và Lý Quang Địa dẫn đám thị lang bộ Công Y Tang A, lang trung bộ Hộ Thôi Nha Ô, Y Lạt Ca Di Lê đi tới. Cao Sĩ Kỳ thấy mấy vị quan viên này có vẻ cười nịnh, biết là đã đổi chủ, muốn nương nhờ Minh Châu, anh chỉ nói một tiếng “Xin cáo lui” rồi đứng lên rời khỏi long đình, vẫy tay gọi một quan viên, cười nói, “Tôi nhớ có gặp một lần ở phủ Thuận Thiên, ông là Tống Văn Vận viên ngoại lang bộ Hình phải không?”

“Trung đường nhớ tài thật”, Tống Văn Vận cười híp mắt, “hạ quan chính là Tống Văn Vận!”

Cao Sĩ Kỳ trầm ngâm một lúc rồi nói: “Tôi muốn hỏi vụ án Lan Phương và nhà họ Hồ thế nào rồi? Vụ việc này các ông phải xử theo đúng phép công!” Tống Văn Vận không ngờ vị Trung đường hiển hách này lại hỏi điều này, ông xoa tay nói: “Vụ án này chưa kết thúc, ông chủ họ Hồ là một nhà đạo học, không chịu thoái hôn, con trai bệnh lao chết rồi vẫn quyết đòi cô gái nhà họ Lưu về làm dâu. Họ Lưu không biết dựa vào thế ai cũng quyết không chịu, ông chủ Hồ mấy lần tới phủ Thuận Thiên khiếu kiện đều bị đuổi về, tức giận mà chết...”. Cao Sĩ Kỳ đờ mặt ra nghe xong bèn nói lạnh lùng: “Xin nói thật, họ Lưu dựa vào thế lực tôi. Lưu Phương Lan là một cô gái tân khuê các, làm sao bắt người ta sống chết nhảy vào lò lửa đó? Ông ta cũng là người, phải biết suy nghĩ, thế có hợp với đạo nhân thứ của thánh nhân hay không?”

“Có ai nói không đâu!” Tống Văn Vận rất nhạy bén, liền trở cờ, than thở: “Cũng đáng thương, con trai mình chết rồi còn lôi kéo cả người sống vào, chẳng còn có đạo lý nào nữa! Việc đó vốn đã xong rồi, chỉ vì quan viên của tôi nói việc này liên quan đến tôn giáo, lại liên can tới quan lớn triều đình nhất định là ngài rồi, sợ có người đàm tiếu.” Thấy Cao Sĩ Kỳ cười khẩy liền nói tiếp: “Nhưng bây giờ khổ chủ họ Hồ chết rồi, mấy người trong họ còn kêu ca ầm ĩ chẳng qua là vì tiền! Chỉ cần trị được bọn lưu manh đó thì còn ai dám kiện cáo nữa. Trung đường chẳng cần lo làm gì, việc này ngày mai tôi sẽ làm, xong rồi tôi sẽ báo tin lên phủ nhân tiện đến thăm ngài luôn!” Cao Sĩ Kỳ thấy ông ta như vậy, chỉ buồn cười, gật đầu. Đang định nói tiếp thì đã thấy Đô thái giám lục cung Trương Vạn Cường, tay cầm cờ tiết từ trong đi ra, đứng ngay trước cửa, tuyên đọc: “Thánh giá đã vào điện, các quan và các vị hồng nho bác học theo thứ tự vào làm lễ ra mắt!” Cao Sĩ Kỳ thôi không nói nữa, cùng với đám Hùng Tứ Lý đi vào điện.

Bữa tiệc rất thịnh soạn, so với bữa tiệc ở gác Thể Nhân tuy mỗi món số lượng không nhiều nhưng chủng loại số món thì tăng hơn nhiều, đều do những kẻ tài ba chuyên làm món ăn cho vua đảm trách nấu nướng. Theo sự sắp xếp của Cao Sĩ Kỳ, tất cả có tám mươi bàn, mỗi bàn tám người, lấy theo số tám của thiên tử. Đĩa đèn bạch lạp rất to để ở giữa nhà, nào là yến sào hầm vịt, thịt rừng nướng, yến sào phù dung, gà béo hầm táo, vịt hầm, đuôi hươu Ngạch tư khắc lâm, gà rừng băm, cá hầm lệ chi, vây cá với đuôi hươu, gà tây xào thịt nai, thịt heo rừng nướng... các món ăn cứ từng đợt từng đợt đưa lên.

Khang Hy ngồi cùng mâm với thái tử Dận Nhưng, bên cạnh chỉ có Dận Đề, Tam A ca Dận Chỉ, Tứ A ca Dận Chân đều do nhũ mẫu bế, mỗi người ăn một chén sữa nhỏ đã no, coi như có “tham dự đại lễ”. Bỗng chốc, nhạc nổi lên hai bên chái, chuông vàng, khánh ngọc, đàn sáo cùng lên tiếng, hơn sáu trăm người chú mắt nhìn Khang Hy vào tiệc. Thấy nhà vua mỉm cười cầm đũa mới dám nhất tề nhắc đũa lên, ăn chậm rãi từ tốn. Cao Sĩ Kỳ vốn muốn gắp to chén đẫy bây giờ mới hiểu rằng ngự yến có to đến mấy cũng chỉ làm ra vẻ. Các thứ lễ nghi qua rồi, Khang Hy mới lấy lại dáng tự nhiên, nhà vua đứng lên cười nói:

“Nơi này nước hồ xanh biếc, liễu bên hồ như khói. Gặp mùa thu thoáng mát trong lành, phong cảnh mê người, các khanh đều là thạc nho nghiệp văn, đều có lời hay ý đẹp. Văn chương trạng nguyên xưa nay một điệu thì thật đáng buồn tẻ, sao vua quan ta không cùng nhau họa thơ?” Nói xong liền ngâm:

Gió vàng khí mát tỏa muôn phương!

Minh Châu nghe ra quả nhiên là thể bá lươn, bất giác cười, giả bộ vô ý chen lại gần Cao Sĩ Kỳ, chợt nghe Hùng Tứ Lý vuốt râu dài giọng họa theo:

Nhạc nổi thanh bình tặng rượu mừng

Cao Sĩ Kỳ vội nói khe khẽ một câu, Minh Châu to giọng ngâm lên:

Đứng đầu rực rỡ tay chân khỏe

“Minh Châu e là đã mời tay võ nghệ chắc?” Khang Hy nghe xong cười nói, “Lý Quang Địa, khanh tiếp tục đi”.

Tám phương nhất thống vạn niên thanh.

Khang Hy cười ha hả: “Như vậy thì cảnh tình sẵn có ở đây đã được khanh sử dụng rồi, thưởng rượu!” Rồi nhà vua bèn nói tiếp: “Mọi người cứ tự nhiên, không nên câu nệ, ai làm được thơ hay, Trẫm đều có thưởng!”

Bỗng chốc mọi người đều thấy thoải mái, có người dựa lan can nghĩ tứ thơ, có người thả dòng suy nghĩ, ai nấy đều vắt óc hết sức tìm tòi nghĩ cách làm cho thật hay để được khen thưởng. Khang Hy truyền chỉ bảo Thi Nhuận Chương đem trả quyển sách thơ Bồ Lưu Tiên sưu tầm trong lần đãi tiệc ở gác Thể Nhân và nói: “Người này tài ba hiếm có, thơ văn đều hay, chỉ vì quá u uất nên không thể là người được hưởng lộc. Còn chưa đến năm mươi tuổi mà đã ‘Muốn vò đầu bạc hỏi mông lung, có cần gửi thuốc lên đài thiêng’? Bạc nhược lắm. Trẫm chỉ chấm của ông ta một bài” vừa nói vừa lấy tay chỉ. Hùng Tứ Lý, Cao Sĩ Kỳ và Lý Quang Địa đều xúm lại nhìn, thì ra là một bài trường đoản cú:

Trời hàm hồ, đất cũng hàm hồ, nói cái gì cách vật trí chi? Không thấy hô quân tử bắt tiểu nhân, giống như tay không vồ hùm sói; tiểu nhân hại quân tử dễ như gió lốc cuốn bụi đường. Hại rồng là con rết, hại voi là con chuột, đạo lý này không có tên, cái tình này không nhìn thấy, kiếp này đã dở dang, sao có thể nhờ vợ lúc về già!

“Từ này rất có ý nghĩa”. Khang Hy cười nói, “Tuy viết chuyện triều trước, lẽ nào không có ích gì với việc đời thời nay sao?”.

Bỗng Hùng Tứ Lý trong lòng nặng trĩu: Một ông vua lúc nào cũng chịu nhớ tới những việc như thế này thì cớ sao nước nhà không yên ổn được? Nhưng Khang Hy thường nói, cái đạo lý sai khiến quần thần chính ở chỗ làm cho quân tử tiểu nhân đều có vị trí thỏa đáng, vừa tránh cho quân tử khỏi bị oan ức, vừa dùng được cái tài của tiểu nhân. Vì sao Sách Ngạch Đồ từ chức ở phòng dâng thư mà Khang Hy lại đem tờ giấy đó cho mọi người xem. Ông là một người coi trọng lòng thành ý thẳng, là một nhà đạo học dùng “thận độc” để tu thân, nhưng mấy năm nay luẩn quẩn trong vòng tranh chấp bè đảng giữa hai nhà Sách, Minh, ông lại kiêm làm sư phụ Thái tử, cũng bị chen lấn dữ dội. Trong lòng ông rất rõ, nếu Khang Hy không tuyệt đối tin tưởng vào lòng trung thành của mình thì chỉ riêng việc ông không tán thành bình “tam phiên” cũng đã sớm bị Minh Châu hất ngã rồi... Sách Ngạch Đồ rút ra khỏi phòng dâng thư, hiển nhiên là để tránh tiếng tham quyền, nhưng rốt cuộc, Khang Hy có phê chuẩn hay không? Mấy ngày trước, Sách Ngạch Đồ liên tiếp tâu lên vạch tội mấy vị đại thần biên cương, lại điều chuyển mấy vị đại thần ở bộ, viện, đương nhiên trong đó quân tử tiểu nhân đều có, Khang Hy đều phê chuẩn và cũng rất quan tâm, vì sao như vậy?... Đang suy nghĩ mông lung thì nghe Khang Hy nói với Thi Nhuận Chương: “Họ Bồ là môn sinh của khanh, khanh có thể dùng thuyết quân tử lập mệnh an ủi anh ta rồi viết thư cho Vu Thành Long Sơn Đông, nhờ ông ta quan tâm đến người này. Phải nói rõ đây là ý Trẫm, nếu không Vu Thành Long không phải là người vừa, nhất định ông ta làm tờ tâu vạch tội khanh đấy”. Nói xong mấy người mới tản ra về.

Cao Sĩ Kỳ không đi ngay. Anh đứng sau Khang Hy tựa lan can nhìn xuống Định Hải. Trong triều đã có người nói anh đầu cơ trục lợi, chứ không có thực tài, anh đã dồn đủ tinh thần nhất định phải ngâm bài thơ áp đảo mọi người. Bụng đã nghĩ ra mấy bài nhưng đều không vừa lòng, đang vắt óc nhíu mày nghiến răng suy nghĩ, Khang Hy quay mặt nhìn thấy, cười nói: “Trẫm gần đây không cho khanh nổi đình đám, là có việc cho khanh đây!” Cao Sĩ Kỳ khổ công dồn nén tinh thần đã xẹp ngay, anh cười nói: “Với một chút tài mọn nô tài có muốn làm nổi đình đám cũng không hy vọng gì. Hoàng thượng có ý định gì, có phải là sai nô tài giúp xem thơ bình quyển?”

Khang Hy cầm một tập thơ, đưa lên vuốt vuốt, cười nói: “Bình phẩm thơ hay dở, Trẫm tự tin là vẫn còn có khả năng! Đây là một việc khác, cần khanh vào cung xem bệnh cho Tô Ma Lạt Cô”.

“Xem bệnh?” Cao Sĩ Kỳ trợn mắt hỏi. Anh cảm thấy có chút gì khác thường không tưởng tượng nổi. Khang Hy ánh mắt ngấn lệ, đờ đẫn nhìn hồ nước xanh biếc, nói chậm rãi: “Chắc khanh cũng biết, Trẫm có người thầy học đầu tiên tên là Ngũ Thứ Hữu, bây giờ đã đi tu thờ Phật”. Cao Sĩ Kỳ thấy Khang Hy quá xúc động, anh thầm kinh ngạc, vội đáp: “Nô tài có nghe Hà Quế Trụ nói sơ qua, Ngũ Thứ Hữu tiên sinh phẩm người ngay thẳng, học thuật chính phái đã từng giúp Hoàng thượng học tập đạo thánh hiền, về sau...”.

“Khanh biết cũng tốt, đoạn sau khỏi phải nói”. Khang Hy cắt đứt lời Cao Sĩ Kỳ, “Ông xuất gia đi tu, duyên cớ rất nhiều, không thể một vài câu mà nói hết, nói tới cùng cũng là vì người thị nữ của ta lúc bé Tô Ma Lạt Cô, bây giờ bà đổi tên là Huệ Chân, đang để tóc tu hành trong cung”.

Cao Sĩ Kỳ biết rằng việc này kỵ húy rất nhiều, đành chỉ cúi đầu nói: “Vạn tuế đã nói, nô tài hiểu rồi ạ”. Khang Hy nói giọng trầm hẳn xuống, hơi có chút thương cảm: “Nghe Minh Châu nói khanh biết sâu nghề thuốc, Trẫm muốn khanh đi khám thử xem... Ôi, những cung nữ từ nhỏ Trẫm thân thiết nhất, một là mẹ của Ngụy Đông Đình, người thứ hai là bà ta. Bây giờ, một người đi Nam Kinh rồi, còn một người bệnh như vậy, vạn nhất có chuyện gì thì biết làm sao?” Nghe nói sai đi làm việc này, lòng Cao Sĩ Kỳ đã yên tâm nhiều. Nhưng suy tính lại, thì nghĩ mình không nên tỏ ra có nghề thuốc giỏi, một là thêm sự ghen tỵ, hai là làm mọi người đều tìm ta xem bệnh, cũng không nên. Suy nghĩ một hồi, Cao Sĩ Kỳ mới cười nói: “Hoàng thượng đã sai làm, đâu dám không hết lòng? Nhưng nô tài chỉ hơi rành về điều trị khí uất chặn nghẹt, những bệnh khác thần chỉ là hạng xoàng thôi”.

Khang Hy đâu biết trong chốc lát Cao Sĩ Kỳ đã suy nghĩ điều lắt léo như vậy, nhà vua dụi mắt lật xem tập thơ mới đưa lên, nói: “Khanh đi đi, truyền chỉ Võ Đơn bảo anh ta đưa khanh vào cung Chung Túy”.

Cao Sĩ Kỳ vội vàng lui ra ngoài đến Long Đình đi tìm Võ Đơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3